Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Đường Lối Sư Phạm Của Chúa Con Qua Tin Mừng Cứu Độ - Tháng 02 năm 2008

CHỦ ĐỀ:  ĐƯỜNG LỐI SƯ PHẠM CỦA CHÚA CON QUA TIN MỪNG CỨU ĐỘ

I. THƯ MỤC VỤ số 5

Đường lối sư phạm của Chúa Cha cốt là để chuẩn bị cho Chúa Con đến “ dạy dỗ loài người mong chờ và đón nhận ơn cứu độ ” . Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định mình “ là đường, là sự thật và là sự sống ” (Ga 6, 14). Muốn nắm bí quyết sự sống đích thật, con người phải đến thụ huấn tại trường học của Chúa Giêsu. Nhưng học nơi trường Chúa Giêsu không chỉ là học làm người theo nghĩa nhân bản mà còn là học “ nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện ” (Mt 5,48).

II. DẪN GIẢI

Sư phạm của Chúa Cha là chuẩn bị, lập giáo án. Sư phạm của Chúa Con là thực hiện giáo án.

Ngôi Lời: nói lên, dùng lời dạy dỗ cho loài người đang mong đợi, đón nhận ơn cứu chuộc.

Muốn sống đạo đích thực, đạt hiệu quả … phải học nơi trường Chúa Kitô.

Học nơi Chúa Kitô, mới nên người thiện hảo, thiện hảo như Chúa Cha trên trời.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

CHỌN LỐI SỐNG

Vào một buổi chiều mùa đông giá lạnh, từ trong căn nhà, người Vợ trông thấy như có thấp thoáng bóng ai đó đang đứng ở trước cửa nhà. Người Vợ mở cửa bước ra ngoài, và nhìn thấy có 3 cụ già tóc bạc phơ đang ngồi ngay cửa của nhà mình. Nhìn thấy họ có vẽ xa lạ, chắc là những người từ phương xa qua đường dừng chân lại đây trong khi chưa tìm được chỗ trọ. Thấy tội nghiệp, người Vợ liền lịch sự lên tiếng mời:

- “Chào quý cụ, tuy tôi chẳng biết quý cụ từ đâu đến, nhưng cắc quý cụ cũng đã rất mệt vì cuộc hành trình, và chắc cũng đã đói lắm rồi, kính mời quý cụ vào trong nhà tôi nghỉ ngơi và ăn chút gì lót dạ cho nó đỡ đói”.

Ba cụ già đồng thanh lên tiếng hỏi:
- “Xin hỏi, Ông chủ nhà có ở nhà không?”

Người vợ nhanh nhẹn trả lời:
- “Dạ thưa quý cụ, chồng tôi đi vắng ạ.”

Ba cụ già bèn nói:
- “Thế thì chúng tôi không vào nhà được”.

Đến tối, khi người Chồng về tới nhà, người Vợ bèn đem câu chuyện 3 cụ già trước cửa nhà kể lại cho Chồng nghe. Nghe xong, người Chồng bèn bảo Vợ:
- “Thật tội nghiệp cho họ. Vậy thì bây giờ em ra bảo họ, anh đã về tới nhà đây rồi, và mời họ vào nhà nghỉ ngơi.”

Người Vợ đi ra ngoài cửa và mời 3 cụ già vào nhà.
Ba cụ già đồng thanh trả lời:
- “Chúng tôi không thể đồng loạt cùng vào nhà”.

Người Vợ bèn hỏi:
- “Tại sao vậy?”

Một cụ già trong nhóm bèn lên tiếng giải thích, vừa giơ tay chỉ từng cụ già và giới thiệu:
- “Cụ này là người giàu có, tên là Đặng Tài Phú, cụ kia là một người thành công lẫy lừng tên l Đặng Thành Công, còn tôi là người chuyên về việc bác ái có tên là Đặng Nhân Ái”, nói đoạn, cụ già ngước nhìn bà chủ nhà và nói tiếp: “Bây giờ bà hãy vào thương lượng với chồng bà, trong 3 người chúng tôi, gia đình bà muốn mời người nào vào trong nhà?”

Người Vợ bèn vào nhà và kể lại cho Chồng nghe tất cả mọi chi tiết. Nghe xong, người Chồng vui mừng khôn tả và bảo Vợ:
- “Thì ra là như vậy, thế thì chúng ta hãy mời cụ Giàu Có (Tài Phú) vào nhà!”

Nghe chồng nói, người Vợ không đồng ý nên nói:
- “Này Anh, hay là chúng ta mời cụ Thành Công vào nhà được không anh?”

Cô Con Dâu trong nhà nãy giờ nghe được câu chuyện hai vợ chồng đang thảo luận, bèn lên tiếng góp ý kiến:
- “Thưa Ba Mẹ, chúng ta nên mời cụ Nhân Ái vào nhà có hay hơn không?”

Nghe thế, người Chồng bèn bảo Vợ:
- “Vậy thì em hãy ra mời cụ Nhân Ái vào nhà nghỉ ngơi”.

Người Vợ nghe lời Chồng, đi ra cửa nói với 3 cụ già:
- “Thưa quý cụ, trong quý cụ ai là cụ Nhân Ái, gia đình chúng tôi rất hân hoan mời cụ vào nhà ạ?”

