Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành_Bài 29 đến Bài 31


Bài 29
BÍ TÍCH THÁNH TẨY
(x. SGLC từ 1213 đến 1284)

"Thật, tôi bảo thật ông: không có ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi Nước và Thần Khí. Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là Thần Khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: Các ông cần được sinh ra bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết nó từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần khí mà sinh ra thì cũng vậy" (Ga 3, 15-16) "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án" (Mc 15, 15-16).

Bí tích Thánh Tẩy là bước đầu tiên trong hành trình gia nhập Kitô giáo. Ðời sống Kitô hữu chỉ thực sự bắt đầu với Thánh Tẩy. Bởi vì Bí tích Thánh tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô giáo, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh, và các Bí tích khác.


I. Ý nghĩa của Bí Tích Thánh Tẩy

Tên gọi "Thánh Tẩy" bắt nguồn từ nghi thức chính yếu của việc cử hành Bí tích này: người dự tòng được "dìm xuống nước", "ngụp lặn trong nước hay được đổ nước trên đầu, nói lên ý nghĩa được mai táng với Ðức Giêsu trong cái chết, để được sống lại với Người, trở thành "thọ tạo mới" (2Cr 5,17; G1 6,5). Ðây cũng là "Phép Rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới" (Tt 3,5). Nhờ "sinh ra bởi nước và Thần Khí", người được rửa tội nhận được "Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người (Ga 1,9), họ trở thành "con cái ánh sáng (1Tx 5,5) và là ánh sáng" (Ep 5,8).

II. Bí tích Thánh tẩy trong công cuộc cứu rỗi


Trong Phụng vụ Ðêm Vọng Phục Sinh, khi thánh hóa nước rửa tội, Hội Thánh nhắc lại những biến cố lớn trong lịch sử cứu độ, báo trước Bí tích Thánh tẩy. Ngay từ buổi đầu sáng thế, Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên nước, để ban cho nước có khả năng phát sinh sự sống (x. St 1,1-2). Nước đại hồng thủy vừa hủy diệt tội lỗi, vừa cứu thoát gia đình ông Nôê. Hội Thánh thấy con tàu Nôê báo trước ơn cứu độ nhờ Bí tích Thánh tẩy. Nước Biển Ðỏ đã giết chết dân tội lỗi, và giải thoát dân Thiên Chúa (x. Xh 14, 1-31). "Chúa đã giải thoát con cháu Abraham khỏi vòng nô lệ, mà dẫn qua Biển Ðỏ ráo chân, để họ tượng trưng cho một dân tộc mới, là những người được Thánh tẩy sau này" (Vọng Phục Sinh, làm phép Nước Rửa Tội).


Nước tượng trưng cho sự sống, nhưng nước cũng tượng trưng cho sự chết. Bởi vậy, nước Thánh Tẩy có thể tượng trưng cho Mầu Nhiệm Vượt Qua: được rửa tội là cùng chết với Ðức Kitô, và cùng sống lại với Người (x. Rm 6, 3-11). Ðức Giêsu đã đến để thực hiện và hoàn tất những hình ảnh về Bí tích Thánh Tẩy được loan báo trong Cựu Ước. Người đã tự nguyện hạ mình để cho ông Gioan làm phép rửa tại sông Giođan, hầu báo trước Bí tích Thánh Tẩy mà Người sẽ thiết lập trong mầu nhiệm Phục Sinh. Máu và Nước từ cạnh sườn Chúa chịu đóng đinh trên thập giá (x.Ga 19,3-4) ám chỉ Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thánh Thể. Và từ giây phút ấy, chúng ta có thể được "sinh ra bởi nước và Thần Khí" để "có thể được vào Nước Thiên Chúa" (Ga 3,5.


Ngay từ Lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh đã cử hành Bí tích Thánh Tẩy (x. Cv 2,38), sau đó các tông đồ và những cộng tác viên đã ban phép Thánh tẩy cho tất cả những ai kính Ðức Giêsu: người Do Thái cũng như người ngoại giáo (x. Cv 2,41; 8, 12-13; 10, 48; 16, 15).


