Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, Một Vị Thánh

Mougins, Nice -Pháp, nhà hưu dưỡng Jean Dehon, nơi Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, nguyên Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long tròn 106 tuổi ngày 13.03.2012, vị Giám Mục người Việt duy nhất đồng tế với Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phalô II vào năm 1988 dịp lễ phong 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam tại Rôma. Tờ báo "Tin Tôn Giáo" Pháp, hôm ngày 11 tháng 3 viết về Đức Cha Antôn vị Giám Mục đầu tiên cao niên nhất trên thế giới... có thể xem như một dấu hiệu, chuẩn bị và dọn sẵn con đường cho sự ra đi của Ngài về nhà Chúa? Chỉ hai ngày sau, buổi sáng Chúa Nhật rơi vào một ngày thật đẹp mọi người không thể sao quên! Đó là ngày 13 tháng 5, trong khi giáo dân hành hương đông đảo tựu về bên Mẹ Fatima Giáo Phận, bất chợt nghe tin Đức Cha Antôn qua đời, tưởng như hôm nay đây Mẹ gọi đoàn con về họp mặt, tạ ơn, tiễn đưa, vào giờ Mẹ đến rước Ngài đi. Khắp nơi đấm chìm trong thương tiếc, vây quanh nguyện cầu cho linh hồn Đức Cha Antôn, cùng hướng về Giáo Hội Việt Nam, về Vĩnh Long đang chuẩn bị mừng tạ ơn 75 năm thành lập Giáo Phận. Trót những tâm tình với một người Cha trong hoài niệm của một quá khứ tuy xa nhưng vẫn mang đến một sự ấm cúng mật thiết, sự gần gũi cách đặc biệt trong tình hiệp nhất có phải không?

Đôi mắt Ngài bị mù lòa vì khói lửa chiến tranh Mậu Thân năm 1968 đã hơn 44 năm qua, ngày qua ngày sống cảnh trong bóng tối mà thử hỏi có ai trong chúng ta có thể mường tượng nỗi đau khổ với sức chịu đựng lâu như thế nếu không có ơn bền đổ? Chắc rằng không ai trong chúng ta dám nghĩ đến, nhất là một đời người, khó có thể đạt đến sự vững bền và lòng kiên trì sâu xa trong nội tâm, phải có sự tín thác hoàn toàn và đức tin thật mãnh liệt vào Thiên Chúa và Mẹ Maria quan phòng dõi theo từng bước, từng ngày trong đời. Tôi tin chắc chắn rằng chỉ có thế mới tạo nên cho Ngài niềm vui sống. Dù với sức yếu của tuổi già và những ngày sống nơi quê xa, xứ người. Sống trong bóng tối, biết bao là khó khăn vì phải tự lo cho những sinh hoạt hằng ngày, có lần Ngài nói: "Đức Cha ăn bốc như một đứa con nít". Không một đau khổ nào cho bằng, đó là không thể nhìn thấy, nó cân nặng, kéo dài, quá lâu trong nỗi gian truân, và trong xót xa! Mỗi khi có ai đến thăm Ngài thường hỏi: Ai đó, ở đâu, có bao nhiêu người? Tôi không thấy đường gì hết! Trong căn phòng tuy nhỏ nhưng thật ấm áp được chuyện trò và khi ra về Ngài cho hôn nhẫn và ban phép lành mang đầy quyến luyến, chan chứa tràn đầy tình thương về nhân đức khiêm nhường và sự thánh thiện. Ngài vẫn nhìn thấy xuyên qua đôi mắt mù lòa bằng cuộc sống nội tâm, bằng lời kinh ý nguyện và luôn theo dõi biết tin tức của Giáo Hội. Ngài đã chọn khẩu hiệu Giám Mục có hình cây dừa và hai cụm mây Ngài nói: "Cây dừa tượng trương cho sự kiên nhẫn và bền bĩ, cây dừa phải trồng lâu năm mới sinh hoa trái, thời gian sống của cây dừa bền lâu hơn nhiều cây khác." Đôi khi Ngài ước được ngồi dưới bóng cây dừa xanh tươi nơi cố hương của vùng Đồng Bằng sông nước, bóng mát nầy đã từ lâu không còn cảm nhận, cái mát dịu dàng của những ngày nắng thật oi ả, của những buổi trưa hè phải ngồi trên chiếc xe lăn từ nhà nguyện về phòng sau khi dự Thánh Lễ. Nhưng cũng bởi cuộc sống của một con người thật giản dị đầy khiêm tốn để rồi giờ đây ở bên Ngài còn lại gì, còn chứa đựng những huyền bí gì khác? Trong lòng bàn tay của Ngài chẳng có gì khác hơn là xâu chuỗi Mân côi Ngài chỉ biết lần hột và lần hột suốt. Lần hột, để không một ngày nào quên cầu nguyện cho Giáo Phận Vĩnh Long của Ngài cách riêng, mà khi xưa từng ngày lặng lội âm thầm đi thăm viếng các họ đạo vùng hẻo lánh như Bãi Xan, Giồng Rùm... với cái tên địa phương ấy Đức Cha vẫn còn nhớ. Ngài luôn cầu cho Giáo Hội Mẹ bao năm qua trong thăng trầm, những nỗi lo toan vì xã hội ngày càng đổi thay, và Giáo Hội hoàn vũ cách chung.