Nghe bà chủ nhà nói xong, cụ Nhân Ái bèn đứng lên và chuẩn bị đi vào nhà. Hai cụ già kia cũng đứng lên theo và cùng tiếp bước vào nhà. Người Vợ thấy thế thì ngạc nhiên nên lên tiếng hỏi cụ Thành Công và Cụ Tài Phú:
- “Nghe lời quý cụ bảo, gia đình chúng tôi đã lựa chọn kỹ và quyết định là mời cụ Nhân Ái vào nhà, tại sao bây giờ cả 3 cụ đều đồng ý vào nhà rồi vậy?”
Cụ già lớn tuổi nhất trong nhóm lên tiếng giải thích:
“Nếu qúy gia chủ mời cụ Thành Công hoặc cụ Tài Phú vào nhà, thì 2 cụ còn lại sẽ không và, nhưng nếu quý gia chủ mời cụ Nhân Ái vào nhà, thì bất kể cụ Nhân Ái bước đi đâu chúng tôi đều cất bước đi theo. Ở đâu có Nhân Ái thì ở đó có Tài Phú và Thành Công.” (Sưu tầm)

Có thể nói có tình yêu thì có tất cả. Chúa Giêsu đến trần gian nầy để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người và dạy con người biết sống yêu thương. Không chỉ dạy bằng lời, Chúa Con còn dùng chính cuộc đời mình, hiến thân trên thập giá để biểu lộ tình yêu tuyệt đỉnh đối với nhân loại: “ người chết vì yêu ” . Một tình yêu vô vị lợi! Để yêu như Chúa yêu, chúng ta phải hiệp thông với Chúa, yêu trong Chúa, như Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau. Tình yêu ấy mới thực trọn hảo.

IV. DIỄN GIẢI

Khi nói “ Thầy là Đường, là sự Thật và là sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy ” (Ga 14,6) Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta chỉ có Chúa là con đường duy nhất, sự thật duy nhất, sự sống duy nhất, mà chúng ta cần tìm hiểu để đạt cuộc sống tròn đầy là kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa, thông dự vào bản tính Thiên Chúa. Chỉ cần có Chúa Giêsu là đủ cho chúng ta rồi. Bởi vì Thiên Chúa chẳng ban cho chúng ta điều gì khác ngoài Con của Người là Đức Giêsu Kitô.

Thật vậy, khi nói: ” Thầy là Đường ” : Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta Ngài chính là phương thế duy nhất giúp chúng ta đến được với Chúa Cha. Vậy nếu chúng ta có Chúa Kitô, chúng ta sẽ có Chúa Cha.

” Thầy là Sự Thật ” : Chúa Giêsu không nói Ngài có sự thật nhưng Ngài là chính Sự Thật. Ai sống trong Chúa Kitô thì sống trong sự thật. Sự Thật ở đây là một con người: Đức Giêsu Kitô.

” Thầy là Sự Sống ” : Chúa Giêsu chính là Sự Sống vĩnh cửu. Có Chúa Kitô là chúng ta có được sự sống đời đời.

” Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy ” : Những điều Chúa Giêsu dạy bảo trong suốt cuộc đời công khai của Ngài, nhất là sau khi Chúa sống lại, là nhằm mục đích đưa chúng ta vào mối hiệp thông với Thiên Chúa, trở nên con cái Thiên Chúa, thông dự vào bản tính Thiên Chúa, như mục đích ban đầu khi Chúa dựng nên con người “ theo và giống hình ảnh Ngài ” (x. St 1,26).

Dưới ánh sáng Phục Sinh (x.Tin Mừng Chúa Nhật Thứ V Phục Sinh năm B), chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu đã thể hiện toàn bộ đường lối sư phạm của Người cho các Tông đồ, những ngư phủ tầm thường, ít học, khi dẫn dắt họ vào mối tương quan gắn bó với ngài, và Cha Ngài, nhất là qua dụ ngôn về Cây Nho và cành Nho, một hình ảnh quen thuộc đối với những người đương thời.

Thật vậy, Chúa Giêsu diễn tả mối liên kết của Người với các môn đệ như cành nho gắn liền với thân nho: một sự gắn bó không thể chia lìa. Bởi vì như cành nho được nuôi dưỡng bằng nhựa sống từ thân nho - cành lìa thân thì chết – thì các môn đệ cũng sống nhờ Chúa Giêsu là nguồn sống như vậy. Không gắn liền với Chúa Kitô, thì cũng chẳng có sự sống thần linh nơi mình. Mối dây liên kết nầy được thực hiện qua việc đón nhận Phép Rửa tội, được nuôi dưỡng trong Phép Thánh Thể, được gìn giữ với Phép Giải Tội, được hổ trợ bằng lời cầu nguyện và được thể hiện qua những việc bác ái yêu thương. Sự kết hợp nầy sẽ đạt đến mức viên mãn trong ngày sống lại, lúc đó mọi môn đệ của Chúa Giêsu sẽ nên một với Người, như Người là một với Chúa Cha.

Bằng một đường lối sư phạm khôn ngoan, Thiên Chúa đưa dân Ngài vào các mối giao ước với Ngài từ những giao ước có tính cách bề ngoài như giữ Điều Răn Chúa, thì được Chúa giữ gìn, đến mối giao ước thâm sâu hơn như giữa Phu quân và hiền thê, và nay, với dụ ngôn về Cây Nho và cành nho, Chúa Giêsu đưa chúng ta đến sự kết hợp với chính Ngài và với Chúa Ba Ngôi. Một sự hiệp thông sống chết (không thể tách rời) và siêu nhiên! Vì vậy, ai tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa thì người đó mất sự sống đời đời.

Cũng giống như cành nho được nuôi dường bởi nhựa sống của thân nho và phát triển nhờ sự chăm sóc của người làm vườn, nhờ đó kết tinh hoa trái, thì cũng vậy, nhờ nhựa sống từ Chúa Kitô, dưới bàn tay vun trồng của Chúa Cha và ơn mưa móc từ Chúa Thánh Thần, tất cả những ai sống hiệp thông với Chúa Ba Ngôi đều được sống và sống dồi dào, vĩnh cửu và kết tinh hoa trái yêu thương.

Xin cho chúng con là những môn đệ của Chúa, biết gắn bó đời mình với Chúa, để phát sinh nhiều hoa trái thánh thiện, hầuThiên Chúa được tôn vinh như lời Chúa dạy: “ Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy ” (Gioan 15,8). Amen

KIỂM ĐIỂM

Có nhìn nhận Chúa Kitô là Thầy Tuyệt Đối không? Khổng Tử, Nho gia nhìn nhận là “ vạn thế sư biểu ” (thầy gương mẫu đời đời), nhưng có nhiều điều ông không biết và còn phải học.

