Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Giáo Dục Gia Đình - Tháng 07 năm 2008

CHỦ ĐỀ: GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 Đường 3 tháng 2
P.1 Thị Xã Vĩnh Long - VIỆT NAM
Tel : (070) 824016
Email : tgmvinhlong@gmail.com

Vĩnh Long, ngày 24.06.2008

VAI TRÒ GIÁO DỤC CỦA GIA ĐÌNH

 Kính gởi :Các Linh mục,
Các Tu sĩ
Toàn thể Giáo dân trong Giáo phận Vĩnh Long,

Nói đến Vai trò Giáo dục của Gia đình, thiết tưởng không thể bỏ qua sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Đó là trường học đầu tiên của con người.

Một trẻ thơ chào đời, làm phát sinh những liên hệ mới : đôi bạn trở thành cha mẹ của một đứa con. Hai người sẽ tiếp tục cuộc hành trình với người con của mình. Đứa con làm gạch nối cho đôi bạn, có thể là mối lo cho họ, nhưng chính trong tình yêu thương chăm sóc cho con, hai người sẽ trưởng thành với trách nhiệm làm cha làm mẹ, và cũng làm cho tình yêu của họ mỗi ngày một thắm thiết hơn, keo sơn hơn. Đó thật là một ân ban của Thiên Chúa cho nhân loại, để sống ơn gọi làm người, ơn gọi sống cho tình yêu, sống hạnh phúc.

‘Mỗi con người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh ấy rực sáng lên trong sự hiệp thông nhân vị, giống sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa’(Giáo Lý của HTCG, 1702).

Mỗi con người đều có những liên hệ tự nhiên: liên hệ với cha với mẹ, với họ hàng hai bên nội ngoại, với dòng tộc, với xứ sở. Chính trong Gia Đình, nhờ sự chăm sóc của cha mẹ mà người con nhận biết địa vị của mình, cách ăn nết ở với ông bà, cha mẹ, anh chị em, với bà con xa gần. Đó là trường dạy các đức tính căn bản: hiếu thảo đối với cha mẹ; anh chị em nhường nhịn nhau, sao cho trên thuận dưới hoà; kính trọng người cao niên; nâng đỡ người yếu kém; quảng đại san sẻ cho người nghèo khó; hoà nhã với mọi người.

Gia Đình còn là nơi đầu tiên chúng ta học biết Chúa, học biết cầu nguyện, yêu chuộng điều hay lẽ phải, xa tránh điều xấu, ăn ngay ở thật, không bao giờ gian dối, dầu chỉ để chữa mình hay để được lợi lộc.

Ngày nay, mọi người đều nói đến môi trường sinh thái, phải bảo vệ môi sinh, đó là trách nhiệm của mỗi người. Muốn cho tuổi thơ được lành mạnh và hướng tới một tương lai tốt đẹp, có cần phải lành mạnh hoá gia đình không? Rồi phải làm thế nào để giúp đỡ các đôi bạn, các người làm cha làm mẹ biết sống ơn gọi của họ ? Mục Vụ cho Thiếu Nhi, cho Gia Đình chắc chắn là ưu tư của Hội Thánh hôm nay, một điều khẩn thiết trước nguy cơ phá đổ Gia Đình trong một xã hội cổ võ lối sống hưởng thụ, ích kỷ, coi thường Đạo Nghĩa.

Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2007 là một lời cảnh báo, đồng thời cũng là một lời mời gọi các Tín Hữu dấn thân lo cho tương lai của con em mình, tương lai của Dân Tộc Việt Nam, tương lai của Hội Thánh. Không có niềm tin, sẽ không thấy mình có bổn phận đối với tha nhân. Ngược lại đối với người có niềm tin, Phục vụ đồng loại là cách biểu hiện tình bác ái huynh đệ, là cách minh chứng mình có tình mến Chúa: Hãy cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi, tôi sẽ lấy việc làm mà cho anh thấy đức tin của tôi (Thư của Thánh Giacôbê 2,18).

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Vĩnh Long

CHỦ ĐỀ:
VAI TRÒ GIÁO DỤC CỦA GIA ĐÌNH

I. THƯ MỤC VỤ SỐ 28

Gia đình là Giáo Hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây, đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin. Gia đình còn là “chiếc nôi của sự sống và tình yêu” (GHH/GH 209) giúp các phần tử gia đình cảm nghiệm tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp hình dung trước những mối tương quan liên vị trong xã hội.

II. DẪN GIẢI

1. Gia đình là Giáo hội tại gia, là nơi đầu tiên mà con cái được dạy cho biết Chúa và thờ phượng Chúa.

2. Gia đình là trường học đầu tiên của con cái, nơi đó chúng nhận được sự tôn trọng, sự yêu thương, sự gần gũi và được ươm mầm đức tin.

3. Gia đình là nơi mọi thành phần trong gia đình được mời gọi trở nên gương sáng và giúp nhau sống đức tin.

4. Những ảnh ưởng xấu của xã hội đã làm cho gia đình bị rạn nứt, bị lung lai… Vì thế, gia đình cần được bảo vệ và vung đắp.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

TÌNH PHỤ TỬ

Năm 1989, một trận động đất được ghi nhận với 8.2 trên địa-chấn-kế đã hầu như san bằng Armenia trong vòng 4 phút đồng hồ, và đã giết hại trên 30 ngàn người.

Trong cơn dao động như thế, một người đàn ông vội vàng bỏ vợ một mình ở nhà, chạy thẳng đến trường nơi con ông học, hiện chỉ còn là một đống gạch vụn ngổn ngang. Sau một phút chết đứng, người đàn ông nhớ lại lời hứa đã từng nói với con: bất cứ điều gì có thể xảy ra, ba luôn luôn ở bên cạnh con, nước mắt bắt đầu lăn trên gò má ông. Cả ngôi trường giờ này chỉ còn là một đống gạch vụn, và con ông đã bị chôn vùi trong đó. Người đàn ông nhớ lại lời cam kết của ông đối với đứa con, ông cố gắng nhớ lại chỗ ông từng đưa con vào lớp mỗi sáng và ông bắt đầu đào xới.

Trong khi người đàn ông làm một công việc tưởng chừng như vô vọng thì nhiều bậc phụ huynh khác cũng chạy đến, họ chỉ biết nhìn vào đống gạch vụn và than khóc. Như để tỏ lộ sự bình tĩnh và sáng suốt của mình, ai cũng khuyêân người đàn ông đừng mất thì giờ vô ích vì chắc chắn không còn hy vọng sống sót nào và có thể gây thêm nguy hại nếu trận động đất chưa ngưng hẳn.

Dù vậy, người đàn ông không chút nản lòng, ông lại tiếp tục đào. Tám tiếng đồng hồ, mười hai tiếng đồng hồ, hai mươi bốn tiếng đồng hồ, rồi cuối cùng ở ba mươi sáu tiếng đồng hồ. Người đàn ông bỗng nghe được có tiếng động. Ông gọi tên đứa con, và lạ lùng thay ông nghe vọng lại tiếng "Ba ơi" thân thương từ miệng của chính đứa con. Sau khi được cứu ra khỏi đống gạch vụn, cậu con vui mừng kể lể: "con đã nói với các bạn con là nếu chúng ta còn sống thì ba tôi sẽ đến cứu. Ba đã hứa là ba luôn luôn ở bên cạnh con." Cậu bé cho biết còn một số bạn bè còn sống, khi người cha gọi đứa con ra khỏi đống gạch vụn, nó thưa: "con phải để cho các bạn ra trước, bởi vì dầu thế nào đi nữa, ba vẫn luôn luôn ở bên cạnh con".

Câu chuyện của tình phụ tử trên đây không phải là quí hiếm trong lịch sử nhân loại và trong cuộc sống thường ngày của con người, dù ở đâu, dù thuộc thời đại nào. Chúa Giêsu không ngừng đề cao tình phụ tử ấy và Ngài dùng chính tình phụ tử của con người để nói về tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với con người. Con người quả thật là hình ảnh của Thiên Chúa. Tình yêu của con người phát xuất từ chính Thiên Chúa là nguồn yêu thương, Đấng luôn ân cần săn sóc mỗi người chúng ta là con cái của Người.

