Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành_Bài 19 đến Bài 20

Bài 19
CÁC ÐẶC TÍNH CỦA HỘI THÁNH
(x. SGLC từ 0811 đến 0865)

"Ðức Giêsu nói với Phêrô: Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên Tảng Ðá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi" (Mt 16,18). Hội Thánh tiên khởi đã dùng bốn đặc tính được tuyên xưng trong kinh Tin Kính để tự phân biệt với các giáo phái khác. Bốn đặc tính đó là: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền (x.GH 8). Những đặc tính nầy là hồng ân Chúa Thánh Thần thông ban và chỉ có thể hiểu biết trọn vẹn nhờ đức tin.

I. Hội Thánh duy nhất


1. Ý nghĩa:

•  Hội Thánh duy nhất trước hết là do nguồn gốc sâu xa của Hội Thánh. Nguồn gốc đó là Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi. Vì Thế "Hội Thánh xuất hiện như một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (GH 4).

•  Thứ đến, Hội Thánh duy nhất là do Ðấng sáng lập, Ðức Giêsu Kitô "đã cùng Thập giá để hòa giải mọi người với Thiên Chúa, đã tái lập sự hiệp nhất mọi người thành một dân tộc và một thân thể" (MV 78).


•  Cuối cùng, Hội Thánh duy nhất là do Chúa Thánh Thần tác động. Ngài "thực hiện sự thông hiệp kỳ diệu giữa các tín hữu, và liên kết tất cả trong Chúa Kitô cách mật thiết đến nỗi Ngài chính là nguyên lý hiệp nhất của Hội Thánh" (HN 2).


Trên nền tảng đó, Hội Thánh duy nhất vì cùng tuyên xưng một đức tin được đón nhận từ các tông đồ, cùng cử hành một nghi lễ phụng thờ Thiên Chúa và cùng hòa hợp trong tình huynh đệ của gia đình Thiên Chúa (x.HN 2). Chúa Kitô là dấu chỉ hữu hình của sự duy nhất nầy, đồng thời "Ngài đã đặt Phêrô làm Thủ Lãnh các tông đồ và nơi Phêrô, Ngài đã đặt nguyên lý cùng nền tảng vĩnh cửu và hữu hình cho sự hiệp nhất và hiệp thông đức tin" (GH 18).


2. Trách nhiệm xây dựng sự hiệp nhất:

Chúa Kitô chỉ thiết lập một Hội Thánh duy nhất. Tuy nhiên, trong dòng lịch sử, người ta lại chứng kiến tình trạng chia rẽ giữa các Kitô hữu và đây là gương xấu rất lớn trước mặt thế gian. Những rạn nứt chính thức trong sự hiệp nhất của Hội Thánh gồm có:

  • Lạc giáo: cố chấp phủ nhận hay nghi ngờ về một chân lý phải tin.
  • Bội giáo: chối bỏ toàn diện đức tin Kitô giáo.

• Ly giáo: từ chối sự tùng phục Ðức Giáo Hoàng hay từ chối sự hiệp thông với các phần tử của Hội Thánh đang thụ quyền Ngài (x.GL 751).

Thể theo nguyện vọng của Ðức Giêsu, Ðấng tha thiết cầu nguyện cho các tín hữu được nên một (x.Ga 17,21), người Kitô hữu phải nỗ lực phục hồi sự hiệp nhất giữa các Hội Thánh Kitô. Chúng ta gọi đó là nỗ lực đại kết. Công Ðồng Vaticanô II thừa nhận các Kitô hữu không công giáo "vì được công chính hóa nhờ đức tin và được tháp nhập vào Chúa Kitô khi chịu Phép Rửa, nên có quyền mang danh Kitô hữu và xứng đáng được con cái trong Hội Thánh Công Giáo nhìn nhận là anh em" (HN 3). Ðây là trách nhiệm của toàn thể Hội Thánh, tín hữu cũng như chủ chăn (x. HN 5). Sự hiệp nhất đó chỉ có thể có được nhờ canh tân Hội Thánh, hoán cải tâm hồn, cầu nguyện chung, hiểu biết lẫn nhau, cộng tác và đối thoại (x.HN 7).