Có nhận Chúa Kitô là Chân lý của Chúa Cha không? Chân lý đầy đủ, không sai lạc và hoàn hảo !
Có ham mê học bài học của Chúa Kitô không?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Đọc bốn sách Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu giảng dạy khắp nơi, trong nhiều hoàn cảnh môi trường khác nhau, giảng dạy cho nhiều thành phần dân chúng khác nhau. Quả thật Chúa Giêsu là một vị thầy gương mẫu. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. “ Nơi hội đường Capharnaum, họ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì lời của Người có uy quyền ” . Chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh, khám phá đường lối sư phạm của Chúa Giêsu, và áp dụng vào huấn giáo của mình.

2. Chúa phán: “ Hãy để các trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng ” . Chúng ta cầu nguyện cho bậc làm cha mẹ, thầy cô giáo lý viên, áp dụng cách dạy bằng tình yêu thương của Chúa, mà dẫn đưa con trẻ đến với Chúa.

3. Chúa phán: “ Hãy đến và học cùng Ta, tâm hồn các con sẽ được bình an ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi người biết tìm đến với Chúa Giêsu, học nơi Chúa để tin mến Chúa, để mình được bình an, và để giúp nhau nên trọn lành.

4. Với người tội lỗi, Chúa phán: “ Ta tha tội cho con, từ nay, con đừng phạm tội nữa ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, quyết tâm dứt bỏ tội lỗi, nhưng lại rộng lượng khoan dung với người hối tội.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Con Chúa làm gương mẫu về sự giáo dục đức tin và cách sống làm người. Xin cho chúng con nghe theo lời Con Chúa dạy bảo, và noi theo đường lối sư phạm của Con Chúa mà giúp nhau hưởng hạnh phúc Nước Trời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

"Thiên Chúa là tình yêu" là câu định nghĩa mà Thánh Gioan Tông đồ thường dùng trong các tác phẩm của ngài. Ngài cảm nhận tình yêu mà Thiên Chúa dành cho riêng ngài cũng như là cho cả nhân loại qua con người Chúa Giêsu. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã mạc khải trọn vẹn khuôn mặt khả ái của Thiên Chúa và cũng nơi Chúa Giêsu Thiên Chúa đã được đón nhận như một Thiên Chúa đầy tình yêu. Như thế, Chúa Giêsu đã yêu nhân loại thế nào? Ngài đã làm gì cho nhân loại để biểu lộ tình yêu Thiên Chúa?

Tình yêu của Chúa Giêsu là một tình yêu tuyệt hảo, Ngài thực hiện tất cả vì tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha cũng như tình yêu của Ngài dành cho nhân loại. Chúa Giêsu đã nhập thể nơi trần gian này vì vâng lời Chúa Cha và mời gọi con người trở lại với tình yêu Thiên Chúa. Phương thức thực hiện sứ mạng này của Ngài là mở ra cho con người thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa để con người cảm nhận mà quay về.

Hãy nhìn về Đức Giêsu để thấy được tình yêu Thiên Chúa:

- Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa thế mà Ngài đã không từ chối trở nên một con người bé nhỏ, một vì Thiên Chúa cao cả vô biên vậy mà lại đến trong sự yếu đuối hữu hạn của con người, một vì Thiên Chúa quyền năng sáng tạo muôn loài lại trở nên một Hài nhi bé nhỏ cần được chở che . Tại sao Ngài lại thực hiện như vậy? Chỉ vì một điều duy nhất: Vì Yêu.

- Trong quãng đời rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài đã thể hiện khuôn mặt một Vì Thiên Chúa yêu thương một cách càng rõ ràng hơn. Ngài đến với mọi người thuộc mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội: người tội lỗi, người đau yếu, người bị bỏ rơi, người bệnh tật...Ngài đến với họ, cảm thông những đau khổ của họ, Ngài chữa lành cho họ … Ngài rơi lệ khi thấy con người phải chịu đau khổ vì xa cách Thiên Chúa. Đôi khi đọc Kinh Thánh, ta nghĩ Chúa Giêsu như “ dị ứng ” với người Pharisêu nếu không muốn nói là không thích. Nhưng nếu đọc thật kỹ và để tâm suy gẫm ta thấy Chúa Giêsu thương hết tất cả mọi người, kể cả người Pharisêu. Chúa Giêsu đến với họ, dùng bữa tại nhà họ, dạy dỗ họ tiến lên trong con đường công chính... Như thế, Chúa Giêsu đã đồng hành cùng con người trong cuộc sống dương thế, đã chia sẻ những nỗi vất vả khổ nhọc với con người. Vì đâu mà Chúa Giêsu có thể thể hiện được như vậy? Vì Yêu.

- Thiên Chúa là tình yêu còn được biểu lộ cách tuyệt hảo nơi đỉnh cao thập giá. Trọn cả cuộc đời, Chúa Giêsu đã dành để biểu lộ khuôn mặt tình yêu của Thiên Chúa, nhưng con người đã không đón nhận thì Ngài cũng không tiếc ngay cả mạng sống mình để minh chứng cho tình yêu đó. Qua sự chết của Chúa Giêsu nơi Thập giá ta thấy rõ tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Ngài muốn mở hết cõi lòng, Ngài cho đi tất cả, Ngài không giữ lại cho riêng mình điều gì, Ngài mạc khải trọn vẹn cho con người. Do đâu mà Chúa Giêsu dám hy sinh mạng sống. Vì Yêu.

