Bài 1 Bài 2 Bài 3 Bài 4 Bài 5 Bài 6 Bài 7 Bài 8 |
Bài 9 Bài 10 Bài 11 Bài 12 Bài 13 Bài 14 Bài 15 Bài 16 |
Bài 17 Bài 18 Bài 19 Bài 20 Bài 21 Bài 22 Bài 23 Bài 24 |
Bài 25 Bài 26 Bài 27 Bài 28 Bài 29 Bài 30 Bài 31 Bài 32 |
Lm. HUỲNH SAN, Australia
Nguồn: thanhlinh.net
LỜI GIỚI THIỆU
Các bạn Giáo Lý Viên thân mến,
Được làm Giáo Lý Viên là một hồng ân Chúa Thánh Thân ban cho chúng ta để được góp phần mình một cách tích cực hơn trong việc xây dựng nước Chúa.
Tuy nhiên khi bắt tay vào việc, hẳn các bạn không khỏi băn khoăn với các vấn đề được đặt ra “Phải dạy Giáo Lý như thế nào ?”, “Làm sao để cho tổ chức giờ Giáo Lý cho tốt ?”, “Bằng cách nào để dạy Giáo Lý cho hiệu quả nhất ?”, “Làm sao giữ trật tự các em trong lớp ?”, “Làm sao cho các em thích thú học tập ?”... và còn vô số những câu hỏi “làm sao” và “như thế nào” nảy sinh trong quá trình dạy Giáo Lý của chúng ta.
Chúng tôi xin giới thiệu bạn quyển sách bạn cầm trong tay có tựa đề “How to be a better catechist” mà chúng tôi tạm dịch là “Để dạy Giáo Lý hữu hiệu hơn”. Đây là tổng hợp một số câu trả lời và hướng giải quyết những khó khăn, bức xúc mà dù ở bất cứ hoàn cảnh hay môi trường giảng dạy nào, người Giáo Lý Viên cũng có thể gặp phải.
Chúng tôi cố gắng biên dịch cuốn sách này như là để chia sẻ, đồng cảm và khích lệ các bạn trong công tác dạy Giáo Lý của mình. Đây là một công trình đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều Linh Mục, Tu Sĩ, và các Giáo Lý Viên lão luyện. Hy vọng nó sẽ là người bạn tốt, luôn đồng hành và sẵn sàng giúp các bạn khắc phục được phần nào những khó khăn bạn gặp phải khi dạy Giáo Lý cũng như mở ra cho các bạn những cách thức dạy Giáo Lý sinh động và hữu hiệu.
Nhiều điều được gợi ý trong sách này có thể xem ra còn xa lạ, hoặc ngoài điều kiện và khả năng của một số bạn, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa. Xin các bạn đừng cho đó là viễn vông, không thực tế mà hãy xem đó là đường hướng các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng và có lẽ một ngày không xa, chúng ta cũng sẽ phải áp dụng nó cho các học sinh của mình. Vì được biết trước những diễn tiến như thế, chúng ta sẽ biết vận dụng – khi hoàn cảnh cho phép – những phương tiện của thế giới hiện đại để áp dụng nó trong việc dạy Giáo Lý cho có hiệu quả. Từ đó bạn sẽ thấy được tiếp cận với một số phương thức mới để giúp các em sống Đức Tin trong mọi hoàn cảnh sống. Rồi chính bạn sẽ vô cùng thích thú khi thấy việc dạy Giáo Lý giúp bạn trau dồi bản thân và làm cho đời mình được phong phú hơn.
Mến chúc bạn – với ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần – ngày càng tiến sâu hơn nữa trong ơn gọi Giáo Lý Viên... Mời bạn sang trang...
Nhóm Huấn giáo ABC
LỜI MỞ ĐẦU
Từ hơn ba mươi năm qua, chúng tôi đã gặp hàng ngàn “thầy cô dạy kinh bổn”, “thầy cô dạy đạo” và “Giáo Lý Viên”. Chúng tôi cũng có may mắn được học hỏi và làm việc với những chuyên viên Giáo Lý thuộc nhiều thế hệ và nhiều quốc gia.
Chúng tôi cũng còn tiếp tục học được rất nhiều từ nơi hàng trăm trẻ em mà chúng tôi đã dạy với tư cách Giáo Lý Viên tình nguyện tại Giáo Xứ của mình cũng như tại các Giáo Xứ lân cận, và chúng tôi cũng học được nhiều từ nơi cha mẹ các em nữa. Suốt thời gian trên, các Giáo Lý Viên thường nêu cho chúng tôi nhiều câu hỏi, và chính chúng tôi cũng tự hỏi nhau và hỏi người khác những câu hỏi tương tự. Một số câu hỏi này năm nào cũng thấy được đặt ra.
Từ năm 1987, chúng tôi đã trả lời một số câu hỏi thường gặp hơn trong mục “Những thắc mắc của Giáo Lý Viên”, một mục thường xuyên và rất được ưa thích trên nguyệt san “Giao lưu Giáo Lý Viên”.
Nhiều câu hỏi và trả lời trong tập sách này được đăng trong mục đó. Tất cả đã được in lại trong tập này như một đúc kết và được sắp xếp theo một thứ tự hợp lý hơn, để tiện cho việc đọc trực tiếp cũng như cho các chương trình đào tạo Giáo Lý Viên.
Chúng tôi hy vọng tập sách “Để dạy Giáo Lý hữu hiệu hơn” sẽ giúp ích cho từng Giáo Lý Viên khi gặp phải những tình huống mới và những câu hỏi mới. Các bạn có thể đọc các chương trong tập này trước hay sau tùy ý và tùy nhu cầu của các bạn. Chúng tôi cố gắng trình bày hết sức thực tiễn để các bạn có thể đọc. Tập sách này được viết ra cũng để tỏ lòng tri ân tới biết bao người đã chia sẽ đức tin và kiến thức cho chúng tôi. Chúng tôi muốn chuyển giao lại cho các bạn Giáo Lý Viên những gì mà biết bao người khác đã ưu ái chia sẻ cho chúng tôi, cộng thêm một số kinh nghiệm riêng chúng tôi học được qua những thành công và thất bại của chính chúng tôi.
Cách riêng, chúng tôi muốn ghi ơn bà Jean-Maria Herberger, chủ bút nguyệt san “Giao lưu giáo viên” và chồng bà là ông Robert Heyer, tổng biên tập của tủ sách “Sheet & Ward Books”. Cám ơn hai vị đã khích lệ chúng tôi viết mục “Những thắc mắc của người Giáo Lý Viên trên nguyệt san cũng như quyển sách này, “Để dạy Giáo Lý hữu hiệu hơn”.
BÀI 1: THẾ NÀO MỚI THỰC SỰ LÀ DẠY GIÁO LÝ ?
“Tôi đã dạy kinh sách cho các em từ nhiều năm và nghĩ rằng mình nắm vững công việc của mình. Thế nhưng vừa qua, khi mới về nhận chức, cha xứ đã gặp chúng tôi và bảo không nên dừng lại ở vai trò những ông bà quản lý dạy kinh bổn, mà phải là những Giáo Lý Viên. Ngài nhấn mạnh rằng việc chúng tôi đang làm không phải là “giáo dục tôn giáo” nhưng là “dạy Giáo Lý”. Vậy thế nào mới là dạy Giáo Lý ?
Nhiều người vẫn lẫn lộn giữa việc “giáo dục tôn giáo’ và “dạy Giáo Lý”. Về mặt lý thuyết, chúng tôi không dám qua mặt cha xứ mới của bạn trong việc xác định vai trò và công việc của bạn đang làm. Tuy nhiên Ngài đã cố gắng nêu bật một điểm rất cốt yếu và quan trọng.
Mấy tiếng “giáo dục tôn giáo” gợi lên một “khung cảnh nhà trường” nhằm dạy dỗ người ta ngày càng hiểu biết Đức Tin của người Công Giáo. Khung cảnh này làm ta nghĩ ngay đến hệ thống trường lớp, phòng ốc, sách giáo khoa, các thầy cô giáo, phương tiện nghe nhìn, bài thi, bài làm. Đó là cách thức giáo dục đức tin thông thường xưa nay cho trẻ em, thanh niên và người lớn.
Còn “dạy Giáo Lý” muốn nói đến một “khung cảnh nhà thờ” nhằm giúp cho giáo dân sống trưởng thành Đức Tin. Từ sau Công Đồng Va-ti-can II, công việc này được nhấn mạnh trong các khóa huấn luyện Giáo Lý các cấp cũng như trong các lớp Giáo Lý của các Giáo Xứ.
1. DẠY GIÁO LÝ NHƯ MỘT TÁC VỤ:
Sau Công Đồng Va-ti-can II, sách “Chỉ nam Giáo Lý tổng quát” mô tả việc dạy Giáo Lý như là một hoạt động của Giáo Hội nhằm “dẫn đưa cộng đoàn tín hữu và từng cá nhân đạt tới đời sống trưởng thành đức tin” ( số 21 ). Như vậy, dạy Giáo Lý là một hoạt động mục vụ hơn là giáo dục, một tác vụ nghề nghiệp hay công việc. Bối cảnh của việc dạy Giáo Lý là Giáo Xứ hoặc cộng đoàn Đức Tin, chứ không phải là trường lớp hoặc chương trình tôn giáo hàng tuần.
Điều đó có nghĩa là gì ? Nghĩa là Giáo Lý Viên chúng ta tiếp tục sứ vụ của Chúa Giê-su. Mối quan tâm hàng đầu của Chúa Giê-su là làm cho Nước Chúa được trị đến – nghĩa là Ngài muốn đem sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa biến đổi trái tim và cuộc sống của con người. Để Nước Chúa được trị đến, Chúa Giê-su đã cầu nguyện, dạy dỗ, chữa bệnh, quy tụ quanh Ngài một nhóm môn đệ. Sứ vụ của Ngài được xem như sứ vụ của tư tế, ngôn sứ, và vươn đế phục vụ.
Ngày nay, Giáo Hội vẫn tin tưởng Chúa Ki-tô Phục Sinh đang tiếp tục công việc của Ngài nơi các môn đệ qua ba tác vụ chính của Giáo Hội: Phụng vụ, Lời Chúa, và Phục vụ.
Dạy Giáo Lý thuộc về tác vụ thứ hai: tác vụ Lời Chúa, cùng với việc “Phúc âm hóa” ( dẫn đưa người không tin về với niềm tin ), “giảng dạy” ( giảng Lời Chúa khi cử hành Phụng Vụ ), “Thần học” ( trình bày và suy tư Lời Chúa một cách hệ thống và khoa học ).
Vì thuộc về tác vụ Lời Chúa, việc dạy Giáo Lý công bố và giảng giải Lời Chúa để tín hữu tăng trưởng đời sống Đức Tin của mình. Khi cảm nhận và hiểu được điều đó, bạn sẽ thấy việc dạy Giáo Lý vừa phong phú hơn vừa mang nhiều thách đố hơn việc “dạy kinh bổn”.
2. DẠY GIÁO LÝ THUỘC VỀ TÁC VỤ LỜI CHÚA:
Với tác vụ Lời Chúa trong cộng đoàn Giáo Hội, việc dạy Giáo Lý được liên kết mật thiết với tác vụ Phụng Vụ và Phục Vụ ( trong đó bao gồm tác vụ xây dựng cộng đoàn ).
Như vậy Giáo Lý Viên có bốn nhiệm vụ căn bản:
- Loan báo sứ điệp của Chúa Ki-tô
- Tham gia phát triển cộng đoàn
- Hướng dẫn người ta thờ phượng và cầu nguyện
- Thức đẩy tinh thần phục vụ nhau
Bốn nhiệm vụ này không thể thiếu trong đời sống cộng đoàn tín hữu trong Giáo Xứ. Chúng bao gồm việc liên kết việc dạy Giáo Lý với việc phục vụ, với việc xây dựng cộng đoàn, và với việc phục vụ hoặc hoạt động xã hội của Giáo Xứ.
Là những Giáo Lý Viên, chúng ta cần ghi nhớ bốn nhiệm vụ sau đây:
3. BỐN NHIỆM VỤ CỦA GIÁO LÝ VIÊN:
Loan báo: là công việc hiển nhiên nhất trong bốn nhiệm vụ. Chúng ta có trách nhiệm loan báo Lời Chúa, đã nhập thể trong Đức Giê-su Ki-tô, và giảng dạy những niềm tin căn bản cũng như truyền thống của Giáo Hội.
Phát triển cộng đoàn: công việc này ngày nay trở nên quan trọng hơn trong Giáo Xứ. Nhiệm vụ này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải liên kết những người chúng ta dạy dỗ vào một cộng đoàn biết quan tâm và tin tưởng nhau đồng thời hướng tới những cộng đoàn Giáo Hội và thế giới rộng lớn hơn.
Phụng vụ: Nhiệm vụ thứ ba này thúc đẩy chúng ta giúp các em biết cầu nguyện trong giờ Giáo Lý, và có đời sống cầu nguyện nhất là khi tham dự Phụng Vụ.
Phục vụ: công việc này là thách đố lớn nhất, đòi hỏi chúng ta khích lệ và hướng dẫn các em biết gặp gỡ, cảm thông với những người đang đau khổ và tích cực hơn trong việc xây dựng hòa bình và công bằng xã hội.
Chúng tôi hy vọng đã làm sáng tỏ phần nào ý nghĩa “việc dạy Giáo Lý” và hy vọng các bạn sẽ đào sâu ý nghĩa khi thấy rõ mục tiêu Giáo Lý và cảm thấy vinh dự vì được chia sẻ tác vụ của Chúa Ki-tô với tính cách Giáo Lý Viên.
BÀI 2: PHẬN VỤ CỦA NGƯỜI GIÁO LÝ VIÊN
“Trước đây vì chưa bao dạy Giáo Lý, nên tôi cảm thấy lúng túng và không biết phải bắt đầu thế nào. Tôi đã hỏi han các bạn khác, nhưng họ trả lời không giống nhau. Tôi phải làm gì để làm tốt công việc của người Giáo Lý Viên ?”
Muốn là Giáo Lý Viên giỏi đương nhiên phải cố gắng, nhưng không đến nỗi phải “quá sức” đâu. Rất nhiều người giống như bạn, đã dần dà có được kinh nghiệm và coi đó như phần thưởng quý báu nhất trong cuộc đời mình.
Câu hỏi của bạn đã đi vào trọng tâm vấn đề Giáo Lý. Những tài liệu của Công Đồng Vatican II vào đầu thập niên 1960 đã đề ra một số mục tiêu cơ bản cho vai trò của Giáo Lý Viên. Đó là:
“Giáo Lý Viên được mời gọi để giúp cho những người khác sống trưởng thành Đức Tin. Những người khác ở đây có thể là các em thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, giới trưởng thành – từ cá nhân đến cộng đoàn.”
Đức Tin ở đây phải hiểu là lời đáp trả trọn vẹn của con người đối với Thiên Chúa và Lời của Ngài bằng cả trí khôn, tình cảm, cả linh hồn và thân xác. Vì đức tin bao gồm toàn thể nhân cách con người và được biểu lộ trong hành động và lối sống nên chúng ta có thể xác định phận vụ của người Giáo Lý Viên là: “Chúng ta được mời gọi để giúp người khác sống đời sống Ki-tô hữu”.
Đây cũng là ước vọng của các bậc cha mẹ khi cho con cái đi học Giáo Lý và cũng chính là kỳ vọng của họ đối với những chương trình giáo dục tôn giáo dành cho giới trưởng thành.
BỐN CHIỀU KÍCH CĂN BẢN
Chúng ta tạm chia vấn đề này thành bốn chiều kích chủ yếu được rút ra từ ý nghĩa phong phú của Đức Tin trong Kinh Thánh và trong truyền thống Giáo Hội.
1. CHIA SẺ TRUYỀN THỐNG CÔNG GIÁO
Đức Tin và đời sống Công Giáo được hình thành qua kinh nghiệm của 40 thế kỷ Do Thái Ki-tô Giáo. Việc lưu trữ và diễn tả gia sản Đức Tin phong phú này được tìm thấy trong Kinh Thánh, Phụng tự, Giáo Luật, giáo huấn chính thức và ngay cả trong đời thường của người tín hữu. Truyền thông Đức Tin đã đâm rễ sâu trong cảm nghiệm con người và tiếp tuc phát triển khi cảm nghiệm đó lan rộng. Các em học Giáo Lý được quyền học hỏi những yếu tố của truyền thống này tùy theo lứa tuổi, chẳng hạn: một số sự kiện Kinh Thánh, những câu chuyện, những lời nguyện, những nghi lễ, những giáo huấn luân lý, tín lý và cả những mẫu gương sống Đức Tin tuyệt vời được tuyển chọn.
Trong thực tế, bạn sẽ tìm thấy những truyền thống trên trong các tài liệu Giáo Lý, hoặc những sách báo Công Giáo. Càng biết nhiều tài liệu phong phú và hoàn chỉnh, bạn càng thấy rõ điều mình dạy và có thể lập những dàn bài chi tiết hữu hiệu cho việc giảng dạy. Ngày nay, những thủ bản Giáo Lý tương đối hoàn chỉnh sẽ giúp bạn nắm vững những điều chính yếu phải giảng dạy và cung cấp cho bạn những dàn bài chi tiết.
2. KHÁM PHÁ Ý NGHĨA
Nội dung truyền thống bạn giảng sẽ soi sáng cho các em biết cách nhận thức, đối chiếu và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Truyền thống Công Giáo đó mang lại cho các em một đời sống có ý nghĩa.
Các sách Giáo Lý ngày nay được soạn thảo để quy chiếu những câu chuyện Kinh Thánh, lễ nghi Phụng Tự, bồi dưỡng Đức Tin, Hạnh các Thánh vào đời sống các em và soi dẫn vào sách Giáo Lý làm nền tảng cho các phương pháp hoạt động của bạn.
Luôn nhớ rằng “ý nghĩa” không phải là công thức trừu tượng nhưng là một sự cảm nhận cá nhân. Là Giáo Lý Viên, cách tốt nhất để giúp các em khám phá ra ý nghĩa sâu xa của cuộc sống chính là chia sẻ cảm nghiệm bản thân của bạn để các thấy Kinh Thánh, giáo huấn hay sự cầu nguyện đã giúp bạn tìm thấy ý nghĩa cuộc đời bạn như thế nào.
3. KHÁM PHÁ MỘT LỐI SỐNG
Ngày nay, một trong những thách đố lớn nhất đối với người trẻ cũng như người già, đó là làm sao tìm được một lối sống trong một thế giới phức tạp, đầy kích động, hỗn độn và luôn bị đe dọa.
Các sách Giáo Lý sẽ cung cấp chi tiết cho bạn những cách liên kết truyền thống Ki-tô Giáo với lối sống hiện tại. Tuy nhiên, vẫn phải thành thật nhận rằng, một lối sống sáng tạo, hạnh phúc, đầy tin tưởng được học hỏi từ nơi con người hơn là từ sách vở. Khi thấy bạn có một lối xử thế giống Đức Ki-tô và thấy bạn có nhiều kinh nghiệm sống, các em sẽ bị thu hút đến một lối sống Công Giáo tuyệt hảo nhất.
4. ĐI SÂU VÀO MỐI TƯƠNG QUAN
Cuối cùng, việc khám phá ra ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và tìm ra một lối sống Đức Tin trọn vẹn phải dựa vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta gặp trong Đức Ki-tô. Vì thế, trách nhiệm cơ bản nhất của Giáo Lý Viên là giúp các em nhận biết và yêu mến Đức Giê-su Ki-tô.
Đức Tin chủ yếu là tín thác, dâng hiến, dấn thân và yêu mến. Chính mối tương quan với Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô mạc khải cho chúng ta đời sống phải như thế nào và chúng ta phải sống làm sao cho có ý nghĩa.
Với trách nhiệm của Giáo Lý Viên, bạn phải chia sẻ với các em về tình yêu mến Chúa Ki-tô của bạn, để chính các em biết và yêu mến Ngài hơn. Bạn phải chia sẻ với các em về một Đấng vừa là Bạn và cũng là Chúa của bạn.
Tóm kết: theo thứ tự 4 ưu tiên, 4 chiều kích Đức Tin trên được đảo ngược thành: tương quan, tìm một lối sống, khám phá ý nghĩa và gắn liền với truyền thống. Sau cùng xin chúc bạn: “Luôn là một Ki-tô thứ hai cho các em”.
“Tôi vẫn nghĩ rằng mình đang dạy những điều Giáo Lý cơ bản, nhưng phụ huynh và ngay cả một số Giáo Lý Viên nhắc nhở rằng tôi chỉ có nói đến yêu thương, bác ái... Như thế có nghĩa là tôi dạy chẳng có nội dung gì cả. Vậy tôi phải dạy những gì ?
Vấn đề của bạn cũng là vấn đề chung của các Giáo Lý Viên. Trước đây người ta thường trả lời đơn giản: muốn dạy giaó lý hãy dạy những gì có trong sách Giáo Lý như Kinh Tin Kính, mười điều răn, bảy Bí Tích, các kinh đọc. Nhưng ngày nay, câu trả lời dù có vắn tắt cũng phức tạp hơn nhiều, bởi vì nội dung Giáo Lý thì phong phú hơn nhiều so với các văn bản Giáo Lý
1. PHÂN LOẠI NỘI DUNG:
Trong Giáo Lý có nhiều loại nội dung. Chẳng hạn có nội dung tiệm tiến ( vd: cầu nguyện tự phát ) và nội dung nền tảng ( vd: các kinh truyền thống của Giáo Hội ). Thứ đến có nội dung tâm tình ( vd: tâm tình tin tưởng và phó thác ), và nội dung nhận thức ( vd: câu chuyện niềm tin của Áp-ra-ham, lòng thương xót của Chúa Giê-su ). Và cũng còn có nội dung không lời ( vd: cảm nhận tình yêu thương ), và nội dung bằng lời ( vd: diễn tả Thiên Chúa tình yêu ).
Tất cả những loại nội dung này đều liên quan đến những điều chúng ta giảng dạy. Chúng ta dạy cho các em học cầu nguyện bằng cách tập cho chúng cầu nguyện, chứng kiến chúng ta cầu nguyện cũng như giúp chúng thuộc lòng những kinh của Giáo Hội. Các em học biết Thiên Chúa là Tình Yêu nhờ tình yêu chân thành của ta đối với chúng cũng như những lời Kinh Thánh nói về Tình Yêu mà chúng ta trích dẫn.
2. NỘI DUNG LÀ LỜI CHÚA:
Với cái nhìn phong phú như thế, chúng ta có thể thấy rõ hơn nội dung Giáo Lý. Giáo Hội nhấn mạnh: “Nguồn mạch Giáo Lý và nội dung Giáo Lý là một: đó là Lời Chúa, được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô”. Như vậy, điều chúng ta dạy chính là Lời Chúa, mà Lời Chúa thì phong phú hơn từ ngữ.
Để giảng dạy Lời Chúa đòi buộc chúng ta phải mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Chỉ có như thế, chúng ta mới làm Lời Chúa được vang lên. Vậy chúng ta nghe Lời Chúa ở đâu ? Và Lời Chúa nói với chúng ta ở đâu ?
3. NHỮNG DẤU CHÍ LỜI CHÚA:
Từ những năm 1950, các nhà chuyên môn đã nhấn mạnh rằng: Lời Chúa đến với chúng ta qua các dấu chỉ. Những dấu chỉ này như một thứ ngôn ngữ giúp ta nghe được Lời Chúa.
Qua nhiều năm, họ nhận được ra bốn loại dấu chỉ của Lời Chúa: dấu chỉ thiên nhiên, Kinh Thánh, Phụng Vụ và Giáo Hội. Bốn loại này tạo nên nội dung phong phú của Giáo Lý.
a. Dấu chỉ thiên nhiên:
Những dấu chỉ thiên nhiên của Lời Chúa luôn có chung quanh chúng ta vì Thiên Chúa luôn ở với chúng ta mọi nơi và mọi lúc và Chúa Ki-tô Phục Sinh làm phong phú mọi sinh hoạt của con người. Chẳng hạn như một bữa ăn gia đình, một sự kỳ diệu của thiên nhiên như: con bướm, trận động đất, một biến cố chính trị, một lời nói hay một cử chỉ thân thiện, một ổ bánh mì hay một ly rượu, một thành quả khoa học kỹ thuật như máy vi tính, một bức tranh tuyệt đẹp, một bài hát hay... tất cả các điều trên đều có thể là những dấu chỉ Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta. Tất cả cuộc sống là bí tích, mỗi bụi gai có thể là “bụi gai đang bừng cháy”. Đó là lý do mà sách Giáo Lý ngày nay nói đến tất cả kinh nghiệm sống của con người.
b. Dấu chỉ Kinh Thánh:
Kinh Thánh là một dấu chỉ rất đặc biệt của Lời Chúa. Qua Kinh Thánh, điều mà Thiên Chúa ngỏ lời với dân Ngài trong quá khứ cũng chính là điều Thiên Chúa nói với chúng ta hôm nay. Nhờ Kinh Thánh chúng ta biết được những hình thức tuyệt diệu Thiên Chúa nói với nhân loại. Và qua bao thế kỷ, chúng ta có thể học biết được những đề tài chủ yếu của Lời Chúa. Kinh Thánh mạc khải ý muốn trường cửu của Thiên Chúa cho con người. Vậy, Giáo Lý Viên cần phải hấp thụ nội dung Kinh Thánh dồi dào.
c. Dấu chỉ Phụng Vụ:
Nhờ việc cầu nguyện cá nhân và phụng tự cộng đoàn, chúng ta đi sâu vào sự hiệp thông với Thiên Chúa. Chúng ta lắng nghe Lời Chúa được công bố và diễn giải. Chúng ta nói, hát, hành động, đáp lại Lời Chúa. Các bí tích cử hành Lời Chúa cách sống động trong cộng đoàn Phụng Vụ và trong toàn bộ đời sống. Vì vậy nội dung Giáo Lý bao gồm Phụng Vụ, các Bí Tích, các Kinh Nguyện truyền thống, mùa Phụng Vụ, các Đại Lễ và các Á Bí Tích.
d. Dấu chỉ Giáo Hội:
Danh từ “Giáo Hội” gốc từ tiếng Hy Lạp và La-tinh có nghĩa là một cuộc tập họp. Ngoài Kinh Thánh và Phụng Vụ, Thiên Chúa cũng còn ngỏ lời qua những khía cạnh khác của đời sống Giáo Hội.
Những dấu chỉ của Giáo Hội quan trọng nhất là:
- Kinh Tin Kính và đạo lý
- Những nhân chứng và mẫu gương Ki-tô hữu trung thành
Thiên Chúa ngỏ lời qua giáo huấn chính thức của Giáo Hội như Kinh Tin Kính của các Tông Đồ, giáo huấn của các Công Đồng. Ngài cũng ngỏ lời qua đời sống của các tín hữu cũng như các Thánh.
