Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Địa Lý Giáo Phận Vĩnh Long

1. Ranh giới

Giáo phận Vĩnh Long nằm trong địa bàn các tỉnh : Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, và một phần tỉnh Đồng Tháp (Sa Đéc). Giáo phận Vĩnh Long nằm hai phía tả hữu sông Cổ Chiên, phía Đông Bắc giáp Giáo phận Mỹ Tho, phía Tây Bắc giáp Giáo phận Long Xuyên, phía Nam giáp Giáo phận Cần Thơ và phía Đông giáp Biển Đông. Diện tích 6.771,79 Km2. Toàn Giáo phận nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho nên có nhiều sông ngòi chằng chịt. Người dân sống trong Giáo phận đa số là người Kinh, một thiểu số người Khơ Me (Trà Vinh, Vĩnh Long), ngoài ra còn có một số Hoa kiều tập trung nơi các phố chợ.

2. Địa chỉ Toà Giám mục.

103 đường 3 tháng. P. 1. Thành phố Vĩnh Long
Đt : 070 3824016
VP : 070 3821650
Email :
tgmvinhlong@gmail.com

CÁC SỐ LIỆU THỐNG KÊ

Bến Tre: diện tích: 2.315 km2, dân số: 1.369.358 người; Trà Vinh: diện tích: 2.225,6 km2, dân số : 1.015.800 người ; Vĩnh Long: diện tích: 1.475 km2, dân số: 1.029.710 người ; Sa Đéc: diện tích: 756 km2, dân số: 591.327 người (Các con số nầy thu thập từ Internet tháng 6 năm 2009 với nhiều nguồn khác nhau, nên không chính xác lắm!).

Tổng diện tích: 6.771, 79 km2.
Dân số: 4.116.510 người
Số giáo dân: 195.771
Linh mục: 176
Nam tu sĩ: 31
Nữ tu sĩ: 573
Đại chủng sinh: 59
Chủng sinh dự bị: 45
Giáo lý viên: 471

MỘT SỐ ĐIỂM ĐẶC SẮC

1. Tôn giáo

- Nhà thờ Chính toà ngày hôm nay 2009. Địa chỉ : 141 Lê Thái Tổ, P. 2, Thành phố Vĩnh Long. Đt : 070 3824186. Xây dựng hoàn thành vào năm 1967, Nhà thờ Chính toà được trùng tu vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập giáo phận (1999). Lịch sử Nhà thờ Chính toà liên quan đến Họ đạo Vĩnh Long với những nét lớn như sau.

Lính của quân đội Pháp và người theo đạo Công giáo có mặt tại Vĩnh Long năm 1862, năm đó chưa có Nhà thờ và cũng chưa có Họ đạo. Cha Cordier từ Nam Vang coi sóc, kế đến là Cha Guillon. Năm 1866 Cha Gernot đảm trách Vĩnh Long.

Năm 1867, Cha Bernard chính thức là Cha sở xứ Vĩnh Long. Việc đầu tiên là Cha cất một Nhà thờ cột cây lợp lá, gần vị trí Nhà thờ cũ ở cập bờ sông Cổ Chiên.

Năm 1868 Cha Le Mec được gửi từ Sài Gòn xuống nhậm sở Vĩnh Long. Trong 10 năm Cha đã đặt nề nếp hẳn hoi cho họ đạo. Năm 1869 Cha cũng cho mở một nhà thương giao cho các Bà Dòng thánh Phaolô. Cha nhường Nhà thờ cũ cho các Bà và cất một Nhà thờ mới cột cây nhưng lợp ngói. Từ năm 1877 đến 1886 có các Cha phụ trách Họ đạo Vĩnh Long : Cha Faron, Cha Lizé và cha Hamon. Cha Hamon là người đưa giáo dân từ Bình Định đến tá túc tại Vĩnh Long. Trong 2 năm cư ngụ tại Vĩnh Long, Cha Hamon giúp Cha Lizé thật đắc lực. Khi Cha Lizé lâm bệnh và chết tại HongKong 1887, Cha Hamon còn ở lại coi họ đạo Vĩnh Long ít lâu rồi đưa giáo dân trở về Bình Định.

Cha Lalement về thay thế coi sóc họ đạo Vĩnh Long từ 1887-1908. Địa sở Vĩnh Long rộng lớn nên hằng năm có các thầy Đại chủng viện đến giúp. Tổng cộng số giáo dân chừng 2500. Mỗi năm Cha sở phải đi kinh lý các họ để sắp xếp công việc. Mặc dầu đa đoan công vịêc và không có tiền, Cha vẫn cất được nhà Cha sở và Cha cũng lo cất Nhà thờ. Nhà thờ khởi công năm 1889 và hoàn tất năm 1894 với số tiền là 12000 đồng. Nhà thờ được xây theo kiểu Roman dài 38m, ngang 19m, cao 16,7m có 2 tháp chuông (Nhà thờ Chính toà cũ). Vào thời đó là cả một công trình. Cha Lalement làm việc tông đồ 33 năm, Cha đã hy sinh cho Vĩnh Long 20 năm. Cha Arkerman chính thức nhậm sở 1908 và ở đến năm 1915. Sau Cha, đến Cha Bellemin coi Vĩnh Long từ 1915-1938.

Giáo phận Vĩnh Long được thành lập năm 1938. Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục về Vĩnh Long không có chỗ ở nên tạm thời tá túc tại nhà xứ Vĩnh Long và kiêm chánh sở Vĩnh Long.

