Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Đổ Nến - Rớt Mâm

Ở Việt Nam, những nghi lễ về cưới gả vốn là của Trung Hoa, do hai quan thái thú Tích Quang và Nhâm Diên truyền sang từ thời Bắc thuộc (111 BC).

Từ thời xa xưa, người Việt Nam xây dựng hôn nhân có lẽ giản dị lắm; thế nên các quan lại Trung Hoa sang cai trị đất Giao Chỉ phải dạy dân cưới gả theo nghi lễ phiền phức của họ.

Theo tục lệ xưa kia, một Hôn lễ tuần tự phải có 6 lễ nghi chính như sau:

1/ Lễ Nạp thái: lễ coi mắt, chọn lựa nàng dâu.

2/ Lễ Vấn danh: lễ hỏi tên họ, tuổi tác nàng dâu.

3/ Lễ Nạp kiết: lễ xem hai tuổi chú rể và cô dâu có hợp nhau không.

4/ Lễ Nạp trưng (lễ hỏi)): nạp sính lễ như tiền bạc, quần áo, nữ trang, ...

5/ Lễ Thỉnh kỳ: định ngày cưới.

6/ Lễ Thân nghinh: lễ rước dâu (hay đón dâu).

Tuy thực hiện nghi lễ kết hôn theo kiểu người Hoa, nhưng người Việt mình đã bỏ bớt một số nghi lễ phiền phức mà chỉ còn giữ lại ba lễ chính:

1/ Lễ vấn danh (lễ dạm hỏi): là lễ do nhà trai nhờ mai mối đến hỏi tên tuổi người con gái để so hai tuổi trai gái xem có hợp với nhau không.

2/ Lễ nạp trưng (lễ hỏi): là lễ đem đồ sính lễ đến nhà gái để hỏi cưới.

3/ Lễ thân nghinh (lễ rước dâu): là lễ họ nhà trai đến nhà gái đón cô dâu về nhà chồng.

Việc Hôn nhân do cha mẹ định đoạt (phụ mẫu chi mạng) hay do lời nói của người mai mối (môi chước chi ngôn). Con cái không có quyền định đoạt mối lương duyên của mình. Ngày nay, thì chuyện này đã ít đi và hiếm xảy ra; vì sự văn minh tiến bộ của xã hội và phong trào "bình đẳng giới" đang dần thắng thế các phong tục truyền thống cổ xưa "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó"; nam nữ được tự do tìm hiểu "một nửa kia" của mình trước khi đi đến quyết định dứt khoát chuyện "chim lồng, cá chậu" vĩnh viễn, không hối tiếc!

Sau khi cả hai cô cậu "tình trong như đã..." và được sự thuận tình của cha mẹ đôi bên thì họ hàng nhà trai đem sính lễ đến nhà gái để làm lễ đính ước. Lễ này gọi là Lễ nạp trưng (lễ nạp lệ hay cũng gọi là lễ hỏi). Thời gian bắt đầu từ lễ hỏi cho tới khi tiến hành Lễ Thân nghinh (lễ cưới đón dâu) dài hay ngắn nhưng thường là không quá một năm, tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên sui gia trai - gái, ấn định ngày lành tháng tốt tiến hành Hôn lễ.

Đến đây chuyện hôn sự của đôi bạn trẻ được xem như đã hoàn tất ba phần tư đoạn đường; còn chờ tiến hành Hôn lễ và tiệc cưới nữa là trọn vẹn. Phần đông các bậc cha mẹ đôi bên đều thở phào nhẹ nhõm khi đã tiến hành xong giai đoạn lễ hỏi. Riêng tôi thì chưa nhẹ nhõm thở phào được; bởi lẽ tổ chức tiệc hỏi, cưới chỉ kéo dài trong vài giờ đồng hồ là xong. Tổ chức tiệc tùng, lời chúc tụng, cảm giác hạnh phúc, sự toàn vẹn của một nghi lễ chỉ là một khoảng thời gian ngắn; còn sống cuộc đời hỏi, cưới là cả một đời người. Trách nhiệm công việc, lo toan cuộc sống, khó khăn gia đình, sự thất bại, vướng mắc đau khổ, và những bất toàn của kiếp người là một chuỗi thời gian dài phải đối diện.