III. Sự cần thiết của Bí tích Thánh tẩy


Chính Ðức Giêsu khẳng định Bí tích Thánh tẩy là cần thiết để được cứu độ (x. Ga 3,5), và Hội Thánh cũng quả quyết theo Chúa mình, vì Hội Thánh không có phương thế nào khác ngoài Bí tích Thánh tẩy, bảo đảm cho con người được hưởng hạnh phúc đời đời. Vì thế, Thánh tẩy được coi là Bí tích quan trọng nhất, và cần thiết nhất, mặc dù không cao trọng bằng bằng Bí tích Thánh Thể.


Cha mẹ Kitô giáo phải lo cho con cái sinh ra được rửa tội trong vòng một tháng. Thừa tác viên thông thường của Bí tích Thánh Tẩy là Giám mục, Linh mục và Phó tế. Trong trường hợp khẩn thiết, thì bất cứ ai (kể cả người ngoại) cũng có thể rửa tội, miễn là có ý muốn làm điều Hội Thánh làm khi rửa tội, và sử dụng công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi.


Tuy nhiên không chỉ có Thánh Tẩy bằng nước mới đưa đến ơn cứu độ: đây là đường lối chính thức và thông thường. "Thiên Chúa đã liên kết ơn cứu độ với Bí tích Thánh Tẩy, nhưng chính Người không bị các bí tích ràng buộc". Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người (x. 1Tm 2,4) nên ai sống theo lương tâm và thi hành ý muốn Thiên Chúa, cũng có thể được cứu độ (x. GH 16). "Vì Chúa Kitô đã chết cho tất cả, và vì mọi người chỉ có một ơn gọi cuối cùng là kết hợp với Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh, cách nào đó, chỉ có Chúa biết thôi" (MV 22). Những người chịu chết vì đức tin mà chưa được rửa tội, thì được coi như Thánh Tẩy bằng máu (thí dụ các Thánh Anh Hài). Những người ước muốn được Thánh tẩy, dù chưa theo đạo hay đang thời kỳ dự tòng, mà chết trước khi được toại nguyện, được kể vào trường hợp Thánh tẩy bằng ước muốn. Riêng các trẻ em chết mà chưa được rửa tội, Hội Thánh tin tưởng phó thác các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa, và hy vọng có một con đường cứu độ dành cho các em (x. Nghi thức an táng trẻ nhỏ).


IV. Ân sủng của Bí tích Thánh tẩy


Người Kitô hữu đã chịu Thánh tẩy là người đã chết cho tội lỗi để sống cho Thiên Chúa (x. Rm 6,11), do vậy hai hiệu quả chính của Bí tích Thanh tẩy là rửa sạch tội lỗi và sinh lại trong Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,38; Ga 3,5).


• Ðược tha thứ tội lỗi: Mọi tội lỗi đều được tha: tội nguyên tổ, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội. Tuy nhiên, vẫn còn đau khổ, bệnh tật, yếu đuối và sự hướng chiều về tội lỗi. vì thế, cuộc sống Kitô hữu là cuộc chiến đấu cam go và liên tục, chống lại tội lỗi và các khuynh hướng xấu.


• Trở nên thụ tạo mới: (x. 2Cr 5,7) Bí tích Thánh tẩy làm cho một người thành một con người mới, thành nghĩa tử của Chúa Cha (x. G1 4,5-7) "được thông phần bản tính Thiên Chúa" 2Pr 1,4), thành chi thể của Chúa Kitô (x. 1Cr 6,19; 12,27), thành đền thờ Chúa Thánh Thần (x 1Cr 6,19). Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho người được rửa tội ơn thánh hóa và ơn công chính hóa, cùng với ba nhân đức Tin, Cậy, Mến, các hồng ân Chúa Thánh Thần, và các nhân đức khác. Tất cả đời sống siêu nhiên của người Kitô hữu đều bắt nguồn từ Bí tích Thánh tẩy.