Thời gian từ 1938 đến 1948 kể như thời gian chuyển tiếp vì không có Cha nào thực sự là cha sở. Tháng 8/1948 Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang đang làm Giám đốc Tiểu Chủng viện được bổ nhiệm làm Chánh sở Chính tòa. Năm 1965 Cha được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám mục Cần Thơ.

Năm 1960 Đức cha Ngô về Huế. Tòa thánh bổ nhiệm Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện về Vĩnh Long. Từ 1964 đã khởi công xây cất Nhà thờ Chính tòa mới tại Ngã Ba Cần Thơ dưới trào quản lý của cha Raphae Minh. Nhà thờ Chính toà trước nằm trên bờ sông Cổ Chiên (như đã nói ở phía trên). Năm 1964, phát hiện bờ sông sạt lở, có dòng nước ngầm từ ngoài xoáy vào lòng đất dưới khu vực Nhà thờ nên Đức Cha Antôn ra lệnh di dời về khu vực hiện nay. Từ cuối năm 1964 Nhà thờ Chính tòa được xây dựng với một phần vật liệu Đức Cha Ngô để lại, ở Ngã Ba Cần Thơ, theo mô hình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ phỏng theo mẫu con tàu to lớn của ông Noe.

Năm 1964 khởi công nhưng mãi đến năm 1967 mới hoàn thành. Nhà thờ được trùng tu nhiều lần, lần nặng nhất là sau biến cố Tết Mậu Thân 1968. Và mới đây, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo phận (1938-1998), Nhà thờ Chính toà được trùng tu, công trình nầy kéo dài một năm đến giữa năm 1999 mới xong.

Giáo phận Vĩnh Long có Nhà thờ Chính toà cao lớn rộng rãi, có tầng hầm, hình con tàu. Nhà thờ có kích thước : 75m chiều dài trong lòng Nhà thờ, nếu cộng với tiền đường Nhà thờ sẽ có chiều dài 100m, 26m chiều rộng, chỗ rộng nhất là 36m và 27m chiều cao (dự trù xây một tháp chuông 45m cao hơn Nhà thờ, nhưng chưa thực hiện).

Nhà thờ nầy chọn Bà Thánh Anna Thân Mẫu Đức Bà Maria làm bổn mạng cho mình. Thánh Anna thân mẫu Đức Mẹ, một biểu tượng đầy ý nghĩa giáo dục, bởi vì nó ám chỉ việc Thánh Anna là người đã sinh ra Mẹ Maria và đã hướng dẫn, dạy dỗ Mẹ Maria nên người công chính và nhờ đó được chọn làm Mẹ Chúa Cứu thế, làm Mẹ Hội Thánh. Về điểm nầy, chúng ta mượn lại lời của Thánh Đamascênô để ca tụng hai vị Thánh tổ : "Lạy thánh Gioakim và Anna, đôi bạn hạnh phúc, tất cả mọi tạo vật đều mang ơn các ngài, vì nhờ các ngài mà tạo vật đã dâng lên cho Đấng Hoá Công một lễ vật cao trọng, đó chính là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa". Cho nên, dưới mái Nhà thờ Chính toà thánh hiệu Anna, chúng ta được hướng dẫn sống cuộc sống của người công chính trước mặt Chúa, dĩ nhiên, trước hết nhờ ơn Chúa và sống Lời Chúa, nhưng qua Thánh Anna để chúng ta có được Chúa Giêsu và phúc âm của Người.

Trước tiền đường, phần giữa sân, ngay cuối con đường dẫn vào Nhà thờ, Cha sở Chính toà cho dựng tượng Chúa Giêsu là Vua cao hơn 4m, oai nghiêm đứng sừng sững giữa trời như là Vua vũ trụ, dang tay đón nhận mọi thành phần dân Chúa và tất cả mọi người bằng tất cả con tim của mình.

Bước lên 20 nấc thang chúng ta sẽ đến tiền đường Nhà thờ, một khoảng sân rộng có thể dùng làm lễ đài.... Kế đến là mặt tiền Nhà thờ xem như đầu con tàu cao vời vợi : 27m cao, 30m rộng, hình ngủ giác, nó là điểm dựa cho một cây Thánh Giá bằng xi măng to lớn : 17m chiều cao và 6m chiều ngang, thu hút mọi người nhìn lên và nhận ra dấu chỉ để phân biệt con tàu. Con tàu nầy không phải là một con tàu như bao nhiêu con tàu khác, nhưng là con tàu Kitô giáo, ai ở trong tàu thì sẽ được cứu thoát. Các tín hữu Giáo phận Vĩnh Long vào trong con tàu đó để tuyên xưng niềm tin và thờ phượng Thiên Chúa không biết bao nhiêu lần trong đời với niềm ước mong duy nhất là được phần rỗi linh hồn.