II. Hội Thánh Thánh Thiện

1. Nền tảng.
Hội Thánh được tuyên xưng là thánh thiện vì "Chúa Kitô đã yêu thương Hội Thánh như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội Thánh. Người kết hợp với Hội Thánh như thân thể Người và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần" (GH 39).

Thứ đến, vì Thánh Thần ban cho Hội Thánh dồi dào phương tiện cứu rỗi và sự thánh thiện, đó là việc rao giảng Tin Mừng, các bí tích, các nhân đức luân lý, lòng hy sinh phục vụ tha nhân và các đặc sủng (x.GH 48).

Cụ thể hơn, sự thánh thiện của Hội Thánh đã chiếu tỏa ra nơi vô số các vị thánh đã được tuyên phong và trở thành những gương mẫu cho đời sống thánh thiện.

2. Cuộc lữ hành đức tin.
Sự thánh thiện của Hội Thánh là một hành trình tăng trưởng, một cuộc "lữ hành Vượt Qua", chứ không phải là tình trạng tĩnh tọa an toàn. Vì thế, Hội Thánh vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình, và không ngừng theo đuổi con đường sám hối, canh tân (x.GH 8). Các Kitô hữu luôn được khuyên nhủ "Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thực sự sống công chính và thánh thiện" (Ep 4,22-24). Ðiều nầy chứng tỏ "tất cả chúng ta thường hay vấp ngã" (Gc 3,2) và cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa (x.GH 8). Ðồng thời cũng có nghĩa là mọi người trong Hội Thánh đều được mời gọi nên Thánh, và Ðức Ái là tâm điểm của đời sống thánh thiện "Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái" (GH 40) vì "Ðức Ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật, nên Ðức Ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt đến cùng đích. Vì thế, Ðức Ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Chúa Kitô" (GH 42).

III. Hội Thánh Công Giáo

1. Ý nghĩa
Từ "công giáo" ở đây có nghĩa là phổ quát, bao gồm tất cả, toàn thể, và được áp dụng cho Hội Thánh theo hai hướng: Hội Thánh mang tính công giáo vì Chúa Kitô hiện diện trong Hội Thánh, và vì có Chúa Kitô hiện diện, nên nơi Hội Thánh có "đầy đủ phương tiện cứu rỗi" (TG 6). Ðồng thời Hội Thánh là công giáo vì Hội Thánh được Chúa Kitô sai đến với toàn thể nhân loại (x. Mt 28,19).

Mỗi Giáo Hội địa phương đều mang đặc tính công giáo, vì "Hội Thánh Chúa Kitô thực sự hiện diện trong mọi đoàn thể tín hữu địa phương hợp pháp... Chúa Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi. Và nhờ thần lực của Người, Hội Thánh hiệp thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền" (GH 26). Ðặc tính công giáo nầy được thể hiện cách hữu hình và hoàn hảo qua việc các Giáo Hội địa phương hiệp thông với Hội Thánh Rôma.

Tất cả mọi người trên trái đất đều được mời gọi vào sự hiệp nhất công giáo của Hội Thánh, nhưng "họ thuộc về hay hướng tới sự hiệp nhất đó bằng nhiều thể cách khác nhau" (GH 13). Trước hết là các tín hữu công giáo, tức là những người "gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Hội Thánh, những ai lãnh Thánh Thần Chúa Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương tiện cứu rỗi được thiết lập trong Hội Thánh; và nhờ các mối liên lạc do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai trị của Hội Thánh và sự hiệp thông, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ Ðức Giáo Hoàng và các Giám Mục" (GH 14). Tiếp đến là những anh chị em mang danh Kitô hữu nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn, hoặc không hiệp thông với Ðấng kế vị thánh Phêrô (x. GH 15). Sau cùng là những anh chị em chưa lãnh nhận Tin Mừng Chúa Kitô, nhưng "cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về Dân Thiên Chúa" (GH 16). Hội Thánh quan tâm đặc biệt đến anh chị em Do Thái giáo, tiếp đến là Hồi giáo và sau đó là các tôn giáo khác (GH 16).

Trong khung cảnh của Việt Nam nói riêng và Á châu nói chung, miền đất ghi đậm dấu ấn của nhiều truyền thống tôn giáo lâu đời: Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo... chúng ta cần mang lấy tâm tình của Hội Thánh hôm nay, tức là "không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó". Bởi vì các tôn giáo đó "cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người" (NK 2). Chính vì thế, "những người vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Hội Thánh, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi". Hơn thế nữa, cả "những ai vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi" (GH 16).