Thiên Chúa là tình yêu thì quả là chính đáng. Ngài là tình yêu, là tình yêu thật, tình yêu vĩnh cửu, Ngài là đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 6, 14). Muốn biết Thiên Chúa như thế nào thì nhìn vào Chúa Giêsu thì sẽ rõ, muốn nắm được bí quyết sự sống đích thực, con người phải thụ huấn tại trường học của Chúa Giêsu. Nhưng học nơi trường Chúa Giêsu không chỉ là học làm người theo nghĩa nhân bản làm con là học “ nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện ”. (Mt 5, 48) (Thư mục vụ số 5)

Bởi tội nguyên tổ làm cho con người xa cách Thiên Chúa do con người có cái nhìn tiêu cực, ích kỷ, thiên kiến về Thiên Chúa, không nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho. Thì nay, Thiên Chúa thể hiện khuôn mặt khả ái của Ngài qua đường lối sư phạm tuyệt vời, và qua trọn cả đời sống của Chúa Giêsu. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã hạ mình để nâng con người lên, qua Chúa Giêsu Chúa bày tỏ tấm lòng bao dung tha thứ và qua Chúa Giêsu Thiên Chúa đã tha thứ tất cả cho con người .

Giờ đây, Thiên Chúa trao quyền quyết định được cứu rỗi hay không được cứu rỗi cho cá nhân mỗi người. Nhìn nhận Thiên Chúa là tình yêu và trở lại trong tình yêu ấy thì được cứu rỗi, còn biết Thiên Chúa là tình yêu mà vẫn khăng khăng chối từ thì không được cứu rỗi bởi Chúa không thể làm gì được với tự do của mỗi người. Chúa tôn trọng sự tự do của con người.

Tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã mạc khải cho chúng ta hình ảnh Thiên Chúa nhân hậu từ bi qua Người Con Chí Ái là Chúa Giêsu. Qua đường lối của Chúa Giêsu chúng con thấy rõ rằng Chúa yêu chúng con dường nào. Xin Chúa thêm sức cho chúng con hằng ngày biết cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa và quyết tâm trở về trong tình yêu ấy.

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 26: SÁCH SAMUEN

Samuen sinh vào khoảng năm 1060 trước Chúa Giáng sinh. Ngay từ nhỏ Samuen phụng sự Chúa trong Đền thờ ở Silô với thầy cả Hêli. Vào một đêm kia lúc đang ngủ ông đã được Chúa kêu gọi để làm ngôn sứ cho Chúa (người nói thay cho Chúa). Ông đã thưa cùng Chúa: “ Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe ” (1 Sam 3, 9).

Sách nầy chia làm 2 quyển, kể về Samuen, vua Saulê và vua Đavit. Chia ra như sau:

a. Quyển thứ nhất, 31 chương, nội dung:
+ Tuổi niên thiếu và ơn gọi của Samuen. (1Sam 1-3)
+ Chiến tranh giữa dân Do thái và quân Philitinh, mất Hòm Bia và lấy lại (1Sam 4-6).
+ Samuen làm thẩm phán (1 Sam 7).
+ Samuen phong vương cho Saulê vị vua đầu tiên của dân Do thái. (1Sam 8 -10).
+ Saulê lãnh đạo dân đánh quân Philitinh (1 Sam 11-15).
+ Đavit và cái chết của Saulê (1Sam 16-31).

b. Quyển thứ hai gồm 24 chương kể về tiểu sử oai hùng của Đavit cho đến khi ông băng hà.
Lời Chúa: “ Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe ” . (1 Sam 3,10).

Cầu nguyện: “ Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe, Lời Ngài dạy con trong đêm tối…” ( Trích bài hát : Lắng nghe Lời Chúa của Nguyễn Duy)

VIII. MỪNG XUÂN MẬU TÝ 2008

NGUYÊN ĐÁN
TẾT - BA NGÀY XUÂN

Tết có thể kể là điểm chuyển tiếp, hay giai đoạn liên kết giữa năm cũ và năm mới. Mặc dầu thời gian qua rất mau người ta vẫn nói: Qua mau như “ Bạch câu quá khích ” (Ngựa bay ngang cửa sổ). Nhưng con người vẫn muốn cầm thời gian đứng lại, để có ít ra là một khoảng nhỏ, để nhìn trước, xem sau.

Á Đông có thói đưa ÔngTáo, để Ông báo cáo những hành vi tốt, xấu của gia đình. Chúng ta không nhìn nhận đó là chân lý phải tin, giữ, nhưng qua đó, thấy được lòng tin tưởng có Ông Trời: Ông Trời tạo dựng, Ông Trời Thống trị. Trời vẫn biết, nhưng báo cáo là để nhận tỏ mình nhận có Ông Trời và tuân phục lệnh Trời. Chứng tỏ lòng thành như thế, mong Trời rộng lượng quên đi cho mọi khuyết điểm, và ban ân phúc cho gia đình.

Về lề thói rước ông bà, chúng ta có thể hiểu: dân tộc mình vẫn tin tưởng có kiếp sau, sống hết kiếp này còn có kiếp sau. Vì thế, ít là ngày xuân, tổ tiên ông bà có thể về chung vui với con cháu trong ba ngày Tết, họp nhau, vui với nhau, làm cho dây liên kết gia tộc mãi trường cửu. Việc rước ông bà còn có điểm cao quý hơn đó là lưu truyền những đặc tánh hiếu thuận lại cho con cháu: “ tích đức lưu tại tử tôn ” . Cha mẹ không còn tại thế, con cái phải nhớ đến đức hạnh và sống đức hạnh như cha mẹ sống, đó là hiếu thuận.

Lại còn một đặc điểm của ngày xuân là sống tốt, sống thiện hảo, nghĩa là trong ngày xuân phải sống vui tươi với mọi người, ăn nói hòa nhã, tếp xúc vui tươi... Phước lộc trời ban, nhưng con người cũng phải góp phần của mình.

Đầu năm sống tốt, sống phúc … mong cho cả năm được Trời ban như thế. Đúng là mong cho Tứ thời Trường Xuân! Đó là những nếp sống tươi đẹp của Á Đông, đúng hơn là của Nho Giáo. Còn Ngày Xuân của bạn như thế nào?