Lòng con tàu đủ chỗ cho khoảng từ 2000 đến 3000 giáo dân đến tham dự các nghi thức phụng vụ (tuỳ theo sự sắp xếp). Một cung thánh rộng rãi có thể chứa khoảng 120-150 Linh mục đồng tế. Khu vực Bàn thờ chánh và phía sau Bàn thờ được xem như phòng điều khiển con tàu có những trang trí phụng vụ trình bày "Mầu nhiệm Cứu chuộc". Nghệ nhân cho dựng một cây Thánh giá gỗ cao mang thân thể Chúa Giêsu bằng thạch cao phía sau Bàn thờ và sau cây Thánh giá đó là một màn phông rộng có màu thay đổi theo mùa phụng vụ, đường viền trên, cao khỏi cây Thánh giá, đường viền dưới rủ xuống tận chân nền Nhà thờ. Cây Thánh giá nầy và ở vị trí nầy gợi lên những ý nghĩa phụng vụ chủ yếu thuộc Bí Tích Thánh Thể (BTTT) : Chúa Giêsu trở thành hy lễ dâng lên Chúa Cha một lần cho tất cả. Và mỗi khi cử hành BTTT, Linh mục và mọi người tham dự kết hợp lễ hy sinh của mình với hy lễ của Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha để chúc tụng tạ ơn Ngài. Cây Thánh giá nầy cũng làm cho người tín hữu nhớ đến lời nói đầy hứa hẹn của Chúa Giêsu : "Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi" (Jn 12, 32) "Như ông Môisen đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời" (Jn 3, 14-15). Màn phông phía sau có màu thay đổi theo mùa phụng vụ kia làm cho người tín hữu liên tưởng đến tình trạng tấm màn trong Đền Thờ lúc Chúa Giêsu chết, ở đây, màn phông này rủ xuống cũng biểu lộ những ý nghĩa tương tự.

Tiếp đến, cũng phía sau Bàn thờ, vật đập vào mắt chúng ta là một tấm màn vải trắng rộng lớn trải dài từ phía cánh phải đến phía cánh trái khu vực Bàn thờ và mỗi bên màn được nối vào sáu trụ lớn màu đỏ. Thấp hơn màn phông sau Thánh giá, tấm màn nầy có đường viền trên được móc vào những trụ đứng bằng gỗ, còn đường viền dưới được thả lỏng xuống đất. Màn vải trắng đó tượng trưng cho chiếc lưới đánh cá và sáu trụ đứng màu đỏ ở hai bên chính là mười hai Thánh Tông đồ của Chúa kéo lưới đánh bắt cá "người". Cạnh mỗi sáu trụ lớn màu đỏ kia, nghệ nhân dựng lên bảy trụ. Nếu đứng phần dưới giáo dân nhìn lên, chúng ta sẽ thấy bảy trụ phía trái và bảy trụ phía phải.

Bảy trụ phía trái, với phù điêu, tượng trưng cho bảy Ơn Chúa Thánh Thần. Phần dưới của bảy trụ nầy còn có một giá lớn đỡ quyển Kinh Thánh. Hai vật thể nầy muốn nhắn nhủ các tín hữu hãy tâm niệm : Đời sống tinh thần của người tín hữu được nuôi dưỡng bằng Ơn Chúa và Lời Chúa. Cạnh đó còn thấy có một ngai toà mà mỗi khi có nghi lễ quan trọng vị Giám mục Chính toà sẽ ngồi trên đó.

Bảy trụ phía phải, với phù điêu, tượng trưng cho bảy Bí Tích. Phần dưới của bảy trụ nầy còn thấy một Nhà Tạm sơn son thiếp vàng xứng đáng nơi Chúa ngự, và trên Nhà Tạm một thang đi lên có 9 nấc. Qua các hình ảnh của phía phải nầy, nghệ nhân muốn cho chúng ta thấy một ý nghĩa phụng vụ quan trọng nữa : Đời sống tinh thần của người tín hữu được nuôi dưỡng bằng các Bí Tích và Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Không phải vô ý mà nghệ nhân bày thêm chín nấc thang phía trên nhà tạm. Chín nấc thang kia là con đường dẫn về núi Thiên Chúa (núi Horeb) mà tiên tri Elia phải đi qua, muốn đến đó tiên Êlia được thiên thần Chúa đánh thức hai lần để ăn bánh và uống nước cho có sức (1V. 19, 1-8), điều đó muốn nói gì nếu không phải là muốn về nhà Chúa thì của ăn thiêng liêng là điều cần thiết hay sao ?

Nếu có tầm nhìn xa hơn, chúng ta có thể nhận ra nơi hai lần bảy thành mười bốn nầy một điều gì đó liên quan đến luân lý Kitô giáo : Thương người có mười bốn mối : thương xác bảy mối và thương linh hồn bảy mối.

Vào trong thân tàu để được cứu thoát là chân lý. Cứu thoát bằng việc đọc kinh cầu nguyện, cứu thoát bằng việc tham dự bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh thể để từ đó có sức chịu đựng những cơn phong ba bảo tố của cuộc đời, cứu thoát bằng việc thực hành phúc âm Chúa : Thương người có mười bốn mối.

Kể từ năm 1975 đến nay, tại Nhà thờ Chính toà đã tổ chức rất nhiều lễ hội cho giáo dân toàn thể Giáo phận. Với khoảng không gian trong lòng Nhà thờ rộng rãi như thế, mọi nghi lễ Tôn giáo đều diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm thánh thiện không sợ phải trời mưa hay nắng, rộng và hẹp.