Vì thế nội dung Giáo Lý cũng bao gồm những Giáo Huấn của Giáo Hội và đời sống gương mẫu của các Thánh và các chứng nhân Ki-tô hữu.
Trách nhiệm của Giáo Lý Viên, là dạy dỗ 4 dấu chỉ trên: Thiên nhiên, Kinh Thánh, Phụng Vụ, Giáo Hội. Tuy nhiên không phải dạy cùng một lúc và chỉ bằng lời nói.
Tới đây chúng ta đã đụng chạm đến trọng tâm của vấn đề. Nhưng nói cho cùng tất cả cũng chỉ xoay quanh vấn đề Tình Yêu thôi bạn ạ !
“Năm nay có nhiều sách Giáo Lý mới rất hay và đơn giản. Nhưng dường như các em lại không tiếp thu được những hướng sách đó đề ra. Có lẽ tôi cũng không hiểu được mục tiêu của các sách đó chăng ? Tôi phải làm gì bây giờ ?”
Các sách Giáo Lý mới ra hấp dẫn thật. Lối trình bày đơn giản theo tiến trình Giáo Lý như thế có mục đích giúp bạn tiện sử dụng trong lớp học. Nhưng đơn giản không có nghĩa là dễ dàng. Nếu bạn cố gắng theo sát tiến trình đó, lớp bạn sẽ không bị trệch hướng đâu.
1. TIẾN TRÌNH ĐƠN GIẢN CỦA GIÁO LÝ
Tiến trình đơn giản của Giáo Lý là liên kết kinh nghiệm sống của các em với truyền thống Đức Tin Công Giáo. Vì thế theo lối nói “dấu chỉ Giáo Lý” ( trình bày trong bài trước ), chính là nối kết giữa dấu chỉ thiêng nhiên ( kinh nghiệm sống ) với dấu chỉ Kinh Thánh, Phụng Vụ và Giáo Hội ( cả ba được coi là truyền thống Đức Tin Công Giáo ). Chẳng hạn: bài học về Thiên Chúa sáng tạo sẽ giúp các em liên kết kinh nghiệm những sáng kiến của mình với những câu chuyện Thiên Chúa sáng tạo trong Kinh Thánh.
Tiến trình diễn tả Đức Tin Công Giáo muốn nói lên rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta trong những kinh nghiệm sống hằng ngày cũng như trong Giáo Hội qua những giáo huấn và lễ nghi. Kinh nghiệm cuộc sống giúp chúng ta hiểu biết sâu xa và trân trọng hơn những lễ nghi và giáo huấn của Giáo Hội. Ngược lại các giáo huấn và lễ nghi làm sáng tỏ hơn ý nghĩa sâu xa của các kinh nghiệm này.
Sách Giáo Lý trình bày những bố cục bài học để giúp bạn triển khai tiến trình đơn giản nêu trên. Bản văn sẽ cung cấp cho bạn những thành phấn chính yếu: chẳng hạn bạn muốn dạy một kinh nghiệm sống ( vd: tự do ) liên quan đến các em, thì một câu chuyện Kinh Thánh ( vd: câu chuyện Xuất Hành ), một nghi thức Phụng Vụ ( vd: Bí Tích Rửa Tội ), một giáo huấn Tín Lý ( vd: Ơn Cứu Độ ), hoặc một gương mẫu sống thánh thiện ( vd: Thánh Đa Minh ), tất cả đều liên quan đến kinh nghiệm đời sống đó.
2. GIÚP CÁC EM “ĐỘNG NÃO”
Về phần bạn, là Giáo Lý Viên, bạn phải làm sao để tiến trình đó tác động đến các em ? Chúng tôi đề nghị 4 phương thức học tập để giúp bạn dễ dàng hướng dẫn các em đi vào chiều sâu hơn là chỉ hời hợt bên ngoài.
a. Suy nghĩ:
Mời gọi và thúc đẩy để các em suy nghĩ, đào sâu, khám phá, nhận định, một cách nghiêm túc về cả hai mặt: kinh nghiệm cuộc sống và truyền thống Công Giáo liên quan đến kinh nghiệm đó. Đừng làm việc cách hời hợt thoáng qua. Bạn phải cố gắng phát triển những kỹ năng của các em bằng cách đặt câu hỏi. Hãy lựa chọn và xác định công việc nào mang tính cách tư duy, bàn luận hơn. Hãy khuyến khích các em sáng tạo. Và hãy đặt nặng vào sự suy nghĩ sáng tạo của các em hơn là việc các em trả lời thuộc lòng như con vẹt.
Tiếp đó là những kỹ năng như vẽ, sáng tác hoạt cảnh, kịch, thơ văn, truyện, tranh, ảnh, nhạc phim, ca múa... đó là những tiềm năng phong phú giúp các bạn và các em suy nghĩ đúng đắn về những kinh nghiệm thông thường trong và ngoài nhà thờ.
b. Đối thoại:
Suy nghĩ cá nhân có thể thôi thúc bạn và các em chia sẻ hoặc đối thoại với nhau. Ngược lại đối thoại có thể làm cho sự suy nghĩ của bạn thêm phong phú. Hãy tìm cách khuyến khích việc chia sẻ chân thành giữa các em cũng như giữa bạn bè các em. Những hiểu biết cá nhân có thể làm phong phú cho tập thể, và những câu hỏi của người này khai mở vấn nạn và trả lời của những người khác. Tuy nhiên, sự chia sẻ chân thành chỉ có thể có được nếu như bạn đã khổ công tạo được bầu khí cảm thông và tin tưởng lẫn nhau trong lớp bạn.
Để tạo được bầu khí đó, cần khuyến khích chia sẻ chân thành qua loại sinh hoạt tương tự chúng tôi đã gợi ý ở trên. Chẳng hạn một bức hình đẹp hoặc một tác phẩm nghệ thuật Thánh, có thể làm nảy sinh những suy nghĩ và tình cảm khác nơi mọi thành phần trong lớp và tạo thành một cuộc đối thoại sôi nổi.
c. Cầu nguyện:
Trách nhiệm của Giáo Lý Viên không chỉ là giúp các em hiểu biết nhiều về cuộc sống và về Thiên Chúa, nhưng còn là để giúp các em nhận biết Thiên Chúa và phát triển môi tương quan cá nhân với Chúa Ki-tô.
Phải có một hình thức cầu nguyện nào đó trong mỗi lớp học. Lời cầu nguyện lý tưởng nhất được rút ra từ kinh nghiệm cuộc sống dựa trên truyền thống kinh nghiệm phong phú của Giáo Hội.
Cầu nguyện có thể là im lặng hay phát ra thành tiếng, là riêng tư hay tập thể. Cũng có thể là cầu nguyện tự phát hay theo kinh nguyện truyền thống của Giáo Hội. Đồng thời, để hỗ trợ cho việc cầu nguyện, chúng ta có thể giúp các em cầu nguyện với hình ảnh, nghệ thuật thánh, bằng việc viết những lời kinh hoặc bài thánh thi, thánh ca hay bằng những cử điệu, những vũ khúc và bằng cả những cuộc rước nữa. Các Thánh vịnh cũng là nguồn mạch phong phú của lời cầu nguyện.
d. Hành động:
Giáo Lý phải thực sự tác động lên cách sống của chúng ta. Thiên Chúa mời gọi con người đáp trả, dấn thân không ngừng hoán cải. Vì thế chúng ta không dạy một triết lý về cuộc sống nhưng là dạy một con đường sống. Hành động có liên quan đến kinh nghiệm sống được trình bày trong bài học, chỉ được làm sáng tỏ khi liên kết với truyền thống Đức Tin Công Giáo.
Nhiều hoạt động có thể giúp các em đạt được những thành tựu tốt đẹp cho cuộc đời, chẳng hạn: viết báo, vẽ quảng cáo, sáng tạo nghệ thuật, dấn thân vào những chương trình phục vụ hoặc những hoạt động về công lý và hòa bình.
Mọi quyết định và mọi hành động như thế phải được thực hiện cách tự do chứ không do bị áp lực bên ngoài nào và cũng không được đi đến chỗ thái quá.
KẾT LUẬN:
Nếu như bạn tin tưởng vào các bộ sách Giáo Lý Công Giáo và hướng dẫn các em đi theo 4 tiến trình trên, hy vọng lớp của bạn ngày càng sinh động và thể hiện rõ nét những điều được trình bạy trong các sách Giáo Lý. Các em sẽ tiếp thu thiết thực hơn.
BÀI 5: XÂY DỰNG BẦU KHÍ CỘNG ĐOÀN
“Được làm Giáo Lý Viên quả là điều sung sướng. Tôi thiết nghĩ mình đang làm một công việc tốt, nhưng vẫn có một điều gì đó chưa ổn thỏa. Các học sinh tôi khá giỏi, nhưng dường như chúng lại không thể cộng tác với nhau được. Chúng thiếu đoàn kết và luôn cạnh tranh với nhau. Tôi có thể làm cách nào để liên kết chúng học tập chung với nhau ?”
Chúng ta phải thường xuyên đương đầu với vấn đề này vì các lớp học ngày nay có khuynh hướng theo trào lưu văn hóa hiện tại đề cao thành quả cá nhân trong bầu khí ganh đua triệt để.
1. DẠY GIÁO LÝ VÀ CỘNG ĐOÀN:
Một trong những thách đố lớn nhất của Giáo Lý Viên là làm sao tạo được sự quân bình giữa các thành đạt của cá nhân khi thi đua học tập với hình thức hợp tác học tập chung với nhau.
Ở đây chúng ta cần nhắc lại 1 trong 4 trách nhiệm chính yếu của Giáo Lý Viên đó là phát triển cộng đoàn.
Theo Thánh Phao-lô, điều quan trọng của việc dạy Giáo Lý là xây dựng phát triển cộng đoàn. Ngài viết rằng: “Chúng ta những người theo Chúa Giê-su thì hợp thành một thân thể trong đó các chi thể được chia sẻ các ân huệ khác nhau trong cùng một Thánh Thần” ( 1 Cr, 12 ). “Các phần tử lãnh nhận ân huệ là để xây dựng nhiệm thể của Đức Ki-tô”.(Ep 4, 12 )
Thiên Chúa nói và Thánh Thần hoạt động trong mỗi chi thể của Giáo Hội và trong từng người học Giáo Lý.
Qua kinh nghiệm học tập và dạy dỗ, chúng ta cần tạo cho cả lớp tinh thần tích cực, biết chia sẻ kiến thức và những kinh nghiệm với nhau, nhờ đó chúng ta mới có thể thấu hiểu những sắc thái quan trọng của Lời Chúa ngỏ với tất cả chúng ta.
2. XÂY DỰNG CỘNG ĐOÀN:
Để lắng nghe được tiếng Chúa và để cho Thánh Thần hoạt động, chúng ta phải nỗ lực hơn trong việc nuôi dưỡng ý thức cộng đoàn trong lớp. Sau đây là một vài đường lối xây dựng cộng đoàn.
a. Ý thức cộng đoàn:
Điều quan trọng nhất chính là thái độ của chúng ta. Chúng ta cần cố gắng đạt tới điểm cụ thể này: dù là người dạy, ta cũng còn phải học từ nơi người khác. Mọi người phải dạy dỗ học hỏi lẫn nhau. Chúng ta cần có thái độ trân trọng đối với tiềm năng của những người dạy dỗ và học hỏi khi họ làm việc chung với nhau.
b. Làm quen:
Trước hết nên dành thời gian đầu niên học để biết tên các em, và giúp các em làm quen với nhau. Khởi đầu là học thuộc tên tuổi nhau và kể cho nhau những sở thích, những người thân quen, những đồ vật, những trò chơi, chương trình TV, âm nhạc... mà các em thích.
Tiếp theo đó là cùng với các em chia sẻ những thú vui giải trí. Có thể là cùng lắng nghe và bàn bạc với nhau về một bản nhạc mà mọi người ưa thích hoặc tạo ra một công việc nào đó cùng làm với nhau nhằm tạo nên sự hiểu biết thông cảm, để tin tưởng quan tâm với nhau, góp phần xây dựng cộng đoàn.
Trong năm học, chúng ta nên dành ít phút trò chuyện thân mật với các em về kinh nghiệm học tập và những biến cố đang xảy ra.
c. Tổ chức lễ lạc và tạo bầu khí vui tươi:
Bầu khí vui tươi là yếu tố xây dựng cộng đoàn. Chúng ta cố gắng tạo dịp mừng sinh nhật, quan thầy, và các thành quả của các em. Chúng ta vui vẻ tểu táo hết mình. Chúng ta đem vào lớp những điểu các em vui thích chẳng hạn một tình tiết ngạc nhiên, câu chuyện khôi hài, những món quà bất ngờ, bài hát hay trò chơi được ưa chuộng. Quan tâm đến cộng đoàn là điều quan trọng của chương trình Giáo Lý đấy.
3. PHÁT TRIỂN CỘNG ĐOÀN HỌC TẬP:
Mối liên hệ giữa người với người là bí quyết để phát triển một nhóm có thể học hỏi và dạy dỗ lẫn nhau – đó cũng là một cộng đoàn cùng học và cùng dạy nhau. Sau đây là một vài đường lối khuyến khích học tập chung:
a. Chia sẻ những thành quả công việc cá nhân:
Đơn giản nhất va cũng quan trọng nhất là làm sao để cho từng cá nhân chia sẻ công việc của mình với toàn nhóm. Trước tiên là nhấn mạnh điều các em phải lắng nghe nhau. Rồi cho các em dần dần nhận ra tài năng của nhau. Và sau đó giúp các em cùng bàn luận và hợp tác với nhau.
b. Sử dụng phương tiện truyền thông:
Phương tiện truyền thông giúp cho việc học tập của cộng đoàn chẳng hạn trình bày một bức tranh cho các em cùng xem xét học hỏi. Giúp các em tập trung và rồi lần lược từng em đưa ra quan điểm mới dựa trên cảm nghiệm bản thân mình. Chúng ta thấy cái nhìn của tập thể thì bao giờ cũng phong phú hơn bất cứ quan điểm cá nhân nào. Một khi các cá nhân trong nhóm thật sự cùng học hỏi nhau thì tạo nên một năng lục sáng tạo rất kỳ diệu.
c. Bàn thảo những kế hoạch chung:
Hãy giới thiệu những kế hoạch hoặc những hoạt động mà lớp có thể làm theo tổ hay cả lớp. Chẳng hạn yêu cầu lớp thực hiện một tờ báo về đề tài Chúa chịu tử nạn. Cử từng hai em hay nhiều hơn làm việc với nhau như là những chủ bút, chủ biên, phóng viên, họa sĩ... Tất cả cùng góp phần làm nên tờ báo.
Những kế hoạch hợp tác tương tự như cùng soạn một vở kịch, trình diễn một buổi văn nghệ, chiếu video, làm báo tường, bích chương... đóng sách, soạn bản nhạc, nắn tượng, đi du khảo, hoặc viết một bài tường thuật...
Có thể phân chia các em thành những nhóm lên chương trình, nhóm thực hiện, nhóm lượng giá... và làm những dự án như viếng thăm viện mồ côi, viện dưỡng lão, quyên góp giúp đỡ những người nghèo, hoặc thảo luận những vấn đề liên quan đến công lý hòa bình.
Chúng ta thấy những công việc mà các em có thể thực hiện một mình thì cũng có thể làm theo nhóm.
KẾT LUẬN:
Như vậy chìa khóa phát triển cộng đoàn cùng học, cùng dạy không gì hơn là một xác tín vào sức mạnh đặc biệt cộng đoàn gồm những cá nhân có năng khiếu cùng dạy, cùng học, cùng làm việc với nhau.
Bài 6: NHỮNG KINH NGHIỆM TRONG GIÁO LÝ
“Tôi không thích những sách Giáo Lý mới ra hiện nay vì đọc rất mất thì giờ. Theo tôi, với một số kinh nghiệm sống, tôi có thể rút ra những bài học thực tế hơn nhưng tôi cảm thấy hơi áy náy. Vậy có nên chăng ?”
Băn khoăn của bạn cũng là của nhiều bạn Giáo Lý Viên khác. Chúng ta biết rằng hầu hết các sách vở Giáo Lý dành cho trẻ em, thanh thiếu niên, giới trưởng thành một cách nào đó đã đào sâu những kinh nghiệm quan trọng của con người khi họ nghiên cứu Kinh Thánh, giáo huấn Giáo Hội, hay việc Phụng Vụ.
1. TẠI SAO LẠI NÓI ĐẾN KINH NGHIỆM HẰNG NGÀY ?
Bởi vì Thiên Chúa vẫn nói với chúng ta qua đời sống hằng ngày cũng như qua Giáo Hội. Đức Gio-an XXIII nhấn mạnh đến nhu cầu phải đọc những “dấu chỉ thời đại” để nhận thức điều Thiên Chúa nói với chúng ta. Ngài đã dùng ý tưởng “dấu chỉ thời đại” rút từ trong Tin Mừng ( Mt 16, 3 )
Để triển khai ý tưởng của Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII, Công đồng Vatican II dạy dân Chúa biết nhận thức ‘dấu chỉ chính xác về sự hiện diện và ý định cua Thiên Chúa trong các biến cố, những nhu cầu và những khát vọng mà con người cảm nghiệm khắp nơi”. Các kinh nghiệm cá nhân, hiện tượng thiên nhiên, biến cố xã hội, chính trị, những vấn nạn muôn thưở, những giá trị nền tảng, các vấn đề thời đại – đó là tất cả những điều mà sách Giáo Lý gọi là dấu chỉ thiên nhiên của Lời Chúa. Và vì thế nó cũng thuộc về nội dung Giáo Lý như Kinh Thánh, Phụng vụ, Giáo Hội là những dấu chỉ của Lời Chúa. Khi loại bỏ hay lướt qua phần kinh nghiệm trong Giáo Lý là chúng ta cắt xén tiến trình Giáo Lý nối tiếp truyền thống Giáo Lý với đời sống hằng ngày.
2. CHÚNG TA ỨNG DỤNG KINH NGHIỆM ĐỜI SỐNG NHƯ THẾ NÀO ?
Xét về tầm quan trọng của những kinh nghiệm sống con người trong Giáo Lý, chúng ta cần tìm kiếm những đường hướng có hiệu quả để giúp các em biết khám phá những gì đang xảy ra trong đời sống của chúng ta và đời sống của mọi người trên thế giới. Sau đây là những bước mà chúng tôi thấy là hữu ích:
a. Suy tư dựa trên kinh nghiệm riêng của bạn
Bước thực hành quan trọng nhất là xác tín của bạn vào truyền thống giáo huấn Giáo hội hướng dẫn chúng ta nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện và ngỏ lời với chúng ta trong những kinh nghiệm của đời sống hằng ngày.
Và rồi bạn hãy suy tu xem nơi và cách nào giúp bạn gặp Chúa tốt nhất, thời gian nào ảnh hưởng nhất đến mối tương giao của bạn với Thiên Chúa. Con người, công việc, cơ hội, tại nạn, sức khỏe tốt, xấu đã giúp bạn nhận thấy Thiên Chúa đang tác động nơi đời sống của mình như thế nào.
b. Xây dựng một bầu khí tin tưởng
Để mỗi người có thể chia sẻ một cách chân tình những kinh nghiệm của mình, cần giúp họ cảm thấy họ được kính trọng, được tin cậy và được yêu thương. Để giúp các em chia sẻ cảm nghiệm của chúng, cũng cần tạo bầu khí cảm thông và tin tưởng nhau. Bạn hãy làm tất cả những gì có thể để xây dựng tình thân mật giữa bạn với các em và giữa các em với nhau.
c. Giúp các em tự suy tư
Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là nói thao thao bất tận nào là giảng, nào là giải thích, nào là khuyên nhủ. Nhưng chúng ta lại không biết rằng còn có những hình thức khác thích hợp hơn cho nội dung cụ thể của Giáo Lý. Trong số đó có những cách đặc biệt sau:
· Cách đặt vấn đề. Đặt vấn đề khéo léo là chìa khóa có thể giúp các em chia sẻ, suy nghĩ, phán đoán có hiệu quả hơn. Trong bài 22 chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về cách thức này.
· Cách lắng nghe. Biết lắng nghe chăm chú, biết nhạy cảm bằng con tim cũng như đôi tai, bạn sẽ cảm thấy những năng lực biến đổi lạ thường. Ai chân thành lắng nghe thì làm cho người khác biết ý thức và biết chia sẻ nhưng kinh nghiệm phong phú của họ. Biết lắng nghe thì sẽ đón nhận những tình cảm, ý nghĩa và cả những lời nói mà đôi khi ngay cả người nói không cảm nhận được. Chúng ta có thể lắng nghe được từ nhiều điều các em viết, vẽ và những sinh hoạt sáng tạo khác của các em như những lời em nói ra. Chỉ cần một ít kỹ năng căn bản, chúng ta sẽ trở thành một Giáo Lý Viên hữu hiệu.
d. Khơi dậy những kinh nghiệm của các em
Những kinh nghiệm khám phá quan trọng nhất trong lớp học chính là những kinh nghiệm của các em.
Bạn có thể giúp các em khơi dậy những kinh nghiệm riêng tư bằng nhiều loại sinh hoạt, chẳng hạn như trình bày đơn giản về một kinh nghiệm, viết, vẽ, rồi thể hiện, hoặc diễn tả chúng bằng những hình thức nghệ thuật khác nhau.
e. Vận dụng kinh nghiệm của người khác
Để giúp các em đào sâu và mở rộng kinh nghiệm riêng cũng như biết suy tư cách sâu xa và nghiêm túc, bạn hãy chia sẻ cho các em những kinh nghiệm tương tự của những người khác.
Bạn hãy chia sẻ cho các em những kinh nghiệm riêng của bạn. Đây không phải chỉ là mở mang vốn kiến thức của các em nhưng còn là tạo mối thông cảm sâu xa giữa bạn với các em.
Thơ và truyện là những nguồn tuyệt vời để bạn có thể làm sáng tỏ và củng cố kinh nghiệm của các em.
Những tấm ảnh, những bức tranh và những hình thức nghệ thuật khác, phim ảnh, video, âm nhạc... tất cả đều là những phương tiện làm phong phú kinh nghiệm bản thân.
Các phương tiện truyền thông hiện đại cũng thế. Nhật báo, tạp chí... sẽ cung cấp cho bạn những thông tin, những câu chuyện, những chủ đề, những biếm họa, hình ảnh, quảng cáo. Chúng không chỉ mở mang vốn hiểu biết về những biến cố xảy ra trên thế giới, nhưng còn giúp đào sâu những kinh nghiệm chung của con người để các em chia sẻ theo tùy trình độ.
Trên đây là một vài gợi ý để giúp các bạn chu toàn trách nhiệm của mình trong việc dạy Giáo Lý.
“Ngoài những lúc dạy Giáo Lý, tôi còn dành nhiều thời giờ đọc Kinh Thánh nhưng lại không hiểu lắm. Tôi sợ không trả lời được câu hỏi của các em hoặc giải thích Kinh Thánh sai lầm. Tôi đang cần được hướng dẫn về Kinh Thánh”.
Nhiều bạn trong chúng ta lớn lên với một kiến thức giới hạn về Kinh Thánh. Bạn áy náy như thế là điều dễ hiệu bởi vì bây giờ Kinh Thánh là trọng tâm của việc dạy Giáo Lý. Tông huấn dạy Giáo Lý đã chỉ thị: Việc dạy Giáo Lý bao giờ cũng lấy nội dung ở nguồn mạch sống động là lời Chúa, thông truyền trong Kinh Thánh và Thánh truyền vì ca hai hợp thành một kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng Lời Chúa”. ( số 27 ) Là những dấu chỉ của Lời Chúa, Kinh Thánh là một phần quan trọng của nội dung Giáo Lý.
Rất may, hiện nay có nhiều đường hướng và vô số nguồn mạch hỗ trợ chúng ta học hỏi Kinh Thánh. Chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn một phương pháp cụ thể và một vài tài liệu. Điều quan trọng là bạn phải biết sử dụng Kinh Thánh. Chúng tôi đề nghị bạn hãy khởi đầu từ những câu chuyện Kinh Thánh thực tế và những trích dẫn bạn sẽ dạy. Điều này bạn có thể tìm thấy trong sách giáo khoa ( nên sử dụng các bài đọc của ngày Chúa Nhật ). Khi đã có sách giáo khoa hoặc bài học thì mời bạn chọn một đoạn Kinh Thánh và theo cách thức sau đây.
1. Đọc truyện hay đoạn trích dẫn trong sách: Làm quen với văn bản mà bạn sắp dùng nó. Ghi nhận những tâm tình xem bạn cảm thấy thế nào trước câu truyện hay đoạn trích dẫn ? Đoạn văn nói gì với bạn ? Ghi lại những vấn đề thắc mắc về bản văn và cách áp dụng nó vào bài học.
2. Tìm lại đoạn văn đó trong Kinh Thánh: Bạn nên đọc qua 3 lần.
a. Lần thứ nhất: Bản cảm thấy gì khi đọc văn bản gốc ? Đoạn đó nói gì với bạn ? Có điểm gì khác với đoạn văn trong sách giáo khoa không ? Nếu có thì khác thế nào ? Tại sao ?
b. Lần thứ hai, đọc chậm với cây bút chì hoặc bút màu. Gạch dưới những từ làm bạn chú ý, ghi lại những thắc mắc, hiểu biết và tâm tình bạn có. Tô đậm những câu tác động làm bạn thích thú, muốn làm vốn riêng sau này.
c. Rồi bạn đọc hết chương đó bao gồm câu truyện hoặc những trích dẫn bạn rút ra. Điều này rất quan trọng để giúp bạn thấy được toàn bộ bố cục Kinh Thánh. Nó sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm ý nghĩa của đoạn văn bạn trích và trả lời những vấn nạn của bạn hoặc nêu lên những vấn đề mới.
Về bản dịch Kinh Thánh hiện nay, chúng tôi đề nghị với bạn nên dùng bản của nhóm phiên dịch các giờ Kinh Phụng Vụ, của cha Nguyễn Thế Thuấn, hoặc của cha An Sơn Vị.
3. Đọc những lời giới thiệu và những phần tiểu dẫn và những chú thích ở trong các sách Kinh Thánh. Ở đầu hay cuối sách Kinh Thánh thường có những phần chỉ dẫn như “cách thức đọc Kinh Thánh”, “cái nhìn sơ lược về lịch sử”, Phụ lục chú thích, tự điển, bản đồ, và trước mỗi cuốn đều có những tiểu dẫn về tác giả và nguồn gốc.
Dưới mỗi trang đều có thêm phần chú thích. Những câu khó hiểu thường có những ký hiệu giúp bạn tìm những chú thích ở cuối trang, chẳng hạn kí hiệu mẫu tự in nghiêng và nhỏ ở đầu câu phía trên, hoặc trên một từ cần chú thích. Đồng thời ở lề cạnh bản văn có những ký hiệu giúp bạn nhận ra những đoạn văn, hoặc câu khác liên quan. Những tham khảo này soi sáng thêm cho đoạn văn và giúp bạn hiểu được những liên hệ trong Kinh Thánh như thế nào.