2. Trách nhiệm truyền giáo:
Chính trong ý hướng "công giáo" như đã khai triển, mệnh lệnh truyền giáo xuất hiện với tất cả vẻ thúc bách "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28, 19-20). Mệnh lệnh ấy bắt nguồn cách sâu xa từ chính Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, tình yêu cứu độ muốn đưa tất cả mọi người vào sự hiệp thông giữa CHA và CON trong THÁNH THẦN tình yêu (x.TG 2). Tình yêu ấy trở thành động lực thúc đẩy Hội Thánh dấn mình vào công cuộc truyền giáo như thánh Phaolô tâm sự: "Tình yêu Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi" (2Cr 5; 14). Vì nếu Hội Thánh tin vào kế hoạch yêu thương và cứu độ dành cho mọi người, thì Hội Thánh phải là cộng đoàn truyền giáo.

Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu trong sứ vụ của Hội Thánh. Vì thế, để sứ vụ được hoàn thành. Hội Thánh phải được và phải để cho Thánh Thần đưa dẫn vào nẻo đường Chúa Kitô đã đi: con đường vâng phục và nghèo khó, phục vụ và hy sinh đến độ dám hiến dâng mạng sống, như "hạt lúa gieo vào lòng đất nếu chết đi mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24), và "Máu các Thánh Tử Ðạo là hạt giống nẩy sinh các Kitô hữu". (Tertulianô).

IV. Hội Thánh tông truyền

Hội Thánh là tông truyền theo ba ý nghĩa căn bản:

  • Một là vì Ðức Giêsu thiết lập Hội Thánh kiên vững "trên nền tảng các tông đồ" (Ep 2,20);
  • Hai là vì Hội Thánh bảo vệ và truyền thông sứ điệp và chứng tá của các tông đồ (Mt 28, 19,20).
  • Ba là vì Hội Thánh được giáo huấn, thánh hóa và hướng dẫn nhờ các Ðấng kế vị các tông đồ.


Các Tông đồ được Chúa Phục Sinh sai đi: trước hết đến với con cái Ít-ra-en, rồi đến với mọi dân tộc. Nhờ tham dự vào quyền năng của Chúa Kitô, các ông có thể làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Ngài, cùng thánh hóa, lãnh đạo họ, như vậy mở rộng Hội Thánh Ngài ra. Các ông trông nom săn sóc Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20; GH 19).

Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần ở trong mình, Hội Thánh bảo vệ giáo huấn lành mạnh của các tông đồ. Giáo huấn đó làm nên kho tàng phong phú của đức tin (x.2Tm 1, 13-14). Những chân lý nầy được trình bầy rõ ràng và đơn giản trong các lời tiền tụng lễ các Tông đồ: "Cha là Mục Tử hằng hữu, không bỏ rơi đoàn chiên của Cha, nhưng nhờ các Tông Ðồ, Cha vẫn luôn giữ gìn che chở. Cha còn hướng dẫn đoàn chiên đó nhờ các ngài là những vị lãnh đạo Cha đã đặt làm mục tử thay thế Con Cha" (Lời Tiền Tụng các Tông Ðồ I).

Hội Thánh tiếp tục được các Tông Ðồ giảng dạy, thánh hóa và hướng dẫn cho đến khi Ðức Kitô trở lại, nhờ những vị kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử là các giám mục, hiệp nhất với Ðấng kế nhiệm thánh Phêrô là mục tử tối cao của Hội Thánh. "Nhờ những vị các tông đồ đặt làm Giám mục, và nhờ những đấng kế vị các ngài cho tới ngày nay, truyền thống Tông Ðồ được biểu lộ và duy trì trên khắp thế giới" (GH 20).

Chúa Kitô đã đào tạo các Tông đồ theo hình thức cộng đoàn mà Ngài đã đặt Phêrô, một người được chọn giữa các ngài, làm thủ lãnh (x.GH 19). Ngày nay, Ðức Gioan Phaolô II đã quả quyết rằng: "Hội Thánh hôm nay đồng tâm nhất trí hơn trong việc phục vụ và trong ý thức tông đồ. Sự hiệp nhất nầy phát sinh từ nguyên tắc "lập đoàn"... Chính Chúa Kitô đã trao phó nguyên tắc lập đoàn cho nhóm mười hai tông đồ, đứng đầu là Phêrô và Ngài thường xuyên trao lại cho Ðoàn các Giám mục. Giám mục đoàn không ngừng gia tăng trên khắp địa cầu nhưng vẫn hiệp nhất với người kế vị thánh Phêrô và ở dưới sự hướng dẫn của Ngài" (ÐCC 5).