Khi dạy về sự cầu nguyện, Chúa Giêsu nói: "Có cha mẹ nào khi con cái xin bánh lại cho nó hòn đá hay con rắn sao" (Lc 11,11-12). Nhưng để nói lên lòng nhân từ và tha thứ vô biên của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh của một người cha ngày ngày ra trước cổng ngóng trông người con hoang đàng trở về. Thiên Chúa cần những hình ảnh như thể để nói lên tình yêu của Ngài đối với con người. Thiên Chúa cần những biểu lộ yêu thương của con người để bày tỏ tình yêu thương của Ngài. Phải chăng đó không phải là lý do tại sao Ngài đã nâng hôn nhân tự nhiên của con người lên hàng Bí Tích, nghĩa là biến thành dấu chỉ của chính tình yêu của Ngài đối với con người. Một đôi vợ chồng yêu thương đầm ấm đó là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Nói cách khác, mỗi một nghĩa cử yêu thương của con người là một dấu chỉ của tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Trái tim của Thiên Chúa rung lên từng nhịp xuyên qua mỗi một hành động yêu thương của con người.

IV. DIỄN GIẢI

Gia đình, Hội Thánh tại gia

Sách Sáng Thế cho chúng ta thấy chính Thiên Chúa đã thiết lập gia đình và đặt nền tảng căn bản cho gia đình, khi ban cho cho người đàn ông đầu tiên một người vợ và người đàn ông nầy sẽ gắn bó với vợ mình và cả hai “thành một xương thịt” (St 2,24). Vì vậy, gia đình chính là “cộng đoàn yêu thương căn bản mà tạo hoá đã xếp đặt cho nhân loại, là tế bào đầu tiên và là nền móng để xây dựng một xã hội bền vững” (Sách GLCG Hỏi-Thưa của HĐGMVN số 393).

Tình yêu vợ chồng trong hôn nhân phản ảnh tình yêu và sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi và sự hiệp thông của Hội Thánh: “Gia đình Kitô giáo là một cộng đồng tình yêu theo hình ảnh hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thứ đến, gia đình Kitô giáo thể hiện cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh. Vì thế gia đình Kitô giáo được gọi là Hội Thánh tại gia” (Sách GLCG Hỏi-Thưa của HĐGMVN số 394).

Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau từ đời đời và cho đến muôn đời bằng cách luôn mãi hiến thân cho nhau. Tình yêu Thiên Chúa là nguồn phát sinh tình yêu thương của mỗi gia đình.

Là Hội Thánh tại gia, gia đình cũng chính là một cộng đoàn hiệp thông trong yêu thương, biết thờ phượng Thiên Chúa qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích, sống gắn bó với Lời Chúa để trở nên chứng nhân cho ơn cứu rỗi, hầu đem muôn dân về với Chúa. Công Đồng Vaticanô II đã giải thích gia đình là Hội Thánh nhỏ hay Hội thánh tại gia như sau: Nhờ sức thiêng của Bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Kitô giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Eph 5,32); họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái; cũng vì đó, họ được những ơn riêng cho đấng bậc mình trong Dân Chúa.

Từ sự kết hợp ấy phát sinh ra gia đình, nơi các công dân mới của xã hội loài người được sinh ra , và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần trong Bí tích Thánh Tẩy, họ trở nên con cái Thiên Chúa, hầu Dân Chúa tồn tại mãi trong dòng lịch sử.

Trong gia đình như một Giáo Hội tại gia , ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như phải lo chăm sóc đến ơn gọi riêng của từng đứa con, và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục” (HT,11).

Là Hội thánh tại gia, mọi thành viên gia đình cố gắng tận dụng ơn Chúa để thánh hoá bản thân và giúp nhau nên thánh.

Gia đình, chiếc nôi của tình yêu, sự sống và đức tin

Gia đình chính là nơi mà mỗi người học sống yêu thương và đón nhận tình yêu. Tình yêu nầy bắt nguồn từ sự tự nguyện gắn bó với nhau của đôi vợ chồng trong ngày hôn lễ, và được Thiên Chúa luôn chúc phúc. Tình yêu chân chính nầy đòi hỏi các đôi vợ chồng phải sống chung thuỷ một vợ, một chồng, vì đó chính là nguồn gốc của gia đình. Nhìn nhận và phát triển định chế hôn nhân bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ là bảo đảm cho phẩm giá, sự bình đẳng và tự do đích thực của con người.
Tình yêu vợ chồng còn hướng đến việc khai mầm cho nguồn sống mới là con cái. Thật vậy, qua việc hoan hỉ đón nhận đứa con chào đời, cha mẹ tiếp nối tình yêu ân cần mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta, nhờ đó mà chúng ta có mặt trên đời nầy. Cảm nghiệm Thiên Chúa và cha mẹ yêu thương chính là nền tảng vững chắc giúp chúng ta phát triển nhân cách một cách trọn vẹn, biết sống quãng đại yêu thương, biết vượt ra khỏi chính mình để hiệp thông với tha nhân và Thiên Chúa.

“Không ai tự ban cho mình sự hiện hữu, cũng không ai tự mình thủ đắc những kiến thức sơ đẳng cho cuộc sống” (ĐTC Bênêđictô XVI, Bài Giảng tại Valencia , 2006). Chính gia đình là trường học đầu tiên và quan trọng nhất in dấu lên nhân cách đang hình thành vào lứa tuổi còn non dại, khi trẻ em chưa có ý thức rõ về điều đó. Chính mối liên hệ của trẻ em với môi trường nguyên thủy nầy sẽ quyết định nhân cách của chúng sau nầy, nhất là về mặt tình cảm, trong mối liên hệ với người khác. Gia đình ở đây không chỉ là cha mẹ và con cái, mà gồm cả ông bà, tổ tiên nữa. Như vậy gia đình là một cộng đoàn gồm nhiều thế hệ và lưu giữ gia sản các truyền thống. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói:

“Khi một đứa trẻ chào đời, qua mối tương quan với cha mẹ, nó bắt đầu trở nên thành phần của một truyền thống gia đình với cội rễ lâu đời. Đứa trẻ lãnh nhận do cha mẹ không những là hồng ân sự sống, mà còn cả một gia sản những kinh nghiệm. Do đó, cha mẹ có quyền lợi và bổn phận không thể chuyển nhượng phải truyền thụ lại gia tài đó cho con cái: dạy cho con cái biết khám phá ra căn cước của mình, dẫn dắt chúng vào đời sống xã hội, vào việc sử dụng tự do luân lý một cách có trách nhiệm, và truyền thụ khả năng yêu thương nhờ kinh nghiệm đã được yêu thương, và nhất là dẫn đưa chúng đến gặp gỡ Thiên Chúa. Con cái lớn lên và trưởng thành về nhân bản trong tầm mức tin tưởng đón nhận gia tài và nền giáo dục đó. Nhờ đó, chúng có khả năng đúc kết một thứ tổng hợp cá nhân giữa điều tiếp nhận và điều mới mẻ. Sự đúc kết này là một trách vụ của mỗi người và của mỗi thế hệ” (Bài Giảng tại Valencia , 2006).

Tình yêu vợ chồng không chỉ đưa đến việc sinh ra đời một người con, mà còn có trách nhiệm truyền thụ những gia sản tinh thần và nhất là đức tin cho con cái nữa. Bởi vì đứa trẻ chào đời, không chỉ là con cái của cha mẹ, mà còn là con cái của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và kêu gọi nó làm con cái Ngài. “Chắc chắn rằng chúng ta đến bởi cha mẹ chúng ta, và là con cái của các ngài, nhưng chúng ta cũng đến bởi Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, và gọi chúng ta làm con cái của Ngài. Vì thế, nguồn gốc của con người không phải do tình cờ ngẫu nhiên, nhưng là do một kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Đó là điều mà Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và con người hoàn thiện, đã mặc khải cho chúng ta. Ngài biết mình từ đâu mà đến, và tất cả chúng ta từ đâu mà đến: từ tình yêu của Cha của Ngài và Cha của chúng ta” (ĐTC Bênêđictô XVI, Bài Giảng tại Valencia , 2006)

Nhận biết Thiên Chúa và tôn thờ, yêu mến Người là trách nhiệm và là tự do của mỗi người. Tuy nhiên, từ chính truyền thống gia đình đạo đức, biết kính sợ Chúa, con cái lớn lên trong bầu không khí đạo đức, ngày càng hướng chiều về đàng lành, ngày càng vâng phục trong đức tin vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương sinh dựng nên mình. “Gia đình Kitô giáo truyền thụ đức tin khi cha mẹ dạy dỗ con cái biết cầu nguyện và cầu nguyện chung với chúng, khi cha mẹ dẫn con cái đến gần các Bí tích, và hướng dẫn chúng vào cuộc sống của Hội thánh, khi mọi người họp nhau lại để đọc Sách thánh, nhờ đó cuộc sống gia đình được chiếu sáng bằng đức tin, trong niềm ca ngợi Thiên Chúa” (ĐTC Bênêđictô XVI, Bài Giảng tại Valencia, 2006).

Mong sao các bậc cha mẹ ý thức và cố gắng hết sức chu toàn trách nhiệm quan trọng của mình trong việc truyền đạt đức tin cho con cái.