4. Suy niệm và cầu nguyện theo câu truyện hoặc đoạn Kinh Thánh bạn trích dẫn. Điều cần là bạn hiểu những điều bạn vừa đọc và thể hiện ngay trong chính cuộc sống mình. Điều đó mới thật sự hữu ích cho bạn cũng như cho việc dạy Giáo Lý.
Bạn nên dành thời gian đọc Kinh Thánh để Lời Chúa có thể bén rễ sâu trong bạn. Sau đây là một vài cách thức thực hiện điều đó:
a. Hãy hình dung điều gì đang xảy ra trong câu chuyện – hoàn cảnh, nơi chốn, nhân vật, xem họ cảm gì, nói gì, làm gì. Bạn có cảm thấy Thiên Chúa đang nói gì với bạn qua đoạn văn đó không ?Thiên Chúa muốn mời gọi bạn làm điều gì ?
b. Rồi bạn hãy thưa chuyện với Chúa Cha, Chúa Giê-su, với Mẹ Maria về điều bạn nghĩ và cảm thấy khi nghe Lời Chúa.
c. Học thuộc lòng một câu ngắn hay một đoạn nhỏ mà bạn thấy quan trọng hoặc điều nào đang tác động đặc biệt nơi bạn.
d. Quyết tâm sống điều bạn cảm thấy Lời Chúa mời gọi bạn làm.
Áp dụng từng bước đơn giản này cho mỗi đoạn Lời Chúa mà bạn sẽ dạy, nghĩa là bạn hãy đọc, học, suy tư, cầu nguyện và quyết tâm sống theo. Nhờ thế bạn sẽ tăng thêm kiến thức Kinh Thánh và bạn cảm thấy tự tin khi hướng dẫn Lời Chúa cho các em. Và rồi bạn sẽ cảm thấy nhu cầu phải học Kinh Thánh sâu xa hơn nữa.
Hy vọng những gợi ý trên giúp bạn thấu hiểu Lời Chúa.
“Có một điều làm tôi thất vọng là khi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, lễ cưới, hoặc rước lễ lần đầu, tôi thấy một số các em có vẻ không quan tâm gì cả. Tôi nghĩ rằng Phụng Vụ là một thực tại linh thánh, các em phải tham dự sống động, sốt sắng, nhưng chúng lại không cảm thấy hứng thú gì. Tôi có thể làm gì để giúp chúng tìm ra được ý nghĩa của Thánh Lễ và các Bí Tích ?”
Điều suy nghĩ của bạn cũng là mối quan tâm chung của các Giáo Lý Viên. Tương quan giữa Giáo Lý và Phụng Vụ rất sống động nhưng thường trong thực tế ta không thấy rõ điều đó. Bạn nên lưu ý đến dấu chỉ Phụng Vụ là phần quan trọng trong nội dung Giáo Lý. Có hiểu rõ các dấu chỉ này người ta mới dễ hướng đến việc thờ phượng và cầu nguyện.
Ngay từ đầu Giáo Hội đã nhận thấy Phụng Vụ và Giáo Lý bổ túc cho nhau. Giáo Lý chuẩn bị người ta tham dự Phụng Vụ cách tích cực và sống động ( qua việc giúp đỡ họ hiểu biết về bản chất, lễ nghi và dấu chỉ của nó ) đồng thời cũng bắt nguồn từ Phụng Vụ, để một khi cảm nghiệm nó thế nào là cộng đoàn thờ phượng, Giáo Lý sẽ nối kết họ với đời sống hằng ngày và làm tăng trưởng Đức Tin nơi họ.
Do đó, trách nhiệm của Giáo Lý Viên là phải quan tâm hướng dẫn các em trước và sau khi tham dự Phụng Vụ. Bạn có thể làm nhiều việc trong lớp học để giúp các em hiểu hơn về Phụng Vụ và khuyến khích các em tham dự Phụng Vụ một cách tích cực hơn.
GIÁO LÝ, PHỤNG VỤ, ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
Kinh nghiệm cho thấy rằng trọng tâm của Giáo Lý – Phụng Vụ liên kết với nhau trong 4 lãnh vực:
1. Thái độ của người Ki-tô hữu
Các Giáo Lý Viên nên khuyến khích và giúp các em biết cầu xin, cám ơn, sám hối, phó thác và cởi mở tâm hồn với những người khác trong đời sống hằng ngày. Những tâm tình đó chính là hồn sống của Phụng Vụ. Chẳng hạn, nếu không có thái độ tạ ơn thì Bí Tích Thánh Thể sẽ thiếu đi cái hồn của nó. Nếu không có lòng sám hối thật sự thì sẽ không có Bí Tích Hòa Giải.
Vì thế, đối với Phụng Vụ, Giáo Lý Viên nhất thiết cần nuôi dưỡng những thái độ này nơi các em. Chúng ta thực hiện điều này bằng gương sáng của chính mình hơn là chỉ bằng việc cổ vũ bên ngoài.
2. Nhạy cảm với các dấu chỉ
Giúp các em hiểu thế giới của các dấu chỉ là điều rất quan trọng. Phụng Vụ được thể hiện qua các hành động và các sụ vật mang tính biểu tượng như bẻ bánh, xức dầu thánh, trao nhẫn cho nhau.
Học sinh chúng ta sống trong một thế giới nhà trường thường chỉ quan tâm đến khoa học, toán học, điện toán là những điều có thể thử nghiệm, đong đếm, mua bán hơn là những tư duy, thơ phú, nghệ thuật, văn chương, lễ nghi và các dấu chỉ. Vì thế Giáo Lý Viên cần rèn luyện cho các em có kinh nghiệm sáng tạo, suy tư, thơ phú, kịch nghệ. Nếu không có cảm thức về ngôn ngữ biểu tượng của Phụng Vụ thì các em không thể hiểu gì về Phụng Vụ cả. Thực vậy, theo James Dunning, Giáo Lý đầy dẫy biểu tượng và truyện tích, điều kỳ diệu và việc cầu nguyện, im lặng và huyền nhiệm, tưởng tượng và cảm kích. Phụng Vụ là thế đấy.
3. Nền tảng Kinh Thánh
Biểu tượng Phụng Vụ được tìm thấy trong các câu truyện Kinh Thánh và hình ảnh cũng như biểu tượng tự nhiên. Chẳng hạn việc đổ nước trong Bí Tích Thánh Tẩy mang biểu tượng tự nhiên của nước là làm sạch, làm tươi mát, làm cho sống và làm tái sinh. Nhưng nước rửa tội nói lên ý nghĩa phong phú hơn rút ra từ những câu truyện Kinh Thánh về nước, chẳng hạn: câu chuyện sáng tạo, lụt hồng thủy, vượt qua biển đỏ, băng qua sông Jordan tiến về đất hứa.
Việc biết những câu truyện Kinh Thánh và ý nghĩa của nó rất cần thiết để thấu hiểu những lễ nghi Phụng Vụ. Giáo Lý Viên có trách nhiệm hướng dẫn các em về sự phong phú của các câu truyện Kinh Thánh.
4. Nối kết Phụng Vụ với Giáo Lý
Bằng mọi nỗ lực bạn phải nối kết lớp học của bạn với tâm tình Phụng Vụ.
Một số Giáo Lý Viên phối hợp cả hai và xây dựng toàn bộ Giáo Lý xung quanh các bài đọc trong Thánh Lễ. Các bài đọc trong Phụng Vụ dùng cho việc dạy Giáo Lý là nét đặc trưng dành cho Dự Tòng người lớn cũng như trẻ em...
Một số Giáo Lý Viên khác áp dụng trong lớp học những yếu tố Phụng Vụ như:
a. Mùa Phụng Vụ: Bồi dưỡng kiến thức Phụng Vụ trong các bài học, không những chỉ đề cập đến mà thôi nhưng còn áp dụng nó. Chẳng hạn trong Mùa Vọng có màu sắc Mùa Vọng, nghệ thuật, những câu chuyện Kinh Thánh Mùa Vọng, những bài hát dân gian, hoặc những tấm hình nói lên sự mong mỏi chờ đợi.
b. Lời nguyện Phụng Vụ: Áp dụng ngay trong lớp những lời nguyện thích hợp lấy từ Thánh Lễ hay Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Nhiều lời nguyện rất thích hợp cho Giáo Lý có thể trở thành đề tài cho một buổi học.
c. Thánh Vịnh và Thánh Ca: Chúng ta nên cho các em hát những Thánh Vịnh Chúa Nhật để tạo cầu nối giữa các lớp học và Nhà Thờ. Nên dùng sách Thánh Vịnh mà Giáo Xứ đang dùng.
d. Biểu tượng và lễ nghi Phụng Vụ: Một vài cử chỉ điệu bộ, phong cách, và những vật dụng được dùng làm biểu tượng trong Phụng Vụ có thể làm cho bài học sống động hơn.
Việc nối kết các yếu tố Phụng Vụ và Giáo Lý không khó lắm một khi bạn cảm nhận được giá trị của nó. Chúc bạn có nhiều cố gắng để giúp các em ngày càng hiểu biết hơn về Phụng Vụ của Giáo Hội.
“Cha xứ và một số phụ huynh lưu ý chúng tôi rằng khi dạy Giáo Lý phải nhấn mạnh đến những “đạo lý nền tảng”, hay “tín lý và luân lý Công Giáo”. Tại sao họ lại quan tâm về đạo lý thế ? Riêng bản thân tôi cũng không vững lắm những điều Hội Thánh dạy. Vậy đâu là những nền tảng Giáo Lý ?”
Ai cũng thấy rằng trong thời đại này mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng. Do đó các tín hữu đều mong tìm thấy nơi Giáo Hội những chân lý rõ ràng và vững chắc để họ có thể nắm bắt được.
Đạo lý mang chiều kích thiết yếu trong Giáo Lý và là một trong những dấu chỉ Lời Chúa. Đạo lý là lời giải thích chính thức của Giáo Hội, nên Giáo Lý Viên cần quan tâm nhiều đến việc này.
Việc quan tâm đến đạo lý đã phát sinh rất sớm trong lịch sử Giáo Hội. Các Ki-tô hữu do những cuộc trở lại đạo đông đảo, đã sớm thành hình những biếu thức đức tin nền tảng của Ki-tô Giáo. Chúng ta biết được bản tóm lược đạo lý căn bản này qua “Kinh Tin Kính của các Tông Đồ” và “Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicea” ( được đọc trong các Thánh Lễ Chúa Nhật )
Đây là hai Kinh Tin Kính truyền thống còn giữ lại những biểu thức ngắn nhất về đạo lý Công Giáo. Nhưng bình thường, người ta muốn giải thích và có những chi tiết rõ ràng hơn. Gần đây chúng ta có sách “GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO” do Đức Gio-an Phao-lô II ban hành ngày 10.11.1992.
GIÁO LÝ NỀN TẢNG
Dưới đây là sơ lược những Giáo Lý nền tảng của đạo Công Giáo trong sách Giáo Lý trên.
I. TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN: gồm 2 chương
- Đức Tin là gì ?
- Tin những điều gì ?
II. CỬ HÀNH ĐỨC TIN: gồm 2 chương
- Kế hoạch Bí Tích
- Bảy Bí Tích Giáo Hội
III. SỐNG ĐỨC TIN: gồm 2 chương
- Ơn gọi của con người: đời sống trong Thần Khí
- Mười điều răn
IV. CẦU NGUYỆN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN: gồm 2 chương
- Cầu nguyện là gì ?
- Cầu nguyện như thế nào ?
Chúng tôi chỉ ghi lại những nét chính yếu, bạn nên tìm đọc trong chính sách Giáo Lý căn bản đó.
DẠY NHỮNG ĐẠO LÝ NỀN TẢNG THẾ NÀO ?
Cần phải phân biệt rằng những đạo lý cơ bản là một chuyện, còn dạy đạo lý cơ bản trong giờ Giáo Lý là chuyện khác. Tông Huấn “Dạy Giáo Lý” lưu ý chúng ta đến tầm quan trọng của việc dạy Giáo Lý Công Giáo, và ai coi thường những hướng dẫn này có thể hiểu lệch lạc những đạo lý căn bản.
1. Giáo Lý về Chúa Ba Ngôi và quy Ki-tô. Cần phải nhấn mạnh mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần và trung tâm điểm là Chúa Ki-tô. Chúng ta cần phải chú trọng những điều gì thực sự là trung tâm điểm của giáo huấn và đừng biến những gì phụ thuộc thành đạo lý chính yếu.
2. Cần giới thiệu sứ điệp Chúa Ki-tô như một tổng thể hữu cơ, như vậy tương quan giữa các yếu tố khác sẽ rõ ràng hơn. Điều này tránh khỏi nói nhiều đến một yếu tố, trong khi lại bỏ lơ yếu tố khác.
3. Cần nhận ra một bậc thang chân lý trong đó có những giáo huấn quan trọng hơn, bởi vì không phải tất cả mọi đạo lý đều quan trọng như nhau. Giáo Lý Viên cần phải hiểu rõ thứ tự và tầm mức quan trọng của từng điều.
4. Khi giảng dạy chân lý nền tảng, cần liên kết với các hình thức quan trọng khác trong đời sống của Giáo Hội ( xã hội, giáo dục, Phụng Vụ, thần học, nghệ thuật, sinh hoạt ), cũng cần giảng dạy và đón nhận đạo lý trong tương quan với Kinh Thánh và truyền thống của Giáo Hội.
5. Luôn phải liên kết chân lý căn bản với những thực tại cuộc sống con người. Cũng cần phải hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ và hoàn cảnh của các em. Như thế chúng ta mới bảo đảm được đạo lý không tách rời cuộc sống con người, và ngôn ngữ diễn tả đạo lý luôn phù hợp với các em.
6. Giáo Lý phải tôn trọng đặc tính lịch sử của Lời Chúa cứu độ. Cần ghi nhớ những kỉ niệm của quá khứ, nhận thức hiện tại và hy vọng vào đời sống tương lai. Điều đó giúp chúng ta hiểu rằng đạo lý không phải là cái gì thụ động và khép kín, nhưng luôn sinh động và phát triển.
7. Giáo Lý phải được tiến hành dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội, như thế ta sẽ tránh được những khuynh hướng thiên lệch của cá nhân.
8. Phải biết áp dụng những phương pháp sư phạm hiện đại torng việc trình bày đạo lý. Những lối giải thích, cắt nghĩa, bắt học sinh phải học thuộc lòng hay lập lại những từ ngữ chính thống không còn phù hợp nữa.
Chúng tôi hy vong những hướng dẫn này giúp các bạn hiểu được tầm quan trọng của đạo lý và dạy đạo lý cách xác tín hơn.
“Khi mới lớn, tôi được học nhiều về các Thánh nhưng ngày nay tôi không còn nghe nói về các ngài nữa. Như vậy tôi có nên nói nhiều về các thánh trong lớp không ? Tôi có thể tìm hiểu về các ngài ở đâu để có thể kể cho các em ?”
Đối với người Công Giáo, lòng mộ mến đối với các Thánh, ngay cả đối với Đức Mẹ đã thay đổi khá nhiều trong những năm qua. Nhiều người cũng cùng tâm trạng như bạn.
Có nhiều lý do khác nhau khiến người ta ít mộ mến các Thánh hơn trước, chẳng hạn Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Ki-tô là trung tâm điểm trong đời sống phụng tự của người Ki-tô hữu. Hiện nay các tín hữu đã quay về với Kinh Thánh và Phụng Vụ hơn trước. Thêm một lý do nữa là người ta nhận thấy những sai lệch và thiếu bằng chứng lịch sử trong một số truyện các Thánh.
Những năm gần đây, Giáo Hội có khuynh hướng quan tâm đến đời sống của những Ki-tô hữu gương mẫu và đã nâng lên thành điển hình cho chúng ta cũng như cho thiếu nhi. Giáo Hội coi đời sống của Ki-tô hữu dấn thân như dấu chỉ của Giáo Hội giữa thế giới và là thành phần sống động của nội dung Giáo Lý. Đời sống anh dũng của các tín hữu, của các Thánh, xưa cũng như nay cho chúng ta thấy rằng con người được biến đổi biết chừng nào khi họ nhận biết Đức Giê-su Ki-tô trong Chúa Thánh Thần.
Ngày nay, trong hầu hết các sách Giáo Lý mới, truyện các Thánh đã được phục hồi lại giá trị và vị trí đặc biệt cần thiết của nó.
1. NÊU GƯƠNG CÁC THÁNH VÀ CÁC CHỨNG NHÂN ANH HÙNG:
Để trả lời vấn nạn thứ nhất: bạn có thể trình bày về các Thánh và các bậc anh hùng còn sống hay đã qua đời cho lớp Giáo Lý. Bởi vì các ngài cung cấp cho chúng ta và các em những tấm gương thực sự sống động, để giúp ta biết sống thế nào như những người theo Chúa Ki-tô và như những người đáng biểu dương.
2. NHỮNG PHƯƠNG PHÁP GIẢNG VỀ CÁC THÁNH:
Đối với vấn nạn thứ hai, bạn có thể áp dụng những cách thức sau:
- Tìm hiểu tên Thánh của các em. Mỗi người Công Giáo đều có tên Thánh quan thầy. Bạn có thể tạo điều kiện cho các em tìm hiểu thêm về vị thánh quan thầy của mình. Vào những dịp như thế, bạn nên dành ít thời giờ để chúc mừng và nói về đời sống của vị Thánh trong lớp học.
Bạn nên khuyến khích các em tìm hiểu rõ vị quan thầy của nghề nghiệp, và công việc mà những người trong gia đình đang làm. Chẳng hạn Thánh Martin de Porres quan thầy của người hớt tóc, uốn tóc.
- Theo dõi lịch Phụng Vụ. Thường Giáo Hội tôn kính một hay nhiều vị thánh vào một ngày nào đó trong năm. Bạn nên dùng một cuốn lịch Phụng Vụ để theo dõi và dành ít phút trong lớp để nhắc nhở, cầu nguyện với vị Thánh trong ngày
Ngoài ra còn có một số sách đề cập đến tên tuổi của những vị anh hùng nam nữ mà đời sống của họ có ý nghĩa đặc biệt khi phải vượt thắng những thách đố đương thời. Chúng ta có thể tìm đọc và dạy dỗ khi cần thiết. Sách lịch sử các Thánh thì có nhiều nhưng gương của các tín hữu dấn thân thì ít có, bạn có thể nghe đài Chân lý Á châu và Đài Vatican.
- Phát huy đời sống của các Thánh. Với sáng kiến và từng bước, bạn có thể đưa đời sống các Thánh ảnh hưởng vào đời sống các em, ví dụ như: cầu nguyện, diễn thơ văn, nghệ thuật, giải đáp thắc mắc, diễn kịch, bản đồ, phim ảnh, video...
- Sử dụng phương tiện thông tin đại chúng. Báo chí hằng ngày, tin tức trên tivi, radio, tạp chí các loại thỉnh thoảng có những truyện kể về đời sống dấn thân gương mẫu.
Bạn hãy chia sẻ với các em về những câu chuyện thời sự và rồi yêu cầu các em tìm trong đó những gì liên quan tới đời sống riêng mình. Bạn có thể viết sẵn nhiều câu hỏi đã được chọn lựa trên giấy hoặc bạn yêu cầu các em viết về những điều làm cho các em cảm động nhất.
- Sưu tầm mẫu gương danh nhân dựa vào những nguồn tai liệu có sẵn. Bạn khuyến khích các em làm cuốn sổ nhỏ ghi chú và minh họa tiểu sử các Thánh và các danh nhân sau một năm học. Cũng nên gợi ý các em ghi lại những mẫu gương đáng khâm phục của người trong gia đình, thân nhân, hàng xóm, bạn bè và trong xã hội.
BÀI 11: QUAN TÂM ĐẾN CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
“Tôi thường nghe Giáo Hội rất quan tâm đến công lý và hòa bình. Điều này khi còn đang học Giáo Lý, tôi không bao giờ lấy làm quan trọng. Nay là Giáo Lý Viên, tôi cảm thấy mình phải giáo dục các em quan tâm đến xã hội nhiều hơn. Nhưng thực tôi không biết phải làm gì ? Xin bạn cho ý kiến”. Trong những năm gần đây, cũng như bạn, chúng tôi cố gắng thể hiện một phần quan trọng của Giáo Lý là giáo dục về công lý và hòa bình. Như đã nói ở bài một, việc phục vụ của người Ki-tô hữu là một trong bốn nội dung của việc Giáo Lý và là một trong bốn nhiệm vụ của Giáo Lý Viên. Nhưng làm cách nào để thực hiện nhiệm vụ đó ?
GIÁO DỤC VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH
Có lẽ điều đầu tiên Giáo Lý Viên phải làm là hiểu biết và dám dấn thân. Chúng ta hoạch định cho chính mình chương trình mà chúng ta sẽ hướng dẫn các em.
1. Nuôi dưỡng thái độ cần thiết:
Chúng ta nỗ lực giáo dục về công lý và hòa bình khởi đầu từ những thái độ nhân bản ngay trong lớp của mình. Chúng ta cần tạo bầu khí công bằng và hòa bình trong lớp để qua đó các em cảm nhận được giá trị về sự tôn trọng, lòng trắc ẩn, công bằng và bác ái. Mẫu gương của chúng ta là chìa khóa căn bản.
a. Nuôi dưỡng lòng tự trọng:
Học thuyết xã hội Công Giáo đặt trọng tâm trên phẩm giá con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta có thể giúp đỡ các em cảm nhận giá trị và hồng ân của chính các em qua việc nuôi dưỡng lòng tự trọng bằng nhiều cách, như chấp nhận sự hiện diện và khả năng của mình, lắng nghe và đối xử với các em trong sự tôn trọng.
b. Nuôi dưỡng lòng tôn trọng người khác:
Mỗi người đều có những quyền lợi và phẩm giá như nhau. Chúng ta cần giúp các em phát triển lòng tôn trọng người khác – bằng cách chúng ta đối xử bình đẳng với từng em và mong chúng đối xử lại với chúng ta như thế. Chúng ta giúp các em biết lằng nghe người khác và để ý đến kỷ luật lớp học để mọi người có thể cùng học, và không chấp nhận vũ lực.
c. Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự quan tâm:
Trọng tâm của việc giáo dục công lý và hòa bình là giúp đỡ các em biết cảm thông và chia sẻ với người khác, cụ thể là với những người khổ đau và túng thiếu. Chúng ta có thể khởi đầu nuôi dưỡng lòng trắc ẩn ngay trong lớp mình. Có bao nhiêu em đang phải là nạn nhân bởi cha mẹ li dị, cô đơn, mất người thân yêu.
d. Nuôi dưỡng tinh thần hợp tác:
Ngày nay đời sống và giáo dục nuôi dưỡng sự cạnh tranh. Theo mức độ nào đó, thì tính cạnh tranh có lợi, nhưng cần được dung hòa với ý nghĩa hợp tác thiết thực. Chúng ta có thể tiến hành trong lớp của mình những chương trình hoạt động đòi hỏi phải làm việc với nhau.
2. Hướng dẫn, phân tích xã hội theo tinh thần Ki-tô giáo:
Song song với việc giáo dục về công lý và hòa bình, chúng ta có thể hướng dẫn các em phân tích xã hội theo tinh thần Ki-tô giáo. Việc phân tích này cần phải hợp với lứa tuổi các em và phù hợp với bài học.
Đối với bất cứ vấn đề nào, chẳng hạn: nghèo khổ, đói rách, vô gia cư, phân biệt chủng tộc... chúng ta phân tích làm bốn bước:
a. Quan sát:
Khởi đầu là quan sát thực tế, qua việc tiếp cận thường xuyên với nạn nhân đang chịu bất công. Có thể là bằng kinh nghiệm trực tiếp cá nhân như đi thăm viếng họ hoặc tiếp cận qua những tin tức trung gian, hỉnh ảnh, phim truyện, thơ phú... Bước này giúp các em có một tấm long biết cảm thông, trắc ẩn...
b. Phân tích:
Tiếp theo chúng ta hướng dẫn các em thắc mắc “tại sao ?” Tại sao có quá nhiều người đau khổ ? Tại sao có nhiều người nghèo khổ trong một quốc gia giàu có ? Tại sao lương của phụ nữ lại thấp hơn đàn ông ? Đây là thời gian để gom góp dữ kiện, suy nghĩ, bình luận, học hỏi nơi những người chuyên môn. Luôn luôn hỏi “tại sao ?” Nguyên nhân nào ? Ai đang đau khổ ? Ai đang được hưởng lợi ?
c. Phán đoán:
Áp dụng sứ điệp Tin Mừng và học thuyết xã hội Ki-tô Giáo vào những thực tế đã nhận ra được ở hai bước trên. Nguồn mạch học thuyết xã hội Ki-tô Giáo bao gồm: những câu chuyện hoặc những trích dẫn trong Kinh Thánh, truyện các Thánh, lời nguyện phụng vụ, những đoạn trích từ những thông điệp hoặc mục vụ về xã hội.
Trong bước này các em sẽ khám phá ra rằng những thực tại bất công mà các em đang quan sát và phân tích là trái với Thánh Ý Thiên Chúa. Các em phải nhận ra lời mời gọi của Đức Ki-tô đấu tranh cho sự bất công đó.
d. Hành động:
Tiến trình đưa tới quyết định và hành động để giúp đỡ nạn nhân và thay đổi những cơ cấu bất công gây ra đau khổ cho họ. Hành động nên khởi đầu với lời cầu nguyện ngay trong lớp. Hoạt động xã hội bao gồm lòng trắc ẩn giúp đỡ những người bị thương tổn, như quyên tiền, quyên góp thực phẩm, quần áo, thăm viếng nhà thương, và sẵn sàng là trung gian hòa giải, để xóa tan những bất công.
Bằng những phương thế này chúng ta có thể giúp các em dấn thân hơn cho công bằng xã hội như ông Pter Henriot định nghĩa: “Công bằng xã hội là yêu thương tha nhân đến độ chúng ta làm việc để thay đổi những cơ chế chà đạp con người”.
BÀI 12: CHUẨN BỊ XA – BƯỚC KHỞI ĐẦU THÀNH CÔNG
“Tôi không phải là người có óc tổ chức. Những năm trước đây, tôi mới dạy được nữa năm là thấy mình cạn hết vốn. Nhiều lần, sau khi đã kết thúc giờ học, tôi mới có thể nghĩ được một câu truyện hoặc một cuốn phim hay đáng lẽ phải nói trong giờ học . Tôi có cảm tưởng không biết mình sẽ đi tới đâu. Xin bạn giúp tôi một lời khuyên.”
Như một số Giáo Lý Viên khác, chúng ta đều có những kinh nghiệm như thế cả. Từ những kinh nghiệm đắt giá đã trải qua, chúng tôi xin đúc kết một vài lời khuyên hữu ích cho việc lên chương trình đầu năm.
1. Xem trước thời khóa biểu:
Trước hết, bạn hãy xem kỹ lịch sinh hoạt thường ngày trong năm xem mình phải dạy vào thời điểm nào.