V. Sống trong Hội Thánh

Theo truyền thống, Hội Thánh được miêu tả do bốn đặc tính căn bản: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Mỗi đặc tính nầy vừa là một hồng ân vừa là một nhiệm vụ liên kết Hội Thánh với Chúa Kitô.

1. Là những người bước theo Chúa Kitô, và là chi thể của thân thể Ngài là Hội Thánh, chúng ta được mời gọi hoán cải tâm hồn để thắng vượt những chia rẽ (ăn rễ nơi lạc giáo, hồi giáo, ly giáo), và nhất là thắng vượt những đối lập, những cạnh tranh, những bất hòa làm sứt mẻ sự hiệp thông của Dân Chúa.

2. Sự thánh thiện của Hội Thánh là hành trình tinh luyện để trưởng thành theo tầm vóc sung mãn của Chúa Kitô. Chúng ta hãy sống theo chân lý trong tình bác ái và lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Ðấng là Ðầu, tức là Chúa Kitô, Nhờ Ngài mà toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái (Ep 4,15).

3. Hội Thánh còn là "công giáo"nghĩa là phổ quát, là một hồng ân Thiên Chúa ban vì Hội Thánh được sai đi đem muôn dân về cho Chúa Kitô là Ðầu trong sự hiệp nhất với Thánh Thần của Ngài (x. GH 13). Ðây là một nhiệm vụ, vì tất cả Kitô hữu, không trừ ai, đều được kêu gọi truyền giảng Tin Mừng.

4. Chúa Kitô đã xây Hội Thánh trên nền tảng các Tông đồ (Eph 2,20). Ðặc sủng nầy được tiếp tục để các Giám mục kế vị các Tông đồ. Bản tính tông truyền của Hội Thánh phải được mọi tín hữu thực thi. Họ phải tiếp tục sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông đồ.



Bài 20
TỔ CHỨC HỘI THÁNH
(x. SGLC từ 0871 đến 0933)

"Ðể chăn dắt và phát triển dân Thiên Chúa luôn mãi. Chúa Kitô đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Hội Thánh, hầu mưu ích cho toàn thân. Thực vậy, các thừa tác viên sử dụng quyền bính thiêng liêng mà phục vụ anh em mình" (GH 18).

I. Các thành phần trong Hội Thánh


Hội Thánh vừa thiêng liêng vừa hữu hình, phần hữu hình ai cũng có thể thấy được. Ðó là một tổ chức, nghĩa là một tập hợp người, có những chức năng nhất định, với cơ cấu và phương thức hoạt động vì những quyền lợi chung, và nhằm một mục đích chung. Trong tổ chức Hội Thánh mọi người đều được gọi là Kitô hữu hay tín hữu. "Kitô hữu là những người được tháp nhập với Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, làm thành dân Thiên Chúa; do đó tham dự theo cách thức của mình vào chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Chúa Kitô. Họ được mời gọi thi hành sứ mệnh mà Thiên Chúa trao cho Hội Thánh chu toàn trong thế giới, mỗi người theo điều kiện của mình" (GH 31).


"Giữa các tín hữu có các thừa tác viên có chức Thánh được gọi là giáo sĩ, còn các người khác được gọi là giáo dân. Trong cả hai thành phần vừa kể, có những tín hữu tận hiến cho Thiên Chúa cách đặc biệt trong các Hội Dòng tận hiến, được gọi là tu sĩ" (Giáo Luật 207).


Tuy nhiên cơ cấu phẩm trật trong Hội Thánh không như các tổ chức xã hội ngoài đời "Hễ ai làm lớn thì lấy quyền mà cai trị dân" (Mt 20,25). Cơ cấu của Hội Thánh có Chúa Kitô là Ðầu, là trung tâm điểm, còn các thành phần khác giống như những vòng tròn đồng tâm khác nhau, nhưng tất cả "đều bình đẳng với nhau về phẩm giá và hành động. Nhờ sự bình đẳng nầy, họ cộng tác với nhau để xây dựng Thân Thể Chúa Kitô tùy theo điều kiện và chức vụ riêng từng người" (Giáo Luật 208).