- Toà Giám mục Vĩnh Long

Toạ lạc 103 đường 3 tháng 2. P.1. Thành phố Vĩnh Long, Toà Giám mục được Cha Jean Nguyễn Văn Huởn về coi họ đạo Vĩnh Long mua lại nhà của ông Nguyễn Thành Điểm làm Toà Giám mục ở gần Cầu Lộ cho Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục tháng 10 năm 1938 với giá là 30.000 VNĐ. Cho tới nay 2009, sau 71 năm, ngôi nhà nầy đã được tu sửa nhiều lần, nhất là sau biến cố Tết Mậu Thân năm 1968. Năm 2007, Toà Giám mục được khởi công trùng tu lại toàn bộ, phục hồi toà nhà theo kiến trúc cũ trước đây.

Phía trước Toà Giám mục Vĩnh Long, đường 3 tháng 2, là con đường chính của thành phố dẫn đến Trung tâm thương mại Vĩnh Long. Hai bên Toà Giám mục là hai con đường mang tên Võ Thị Sáu và Trần Văn Ơn. Phía sau Toà Giám mục giáp với các hộ dân cư. Toà Giám mục gồm ba cụm nhà. Cụm trung tâm là Toà Giám mục và các văn phòng làm việc của các ban mục vụ. Toà Giám mục, ngôi nhà một tầng lầu, có tầng trệt được chia ra thành phòng khách, phòng hội, và một thư viện nho nhỏ ; tầng một có nhiều phòng trong đó có một nhà nguyện, phòng giữ hồ sơ các loại của Giáo phận, phòng của Đức Giám mục và những phòng nghỉ khác. Cụm thứ hai phía sau Toà nhà chính là các nhà dành riêng cho các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày : nhà bếp, nhà để xe, nhà dành cho khách vãng lai. Cụm thứ ba trong khuông viên là những phòng dành cho các Linh mục cư ngụ tại đó : Cha Thư ký, Cha Quản lý và các Cha khác.

Toà Giám mục Vĩnh Long được sửa chữa trong những thập niên đã qua vừa giữ lại được những nét cổ kính của một ngôi nhà cổ, nhưng cũng không che giấu được những nét xây dựng của kỷ nguyên hiện đại. Bên trong Toà nhà, ngoài những trang trí nội thất cổ xưa ẩn hiện vẻ yên tĩnh trầm lắng được đặt trong phòng khách và nhà hội, hầu hết các văn phòng làm việc đều được trang thiết bị những phương tiện làm việc thích nghi với thế kỷ khoa học kỹ thuật. Tân cổ giao duyên sẽ là nguồn cảm hứng để Đức Giám mục, ban Tư vấn, các ban mục vụ làm việc có kết quả nhiều hơn. Hy vọng trong sự hoà điệu nhịp nhàng giữa Giám mục, thư ký, quản lý, ban Tư vấn và các ban khác trong Toà Giám mục, Giáo phận Vĩnh Long sẽ phát triển không ngừng.

Toà Giám mục Vĩnh Long cũng là nơi để các Giám mục tại vị tiếp các vị quan khách đến thăm viếng Giáo phận Vĩnh Long, tiếp các cấp Chính quyền Trung ương và Địa phương, tiếp các Linh mục, Tu sĩ trong và ngoài Giáo phận khi có nhu cầu.

Toà Giám mục Vĩnh Long mặc dù không rộng lớn, nhưng tầm ảnh hưởng của nó rất mạnh đối với trong và ngoài Giáo phận vì là nơi cư ngụ của các Giám mục, là nơi để các ngài làm việc điều khiển con thuyền Giáo phận và cũng là nơi mà các ban mục vụ Giáo phận họp hội trao đổi phương hướng mục vụ phục vụ hữu hiệu cho Giáo phận.

- Trung tâm truyền giáo :

Địa chỉ : 60/4 đường Mậu Thân, P. 3, Thành phố Vĩnh Long. Đt : 0703823823. Đức Giám mục Antôn Nguyễn Văn Thiện thành lập trung tâm nầy năm 1961, giao cho Linh mục Raphae Nguyễn Văn Diệp làm giám đốc, đặc trách về truyền giáo và đào tạo, huấn luyện quí chức trong Giáo phận. Đến 15/8/1975, Toà Thánh đề cử Cha Raphae làm Giám mục Phó Giáo phận Vĩnh Long, nhưng ngài vẫn còn chịu trách nhiệm trung tâm nầy cho đến khi đi nghỉ hưu. Những năm qua, với sự cộng tác của các tu sĩ Salésiens Don Bosco, Đức cha rất chú tâm lo việc tái truyền giáo mới, giáo dục giới trẻ bằng phương pháp giáo dục dự phòng và dạy nghề miễn phí. Sau khi Đức Cha Raphae đi nghỉ hưu, trung tâm nầy được giao cho các Linh mục khác trong giáo phận và từ đó cũng chuyển mục đích cụm từ "Trung tâm truyền giáo".

Trung tâm có diện tích 5438 m2. Vừa bước vào khuông viên chúng ta thấy ngôi Nhà thờ danh hiệu Đức Mẹ Sầu Bi khang trang và một tháp chuông cao trên 20m. Đức Mẹ Sầu bi vì ngày xưa Đức Mẹ có bảy sự buồn, nhưng ngày hôm nay Đức Mẹ sẽ vui khi thấy khoảng 300-500 giáo dân trong Nhà thờ của Mẹ chiều dài 26m, chiều rộng 16m và chiều cao 9m tham dự những lễ nghi thờ phượng Thiên Chúa và kính mến Mẹ. Nối tiếp phòng thánh, có những phòng thoáng rộng dùng làm nhà ở cho Cha phụ trách tại vị kể từ năm 2007. Trong Nhà thờ của Mẹ, ngày trong tuần và ngày Chúa nhật đều có thánh lễ cho giáo dân tham dự. Trong năm có những lớp Giáo lý dành cho mọi người muốn đến học.