· Ghi dấu ngày giờ lên lớp với bút màu
· Tính chính xác xem bạn phải dạy bao nhiêu buổi
· Ghi dấu với màu khác những ngày lễ nghỉ, Tết, hoặc những ngày quan trọng khác gần với những buổi dạy chính thức của bạn.
2. Đối chiếu lịch sinh hoạt của Giáo Xứ:
Nếu có thể bạn nên mượn nơi anh đoàn trưởng, hoặc người phụ trách Giáo Lý Giáo Xứ lịch trình sinh hoạt tổng quát của Giáo Xứ với những chi tiết về ngày lễ hoặc những tổ chức quan trọng của Giáo Xứ như ngày xưng tội Rước Lễ Lần Đầu, ngày Đức Cha thăm viếng Mục Vụ và Thêm Sức, ngày các em Bao Đồng tuyên hứa, những ngày hội thảo, những hoạch định về công tác xã hội, từ thiện của Giáo Xứ... Bạn hãy ghi những những ngày sinh hoạt trên vào quyển sổ tay để sắp xếp chương trình riêng của bạn cho phù hợp.
3. Xem trước thủ bản:
Bạn xem kỹ mục lục nội dung thủ bản Giáo Lý và nghiên cứu xem:
· Có bao nhiêu chương hoạc bao nhiêu bài học rồi đối chiếu với những tiết bạn lên lớp.
· Có bao nhiêu bài trùng lắp với những dịp lễ bạn đã ghi trong sổ tay trên; đánh dấu những sinh hoạt đó cùng với ngày tháng ngay bên cạnh tựa đề của bản trong mục lục.
· Ghi dấu những bài không quan trọng có thể bỏ đi ( trong trường hợp bài cần dạy nhiều hơn thời gian cho phép ), những bài quan trọng cần được đào sâu và thêm giờ và cuối cùng là có thể thêm hoặc thay thế những bài nào không có trong chương trình Giáo Lý.
4. Soạn một thời khóa biểu:
Dựa vào những chuẩn bị trên, bạn có thể phác họa một thời khóa biểu phân chia bài học phù hợp với những dịp lễ của Giáo Xứ hay Mùa Phụng Vụ.
Ví dụ: Khi dạy bài về Chúa Thánh Thần hay Bí Tích Thêm Sức bạn thay đổi thứ tự trong bản mục lục để chuyển tới dịp Giáo Xứ tổ chức lễ Thêm Sức hoặc lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống cho phù hợp và có ý nghĩa hơn.
Như vậy bạn đang có một chương trình khá hợp lý về những gì phải dạy và dạy lúc nào trong suốt một năm sắp tới.
5. Nắm vững nội dung bản thân:
Sách Giáo Lý vừa là người hướng dẫn vừa là người bạn đồng hành với bạn trong suốt năm. Bạn nên làm quen với sách thủ bản càng sớm càng tốt và dành một thời gian rảnh rỗi để:
· Coi lại bản mục lục
· Đọc phần giới thiệu ( ở phần đầu hoặc cuối sách ) để nắm được ý nghĩa bố cục cũng như lý do sắp xếp tiến trình như thế.
· Ghi nhận những nét đặc biệt của bài giúp cho tiến trình giảng dạy trong năm. Chẳng hạn, những lời cầu nguyện, bản đồ, phim ảnh, sách thiếu nhi.
· Đọc cẩn thận một bài bạn thích thú nhất. Trước hết, bạn nên đọc trong sách dành cho các em, rồi đến thủ bản dành cho Giáo Lý Viên, tiếp đến bạn tìm đến những dữ liệu liên quan đến bài học như bản đồ, phim ảnh, sách dành cho phụ huynh.
6. Lập thư mục cá nhân:
Khi đã làm quen với sách thủ bản và có sẵn một thời khóa biểu làm việc, bạn có thể làm cho bài giảng của mình thêm phong phú bằng cách tạo một thư mục những tài liệu cần thiết liên quan đến bài giảng. Bạn làm một ngăn kéo gồm nhiều hộc nhỏ dành cho từng chương hoặc từng bài bạn sẽ dạy.
Dần dần khi bạn đọc những bài báo hoặc mẩu truyện trong các tạp chí, những bức tranh, tấm hình chụp, những bài quảng cáo, tranh biếm họa và những tựa đề báo, bạn sẽ ghi nhận được nhiều điều phù hợp với bài học. Tương tự bạn có thể rút ra được những dữ kiện hữu ích từ trong chính kinh nghiệm riêng tư của bạn, trong thư viện, trên truyền hình, hoặc những buổi nói chuyện, hội thảo, chia sẻ. Sau đó bạn chỉ việc xếp loại cho vào thư mục. Như vậy khi chuẩn bị một bài nào đó, bạn có sẵn trong tay một loạt những bức tranh, những mẫu chuyện, những kinh nghiệm đời thường tuyệt hay làm cho lớp học thêm sinh động và hấp dẫn.
Nếu bạn không biết thu thập những tài liệu, những thứ bạn tìm kiếm hoặc tình cờ bắt được, nếu bạn không nhận ra những dữ liệu phong phú đang xảy ra chung quanh, lúc vào việc, bạn sẽ lúng túng vì đã quá trễ. ( Ảnh minh họa: Nhà cầu nguyện ở cộng đoàn Taizé )
Tất cả công việc lên chương trình này chỉ tốn độ hai đến ba giờ. Đồng thời với sự cố gắng lúc ban đầu, dần dần bạn thấy rằng công việc rất giản dị mà lại rất phong phú. Công việc tổ chức và sắp xếp có khoa học của bạn ngày càng giúp bạn thêm kinh nghiệm và làm phong phú bài giảng dạy hơn. Cứ như thế, thì trong suốt một năm, bạn sẽ tiết kiệm được một số thời gian, bớt đi những mối băn khoăn, lo lắng và bạn sẽ cảm thấy tự tin đồng thời các em hứng thú, thu lượm được nhiều kết quả sau những buổi học đầy sáng tạo và hấp dẫn do bạn đã chuẩn bị kỹ.
“Tôi đã từng dạy Giáo Lý trong phòng lớp. Nhưng thấy rằng các em không còn thích thú ở trong đó nữa. Tôi phải xử trí thế nào đây ?”
“Đây là lần đầu tiên tôi phải dạy ở nhà riêng, tôi không biết phải dùng phòng nào cho hợp ?”
“Tôi cảm thấy nản lòng vì năm nay có thể phải dạy Giáo Lý trong thư viện hay trong phòng sinh hoạt ? Có thể dạy Giáo Lý những nơi đó được không ?”
Chúng ta cùng nhau giúp giải đáp 3 vấn nạn trên, vì cả ba có liên quan đến địa điểm và bầu khí tốt nhất cho việc học Giáo Lý.
Bình thường thì địa điểm, nơi chốn dạy Giáo Lý là điều phụ thuộc. Giáo Lý hệ tại mối tương quan giữa người với người hơn là sự sắp xếp nơi chốn. Một Giáo Lý viên đúng nghĩa là người có thể dạy Giáo Lý ở bất cứ nơi nào. Tuy nhiên địa điểm có thể giúp ích nhiều hoặc cản trở cho việc giảng dạy và học tập của các em.
Cách đây mấy năm, chúng tôi tình cờ có được kinh nghiệm này. Chúng tôi được mời dạy thay một bạn về đề tài cầu nguyện. Căn phòng lại là một quán giải khát của trường. Khi vào lớp, tôi thấy các em đang ngồi dọc theo những bàn uống nước xem ra không thuận lợi tí nào cho việc dạy dỗ. Vì không thể nhìn thấy các em ngồi cùng phía với mình và phải cố gắng lắm mới nghe được chúng nói. Tôi thấy không thể nào tiếp tục tình trạng như thế này vì chẳng có em nào chia sẻ, cũng chẳng ai cầu nguyện.
Do đó chúng tôi quyết định thay đổi bầu khí. Chúng tôi tìm được một số ghế và xếp thành vòng tròn. Thế là các em bắt đầu chia sẻ phải cầu nguyện như thế nào. Chúng tôi đã học được nhiều điều nơi các em. Và rồi chúng tôi đã cầu nguyện riêng và chung với nhau.
Tất cả sự thay đổi đó là nơi chốn, việc sắp xếp, bầu khí.
MỘT BẦU KHÍ CÓ SỰ QUAN TÂM
Dù ở chỗ nào đi nữa, điều quan trọng là chúng ta tạo cho các em một bầu khí biết quan tâm và kính trọng nhau, nhận ra sự hiện diện của nhau và hiệp thông với nhau. Một vài người gọi bầu khí này là bầu khí ân sủng.
Điều này có nghĩa là khi bạn và các em họp nhau – hoặc các phụ huynh và khách đến tham quan – đều cảm nhận sự quan tâm và kính trọng của bạn đối với các em, từ những điều này và những dụng cụ lớp dùng, từ khung cảnh và việc sắp xếp căn phòng mà bạn đã chuẩn bị.
Nhận thức được tầm mức quan trọng đó, bạn phải thật sự quan tâm đến nơi dạy Giáo Lý. Đôi khi chính bạn phải đến quan sát nơi đó, đi dạo chung quanh, ngồi tại chỗ, nhìn chung quanh và lắng nghe.
Bạn sẽ tự đặt câu hỏi: Nếu tôi là một học sinh, tôi cảm thấy thế nào ? Bầu khí ấm cúng hay tẻ nhạt ? Có muốn bỏ về không ? Phòng nóng hay lạnh ? Có tiện nghi không ? Có cảm thấy hăng hái học tập không ?
Cố gắng khám phá xem bạn phải làm gì cho nơi ấy để phù hợp với việc dạy dỗ của bạn và phải làm thế nào để khuyến khích những tình cảm tích cực và giảm thiểu những tình cảm tiêu cực. Những ưu điểm không gian nào giúp cho việc dạy dỗ của bạn. Những khía cạnh nào của địa điểm làm cho việc học chung với nhau khó thực hiện ?
Tiếp theo, bạn bắt đầu ghi nhận những chi tiết có liên quan đến bạn, đến các em, và đến quá trình “dạy dỗ và học tập”. Bạn nên lưu ý đến những chi tiết ngoại cảnh khiến các em nhận ra bạn kính trọng và quan tâm đến chúng mà không cần phải biểu lộ qua lời nói và cả những điều bạn đang học cùng với chúng. Chẳng hạn:
Kích thước căn phòng có thích hợp với sĩ số và lứa tuổi các em không ? Nếu quá lớn, bạn có thể tách ra tạo một khu vực thích ứng cho lớp học. Đối với ấu nhi, bạn cần nhiều chỗ hơn cho từng em vì chúng co nhu cầu hoạt động nhiều hơn. Trong bất cứ lớp học nào, bạn nên tìm chỗ cho những hoạt động khác nhau. Nếu không thể làm gì hơn với căn phòng quá chật chội, bạn hãy dời một số sinh hoạt ngoài lớp học.
Đồ đạc có thích hợp không ? Thường các bàn cố định không thích hợp bằng những loại bàn có thể di chuyển. Những ghế bành và ghế quá tiện nghi làm cho việc học kém sinh động. Nếu có thể di chuyển bàn ghế, bạn hãy xếp đặt sao cho phù hợp với những hoạt động khác nhau. Còn nếu không thể di chuyển được, bạn tìm cách nào để chính các em có thể di chuyển chỗ của mình. Bạn có thể dùng thảm chiếu hay một số gối trải trên sàn nhà cho các em ngồi học.
Mọi người có thể thấy và nghe nhau dễ dàng không ? Chắc chắn sự xếp đặt khéo léo sẽ giúp truyền đạt cho nhau dễ dàng hơn. Tìm cách giới hạn tiếng ồn từ bên ngoài. Ngồi theo vòng tròn thường hữu hiệu hơn theo hàng dọc.
Có nên sử dụng những phương tiện khác như phim ảnh, video không ? Ánh sáng có thể giảm bớt để phòng tối hơn không ? Có thể đặt những trang thiết bị cần thiết ở đâu ?
Làm sao tạo được một không gian lôi cuốn, thu hút và đẹp đẽ hơn ? Làm sao để cho ánh sáng trong lớp bạn được phù hợp để không chói quá cũng không tối quá. Nên mở nhạc vào những lúc thích hợp vì nó giúp cho bầu khí suy tư, cầu nguyện và sáng tạo. Rồi bạn xem chỗ nào treo những hình ảnh liên quan đến bài học và chỗ nào trình bày những tác phẩm sáng tạo của các em hoặc bản thông tin hấp dẫn.
Bạn hãy làm tất cả những gì cho phòng học trở nên hấp dẫn, đương nhiên là lớp học phải sạch sẽ và ngăn nắp.
Địa điểm bạn dạy dỗ có thể mang tính cách bí tích biểu lộ và làm cho ân sủng Thiên Chúa hiện diện nơi các em, đồng thời cho các em thấy mối quan tâm của chúng ta. Lớp học, văn phòng, phòng học nơi gia đình, có thể trở nên một bầu khí học tập sáng tạo, một bầu khí ân sủng.
Bài 14: LÀM CHO CÁC EM THÍCH THÚ TRONG HỌC TẬP
“Bạn có cách nào để tạo cho các em bầu khí hứng thú học Giáo Lý không ? Mặc dầu tôi đã cố gắng hết sức, nhưng các em không thích thú lắng nghe làm tôi nản vô cùng. Bạn có cách gì giúp tôi không ?
Vấn đề của bạn là một trong những điều tôi thường nghe các Giáo Lý viên than phiền. Tôi cũng được nghe nhiều phụ huynh phản ánh việc con em họ cảm thấy chán học Giáo Lý.
Để tìm ra phương thế giúp các em hứng thú khi học Giáo Lý, chúng ta cùng thử suy nghĩ về cách học của chính mình. Bạn thử trả lời câu hỏi này: “Khi nghe giảng, điều nào làm bạn dễ hiểu, dễ nhớ nhất ?”
Bạn sẽ nhận thấy rằng bạn sẽ thích thú và dễ dàng tiếp thu, dễ hiểu, dễ nhớ nhưg điều nào thầy giáo giảng liên quan đến vấn đề bạn đang quan tâm, thắc mắc, hoặc những vấn đề liên quan đến kinh nghiệm sống của bạn.
Thường qua kinh nghiệm, quan sát, chia sẻ với người khác, qua các câu chuyện, tranh ảnh, những ví dụ cụ thể, những điều bạn đang làm, những lỗi lầm mắc phải sẽ giúp bạn phương thế học tốt hơn. Bạn sẽ nghiệm thấy rằng lời người xưa là đúng:
Điều tôi nghe, tôi hay quên.
Điều tôi thấy, tôi dễ nhớ.
Điều tôi làm, tôi mau hiểu.
Nếu bạn cứ dạy các em như thói quen xưa nay là cứ thao thao thì chúng sẽ rất mau chán vì khả năng của chúng không thể tập trung và nhớ những điều bạn nói cho dù những lời đó thực ý nghĩa và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Bí quyết để giúp bạn tạo nên sự hứng thú cho các em là biết thích nghi việc giảng dạy của bạn với việc học tập của chúng. Sau đây là vài điểm bạn cần lưu ý:
1. Chỉ nên nói vừa đủ để các em có thể đóng góp vào đó. Hầu hết các người dạy dành tất cả thời gian ở lớp để nói. Đang khi giảng, bạn cần biết ngắt đúng lúc để các em được đóng góp, bằng cách đưa ra những câu hỏi hoặc cho các em thắc mắc, góp ý. Như thế mới là bước đầu để giúp các em hứng thú học hỏi.
2. Các em càng tham gia đóng góp nhiều thì bạn càng dạy dỗ chúng nhiều hơn. Điều này dường như là một nghịch lý, nhưng lại có hiệu quả khi bạn đề cao trách nhiệm học hỏi nơi các em. Nhiệm vụ của bạn là làm sao lôi cuốn các em vào những hoạt động đó.
Quả thật điều này khó khăn là soạn thảo và trình bày một bài giảng. Dĩ nhiên là bạn cũng sẽ phải nói, trình bày, giải thích, trả lời vấn đề, nhưng quan trọng hơn cả là đặt vấn đề.
Khi soạn bài, bạn hãy tự hỏi: trình độ các em tiếp thu thế nào đây, mình phải dùng phương tiện nào để lôi cuốn chúng cả mắt, mũi, tai và tay chân ( chẳng hạn dùng tranh ảnh, bản đồ, báo chí, sách vở, phim ảnh, vẽ, viết, múa hát, rối, trò chơi, âm nhạc…)
3. Tiếp cận với kinh nghiệm sống của các em. Đối với bạn việc cảm nhận một sự kiện hay một chân lý tôn giáo nào đó là một chuyện dễ dàng. Nhưng đối trẻ em thì khác. Chúng không dễ ra nhận điều đó vì không liên quan đến cuộc sống của chúng. Hầu hết, các bài giảng Giáo Lý hiện nay đều bắt đầu một số kinh nghiệm rút ra từ cuộc sống của các em. Điều này không những phù hợp với sư phạm mà còn đúng với thần học nữa.
Thông thường chúng ta không chỉ học hỏi những gì liên quan đến cuộc sống mình, mà còn khám phá được sự Hiện diện và Lời của Thiên Chúa qua những kinh nghiệm của chúng ta cũng như qua những nguồn mạch mang tính truyền thống trong Kinh Thánh, Phụng Vụ, Giáo Lý và nơi Hạnh các Thánh.
Cố gắng hiểu biết các em và thế giới sống của chúng là điều rất cần thiết. đối với lớp học mỗi tuần chỉ có một buổi, điều này thật là khó khăn. Tuy vậy, nhờ những việc làm sáng tạo của các em mà chúng ta biết được điều chúng thích, điều chúng quan tâm, những câu hỏi và những vấn đề của chúng. Bạn càng nói ít và càng để các em chủ động, bạn càng hiểu biết các em và thế giới của chúng hơn.
4. Cố gắng dạy đúng đề tài, không lạc đề. Các sinh hoạt có thể dẫn đến lộn xộn và gây sao lãng nếu như bạn không xác định rõ mục tiêu của mỗi bài học ngay lúc đầu. Bạn và các em cần nhận thức rằng ai làm việc gì cũng phải nhắm đến mục tiêu nào đó và những diễn tiến tuần tự nhất định. Đây là một trong những bước quan trọng trong việc tổ chức lớp học. Tổ chức sao cho thật đơn giản với một đề tài chính, và dù có nhiều sinh hoạt khác nhau nhưng vẫn dẫn đến một mục tiêu duy nhất một cách hợp lý. Vấn đề không phải là có nhiều hoạt động nhưng là những hoạt động có ý nghĩa và được chọn lọc kỹ lưỡng.
5. Làm cho mọi việc trở nên sống động. Tất cả chúng ta và đặc biệt giới trẻ ngày nay sẽ thích thú học tập hơn khi cảm thấy những gì mang tính sống động. Nên nhớ rằng, khả năng tập trung của các em rất ít. Vì vậy cần phải thay đổi nhịp độ và những nhịp điệu sao cho phù hợp với trình độ nhận thức và phát triển của các em.
Tóm lại, cố gắng để cho các em chủ động hơn trong lớp học. Như vậy bạn có thể tạo cho các em hứng thú hơn khi học tập.
“Tôi có một vấn đề là dường như phải mất nhiều thời gian để giữ trật tự trong lớp. Vì không được đào tạo chính quy, tôi e mình còn thiếu sót yếu tố nào đó. Xin cho tôi một vài ý kiến để cải thiện kỹ luật trong lớp.”
Chúng tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp, nhưng phải nhìn nhận rằng việc giữ kỹ luật trong lớp học quả là một thách đố “dài dài”, nhất là trong các lớp Giáo Lý học một tuần một lần.
Trước hết bạn cần xác định điểm này: vấn đề kỷ luật – trật tự trong lớp học quả là quan trọng, nhưng nó không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục đích của kỷ luật là làm sao bạn và các em giúp nhau học tập tốt. Kết quả cuối cùng của kỷ luật là giúp các em tiếp thu đầy đủ bài học. Do đó, kỷ luật có thể thay đổi tùy theo lớp học, tùy theo người hướng dẫn.
Theo tiêu chuẩn trên, xin đề nghị với bạn “Mười lời khuyên” sau đây:
1. Hãy tự trọng. Bàn là một thầy giáo, một nhà sư phạm, một Giáo Lý Viên: Cho dù được đào tạo chính quy hay không chính quy thì điều quan trọng là tư cách của mình. Luôn nhớ rằng việc các em kính trọng bạn tùy thuộc vào thái độ tự trọng của bạn.
Là Giáo Lý Viên, dấu hiệu biểu lộ sự tự trọng có thế là: cách phục sức của bạn khi đến lớp, cung cách bạn đòi các em phải có khi trình bày, thưa gửi với bạn một điều gì đó, sự quan tâm chu đáo của bạn trong việc soạn bài giảng và tạo bầu khí chân thành trong lớp.
2. Tôn trọng các em. Kỷ luật là một hình thức biểu lộ sự kính trọng hơn là chức năng của quyền hành. Kết quả của bất kỳ hình thức kỷ luật nào cuối cùng chính là sự tự kiềm chế xuất phát từ lòng tôn trọng các quyền lợi và nhu cầu của người khác. Một điều thật quan trọng là những nhà giáo chúng ta phải biết làm gương trong việc tôn trọng người khác, điều mà chúng ta đang đòi hỏi các em thi hành.
Bạn tôn trọng các em bằng cách cố gắng tìm hiểu chúng, chú ý lắng nghe và ghi nhận những điều chúng nói, cố gắng thích nghi phong cách học hỏi khác nhau của chúng ( thay vì áp đặt cách của mình ), chuẩn bị bài vở chu đáo, nhận xét và đáp ứng những hoạt động sáng tạo của chúng.
3. Tin tưởng các em. Cuối cùng, dấu hiệu biểu lộ việc bạn tôn trọng các em là tin tưởng vào chúng.
Nếu thiếu tin tưởng vào một cá nhân hoặc một lớp học thì bạn sẽ đánh mất những động lực giúp các em học hỏi và hành động có trách nhiệm. Các em sẽ nhận ra ngay lòng tin tưởng của bạn khi bạn mong muốn các em học hỏi. Hãy để các em tự lãnh trách nhiệm đối với việc học hành của mình, và đề nghị những đường hướng để các em lựa chọn và sáng tạo.
4. Chuẩn bị chu đáo trước khi giảng dạy. Bài giảng được chuẩn bị kỹ lưỡng tự nhiên sẽ làm cho việc giữ kỷ luật trở nên dễ dàng…
Khi giảng bài, nếu thấy các em chán nản, thụ động, không chú ý, không tập trung lắng nghe, chắc các bạn cũng có thể đoán biết là vấn đề kỷ luật của lớp thế nào rồi. Ngược lại, nếu bạn hướng dẫn các em nhanh nhẹn, tích cực tham gia vào bài học, những rắc rối trong vấn đề kỷ luật, chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều.
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trong lớp học và bài dạy, quán triệt nội dung và phương pháp sư phạm, nắm vững mục đích, không ngừng nỗ lực nâng cao kỹ năng giảng dạy, đó là những yếu tố cần thiết.
5. Tán thưởng. Việc tuyên dương và khen thưởng, khích lệ các em rất nhiều. Lời khen tặng đó phát sinh và nuôi dưỡng lòng tự trọng khiến các em tự giác kỷ luật. Càng có dịp khen thưởng các em càng tốt, nhưng phải luôn trung thực, đúng với nỗ lực và thành quả các em đạt được, nhưng trên hết là nhắm vào bản thân các em. Bạn có thể khen thưởng các em với những lời chân thành, hay với thái độ tin tưởng, trao trách nhiệm hoặc một phần thưởng hay một vòng tay thân ái.
6. Lên án những hành vi sai trái, nhưng không lên án người phạm lỗi. Ngược lại, phải thật thận trọng trong việc phân biệt giữa những hành vi sai trái với người gây ra nó. Kết án những lỗi lầm chứ không phải những con người phạm lỗi. Một cách thể hiện điều này là luôn sử dụng tiếng “tôi”. Thí dụ, thay vì nói: “Các em đang làm tôi giận điên lên đây !” ta nên cố gắng nói “Tôi đang bực mình vì tiếng nói chuyện lào xào của các em”. Điều này làm cho các em nhận thấy rằng bạn không chấp nhận hành vi sai trái của các em chú không chỉ trích các em.
7. Tránh đe dọa, nhục mạ. Những cư xử cứng rắn như răn đe, dọa nạt, nhục mạ, chế giễu, trừng phạt… thường chỉ có thể dẫn đến sự phục tùng, khúm núm bên ngoài, nhưng lại làm giảm thiểu lòng tôn trọng bên trong vốn chỉ có được nhờ hình thức kỷ luật đúng đắn. Chẳng hạn ngừng im lặng một chút thường có kết quả hữu hiệu hơn là la mắng.
8. Dạy những đức tính nhân bản cần thiết. Các em thường chưa có kinh nghiệm giao tiếp xã hội, những nghệt thuật giao tiếp… Dường như các em ít được hướng dẫn cách lắng nghe, cách làm việc chung, cách im lặng, cách giàn xếp những bất hòa, sự lễ độ, việc sắp xếp và tôn trọng thời gian quy định… Bạn hãy giúp các em học hỏi những kỹ năng hết sức cần thiết đó.
9. Quy định một số điều lệ đơn giản, rõ ràng. Hầu hết các nhóm, kể cả người lớn đều cần có một số điều lệ để đảm bảo trật tự và đi đến mục đích. Kỷ luật trong lớp học càng ít càng tốt miễn sao bảo đảm được việc học tập tốt. Thông thường chúng ta nên mời các em đề nghị những luật lệ mà các em thấy quan trọng, cần thiết để mọi người có thể tập trung học hỏi. Một số luật lệ căn bản đó có thể là cần thiết, nhưng hiệu quả hơn cả mọi kỷ luật là tương quan giữa bạn và các em.
10. Trau dồi khả năng hài hước, kiên nhẫn chịu đựng và linh động uyển chuyển. Cho dù bạn dạy dỗ tốt ở mức độ nào và các em tiếp thu tốt tới mức nào đi nữa, chắc chắn vẫn còn có những tình trạng thiếu kỷ luật mà cách giải quyết tốt nhất là bằng nụ cười và bằng sự hiểu biết, cảm thông cho sự yếu đuối và những việc không lường trước được của con người.
“Thường thì sau một thời gian dài sinh hoạt, tôi cũng như các em cảm thấy chán nản. Dù tôi có cố gắng đến đâu, thì những hứng khởi ban đầu vẫn bị giảm sút. Chúng ta cóc cách nào để tình trạng trì trệ đừng xảy ra không ? Tôi phải bắt đầu lại như thế nào để lớp học của tôi lấy được khí thế ban đầu ?