II. Phẩm trật trong Hội Thánh


Ðức Giêsu đã thiết lập cộng đoàn Mười Hai Tông Ðồ và đặt thánh Phêrô đứng đầu. Các Giám Mục kế vị các Tông đồ cùng họp thành Giám mục đoàn, có Ðức Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô làm đầu. Ðức Giáo Hoàng là giám mục Rôma "Là nguyên lý và nền tảng hữu hình và vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa đông đảo các tín hữu" (GH 23). "Vì là đấng đại diện Chúa Kitô và chủ chăn của toàn thể Hội Thánh nên ngài có quyền tròn đầy, tối cao, và phổ quát để có thể tùy ý hành xử" (GH 22).


Các Giám mục theo phần mình cũng là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong các Hội Thánh ở địa phương mình. Các ngài được các linh mục và phó tế trợ giúp, Giám mục là thành viên trong Giám mục đoàn, nên không những phải điều khiển tốt Hội Thánh ở địa phương mình, mà còn phải quan tâm đến tất cả các Hội Thánh địa phương khác nữa (x. GH 23). Giám mục đoàn "Có quyền bính tối cao và tròn đầy trên toàn Hội Thánh, nhưng quyền ấy chỉ được thi hành khi có sự chấp thuận của Giám mục Rôma" (GH 22).


Các giáo sĩ gồm giám mục, linh mục và phó tế. Các ngài được chọn lựa và thiết lập để bảo đảm cho dân Thiên Chúa có các chủ chăn, và được tăng trưởng không ngừng. Các ngài nhận những tác vụ khác nhau trong Hội Thánh và trở thành thừa tác viên có chức thánh, hầu mưu ích cho toàn thân thể (x. GH 18). Vì thế, các ngài hành động nhân danh Chúa Kitô là Ðầu, nhận lãnh tác vụ và quyền bính để phục vụ như "tôi tớ của Chúa Kitô" (Rm 1,1), và thi hành tác vụ của mình trong một cộng đoàn, giám mục trong Giám mục đoàn, linh mục trong Linh mục đoàn. Sau hết mỗi vị cũng hành động với tư cách cá nhân, chịu trách nhiệm cá nhân trước Ðấng đã kêu gọi và trao quyền cho từng vị.


III. Tác vụ của Giáo sĩ


1. Giảng dạy:

"Việc rao giảng Phúc Âm là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của Giám mục. Giám mục là những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô. Giám mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, rao giảng cho những kẻ được trao phó cho các ngài" (GH 25). Cũng thế, "các Linh mục, vì là cộng sự viên của các Giám mục, nên trước tiên có nhiệm vụ loan báo cho mọi người: Phúc Âm của Thiên Chúa" (LM 4).

Ðức Giáo Hoàng thủ lĩnh giám mục đoàn, được hưởng ơn vô ngộ khi lấy tư cách là chủ chăn và thầy dạy tối cao để công bố một giáo thuyết về đức tin và phong hóa bằng một phán quyết chung cuộc. Giám mục đoàn cũng được hưởng ơn vô ngộ khi đồng thanh giảng dạy không những trong Công Ðồng chung, mà cả khi các ngài thông hảo với nhau và với Ðấng kế vị Phêrô để giảng dạy những giáo lý về đức tin và phong hóa (x.GH 25).


2. Thánh Hóa:

Giám mục có "trách nhiệm phân phối ơn thánh của Kitô, vị Tư Tế Tối Cao" (GH 26), đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Giám mục và linh mục thánh hóa Hội Thánh bằng kinh nguyện và việc làm, bằng thừa tác vụ Lời Chúa và các bí tích, bằng gương sáng "đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã trao phó cho" (1Pr 5,3).

3. Ðiều hành:

"Các giám mục điều khiển Hội Thánh riêng biệt của mình như vị đại diện và khâm sứ của Chúa Kitô, bằng lời khuyên dạy, khích lệ, gương sáng, nhưng cũng bằng uy thế và bằng thi hành quyền thánh nữa" (GH 27). Tuy nhiên, các ngài phải thi hành quyền để xây dựng, và với tinh thần phục vụ như Thầy mình (x.Lc 22,26-27), trong sự hiệp thông với Hội Thánh toàn cầu, dưới sự hướng dẫn của Ðức Giáo Hoàng.