Người Công giáo mừng Xuân thế nào? Có thể quả quyết chúng ta biết Chúa rõ hơn và biết luật luân lý vững chắc hơn, nhưng trong thực tế, chúng ta là gì để gọi là mừng Xuân.

Chiều 30 Tết, trong các nhà thờ đều có hát Kinh Te Deum là kinh để cảm tạ Chúa; hoặc một nghi lễ, một bài kinh nào khác để tạ ơn.

Chúng ta cũng nên nhớ việc tạ ơn là một việc đáng lý chúng ta phải thể hiện thường xuyên; vì không có giây phút nào mà chúng ta không nhờ ơn Chúa. Các thánh lễ đều là lễ tạ ơn. Sau buổi đọc kinh thường, để kết thúc chúng ta cũng đọc kinh cám ơn .

Chiều 30 Tết, việc cám ơn có vẻ trọng thể và đặc biệt hơn. Sáng Mồng Một dâng lễ Cầu An nghĩa là xin Chúa ban bình an, Phúc Lạc cho năm mới.

Phật Giáo gọi đời là bể khổ. Đạo chúng ta cũng gọi đời là sủng khóc lóc. Nhưng đối với ai có đức tin sâu xa thì quả quyết: Tất cả đều là ơn Chúa. Khổ nhọc, đau phiền, nhưng đối với những ai biết dùng, thì những khổ nhọc đau phiền đó là phương tiện để đạt chân hạnh phúc. Cho nên quả quyết tất cả đều là ơn Chúa.

Xuân Trời Ban cũng là Xuân cho những ai biết thích dụng!

CÓ ÔNG TRỜI KHÔNG?

Có những lý do để biết có Ong Trời không? Có thể quả quyết, trong khắp nhân loại, gần như các dân tộc trên địa cầu đều tin tưởng có Ông Trời. Trong tiềm thức, ít nhiều, cũng có nghĩ tưởng đến giới cao siêu hơn con người ... đúng hơn là đến Đấng Toàn Trí, Toàn năng, Đấng Tạo Dựng, Đấng Thống Trị.

Làm sao nhận biết có Ông Trời? Tiềm thức bao quát trong nhân loại giúp chúng ta ít nhiều nhận biết có Ông Trời, có Thiên Chúa. Cũng có thể do cảm tình: ông bà cha mẹ tôi, làng xã tôi, đất nước tôi nhận có Ông Trời, ngay thầy cô, các linh mục đều dạy như thế … Tôi thì cũng nhận như mọi người thế thôi!

Nhận như thế là theo tình cảm: tôi thấy hay hay, thấy hạp với sở thích, mình nên đón nhận, thế thôi. Không cần đối thoại bàn cãi chi nữa.Nhận có Ông Trời, theo đạo, giữ đạo cách đó là tin, là theo tình cảm, chưa có nền tảng.

Con người là “ linh ư vạn vật ” (vật có lý trí hơn vạn vật) cho nên việc nhìn nhận có Ông Trời phải là việc của lý trí.

Lý trí đòi phải có lý do, nghĩa là điều hợp lý mới nhận được. Tin nhận theo tình cảm thì con người chưa trưởng thành. Và bởi không có nền, cho nên khi gặp thử thách, gặp nghịch ý, thì dễ quên Ông Trời, chống Ông Trời.

Sau đây là một vài lý do để nhận biết có Ông Trời:
Cái không không thì không thể sinh ra cái có. Cái không thì chỉ là không mãi thế thôi!

Cần phải có cái Hữu Tuyệt đối, Thường Hữu, mới có thể tạo nên cái không thường hữu.

Cái xấu không thể sinh ra cái tốt, cái thiện hảo, ngoài và khác với bản tính của mình. Như cây không thể sinh nên con vật! Nguyên tắc này có lẽ Phật Giáo không nhận.

Nhất là thấy trật tự trong vũ trụ. Trật tự bao la nơi các thiên hà ... Còn lạ lùng hơn nữa là trật tự nơi các vật bé tí, con bọ mắt chẳng hạn, tí xíu mà vẫn có cơ quan để thấy, để bay.

Trật tự đó không phải tự chúng ta xếp đặt! Mặc dầu gọi con người là vua vũ trụ. Phài nhận có Ông Trời đầy cao siêu xếp đặt. Nếu không nhìn nhận có Ông Trời, thì chính đời sống chúng ta cũng vô lý. Từ đâu mà có tôi? Ngày sống của tôi xem ra uy quyền, phúc lạc (có thể nói là giả hiệu!), nhưng sống như thế để làm gì? Sau thời gian ngắn, tôi lại sẽvề với hư vô! Về đâu? Không biết! Đời như thế thật vô lý!!!

Có Ông Trời! Có Ông Trời! Có Ông Trời!

Sống theo ý Trời mới được Trời ban phúc, và rước về Trời.

NGOÀI HỘI THÁNH KHÔNG ĐƯỢC RỖI ?

Có lẽ có nhiều tín hữu, mặc dầu tin đạo, giữ đạo nhưng khi nghe nói “ ngoài Hội Thánh thì không được rỗi ” , tâm trí thấy ngượng ngượng làm sao đó. Ngay giới linh mục, cũng có người ít nhiều ngại ngại...

Đúng ra Chúa đã ra đời, đã dạy Đạo, hoàn hảo hóa Đạo Chúa đã mạc khải từ ngàn xưa. Qua đó, chúng ta có thể quả quyết. Đó là con đường duy nhất phải đi, mới đến mục đích tối chung. Người tín hữu theo đường Chúa, dĩ nhiên chắc được rỗi.

Nhưng khi nghĩ đến cả nhân loại đồng thời xác tín Chúa là tình yêu, cũng như sau nguyên tội, Chúa đã dùng tình yêu siêu tuyệt để tái tạo chương trình thưở sơ khai, vậy tại sao Chúa lại để cho có nhiều người, có thể nói là quá đông, không được nghe nói đến Chúa, thì đương nhiên không biết đến Ơn Cứu Chuộc và dĩ nhiên không hưởng nhờ được ơn cứu rỗi !