Chúng tôi cũng có cùng tâm trạng như bạn vào các dịp tháng giêng mỗi năm nghĩa là tự nhiên có một sự xuống dốc cao điểm của Lễ Giáng Sinh. Ở nhiều nơi, thời tiết là yếu tốt giảm sút lòng hăng say học tập. Giáo Lý Viên và các em cần biết trước những tình huống đó ngay từ bây giờ để tìm cách khắc phục.
Bạn có thể dùng một vài hình thức sau đây đế khích lệ mình và thúc đẩy các em hăng say học tập.
1. Xin dâng một Thánh Lễ cầu nguyện cho nhóm. Cách đây mấy năm, một chị Giáo Lý Viên kể lại cô đã làm cách nào để cô và các bạn Giáo Lý Viên lấy lại được tinh thần mới trong tình trạng trì trệ giữa năm. Họ lên kế hoạch rồi thực hiện một buổi chiều cầu nguyện và dự tiệc với nhau một cách vui vẻ, thân mật.
Việc cử hành Thánh Lễ này bắt đầu với Phụng Vụ Thánh Thể khá đặc biệt. Các Giáo Lý Viên chọn bài đọc, bài hát, những lời cầu nguyện và những dấu chỉ phản ảnh cuộc sống. Tất cả đều tham dự Thánh Lễ cách sống động.
Sau Thánh Lễ, họ có cuộc họp mặt thân thiện để hiểu nhau hơn và chia sẻ những ý kiến, những kinh nghiệm về việc dạy Giáo Lý. Bầu không khí có ánh nến sáng ấm áp giúp chia sẻ thoải mái hơn. Họ tranh trí các bức tường khá hài hước, lại có thêm nước ngọt, bánh trái, trà và cà-phê trong buổi họp mặt.
Nhiều Giáo Xứ cũng đã tổ chức tương tự. Đây là nuôi dưỡng cộng đoàn Giáo Lý Viên và giúp thoát khỏi tình trạng trì trệ.
2. Bồi dưỡng cho chính mình: ngay cả khi Giáo Xứ không tạo cơ hội cho Giáo Lý Viên được hun đúc tinh thần, chính bạn có thể tự làm điều đó. Một số Giáo Lý Viên dành thời gian đi tham dự hội thảo Giáo Lý, số khác muốn tinh thần hăng say hơn bằng cách đọc sách, xem video, hay nghe băng cassette về cách dạy Giáo Lý. Một số khác tìm nơi tĩnh tâm phù hợp với nhu cầu riêng mình.
Điều quan trọng là bạn phải có những bước cụ thể để gia tăng sự hiểu biết, phát triển kỹ năng và tái tạo sự nhiệt tâm. Rồi bạn sẽ được trang bị tốt hơn để giúp các em thoát khỏi sự chán nản.
3. Thay đổi chương trình sẵn có: Mọi tương quan đều có nguy cơ trở thành thói quen. Đôi lúc bạn và các em cần có một chút thay đổi khác lạ, phá bỏ khuôn mẫu quen thuộc. Sau đây, chúng tôi đề nghị một vài cách thay đổi.
- Tham quan môi trường. Lên một chương trình du khảo cẩn thận để thoát khỏi môi trường lớp học hàng tuần, để có thể làm phát sinh những mối tương quan khác. Cuộc du khảo như thế phải liên kết rõ ràng với điều bạn đang dạy.
Thí dụ: dẫn các em ấu nhi đi thăm Nhà Thờ Giáo Xứ lân cận rất có lợi cho các em khi học hỏi về Giáo Hội hay Bí Tích. Lớn tuổi hơn có thể đi đến Nhà Thờ Chánh Tòa hay tới một trung tâm hành hương. Đó là một cách thức giúp các em hiểu ý nghĩa Giám Mục là ai, Giáo Phận là gì, hay gương mẫu một vị Thánh. Hoặc chúng ta đưa các em thăm viếng một phòng triển lãm hay bảo tàng viện giúp thẩm định những câu truyện thánh kinh, đời sống và giáo huấn của Chúa Giê-su. Những thanh thiếu niên có thể được hướng dẫn thăm viếng Nhà Thờ Tin Lành, Chùa Chiền, Thánh Thất hay một nơi thờ phượng khác. Đây là dịp giúp các em đào sâu về căn tính Công Giáo trong khi vẫn tôn trọng niềm tin của người khác.
- Mời một người khác đến nói chuyện: Một khuôn mặt mới vào lúc này sẽ giúp cho các em chú ý hơn. Bạn có thể tìm thấy trong Giáo Xứ, khu vực, hay thành phố một người có tài và mời họ đến chia sẻ với lớp học của bạn.
Một trong những thành công của chúng tôi là khi dạy đề tài đời sống đan viện cho lớp Bao Đồng là chúng tôi mời một Tu Sĩ trẻ Dòng Biển Đức chia sẻ với các em về ý nghĩa đời tu. Năm trước chúng tôi mời một giáo dân là giáo sư kịch nghệ, đến làm việc với lớp Thêm Sức của chúng tôi diễn xuất một câu chuyện cho thiếu nhi.
Mỗi Giáo Xứ đều có những người có năng khiếu và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Những chia sẻ của họ mang lại cho lớp học một cách sống thực tế cũng như khơi lên một sức sống mới trong thời kỳ trì trệ.
- Thánh Lễ cho lớp học: Chúng tôi có một vài kinh nghiệm quý báu, đó là Thánh Lễ đặc biệt cho các em và phụ huynh. Các em thích thú học hỏi cách lên chương trình và chuẩn bị cho Thánh Lễ. Kinh nghiệm cho thấy phụng vụ thật sự sẽ nối kết các thành phần với nhau trong khi cùng biểu lộ niềm tin: Linh Mục, cha mẹ, Giáo Lý Viên, và các em. Buổi tiệc trà giải lao sau Thánh Lễ là cơ hội cởi mở dễ quen biết với phụ huynh hơn. Thường khi quan sát đứa trẻ bên cạnh cha hay mẹ nó, ta sẽ hiểu rõ em đó hơn.
Có nhiều cách làm giảm sự chán nản giữa năm như: phim ảnh, video cassette, diễn kịch, thi đua bích báo…Tuy nhiên hai mũi nhọn chính giúp bạn vượt qua thời kỳ xuống dốc: bồi dưỡng tinh thần, và thay đổi chương trình dạy của bạn. Chúc bạn thành công.
BÀI 17: CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM VỚI CỘNG TÁC VIÊN
“Tôi thích làm Giáo Lý viên nhưng thường bị cám dỗ xin thôi vì chỉ được coi là người dự bị, người được phát và thu bài vở các em, dạy kèm những em đặc biệt, đồng thời chuẩn bị phòng ốc sao cho nghiêm trang để học tập. Với những công việc đó, tôi cảm thấy mình khó có thể trở thành một Giáo Lý viên khá.Tôi thấy mình không tiến bộ”.
Cảm nghiệm của bạn là chung của nhiều người. Chúng tôi cũng cảm thấy như vậy ! Thường với các công việc như vậy, các bạn dễ nản lòng. Nhưng chúng ta cố gắng tìm hiểu về những công việc này. Công việc của bạn có thể là một trong hai cách sau:
a. Giáo Lý viên cùng dạy chung
b. Giáo Lý viên phụ giảng
Chúng ta khởi đầu bằng cách thứ hai trước.
1. GIÁO VIÊN PHỤ GIẢNG
Giáo Lý viên phụ giảng làm những công việc chuẩn bị để giúp giáo viên chủ nhiệm hoàn thành trách nhiệm dạy Giáo Lý của mình.
Trách nhiệm của giáo viên trở giảng có thể bao gồm như sau:
Trước giờ học. Giáo Lý viên phụ giảng xem cửa phòng đã mở chưa, phòng có đủ ánh sáng và sạch sẽ không, rồi những dụng cụ cần thiết, những vật dụng, và đồ vật khác có ở trong vị trí của nó không. Và rồi chuẩn bị những gì cần dùng hôm nay.
Trong khi học Giáo Lý viên phụ giảng ổn định lớp học, Giáo Lý viên chủ nhiệm rảnh rỗi có thể ôn lại chương trình bài học của mình và có thể cầu nguyện xin chúa hướng dẫn. Giáo Lý viên chủ nhiệm có thể tiếp đón các em và phụ huynh khi họ vừa đến lớp, đồng thời tạo bầu khí thân thương, đoàn kết quan tâm đến người khác hơn.
Đôi khi, trong thời gian vắn vỏi trước và sau giờ học, các em nhút nhát dễ đến gặp giáo viên chủ nhiệm với những câu hỏi riêng tư mà chúng không dám nói trước đám đông.
Trong giờ học. Một khi đã bắt đầu, Giáo Lý viên phụ giảng có trách nhịêm điều khiển các dụng cụ thính thị, phân phối các tài liệu, sau đó điểm danh. Giáo Lý viên phụ giảng cũng có thể đến với từng em, để khích lệ và giúp đỡ chúng.
Nhờ vậy, trong khi giảng dạy, Giáo Lý viên chủ nhiệm đỡ bận tâm và có thể dồn hết mọi nỗ lực cho các em, vì không còn bị phân tâm về những công việc lặt vặt không liên quan đến việc dạy Giáo Lý. Chúng ta sẽ hài lòng hơn khi thấy các em học tập về niềm tin và phát triển niềm tin của mình và có thể được thư giãn đủ để nghe và học hỏi từ những em mà mình dạy.
Sau giờ học. Khi lớp học kết thúc, Giáo Lý viên phụ giảng lo dọn dẹp và sắp xếp lại phòng ốc như lúc ban đầu. Giáo Lý viên phụ giảng đem cất những dụng cụ, những tài liệu sách vở, đóng của và làm bất cứ điều gì cần thiết.
Nhờ vậy, Giáo Lý viên chủ nhiệm có thời gian chuyện trò với các em, và với phụ huynh đến đón chúng, đồng thời có giờ ghi lại những nhấn định về bài học hôm nay và những gì liên quan đến bài học lần sau cũng như dành ra ít phút cảm tạ Thiên Chúa đã hướng dẫn mình và các em.
Một số nhận định. Giáo Lý viên phụ giảng không chỉ đóng vai trò hỗ trợ Giáo Lý viên chủ nhiệm, nhưng họ còn nhận ra được những kinh nghiệm đánh giá và những thách đố. Dần dà những Giáo Lý viên phụ giảng này có thể trở thành Giáo Lý viên thực thụ.
Giáo Lý viên chủ nhiệm cố gắng giúp Giáo Lý viên phụ giảng biết tầm quan trọng công việc họ làm. Họ có một vai trò đầy ý nghĩa trong tác vụ Giáo Lý: Họ không những chỉ giúp giáo viên chủ nhịêm rảnh rang để tập chung vào các em và vào việc lên lớp, nhưng còn chia sẻ vào công việc đó nữa. nhiều khi Giáo Lý viên phụ giảng gần gũi các em hơn Giáo Lý viên chủ nhiệm và có thể giúp đỡ các em hữu hiệu hơn.
2. GIÁO LÝ VIÊN CÙNG DẠY CHUNG
Bên cạnh Giáo Lý viên phụ giảng, còn có Giáo Lý viên còn dạy chung với ta. Để có thể đem lại hiệu quả hơn cho các em, các Giáo Lý viên này có thể chia sẻ việc giảng dạy theo hai cách khác nhau.
- Cách thứ nhất chúng ta hay áp dụng luân phiên đứng lớp. Tuần này một người dạy, còn người kia theo dõi và tham dự. Tuần tiếp đổi ngược lại.
Các Giáo Lý viên này có thể dọn bài chung với nhau hoặc mỗi người chịu trách nhiệm một lần.
- Cách thứ hai là phân chia công việc. Mỗi người đều có sở trường về một số kỹ năng giảng dạy: giảng dạy hoặc giải thích, thu hút các em vào những sinh họat sáng tạo, hướng dẫn các em cầu nguyện, sử dụng phim ảnh, giữ trật tự. Giáo Lý viên hợp tác phân chia nhau những công việc dựa trên sở trường của mình. Vì thế các em nhận được những gì hay nhật của mỗi giáo viên.
Nhận định. Để hai Giáo Lý viên có thể hợp tác đắc lực với nhau, cần có sự đồng tâm và nhất trí với nhau, tránh tính ghen tuông và chơi nổi. Chúng tôi đã từng gặp từng đôi vợ chồng khi cùng dạy Giáo Lý chung với nhau đã mang lại cho các em một chứng tá hùng hồn về việc” Giáo Lý viên cùng dạy chung”.
Khi cùng dạy chung, Giáo Lý viên có thể học hỏi lẫn nhau rất nhiều. Họ có thể giúp nhau về kiến thức, chân thành góp ý, giúp nhau thăng tiến và cầu nguyện cho nhau.
Là một Giáo Lý viên tốt là một thách đố nhưng cũng là một phận vụ đáng làm. Khi được các phụ giảng và người dạy Giáo Lý chung chia sẻ bớt gánh nặng, Giáo Lý viên sẽ thấy công việc của mình vừa mãn nguyện lại vừa phong phú.
BÀI 18: LIÊN LẠC VỚI PHỤ HUYNH
“Những tiết lên lớp của tôi diễn tiến tương đối tốt. Tôi và các em rất thích nội dung chương trình học và rất chăm chỉ. Thế nhưng môt vấn đề làm tôi thấy bận tâm là làm sao thắt chặt thêm mối quan hệ đối với phụ huynh học sinh trong lớp Giáo Lý ?”
Đây chính là một vấn đề hết sức quan trọng mà chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều trong nhiều năm qua. Theo lẽ thường và ngày cả giáo huấn của giáo hôi cũng xác định rõ ràng các bậc phụ huynh là những người đầu tiên có bổn phận dạy Giáo Lý cho con cái. Tuy nhiên ít khi chúng ta cố gắng liên kết Giáo Xứ hay nhà trường với gia đình.
Dưới đây xin được đề nghị hai ý tưởng then chốt rút ra từ kinh nghiệm thực tế vấn đề này.
1. Chia sẻ trách nhiệm. các phụ huynh tự nguyện trao cho Giáo Lý viên chúng ta môt phần trách nhịêm trong việc giúp con cái họ trưởng thành Đức Tin. Trong quá trình đó, họ không được phủi tay khỏi trách nhiệm chính yếu này. Và chúng ta. Những Giáo Lý viên, cũng không hoàn toàn gánh tất cả trách nhiệm đó. Vì vậy , chúng ta tin tưởng rằng các bậc phụ huynh có quyền và phải có trách nhiệm tích cực thamgia vào chương trình dạy Giáo Lý trên mọi phương diện.
2. Mối liên lạc song phương. VIệc tham gia có trách nhiệm của các phụ huynh vào trong chương trình dạy Giáo Lý bao gồm sự liên quan giữa gia đình và các Giáo Lý viên. Tuy nhiên họ không chỉ muốn biết bạn làm gì, dạy gì trong lớp mà còn muốn tham gia đóng góp phần mình và chương trình học tập.
NHỮNG CÁCH LIÊN LẠC VÀ LÀM VIỆC VỚI CÁC PHỤ HUYNH
Dưới đây là 9 đường lối thục hành, bạn có thể thích ứng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
1. Tổ chức những buổi họp mặt:
Duy trì mối liên lạc thường xuyên giữa bạn và phụ huynh là một điều rất quan trọng. Trong một năm, cần một hai lần họp mặt giữa bạn và toàn thể phụ huynh. Trước hết là để làm quen và thảo luận mục đích, nội dung, sách vở, thời khóa biểu sinh họat … và một số khía cạnh khác của chương trình niên học. Cũng cần có những cuộc gặp gỡ đặc biệt với phụ huynh của một em nào đó để bàn về những rắc rối họac những tiến bộ của chúng. Cuối năm học cũng cần có một buổi lễ bế giảng và cũng là buổi đánh giá chung kết quả năm học của từng em.
Ngoài ra bạn có nhiều dịp gặp gỡ với phụ huynh các em như khi họ đưa đón con em, hoặc tình cờ gặp họ trong nhà thờ, ngoài chợ hay công sở. Những dịp như thế rất quý để giúp chúng ta hiểu biết thêm về các phụ huynh và tình hình sinh hoạt gia đình các em.
Trong tất cả những dịp gặp gỡ nêu trên, bạn nên lắng nghe ý kiến và tâm tình của phụ huynh, đồng thời cũng nên thông tin cho họ biết về tình hình, mục đích, chương trình của bạn. Nhờ đó họ sẽ quan tâm và có trách nhiệm hơn với công việc Giáo Lý của các con em họ
2. Điện thoại
Thỉnh thoảng bạn cũng nên điện thoại cho các phụ huynh ( nếu có ) để duy trì mối tương quan với bạn và phụ huynh và cho họ thấy bạn luôn quan tâm đến con em họ và đó cũng là một cơ hội bạn thăm hỏi và mời gọi họ góp ý.
3. Gửi thư
Một trong những việc chúng tôi thực hiện và thấy có hiệu quả là viết một lá thư ngắn hàng tuần đến phụ huynh. Chúng ta chia sẻ với họ những gì đạt được tuần qua, thông tin cho họ những tham khảo chúng ta nghiên cứu đựoc qua sách vở hay trên phương tiện truyền thông bằng một bản tóm tắt. Đồng thời đề nghị một hai cách thức họ có thể khuyến khích con em họ học bài tại nhà. Điều này cũng đòi hỏi chút thì giờ và nỗ lực, những đó là cách giúp đỡ tốt nhất chúng ta có thể làm cho các phụ huynh
4. Thủ bản Giáo Lý
Sách thủ bản là cây cầu sống động giữa chúngta với phụ huynh. Đôi khi trong chương trình, Giáo Lý viên giữ lại các sách tại lớp vì các trẻ em có khuynh hướng hay quên. Trong trường hợp này, Giáo Lý viên thỉnh thoảng nên tìm cách cho phụ huynh kiểm tra sách con cái họ.
5. Làm bài tập
Thường các phụ huynh rất quan tâm đến các bài làm của con cái họ. Bài tập ở nhà là một cách thức giúp họ thấy và tham gia hường dẫn thêm những điều con cái họ đang học. Thực ra việc cho bài làm ở nhà hàng tuần không thực tế. Tốt hơn hết chúng ta chúng ta cho các em làm bài tập ở lớp học và phụ huynh kiểm tra bài vở đó. Chúng ta có thể mời họ cộng tác trong một vài tiết học làm bài.
6. Thánh Lễ gia đình
Hàng năm chúng ta nên thực hiện một Thánh Lễ tạ ơn dành riêng cho các em và phụ huynh. Các em sắp xếp phần phục vụ và chủ động chương trình. Trong bầu khí vui tươi sau Thánh Lễ bạn có thể trao đổi thân mật với phụ huynh.
7. Mời dạy học
Bạn có thể mời một vài phụ huynh có trình độ, có khả năng chuyên môn đến lớp dạy thay cho bạn một bài nào đó đã được trao đổi chuẩn bị trước, hay cùng dạy với bạn.
8. Hội phụ huynh
Chúng ta mời các phụ huynh tham gia một phần nào đó của chương trình. Ví dụ như lo quà bánh, thông tin cho các phụ huynh khác, yểm trợ các cuộc tham quan và nhiều công việc khác như thế .
9. Mời tham quan lớp
Đôi lúc bạn nên mời phụ huynh có thời giờ rảnh rỗi đến tham quan lớp. Chắc là ít có ai tới, nhưng điều đó nói lên sự quan tâmcủa chúng ta đến quyền lợi và trách nhiệm của họ.
Chúng tôi hy vọng bạn sẽ tìm được nhiều góp ý hay hơn. Việc bạn quan tâm đến ,ối tương quan chặt chẽ với phụ huynh như vậy thật là hợp lý.
“Chúng tôi đang sử dụng nội dung các sách giáo khoa có sẵn, nhưng thấy nội dung của chúng tôi không linh động. Chúng tôi muốn tìm cách đi xa hơn dàn bài có sẵn trong sách nhưng lại không biết lấy từ những nguồn tài liệu nào. Xin hướng dẫn cho vài ý kiến.”
Chúng tôi đồng cảm nghĩ với bạn là muốn sao để có thể tiến xa hơn và làm được nhiều hơn. Ngay cả những cuốn sách hay nhất dường như vẫn chưa làm thỏa mản đủ ý bạn. Vậy chúng ta có thể tìm thêm nguồn hỗ trợ ở đâu ?
Quan điểm của chúng tôi về nguồn hỗ trợ cho vấn đề học tập và dạy dỗ – nhất là vấn đề Giáo Lý – Phản ảnh xác tín giáo dục của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng những người học cũng là những người dạy và ngược lại những người dạy cũng là những người học. Chúng tôi tin rằng cả người học lẫn người dạy đều có nhiều sáng kiến hơn họ tưởng. Và chúng tôi cũng tin nhu cầu Giáo Lý phải đi sát với đời sống thường ngày. Vậy chúng tôi xin đề nghị nguồn hỗ trợ sau đây:
1. Chúa Thánh Thần
Chúng tôi tin rằng Chúa Thánh Thần tác động trong cả quá trình học tập và dạy dỗ. Thánh Thần của Chúa Giê-su là nguồn mạch quan trọng nhất. Chính Ngài mở lòng trí giúp thấu hiểu mầu nhiệm sự sống của Chúa Ki-tô. Vì vậy, cần phải cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và mở trí chúng ta trong suốt quá trình học tập và dạy dỗ
2. Học viên
Các em là nguồn hỗ trợ thứ hai trong việc dạy Giáo Lý. Lời chúa được nhận biết qua kinh nghiệm và những công việc sáng tạo của các em.
Tuy nhiên để có thể lắng nghe lời chúa trong cuộc sống và trong sáng kiến của các em, bạn phải tạo bầu không khí kính trọng và tin tưởng lẫn nhau. Đây là một trong những nguồn hỗ trợ Giáo Lý quan trọng. Những hoạt động sáng tạo như biểu lộ hiểu biết, tình cảm, kinh nghiệm của các em đều góp phần vào nguồn hỗ trợ thiết yếu này. Những hoạt động như thế hoàn toàn đơn giản và không tốn kém gì như vẽ, tô, viết, kịch, nhạc, thảo luận, và cầu nguyện.
3. Giáo Lý viên
Tiếp theo hai nguồn hỗ trợ trên, chính bạn là nguồn hỗ trợ sáng tạo quan trọng. Hầu hết chúng ta đánh giá thấp và chưa sử dụng hết khả năng của mình. Chắc rằng Thiên Chúa nói với bạn và các em qua kinh nghịêm. Hiểu biết và tình cảm của bạn. Vì thế đừng che dấu những khả năng của bạn bằng ngôn ngữ thần học không liên quan đến đời sống. Giáo Lý là chia sẻ niềm tin cùng với nhau cứ không phải là một sự truyền bá giáo thuyết của Giáo Hội và những sự kiện Kinh Thánh.
Vậy hãy luôn suy tư về cuộc sống, niềm tin, và việc học hỏi của bạn. Hãy sử dụng các nguồn nội tâm của mình. Chia sẻ kinh nghiệm với các em. nên nhớ chính bạn cũng là nghiệm Giáo Lý quý giá cho các em. Trong bạn, các em tìm gặp được Đức Giê-su.
4. Tha nhân
Trong Giáo Xứ và ngoài Giáo Xứ bạn. Nơi gia đình và những người thân quen thuộc đủ mọi thành phần là những nguồn hỗ trợ thúc đầy đủ mọi thành phần là những nguồn hỗ trợ thúc đẩy bạn trong lĩnh vực Giáo Lý. Đặc biệt một số người trong một vài lĩnh vực có thể là những tấm gương can đảm thắng vượt những khó khăn. Họ có nhiều kinh nghiệm liên quan đến bài bạn dạy, hay là những mẫu gương có sức lôi cuốn về sự cảm thông, công lý và hòa bình. Họ hãnh diện khi được mời đến chia sẻ khả năng của họ.
5. Những vật dụng khác
Có vô số những vật dụng có sẵn trong nhà hay trường học là những nguồn hỗ trợ sẵn sàng giúp bạn. Báo chí thường có những câu chuyện rất thực tế, bổ ích, những tranh ảnh, đồ họa, truyện tranh họat họa, hài kịch, đố vui v.v.. và rất nhiều thứ liên quan đến nội dung bài, kể cả chương trình Tivi.
Có lẽ bạn cũng đã thâu thập những vật dụng khác giúp bạn thêm phần sáng tạo như giấy, bảng con, dây thừng, bao nhựa, túi sách, bạt, cây cọc, lều, rìu v.v… Một khi bạn đã có kinh nghiệm về việc sử dụng cụ hàng ngày này bạn có thể dùng nó cho việc dạy Giáo Lý.
6. Các loại tài liệu
Sách vở, phim ảnh, hình tranh, máy radio-cassette-video, trò chơi vi tính v.v.. là những phương tiện hữu dụng cho Giáo Lý của chúng ta. Và cũng đừng đánh giá thấp những phương tiện trong tầm tay hay những thứ mà bạn cũng như các em có thể sáng tạo được.
Chúng tôi hy vọng những suy nghĩ này trợ giúp cho sách giáo khoa của bạn một số những cách thức sáng tạo phong phú hơn.
“Lớp Giáo Lý của chúng tôi hai tuần nữa sẽ kết thúc. Thú thật tôi cảm thấy vui vui vì một niên khóa trôi qua thật tuyệt mặc dầu khá thấm mệt. Kỳ nghỉ hè sắp đến. tữ thâm tâm tôi vẫn muốn mình tiếp tục dạy Giáo Lý viên tốt hơn sau này ?”
Câu hỏi của bạn thật tuyệt vời. Sau một năm vất vả và chúng ta sắp có cơ hội nghỉ ngơi. Nhưng chất Giáo Lý Viên vẫn ở trong máu của chúng ta. Tất nhiên trong niên học tới chúng ta sẽ tiếp tục là Giáo Lý Viên. Sau đây chúng tôi có một vài đề nghị để giúp cho mùa hè của bạn được hữu ích.
1. Dùng thời gian để nhận định. Mặc dầu bạn đang náo nức nghỉ ngơi sau một niên khóa giảng dạy dài. Nhưng bạn có thể tìm được những tháng hè hữu ích nếu bạn dành ra một thời gian để nhìn lại một năm qua. Bạn hãy làm bảng lượng giá, hoặc với Giáo Lý Viên cùng làm với bạn. Trong bản lượng định cuối năm này bạn cũng nên nhớ đến sự đóng góp của các em.
Bản lượng định phải đơn giản: việc gì làm tốt nhất ? Điều gì kiến bạn và các em thích thú và có kết quả nhất ? Điều gì không thực hiện được ? Lĩnh vực nào cần phải trau dồi thêm nữa ?
Nếu phải dạy lớp khác hoặc phải dùng giáo án mới cho năm tới, bạn nên xem trước để có thể nhận ra đề tài chính yếu mà bạn sẽ phải dạy và đưa ra những hướng tổng quát mà bạn phải áp dụng.
Khoanh vòng những điểm chính yếu mà bạn muốn nhớ áp dụng sau này.