Kiến tạo hạnh phúc gia đình vững chắc và bền vững là do ý chí, nghị lực, và tài năng của đôi bạn trẻ mới cưới; nhưng đó chỉ là một phần nhỏ. Phần còn lại chính yếu và to lớn hơn là do chính Thiên Chúa - Đấng là chủ tể thời gian và sự sống vạn vật - quyết định. Thật vậy, những ai biết lấy Thiên Chúa làm niềm vui của mình, biết đặt sự tin tưởng vào Chúa, biết ký thác đường đời mình cho Người, thì chắc chắn sẽ được Người ban cho hạnh phúc bền vững (x. Tv. 36, 3-6). Bởi đó, hạnh phúc thật của một gia đình có khi đơn giản chỉ là hiện diện những niềm vui nhỏ bé nhưng chân thật; hoặc là các thành viên trong gia đình biết quan tâm san sẻ yêu thương, và chăm sóc cho nhau. Vợ chồng hạnh phúc là biết chấp nhận những khác biệt của nhau. Vợ chồng hạnh phúc có khi chỉ là mỗi người tự hài lòng với những gì mình có để thanh thản và vui vẻ với hiện tại. Hạnh phúc gia đình là cái gì đó con người không nắm giữ được trong tầm tay, nhưng hạnh phúc gia đình cũng không phải là cái gì đó quá xa xôi mà con người không tìm kiếm được cho mình; nếu mỗi người biết vững niềm tin cậy, phó thác đời sống gia đình mình cho Thiên Chúa.

Hạnh phúc gia đình không chỉ hiện diện trong những thành công, những nụ cười, những niềm vui, ... mà hạnh phúc gia đình còn có cả trong những thất bại mất mát, trong nước mắt; những giọt nước mắt của sầu khổ, tủi hờn, buồn chán, ... nhưng có lẽ hạnh phúc nhất là khi người-bạn-đời của ta biết sẵn sàng lắng nghe, luôn thấu hiểu, và biết thông cảm... với mọi nhu cầu và ước vọng của gia đình!

Tóm lại, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình là khác nhau. Sự cảm nhận về hạnh phúc trong chúng ta chẳng ai giống ai, con đường đi đến cánh cửa hạnh phúc của mỗi người, mỗi nhà cũng chẳng hề giống nhau. Nhưng nếu có Chúa hiện diện trong nhà mỗi người, thì chắc chắn một điều là gia đình ấy sẽ đầy ắp tiếng cười và thật sự hạnh phúc tràn đầy!


Câu chuyện sau đây sẽ minh chứng cho sự mỏn dòn, lỏng lẻo, dễ vỡ, và bất toàn của việc xây dựng hạnh phúc gia đình; nếu các bạn trẻ sắp hoặc đang bước vào ngưỡng cửa hôn nhân gia đình mà không chuẩn bị đủ tâm thức đức tin Kitô giáo, mất bình tĩnh, thiếu sáng suốt, và không khiêm tốn nhận chân sự thật cốt lõi của vấn đề; thì dễ dàng đánh mất cơ hội xây dựng và vun đắp hạnh phúc gia đình cho chính mình:

 