KIỂM ĐIỂM

1. Gia đình là tổ ấm, là nơi nương tựa cho mọi thành phần trong gia đình, đặc biệt là con cái. Gia đình chúng ta có còn “ấm” không hay đã “lạnh” mất rồi?

2. Gia đình là trường dạy đức tin đầu tiên cho con cái. Các bậc làm cha mẹ có ý thức điều đó không?

3. Gia đình là trường dạy yêu thương. Các bậc cha mẹ đã sống giới luật yêu thương như thế nào đối với gia đình và xã hội?

4.“Trăm nghe không bằng một thấy”. Các bậc cha mẹ có biết làm gương cho con cái trong việc sống đức tin, sống tình yêu thương trong gia đình mình không?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Gia đình, tự bản chất, là một cộng đoàn gồm nhiều thành phần lớn nhỏ khác nhau, nên gia đình luôn đảm trách một sứ mạng giáo dục không thể thay thế. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho việc giáo dục của gia đình:

  1. Chúa phán: “Những điều Ta truyền dạy con hôm nay, con hãy ghi lòng tạc dạ, và truyền lại cho con cháu”. Chúng ta cầu nguyện cho bậc làm cha mẹ ông bà, biết quan tâm giáo dục con cháu thi hành huấn lệnh Chúa truyền dạy.
  2. “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua”. Chúng ta cầu nguyện cho bậc làm cha mẹ ông bà, biết chu toàn mọi lề luật Chúa truyền dạy, nên gương sáng tốt lành cho con cháu noi theo.
  3. Chúa phán: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng”. Chúng ta cầu nguyện cho những bậc làm con cháu trong gia đình, biết tiếp nhận nền giáo dục của gia đình Kitô-giáo, tìm đến với Chúa Giêsu và các huấn lệnh của Ngài.
  4. “Có nhiều người tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết dùng đời sống đạo, nếp sống gia đình mình, mà làm chứng cho ơn cứu độ của Chúa Kitô.

Kết thúc : Lạy Chúa, Chúa dựng nên loài người giống hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Xin cho chúng con biết tôn trọng quyền giáo dục gia đình, biết dùng những đặc tính gia đình mà loan truyền nét văn hoá Kitô-giáo. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

“GÁNH NẶNG” GIA ĐÌNH.  

Người ta thường hay nói câu: “Cha nào con nấy” để cho thấy sự ảnh hưởng của cha mẹ trên con cái, cũng như môi trường mà con cái được giáo dục sẽ trở thành nền tảng cho việc xây dựng nhân cách sau này của chúng. Vì vậy, gia đình, cộng đồng đầu tiên mà con người được hiện diện, được giáo dục… đóng vai trò quyết định trong việc phát triển toàn diện của con cái.

Thư mục vụ 2007 số 28 có viết “Gia đình là Giáo Hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây, đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin”. Chính bầu khí gia đình làm cho đời sống nhân bản cũng như tâm linh của con cái được phát triển theo hướng “cây tốt sinh trái tốt”.

Cha mẹ là những người làm chủ hướng dẫn gia đình, có trách nhiệm làm cho gia đình mình trở nên gia đình tốt, gia đình thánh thiện. Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo của Công Đồng Vatican II đã nói:“Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được”. Nhiệm vụ này của cha mẹ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng bởi nhiều nguyên nhân: kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết trong việc giáo dục, văn hoá xã hội đang có nhiều biến đổi… làm cho trách nhiệm giáo dục của họ thêm phần khó khăn. Tuy nhiên, trọng trách này là không thể thay thế vì không ai có thể hiểu biết con cái hơn cha mẹ, không ai yêu thương con cái hơn cha mẹ, mà phương cách giáo dục hiệu quả nhất là giáo dục trong yêu thương. Nên cha mẹ cần nhận biết trách nhiệm của mình mà chu toàn trách nhiệm ấy một cách hết sức có thể.

Với trách nhiệm giáo dục con cái, cha mẹ nên ý thức rằng trách nhiệm đó họ nhận được từ chính Thiên Chúa như một ân ban, họ được cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa là sinh ra những người con của Chúa, họ được trở nên những người cha, những người mẹ chia sẻ sứ mạng của Chúa nơi con người. Vì thế, họ phải chu toàn sứ mạng ấy như một bổn phận trong suốt cuộc sống của họ. Vậy phải làm sao các bậc cha mẹ có thể chu toàn những bổn phận ấy? Họ phải làm gì để giáo dục gia đình của họ?

Các bậc cha mẹ được mời gọi trở nên những nhân chứng đức tin cho gia đình, cho con cái. Phải dạy dỗ cho con cái trước tiên lòng kính sợ Chúa, vì chỉ có kính sợ Chúa con người mới có thể đón nhận những hồng ân khác của Người. Chính đức tin của cha mẹ làm cho gia đình thêm vững tin bởi đức tin của con trẻ trước tiên cần được khơi màu nơi tình cảm mà đặc biệt là nơi cha mẹ. Con cái có siêng năng tham dự thánh lễ, có hâm mộ học giáo lý, có siêng năng lần chuỗi… phần lớn là chúng được nhìn thấy sự biểu lộ đức tin nơi cha mẹ của chúng.

Các bậc cha mẹ có nhiệm vụ giáo dục đức tin cho con cái mình trước tiên qua việc dạy bảo giáo lý, đọc kinh, lần chuỗi… Con cái cần được dạy cho được biết Chúa, được yêu mến Chúa, biết nói chuyện với Chúa bằng đời sống cầu nguyện… Chính sự gần gũi trong gia đình là phương cách hữu hiệu để dạy dỗ con cái trong đức tin.

Việc giáo dục ngày nay đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Chính trong gia đình là nơi con người có đủ những yếu tố đó để được giáo dục, bởi họ được sống gần gũi và sống yêu thương. Ước gì các thành viên trong mỗi gia đình biết kính sợ Chúa , biết sống yêu thương nâng đỡ nhau để trở thành những người có ích cho xã hội và Giáo hội, ước gì các bậc cha mẹ thấy được vai trò và bổn phận của mình mà chu toàn cho xứng hợp với ý Chúa .

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 31: VUA SALÔMON
(970-931 TCN).

1/ Salômon là ai?
Salômon là con trai của Bếtsabê được chọn làm vua thể theo quyết định của vua Đavit và được tư tế Sađok xức dầu tấn phong (1V 1, 38-40). Ông lên ngôi năm -970 và trị vì được 40 năm. (1V 11, 42).

2/ Những sách nào kể về cuộc đời Salômon?
Có nhiều sách kể về ông, như: Sách Các Vua 1 và 2; Sách Ký Sự 1 và 2. Theo các sách đó thì:

a. Salômon là vị vua đầy khôn ngoan. (1V 3, 4-15).
Sau đó, Salômon lên Gabaon dâng lễ kính Thiên Chúa Giavê. Ban đêm khi ng? trên ngọn đồi, Giavê hiện ra và nói với ông: “Ngươi muốn gì hãy xin Ta sẽ ban cho ngươi”(1V 3, 5tt). Salômon đã xin Chúa cho ông sự khôn ngoan để dẫn dắt dân Chúa. Chúa đã ban cho ông sự khôn ngoan và cả những giàu sang, vinh quang mà ông chưa hề xin. (1V 3, 11-12).

b. Salômon một vị vua giàu có (1V 10,14-29).
Suốt triều đại Salômon được hưởng cảnh thái bình. Ông ký kết hiệp ước với các nước khác. Ông cho phép buôn bán và cho tàu bè qua lại khắp các biển. Ông kêu thợ ngoại quốc đến trong nước xây dựng nhưng ông đã cưới nhiều bà vợ ngoại quốc. Các bàø vợ nầy sẽ gây tai hoạ cho ông và dân Israel sau nầy.

c. Salômon sùng kính Đức Giavê và xây Đền thờ lộng lẫy dâng kính Ngài . (1V 6, 1-14).
Những vật liệu xây dựng được cha ông là Đavit chuẩn bị trước, ông là người thực hiện công trình xây dựng Đền thờ. Đây là Đền thờ đầu tiên của dân Do thái kính Chúa Giavê. Đền thờ thật lộng lẫy, tất cả được xây dựng bằng đá đẽo gọt công phu, bằng cẩm thạch hiếm quý và bằng gỗ trắc, bá hương.

Đền thờ có một sân dành cho dân chúng, sân trong dành cho các thầy tư tế và chính giữa trong cùng là gian cung thánh được trang trí lộng lẫy bằøng vàng ròng (1V 6, 19-21). Một tấm màn bằng vải gai rất sạch có thêu màu vàng và tím hồng căng ngang trước gian Cực thánh nơi đặt Hòm Bia. Đền thờ được xây dựng trong bảy năm. (1V 6, 27-28).