• Tháp nhập vào Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô: Bí tích Thánh tẩy làm cho chúng ta thành chi thể trong thân thể Chúa Kitô, là Hội Thánh (x. 1Cr 12,13) "thành những viên đá sống động... để xây nên đền thờ của Thánh Thần, xây dựng hàng tư tế Thánh" (x 1pr 2,5). Họ tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô. Trở thành phần tử của Hội Thánh, người Kitô hữu liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô và với anh em. Họ được quyền lãnh nhận các Bí tích sự sống, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được Hội Thánh trợ giúp thiêng liêng. Ðồng thời họ có bổn phận xây dựng Hội Thánh bằng tình hiệp thông và phục vụ nhau, vâng lời các vị lãnh đạo, tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của dân Thiên Chúa (x. GH 17; TG 7,23). Cũng phải nói thêm là: Bí tích Thánh tẩy không chỉ là mối giây hiệp nhất giữa những người Công giáo, mà còn giữa tất cả các Kitô hữu, những anh em Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo, đã được rửa tội đúng phép, nhưng chưa hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh Công giáo.


• Dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa: Ðược trở nên "đồng hình đồng dạng" với Chúa Kitô (x Rm 8,29) nhờ Thánh Tẩy, người Kitô hữu được ghi một dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa. Vì thế, mỗi người chỉ nhận Bí tích Thánh tẩy một lần mà thôi. Dấu ấn này xác nhận người Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô, hiến thánh họ để thi hành chức tư tế cộng đồng bằng việc tham dự vào việc phụng vụ của Hội Thánh, bằng đời sống thánh thiện và chứng nhân. Người Kitô hữu phải gìn giữ dấu ấn này cho đến cùng, nghĩa là trung thành với những đòi hỏi của Bí tích Thánh Tẩy, để được hưởng sự sống và vinh quang Thiên Chúa.


V. Cử hành Bí tích Thánh tẩy


Ý nghĩa và ân sủng của Bí tích Thánh tẩy được trình bày rõ ràng trong các nghi thức cử hành. Qua các cử chỉ và lời nói, chúng ta hiểu được sự phong phú mà Bí tích biểu thị và thực hiện nơi người tân tòng.


• Dấu Thánh giá được ghi trên trán người dự tòng, cho thấy họ thuộc về Chúa Kitô, Ðấng cứu chuộc nhân loại nhờ Thánh Giá.

• Việc công bố Lời Chúa soi sáng Người dự tòng và cộng đoàn, đồng thời gợi lên lời đáp trả của đức tin.
•  Lời nguyện trừ tà được vị chủ sự đọc cùng với việc xức dầu dự tòng giải thoát họ khỏi tội lỗi và khỏi ma quỉ, rồi họ công khai từ bỏ Xatan.
•  Nước rửa tội được thánh hiến nhờ quyền năng Thánh Thần, để người dự tòng được "sinh ra bởi nước và Thần Khí" (Ga 3,5).
•  Nghi thức chính yếu là đổ nước ba lần trên đầu người dự tòng (hoặc dìm xuống ba lần) nói lên và thực hiện việc chết đối với tội lỗi, và bước vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.
• Việc xức dầu Thánh làm cho người tân tòng trở nên Kitô hữu, nghĩa là "được xức dầu" bằng Chúa Thánh Thần, để tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô.
• Áo trắng trao cho người tân tòng, tượng trưng "mặc lấy Chúa Kitô" (G1 3,27).
• Nến sáng được thắp từ cây nến Phục Sinh, biểu thị Chúa Kitô soi sáng người tân tòng, và nhờ đó trở thành "ánh sáng cho trần gian" (mt 5,14); xP1 2,15).

Sau cùng là Kinh Lạy Cha và phép lành trọng thể.


VI. Ai có thể nhận lãnh Bí tích Thánh tẩy?


Tất cả những người chưa được rửa tội đều có thể nhận lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Bí tích Thánh Tẩy trong Hội Thánh Công giáo thường được ban cho người lớn cũng như trẻ em.