Hôm nay - từ sáng sớm -  chú rể cùng họ hàng nhà trai khăn áo tốt đẹp chỉnh tề, họp thành một đoàn, chọn giờ "hoàng đạo", kéo đến nhà gái do một người chủ hôn đi đầu hướng dẫn để hỏi vợ. Sau khi bà con thân tộc, bạn bè, quan viên hai họ nhà trai nhà gái yên vị đâu vào đó. Vị đại diện tộc họ nhà trai đem khai hộp đựng trầu cau cưới, và rượu lễ để trên bàn giữa nhà. Chậm rãi cẩn trọng rót rượu lễ ra ly nhỏ, trình cho họ nhà gái những lễ vật hỏi cưới và thông báo ngày tổ chức đám cưới. Tiếp theo là tiến hành phần nghi lễ đính hôn: kinh nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho đôi bạn trẻ chuẩn bị xây dựng một gia đình mới. Hai ông sui trai và gái đi thẳng lại bàn thờ Chúa và gia tiên, mỗi người thắp một cây nến lớn, rồi cắm vô chân đèn. Nghi lễ đính hôn được bắt đầu bằng bài hát kinh Chúa Thánh Thần. Sau khi mọi người lắng nghe tuyên đọc Lời Chúa (Kn. 9, 1-4;11), ông sui gái có đôi lời khuyên nhủ đôi hôn ước cần phải cầu xin cho mình có được sự khôn ngoan của Thiên Chúa hướng dẫn, để sống tốt và sống xứng đáng từ bây giờ (lúc đính hôn) cho tới lúc Lễ thành hôn, để xứng đáng được Thiên Chúa chúc phúc và làm rạng rỡ thanh danh hai họ.

Đang lúc ông sui gái đang khuyên nhủ hai con trẻ, thì cây nến do ông cắm không chặt vào chân đèn đã đổ ập xuống nền nhà, tắt ngấm.

...Không gian bỗng trở nên ngột ngạt, im lặng bất thường...

Rồi thì nến cũng được thắp sáng, cắm lại chắc chắn hơn. Đoạn chú rể cô dâu thắp hương, kính lạy anh linh các bậc gia tiên thương tha thiết chuyển cầu cho đôi bạn trước tòa Thiên Chúa để Ngài ban ơn chúc phúc cho tình yêu của họ. Sau đó, cô dâu chú rể cùng nhau lấy trầu cau để kính dâng trên bàn thờ gia tiên. Trong lúc chuẩn bị giở mâm trầu cau, thì vị đại diện nhà trai sảy tay làm trượt đổ đánh xoảng cả mâm trầu cau xuống nền gạch hoa.

...Có tiếng xầm xì nho nhỏ, rồi lại im lặng nặng nề...

Nghi lễ đính hôn được tiếp tục qua những lời cầu chân thành, xin Thiên Chúa ban ân thiên xuống cho đôi bạn trẻ. Sau cùng được kết thúc trong sự trang trọng hát dâng đôi bạn trẻ cho Đức Maria, chính là gương mẫu cho cuộc đời của họ.


Đổ nến, rồi... rớt mâm. Ngột ngạt. Bối rối. Im lặng bất thường... Lòng bất an. Hoài nghi, ngượng ngùng xấu hổ. Xầm xì to nhỏ, rỉ rịt... Những dấu hiệu nhiều người cho là bất thường, có thể nói được là xui xẻo, không may mắn trong buổi lễ đính ước của hai bạn trẻ. Nhưng đôi bạn trẻ rất tự tin, bình thản như không có chuyện gì xảy ra, họ thầm nguyện cám ơn Thiên Chúa.

Họ đã nhận ra được thánh ý Chúa qua sự cố "đổ nến, rớt mâm" này. Trong sự cố đó, họ đã thấy được "dấu chỉ" cho sự mong manh, lỏng lẻo, mỏng dòn, dễ vỡ, dễ nát vụn, không chắc chắn, không thường hằng, bất toàn, và cái vô thường của sự việc, của vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt là đôi bạn trẻ "nhìn" ra được chuyện xây dựng tình yêu hôn nhân, việc kiến tạo hạnh phúc gia đình còn vô vàn khó khăn hơn thế nữa, luôn đầy dẫy những chông chênh bất trắc đang chờ đón họ phía trước, dễ làm cho tình yêu của họ vỡ vụn, tan chảy như sáp nến nếu chỉ biết quy chiếu vào những giá trị vật chất trong thời buổi duy thế tục, duy vật chất như hôm nay đây. Và chính khi họ bám chặt vào vọng chấp mê lầm trong định kiến xã hội bao đời nay; để duy lý chủ quan cậy dựa vào kiến thức, tài năng, và sức riêng của chính mình, thì việc xây dựng hạnh phúc gia đình càng không thể vững chắc, bền chặt được.