Trong Trung tâm, 15m phía trái, ngang Nhà thờ là một dãy nhà một tầng lầu dài 45m. Dãy nhà nầy có một, hai phòng ở tầng trệt dùng làm phòng ở và làm việc cho các Cha phụ trách (trước năm 2007). Tầng trệt và tầng lầu còn được chia thành nhiều phòng dành cho những khoá huấn luyện quí chức và các anh em truyền giáo, trong đó có phòng ăn, phòng ngủ và các phòng sinh hoạt. Ngày nay những phòng đó dùng làm lưu xá sinh viên cho các em nam sinh viên của các Họ đạo trong Giáo phận đến trọ để đi học ở những trường Cao Đẳng và Đại học tại Vĩnh Long.

Đi lần về phía sau, nhất là phía sau Nhà thờ, chúng ta sẽ gặp một sân bóng đá nho nhỏ để cho các anh em sinh viên ở trọ và các anh em thanh niên trong phường đến tập dượt và thi tài cao thấp. Thỉnh thoảng cũng có tổ chức những giải thưởng hạng tầm thường cho các đội bóng vô danh trong phường xóm.

Trung tâm truyền giáo không còn hoạt động trong lãnh vực truyền giáo kiểu ngày xưa nữa, nghĩa là không còn tổ chức những khoá huấn luyện cho các cán bộ truyền giáo để họ đi vào những giáo điểm dạy giáo lý, nhưng ngày hôm nay truyền giáo bằng cách khác: mở cửa đón chào mọi người đến Nhà thờ cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến.

- Trung tâm hành hương Fatima

Giáo phận Vĩnh Long hiện có tất cả ba Trung tâm hành hương : Trung tâm hành hương Fatima Vĩnh Long, Trung tâm hành hương Đình Khao kính nhớ Thánh Tử đạo Philipphê Phan Văn Minh và Trung tâm hành hương La Mã Bến Tre kính nhớ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trên những trang giấy nầy, chúng tôi hân hạnh giới thiệu cùng quí độc giả đôi nét về Trung tâm hành hương Fatima Vĩnh Long.

I. Cơ sở vật chất

Trung Tâm hành hương Fatima Vĩnh Long toạ lạc tại xã Tân Ngãi, Thành Phố Vĩnh Long. ĐT : 070.3816332 ( Fatima). Xây dựng Trung tâm nầy là sáng kiến của Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện. Ngài cho khởi công ngày 17/02/1965 và ngày 13/05/1965 khánh thành Tượng đài và Trung tâm. Ngài muốn cho Giáo phận có nơi để giáo dân xa gần hành hương kính viếng nhớ ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (Bồ Đào Nha) năm 1917, có nơi huấn luyện các hội đoàn và có nơi cho các họ đạo luân phiên đi hành hương. Hằng năm trung tâm nầy tổ chức hai ngày hành hương cấp Giáo phận 12-13/5 và 12-13/10 để khách hành hương cầu nguyện và học hỏi về Đức Mẹ. (N.B. 1/ Cha Stêphanô Bùi Văn Hồng quản lý Giáo phận xây dựng Nhà thờ trước, sau đó mới xây Lễ đài và Tượng đài ; 2/ Linh mục đoàn Giáo phận Vĩnh Long đóng góp để chuộc Tượng Đức Mẹ).

II. Ngoại cảnh và ý nghĩa

Trung Tâm hành hương Fatima có diện tích khoảng 11.500m2. Mặt trước 79m chạy dọc theo Quốc lộ 1, mặt sau 56m chạy dọc theo sông Cái Côn. Chiều dài từ lộ đến sông 158m. Khu vực đất nầy là do ông Tôma Nguyễn Thới Tứ dâng tặng cho Giáo phận Vĩnh Long, trong khu đất có cơ sở của Dòng Kitô Vua Vĩnh Long. Ông dâng tặng gần hai mẫu đất. Sau năm 1975, Nhà nước Vĩnh Long trưng dụng phần đất của Dòng Kitô Vua và một phần đất của Trung tâm, diện tích bị trưng dụng khoảng 9000m2. Hiện tại, mộ ông Tôma Nguyễn Thới Tứ còn nằm phía sau lưng Tượng đài Đức Mẹ và một nền mộ còn trống dành cho vợ ông. Nhưng không may, bà bị mất tích sau năm 1975.

Vị trí địa lý như thế thật thích hợp cho mọi người đến với Mẹ Maria về đường bộ lẫn đường sông. Với đường sông, giáo dân Giáo phận Vĩnh Long đến từ những họ đạo xa xôi 7-8 giờ đồng hồ trên những chiếc tàu chở khách. Họ trôi nổi trên dòng sông Cửu Long và theo sông Cái Côn chạy đến phía sau Trung tâm. Với đường bộ, Quốc lộ 1 rộng rãi đủ chỗ cho xe khách hành hương các loại ghé xuống Trung tâm.