Rồi bạn hãy gác lại mọi ghi chú và những sách vở để tận hưởng mùa hè. Tiềm thức bạn sẽ âm thầm làm việc trong những kỳ nghỉ này và giúp bạn có được những kinh nghiệm bất ngờ làm phong phú cho việc dạy của bạn năm tới.
2. Niềm vui mùa hè. Có lẽ việc chuẩn bị tốt nhất cho việc dạy niên khóa tới là hãy tận hưởng thời gian nghỉ hè của bạn. Đây là thời gian bạn cần xả hơi cho tâm trí được thảnh thơi và tình cãm được hài hòa. Vui chơi, thưởng thức nghệ thuật, Nghỉ ngơi và hòa mình với thiên nhiên và Thiên Chúa bao nhiêu, thì việc dạy Giáo Lý của chúng ta càng tốt bấy nhiêu.
3. Đi tĩnh tâm. Nhiều Giáo Lý Viên dành cuối tuần hoặc suốt tuần để tĩnh tâm trong mỗi dịp hè. Đây là lúc để nhìn lại và nhìn sâu hơn vào đời sống đức Ki-tô giáo.
Cách thực hiện việc tĩnh tâm rất đa dạng về nơi chốn, về phương thức, về chi phí và về lợi ích. Một số làm với tính cách cá nhân, số khác theo nhóm hoặc theo tính cách gia đình. Nếu không có cơ hội, bạn có thể nghĩ một cách thức tĩnh tâm riêng. Chẳng hạn bạn có thể dùng Kinh Thánh, sách thiêng liêng hoặc sách liên quan đến việc giảng dạy Giáo Lý của bạn để suy tư.
Từ đó, việc dạy Giáo Lý cho các em chính là chia sẻ niềm tin đã được thấm nhuần trong đời sống ngôn ngữ của bạn.
4. Giao lưu và bổ túc nghiệp vụ. Trong kỳ nghỉ hè, Giáo Lý Viên nên nên tìm tham dự những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Giáo Lý được Giáo Phận, Giáo Hạt, Giáo Xứ tổ chức về các môn như Sư Phạm Giáo Lý, Thần Học, Kinh Thánh, phục vụ, tu đức, tâm lý v.v… để làm giàu kinh nghiệm cho mình.
5. Học thêm điều mới công việc Giáo Lý của bạn kể cả nhân cách và đời sống sẽ phong phú hơn nếu bạn tiếp tục phất triển và thăng tiến mãi, không những về đời sống tôn giáo mà còn về đời sống xã hội nữa. Trong dịp hè bạn có thể phát triển thêm về kiến thức và kỹ năng cần thiết, chẳng hạn học biết về ca múa, nhạc kịch, đàn hát, nấu nướng, chụp hình, vẽ họa, sửa xe, học sinh ngữ, câu cá, trồng rau, cắm bông v.v… Những việc này sẽ mở ra cho bạn những phương trời tuyệt diệu và niềm vui cuộc sống.
“Tôi muốn là một Giáo Lý Viên có nhiều khả năng sáng tạo. Nhiều Giáo Lý Viên khác trong Giáo Xứ tôi luôn tạo được sự sinh động hấp dẫn trong lớp. Còn lớp của tôi lại luôn buồn tẻ và nhàm chán. Dù tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng chưa bao giờ nẩy sinh được những ý tưởng mới lạ. Tôi có điều gì nhầm lẫn trong cách giảng dạy chăng ?”
Chắc bạn chẳng có điều gì lầm lẫn đâu. Chúng tôi đã hỏi đi hỏi lại các Giáo Lý Viên trong các khóa hội thảo về ”khả năng sáng tạo” mới tìm thấy 3 người có khả năng này. Có lẽ trong hàng trăm người mới có người được gọi là có “khả năng sáng tạo”.
Cách đây mấy năm, môt công ty lớn muốn có những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu hiện đại, đã làm một cuộc khảo sát các công nhân nhằm tìm ra những người có năng lục sáng tạo nhất. Kết quả cuộc khảo sát này thật đáng quan tâm: Những người nghĩ mình có khả năng sáng tạo thì biết sáng tạo công việc. Họ sáng tạo được vì họ tin rằng mình có khả năng.
Gần đây nữa, ông Bill Moyers đã thực hiện một loạt những chương trình tuyệt vời trên Tivi với đề tài về khả năng sáng tạo. Sau khi phỏng vần những người có khả năng ở nhiều lãnh vực và sau khi nghiên cứu tìm tòi ông đưa ra hai kết luận:
1. Mọi người đều có khả năng sáng tạo.
2. Có thể phát triển khả năng sáng tạo.
Xét cho cùng, chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh giống như Đấng Sáng Tạo.
I. KHẢ NĂNG SÁNG TẠO LÀ GÌ ?
Khả năng sáng tạo là khả năng được tạo ra những điều mới lạ từ những cái đã có sẵn của bạn. Chẳng hạn như một tư tưởng mới, một sự hiểu biết sáng suốt mới mẻ, môt sản phẩm mới, một phương cách mới để giải quyết công việc, một cách giảng bài mới. Khả năng sáng tạo biết nối kết với những điều xem ra chẳng ăn nhập gì với nhau.
Hầu như mọi thiếu nhi đều có một khả năng sáng tạo phong phú. Thế nhưng buồn thay, sau tuổi ấu thơ người ta ngày càng mất dần khả năng sáng tạo đó.
II. TẠI SAO CHÚNG TA THIẾU KHẢ NĂNG SÁNG TẠO ?
Những nhà chuyên môn cho thấy một vài yếu tố làm giảm hoặc mất đi khả năng tự nhiên mà Thiên Chúa ban cho. Bạn có thể nhận ra điều này dựa trên kinh nghiệm bản thân.
§ Sợ thất bại nên không cố gắng làm điều gì mới.
§ Sợ phê bình chỉ trích của người khác hay của chính mình. Điều này thường làm chúng ta hoài nghi chính mình, làm sơ cứng khả năng sáng tạo.
§ Những thói quen cố hữu làm ngăn cản phát huy những phương cách mới.
§ Thời gian căng thẳng và hạn chế cũng có thể dập tắt những sáng kiến được lóe lên trong ta, khiến ta có cảm tưởng mình bị ”đóng khung” hay thiếu năng lực.
§ Ngại giải trí, có lẽ vì chủ trương ”làm việc nghiêm túc” đã ngăn chặn liên tưởng các ý tưởng.
§ Tính thờ ơ hoặc tính ươn lười cũng đều cản trở những dự phóng mang tính sáng tạo.
III. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ NÊN NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG SÁNG TẠO ?
Chúng ta có thể phát huy khả năng sáng tạo riêng bằng cách làm việc có ý thức chống lại những yếu tố bóp nghẹt khả năng sáng tạo nói trên. Chúng ta có thể thực hịên những bước cụ thể và tích cực để trở nên người có óc sáng tạo hơn. Dưới đây là những bước nhằm giúp Giáo Lý Viên có khả năng sáng tạo nhiều hơn.
Bình thường khả năng sáng tạo đi theo một nhịp độ hoặc một khuôn mẫu gồm 5 bước hoặc 5 giai đoạn. Chúng ta hãy xem xét khuôn mẫu này để chuẩn bị một bài học có tính sáng tạo hơn.
1. Chuẩn bị:
Những ý tưởng sáng tạo không nẩy sinh mọi nơi mọi chỗ. Để trở thành một Giáo Lýviên có óc sáng tạo và dọn được những bài dạy mới mẻ đòi hỏi phải có sự chuẩn bị liên tục bằng việc nỗ lực tìm kiếm trong cuộc sống, bằng cách tiếp tục phát huy khả năng chuyên môn qua các khóa Giáo Lý, việc đọc sách và kinh nghiệm sống.
2. Tập trung:
Sau mỗi buổi lên lớp, nên bắt đầu chuẩn bị lên chương trình ngay cho buổi kế tiếp. Tập làm dàn bài. Lưu ý đến bất cứ câu hỏi hay vấn đề nào có trong bài. Xem xét những nguồn tài liệu khác rồi đọc thêm.
Nếu có thể, nên dọn chung dạy một bài học với một hay nhiều Giáo Lý Viên khác. Cố gắng nghĩ ra càng nhiều ý tưởng càng tốt. Cứ ghi lại những tư tưởng đến trong đầu mà không vội phê phán. Sau đó xem xét lại toàn bộ những ý tưởng được ghi lại rồi chọn ra những điều cần thiết nhất để đưa vào bài dạy.
Cách chuẩn bị chương trình như thế giúp bạn tập trung cho buổi đứng lớp đồng thời cũng gia tăng khả năng sáng tạo của bạn. Nhờ những chuẩn bị xa và rộng, bạn có một dàn bài phong phú cho từng bài học.
3. Thêm Sức:
Tiếp theo hãy đi làm các công việc khác của bạn. Tiềm thức của bạn sẽ tiếp tục hoạt động theo dàn bài của bạn trong khi bạn làm việc khác. Thái độ và hoạt động để nuôi dưỡng khả năng sáng tạo trong suốt thời kỳ tiềm thức cũng như trong cả cuộc sống của bạn, bao gồm:
- Khẳng định khả năng sáng tạo của bạn: Bằng cách nói với chính mình rằng “Tôi là người có khảnăng sáng tạo”, và vui mừng trước bất cứ công việc sáng tạo nào mà bạn làm được, cho dù nhỏ mọn đến đâu đi nữa.
- Mở rộng tầm nhìn của bạn bằng cách đọc nhiều hơn, nói chuyện với những người có tài, có khả năng, thăm viếng viện bảo tàng, đi du lịch.
- Hãy ghi nhớ những hình ảnh mới, những tư tưởng mới.
- Tập lắng nghe những cảm xúc nội tâm cũng như những điều xảy ra bên ngoài.
- Thư giãn và giải trí: Hãy tìm những giờ rảnh để giải trí, có thể đi mua sắm, chơi hoặc xem thể thao, câu cá, vẽ tranh, đi bộ. Làm bất cứ điều gì để bạn thực sự được giải trí và thư giãn.
4. Soi sáng:
Khi bạn có một tư tưởng mới trong đầu, hãy chộp bắt lấy và ghi ngay vào sổ, nó sẽ giúp bạn sau này.
5. Thành quả:
Cuối cùng, bạn sắp xếp tất cả lại với nhau. Với sách trong tay, với những ý tưởng mới, bạn cẩn thận phác họa một dàn bài đúc kết của bạn.
Theo phương pháp này: “Làm việc, thư giãn giải trí, rồi lại làm việc.” Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy mình là một người có khả năng sáng tạo như thế nào.
BÀI 22: ĐẶT CÂU HỎI SAO CHO THỰC TẾ ?
“Nhiều lớp Giáo Lý thường chẳng đi sâu vào bài học. Các em thích nghe kể truyện, đặc biệt là truyện Kinh Thánh. Nhưng dường như các em chỉ dừng lại ở bề mặt mà không đi sâu vào ý nghĩa các câu truyện đó. Các em hiểu vấn đề rất nông cạn. Ý kiến của bạn thế nào ?”
Cảm nghiệm trên của bạn rất là bình thường. Thực sự bạn đang gặp phải công việc khó khăn nhất của các Giáo Lý Viên. Bệnh hình thức đã bóp nghẹt sức sống Giáo Lý và làm cản trở việc phát triển Đức Tin.
Theo kinh nghiệm, chúng tôi thấy rằng một trong những phương thức giúp các em hiểu được nội dung Giáo Lý sâu xa là biết cách đặt câu hỏi.
Nhà thần học Karl Rahner, Linh Mục Dòng Tên, xác quyết rằng những câu hỏi tốt là dấu hiệu về sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, Đức Tin lớn lên được là nhờ việ đặt vấn đề thăm dò và tìm hiểu.
A. NHỮNG THÁI ĐỘ CĂN BẢN:
Ba thái độ cần có để tạ ra những câu hỏi có giá trị:
1. Là Giáo Lý Viên, nghĩa là người thầy, bạn phải có một tinh thần cởi mở, dám đặt vấn đề, tự mình tìm hiểu sâu xa về mầu nhiệm đời sống và Đức Tin Công Giáo.
2. Cần tôn trọng tài năng và ước muốn của các em, luôn tin rằng các em có khả năng và muốn học hỏi.
3. Phải tin rằng mình có thể học với các em cũng như dạy chúng. Bạn có thể học với và từ những người bạn dạy.
B. NHỮNG LOẠI CÂU HỎI:
Dưới đây là 4 loại câu hỏi Giáo Lý liên quan đến những kinh nghiệm con người cũng như truyền thống Đức Tin của Công Giáo.
1. Những câu hỏi về sự kiện:
Đây là những câu hỏi bảo đảm kiến thức chính xác về những sự kiện quan trọng. Thí dụ: “Có bao nhiêu Bí Tích ?”, ”Bí Tích là gì ?”, những câu hỏi này đặt ra khi chúng ta muốn các em nắm vững những điều Giáo Lý cơ bản về các lễ nghi, cầu nguyện, sự kiện lịch sử. Những câu hỏi loại này tuy rất quan trọng nhưng có thể dễ bị dừng lại ở mức hời hợt.
2. Câu hỏi về ý nghĩa:
Từ một câu truyện, hay một định nghĩa Giáo Lý, chúng ta đặt câu hỏi “điều này có ý nghĩa gì ?” Câu hỏi đơn giản đó mau chóng cho thấy sự hiểu biết khác nhau của từng em về cùng một câu định nghĩa. Những câu hỏi về ý nghĩa mời gọi các em đi sâu vào sự kiện Đức Tin và đời sống hơn những kiến thức hời hợt.
3. Câu hỏi về giá trị:
Cần đặt những câu hỏi gợi lên những suy nghĩ cá nhân sâu xa và cụ thể. Thí dụ: Các Bí Tích có ảnh hưởng đối với bạn ? Bạn có thường xuyên lãnh nhận các Bí Tích không ? Các Bí Tích giúp ích gì cho bạn ?
Vì những câu hỏi này mang tính cá nhân, nên bạn cần hỏi với sự tôn trọng và tùy theo sự nhạy bén của từng em. Đừng bao giờ ép các em phải trả lời những câu hỏi loại này. Tốt hơn nên tạo ra một bầu khí tin tưởng lẫn nhau, để các em tự do trình bày kinh nghiệm sống thực sự của chúng trong việc áp dụng giáo huấn của Giáo Hội.
4. Những câu hỏi về cùng đích cuộc đời:
Những câu hỏi ý nghĩa nhất là những câu hỏi liên quan đến đời sống và đụng chạm đến những huyền nhiệm của sự sống. Thí dụ: Khi dạy về Bí Tích, sau những câu hỏi có tính các sự kiện, ý nghĩa và giá trị, các bạn có thể hỏi: “Bí Tích cho thấy gì về sự sống và sự chết ? về điều thiện và điều ác? Về hạnh phúc đích thực về thế giới và tâm hồn con người ? về Thiên Chúa ?”
Đây là những câu hỏi đụng đến chiều sâu kinh nghiệm con người và niềm tin Công Giáo. Có thể các em trả lời không được gọn gàng và trôi chảy lắm. Những câu trả lời tốt nhất chính là do sự suy tư trầm lắng, niềm tin phó thác, và sự cầu nguyện khiêm tốn. Truyện kể, biểu tượng, sự thinh lặng, nghi lễ là những phương tiện ưu tiên để trả lời cho những câu hỏi tối hậu thư về sự sống. Nó chính là món quà tolớn giúp các em dần dần mở rộng tâm hồn mình tới những vấn nạn này. Mỗi câu trả lời lại đưa tới một câu hỏi sâu xa hơn. Khi đạt tới chiều sâu của nó, kinh nghiệm sẽ đưa con người đến màu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa.
C. HÌNH THỨC ĐẶT NHỮNG CÂU HỎI
Có nhiều cách đặt ra 4 loại câu hỏi trên để giúp các em nâng cao mức độ suy nghĩ và thảo luận.
1. Tránh nêu những câu hỏi mà câu trả lời chỉ là có hay không.
2. Bình thường nên đặt câu hỏi cho cả lớp, trước khi hỏi riêng cá nhân một em. Điều này nhằm mời gọi cả lớp cùng cố gắng trả lời vấn đề.
3. Có thể đặt câu hỏi theo nhiều hình thức khác nhau. Thí dụ: đặt câu hỏi với chính người hỏi hoặc với cả lớp, hoặc dùng thơ văn, tranh ảnh, truyện kể, bài hát dân ca, chiếu bóng, và những phương tiện khác cùng các hoạt động sáng tạo.
4. Đừng bằng lòng với những câu trả lời hời hợt của các em mà nên đòi hỏi chúng phải suy nghĩ sâu xa hơn.
Biết đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, bạn nên duy trì. Điều này giúp bạn tránh những kiểu học hời hợt. Một khi các em cảm thấy tự do hỏi những câu hỏi thực sự của chúng thì bạn sẽ thấy rằng việc dạy của bạn đã có chiều sâu.
BÀI 23: NHỮNG ĐIỀU NÊN HỌC THUỘC LÒNG
“Hồi còn nhỏ, khi học Giáo Lý, tôi phải học thuộc lòng vô số những câu hỏi thưa. Nhưng ngày nay con cái của tôi đến trường dường như không phải học thuộc lòng câu Giáo Lý nào cả. Bây giờ tôi là một giáo lý viên, tôi muốn biết có nên bắt các em học thuộc lòng điều gì không ? Có nên nhấn mạnh đến việc học thuộc lòng không ?”
Câu hỏi của bạn được Giáo Lý Viên và phụ huynh chia sẻ. Chúng ta thường rơi vào một trong hai thái cực: hoặc là học thuộc lòng mọi thứ, hoặc không học thuộc lòng điều gì cả. Cả hai đều là thiếu sót. Đúng ra cũng có những phần quan trọng để học thuộc lòng
TẠI SAO PHẢI HỌC THUỘC LÒNG ?
Học thuộc lòng là một điều quan trọng bởi những lý do sau:
Làm giàu cho mình. Học thuộc lòng điều mình khám phá và nghiên cứu thường giúp ta tăng triển chính mình hơn. Quá trình học thuộc lòng giúp ta ý thức rõ hơn mình là ai. Nó trở thành một phần con người của ta,giúp ta nhận rõ vai trò Ki-tô hữucủa mình. Chẳng hạn, kinh Lạy Cha mà bạn cầu nguyện ngay từ thuở nh, có thể đồng hóa bạn trở thành môn đệ Đức Giê-su.
Kho tàng kiến thức. Những điều bạn học thuộc lòng hôm nay cũng có thể hữu ích cho cuộcsống tương lai. Những công thức về sự khôn ngoan Ki-tô giáo, hoặc các kinh nguyện một khi được họcthuộc có thể trở thành nguồn suối trong đời sống được rút ra khi bạn cần đến. Chẳng hạn, những câu thánh vịnh học thuộc lòng khi xưa có thể khơi dậy lời cầu nguyện chân thành trong những giây phút vui hoặc buồn, thành công hay thất bại.
Tính liên đới. Những công thức đức tin có thể tạo ra một sự đồng cảm mãnh liệt với những người khác có cùng một truyền thống niềm tin. Ngay những đứa trẻ cũng có thể cảm nhận được sự hòa nhập với công đoàn giáo xứ khi tất cả cùng đọc kinh Lạy Cha vào ngày Chúa nhật. Học thuộc lòngnhững công thức đức tin Ki-tô giáo cũng có thể nuôi dưỡng việc liên đới hoặc nối kết những người của thế hệ đã qua và tương lai có cùng truyền thống Ki-tô giáo.
Trên đây là một số lý do tại sao ta cần học thuộc lòng chúng. Có giá trị sư phạm chẳng những trong việc dạy giáo lý, mà còn trong nhiều lãnh vực khác.
CẦN HỌC THUỘC LÒNG NHỮNG GÌ ?
Nên cân nhắ cẩn thận điều nào cần học thuộc lòng.
Ngày nay, các sách giáo lý thường ghi chú rõ những điều các em cần học thuộc lòng:
Những kinh căn bản: như dấu thánh giá, kinh lạyCha, Kinh Mừng, kinh Sáng Danh.
Những câu Kinh thánh căn bản: những chủ đề về con người cũng như về tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.
Những phần căn bản trong Phụng vụ: những phần của thánh lễ, của các bí tích, những mùa Phụng vụ, những lễ lớn.
Tín lý căn bản: Kinh tin kính của các Tông Đồ.
Nền tảng luân lý và tu đức: như 10 điều răn, mối phúc, 7 ơn Chúa Thánh Thần, những công việc từ thiện bác ái (td: truyện Tobia,nhười Samaritanô nhân hậu)
HỌC THUỘC LÒNG THẾ NÀO ?
Mỗi người có mỗi cách khác nhau để giúp các em nhớ bài. Vì thế bạn nên vận dụng kinh nghiệm của chính mình. Chúng tôi xin chia sẻmột vài cách học.
Chỉ học thuộc lòng những gì có ý nghĩa. Chẳng có lợi gì khi bắt các em học thuộc như vẹt những công thức giáo lý mà các em không thể hiểu hết.thường thường chỉ cho học thuộc lòng sau khi các em đã nắm bắt và hiểu.
Chia nhỏ ra. Đừng bắt các em nhớ những bài ài một lúc. Nên giúp các em chia bài dài thành những bài ngắn để dễ học và dễ nhớ, thí dụ các phần của Kin Tin kính gồm : Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh thần, Hội thánh và sự sống đời sau.
Tạo sự phấn khởi. Đừng làm choviệc học thuộc lòng ra buồn chán và nặng nề, nên biến nó thành trò chơi, âm nhạc, thành đố vui, thành công tác đội,vv….như vậy sẽ phấn khởi hơn và có ảnh hưởng hữu hiệu hơn.
Lập lại một cách sáng tạo. Để cho trí nhớ phát triển một cách đều đặn, việc lặp lại luôn cần thiết. Nhưng việc lặp lại quá thường xuyên có thể trở thành nhàm chá, buồn tẻ. Do đó cần đổi mới và sáng tạo. Chẳng hạn, trò chơi điền chữ, đố vui, viết nối tiếp v.v…
Chúng tôi hy vọng những ý tưởng ngắn này, có thể giúp bạn tìm ra sự quân bình giữa việc học thuộc lòng quá nhiều và quá ít.
BÀI 24: PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN
"Tôi luôn luôn khởi sự và kết thúc giờ học Giáo Lý bằng lời cầu nguyện, nhưng các em không được nghiêm túc lắm. Tôi không biết phải làm gì khác hơn, bởi vì tôi chưa bao giờ được hướng dẫn cầu nguyện. Tôi rất vui mừng nếu được bạn giúp cho một hình thức cầu nguyện".
Cũng như bạn, chúng tôi khởi đầu và kết thúc buổi học bằng lời cầu nguyện. Và chúng tôi cũng cảm thấy lời cầu nguyện đó không được sốt sắng. Chúng tôi đã được học hỏi nhiều. Và chúng tôi thấy rằng "Mọi giờ Giáo Lý đều hướng đến việc cầu nguyện và phụng tự". Nhờ đó chúng tôi đã tìm ra được những cách thức tốt đẹp hơn để giúp các em cầu nguyện.
Sau đây là một vài cách thức chúng tôi đã khám phá:
1. Chính bạn hãy cầu nguyện
Có lẽ lời khuyên quan trọng nhất dành cho bạn là hãy trở nên một người luôn cầu nguyện. Trước tiên là bạn hãy học biết cầu nguyện để có thể cầu nguyện nhiều hơn trong suốt cuộc sống của mình. Chúng tôi xin đề nghị với bạn một vài cách thức sau.
2. Nuôi dưỡng những tâm tình cầu nguyện
Trong khi cầu nguyện, chúng ta diễn tả niềm tin vào Chúa, lòng biết ơn, lòng kính sợ trước sự cao cả và tốt lành của Chúa, lòng thống hối vì đã làm tổn thương đến mối tương quan với Chúa, lời cầu xin ơn Chúa trợ giúp. Nếu lời cầu nguyện của bạn chân thực thì nó phải xuất phát từ tâm tình cảm phục, lời tạ ơn, lòng tôn kính, thống hối, niềm tin cậy mến.
Chúng ta có thể giải nghĩa cho các em những điều kỳ diệu trong việc tạo dựng là điều khiến các em cảm kích, thán phục. Chúng ta tin tưởng các em, để các em học biết tín thác. Chúng ta có thể diễn tả lòng biết ơn đối với các em đồng thời hướng dẫn các em học biết cảm ơn. Chúng ta có thể xin lỗi vì làm cho các em buồn và hãy tha thứ cho các em vì lỗi lầm của chúng. Với những cách thức này, chúng ta nuôi dưỡng những tâm tình cầu nguyện của các em.
3. Lời cầu nguyện phải có ý nghĩa
Lời cầu nguyện trong lớp phải xuất phát từ một điều đang xảy ra trong lớp. Mọi lời nguyện đều cần được khơi dậy từ kinh nghiệm cuộc sống. Kinh nghiệm này được soi sáng và thêm phong phú nhờ những truyền thống cầu nguyện trong Đạo được diễn tả trong bài học. Việc cầu nguyện nên thực hiện vào những lúc thích hợp nhất trong giờ học.
Điều này đòi hỏi phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Sách Giáo Lý sẽ giúp bạn cách thực hiện chương trình này. Kinh nghiệm sẽ giúp bạn nhạy bén hơn để biết khi nào cầu nguyện là thích hợp nhất.
4. Mở rộng hướng cầu nguyện. Truyền thống Công Giáo chúng ta có rất nhiều hình thức cầu nguyện. Các sách Giáo Lý hiện nay cũng cung cấp cho chúng ta nhiều hình thức cầu nguyện đem lại nhiều ích lợi thiêng liêng.
Dưới đây là vài hình thức cầu nguyện có thể sử dụng trong lớp:
- Những lời cầu nguyện truyền thống:
Ai trong chúng ta cùng đều biết và thuộc những kinh truyền thống mà sách Giáo Lý nào cũng có hướng dẫn như dấu Thánh Giá, Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh, Kinh Tin Kính, ba Kinh Tin Cậy Mến, Kinh Ăn năn tội, v.v... Chúng ta còn có những kinh khác nữa, chẳng hạn như Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô, chuỗi Mân Côi.
Chúng ta giúp các em cầu nguyện theo những kinh này với một vài thay đổi như: Đọc chậm rãi từng lời kinh để có thời giờ cảm nếm, hoặc suy gẫm, hoặc có thể kéo dài ra như một bài suy niệm.
Bạn cũng có thể viết bài suy niệm dựa trên từng lời kinh hoặc tìm hình vẽ, hình chụp phù hợp đặt dưới mỗi lời kinh nhằm diễn tả ý nghĩa cho thêm phần sống động.
- Cầu nguyện bằng Kinh Thánh và Phụng Vụ:
Kinh Thánh và Phụng Vụ chứa đầy những lời cầu nguyện. Bạn có thể áp dụng vào việc dạy Giáo Lý cũng như vào việc cầu nguyện riêng của bạn. Các Thánh Vịnh có lẽ là những kinh nghiệm được yêu mến nhất trong Kinh Thánh và Phụng Vụ. Bạn nên sử dụng thường xuyên toàn bài Thánh Vịnh hoặc chỉ một vài câu cũng được, khi chúng phù hợp với các chủ đề Giáo Lý.