Lời Chúa : “Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi cũng chẳng có ai bì kịp”. (1V 3, 12).

Cầu nguyện : “ Lạy Chúa, xin cho con ngày hôm nay nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng”. (Tv 94)

VIII. GIÁO DỤC KITÔ GIÁO

THÁNG SÁU: KÍNH TRÁI TIM CHÚA GIÊSU

Tháng Sáu là tháng Hội thánh muốn thúc đẩy tôn thờ, sùng mến Trái Tim Chúa Giêsu! Tôn thờ vì Trái Tim Chúa kết hợp nên một với Ngôi Lời nên Trái Tim Chúa cũng là Ngôi Lời. Mộ mến vì không có ai đáng mộ mến bằng Trái Tim Chúa. Chính Chúa đã dùng Trái Tim để biểu lộ tình yêu mà chính Chúa chết để minh chứng. Chúng ta hãy suy niệm về đường lối Chúa tỏ tình yêu.

Tình yêu siêu vượt, thiêng liêng chúng ta không thấy rõ, nhưng Chúa dùng Trái Tim để bày tỏ tình yêu, giống tình yêu có phần cảm xúc của con người, đồng thời biểu lộ tính cách nói được là cao siêu vô cùng để đánh động tâm hồn con người và thu hút tình yêu của con người.

  • Chúa thương không vì cần được bổ túc hoặc để chiếm được những thiện hảo với đối tượng khác mà là hiến thân, là cho, cho chính mình: ”Nầy con đây”. Chúa Giêsu nhận lãnh sứ mạng nơi Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại và Chúa đã phó dâng toàn thân cho sứ mạng ấy với tất cả tình yêu của mình.
  • Đời Chúa là Thánh Giá và tử đạo, nghĩa là mọi tác động, mọi hành vi, đều thực hiện vì yêu. Đúng ra, Chúa là tình yêu không thể thực hiện những việc không hợp với tình yêu, nhưng tất cả vì tình yêu thì con người không ai thực hiện được, phải là việc của Thiên Chúa.
  • Hơn nữa, chết vì người mình yêu là tuyệt đỉnh của Tình yêu nhưng chúng ta cũng có thể nói: Chết vì người mình yêu, người ghét mình, người làm hại mình...thì tình yêu càng siêu vượt, đâu có ai thực hiện nổi chỉ có Chúa mới có thể làm được và nêu gương cho chúng ta.

Chúng ta có nhận định Trái Tim Chúa đáng tôn thờ và đáng mộ mến không? Chúng ta sống tháng sáu thế nào?

Làm theo lệ thói? Người ta làm mình cũng làm?

Hội thánh bảo làm thì vâng nghe thì phải làm?

Không suy nghĩ tại sao tôi phải tôn thờ Thánh Tâm và mộ mến Thánh Tâm?

Không thấy ý Chúa muốn tỏ tình yêu siêu nhiên bên trong, tỏ lộ bên ngoài cho nhân loại có xác thể được thấy.

Thấy rõ tình yêu hiện tỏ bên ngoài để chúng ta được có thứ tình yêu cảm xúc và đi đến tình yêu thiêng liêng siêu việt.

Chúng ta có chút tình yêu nào không?

LỄ MÌNH MÁU CHÚA

Chúa phán: “Này là thịt Ta, Nầy là Máu Ta, ai ăn uống sẽ được sống đời đời”. Lời này, cứ bề ngoài thì thật khó nghe, đời thưở nào ai ăn thịt uống máu người mà lại được sống đời đời. Do đó, một số môn đệ không theo Thầy nữa! Chỉ các tông đồ tin tưởng vào Lời Chúa: chỉ có Chúa mới ban sự sống. Tại sao Chúa phán như vậy? Chúa phán lời xem ra lạ thường như vậy để làm gì?

Nói như thế để quả quyết Chúa sẽ lập phép Mình Thánh Chúa: Trong ngày Tiệc Ly, Chúa lập phép Thánh Thể. Tông đồ và các môn đệ không còn ai nghi hoặc, mà cùng nhau xác tín.

Lập phép Thánh Thể là việc cao trọng hơn việc tạo dựng vũ trụ. Dựng vũ trụ Chúa cho vạn vật được hiện hữu; còn lập phép Thánh Thể Chúa hiến đời sống: hiến Mình Máu nên của ăn cho cả nhân loại. Chúa tỏ quyền năng hơn lúc tạo vũ trụ. Chúa tạo vạn vật phải hướng về Chúa nhưng khi tạo con người Chúa dường như đổi mới, ban cho con người kết hợp với Chúa (mục đích tối chung của con người là kết hợp với Chúa).

Kết hợp là hiệu quả của tình yêu mà phép Thánh Thể là việc thương yêu triệt để, qua đó, Chúa hiến thân để tỏ tình yêu. Phép Thánh Thể là Bí tích, là của lễ thương yêu, không việc thương yêu nào sánh được với việc Chúa chết trên Thánh Giá. Không tình nào cao siêu bằng chết vì người mình yêu. Thật ra, Chúa chỉ chết một lần, nhưng nói được Chúa chết thường xuyên cho nhân loại, mỗi ngày nói được Chúa luôn là của lễ, Chúa luôn tỏ tình yêu.

Con người có giá trị gì? Mặc dầu Chúa dựng nên, ban cho con người là chủ vũ trụ, dầu vậy vì là vật thọ tạo nên so với Đấng tạo dựng cách biệt vô cùng, vật từ hư vô và được Đấng hiện hữu vô cùng nhớ đến. Đó là điều chúng ta không thể hiểu được, huống chi Chúa lập phép Thánh Thể cho con người.

Lập phép Thánh Thể để tỏ quyền năng đối với con người, để tỏ tình yêu với con người nói được Chúa hiến thân cho con người (nên của ăn). Chúa lại cho con người được giống Chúa, thân mật với Chúa. Kết hợp với Chúa. Mỗi ngày chúng ta chịu lễ như thế nào?

GIỮ ĐẠO LÀ DỄ HAY KHÓ?

Chúng ta phải quả quyết là khó! Vì là một nhiệm vụ đối với Thiên Chúa, đối với xã hội, đối với mọi người, và đối với mình nữa. Sống đúng nhân phẩm là cả một vấn đề.

1. Đối với Thiên Chúa: Mình phải nhìn nhận là Chủ Tể, là Đấng Tạo Dựng, con người chúng ta là vật thọ tạo, là vật hoàn toàn lệ thuộc. Hơn thế nữa chúng ta phải biết thọ ơn và tuân phục hoàn toàn. Chúng ta thực hiện được những gì?

2. Đối với xã hội: Cũng không mấy dễ. Xã hội nhỏ là gia đình, gia tộc, rộng hơn ra là đất nước. Chữ hiếu đòi hỏi không ít, còn trung quân ái quốc, thế thời thay đổi hơi lung tung, không rõ đâu là giới hạn.

3. Kế đến là phận sự người với người, mình đối với những người xung quanh mình. Sống sao cho đúng với nhân phẩm của mình mà hợp với nhân phẩm của người. Đời phải biết rõ nhân phẩm của nhau, sống thuận hoà với nhân phẩm của nhau. Mình biết mình đã khó, biết người lại càng khó hơn nữa. Dĩ nhiên, tiếp xúc, đối xử với người không phải chuyện dễ.

4. Bây giờ chúng ta có thể nghĩ: bổn phận đối với mình có lẽ dễ hơn. Nghĩ như thế là không đúng. Tại sao? Con người không thể sống như cục đất, như cây cỏ, như cầm thú... ít ra phải sống như con người, có lý trí, có ý chí, biết chân lý, biết hâm mộ thiện hảo, nghĩa là sống đúng là con người. Nhưng Chúa đã dựng con người có lý trí, mà đã dựng con người có sự sống tương tự sự sống của Chúa: sự sống được kết hợp với Chúa. Có thể nói: kết hợp với Chúa là mục đích tối chung của con người.

Sống đúng với nhân phẩm thì phải sống đúng và đạt đến kết hợp với Chúa, điều đó không phải dễ! ”Vi nhân nan = Tố nhân nan” (Làm người thì khó = Làm người thì khó). Nương tựa vào Chúa mới có thể giữ đạo chính đáng, đúng với nhân phẩm.

NÊN THÁNH

Động từ nên thánh cách chung, làm cho tín hữu sợ. Ngay Khổng Tử cũng đã nói: ”Thánh ngã vô cảm” (Tôi không dám làm thánh). Mặc dầu, cho được nên thánh thì dĩ nhiên phải có hy sinh! Nhưng hy sinh đó là chịu khó nhưng Chúa lại không để sự khó nhọc vượt hẳn sức chịu đựng của con người.