Vào Trung tâm hành hương Fatima, nhìn từ phía Quốc lộ, một phần nhỏ phía trái là nhà ở của Dòng Kitô Vua, còn phía phải, cạnh ranh giới cơ sở nhà nước, là ngôi Nhà thờ dài (bao gồm nhà Cha xứ) 50m và rộng 25m có chỗ cho 400 giáo dân tham dự nghi thức phụng vụ, ngày trong tuần và ngày Chúa nhật đều có thánh lễ. Trong những ngày hành hương 12-13/5 và 12-13/10, Nhà thờ nầy là nơi tập trung các toà giải tội cho giáo dân xa gần muốn giao hoà cùng Thiên Chúa và cũng là nơi để chầu Mình Thánh Chúa.

Ra khỏi khu vực Nhà thờ, cũng phía Quốc lộ nhìn vào, chúng ta sẽ theo hai con đường đá lát dẫn đến Lễ đài : Một cạnh Nhà thờ dẫn đến phía phải Lễ đài và một ngay giữa sân dẫn đến ngay Lễ đài. Bước lên 7 nấc thang của Lễ đài, trên Lễ đài, có một bàn thờ Dâng lễ ; phía sau bàn thờ là tượng đài Đức Mẹ Fatima. Tượng đài Đức Mẹ cao 8m được xây dựng kiên cố, riêng tượng Đức Mẹ Fatima cao 5m trắng toát chấp đôi tay đỡ lấy tràng chuỗi 50 bằng đá. Mẹ dịu hiền đứng trên một chân đế cao hơn 2m, chấp tay nhìn đoàn con đến với Mẹ và tràng chuỗi trên tay Mẹ nhắc đoàn con của Mẹ phải năng lần hạt Môi khôi để thánh hoá bản thân.

Không hẹn mà gặp, không mời mà đến, thật là ngẫu nhiên, tại sao phía sau lưng Tượng đài lại có một cây me trên trăm tuổi có đường chu vi khoảng 6-7m ? Như thế, nhìn toàn cảnh Lễ đài, Tượng đài, và cây me trăm tuổi nầy thì chúng ta có thể tưởng tượng nó giông giống cảnh Đức Mẹ hiện ra trên cây Sồi làng Fatima năm xưa (13/05/1917) với ba em bé.

Nếu chúng ta nhìn hai bên, song song với Lễ đài và cách Lễ đài khoảng 10 m, chúng ta sẽ thấy những nhà tiền chế lợp tôle to rộng. Những nhà nầy dùng cho khách hành hương đứng ngồi nghỉ chân đôi chút khi cảm thấy mệt. Phía sau Lễ đài và sau cây me trăm tuổi, là những dãy nhà dành cho những sinh hoạt của trung tâm được các Linh mục phụ trách quan tâm xây dựng : những phòng nghỉ ngơi dành cho khách hành hương, phòng trưng bày những ảnh tượng và sách vở thiêng liêng mà khách hành hương có thể chuộc đem về nhà để tôn kính hoặc thực hành các việc đạo đức khác, phòng dành cho việc ẩm thực trong những ngày lễ hội hành hương và những khu vực dành cho việc vệ sinh.

Ngoài khu vực nhà ở Dòng Kitô Vua, khu vực Nhà Thờ, khu vực Lễ đài, phía trước Lễ đài là một sân bãi thoáng rộng (kể cả hai con đường) được che phủ bởi những cây cổ thụ, cho bóng mát đáng kể. Sân bãi nầy là nơi để giáo dân đứng viếng Đức Mẹ và tham dự Thánh Lễ đồng tế được tổ chức trong những ngày lễ hội hành hương. Sức chứa của sân bãi nầy khoảng 4000 người, nhưng có những ngày hành hương giáo dân kẻ ra về người mới đến khoảng 20000 người (trong một ngày).

Nếu có dịp nào đó trong những ngày lễ hội hành hương, thì mời độc giả "hãy đến mà xem" một cảnh tượng nói lên lòng sùng kính Đức Mẹ hết sức mình của những khách hành hương. Cũng trong sân bãi nầy, họ trải những tấm vải nylon, đặt đồ đạt cá nhân, tụ họp theo nhóm, theo họ đạo, ngồi ở đấy, đứng ở đấy, ngủ ở đấy, đọc kinh cầu nguyện suốt đêm khi có thể được, vừa đọc kinh hoặc hát cộng đồng, vừa cầu nguyện cá nhân với những tâm sự riêng với Mẹ, nhờ Mẹ chuyển cầu những ước mong, chuyển cầu những ơn xin, cho cá nhân, cho gia đình, cho Giáo hội và cho xã hội.

Trung tâm hành hương Fatima cũng là một họ đạo. Số giáo dân hiện có khoảng 700. Thời gian đầu, các Cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách nơi đây : Cha Tuyên (từ ngày thành lập đến 1968) ; Cha Yến (1968-1975) ; Cha Đức (1975-1980) dòng Phanxicô ; Hai Cha Giáo phận Vĩnh Long tiếp tục : Cha Joachim Hồng Minh Nghiệm (1980-1989) ; Cha Phaolô Lưu Văn Kiệu (1989-). Các việc mục vụ cũng giống như những họ đạo bình thường : ngày Chúa nhật và ngày trong tuần đều có thánh lễ cho giáo dân tham dự, có những lớp giáo lý cho trẻ em và người lớn, Cha phụ trách còn đi công tác mục vụ gia đình, thăm viếng, đưa Mình Chúa, xức dầu bệnh nhân....