Sự cố xảy ra, cũng chính là cơ hội thuận tiện để đôi bạn trẻ sống và thực hiện ngay Lời Chúa mà họ vừa mới nghe trong nghi lễ đính hôn của họ: "Xin rộng ban cho con Đức Khôn ngoan hằng ngự bên tòa Chúa. Vì Đức khôn ngoan hiểu biết tất cả, sẽ khôn khéo hướng dẫn con trong việc con làm, lấy quyền năng vinh hiển mà giữ gìn con" (Kn. 9, 4;11). Thật vậy, chính Đức Khôn Ngoan giúp họ hiểu biết về Thiên Chúa, không có gì giàu sang hơn Đức Khôn Ngoan, chính Đức Khôn Ngoan sản sinh các nhân đức: công bằng, cẩn trọng, sống tiết độ, dũng mãnh, và học hỏi được nhiều kinh nghiệm, ... (x. Kn. 8, 4-8). Đó cũng chính là những nhân đức rất cần thiết cho những chủ nhân của một gia đình mới. Quả thế, con người ta dẫu thập toàn đi nữa mà chẳng có Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, thì cũng kể bằng không không vậy. Vì vậy không ai biết được thánh ý Chúa nếu chính Người không ban cho Đức Khôn ngoan, chẳng gửi đến Thần khí thánh (x. Kn. 9, 6;17). Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đều gặp phải những sự cố vui buồn đan xen nhau, mặc dù không một ai mong muốn. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể cười hay khóc, hạnh phúc hay bất hạnh, an lành hay tai hoạ tùy theo thái độ ứng xử của ta tích cực lạc quan hay tiêu cực bi quan.

Quan trọng hơn cả là mỗi người chúng ta nên nhớ rằng: Thiên Chúa có thể biến đổi từ sự dữ ra sự lành, rút từ thất bại ra thành công, chuyển sự bất hạnh ra hạnh phúc. Vì "đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được" (Mt. 19, 26). Tất cả mọi sự việc xảy ra đều là hồng ân của Chúa ban nhằm giúp chúng ta đạt tới ơn cứu độ. Thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu hãy có lối sống tích cực lạc quan như sau: "Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!" (Pl. 4, 4)

Một tâm lý gia sau khi điều tra về các nguyên nhân gây đổ vỡ gia đình đã nêu ra nguyên tắc xây dựng hạnh phúc như sau, tạm gọi là "nguyên tắc 10/90". Nội dung nguyên tắc này như sau: Gia đình của bạn được hạnh phúc hay bị bất hạnh nguyên nhân là do 10 % sự cố tự nhiên, và 90 % còn lại là cách phản ứng tích cực hay tiêu cực của bạn trước những sự cố đó.

Chẳng hạn qua việc "đổ nến, rớt mâm" trong ngày vui của đôi bạn trẻ trên đây: Đó là sự cố xảy ra ngoài tầm kiểm soát của hai bạn trẻ vừa đính hôn và cả gia đình hai họ, nó chiếm 10 % hệ quả của sự việc. Sau đó hạnh phúc hay bất hạnh lại chiếm 90 % còn lại, tùy theo cách phản ứng của chú rể cô dâu và cảm thức của hai bên gia đình. Nếu ứng xử thiển cận và tiêu cực thì chắc chắn gây đổ vỡ và bất hạnh; ngược lại nếu ứng xử khôn ngoan và tích cực thì tạo được niềm vui và hạnh phúc. Hạnh phúc không hiện hữu trong bóng hình quá khứ hay nỗi niềm mong mỏi nơi tương lai, hạnh phúc là hạnh-phúc-trong-thực-tại nếu mỗi người biết nắm bắt nó trong hiện tại!