Tháng giêng năm 2011, trước ngày Mừng lễ Kim Khánh 50 Năm Giám Mục có lần Ngài nói: "Mừng 50 năm Giám Mục mà tôi không có nhà cửa, cũng không có cái gì hết, tất cả ở đây đều là của người ta." Vâng, cuộc đời tỵ nạn, cuộc sống tha phương dù bất cứ ở nơi nào cũng không bao giờ hơn ở quê nhà và nhất là cuộc sống của một con người đơn sơ như ẩn chứa đầy nhân đức khiêm nhường, không bao giờ Ngài muốn làm phiền đến bất cứ một ai, dù chỉ là một người giúp việc. Cho nên, ngày mừng lễ Tạ Ơn 50 năm Giám Mục của Ngài diễn ra một cách rất đơn sơ và âm thầm như một ngày lễ bình thường trong nhà nguyện nhỏ nằm cạnh bên nhà hưu. Khi ấy, chỉ có khác hơn chút là có Đức Ông Tổng Đại Diện đến dâng lễ cho Ngài mà thôi! Đẹp thay! Hồng phúc Chúa xuống trên Ngài kết bằng bó hoa thiêng của địa phận Vĩnh Long tôi đọc cho Ngài nghe bao gồm: Dâng lễ 129.088, rước lễ 108.863, viếng Chúa 45.692, lần chuỗi 108.635, bác ái128.597.                                                          

Nghe xong, Ngài quá cảm động mà hai dòng nước mắt cứ rưng rưng tựu thành từng giọt lệ nhỏ đọng lại trên má. Đức Cha nói: Tốt lành quá! Nhưng, cũng chính vì cái tầm thường của một kiếp người, sự đơn thuần ấy lại còn điểm dấu biết bao là kỳ diệu của những chuỗi ngày dài còn lại. Chúng ta thử hỏi nếu như vào thời điểm ấy Ngài còn đang ở Vĩnh Long, hay ở bất cứ một nơi nào khác trên mảnh đất Giáo Hội Mẹ thân yêu đó thì niềm vui được chan hòa cho thế nào gọi là cân xứng? Có phải chăng  đây là vì lòng yêu mến Đức Mẹ không bến bờ, Ngài đã thành lập trung Tâm Hành Hương Fatima Vĩnh Long, mà hằng năm vào dịp ngày 13 tháng 05, 13 tháng 10 các giáo dân từ các họ đạo xa gần trong và ngoài Giáo Phận về bên Mẹ, xin ơn và để tạ ơn. Mỗi ngày Chúa Nhật, và kể cả ngày thường Ngài không bao giờ quên và còn lại rất hết sức sốt sắng với đôi tay yếu đuối nhè nhẹ lăn từng vòng bánh xe chuyển ra lối đi chờ sẵn trước chừng hơn 30 phút để chờ xem có ai đến rước Ngài sang nhà Nguyện bên dưới cách xa chừng 50m mới có thể cùng đồng tế với các Cha trong nhà hưu trí. Ngài nói: "Tôi không còn thấy đường để đọc chữ và làm lễ một mình được, cho nên phải nhờ đến các Cha đồng tế". Có hôm Chúa Nhật người giúp việc trong nhà hưu họ quên mất, không đến đưa Ngài sang nhà nguyện dự lễ, Ngài rất buồn rầu ngồi chờ đợi mãi trong sự thất vọng càng thấy thời gian qua lâu và nói: Họ đã quên tôi mất rồi! Chính vì trong cuộc sống của Ngài không thể thiếu Thánh Thể, Lời Chúa, lần hột và cầu nguyện mà các cha trong nhà hưu đều hiểu nỗi bâng khuâng, cảm thông chia sẻ những lo âu của Đức Cha Antôn. Về sau, trước khi mỗi Thánh Lễ nếu như không thấy Đức Cha Antôn có mặt trong nhà nguyện vì bị bỏ quên, cha sở hứa sẽ đến tận phòng chở Ngài xuống dự lễ. Khi biết được thế, Ngài rất hết sức an tâm. Câu chuyện rất hết sức ngẫu nhiên, trong nhà hưu Jean Dehon ấy có một vị linh mục gốc người Ý, khi được biết rằng Đức Cha Antôn mang hiệu Tòa Spello, nơi xưa là Giáo Phận của Ngài ở Ý, Ngài về quê hương kể lại cho cha sở của mình rằng: "Cha có biết không, hiệu Tòa của Giáo phận mình hiện giờ là một vị Giám Mục người Việt Nam đang nghỉ hưu cùng một nhà hưu với Tôi".