IV. Giáo dân và sứ mệnh


Giáo dân là toàn bộ các Kitô hữu không thuộc thành phần có chức thánh hoặc tu sĩ, họ được tháp nhập với Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, hội nhập vào dân Thiên Chúa, được tham dự chức năng ngôn sứ, tư tế, và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình.


Giáo dân thực thi sứ mệnh của toàn Dân Chúa trong Hội Thánh và thế giới. Sứ mệnh của họ là "Tìm kiếm Nước Thiên Chúa ngay trong chính việc quản trị và sắp đặt các sự việc trần thế theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội... để như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới... hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ" (GH 31).


Một cách cụ thể, giáo dân:

1. Tham gia vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô bằng việc Phúc Âm hóa, "nghĩa là loan báo Chúa Kitô bằng đời sống chứng tá và bằng lời nói". Ðặc biệt trong đời sống hôn nhân và gia đình, trong sinh hoạt nghề nghiệp và những dấn thân xã hội khác (x.GH 35). Những giáo dân có khả năng và được đào tạo còn có thể góp phần trong việc dạy giáo lý (GL 774), dạy các khoa học thánh (GL 229), và trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (GL 823).

2. Tham dự vào chức vụ tư tế cộng đồng của Chúa Kitô, để làm cho "mọi hoạt động, kinh nguyện, công việc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, việc làm ăn thường ngày, việc giải lao cho tâm trí cũng như thể xác và mọi thử thách của cuộc sống... trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô" (GH 34), và hiến lễ đó được liên kết với việc dâng lên Chúa Cha. Như thế "giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa khắp nơi bằng đời sống thánh thiện của mình" (GH 34).


3. Tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô, khi họ "chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi mình, bằng một đời sống từ bỏ mình và thánh thiện" (GH 36).


• "Khi các thể chế và cảnh sống của thế giới gây nên dịp tội, họ phải góp sức làm cho chúng trở nên lành mạnh, phù hợp với tiêu chuẩn của đức công bình... như thế họ làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người". (GH 36).


• "Khi họ cảm thấy ơn gọi hoặc được mời gọi cộng tác với các chủ chăn để phục vụ cộng đoàn Hội Thánh, bằng cách thi hành những tác vụ khác nhau tùy theo ơn huệ và đặc sủng mà Chúa trao ban (EN 11), chẳng hạn Hội nghị giáo phận (GL 463), Hội đồng mục vụ (GL 511).


• Khi họ biết "phân biệt đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của mình, xét theo là phần tử của Hội Thánh và xét theo là phần tử của xã hội loài người. Rồi họ cố gắng hòa hợp cả hai loại quyền lợi và nghĩa vụ đó bằng cách nhớ rằng lương tâm Kitô giáo phải hướng dẫn họ trong mọi lãnh vực trần thế"(GH 36).


V. Ðời Thánh Hiến


Ðây là bậc sống được thiết lập do việc tuyên khấn các lời khuyên của Phúc Âm, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh, nhưng cũng gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Hội Thánh (x. GH 44). "Ðặc điểm của đời thánh hiến chính là việc tuyên khấn ba lời khuyên trong một bậc sống cố định được Hội Thánh chấp thuận" (GH 43). Ðời thánh hiến giống như một cây sinh nhiều chi nhánh xum xuê, đã phát sinh nhiều lối sống khác nhau như:


1. Ðời sống ẩn tu:

Các vị ẩn tu không tuyên khấn công khai giữ ba lời khuyên, nhưng hiến dâng cuộc đời để ca tụng Thiên Chúa và cứu độ thế giới bằng việc sống tách biệt hẳn khỏi trần thế, trong thinh lặng cô tịch, trong cầu nguyện liên lĩ và hãm mình (GL 603).

2. Các trinh nữ:

Từ thời các Tông Ðồ đã có các trinh nữ, là những tín hữu được Chúa mời gọi sống trọn vẹn gắn bó với Người (x.1Cr 7,34-36) để tất cả trái tim, thân xác và tinh thần được tự do hơn, họ đã quyết định sống trong bậc đồng trinh vì Nước Trời (x.Mt 19,12), quyết định được Hội Thánh chấp thuận.