- Nguyện gẫm. Nguyện gẫm là một hình thức suy niệm hàng ngày, dựa trên một trình thuật Kinh Thánh, một bài đọc, bài giảng hoặc đời sống một vị thánh. Nó như một thứ men đang ủ, một kiểu suy nghĩ trong tâm trí. Có những phương pháp suy gẫm khác nhau. Óc tưởng tượng cũng có thể giúp ích rất nhiều. Hãy cố gắng tưởng tượng xem những điều đang xảy ra, hãy lắng nghe bất cứ những lời được nói, hãy cảm nghiệm tâm tình của bất cứ ai.
Sử dụng các phương tiện để dễ dàng suy gẫm – một bức ảnh gây ấn tượng, một tác phẩm nghệ thuật, vẽ hoặc viết những ý nghĩ hoặc những cảm nghiệm, có thể mở nhạc thánh ca làm nền vì chính âm nhạc và lời ca sẽ hỗ trợ cho bài nguyện gẫm. Tư thế của thân thể thoải mái cũng giúp cho việc suy niệm được dễ dàng: Ngồi thư giãn nhưng nghiêm trang, đi bách bộ hoặc quì gối.
- Lời nguyện tâm tình:
Nguyện gẫm thường dẫn đến tâm tình ngợi khen Thiên Chúa, bày tỏ lòng biết ơn, tin cậy và yêu mến. Chúng ta và các em đều có thể cầu nguyện bằng những lời nguyện đầy cảm xúc cách âm thầm hoặc lớn tiếng, bằng cách viết hoặc hát một bài, bằng cử điệu hoặc bằng những hình thức nghệ thuật khác.
- Những lời nguyện tắt:
Một hình thức hỗ trợ cho việc cầu nguyện trong lớp Giáo Lý là lặp đi lặp lại tên "Giêsu" cách chậm rãi và âm thầm hoặc là một câu ngắn gọn như "Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con". Hãy cố gắng liên tục lặp đi lặp lại những lời nguyện tắt một cách chậm rãi.
- Các kinh cầu:
Thỉnh thoảng có thể sử dụng các kinh cầu chính thức cho phù hợp như "Kinh cầu các thánh". Các em có thể làm ra kinh cầu riêng liên quan đến điều học trong bài.
- Những lời nguyện tự phát:
Trong giờ học, bạn có thể mời gọi các em cầu nguyện tự phát vào lúc thuận tiện.
Trên đây là vài hình thức có thể thực hiện để giúp bạn và các em cầu nguyện cho có ý nghĩa hơn. Để tiến xa hơn, bạn nên đọc thêm những tài liệu nói về cầu nguyện.
"Ngày nay, đâu đâu cũng có hình ảnh quảng cáo. Trên đường, trong nhà, mọi thông tin đều có tranh ảnh, thậm chí trong các buổi họp cũng được minh thị bằng hình ảnh. Lý do là vì ngày nay hầu hết điều ta được học là do nhìn hơn là nghe. Nếu thực sự như vậy, chúng ta nên dùng nhiều hình ảnh trong các giờ Giáo Lý. Nhưng tôi chưa biết thực hiện thế nào ?"
Một số nghiên cứu cho biết: 83% những điều chúng ta học được là nhờ con mắt. Cách đây mấy thế kỷ Đức Khổng Tử đã nói: "Trăm nghe không bằng một thấy".
Hình ảnh và nghệ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo, rất quan trọng đối với việc dạy Giáo Lý. Dạy về Lịch Sử Giáo Hội, Giáo Lý Viên cần đến nhiều hình ảnh di tích lịch sử về các hầm mộ ( catacombe ), Nhà Thờ, và các sách Giáo Lý. Hình ảnh và nghệ thuật giống như những cánh cửa dẫn vào mầu nhiệm Sự Sống và truyền thống Đức Tin Giáo Hội.
Có rất nhiều cách hữu hiệu để dùng hình ảnh và nghệ thuật trong việc dạy Giáo Lý. Ở đây chỉ đưa ra một vài nguyên tắc căn bản và một vài kỹ thuật đã được thử nghiệm.
1. Những nguyên tắc căn bản:
- Chọn lựa cẩn thận: Dùng những hình ảnh chụp và tranh ảnh thật đẹp, những tác phẩm hấp dẫn người xem, kích thích tình cảm và làm cho người xem phải suy nghĩ sâu hơn về Sự Sống và Niềm Tin.
Tìm những tranh ảnh sống động trong các tạp chí, sưu tập các mục quảng cáo, tìm những bức tranh Đạo hấp dẫn trong các sách tranh hoặc nơi các bảo tàng viện.
Thu thập những bức hình và tranh đẹp liên quan đến đề tài bạn đang giảng dạy.
- Nghiên cứu hình ảnh trước khi sử dụng: Ngắm bức tranh thật kỹ, và để nó tác động trên bạn. Ghi nhận phản ứng của bạn. Xem xét các chi tiết. Suy nghĩ những vấn đề chúng gợi ra. Hãy tưởng tượng ra cách dùng chúng.
- Từ câu trả lời, phản ảnh tổng quát đến phân tích chi tiết: Hãy để các em im lặng ngắm tranh trong ít phút. Rồi mời các em chia sẻ hay diễn tả những ấn tượng về bức tranh. Thí dụ: các em thích gì nơi bức tranh đó ? Nó nói gì với chúng ta ? Điều gì đang xảy ra trong bức tranh ?
Kế đó, hướng dẫn các em ghi nhận những chi tiết và ý nghĩa của chúng thí dụ: màu sắc, đường nét, toàn cảnh, từng người và từng vật.
- Từ tranh ảnh tới con người: Khởi từ tranh ảnh và phản ứng của các em về bức tranh, chúng ta dần dần hướng dẫn các em nhìn vào cuộc sống thực tế của mình nhờ vào lăng kính của bức tranh. Đặt vấn đề nhưng luôn tôn trọng tình cảm và ý kiến riêng tư của các em.
Thí dụ: Có khi nào em cảm thấy điều đó không ? Em đã hành động giống như thế chưa ? Em hãy viết lại câu chuyện xảy ra cho em tương tự như vậy ? Bức tranh đã nói gì về thái độ và giá trị của những người cùng tuổi em ?
- Từ những trả lời, phản ảnh cá nhân tới chia sẻ nhóm: Một bức hình hay một bức tranh có ảnh hưởng lớn trên tình cảm hay trên ý nghĩ của các em. Việc chia sẻ có thể làm cho các em phong phú hơn, bớt đi sự khác biệt, giúp các em biết tôn trọng ý kiến người khác và nuôi dưỡng ý thức cộng đoàn. Các em sẽ chia sẻ trung thực hơn nếu chúng viết những suy nghĩ đó trên giấy.
- Từ tranh ảnh tới việc cầu nguyện và hành động: Suy tư và chia sẻ về tranh ảnh sẽ giúp nhận thức sâu xa hơn về Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày hay trong truyền thống Đức Tin Công Giáo của chúng ta. Việc đáp trả Lời Chúa được thể hiện qua việc cầu nguyện và hành động. Hình và ảnh có thể giúp chúng ta nhiều hình thức cầu nguyện và nhất là suy niệm. Qua những ý nghĩa của hình ảnh, chúng cũng có thể thúc đẩy bạn và các em đi đến hành động.
2. Áp dụng vào thực tế:
Sau đây là một vài các dùng tranh trong giờ Giáo Lý:
- Trình bày: Treo tranh ảnh lên để lôi kéo sự chú ý của các em vào đề tài bài học. Nó có thể tạo sự tò mò, duy trì sự chú ý, và là điểm tập trung bài học.
- Chủ đề, tiêu đề: để các em viết những chủ đề hay tiêu đề cho những tranh không lời. Tìm một câu Kinh Thánh phù hợp với chủ đề, hay đưa ra một câu Tin Mừng như là một chủ đề rồi tìm một bức hình nào phù hợp với chủ đề đó.
- Tìm kiếm: đưa một số tạp chí cho các em, để các em tìm trong đó những hình ảnh nào hợp với chủ đề của bài đang học.
- Xếp cạnh nhau: để hai hình ảnh cạnh nhau, xem nó có giống nhau hai trái ngược nhau về ý nghĩa. Tìm những bức hình có ý nghĩa liên quan và xếp cạnh nhau thành một câu truyện Tin Mừng.
- Kể chuyện: Đưa ra một bức hình hay một tác phẩm nghệ thuật. Yêu cầu các em kể bằng lời, viết, hay diễn kịch.
- Nghệ thuật cắt dán: Cho các em cắt lấy những bức hình hay tranh và dán chúng trên một tấm pa-nô để trình bày một chủ đề đặc biệt hay một sứ điệp.
- Tạo một bài thuần hình ảnh hay một phong cảnh: Đưa cho các em một bộ sưu tập lớn với những hình ảnh hoặc phông cảnh. Nếu là những tranh ảnh, đề nghị các em dựng một câu chuyện bằng hình ảnh và có chú thích bên cạnh. Nếu là phông cảnh, các em sẽ dựng một chương trình hoạt cảnh có thể diễn tả bằng lời, có đệm nhạc càng hay.
- Tặng ảnh: vào lễ sinh nhật hay các ngày lễ khác, tặng mỗi em tấm hình đạo có sẵn ở các tiệm bán tranh ảnh đạo.
Còn nhiều hình thức khác để dùng hình ảnh trong Giáo Lý, tuy nhiên với một vài gợi ý trên mong giúp được bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
BÀI 26: ÁP DỤNG HÌNH THỨC BÀI VIẾT
"Các sách Giáo Lý của tôi dường như đi quá giới hạn mà các bài viết đòi hỏi. Một số quá cầu kỳ phức tạp. Khi gặp các bài viết khó, tôi mất nhiều thời gian để đánh vần từng chữ cho các em. Như vậy có cần thiết cho việc dạy Giáo Lý không ?"
Là những người viết sách tôn giáo, chúng tôi hơi dè dặt về vấn đề này. Nhưng chúng tôi lại không nghi ngờ gì về giá trị các bài viết trong việc giáo dục tôn giáo. Chúng tôi cũng không phải là không nhận ra những kỹ năng viết còn giới hạn của các em.
1. Tại sao lại làm bài Giáo Lý ?
Chúng ta thường dùng bài làm trong các lớp Giáo Lý. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, không có hoạt động nào được bày tỏ hoặc được đánh giá đầy đủ như các bài viết.
Tại sao ? Chúng tôi thấy rằng viết lách có thể áp dụng cho mọi người – nam phụ lão ấu – là một phương tiện đặc biệt giúp tiếp cận với huyền nhiệm về con người cũng như thế giới.
Việc viết lách mang tính sáng tạo và có mục đích cho phép mọi người đối thoại với chính họ và với thế giới họ đang sống. Hình thức đối thoại nội tâm là trọng tâm của việc phát triển Đức Tin .
Những hoạt động viết lách có tính sáng tạo hơn về mặt Giáo Lý giúp các em đào sâu kinh nghiệm và truyền thống Công Giáo của mình, đồng thời giúp phát triển các hình thái diễn tả các mầu nhiệm được ẩn chứa trong đó.
2. Một số nguyên tắc viết bài giúp trưởng thành niềm tin:
Chúng ta có một vài nguyên tắc giúp trưởng thành Niềm Tin qua việc viết lách:
- Dạy Giáo Lý không phải là lớp rèn luyện kỹ năng viết. Quan tâm của chúng ta là chú trọng đến ý nghĩa và cảm nhận của các em qua bài viết. Chúng ta có thể giúp các em đôi chút về chính tả, nhưng nhiệm vụ của chúng ta không phải là dạy văn phong, văn phạm, cách chấm câu, đánh vần và những kỹ năng tương tự.
- Mọi em đều có thể viết. Ngoại trừ những người không biết chữ, còn,bất kỳ ai cũng đều có thể viết những gì họ muốn nói. Nhiều người sợ viết vì thấy nó khó và phải tuân theo quá nhiều luật lệ. Chúng ta giúp các em tránh sự e ngại bằng cách khuyến khích chúng viết những suy nghĩ, cảm nhận, và bằng cách khích lệ chúng viết những gì xuất phát từ con tim và khối óc của chúng cách tự do, sáng tạo và giàu tưởng tượng.
- Viết trước và sau khi nói. Viết về một kinh nghiệm hoặc niềm tin trước khi thảo luận và học hỏi trong lớp, như vậy các em sẽ phản ánh trung thực hơn và tạo dịp cho mọi người có cơ hội chia sẻ tâm tư của mình. Nếu không, việc học chỉ là một cuộc tranh luận mà thôi. Sau khi học nhóm, việc viết lách giúp cho cá nhân hấp thụ, tiêu hóa những gì đã học.
- Khuyến khích viết nhiều. Nên khuyến khích các em viết đầy đủ hơn là chỉ viết một vài câu rồi bỏ. Nhiều người có thể nói và viết nhiều về mọi vấn đề hơn là họ nghĩ. Dĩ nhiên có những bài viết chỉ đòi hỏi một vài dòng mà thôi.
3. Viết gì và viết thế nào ?
Không có giới hạn về nội dung, cũng như cách viết. Sau đây là một vài mẫu cụ thể.
- Viết những câu chuyện thuộc kinh nghiệm và niềm tin thì dễ bộc lộ và diễn tả hơn là những định nghĩa trừu tượng. Nên yêu cầu các em viết những câu chuyện "có thực" hoặc là "giàn dựng" để khuyến khích chúng tập diễn tả suy nghĩ của chúng. Thỉnh thoảng cũng nên cho các em viết chuyện theo bối cảnh của một bức hình.
Những câu truyện đơn sơ như truyện Kinh Thánh, những đoạn văn được viết theo lối văn hiện đại, hoặc phức tạp hơn như tập truyện hoạt hình, hoặc một bộ sưu tầm hình.
- Làm thơ đem lại hiệu quả hơn đối với việc tìm tòi và diễn tả những kinh nghiệm và niềm tin. Có thể dùng thể thơ tự do, nhưng trước mắt nên sử dụng những thể loại cố định như thể lục bát hoặc câu 4 chữ, câu 5 chữ v.v... để có được một cấu trúc rõ ràng.
- Viết lời nguyện giúp các em biết cầu nguyện với tâm tình của mình.
- Viết các định nghĩa có thể bộc lộ những ý tưởng sâu sắc hay những hiểu lầm. Có thể yêu cầu các em viết những gì chúng hiểu về "ơn thánh", "tội lỗi", "Giáo Hội", "cầu nguyện" hoặc "hạnh phúc", "tình bạn", "tự do", "tình yêu" dựa trên chủ đề bài học.
- Viết các tiêu đề cho một bức hình hoặc là một bức tranh thường lóe lên những tư tưởng mới, khám phá ra những cảm nhận không thể ngờ được, làm nổi lên những vấn đề và duy trì những cuộc đối thoại.
- Mô tả sự kiện như: "Kể chuyện Giáo Xứ của bạn" hoặc "cách thức cử hành Bí Tích Hòa Giải" sẽ giúp các em nhận định chính xác và có thể tạo ra những ngạc nhiên hoặc nghi vấn về địa điểm và nghi thức.
- Viết biểu ngữ và quảng cáo là cách thú vị để thăm dò và biểu lộ niềm tin và xác tín.
- Viết thư hoặc ghi chú có thể giúp các em cảm nhận những gì đã được học và mong muốn được chia sẻ. Đó cũng là một cách để vươn lên với lòng biết ơn và yêu thương tha nhân, đồng thời cổ võ cho Công Lý và Hòa Bình.
- Viết báo cũng lôi kéo các em vào hình thức viết lách có tính sáng tạo.
- Viết nhật ký tạo cho các em khả năng viết, suy tư chắc chắn hơn, và cũng nói lên một mức độ trưởng thành nơi các em.
- Viết bài phản hồi về một bài giảng, một bài thuyết trình hoặc những câu chuyện. Đây cũng là xu hướng tỏ bày niềm xác tín thực sự của các em trong tương quan với đời sống thực tại.
Với một vài cách viết sáng tạo như thế, bạn có thể khuyến khích các em dần dần trưởng thành trong Niềm Tin.
Bài 27: HÌNH THỨC KỂ CHUYỆN VÀ NGÂM THƠ
"Năm ngoái người bạn tặng tôi quyển sách tựa đề "Nghệ thuật kể chuyện". Vợ chồng tôi đem áp dụng ngay cho con cái và chúng rất thích. Tôi chợt nghĩ, không biết có nên đem áp dụng cách đọc truyện như thế vào việc dạy Giáo Lý không ?"
Chúng tôi vui mừng biết bạn tìm được niềm vui khi đọc truyện cho con cái ở nhà. Chúng tôi cũng cám ơn người bạn đã tặng bạn quyển sách trên. Đó là một trong những quyển sách chúng tôi ưa thích.
Chúng tôi khuyến khích bạn nên tiếp tục theo đuổi ý tưởng kể chuyện trong các lớp học. Chúng ta có thể đọc một truyện ngắn trong các lớp Giáo Lý ấu nhi, thiếu nhi thậm chí cả những lớp Giáo Lý dành cho thanh thiếu niên và người lớn. Chúng ta cũng nên sử dụng nhiều bài thơ cho mọi lứa tuổi kể cả người lớn.
Thật ra, khi làm điều này chúng ta chỉ theo mẫu gương của Chúa Giê-su. Ngài thường kể chuyện và sử dụng văn thơ trong hầu hết các lời giáo huấn.
1. Tại sao lại kể chuyện trong giờ Giáo Lý ?
Ngoài gương của Chúa Giê-su, chúng ta cần sử dụng truyện kể vì những lý do sau đây:
- Ai cũng thích nghe kể chuyện. Một trong những lý do hiển nhiên mà bạn thấy nơi con cái bạn là chúng rất khoái nghe kể chuyện và đọc thơ.
- Các câu chuyện làm cho đời sống phong phú hơn. Các câu chuyện giống như những mảng của đời sống giúp cho thưởng thức và mở rộng hiểu biết. Từ đó chúng ta và các em khám phá được nhiều điều hơn là cái đang diễn ra hằng ngày.
- Câu chuyện giúp chúng ta biết được mình là ai. Các câu chuyện giúp người ta biết được con người của mình. Một câu chuyện hoặc một bài thơ hay giúp ta gặp gỡ những kinh nghiệm riêng tư của mình thông qua nhân vật của câu chuyện. Nhờ việc đồng hóa với các nhân vật, chẳng hạn như cùng vui với những điều tốt lành hay phải đấu tranh với những thách đố của đời sống, chúng ta tìm ra được con đường thích hợp cho mình.
- Các câu chuyện gây niềm hứng khởi và cổ võ. Khi nghe kể những câu chuyện dân gian thiện thắng ác, sự can đảm, tính trung thực, lòng trắc ẩn, tự nhiên trong nội tâm chúng ta muốn hành động theo những nhân vật trong truyện.
2. Nguyên tắc sử dụng truyện và thơ trong Giáo Lý:
Qua kinh nghiệm bạn sẽ tìm thấy nhiều cách thức sử dụng truyện kể trong lớp Giáo Lý. Sau đây là 3 nguyên tắc quan trọng:
- Lên chương trình cẩn thận: Câu chuyện hay bài thơ phải ăn khớp với chủ đề và mục tiêu của mỗi bài học, cũng như phải thích hợp với hoạt động và nhịp điệu tiến triển của lớp.
- Chọn lựa truyện cẩn thận: Cần đọc trước truyện hay bài thơ bạn muốn sử dụng trong lớp học. Nếu bạn không hứng thú và cảm thấy truyện hoặc bài thơ đó không sâu sắc thì các em trong lớp của bạn cũng không thấy điều gì hơn.
- Đừng "lên lớp": Hãy kể truyện như là truyện, đừng vội nhấn mạnh những điểm chính hoặc tính cách luân lý của câu chuyện. Tốt hơn hãy để các em nói cho bạn biết bài thơ hay câu chuyện nói gì về cuộc sống và về chúng.
3. Hình thức kể truyện trong Giáo Lý
Dưới đây là vài cách kể truyện và ngâm thơ trong lớp Giáo Lý:
- Đọc truyện lớn tiếng. Việc đầu tiên là làm giống như bạn làm cho con cái: đọc lớn tiếng cho các em nghe, thử bỏ sách xuống, nhìn lớp bạn và đọc. Làm như thế các em mới thưởng thức những điều bạn minh họa. Cứ thực hành dần bạn sẽ thấy công việc này không khó như bạn tưởng.
- Kể chuyện: Nhiều câu chuyện xem ra cần kể hơn là đọc. Kể một câu chuyện hay ngâm một vần thơ thuộc lòng dễ diễn tả những cảm nghiệm cá nhân hơn mà sách không có. Hãy tập kể chuyện khi bạn cảm thấy thuận tiện để kể.
- Mời các em đọc. Đôi lúc chúng ta nên mời các em đọc những câu chuyện hoặc vần thơ trong sách. Có thể là một em đọc trọn câu chuyện, hoặc là trong một nhóm mỗi người đọc từng đoạn. Cũng có lúc chúng ta để các em tự đọc trong thinh lặng.
- Chiếu phim: Có những truyện đã làm thành phim. Bạn có thể hỏi nơi những nhà chuyên môn.
- Đóng kịch: Có thể để cho các em đóng chung một vở kịch nào đó.
- Minh họa câu chuyện: Tạo điều kiện cho các em minh họa câu chuyện mà bạn đã đọc hoặc kể. Minh họa bằng cách vẽ, tô màu hoặc tìm những hình ảnh thích hợp.
- Kể chuyện kết lửng: Dừng câu chuyện mà không kể phần kết thúc, rồi mời các em suy đoán phần kết của câu chuyện. Sau cùng bạn có thể đúc kết câu chuyện.
"Nhiều người khuyên tôi nên áp dụng âm nhạc vào trong bài học. Thực là một ý kiến tuyệt vời mà ai cũng đồng ý trừ những người không có tai nghe nhạc và không hát nổi một nốt nhạc như tôi mà thôi. Nhưng các bạn trẻ ngày nay lại thích nhạc Rock là loại tôi không thể nào chịu nổi vì nó chẳng có tính cách tôn giáo chút nào. Xin bạn ý kiến ?"
Chúng tôi thường cổ võ Giáo Lý Viên sử dụng âm nhạc, bài hát, và Thánh Ca. Tuy nhiên chúng tôi hiểu sự do dự của bạn. Chúng tôi xin góp một vài ý kiến với bạn.
1. Âm nhạc và Giáo Lý
Với kinh nghiệm, chúng tôi thấy rằng từ trước tới nay âm nhạc và bài hát rất cần thiết cho việc giáo dục và làm cho bầu khí lớp học được sinh động. Một số bài thánh ca Giáo Lý truyền thống được lưu truyền qua bao thế kỷ đều là những lời Kinh Thánh đầy ý nghĩa và làm cho cuộc sống phong phú. Các Giáo Lý Viên chuyên nghiệp và những nhà truyền giáo đã đánh giá cao sự thu hút và tác động mạnh mẽ của âm nhạc.
Âm nhạc có thể làm rung động toàn thể con người, từ thể xác, đến tình cảm, trí khôn, và trái tim. Âm nhạc và bài hát mang lại cho chúng ta một thông điệp tràn đầy ý nghĩa phong phú bởi âm vang cảm xúc thâm sâu. Vì thế các nhà quảng cáo hiện nay thường dùng âm nhạc để lôi cuốn khách hàng. Âm nhạc tác động đến mọi người chúng ta..
Âm nhạc, đặc biệt là nhạc Rock, đã trở thành một ngôn ngữ chung của giới trẻ, là bầu khí chung của thời đại chúng ta. Theo kinh nghiệm mới đây, chúng tôi thấy là nên ứng dụng nó trong lớp Giáo Lý.
2. Sử dụng bài hát và âm nhạc
Đây là một vài cách áp dụng âm nhạc trong lớp Giáo Lý.
a. Chọn thể loại: dùng nhạc để hỗ trợ những tâm tình của bài học: bình an, vui buồn, suy tư, giận dữ. Thí dụ: mở nhạc vui trong khi các em đang đến, hay đang làm việc trong im lặng.
b. Tìm hiểu ý nghĩa: nên dùng bài hát dân ca có liên quan đến chủ đề cuộc sống, những vấn đề, hay câu hỏi trong bài của bạn. Nhiều bài hát hiện nay kể cả nhạc Rock diễn tả những tâm trạng của tuổi trẻ. Hãy để họ lắng nghe, rồi hướng dẫn họ suy nghĩ và bàn thảo những cảm xúc liên quan đến đời sống của họ.
c. Kể một câu chuyện: chọn một bài hát Tin Mừng, một điệu ballade cổ, hoặc bài hát sinh hoạt phù hợp với bài học của bạn. Nhạc làm tăng thêm tình cảm và lôi kéo sự quan tâm, đồng thời giúp cho dễ nhớ câu truyện hơn.
d. Loan truyền sứ điệp: ( cùng với các em ) bạn tìm kiếm hay sáng tác một bài hát có thể tóm tắt được sứ điệp trong bài học của bạn. Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê khi truyền giáo ở Ấn Độ đã thực hiện điều này. Thánh Roberto Bellamin đã lấy những bài tình ca dân gian và đổi lời của chúng để diễn tả sứ điệp Giáo Lý. Viết những cảm xúc mới cho các bài hát mà các em đã biết, có thể đây là sáng kiến giúp các em lãnh hội được ý nghĩa của bài học. Có thể chọn những bản hát đời, kể cả nhạc Rock nếu chúng gây được niềm tin và có những giá trị căn bản.
e. Cầu nguyện: dùng những bài thánh ca để diễn tả ý tưởng và tình cảm của sứ điệp trong bài học. Nếu được, hãy dùng những bài thánh ca mà các em hát trong Giáo Xứ, để giúp chúng nối kết Giáo Lý với phụng vụ ngày Chúa Nhật. Hoặc đề nghị các em viết những cảm xúc cầu nguyện cho điệu nhạc mà các em thích.
3. Những phương tiện hỗ trợ
Hầu hết chúng ta cần sự hỗ trợ khi sử dụng âm nhạc trong lớp học. Dầu chúng ta không biết hát hay tập hát, hoặc không biết nhiều bài hát để chọn lựa nhưng chúng ta có sẵn một số phương tiện để sử dụng:
a. Máy thu và phát thanh: Hầu hết các Giáo Xứ, gia đình và ngay cả các em cũng đều có phương tiện này. Chúng ta tìm các băng đĩa nhạc ghi các bài hát phổ thông và dễ hát rồi mở cho các em nghe và mời các em hát theo. Chúng ta cũng có thể cho các em nghe nhạc nhẹ khi làm việc trong im lặng.
b. Mời người cộng tác: Có thể nhờ đến tài năng của các em hay những người khác có khiếu nhạc. Nhiều người trẻ ngày nay biết sử dụng nhạc cụ. Có thể nhờ đến các Giáo Lý Viên khác, cha mẹ, những người thân của các em, người trong Giáo Xứ, bạn bè. Người ta thường hãnh diện khi được mời để cống hiến tài năng giúp ích người khác.
c. Những nguồn hỗ trợ khác: đây là một số trợ giúp khác mà chúng tôi thấy có ích lợi. Chúng ta nhờ các em thành thạo giúp tìm kiếm những bài hát thông dụng đang thịnh hành để dùng trong lớp học. Tìm những bản nhạc hay bài hát được đề nghị trong sách Giáo Lý. Đôi lúc bạn cũng tìm những bài hát mà các em quen hát. Một vài tờ báo hay tạp chí đạo có những mục đặc biệt về nhạc hay những bài hát sáng tác.