Vào một ngày Chúa Nhật đẹp trời lại càng khác biệt hơn, ngày Đức Mẹ Fatima hiện ra 13.05 đây cũng là một sự trùng hợp đang khi các giáo dân từ những họ đạo quay về Trung Tâm Hành Hương Fatima Vĩnh Long thật đông đảo, thì hay tin Đức Cha Antôn qua đời lúc 10giờ 30. Đức Cha không còn phải chịu nhiều cực hình trong cảnh ngồi chờ đợi người giúp việc đến đưa Ngài xuống nhà nguyện dự lễ... những chuỗi ngày sống đời hy sinh đã quá nhiều! Hoàn tất một cách cao siêu và tốt đẹp mà cách đây vài hôm mỗi khi tôi đến thăm, Ngài hay nói với tôi và kiếm suốt cây Thánh Giá Giám Mục của Ngài có xương Thánh làm rất công lao, và bao khó khăn mà bây giờ không biết để ở đâu? Hôm nay, Chúa đã thương gọi Ngài về, và Mẹ đã rước Ngài đi một cách thật nhẹ nhàng, êm ái, với xâu chuỗi Mân Côi trong tay, lúc Ngài còn đang nằm trên chiếc giường tín thác vào Chúa đến hơi thở cuối cùng, như trong một giấc ngủ say.

Sáng nay, thứ sáu ngày 18.05.2012 lúc 10 giờ sáng, giờ Paris (tức15giờ Việt Nam) sau ngày Lễ Thăng Thiên. Chuông nhà Thờ Chính Tòa Cathédrale Sainte Réparate của Giáo Phận Nice vang dội, đổ inh ỏi khắp khu phố cổ, rồi từng tiếng một tiếng một, chậm rãi chậm rãi như đón rước Ngài vào nhà thờ. Linh cữu được đặt xuống sát mặt đất trên cung Thánh, giống như những lần Ngài nằm xuống sám hối, nhận chức Linh Mục và Giám Mục của Chúa.

Thánh lễ an táng dưới sự chủ tế của Đức Cha Louis Sankalé - Giám Mục Giáo Phận Nice, Quý Đức Ông Tổng Đại Diện, Quý Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương đến từ Rôma, Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh đến từ Paris, Đức Ông Antôn Huỳnh Văn Long đến từ nước Đức 'cháu ruột Đức Cố Antôn', cùng với hơn mười cha đồng tế khác. Trong đoàn đồng tế này có sự hiện diện của Quý cha Hồng Kim Linh Paris, và Lê Công Luận, Nguyễn Thanh Hoàng thuộc Giáo Phận Vĩnh Long đang học tại Hội Thừa Sai Toulouse.

Quý Thầy, Quý Dì, sơ Trúc họ Mặc Bắc, sơ Hoa dòng MTG Cái Mơn đến từ Troys, sơ Ngọc Báu, sơ Thanh Xuân, MTG Phan Thiết, Ca Đoàn, giáo dân Bãi Xan cùng toàn thể bà con thân nhân của Đức Cha Antôn đến từ các nước như Canađa và Đức... hiện diện trong Nhà thờ Chánh Tòa đông đủ, cầu nguyện, đón tiếp linh cữu và tiễn đưa một Người Cha Chung. Thánh Lễ đặc biệt diễn ra bằng song ngữ PhápViệt. Mười giờ đúng, đoàn Đồng tế tiến vào Bàn Thờ Chính. Bài nhập lễ cất lên bởi Ca Đoàn Mân Côi, Cộng đồng Công Giáo người Việt tại thành phố Nice, do anh Khánh - Đức Mỹ, Bãi Xan điệm đàn.

« Khi Chúa thương gọi con về, hồn con hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng con nức vui tiếng cười, lưỡi con vang lời ca hát, ngàn dân tung hô con thật vinh phúc. Bao nhiêu anh em lưu lạc chốn quê người, xin Chúa dẫn đưa về như dòng nước xuôi niềm Nam ».(Kim Long).