Trái lại, chúng ta suy nghĩ: nên thánh là sống anh hùng đặc biệt. Ngay trong việc phong thánh vẫn hàm chứa tánh cách đạo đức anh hùng. Ví dụ: bỏ đời cách đặc biệt. Giàu sang mà chê tiền bạc, lao mình với đời là khó nghèo. Vừa sang, vừa đẹp, cắt lọn tóc đẹp, và không nghĩ đến tình yêu đôi bạn. Tu là cõi phúc tình là giây oan! Đời tu kể được là đời anh dũng, bỏ đời, bỏ cả ý riêng.

Lại lao mình vào đời sống khổ hạnh. Sống ăn chay, hãm mình đánh tội, thức khuya dậy sớm. Trước lối sống như thế ma quỷ mỉa mai: Ông thức khuya dậy sớm tôi có bao giờ ngủ. Ông ăn chay, còn tôi đói thường xuyên. Ông khó nhọc? Tôi bị lửa đốt thường xuyên. Tôi có nên thánh đâu!

Đúng ra chúng ta hiểu sai về nên thánh. Chúa dạy sống đạo đó là buộc chúng ta nên thánh. Thánh là tình trạng sạch tội, hoàn hảo. Tình trạng như thế, ngoài Chúa thì không ai có được. Chúa là Đấng Thánh là nguồn mọi sự thánh thiện- ngoài Chúa ra không ai thánh.

Vậy cho được nên thánh, thì phải kết hợp với Chúa. Chúng ta nhớ mục đích tối chung của con người là kết hợp với Chúa. Chúa dựng con người có lý trí để hướng về Chúa, có tình yêu để đáp trả tình của Chúa. Hơn nữa, Chúa ban cho sự sống, giống sự sống của Chúa để kết hợp với Chúa. Căn bản nên thánh là kết hợp với Chúa, càng kết hợp sâu xa nồng nàn thì mức độ thánh càng siêu việt hơn.

Chúng ta có nghĩ như thế không? Nếu nghĩ kết hợp với Chúa là nên thánh thì phải quả quyết:

  • Lối sống tu trì có thể là phương tiện nhưng chưa phải căn bản nên thánh. Sống khắc khổ chỉ giúp cho con người khỏi bị lôi cuốn vào đường khoái lạc tạm qua.
  • Sống lập dị cũng không phải chính là con đường chính đáng nên thánh.

Trên nguyên tắc, phải cố gắng sao cho mình giống Chúa, kết hợp với Chúa:

  • Sống không ngoài ý Chúa (Thất thập tùng tâm sở dụcï nhi bất du cu = 70 tuổi muốn gì thì muốn, không ngoài lề luậtû). Hơn nữa, Chúa muốn, nhưng để chúng ta làm theo ý Chúa.
  • Không lập dị, sống đơn thường, tất cả mọi việc đều quy về Chúa kết hợp với Chúa.

Sống rất đơn sơ, mà rất giống Chúa. Đó mới đúng là con đường kết hợp. Hãy nên thánh như Chúa Cha trên trời.

IX. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

TỔ ẤM YÊU THƯƠNG

Gia đình đầm ấm là cuộc sống thật của Chúa Giêsu và là công trình người điều chỉnh cho nhân loại.

Thư Chung mục vụ 2007, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khẳng định: “Đường lối Sư Phạm của Chúa Cha cốt là để chuẩn bị cho Chúa Con đến “dạy dỗ loài người mong chờ và đón nhận ơn cứu độ”. Chúa Giêsu “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6a). Ngài là đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha (Ga 14, 6b)”. Ngài là sự thật giải phóng loài người (Ga 8, 32). Ngài là sự sống lại và là sự sống, ban sự sống đời đời cho những ai tin nhận và gắn bó nên một với Ngài (Ga 11,24-26). Ngài đã từng sống trong gia đình đầm ấm Nazareth 30 năm. Ngài dạy mọi người đi vào hôn nhân sống yêu thương một vợ một chồng không ngoại tình, không ly dị. Mọi thành viên trong gia đình đều quan tâm chăm sóc, phục vụ lẫn nhau, sống đúng phương vị và làm tròn bổn phận của mình( gương Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse đối với nhau, phục vụ lẫn nhau).

Ai làm theo ý Chúa Giêsu mới thuộc về gia đình của Ngài: “Ai là Mẹ Tôi? Ai là anh em Tôi? Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là Mẹ Tôi, đây là anh em Tôi, vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em Tôi, là Mẹ Tôi” (Matt 12, 48-50)

Đơn hôn và vĩnh viễn: người biệt phái hỏi: có được phép rẫy vợ mình không? Đức Giêsu đáp: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ và người đã phán: “Vì thế người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly (Matt 19, 3-6). Rẫy vợ là đưa đẩy nhau đến chỗ ngoại tình, phản bội nhau và phản bội Chúa.

Vợ chồng trung thành với nhau từ tư tưởng, lời nói đến hành động: Luật dạy chớ ngoại tình (ngoại tình trong hành động). Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (ngoại tình trong tư tưởng, ước muốn, khao khát chiếm hữu, đã có ý phản bội).

Mọi thành viên trong gia đình đều quan tâm chăm sóc, tận tuỵ phục vụ lẫn nhau, đem lại cho nhau mọi điều tốt đẹp dù đó là thai nhi hay trẻ em: Chúa Giêsu dạy: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Rồi Chúa Giêsu ôm lấy trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10, 13-16). Chúa Giêsu nghiêm khắc lên án gương xấu và mọi duyên cớ làm cho trẻ em sa ngã, băng hoại “ Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”.(Mc 9, 42)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa có nhiều kinh nghiệm về cuộc sống gia đình đầm ấm yêu thương, xin giúp các gia đình chúng con biết đến học với Chúa, sống theo ý Chúa, để mọi gia đình đều được đầm ấm yêu thương như lòng Chúa mong ước.

NHÀ GIÁO DỤC ĐẦU TIÊN

Cổ học tinh hoa kể rằng : Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào, lăn khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn khóc. Bà mẹ thấy thế nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”. Rồi dọn nhà ra gần chợ.

Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước nô nghịch cách buôn bán điên đảo. Bà mẹ thấy thế, lại nói:” chỗ này cũng phải chỗ con ta ở được”. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học.

Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói:” Chỗ này là chỗ con ta ở được đây”.

Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy hàng xóm giết lợn, về nhà hỏi mẹ:” Người ta giết lợn làm gì thế?”. Bà mẹ nói đùa:” Để cho con ăn đấy”. Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng:” Ta nói lỡ mồm rồi, con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?”. Rồi bà đi mua thịt lợn, đem về cho con ăn thật.

Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi; trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt như vậy”. Từ hôm đó thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Rồi về sau thành một bậc đại hiền.

Lại có một câu chuyện khác kể rằng: Cách đây khoảng 20 năm tại thành phố Sài gòn, có một thanh niên vừa đúng tuổi trưởng thành, nhưng không còn quyền được sống vì anh can tội giết người cướp của. Trên đường dẫn ra pháp trường, có nhiều người đi theo để chứng kiến cảnh hành hình một tử tội đáng phải chết theo luật pháp, trong số đó có một người đàn bà đi sát bên cạnh tên tử tội, khóc lóc rất thảm thiết nhưng gương mặt của tên tử tội thì vẫn điềm nhiên như không có gì.

Đến pháp trường, tên tử tội quay lại nói với người đàn bà một câu duy nhất cũng là câu cuối cùng: “Bà khóc lóc làm gì? Nếu như ngày xưa bà đừng xúi tôi đi ăn cắp thì bây giờ tôi đâu có ngày này!”

Hai câu chuyện trên cho chúng ta thấy vai trò của cha mẹ có ảnh hưởng quan trọng như thế nào đến tương lai của con cái!

Tâm hồân trẻ thơ như một tờ giấy trắng cần được tô điểm bởi người có trách nhiệm. Nếu tờ giấy đó không được quan tâm, vứt lăn lóc mặc cho bụi bặm vây vào thì sẽ trở thành rác rữi chỉ đáng quăng vào sọt rác; còn nếu nó được nắn nót tô vẽ bởi những bàn tay khéo léo thì sẽ trở thành những bức tranh vô giá.

Người xưa nói: ”Có ruộng không cày kho đụn trống, có sách không dạy con cháu ngu. Kho đụn trống năm tháng thiếu ăn, con cháu ngu lễ nghĩa xa dần. Cho nên không cày với không dạy, ấy chính là lỗi của cha mẹ vậy.”( Bài Khuyến học của Quan Thị Lang họ Bạch)

Hỡi các bậc làm cha mẹ, hãy nghĩ đến trách nhiệm mà quan tâm đến tương lai của con cái mình.

X. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

Thái độ thông thường của ta khi nghe biết có một bạn trẻ làm chuyện gì đó sai trái là lên án hay gièm pha. Dầu vậy, nếu tìm hiểu cho thật kỹ ta sẽ thấy những bạn ấy thật đáng thương. Đáng thương vì hầu hết các bạn ấy đều lớn lên trong hoàn cảnh kém may mắn. Các bạn ấy có thể là bị cha mẹ bỏ rơi, hay là có cha mà không có mẹ hoặc ngược lại do cha mẹ bỏ nhau. Thậm chí có những bạn không có người thân thuộc. Do đó, vì không được ai dạy dỗ và hướng dẫn nên các bạn ấy mới trở nên như thế. Cho nên ta thấy sự giáo dục trong gia đình là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành một con người.

Những người đóng vai trò giáo dục trước tiên trong gia đình là cha mẹ. Cha mẹ dạy cho con những điều hay lẽ phải. Cha mẹ hướng dẫn và giúp cho con mình chọn hướng đi cho tương lai. Cha mẹ còn có bổn phận lo cho con mình có được một đời sống đức tin vững chắc. Do vậy, cha mẹ có trách nhiệm động viên và nhắc nhở con mình học hỏi giáo lý, học cách sống làm con Chúa cho thật tốt.

Bên cạnh đó, những anh chị và những người bà con thân thuộc cũng có trách nhiệm cùng với cha mẹ để giáo dục cho người thân của mình. Đối với người Công giáo, bổn phận thiêng liêng ấy còn cần phải được những cha mẹ đỡ đầu quan tâm lưu ý đến.

Điều quan trọng là làm sao mỗi thành viên trong gia đình cần giúp nhau tạo nên một bầu khí yêu thương đầm ấm. Đó là điều kiện không thể thiếu hầu giúp cho người thân hấp thụ được sự giáo dục tốt.

“Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo” . Làm gương sáng cho người thân về mọi mặt nhất là về đời sống đức tin lại cũng là điều cần thiết. Thật vậy, trong bức thư chung của Hội Đồng Giám mục Việt nam có đoạn viết: “Gia đình là Giáo Hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây, đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin.” (Số 28)

Ước gì mỗi thành viên trong gia đình nhất là những bậc làm cha mẹ ngày càng ý thức được vai trò và bổn phận quan trọng trong việc giáo dục cho con em mình.

XI. MỤC VỤ THIẾU NHI

ĐIỀU CHƯA DÁM NÓI VỚI CHA MẸ

Con thật hãnh diện khi được bạn bè bảo cón là người may mắn. Con lớn lên trong sự vất vả của cha và tình thương bao la của mẹ. Cha mẹ đã giành cho con những gì tốt đẹp nhất. Bạn bè con đã phân bì đến mức ghen tỵ vì con là đứa con một. Mọi tình thương đã đổ dồn nơi con. Con thấy mình trở thành trung tâm cho sự lo lắng vỗ về của bao người tự lúc nào không hay. Đằng sau những điều mà nhiều người cho là may mắn con thấy đời mình cũng lắm chênh vênh. Sự chênh vênh trong đời con là có phần trách nhiệm của cha mẹ.

Con sống ích kỷ

Thuở nhỏ con được cha mẹ cưng chìu. Con muốn cái gì cha cũng cho, thích cái gì mẹ cũng chìu. Tình thương ấy con nào đâu dám chối bỏ. Có điều cha mẹ không bao giờ nói với con “Con à, biết đón nhận thì phải biết cho đi!”. Con đã nhận rất nhiều để rồi con chỉ sống cho riêng con. Những thứ đồ chơi con tích góp được đã trở thành một kho tàng quý giá, bất khả xâm phạm. Con đã tự hào với chúng bạn vì mình đã có nhiều ưu tiên. Con đã xem thường những đứa khác vì nó chẳng có gì hơn. Con đã tự tách mình để sống trong thế giới chỉ có mình ta. Bức tường vô hình con đã tự dựng nên để ngăn cách mọi người. Giờ đây con phải đối diện với mọi người bằng những cái nhìn không chút thân thiện.

Con không có thói quen giúp đỡ cho người. Khi phải dành chút tiền giúp cho người nghèo khó, con đã thấy khó chịu vô cùng. Cha mẹ ơi, dẫu biết giúp người là điều tốt, nhưng sự cho đi của con sao mà khó quá! Phải chăng cha mẹ đã không tập cho con thói quen “cho đi” từ nhỏ để giờ này con biết mình là người sống quá nhỏ nhen?

Con sống ngang tàng

Vì là trung tâm tình thương trong gia đình, con nghĩ mình lúc nào cũng là quan trọng. Sự xúc phạm của người khác đối với con cho dù là nhỏ nhoi con cũng thấy là rất lớn. Con không tha thứ được cho người. Con sống với mọi người lúc nào cũng cho mình là kẻ trên, không bao giờ chịu thua hay nhường nhịn kẻ khác.

Giờ học lớp con thường “cúp cua”. Thánh lễ nhà thờ con không tới dự. Con có nhiều lý do để biện minh cho sự lười biếng của mình. Sự lười biếng giờ con lãnh lấy kết quả là không biết gì với đời, không biết sống với người, không biết có bổn phận nào đối với Thiên Chúa. Không đạo đức lại thiếu hiểu biết con đã bắt đầu sống ngang tàng, không cần đến ai. Những lời nhắc bảo khuyên dạy giờ đã để ngoài tai. Con đã trở nên “cứng đầu” chỉ vì tre già khó uốn.

Con không tự lập

Ngày nay ai cũng biết cuộc sống tự lập là đáng tuyên dương. Mỗi người hãy đứng vững trên đôi chân của mình! Lời khuyên ấy như lời nhắn gửi chân thành cho những người muốn sống trưởng thành. Đã lâu con đứng nhờ đôi chân của cha mẹ nên giờ con mới thấy đôi chân mình quá yếu ớt khi phải đứng mình con. Dù đã lớn khôn, khi đối diện một điều khó khăn con không có một quyết định nào là dứt khoát. Phải chăng sự lưỡng lự của con là kết quả của một thời gian dài chỉ biết sống cậy dựa vào người khác.

Cha mẹ ơi! Những điều con nói đây là một sự thật xuất phát từ tận đáy lòng con. Xin cha mẹ đừng trách cứ con. Còn biết bao điều con muốn nói với cha mẹ. Hẹn dịp nào con sẽ rỉ tai. Điều sau cùng con muốn nói là xin cha mẹ đừng chìu con quá mức. Hãy nói với con những lời tốt đẹp. Hãy sửa dạy con khi con va vấp lỗi lầm. Và hãy cho phép con là con để con có cơ hội trưởng thành và đứng vững trước cuộc sống còn nhiều bấp bênh.

XII. MỤC VỤ ƠN GỌI

GIA ĐÌNH PHỤC VỤ ƠN GỌI

Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II trong tông huấn FAMILIARIS CONSORTIO viết: “Gia đình phải đào tạo cho con cái bước vào đời sống, giúp cho mỗi người chu toàn trọn vẹn bổn phận của mình tuỳ theo ơn gọi đã nhận được từ Thiên Chúa” (số 53). Ai trong chúng ta cũng đồng tình rằng, ơn gọi tu trì xuất phát từ trong chính gia đình.

Gia đình có một vị thế rất đặc biệt trong việc phát hiện và đào tạo ơn gọi. Chính vì thế mà Công Đồng đã gọi gia đình là chủng viện đầu tiên: gia đình sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo đức, trở nên như chủng viện sơ khởi (ĐTLM số 2). Chính ơn gọi làm linh mục, tu sĩ được gieo mầm từ trong chính gia đình. Ơn gọi ấy lớn lên và bền vững cũng từ chính trong gia đình. Hội thánh luôn ước mong rằng, không những gia đình quan tâm nâng đỡ các ơn gọi linh mục và tu sĩ, mà còn tha thiết muốn dâng con mình làm việc tông đồ phụng sự Chúa. Do đó, Công Đồng Vaticanô II khuyên rằng: cha mẹ hãy thận trọng giúp đỡ con cái lựa chọn ơn gọi, và nếu thấy chúng có ơn thiên triệu, hãy tận tình nuôi dưỡng ơn kêu gọi đó (TĐGD số 11). Chỉ có cha mẹ là người biết rõ con cái mình hơn ai hết, nên cũng dễ dàng hướng dẫn ơn gọi cho con cái mình.