III. Chương trình hành hương được tổ chức như sau :

Từ ngày thành lập Trung tâm cho đến năm 1975, vào các ngày 13 của các tháng Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín và Mười hằng năm và ngay cả vào các ngày lễ Đức Mẹ và ngày Chúa Nhật đều có đông đảo giáo dân đến tham dự Hành Hương, học hỏi và cầu nguyện, qua việc tham dự Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, Rước Kiệu, Lần Chuỗi, Suy Niệm theo sự hướng dẫn của Linh mục phụ trách.

Sau năm 1975, vì hoàn cảnh không thuận lợi, giáo dân các nơi xa rất ít hành hương, chỉ có các giáo dân ở gần, vùng Vĩnh Long vẫn giữ thói quen đạo đức này.

Từ năm 1989, Cha Phaolô Lưu Văn Kiệu đặc trách Trung Tâm Hành Hương Fatima Vĩnh Long. Việc hành hương Đức Mẹ, dưới sự đôn đốc, hướng dẫn của Cha, ngày càng khởi sắc. Người tín hữu khắp nơi, nhất là trong Giáo phận, đến tề tựu quanh Mẹ ngày càng đông đảo, đặc biệt trong hai dịp Hành Hương chính thức của Giáo phận Kính Đức Mẹ vào ngày 12-13/05 và 12-13/10 hằng năm. Ngoài ra, vẫn có luôn luôn nhiều đoàn hành hương đến cầu nguyện, tĩnh tâm vào các ngày khác trong năm. Số lượng người tham dự : 12-13/05 hằng năm là khoảng 12.000 người, 12-13/10 là khoảng 18.000 người.

Việc tổ chức Hành Hương 12-13/05 và 12-13/10 hằng năm, ngoài việc Đức Giám Mục Giáo Phận hướng dẫn chủ đề học hỏi cầu nguyện và chủ sự Thánh Lễ đồng tế, còn có sự tham dự của các Linh mục trong Giáo phận. Nội dung Hành Hương là học hỏi theo chủ đề về Mẹ Maria. Các việc đạo đức trong ngày hành hương gồm có : cầu nguyện, sám hối, lần chuỗi, kiệu tôn vinh Đức Mẹ, các giờ suy niệm có minh hoạ của các Hội Dòng. Chương Trình hành hương bắt đầu từ 12 giờ trưa ngày 12, các Linh mục hướng dẫn suy niệm, giải tội, cầu nguyện, lần chuỗi. 5 giờ chiều ngày 12, Đức Giám mục Giáo phận chủ lễ khai mạc hành hương. Tối đến, các Dòng Tu trình diễn trên Lễ đài những bài diễn nguyện diễn tả những mầu nhiệm về Chúa và Mẹ Maria, nhắn nhủ khách hành hương, nhớ đến con người thấp hèn, qua lời cầu bàu của Mẹ, được nhiều ơn Chúa, phải biết dâng lên Chúa và Mẹ lời cảm tạ tri ơn và những bài ca chúc tụng. Các hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum, Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, Dòng Chúa Chiên Lành, Dòng Chúa Quan Phòng phụ trách mục diễn nguyện nầy. Riêng Dòng Kitô Vua và nhiều cộng tác viên chuyên môn đãm nhận nhiều lãnh vực khác để ngày hành hương tiến hành tốt đẹp.

Sau những màn diễn nguyện, đến phần lần chuỗi, kiệu Đức Mẹ, có suy gẫm những sự Vui, Thương, Mừng, Sáng. Nghỉ ngơi đôi chút, khách hành hương được mời đến dự buổi chầu Mình Thánh Chúa đặt tại Lễ đài. Sau đó, một thánh lễ của đêm canh thức được tổ chức lúc nửa đêm trong bầu khí êm đềm vắng lặng và thánh thiện.

Một đêm với Mẹ Maria thật xứng đáng. Sáng sớm, vào lúc 5 giờ, một Linh mục cử hành thánh lễ đánh dấu một ngày mới, ngài kêu gọi mọi người trở về với thực tại của ngày hành hương và chuẩn bị cao điểm ngày nầy là Thánh lễ đồng tế do Đức Giám mục chủ lễ lúc 9 giờ sáng ngày 13. Buổi lễ được diễn ra rất nhịp nhàng và thứ tự.

Sau khi ổn định khách hành hương, đâu vào đấy, đứng trong những khuôn nhân tạo, thì đoàn đồng tế bắt đầu di chuyển từ trong Nhà thờ ra Lễ đài khoảng trên 100m. Đi trước là đội kèn mặc y phục mầu trắng đầu đội mũ kết pi đặc biệt giống như những người quân nhạc oai hùng, họ tấu lên những bài ca nhập lễ liên quan đến lễ Đức Mẹ, lẫn trong tiếng kèn có tiếng hát của toàn thể khách hành hương, việc đó tạo cho buổi lễ thêm phần long trọng và hoành tráng. Kế đến, thánh giá đèn hầu, các hội đoàn, tiếp theo là các Linh mục đồng tế (khoảng trên dưới 80) và sau cùng, Đức Giám Mục đầu đội mũ mitra và tay cầm gậy Mục tử cùng đi với hai Linh mục phụ lễ và những thầy giúp lễ đi theo sau.