3. Ðời sống dòng tu:

Phát sinh từ Ðông phương và những thế kỷ đầu, đời sống dòng tu khác với những hình thức sống thánh hiến ở khía cạnh phượng tự, tuyên khấn công khai giữ các khuyên Phúc Âm, sống chung với nhau trong tình huynh đệ, làm chứng về sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Hội Thánh (x.GL 607).

4. Các tu hội đời:

Là tu hội sống đời thánh hiến, trong đó các tín hữu sống các lời khuyên Phúc Âm giữa đời để tiến tới Ðức Ái toàn hảo, và nỗ lực góp phần thánh hóa đời, nhất là từ bên trong (GL 710), theo kiểu men trong bột.

5. Các tu đoàn Tông Ðồ:

Cũng là hội dòng tận hiến nhưng không có lời khấn dòng và chỉ theo đuổi mục tiêu tông đồ riêng của tu đoàn. Họ sống chung trong tình huynh đệ theo lối sống đặc thù của họ, và tiến tới Ðức Ái toàn hảo bằng việc tuân giữ hiến pháp của Tu đoàn (GL 131).

Như thế, những người hiến thân cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự, đã được thánh hiến nhờ bí tích Thánh Tẩy, lại được thánh hiến thâm sâu hơn để phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ lợi ích của Hội Thánh, "nên họ có bổn phận làm việc truyền giáo đặc biệt hơn theo thể chế của họ" (GL 783). Ðời thánh hiến xuất hiện như dấu chỉ đặc biệt của Mầu Nhiệm Cứu Ðộ, và dầu chứng tá của đời sống ấy có công khai hay kín đáo hoặc bí ẩn nữa, thì việc Chúa Kitô quang lâm vẫn là cội nguồn và là Vừng Ðông cho cuộc sống thánh hiến của họ (x.GH 44).


VI. Giáo Hội Việt Nam trong lòng dân tộc


Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn đường hướng mục vụ là "Sống Phúc Âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào" (Thư Chung 1980). Muốn đạt mục đích đó, Giáo Hội Việt Nam phải nỗ lực để trở thành:


1. Một cộng đoàn các tín hữu sống hiệp thông đích thực với Thiên Chúa để có thể hiệp thông với nhau chân thành hơn. Hiệp thông với nhau nhưng không đồng hóa (hòa nhi bất đồng), không k?hị, cục bộ, tự tư tự lợi, cá nhân chủ nghĩa; và để hiệp thông với cả vũ trụ vạn vật nữa, không lãng phí tài nguyên, không gây ô nhiễm môi sinh, không sử dụng của cải vào mục tiêu xấu. Ðồng bào ta sẽ căn cứ vào sự hiệp thông như trên để nhận ra ta là môn đệ đích thực của Chúa Kitô (x.Ga 13,35).


2. Một cộng đoàn hiệp thông chỉ để phục vụ cách khiêm tốn, không theo thói "thủ lãnh các dân và những người làm lớn" quen có những hình thức hách dịch, quan liêu, cửa quyền (x.Mt 20,25), nhưng theo gương Chúa Kitô luôn "hiền lành và khiêm tốn" (Mt 12,29), "không để cho người ta phục vụ, nhưng để phục vụ mọi người" (Mt 20,28), nhất là phục vụ những người nghèo khổ, bất hạnh, bị xã hội bỏ rơi.


3. Một cộng đoàn hiệp thông với đông đảo anh chị em thuộc các tôn giáo bạn. Luôn ý thức mình chỉ là một thiểu số trong dân tộc, không thể dửng dưng, khép kín; nhưng sẵn sàng đối thoại, tôn trọng, hợp tác trong tất cả những gì ích nước lợi dân, xóa dốt giảm nghèo, xây dựng một nếp sống và lối diễn tả đức tin có bản sắc dân tộc hơn (x. Thư Chung Mục vụ 1992). Ngày nay, hiệp thông là một trong những dấu chỉ hùng hồn nhất và là một trong những đường lối hữu hiệu nhất để phục vụ Phúc Âm (x.KHGD 64).


1630    22-03-2011 07:36:20