Chúng ta biết rằng Ý Chúa cao siêu quá tầm hiểu biết của chúng ta; nhưng chúng ta có thể tìm, nhìn, những khía cạnh để ít nhiều nhận được Thiên Mạng. Có điều chúng ta không thể hiểu làm thế nào để dung hòa lệnh Chúa với tự do của con ngời.

Sau nguyên tội, Chúa tái tạo, không giống như chương trình sơ khai bởi vì thuở sơ khai, chính nguyên tổ lãnh trách nhiệm cho toàn thể nhân loại; còn sau nguyên tội, Chúa trao trách nhiệm cho mỗi người . Giống như Con quan thì hưởng phụ ấm; quan phạm lỗi, bị về làm dân thì con cái cũng phải chịu. Có thể hiểu đó là tình trạng nguyên tội.

Chúa tái tạo rồi thì mỗi người phải tự lãnh trách nhiệm, phải trải qua thử thách mới được lại làm con.

Nhưng vì công trình của Chúa siêu thời gian và cho mọi thời đại (từ thời nguyên tội đến thời viên mãn, nghĩa là đến thời Chúa giáng trần ... và kéo dài đến tận thế), nên ai ai cũng có thể nhờ ơn cứu chuộc để được rỗi.

Dĩ nhiên, chúng ta không thể biết được số người hưởng nhờ ơn cứu chuộc nhiều hay ít. Nếu cứ nhìn vào số người đã chịu phép rửa tội mà cho rằng một số ít được rỗi, thì chưa đủ!

Tâm trí hẹp hòi của chúng ta hiểu từ “ Hội Thánh ” chỉ là những người đã được rửa tội. Nhưng đúng ra có rất nhiều người không rửa tội mà vẫn ở trong Hội Thánh như nguyên tổ, đặc biệt Mẹ Maria, các tổ phụ, các tiên tri... và hiện thời chắc chắn có nhiều người không đực rửa tội nhưng vẫn rỗi như các thánh anh hài chẳng hạn. Rửa tội bằng máu, bằng lửa.v.v.. Sống hâm mộ và tuân giữ luật Trời, Ý Trời cũng thuộc về Hội Thánh và cũng được rỗi!

Chúa dựng nên con người, chỉ định cho mục đích và dạy đường cho đạt mục đích. Đường này phải là đường chính thật, đường chắc chắn, không có con đường nào khác. Không thần thánh nào có khả năng nêu lên, đặt ra con đường chính đáng. Trên nguyên tắc pháp lý mọi người phải tuân phục.

Ít hay nhiều người được rỗi, chúng ta không biết rõ; mà giả như ít thì cũng không có quyền nói Chúa ít thương xót.

Nói “ Ngoài Hội Thánh không được rỗi ” nghĩa là phải tin tưởng Đạo Chúa là Đạo chân thật chính đáng, phải tuân cứ để đạt mục đích: gặp Chúa, tiếp xúc và kết hợp với Chúa.

Chắc chắn ngoài Chúa, ngoài Hội Thánh không có con đường nào khác: Chỉ có Chúa biết mới đường và cũng bằng nhiều cách Chúa đưa con người tiến cùng một Đường.

IX. QUỚI CHỨC TÌM HIỂU

CHƯƠNG II : MỤC TIÊU PHẢI ĐẠT TỚI

7. Canh tân trật tự trần thế theo tinh thần Kitô giáo

Hẳn thật ý định Thiên Chúa về thế giới là loài người đồng tâm canh tân và liên tục làm cho trật tự trần thế thêm tốt đẹp.

Tất cả những gì tạo nên trật tự trần thế như giá trị của cuộc sống và của gia đình, văn hóa, kinh tế, nghệ thuật và nghề nghiệp, tổ chức cộng đồng chính trị, bang giao quốc tế, và những thực tại tương tự khác, cũng như sự biến chuyển và tiến bộ của chúng, tất cả những thực tạ đó, hoặc xét ngay trong chính bản tính của chúng, hoặc xét chúng như thành phần của toàn thể trật tự trần thế, chẳng những chúng là phương thế giúp con người đạt tới mục đích tối hậu, mà chúng còn có giá trị riêng do Thiên Chúa phú bẩm: “Vì Thiên Chúa nhìn thấy vạn vật Ngài đã tạo thành thảy đều rất tốt đẹp” (Stk 1,31). Sự thiện hảo tự nhiên ấy của vạn vật còn có thêm một giá trị đặc biệt do sự liên lạc của chúng với con người, vì chúng được tạo dưng để phục vụ con người. Sau cùng, Thiên Chúa đã vui lòng ui tụ mọi loài, tự nhiên cũng như siêu nhiên, nên một trong Chúa Giêsu Kitô “để Người được nắm quyền tối cao trên hết thảy” (Col 1,18). Nhưng sự đặt định này chẳng những không làm cho trật tự trần thế mất sự tự lập, mất cứu cánh riêng cũng như các định luật và những phương tiện riêng, hay mất tầm quan trọng đối với ích lợi của con người, mà trái lại còn làm cho sức mạnh và giá trị riêng của trật tự đó thêm hoàn hảo, đồng thời nâng cao cho hợp với thiên chức toàn vẹn của con người trên trái đất.

Qua dòng ịch sử, việc sử dụng những sự vật trần thế mắc phải những sai lạc trầm trọng, bởi vì loài người đã bị nhiễm tội nguyên tổ, thường sa vào nhiều lầm lẫn về Thiên Chúa đích thực, về bản tính con người và về những nguyên tắc của luật luân lý: do đó, phong hóa và những định chế của loài người bị hư hỏng, và chính nhân vị đôi khi cũng bị chà đạp. Ngày nay cũng vậy, nhiều người vì quá tin tưởng vào tiến bộ khoa học và kỹ thuật, nên dường như muốn tôn thờ sự vật trần thế, đến nỗi trở thành nô lệ sự vật hơn là làm hủ chúng.