Vài lời tâm tình chia sẻ mở đầu Thánh lễ, Đức Giám Mục Sankalé thay mặt cho các Giám Mục Pháp có đôi lời phân ưu đến Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, đương nhiệm của Địa Phận Vĩnh Long và Giáo Hội Việt Nam. Ngài tỏ lòng khen ngợi Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện là một người Cha hiền lành, một khuôn mặt phúc hậu, đạo đức, thánh thiện, người của lịch sử mà Ngài xem như một mẫu gương... cho các thế hệ mai sau. Kế tiếp, Đức Ông Guy Terrancle đọc nghi thức "mặc áo, trao mũ và gậy" đặt trên linh cữu do hai Linh Mục Vĩnh Long, Cha Luận, Cha Hoàng, Đức Ông Vinh và Đức Ông Long, đây là nghi lễ đặc biệt chỉ dành cho người quá cố đó là một Vị Giám Mục.

Bài đọc 1 Rm 14, 7-12. Và bài Phúc Âm Ga 12,23-28 do Đức Ông Barnabê Phương chọn. Tiếp đến bài đáp ca: Chúa chăn nuôi tôi, tôi còn mà thiếu gì. Chúa bảo vệ tôi, lẽ nào tôi còn sợ chi, còn sợ ai...Trọn cuộc sống dương gian, ân sủng Chúa tuôn tràn. Người là Chúa nhân từ hằng thương người công chính. Tôi sung sướng thảnh thơi êm ái bên nhà người. (Duy Thiên), xướng bởi Thu Thảo họ đạo Ba Giồng, Mặc Bắc.

Bài Phúc Âm Ga 12, 23-28. Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: « Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh kẻ đó. Bây giờ linh hồn Ta đang xao xuyến, và biết nói gì ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi đời nầy. Nhưng chính vì thế mà con đã đến trong giờ nầy. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha ». Lúc đó có tiếng từ trời phán : « Ta đã làm vinh danh Ta, và Ta còn làm vinh danh Ta nữa ».

Đặc biệt Đức Cha Sankalé ưa đãi cho Giáo Phận Vĩnh Long một cách riêng, dành cho người của Giáo phận Vĩnh Long dẫn lễ hoàn toàn từ đầu lễ cho đến kết lễ, vì quá xa xôi và gấp rút, cho nên Đức Cha Tôma không thể sang Pháp dự lễ an táng để tiễn đưa Đức Cha Antôn kịp. Ngài được cho phép và đề cử Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương giảng lễ, với tư cách thay mặt Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân và Giáo phận Vĩnh Long chia sẻ sự đau buồn mất mát của thân nhân... trong sự âm thầm lặng lẽ, cho những hy sinh và cầu nguyện. Đức Ông cũng nhấn mạnh đến thứ hoa trái thánh thiêng mà Đức Cố Giám Mục Antôn đã miệt mài gieo hái, vun trồng suốt những năm tháng phục vụ Giáo Hội. Hoa trái đó không chỉ được định hình ở những công trình xây dựng, đào tạo, việc làm đạo đức trong bảy năm Giám Mục mà quan trọng hơn, nó còn được biểu hiện suốt cuộc hành trình kiếm tìm, lựa chọn và cống hiến trọn vẹn cho lẽ sống của cuộc đời.

Cuối thánh lễ, Đức Ông Antôn Huỳnh Văn Long đã rưng rưng vì cảm động và thật nghẹn ngào cám ơn Đức Cha Sankalé Giáo Phận Nice, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Bộ Truyền Giáo, Quý Đức Ông Tổng Đại Diện Giáo phận Nice, Cha Lý Bảo Định, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Sơ, các đại diện đoàn thể, giáo dân và Quý Thân nhân... đến từ xa gần tham dự thánh lễ an táng cầu nguyện cho linh hồn Đức Cha Antôn.