Bài 29: ÁP DỤNG NGHỆ THUẬT HỘI HỌA
"Một trong những điều các học trò của tôi thích thú là vẽ tranh. Các em có thể bỏ ra nửa giờ học để vẽ tranh. Tôi thực sự không muốn đưa môn vẽ tranh vào trong lớp Giáo Lý, nhưng sách giáo khoa lại khuyến khích như thế. Bạn nghĩ gì về điều đó ?"
Chúng ta thấy rằng thiếu nhi, giới trẻ và người lớn hôm nay dường như thích vẽ hơn là trước kia. Điều đó có thể đúng bởi vì nền văn hóa của chúng ta đã chuyển hướng về thị giác và màu sắc.
Qua kinh nghiệm hàng ngày, chúng ta phải nhận rằng tranh vẽ có giá trị rất lớn trong lớp học Giáo Lý. Đối với một số các em giàu trí tưởng tượng thì việc vẽ tranh lại càng cần thiết hơn.
1.Tại sao lại phải vẽ ?
Vẽ tranh và hình giúp cho người trẻ cũng như già bộc lộ và diễn tả kinh nghiệm, tâm tư và cảm xúc của họ một cách đầy thú vị.
Vẽ phản ánh suy tư. Thông qua nét vẽ, hình dáng, màu sắc, người ta có thể đi đến chỗ hiểu biết, diễn tả rõ ràng điều mình tin tưởng hơn là bằng lời. Những bức họa giống như những khung cửa sổ dẫn vào tâm hồn của mỗi người. Bức họa hoàn chỉnh là phương tiện tuyệt vời giúp ta tự do chia sẻ tâm tư và cảm xúc của mình. Khi nói về các bức họa của nhau, chúng ta không chỉ làm giàu cho tâm thức riêng của mình mà còn tạo ra những cảm thức mang tính cộng đồng.
Những bức họa hoàn chỉnh cũng có thể được dùng cho việc cầu nguyện, giống như người ta có thể dùng một biểu tượng, hoặc một kiệt tác nghệ thuật để khuyến khích việc cầu nguyện. Chúng cũng có thể được sử dụng để kích thích hành động, như tranh ảnh quảng cáo thúc đẩy người ta hành động.
Bằng đường lối này, hội họa trở nên phương tiện truyền thông mạnh mẽ giúp cho sự trưởng thành đức tin ( xem bài 4 ).
2.Sử dụng hội họa trong lớp Giáo Lý
Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã biết được một vài phương pháp thực tiễn, chúng tôi hân hạnh được chia sẻ cùng quý bạn.
- Kỹ thuật là thứ yếu. Vẽ tranh trong lớp học Giáo Lý có khác so với lớp học nghệ thuật. Mối quan tâm cốt yếu của chúng ta không phải là kỹ thuật vẽ, nhưng là ý nghĩa và cảm xúc được diễn tả.
- Khuyến khích diễn đạt tự nhiên. Rủi thay, nhiều bạn trẻ và người lớn đã được huấn luyện "chỉ vẽ theo đường nét", hoặc chỉ vẽ người hay đồ vật theo những hình dáng và màu sắc thực ( cỏ không bao giờ mang màu tím mà phải là màu xanh ).
Thông thường các em thiếu nhi vẽ những bức tranh kích thước bằng nửa tờ giấy viết. Nhiều em khác cũng cảm thấy cần phải vẽ phác bằng bút chì rồi mới tô màu. Chúng ta hãy giúp chúng thoát khỏi những cản trở này, và chú trọng hơn đến những bức vẽ giàu tưởng tượng, sặc sỡ, rộng lớn, hoặc giản dị.
- Khuyến khích vẽ chung. Đôi khi việc vẽ tranh có thể là một công việc tuyệt vời cần phải có sự hợp tác với nhau. Chúng ta tạo điều kiện cho các em làm việc với nhau theo từng cặp. Có khi chúng ta để từng nhóm lớn hoặc cả lớp cùng vẽ một cảnh trên bảng hoặc trên những tấm giấy dài. Chúng ta cũng để cho các nhóm sáng tạo một buổi trình diễn mini với những bức tranh đã được thực hiện.
- Tán thành những nỗ lực của các em. Những lời khen chân thành, tập trung vào những nét đẹp của tác phẩm, giúp các em thực hiện khả năng diễn tả của chúng.
- Trưng bày và ứng dụng. Việc trưng bày các tác phẩm của các em là cách thức tán thành công việc của chúng và giúp chúng chia sẻ và đánh giá cao những cái nhìn của nhau. Chúng ta cố gắng sử dụng một vài bức vẽ trong các giờ học kế tiếp khi nó phù hợp với chủ đề của bài học.
3.Nội dung vẽ trong lớp học Giáo Lý
Không có giới hạn cụ thể nào về mặt nội dung để các em vẽ một cách hiệu quả trong lớp Giáo Lý. Sau đây là một vài loại hình chúng tôi thường giới thiệu cho học sinh của chúng tôi.
- Kinh nghiệm. Những kinh nghiệm cá nhân là một phương tiện phong phú giúp các em ( cũng như chính chúng tôi ) thấy được những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình. Chẳng hạn khi yêu cầu vẽ về "thế giới của bạn", các em lớp ba những năm trước đây thường vẽ những bức tranh thể hiện một thế giới hoàn toàn không có những người lớn. Thêm chút hài hước, chúng tôi thường đề nghị các em vẽ theo kinh nghiệm về cuộc du hành vui nhộn hoặc là theo phim hoạt hình.
- Một câu chuyện Kinh Thánh. Những bức họa theo câu chuyện Kinh Thánh có thể đưa đến những hiểu biết mới về câu chuyện. Một trong những bức vẽ của các học sinh lớp bảy gần đây về Lễ Hiện Xuống đã cho thấy một số môn đồ tập trung trong nỗi lo sợ chờ đợi Chúa Thánh Thần đến với họ. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ ra điều đó.
- Một biểu tượng hoặc nghi thức Phụng Vụ. Gần đây chúng tôi yêu cầu các học sinh lớp bốn vẽ bức tranh về Bí Tích Thánh Thể có ý nghĩa với chúng như thế nào. Những bức vẽ của các em thật là súc tích – một cuốn Kinh Thánh, một chén lễ, một tấm bánh, một thập giá, một chim bồ câu ( Chúa Thánh Thần ), một Nhà Thờ, một cây nến đang cháy, một quả địa cầu. Những bức tranh của chúng đã diễn tả phong phú về Bí Tích Thánh Thể.
- Một cảm xúc hoặc niềm xác tín. Chúng ta yêu cầu các em vẽ những cảm nghĩ của mình. Chẳng hạn như bị cô đơn, được yêu, bị bỏ rơi. Một bức họa của học sinh lớp hai vẽ một bé trai bị bao vây bởi một tờ giấy đen nghịt đã làm cho chúng ta phải kinh hoàng. Đôi khi chúng ta thách đố chúng vẽ một cảm xúc mà chỉ dùng đường nét và màu sắc, mà không có người hay vật thể nào được nhận diện cả.
- Một bích họa. Chúng ta thấy rằng những bức vẽ có tính quảng cáo là một cách lôi cuốn các em đi sâu và diễn tả xác tín như "cho thì có phúc hơn là nhận" hoặc "các Ki-tô hữu được kêu gọi để xây dựng hòa bình".
Chúng tôi hy vọng rằng những ý kiến này đã khơi lên nơi bạn một cái nhìn mới mẻ về việc sử dụng tranh vẽ trong lớp học Giáo Lý.
“Lớp của tôi rất năng động. Dường như các em khó ngồi yên được. Một số đứa lại quá năng động. Tôi lúng túng khi muốn vận dụng tính năng động của chúng. Bạn có “phép màu” nào xin chỉ giáo cho ?”
Chúng tôi chẳng có pháp thuật nào cả, nhưng chỉ có một vài kinh nghiệm về các thiếu nhi và các bạn trẻ thuộc mọi lứa tuổi. Sau đây là những điều chúng tôi đã học được trong mấy năm qua.
1.Đánh giá năng lực thể lý
Điểm gợi ý đầu tiên là cố gắng vận dụng tối đa năng lực của các em chứ đừng để chúng trong thế thụ động. Dù lý do nào đi nữa, nếu các em cần hoạt động, chúng ta phải tìm những cách biến lớp học trở nên năng động hơn. Nhiều em thích thú học tập qua việc vận động cơ thể vì chúng tiếp thu được nhiều nhất khi cơ thể chúng hướng về những sinh hoạt năng động.
2.Vận dụng toàn thể con người
Trong giờ học, bạn có thể áp dụng nhiều hình thức vận động vào lớp học mà không gây ồn ào, xáo trộn. Nhưng để làm điều đó, bạn phải cẩn thận lên chương trình, để ý đến sức chịu đựng, nơi sinh hoạt và mục đích. Một số sinh hoạt khả thi như sau:
· Thay đổi địa điểm dạy. Trước hết nên thay đổi vị trí trong phòng bạn dạy. Chẳng hạn đọc và viết bài trong một nơi ( góc học tập ), cầu nguyện ở một nơi khác, sinh hoạt lại ở một chỗ khác nữa. Chúng ta có thể xen kẽ những bài tập thể dục giữa bài học này và phần học khác.
· Di chuyển ra ngoài phòng học. Thay đổi không gian dạy cũng là một điều hay và hữu ích. Chẳng hạn, nếu thời tiết cho phép, cho các em ra ngoài hay vào một phòng khác để sinh hoạt, vào nhà nguyện để cầu nguyện.
· Tổ chức những hoạt động lành mạnh. Xin đưa ra mấy thí dụ:
Chơi trò chơi: Một hình thức vui tươi gồm cả vận động thể lý đến cử điệu là chơi trò chơi “đoán điệu bộ”. Mỗi em diễn tả qua cử điệu thân thể một kinh nghiệm nào đó, một câu chuyện, một nghi lễ hay một chân lý rồi tất cả suy đoán những cử chỉ đó muốn diễn tả điều gì ? Bạn cũng có thể làm nhiều trò chơi suy đoán, rút ra từ những hoàn cảnh đời thường, hay những hoàn cảnh xã hội phức tạp.
Hoạt cảnh: Một cách khác giúp các em khám phá kinh nghiệm nhờ vận động là hoạt cảnh. Từng cá nhân hay từng nhóm nhỏ diễn tả kinh nghiệm sống có ý nghĩa trong đời, hoặc đời sống của người khác. Chẳng hạn, chúng ta có những em nhỏ diễn tả những phản ứng của một đóa hoa đang đang héo gặp được nước hay ánh sáng mặt trời. Một lớp lọc dành cho bạn lớn tuổi hơn diễn hoạt cảnh “bị cám dỗ đi ăn trộm”. Hoạt cảnh cũng giúp các em khám phá những xung đột giữa con người với nhau, như ghen tương, cãi cha mẹ. Công bằng xã hội cũng có thể dùng làm hoạt cảnh, thí dụ “Giúp đỡ một người ăn xin ngoài phố”.
Diễn kịch. Diễn kịch Kinh Thánh, nghi lễ phụng vụ, đời sống các thánh hay một câu chuyện thiếu nhi là những cách thức giúp cho việc sinh hoạt Giáo Lý có ý nghĩa. Bạn có thể đưa cốt truyện cho các em và để chúng tự biên tự diễn. Tùy theo câu chuyện và thời gian phân công, các em có thể dàn dựng nhân vật, soạn thảo lời đối thoại và hóa trang.
Làm thủ công. Có cả một lô những việc thủ công sáng tạo mà bạn có thể đề nghị các em làm. Khi các em làm những đồ vật, chúng ta nên giúp chúng đi sâu vào sứ điệp của bài học. Chỉ xin nêu vài thí dụ trong muôn vàn hình thức: làm biểu ngữ, vẽ trên đá, thẻ đánh dấu, cắt dán, nặn tượng bằng đất sét, bằng bột, thẻ treo tường.
Nặn đất sét. Cho các em chơi trò nặn tượng với nhau. Chẳng hạn nặn tượng diễn tả về Giáo Hội. Một em đóng vai tượng Giáo Hội. Em khác uốn nắn diễn tả sao cho có ý nghĩa cho đến khi pho tượng về Giáo Hội được hoàn chỉnh.
Cầu nguyện với cử điệu: Những lời cầu nguyện với cử điệu có thể thêm ý nghĩa. Chúng ta thường cầu nguyện kinh Lạy Cha bằng cử điệu. Một vài lời cầu hoặc đọc thánh thi nhờ cử điệu mà thêm phong phú. Bạn và các em có thể diễn tả các cử điệu thích hợp.
Rước kiệu: Việc rước kiệu đôi khi cũng giúp đáp ứng tính năng động của các em. Chẳng hạn rước Kinh Thánh từ cửa vào đi chung quanh phòng và đặt lên cao.
Ca múa: Thỉnh thoảng vào những trường hợp đặt biệt, bạn thể vận động cơ thể trong giờ Giáo Lý bằng hình thức ca múa. Chỉ cho các em thể hiện ca múa đơn giản với các bài hát hay thánh vịnh.
Đó là một vài cách thức chúng tôi biết được và giúp các em học Giáo Lý nhờ những cử điệu và sinh hoạt. Bạn thử áp dụng xem kết quả thế nào.
Bài 31: CHƯƠNG TRÌNH PHỤC VỤ DẤN THÂN
“Tôi có một chương trình đi phục vụ tưởng là mang một ý nghĩa tốt đẹp nhưng không ngờ lại là một tai họa. Số là tôi dẫn các em học sinh lớp 6 đến thăm một bệnh viện nhỏ nhưng một số em đã quậy phá ở đó khiến cho một số cụ già cảm thấy bị xúc phạm. Đó là một kinh nghiệm rất đau cho tôi. Tôi có phạm điều gì sai lầm chăng ?
Chúng tôi cũng có những kinh nghiệm tương tự và hiểu được tâm trạng bối rối của bạn. Chúng tôi sẽ chia sẻ những điều chúng tôi học được từ những lỗi lầm của mình. Có lẽ bạn sẽ tìm được trong đó một vài ý kiến bổ ích cho bạn.
1. Giá trị của những chương trình phục vụ
Mặc dầu phải tránh những kinh nghiệm tiêu cực, nhưng vấn đề quan trọng là không được bỏ những chương trình tốt đẹp như bạn vừa kể. Giáo Hội ngày nay nhấn mạnh rằng: phục vụ là một trong những công việc chính yếu của Giáo Lý ( xem bài 1 ). Những chương trình “phục vụ” như vậy không phải là chuyện tùy hỷ hoặc một phần phụ thuộc. Chúng là một nỗ lực trong việc dạy Giáo Lý nhằm hướng dẫn các em noi gương “bắt chước Chúa Ki-tô”. Lòng trắc ẩn và công bằng rất sát với gương sống của Chúa Giê-su. Những đứa trẻ của chúng ta cần được hướng dẫn trước khi đưa chúng tiếp xúc với những người đang cần được giúp đỡ và đang bị đau khổ.
2. Những hướng dẫn trong thực tế
Đây là một số kinh nghiệm của chúng tôi và của một số người khác. Những chương trình phục vụ thành công đòi hỏi phải lên chương trình kỹ lưỡng, thực hiện cách tế nhị, và triển khai chín chắn.
a. Trước khi thực hiện: phác họa kỹ lưỡng chương trình
Bạn và các em buộc phải lên chương trình kỹ lưỡng cho bất cứ chương trình phục vụ nào, nhưng đặc biệt hơn liên quan đến những người cần có sự tế nhị khi tiếp xúc và với những người mà trẻ ít có cơ hội gặp gỡ trước đây.
- Động lực: Cần có thời gian ngồi lại với nhau để suy nghĩ về chương trình được đề nghị dưới ánh sáng Tin Mừng và có liên quan đến nội dung bài học năm đó. Trẻ cần nhìn thấy chương trìn như là kết quả của niềm tin Ki-tô Giáo.
- Xếp đặt chương trình. Hãy làm việc cẩn thận trước với những người có trách nhiệm tại cơ sở mà bạn dự định thăm viếng, thí dụ: bệnh viện, nơi phát chẩn, phòng an sinh xã hội, văn phòng công lý hòa bình, nhà mồ côi. Tìm hiểu nội quy điều hành, lắng nghe những lời đề nghị và thăm hỏi các nhu cầu cần thiết của họ. Nếu có đồng nghiệp quen biết hãy nhờ họ giúp lên chương trình.
- Gây ý thức. Cần có đủ thời gian khảo sát chương trình sắp thực hiện với các em. Phổ biến cho các em rõ nội quy, lịch sinh hoạt, hay sự mong đợi của cơ quan liên hệ. Tìm biết tình cảm, và những thắc mắc của các em đối với sự việc sắp đến. Chuẩn bị cho các em biết ứng xử khi có những phản ứng bất ngờ như những người già cô độc muốn ôm, cầm tay chúng, hay có thể chẳng tỏ ra xúc động chút nào.
Đồng thời, giúp các em ý thức được rằng: chúng có thể học và nhận được nhiều điều từ nơi những người mà chúng đang giúp đỡ. Những người thiếu thốn sẽ chia sẻ nhiều điều với chúng ta khi chúng ta phục vụ họ và giúp đỡ họ.
- Cầu nguyện với nhau. Nên cầu nguyện như sau: xin Chúa Thánh Thần của Chúa Giê-su ở với các em để chương trình của các em có thể sinh ích lợi cho những người mà các em đang cố gắng giúp đỡ và cũng giúp chính các em được lớn lên trong lối sống của Chúa Giê-su.
b. Khi thực hiện: phải thật tế nhị
Một khi các em đã nhập cuộc, bạn cần phải có mặt như một người quan sát. Hãy để chúng làm việc, nhưng hãy nhạy bén với điều chúng làm, đặc biệt là cách chúng cư xử. Nên có một chuyên viên phục vụ xã hội hay một nhân viên được huấn luyện của cơ sở mà đang làm việc để giúp đỡ bạn.
Trong lúc này, điều bạn quan tâm là nâng đỡ, khuyến khích, đồng tình, và hướng dẫn xem ở đâu thích hợp và cần thiết.
c. Sau khi thực hiện: rút kinh nghiệm
Rút kinh nghiệm thường bị bỏ quên nhưng lại cực kỳ quan trọng. Nó là một cơ hội cho bạn và các em suy nghĩ về kinh nghiệm. Rất cần một cơ hội cho chúng ta chia sẻ cách nhìn và tình cảm cũng như những thắc mắc mà chương trình gây ra cho chúng. Ngay sau khi phục vụ, hãy tìm thời gian cho việc họp rút kinh nghiệm. Đây là một vài vấn đề để suy nghĩ chung với nhau.
- Những phản ứng chung của các em đối với công việc là gì ?
- Các em đã học được gì khi thực hiện chương trình ?
- Các em có những tình cảm nào khi ở với những người mà các em đến phục vụ ?
- Các em đã giúp đỡ họ như thế nào ? Họ giúp các em ra sao ?
- Nếu làm lại lần nữa, các em sẽ làm điều gì khác ?
- Chương trình đó gây ra những thắc mắc gì cho các em ?
- Điều các em đã làm, phản ảnh đời sống của Chúa Giê-su và Giáo Hội thế nào ?
Hãy chia sẻ hiểu biết, tình cảm, và thắc mắc của bạn với các em khi các em đang chia sẻ với bạn. Hãy để các em nối kết chương trình phục vụ của mình với sứ điệp Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội.
Kết thúc bằng lời cầu nguyện, cám ơn Chúa đã giúp các em thực hiện chương trình này và xin Thiên Chúa tiếp tục chúc lành cho những người chúng đang phục vụ.
TÓM TẮT
Lên chương trình kỹ lưỡng, thực hiện một cách tế nhị, rút kinh nghiệm, sẽ giúp bạn và các em thực hiện chương trình phục vụ thành công và ý nghĩa nhất.
Bài 32: TỔNG QUÁT CHƯƠNG TRÌNH GIÁO LÝ
Sau đây là những tóm kết. Chúng tôi hy vọng chúng sẽ hữu ích cho bạn.
1. Nguyên tắc cơ bản
§ Giáo huấn Đức Tin Công Giáo theo truyền thống, phương pháp cầu nguyện, lòng đạo đức, các điều luật luân lý – tất cả mọi người Công Giáo đều có quyền được biết di sản này.
§ Kêu gọi khả năng trí tuệ, khuyến khích họ suy tư phê phán và đặt vấn đề, đồng thời giúp cho họ hiểu được vấn đề.
§ Giúp cho họ học thuộc lòng những điểm mấu chốt của Đức Tin Công Giáo – niềm tin, cầu nguyện, các câu chuyện và sự kiện trong Kinh Thánh, những nhân vật và biến cố quan trọng.
§ Tập trung vào Đức Giê-su Ki-tô như là nội dung cốt lõi của Giáo Lý giúp cho tha nhân hiểu biết, yêu mến và bước theo Ngài.
§ Nhắm đến việc khơi dậy tâm thức con người – nơi mà nội dung cốt lõi của Giáo lý cần được quán triệt, ví dụ như: lòng tín thác, tình bác ái, sự dấn thân, niềm vui và sự an bình.
§ Chia sẻ những điểm nổi bật về sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử, từ đó ta có thể khám phá ra tình yêu bền vững của Thiên Chúa đối với nhân loại và thế giới.
§ Thường xuyên trích dẫn Kinh Thánh, phụng vụ, gương các Thánh và của các tín hữu nhiệt thành cũng như Giáo Lý Công Giáo.
§ Hãy làm cho mối quan tâm và cách cư xử của bạn trở thành một chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa đối với những người bạn hướng dẫn.
§ Thao thức lắng nghe những kinh nghiệm và những băn khoăn của bạn cũng như của các em để cho lời Chúa được vang vọng vào trong cuộc sống thường ngày.
§ Để cao giá trị của kinh nghiệm nhân bản như là phần cốt lõi của nội dung bài học song song với Kinh Thánh, Phụng Vụ, giáo huấn, và các chứng nhân Ki-tô hữu.
2. Tiến trình
§ Soạn giáo án cách cẩn thận để nối kết kinh nghiệm của các em với khía cạnh của Đức Tin Công Giáo nào có liên quan gần gũi nhất với kinh nghiệm đó.
§ Để đời sống Đức Tin được đón nhận dễ dàng cần có dàn bài thật đơn giản, tập trung vào chủ đề chính. Mỗi phần phải được trình bày cách rõ ràng dựa trên những điều trước và nối kết với những điều sau.
§ Luôn hướng các em vào tiến trình học hỏi như suy tư, đối thoại, cầu nguyện và hành động nối kết với cuộc sống truyền thống.
§ Hãy nhớ rằng: tiến trình Giáo Lý phải luôn nối kết đời sống con người với truyền thống Giáo Hội Công Giáo một cách có ý thức – xin nhắc lại – thì quan trọng hơn bất kỳ vấn đề riêng rẽ nào.
3. Nội dung
§ Hãy làm tất cả những gì có thể để giúp nuôi dưỡng kinh nghiệm của cộng đoàn trong lớp Giáo Lý.
§ Cố gắng kêu gọi các bậc phụ huynh, các gia đình tham gia vào việc giáo dục Đức Tin.
§ Nối kết các bài giảng của bạn với các sự kiện trong Giáo Xứ, Giáo Phận cũng như các trong quốc gia và Giáo Hội toàn cầu.
§ Tập trung sự chú ý vào các sự kiện diễn ra ở chòm xóm, làng xã, thành thị, đất nước và các quốc gia trên thế giới để tạo ra tâm tình hiệp thông trong cộng đồng thế giới.
§ Giúp cho các em ý thức được trách nhiệm của chúng đối với các cộng đoàn lớn hơn, đặc biệt là đối với người nghèo, người kém may mắn, không đủ ăn, không nhà cửa, già nua, những nạn nhân của chiến tranh và bất công.
§ Hướng dẫn các em đi vào những hành động cụ thể của lòng trắc ẩn đối với những cá nhân đau khổ và những hoạt động công lý nhằm làm thay đổi các định chế và các tổ chức bất công.
4. Phương pháp
§ Lên kế hoạch kỹ lưỡng chung với các em về nội dung cho phù hợp – dựa trên những kinh nghiệm, nhu cầu, khả năng, phong cách học tập, thái độ, vấn nạn và kiến thức phổ thông.
§ Tạo ra môi trường học tập thúc đẩy sự quan tâm chú ý hơn.
§ Duy trì bầu khí học hỏi nghiêm túc nhưng cũng cần có vui chơi giải trí.
§ Ứng dụng các câu chuyện như truyện Kinh Thánh, truyện thiếu nhi hay những câu chuyện góp nhặt từ các phương tiện truyền thông đại chúng.
§ Sử dụng âm nhạc, những bài hát quen thuộc về tôn giáo cũng như các bài hát phổ thông.
§ Sử dụng các thể loại thơ, các tác phẩm của văn nhân nổi tiếng cũng như các tác phẩm của chính bạn và của những người bạn hướng dẫn.
§ Sử dụng các bức tranh, hình, phim ảnh, video, nghệ thuật đời và nghệ thuật thánh.
§ Tập trung vào ngôn ngữ của bạn, gọt dũa để nó trở nên giản dị, cụ thể, thực tiễn và có tính thơ văn.
§ Liên đới các em với nhau trong hoạt động làm nẩy sinh trí tưởng tượng, cảm xúc của thân thể cũng như của trí tuệ – hội họa, viết lách, thảo luận, đóng kịch, khiêu vũ – để chúng có thể thực hành nhiều hơn là chỉ lắng nghe bạn.
§ Tận dụng hầu hết các nguồn tư liệu có sẵn như con người, tạp chí, nhật báo, truyền hình, những đồ vật thông dụng cũng như sách giáo khoa của bạn.
Đó là một số những điều giá trị mà chúng tôi học được trong suốt nửa thế kỷ phát triển Giáo Lý. Chúng tôi rất biết ơn các Giáo Lý viên trung thành, đầy sáng tạo, mong rằng tất cả chúng ta sẽ tiếp tục khám phá ra những chân trời mới trong việc dạy Giáo Lý trong một thế giới và Giáo Hội đầy những thay đổi.
CARL J. PFEIFER – JANAAN MANTERNACH
Nguyên tác “How to be a better catechist”