Công cuộc hoạt động của toàn thể Giáo Hội là phải làm cho con người có khả năng xây dựng đúng đắn toàn thể trật tự sự vật trần thế và qui hướng chúng về Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô. Các vị chủ chăn có nhiệm vụ trình bày rõ ràng các nguyên tắc về mục đích việc tạo dựng và việc xử dụng sự vật trần thế được canh tân trong Chúa Kitô. 6*

Còn giáo dân phải đảm nhận việc canh tân trật tự trần thế như là nhiệm vụ riêng, và trong nhiệm vụ đó, nhờ được ánh sáng Phúc Âm soi chiếu tinh thần của Giáo Hội hướng dẫn, và bác ái Kitô giáo thúc đẩy, họ phải trực tiếp và cương quyết hành động. Với tư cách là công dân, họ phải đem khả năng chuyên môn cùng tinh thần trách nhiệm để cộng tác với các công dân khác. Họ phải tìm sự công chính nước Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi sự. Phải canh tân trật tự trần thế cách nào để vẫn tôn trọng toàn vẹn các định luật riêng của nó mà vẫn làm cho trật tự đó phù hợp với các nguyên tắc cao cả của đời sống Kitô giáo, cùng thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau của các địa phương, cá thời đại và các dân tộc. Trong những công cuộc của việc tông đồ này nổi bật hơn cả là hoạt động xã hội của người Kitô hữu. Thánh Công Đồng ước ao hoạt động đó lan đến mọi lãnh vực trần thế kể cả lãnh vực văn hóa 2. (Trích SLTĐ Giáo Dân, số 7)

Chú thích:

6* Để bảo đảm giá trị ơn gọi trần thế của người giáo dân, Công Đồng đã nhắc lại những nguyên tắc nền tảng của giá trị trần thế. Đã từ lâu, nhiều Kitô hữu và trường phái tu đức tỏ ra coi thường những giá trị nhân bản, và thường họ chỉ đánh giá ủa cải vật chất như những phương tiện giúp cho việc cứu rỗi cũng như cho mục đích siêu nhiên của người Kitô hữu.

Công Đồng xác định rằng những tài sản của đời sống và gia đình, nền văn hóa, kinh tế, chánh trị, hay những liên lạc quốc tế v.v... đều có những giá trị riêng của chúng do ý muốn của chính Thiên Chúa (x. MV 36).

Nhưng bậc thang giá trị đúng đắn đòi hỏi rằng những tài sản vật chất ấy, thay vì trở nên thần tượng hay những ông chủ độc tài của con người, phải tùy phục vài lý trí con người cũng nh vào những nguyên tắc của đời sống luân lý. Vì chưng, do sự liên lạc mật thiết với nhân phẩm con người mà những tài sản vật chất ấy giữ giá trị của chúng.

* Quới Chức nhận định thế nào về những sự vật trần thế? Coi thường nó, hay xem nó như phương tiện giúp đạt ơn cứu rỗi?

* Quới Chức nhờ những phương tiện nào để rao giảng Tin Mừng, để chu toàn bổn phận Quới Chức?

X. TẢN MẠN

CÒN GÌ ĐỂ LẠI ?

Người ta thường nói: “ Hổ chết để da, người chết để tiếng ” . Câu nói ấy cũng có vẻ hay hay, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì xem ra kiếp người vô nghĩa quá. Chẳng lẽ cả đời con người sống là chỉ để lo tìm cách làm cho danh mình được nổi nang, ngõ hầu sau khi chết thì người ta còn nhắc đến tên mình mãi thôi sao! Nếu chỉ có vậy thôi, thì kiếp người thật đáng thương làm sao! Nhưng tôi thiết nghĩ, điều quan trọng hơn cho con người là hãy sống làm sao để sau khi họ từ giã cuộc đời này rồi, thì có vô vàn những mầm sống khác phát xuất từ họ hay nhờ họ mà mọc lên cách mạnh mẽ và sung túc.

Giáo phận Vĩnh Long vừa từ biệt một vị cha già đáng kính. Đó là Đức cha Raphae Nguyễn Văn Diệp. Ngài là một con người hiền lành và khiêm tốn. Ngài là một người con của Giáo phận Vĩnh Long, sinh ra, lớn lên, phục vụ và qua đời trong Giáo phận Vĩnh Long. Có thể nói, ngài đã một đời dâng hiến cho Chúa, cho Giáo hội nói chung và cho Giáo phận Vĩnh Long nói riêng. Ngài đã sống trọn vẹn cho Chúa và chết cho Chúa. Bởi lẽ, cùng đích cuộc đời của người Kitô hữu là được an nghỉ trong Chúa, được sum họp với Chúa mãi mãi trên Thiên quốc, được tận mắt chiêm ngưỡng vinh quang Chúa là nguồn hạnh phúc của họ. Và Đức cha Raphae sống trọn cuộc đời người Kitô hữu cũng không ngoài mục đích đó.

Trong bài giảng lễ an táng của Đức cha Raphae, Đức Cha Tôma, Giám mục Giáo phận Vĩnh Long đã nói cuộc đời của Đức cha Raphae như thân phận của hạt lúa mì được gieo vào trong lòng đất, phải chết đi để sinh nhiều bông hạt khác. Đó mới thật là ý nghĩa của cuộc đời con người. Sống đích thực là sống với người khác, sống vì người khác và sống cho người khác. Cuộc đời của Đức Giêsu, của Đức Phật, của Khổng Tư … chính là như thế. Còn những ai sống ích kỷ, sống cho mình, sống chỉ vì mình, thì cuộc đời của họ sẽ thật là vô nghĩa, sẽ là con số không trước mặt người đời, và đặc biệt là trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta đừng tìm cách tôn vinh lẫn nhau như những Biệt Phái giả hình, không cần làm những chuyện kinh thiên động đậy để mọi người biết “ danh ta ” , để sau khi ta chết rồi, người khác sẽ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ. Tất cả sẽ là vô nghĩa! Nếu ai sống như thế thì họ quả là những người đáng thương nhất trong cuộc đời này.