Trước phần nghi thức tiễn biệt, Ca đoàn Mân Côi hát lên bài « Hy lễ cuối cùng và Một đời Người Tôi tớ ». Vâng, nầy một đời của người tôi tớ, một đời trung tín theo Chúa đến hơi thở cuối cùng. Đây một đời trọn vẹn về Chúa, một đời dâng lên, dâng lên hy lễ tình yêu. Giờ đây xin đón đưa con, tôi tớ Ngài sống trong ân tình, vì nay con đã thấy Ngài Đấng con hằng mến yêu... (Lm. Ân Đức). Xin vĩnh biệt Đức Cha Antôn trong tâm tình dâng hiến Ngài vào bàn tay Thiên Chúa. Đức Cha Sankalé làm phép xác và đoàn đồng tế lần lượt lặng lẽ cúi đầu rảy nước thánh trên linh cữu Đức cố Antôn.... Đội an táng vừa đưa Đức Cha ra khỏi nhà thờ Chính Tòa, thì bất chợt có một đám mây đen bao phủ và vây kín, một đám mưa lớn như thể tuôn trào hồng ân xuống cho mọi người.  Sau nghi thức phó dâng và tiễn biệt là lễ di quan ra khu vực huyệt mộ trên ngọn đồi có tên gọi là Lâu Đài nằm cạnh bên trung tâm thành phố Nice, nơi chỉ dành riêng cho các Kinh Sĩ danh dự thuộc Giáo phận Chính Tòa Nice.

Đức Giám Mục Sankalé và bên cạnh đó cũng có Đức Ông Phương lưu luyến tiễn biệt người mục tử đáng kính đi dưới cơn mưa tầm tã cho đến tận ngoài Đất Thánh, về nơi an nghỉ cuối cùng... Ngài tâm tình chia sẻ những lời cuối trước khi đưa vào bên trong phần mộ và lấp tảng đá lại. Ngài thành thật cám ơn và nhắc lại với Đức Ông Phương: Lúc nãy trong nhà thờ Đức Ông nói những lời hay ý đẹp cho Giáo Phận Nice. Đây cũng là dịp để chúng ta được gặp gỡ, trao đổi, mong được tạo nên mối liên hệ mật thiết giữa hai giáo phận Vĩnh Long và giáo phận Nice, Giáo Hội Pháp và Giáo Hội Việt Nam. Trong địa phận Nice hiện giờ có hai vị linh mục người Việt làm việc rất năng động đó là Cha Tuyên úy Phaolô Lý Bảo Định và Cha Phaolô Maria Phạm Hoàng Trí Dũng. Nếu Đức Cha Antôn làm nhiều phép lạ, rồi sẽ có một ngày nào đó, địa phận Vĩnh Long sẽ đến đây xin xác Ngài về quê hương của Ngài. Tin chắc rằng hiện giờ linh hồn của Đức Cha Antôn đang an nghỉ trên Thiên Đàng. Vì thế, chúng ta không cầu nguyện CHO Đức Cha Antôn, mà hãy cầu nguyện VỚI Ngài. « Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt ».

Cuối cùng, mọi người đều lặng lẽ ra về và thì thầm nhủ với nhau rằng, chúng ta sinh ra không phải là Thánh, nhưng chúng ta gắng sống thế nào để trở nên Thánh là đáng được hưởng phước vinh quang. Những ai biết Đức Cha từ lâu, và đặc biệt nhất là hôm nay ai ai cũng đều có cùng một cảm nhận rằng Đức Cha Antôn là một vị Thánh. Hôm nay, Ngài có cả một ngôi nhà cao lớn, thênh thang trên Vương Quốc, vì đã chấp nhận vác lấy thập giá hằng ngày một cách không ngần ngại, trong mọi khó khăn, hy sinh và sống đời sống đức tin trong niềm vui sướng bên Nhà Chúa. Những ai mạnh dạn bước đi bên Chúa rồi sẽ về với Chúa.

Ngài sống đúng với khẩu hiệu « Thực hành và Chân Lý » (1Ga 3,18-19) sự kiên nhẫn và bền bĩ của cây dừa, lâu năm mới sinh nhiều hoa trái và hai cụm mây như đôi mắt long lanh của Ngài luôn chiếu sáng trong tâm hồn và luôn hướng về nhà Chúa suốt 51 năm Giám Mục, 80 năm Linh Mục, phúc thọ106 năm và hai tháng tuổi đời. Hôm nay Đức Cố Giám Mục Antôn có thể được nói như Chúa Giêsu: « Mọi sự đã hoàn tất. » Chính hạt lúa mì gieo xuống đất chấp nhận một sự mất mát, một sự chết đi, nhưng từ đó một mầm sống nảy sinh. Xin Đức Cha Antôn ban phép lành, đổ tràn đầy ơn thiêng xuống trên mọi người chúng con. Từ nay, đoàn chúng con, Giáo Phận Vĩnh Long, Giáo Hội Mẹ Việt Nam tất cả đều trông cậy, phó thác, và sẽ siêng năng cầu nguyện VỚI Đức Cha Antôn quan phòng chuyển lời cùng Chúa qua Mẹ Maria.

LÊ Thành Khánh, Nice, Pháp, lethanhkhanh@hotmail.com «Viết cho Giáo Phận Vĩnh Long».

2430    03-07-2012 15:54:01