Các bài đọc, các đáp ca, những bài thánh vịnh được trích trong bộ lễ Kính Đức Mẹ, những bài hát trong Thánh lễ được chọn lọc đều liên quan đến Đức Mẹ. Tuỳ theo đề tài học hỏi trong năm mà Đức Giám mục nhắn nhủ trong bài giảng. Đức Giám mục kết thúc ngày hành hương với những lời tạ ơn Chúa và Mẹ Maria, cám ơn tất cả các Linh mục, tu sĩ nam nữ, các cộng sự viên trong ngày hành hương và ngài cũng xin ơn Chúa phù hộ cho đoàn chiên của Chúa, cho tất cả mọi người ra về bình an và sống an lạc trong vòng tay trìu mến của Mẹ Maria.

Mặc dù, nơi trung tâm nầy không có những phép lạ đặc biệt nào xảy ra, nhưng nhờ Mẹ khẩn cầu, ơn phúc của Chúa xuống tận tâm hồn khách hành hương, điều đó làm cho khách hành hương ra về lòng thấy dâng trào niềm vui phơi phới và như còn vương vấn một điều gì với Mẹ, nhưng cũng đành phải chờ ngày lễ hội hành hương lần tới.

IV. Lời kết

"Hãy đến Trung tâm mà xem" để nghe lời Mẹ nhắn nhủ.Mẹ nhắn nhủ đoàn con phải cầu nguyện, phải hy sinh và ăn năn đền tội cho các tội nhân đáng thương đang xúc phạm đến Thiên Chúa để thánh hoá cuộc sống của mình và của tha nhân và đặc biệt là để được cứu rỗi.

"...Nếu chúng con muốn được phục sinh vinh hiển thì chúng con cần cầu nguyện. Không cầu nguyện, chúng con không thể trung thành phục vụ Thiên Chúa. Không cầu nguyện chúng con sẽ càng ngày càng xa cách Chúa. Cầu nguyện làm cho chúng con trung thành sống trong ơn nghĩa Chúa, gần gũi Chúa, gần gũi Chúa làm cho chúng con tránh xa những đam mê, những cơn cám dỗ của ma quỉ, xác thịt và thế gian. Được như thế, chúng con sẽ hưởng phúc Thiên Đàng cùng với Mẹ.

...Nếu chúng con muốn được phục sinh vinh hiển, thì chúng con phải hy sinh. Sự hy sinh dù nhỏ nhất trong những hy sinh mà chúng con thực hiện để khước từ mọi đam mê vật chất thì không trái ý Thiên Chúa bao giờ. Phần thưởng đời đời sẽ cân xứng với sự hy sinh, sự tự chế ở đời này. Tự chế bằng cách giờ đây chúng con từ bỏ những gì thuộc về tội lỗi, dù đó là những điều chúng con ưa thích nhất, và chịu đựng những gì làm đẹp lòng Thiên Chúa, dù đó là những điều làm chúng con đau đớn nhất. Được như thế, chúng con sẽ hưởng phúc Thiên Đàng cùng với Mẹ.

...Nếu chúng con muốn được phục sinh vinh hiển, thì chúng con cũng phải sám hối. Có sám hối con người mới thấy mình có tội. Nhận ra mình có tội nên cầu xin ơn tha thứ. Người không sám hối thì luôn thấy mình vô tội, nên sống dửng dưng, thờ ơ đối với TC, đối với tha nhân, không tỉnh thức, sẽ trở tay không kịp khi Chúa đến. Được như thế, chúng con sẽ hưởng phúc Thiên Đàng cùng với Mẹ...". Đó là sứ điệp Mẹ muốn gởi đến với từng người khách hành hương và tất cả chúng ta.

"Hãy đến Trung tâm mà xem" để chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa. Chúng ta chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa trước hết vì Ngài đã thực hiện những điều kỳ diệu nơi Mẹ Maria : Mẹ Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, Mẹ Maria hồn và xác lên trời, Mẹ Maria là Nữ Vương Thiên Đàng. Chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài cho chúng ta có được người mẹ xứng đáng như thế. Mẹ như thế thì đoàn con cũng được thơm lây.

Riêng Giáo phận Vĩnh Long chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho Giáo phận có được một địa điểm, và đã ban cho các Đấng bề trên Giáo phận có sáng kiến thành lập một Trung tâm hành hương thật quí giá ; Chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa vì toàn thể đoàn chiên của Chúa đều tỏ lòng kính mến Mẹ, tỏ lòng kính mến Mẹ nên số người hành hương càng ngày càng đông, và ngày nay số người hành hương nầy không còn bị giới hạn ở trong Giáo phận nữa, nhưng Trung tâm đã đón nhận rất nhiều khách hành hương đủ mọi thành phần đến từ các Giáo phận khác ; Chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa vì những việc đạo đức và những bài giáo huấn của Đức Giám mục, những bài học hỏi của những vị Linh mục và các Tu sĩ nam nữ đã cung ứng cho khách hành hương như những món ăn tinh thần rất bổ ích.

Chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa vì cộng đoàn hành hương đã nhận nhiều ơn lành vô hình vô tượng : những ngày đẹp trời, đi lại được bình an, được gặp gỡ nhau và được cùng một lòng một ý ca tụng Thiên Chúa qua Mẹ Maria.

Sau cùng, nhờ lời cầu bàu của Mẹ Maria, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa cho những lần lễ hội hành hương sắp tới được diễn ra tốt đẹp, tốt đẹp về nhiều phương diện : đẹp lòng Thiên Chúa, đẹp lòng Mẹ Maria, đẹp lòng mọi người trong tất cả chiều sâu của nó.

16858    08-01-2011 07:11:01