Qua Bí tích Hôn phối, các cha mẹ trở thành những người cộng tác với ơn thánh và chứng nhân của đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái. Người làm cha, làm mẹ phải là người đầu tiên rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái bằng lời nói và gương sống của mình. Chính trong việc giáo dục đức tin cho con cái, cha mẹ có thể nhận biết, con mình thích hợp với ơn gọi nào. Từ đó, cha mẹ cầu nguyện, hướng dẫn con cái mình theo ơn gọi đó. Tuy nhiên, cha mẹ phải hết sức chú ý đến việc cầu nguyện. Vì ơn gọi xuất phát từ lòng yêu thương của Chúa, nên chỉ trong đời sống cầu nguyện chúng ta mới nhận ra được thánh ý Chúa trên con cái mình.

Cha mẹ cần hướng dẫn con cái tinh thần phục vụ, theo gương Chúa Giêsu phục vụ đoàn chiên của Người, để chúng sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa với tinh thần sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa: này con đây, xin hãy sai con (Is 6, 8). Ngoài ra cha mẹ còn phải tiếp tục đồng hành, nâng đỡ ơn gọi của con cái giúp chúng được bền vững trong ơn gọi của mình.

Các cha mẹ là “những nhà truyền giáo đầu tiên”, truyền đạt đức tin và hướng dẫn con cái biết cách đáp trả lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, theo đấng bậc phù hợp. Các vị thánh đều xuất thân từ những gia đình đạo đức. Bằng đời sống cầu nguyện và gương lành các cha mẹ sẽ tiến dâng cho Chúa những hoa trái thánh thiện phục vụ đoàn chiên của Người.

XIII. MỤC VỤ QUỚI CHỨC

TÌM HIỂU SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Chương III: Các Môi Trường Hoạt Động Tông Đồ

12. Giới trẻ hoạt động tông đồ

Trong xã hội ngày nay, giới trẻ làm thành một sức mạnh rất quan trọng. Những hoàn cảnh sống của họ, những nếp sống tinh thần và cả những tương quan của họ với gia đình đã thay đổi rất nhiều. Thường thường họ chuyển quá nhanh sang một hoàn cảnh xã hội và kinh tế mới. Hơn nữa, vai trò xã hội cũng như chính trị của họ mỗi ngày một thêm quan trọng, nhưng họ không được chuẩn bị đầy đủ để đảm nhận những trọng trách mới này cách xứng hợp.

Trọng trách của họ trong xã hội gia tăng, đòi hỏi họ gia tăng hoạt động tông đồ. Vả lại, chính bản tính tự nhiên của họ vốn hướng về hoạt động đó. Nhờ trưởng thành trong ý thức về nhân vị và được thúc đẩy do sức sống hăng say và tính ham mê hoạt động, họ nhận lãnh trách nhiệm của mình và ước muốn góp phần vào đời sống xã hội và văn hoá. Nếu lòng nhiệt thành này được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và được thúc đẩy do sự tuân phục và yêu mến các vị chủ chăn của Giáo Hội thì có thể hy vọng nơi họ những thành quả phong phú. Người trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ trong khi chính họ hoạt động tông đồ giữa người trẻ và nhờ người trẻ tuỳ theo môi trường xã hội họ đang sống.

Người lớn cần quan tâm để tạo cuộc đối thoại thân hữu với giới trẻ, vì cuộc đối thoại cho phép cả hai giới vượt qua sự ngăn cách về tuổi tác, hiểu biết lẫn nhau và thông cho nhau sự phong phú riêng của mỗi giới. Người lớn hãy thúc đẩy giới trẻ làm tông đồ trước hết bằng gương sáng và tuỳ dịp bằng ý kiến khôn ngoan và giúp đỡ thiết thực. Còn giới trẻ cũng phải nuôi dưỡng lòng trọng kính và tín nhiệm đối với người lớn, dầu theo tính tự nhiên họ ham thích những điều mới lạ, tuy nhiên họ cũng phải tôn trọng những truyền thống đáng quí trọng.

Trẻ em cũng có hoạt động tông đồ riêng của chúng. Tuỳ khả năng, chúng có thể thực sự là những chứng nhân sống động của Chúa Kitô giữa các bạn hữu (Trích SLTĐ Giáo Dân, số 12).

Gợi ý giải thích:

  • Mặt mạnh và mặt yếu của giới trẻ ngày nay?
  • Những lý do đòi hỏi giới trẻ hoạt động Tông Đồ?
  • Người lớn cần phải làm gì để thúc đẩy giới trẻ hoạt động Tông Đồ?
  • Trẻ em có bổn phận làm việc Tông Đồ không?

Gợi ý thực hành:

  • Mỗi Quới Chức có quan tâm đến giới trẻ trong sở biện mình không? Được bao nhiêu người trẻ hăng say hoạt động Tông Đồ?
  • Quới Chức có tạo môi trường cho giới trẻ hoạt độngTông Đồ không?
  • Có bao nhiêu Thiếu Nhi Thánh Thể, bao nhiêu huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể?
  • Quới Chức có nghĩ đến lớp đàn em kế thừa việc Tông Đồ?

XIV. MẠN ĐÀM

MỪNG BỔN MẠNG

Gần tới bổn mạng Cha sở, ông Trùm hợp Quới Chức bàn định tổ chức lễ thế nào.

Ông nói: anh em tính sao?

Biện việc nêu ý kiến: Tài chính của mình kém qúa, chúng mình lại nghèo, bày đặt ra thì không đủ chi phí, bọn mình góp vào vừa nhọc, vừa ngặt nghèo. Tôi đề nghị tổ chức buổi lễ hết sức đơn giản.

Một ông Biện: Liệu không kham nổi thì tìm cách chạy thôi. Tôi đề nghị: mình đổ thừa Âu Châu người ta mừng sinh nhật, vậy mừng bổn mạng mình cũng nên bỏ cho xong!

Ông Trùm bài bác: Không được… Chạy ma này gặp ma khác, đón sinh nhật cha sở chúng ta phải làm gì không lý lại nói Việt Nam không có lệ mừng sinh nhật rồi chuồn luôn. Theo tôi, xung quanh người ta mừng trọng thể mình không mừng thì mất mặt lại có thể làm cha sở buồn.

Có lý do mừng bổn mạng.

Mừng bổn mạng có thể làm là ngày mình được sinh ra trong Chúa, làm con Chúa, và được nhận một thánh bổn mạng để bảo vệ, hướng dẫn, làm gương.

Tuy nhiên, vẫn có một số linh mục không thích mừng bổn mạng. Vì tự tâm trạng không thích những nghi lễ ồn ào, tốn kém chỉ chú trọng bên ngoài mà không nghĩ đến bên trong.

Thật ra chỉ có người “ăn” lễ cho vui mà không chút nghĩ đến nền tảng bên trong của buổi lễ thì có lợi gì! Cớ trêu hơn nữa có người là “anamít” đặc sệt mà khoái tên Tây: không thích bổn mạng mà lại thích tên Tây !!!

Có một gia đình, chồng Pháp, vợ Việt. Bà vợ nầy cũng dốt đặc. Khi có con dòng Gauthier, bà gọi một đứa là thằng Gô, một đứa là thằng Chê! Đẹp nhỉ?

Ông Trùm kết luận: Có đủ lý do để mừng bổn mạng, nhưng mừng đơn sơ thân mật: Thể hiện tấm lòng với cha sở cám ơn Chúa đồng thời kết thân và cầu nguyện cho nhau, hiệp nhất với nhau. Mừng Bổn Mạng như thế là việc tốt đẹp và lợi ích.

THẮNG - THUA

Chúng ta vừa chứng kiến những cuộc tranh tài sôi nổi giữa các đội tuyển bóng đá của Âu Châu để tranh chức vô địch vòng chung kết Euro 2008. Những cầu thủ thi đấu hết sức điêu luyện. Họ chơi hết mình với những khả năng thiên phú và những công phu luyện tập. Bên cạnh đó, những cổ động viên cũng cổ vũ hết sức nhiệt tình nhằm làm phấn khởi tinh thần cho những tuyển thủ của họ. Mục đích chính của họ khi bước vào cuộc chơi này là chiến thắng và bằng mọi cách phải chiến thắng. Đối với họ, chiến thắng là vinh quang: vinh quang cho chính bản thân những cầu thủ mà cũng là vinh quang của cả một đất nước, một dân tộc. Trái lại, thua là thất bại, là mất trắng. Dẫu biết rằng, cuộc chơi nào cũng có kẻ thắng người thua, nhưng vì mục tiêu tiêu đặt ra là chiến thắng và phải chiến thắng nên tâm lý của những người bước vào cuộc chơi hết sức căng thẳng. Họ mang trên vai mình sứ mạng hết sức nặng nề. Đó cũng là qui luật chung dành cho tất cả mọi người khi bước vào bất cứ cuộc chơi hay cuộc chiến đấu nào.