Đừng bao giờ tìm cách để tôn vinh mình, cũng đừng bao giờ lo nghĩ phải làm gì để sau khi chết, người khác còn ghi nhớ ơn ta và nhắc đến tên ta mãi. Cứ lo sống cho thật tốt, sống cho có nghĩa, sống với, sống vì và sống cho người khác đi, thì không có gì để lo sợ cả. Vì khi sống được như thế, một người ngã xuống thì trăm người sẽ đứng lên; một hạt lúa mì mục nát để sinh ra trăm ngàn bông hạt khác. Lo lắng làm gì hỡi anh em! Đừng lo lắng thái quá, đừng nghĩ ngợi để sinh ra nhiều mưu lợi làm gì! Hãy sống và hành động cho thật ý nghĩa đi!

Ai đó đã nói câu nói sau đây mà thiết nghĩ chúng ta cần suy nghĩ về nó lắm: “ Những gì chúng ta tiêu xài sẽ tiêu tán hết, những gì chúng ta mua sắm sẽ thuộc về người khác, chỉ có những gì chúng ta biết cho đi thì sẽ còn tồn tại mãi ” . Phải, trước mặt Thiên Chúa: cho chính là nhận lãnh vậy. “ Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6,38)

Còn gì để lại cho đời? Câu hỏi đáng cho chúng ta suy nghĩ và hành động. Hãy chọn cho mình một cách sống ngay bây giờ, đừng chần chừ kẻo muộn màng! Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của kẻ sống. Vì thế, chúng ta hãy thiết tha duy trì sự sống, hãy làm cho sự sống phát sinh khắp mọi nơi bằng chính cuộc sống của chúng ta, để chúng ta cũng sẽ được sống muôn đời bên Chúa. Ai sống cho mình, sống chỉ vì mình thì đã tự huỷ diệt mầm sống và sự sống nơi mình rồi. Hãy sống thân phận của hạt lúa mì đã gieo trong lòng đất, hay sống thân phận của ngọn nến đang bùng cháy, để mang ánh sáng của sự sống khắp nơi dù có bị hao mòn và tan chảy.

” Khi bạn sinh ra, mọi người nhìn bạn cười mà bạn lại khóc. Bạn hãy sống làm sao để sau khi chết người ta nhìn bạn khóc mà bạn lại cười ”. Phải! Chúng ta cười vì đã chu toàn sứ mạng của một kiếp người khi sinh vào đời; cái cười của một thánh nhân của Chúa; cái cười của một con người mang sự sống đến cho người khác! Đó chính là những gì chúng ta cần để lại cho cuộc đời chóng qua này.

XI. MỘT LỐI SỐNG

TRẺ CON CẦN HỌC

- Trẻ con cần được học: hạnh phúc không đến từ những gì một người đang có, mà từ chỗ người ấy là ai.

- Trẻ con cần được học: cho đi và tha thứ thì cao quý hơn là chỉ biết nhận lấy và nuôi mãi oán thù.

- Trẻ con cần được học: nỗi thống khổ sẽ không dịu đi nếu chỉ ngồi than thân trách phận, mà phải vượt qua bằng ý chí kiên cường xuất phát từ sức mạnh nội tâm.

- Trẻ con cần được học: chúng không thể chế ngự được thế giới chung quanh, nhưng chúng hoàn toàn có thể làm chủ cuộc sống của chính mình.

- Trẻ con cần được học: cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng biết đặt tình bạn lên trên cái tôi ích kỷ, biết khiêm tốn thay cho tự mãn, biết lắng nghe thay vì chỉ ban phát lời khuyên.

- Trẻ con cần được học: không nên ghét bỏ một người chỉ vì lo sợ khi thấy họ khác mình, trái lại phải biết sợ hãi chính lòng căm ghét ấy …

- Trẻ con cần được học: niềm vui nằm trong việc có được sức mạnh chân chính để nâng người khác dậy, chứ không phải ở sức mạnh giả tạo để hạ người khác xuống.

- Trẻ con cần được học: những lời khen tặng sẽ chỉ là những lời phỉnh nịnh vô nghĩa nếu không phản ánh đúng năng lực của mình.

- Trẻ con cần được học: giá trị cuộc sống không phải được đo bằng những năm tháng lo tích góp tài sản, mà bằng những phút giây quên đi hạnh phúc cá nhân để chia sẻ niềm tin, khơi nguồn hy vọng, lau khô nước mắt và xoa dịu những nỗi đau.

- Trẻ con cần được học: vẻ đẹp của một người không chỉ được nhận biết bằng mắt mà bằng cả trái tim, và dù thời gian cùng nỗi khổ có thể tàn phá hình hài thì chúng cũng đồng thời làm tăg nhân cách và giá trị của con người.

- Trẻ con cần được học: không nên xét nét người khác, rằng mọi người đều có quyền hưởng hạnh phúc dù họ tốt hay xấu, vì suy cho cùng việc họ trở nên tốt hay xấu chính là tùy thuộc vào việc họ được người chung quanh giúp đỡ hay chỉ gây cho họ những tổn thương.

- Trẻ con cần được học: mỗi người đều được Thượng Đế ban tặng một món quà riêng biệt, và cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi mọi người biết chia sẻ món quà ấy với những người chung quanh.

- Trẻ con cần được học tất cả những điều trên và xem đó là nghệ thuật sống, chúng không còn là trẻ con nữa “ chúng trở thành niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người và xứng đáng là mẫu mực cho toàn nhân loại ” .

VÕ HOÀNG LAN (từ Internet)

XII. SỐNG LỜI CHÚA: Ga 15,5

“THẦY LÀ CÂY NHO ANH EM LÀ CÀNH”

1514    23-04-2012 10:16:42