Sống ở đời ai ai chẳng muốn được hạnh phúc, được luôn luôn vui vẻ nhưng mỗi người lại quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Không phải chỉ kiếm được hạnh phúc ở địa vị, tiền tài và danh vọng. Hạnh phúc đôi khi xuất hiện ở những điều giản dị đến bất ngờ, gần gũi và mộc mạc đến nỗi rất dễ chạm vào nó, nhưng đôi khi ta lại chạy theo những thứ quá xa vời mà để tuột lại hạnh phúc của riêng mình ở phía sau và mãi mãi không lấy lại được. Thậm chí có lúc chúng ta dường như không nhận ra được cái đó là hạnh phúc, vì chúng ta đã vô tâm không để ý đến nó.

Nhìn lại tất cả diễn biến của mọi sự việc trên đời này đều mang tính cách vô thường (sa. anitya; pi. Anicca. Một từ ngữ Phật học). Nghĩa là "không chắc chắn", "thay đổi", "không trường tồn". Đặc biệt là người ta nhấn mạnh đến tính vô thường của hạnh phúc đời người. Nói đến tính vô thường của đời người và những thiện hảo của nó, thì quả thật mọi sự trên trần đời này quá mong manh, không có gì còn tồn tại cả. Mọi sự đều hư không, mọi sự đều qua đi. Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân (Cn. 31, 30).

Sánh với hạnh phúc vĩnh hằng, với phước lộc tồn tại tới muôn muôn vạn kiếp, tồn tại đời đời, thì tất cả những của cải, vinh hoa, phú quý trần gian, ... chỉ là ảo ảnh, là bóng mờ của Hạnh Phúc Thật mà thôi, vì tất cả đều chóng qua, mau hết, và tất cả mọi vật hữu hình đều có lúc sẽ bị huỷ hoại, bị tiêu tan. Vậy để có được hạnh phúc mãi mãi vĩnh tồn: hoặc thiên thu hạnh phúc, hay trầm đọa muôn đời, còn tuỳ theo cách mà chúng ta lựa chọn để sống: Lựa chọn Thiên Chúa hay ngược lại, lựa chọn thế gian, lựa chọn tội lỗi; lựa chọn điều thiện hảo hay lựa chọn sự gian tà...

Khởi đầu sách Giảng Viên, tác giả nói rằng: "Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân" (Gv. 1,2), điều này cho thấy tất cả những gì mà chúng ta nhìn thấy, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi tồn tại mãi mãi! Thế mà rất nhiều người chỉ chạy đôn chạy đáo, xốn xang, cật lực vất vả, bôn chôn lao nhọc để tìm kiếm những thứ chẳng bền lâu mà Chúa Giêsu đã nói: Đó chỉ là những thứ mà "trộm cắp dễ dàng lấy mất và mối mọt làm hư nát" (x. Mt. 6, 19-20).

Thứ hạnh phúc thật cần thiết hơn cả cho những bạn trẻ sắp xây dựng hôn nhân gia đình là hãy hết lòng yêu mến phụng sự Thiên Chúa và để cho Ngài làm chủ cuộc đời mình, làm chủ gia đình mình. Vì nếu như chẳng có Chúa xây dựng cho gia đình chúng ta, thì cho dù chúng ta cực khổ vất vả cũng là uổng hoài công khó. Còn người được Chúa thương dù có ngủ, Người vẫn ban cho được hạnh phúc, đủ tiêu dùng (x. Tv. 126, 1-2)

Lạy Chúa Cha từ ái, xin trợ giúp các bạn trẻ luôn biết chọn lựa cách ứng xử tích cực, khôn ngoan thật từ Thiên Chúa trước bất cứ mọi tình huống gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ đó họ biết kiến tạo gia đình hòa hợp hạnh phúc, xứng đáng là con cái thảo hiếu của Chúa Cha nhân hậu; để họ trở nên người môn đệ đích thực luôn sống Giới răn Yêu thương của Chúa Giêsu truyền dạy, và có thể chu toàn sứ mệnh làm chứng cho nền Văn Minh Tình Thương của Chúa Cha cho mọi người trong thế giới hôm nay!

Cát Biển

3699    30-08-2012 08:33:38