Có thể nói, ở đời ai cũng mong muốn mình chiến thắng trong mọi sự. Chiến thắng trên thương trường, trên chính trường, trong tình trường hay trong mọi lĩnh vực lớn nhỏ của đời sống con người. Chiến thắng có thể được hiểu và được đồng hoá với thành công. Hai chữ “thành công” trở thành mục tiêu và đích đến của hầu hết con người sống, đặc biệt là nơi những con người có đầu óc cầu tiến.

Cổ nhân thường nói: “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng”. Điều này xem ra không dễ chút nào. Bởi lẽ, đây là triết lý sống rất cao sâu. Biết mình là chuyện khó thì chuyện biết người càng khó khăn hơn. Có lẽ vì hiểu được sự khó khăn ấy mà triết gia Socrates đã khuyên mọi người rằng: “Hãy biết mình”.

Có nhiều người sống gần hết cuäc đời của mình rồi mà vẫn không hề biết mình hay quá ảo tưởng về mình. Điều này nghe có vẻ phi lý, nhưng đó là thực tế.

Người không biết mình là đi tìm những cái mình không có, bỏ qua những cái mình đang có trong tay; coi “cái có” trở thành “cái là”; chỉ chú trọng đến hình thức mà quên mất nội dung bên trong, ghen tị với người khác khi thấy họ hơn mình. Người không biết mình luôn sống trong bất an, nghi kỵ đủ điều, có lối sống theo kiểu “thượng đội, hạ đạp”... Người “không biết mình” như thế có chiến thắng cũng thành chiến bại. Kẻ không biết mình đã tệ hại như thế thì kẻ ảo tưởng về mình còn tệ hại hơn thế nữa.

Người ảo tưởng về mình thường nghĩ rằng: mình có thể làm được mọi sự, mình đang được mọi người rất ngưỡng mộ, tưởng mình có thể làm đẹp lòng được hết mọi người… Họ thường dính bén vào những chuyện rất nực cười và giả tạo. Chẳng hạn: người ảo tưởng nghĩ rằng mình phải kiếm được thật nhiều tiền, xây dựng nhiều thứ cho loé mắt thiên hạ... thì mình mới có được hạnh phúc và thiên hạ mới nể phục mình và yêu mến mình. Họ tưởng rằng mình đang chiến thắng nhưng thật ra họ đang thất bại thảm hại vì họ đã đi tìm cái bóng của mình và kết thân với nó. Người ảo tưởng về mình là người đang sống trong mơ, trong khi sự thật thì hoàn toàn khác với những gì họ đang nghĩ tưởng.

Muốn chiến thắng thật sự thì không những phải biết mình mà còn phải biết người nữa.

Biết mình là nhận ra sự thật nơi mình, chấp nhận mình và hạnh phúc với những gì mình đang có. Biết mình là chấp nhận có những giới hạn và cần liên đới với người khác để làm cho cuộc sống thêm tốt đẹp hơn.

Biết người là biết họ cũng có những giới hạn và có những độc đáo riêng của họ. Khi khám phá ra sự thật như thế, chúng ta sẽ sống bình an, vui tươi với mọi người và thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc sống này.

Cần tránh hai thái độ mặc cảm là tự tôn hoặc tự ti khi đến với người khác. Đừng tỏ vẻ “ta đây” khi thấy mình trội vượt hơn người khác trong một vài khả năng nào đó, nhưng cũng đừng “cúi rạp mình” khi thấy có ai đó hơn mình trong một số lĩnh vực. Hãy nhìn ra sự thật này là: mọi người, ai cũng có những nét độc đáo riêng và không ai có thể thay thế chỗ của người khác được. Quả thật “biết mình, biết người trăm trận trăm thắng”.

Trong đời sống đức tin cũng vậy. Muốn chiến thắng cũng cần dựa trên nguyên tắc: “Biết mình, biết người”. Biết mình là thụ tạo được dựng nên với nhiều yếu đuối cần phải được nuôi dưỡng và lớn lên bằng ân sủng của Chúa. Biết mình chỉ có thể sống nhờ vào Chúa mà thôi “Không có Thầy, các con không thể làm gì được “.

Chúng ta cũng cần biết người khác và tôn trọng người khác vì họ cũng là những người con cái của Chúa, có quyền được sống và sống đúng với nhân phẩm của họ. Vì thế, chúng ta cần đối thoại, tương giao, liên đới với nhau trong tình yêu thương và huynh đệ...

Trong cuộc đời này, khi có kẻ chiến thắng thì đồng thời có kẻ thất bại. Nhưng trong đời sống đức tin thì hoàn toàn khác biệt: khi người anh em của tôi thắng là tôi thắng; khi người anh em của tôi thua là tôi thua. Chúng ta cần suy gẫm và nghiền ngẫm thật kỹ về nguyên tắc này.

Trong hành trình về Quê trời không có bước chân của người cô lữ; không ai nên thánh một mình. Chúa không cứu chuộc con người cách riêng lẻ nhưng cứu độ hết mọi người. Vì thế, chúng ta không thể vui mừng hay làm ngơ khi thấy người anh em của mình sống trong tội lỗi hay đang trên đà hư mất. Hãy dùng mọi phương thế để đến với những ai đang cần giúp đỡ hay ta có bổn phận giúp đỡ họ. Chúa đang muốn ta sống với anh em, sống cùng anh em mình và cùng nắm ta nhau tiến về Quê hương vĩnh cửu.

Nguyên tắc của đời sống đức tin là : “Thắng thì cùng thắng”; “Thua thì cùng thua”.

XV. MỘT LỐI SỐNG

TỰ ĐÀO HỐ CHÔN MÌNH

Ngày xửa ngày xưa, có một con chó nọ, vì sống mãi nơi đồng quê nên một hôm cảm thấy chán và mơ ước được bay về thành phố để giải trí. Nó làm quen được với hai con vịt trời và tâm sự về ước mơ đó. Hai con vịt trời đề nghị nó đi tìm một sợi dây dài và chắc chắn, cột hai đầu vào cổ hai con vịt rồi ngậm ở giữa sợi dây. Hai con vịt trời sẽ bay về thành phố và như thế nó cũng được luôn trên không về thành phố dạo chơi một vòng. Thế là mọi sự đã được chuẩn bị chu đáo.

Hai con vịt trời và con chó bắt đầu một chuyến phiêu lưu. Nhưng khi đang bay thì có một con chó khác từ dưới đất nhìn thấy và lên tiếng hỏi với lòng đầy kính phục:

- Đây là sáng kiến của ai trong ba vị?

Con chó muốn dành cho mình mọi sự kính phục nên vội vàng mở miệng nói to:

- Đó là sáng kiến của chính tôi.

Nhưng nói chưa hết câu thì nó đã rơi xuống đất chết tốt vì muốn khoe khoang nên quên không lo ngậm sợi dây.

Nhiều lần chúng ta cũng mở miệng nói vì ham danh vọng nên đã gây ra không biết bao nhiêu tai hại cho chính bản thân và cho người khác. Lòng ham danh vọng, ích kỷ và kiêu ngạo là những tật xấu ăn rễ sâu trong bản tính tự nhiên của con người rất khó từ bỏ. Nhiều lúc chúng ta bị cám dỗ muốn làm việc này việc nọ; muốn nói điều này điều khác, cốt chỉ để khoe khoang và mưu tìm danh lợi cho bản thân mà thôi.

Làm như thế là chúng ta tự đào hố chôn mình, giống như con chó ham danh lợi trong dụ ngôn trên. Tật xấu này có ở nơi con người thuộc mọi thời đại. Ngày xưa, Đức Giêsu đã cảnh tỉnh các đồ đệ và khuyên các ông hãy khiêm tốn, đừng ỷ lại vào chính mình, nhưng hãy cậy trông vào Thiên Chúa. Sách Khôn ngoan có lời khuyên như sau: “Bạn càng có tài cao thì càng phải sống khiêm tốn, và chỉ khi sống khiêm tốn, bạn mới được Thiên Chúa chúc lành” (Kn 3,8).

Khi con người muốn dồn hết mọi danh dự và vinh quang về cho mình với ước mong làm cho người khác nể phục mình thì kết cục thật là ai hại. Đó là con đường ngắn nhất dẫn chúng ta đi đến với cái hố sâu để tự chôn mình. Chúng ta nên nhớ rằng: mọi vinh dự và vinh quang là của Chúa và phải qui hướng về Chúa. Chúng ta chỉ nên đón nhận vinh quang trong Chúa khi biết làm cho mọi người nhận ra Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá muôn loài và là Cha yêu thương chúng ta. Hãy giúp mọi người cùng với ta tiến đến chiến thắng: Nước Trời.

XVI. SỐNG LỜI CHÚA: Mt 10,2

Anh em đừng sợ kẻ giết thân xác, Mà không giết được linh hồn.

1132    23-04-2012 09:53:05