a. Rửa tội cho người lớn:
Ngay từ thời các tông đồ, người lớn nhập đạo phải trải qua thời kỳ dự tòng gồm nhiều giai đoạn. Công đồng Vatican II đã tái lập thời kỳ dự tòng dành cho người lớn (x. Nghi thức gia nhập Kitô giáo dành cho người lớn - 1972). Thời kỳ dự tòng hoặc thời gian huấn luyện gồm việc dạy giáo lý kèm theo những nghi thức phụng vụ, có mục đích giúp đương sự đáp lại lời mời cứu độ của Thiên Chúa, và hiệp thông với cộng đoàn Hội Thánh, hoán cải và tiến đến một đức tin trưởng thành, để sẵn sàng nhận lãnh ba Bí Tích nhập đạo. "Ðây chính là thời gian huấn luyện đời sống Kitô giáo đầy đủ... để nhờ đó, môn đệ liên kết với Chúa Kitô là Thầy mình. Các người dự tòng được khai tâm về mầu nhiệm cứu rỗi, tập sống theo Phúc Âm, và qua các nghi lễ được cử hành theo từng giai đoạn, họ được đưa vào đời sống đức tin phụng vụ và bác ái của dân Chúa" (x. PV 64-65).

b. Rửa tội cho trẻ em:
Có nhiều người đề nghị hoãn việc rửa tội cho trẻ sơ sinh tới khi chúng biết lựa chọn và ý thức được điều cam kết. Truyền thống rửa tội cho trẻ em được Hội Thánh xác nhận là bắt đầu từ thế kỷ thứ hai. Nhưng rất có thể ngay từ đầu, các Tông đồ cũng đã rửa tội cho trẻ em, khi có những gia đình mà "cả nhà" đều chịu phép rửa (x. Cv 16, 15 .. 33; 18,8; 1Cr 1,16). Cả người lớn lẫn trẻ em đều cần được tẩy xóa tội lỗi, và sinh ra trong đời sống mới, nhờ Bí tích Thánh tẩy. Thiên Chúa ban ơn cứu độ hoàn toàn nhưng không cho con người, cho nên nếu không cho trẻ em lãnh nhận Bí Tích Thánh tẩy để trở nên con cái Thiên Chúa là một thiệt thòi rất lớn. Do đó, Hội Thánh và cha mẹ phải lo cho các em được rửa tội càng sớm càng tốt sau khi sinh (x. G1 8,67).

VII. Ðức tin và Bí tích Thánh tẩy

Cũng như mọi Bí tích, Bí tích Thánh tẩy là Bí tích Ðức tin. Bí tích Thánh Tẩy không những đòi hỏi phải có đức tin để lãnh nhận, mà còn thông ban đức tin. Hội Thánh ban Thánh tẩy cho trẻ nhỏ dựa trên đức tin của cộng đoàn, nhất là của cha mẹ và người đỡ đầu. Dù là của người lớn hay của trẻ nhỏ, đức tin của mỗi người tín hữu đều khơi nguồn và gắn liền với đức tin của Hội Thánh. Ðức tin của những người đã được rửa tội chỉ mới là mầm mống và khởi đầu, cần được lớn lên tới mức trưởng thành. Cha mẹ và người đỡ đầu được Hội Thánh trao cho trách nhiệm giúp đỡ những người đã được rửa tội (người lớn cũng như trẻ nhỏ) để ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy được phát triển. Họ phải dùng lời nói cũng như gương sáng của một đời sống đạo tốt lành, để giúp đỡ con cái hay con đỡ đầu. Hơn nữa, họ còn phải lo cho con cái hay con đỡ đầu được theo học giáo lý thích hợp với hoàn cảnh và tuổi tác. Toàn thể cộng đoàn Hội Thánh cũng có phần trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát triển ơn Thánh tẩy. Vì thế, hằng năm trong Ðêm Vọng Phục Sinh, Hội Thánh cho các tín hữu nhắc lại lời hứa rửa tội.

VIII. Sống Bí tích Thánh tẩy


Người Kitô hữu chỉ lãnh nhận Thánh tẩy một lần trong đời, nhưng họ phải cố gắng sống ơn Thánh tẩy suốt cuộc đời. Sống ơn Thánh tẩy là nên Thánh. Công Ðồng Vatican II đã kêu gọi mọi tín hữu nên Thánh như sau: "Ðược Thiên Chúa kêu gọi, và được công chính hóa trong Ðức Giêsu.... các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, bí tích Ðức Tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa, và được thông phần vào bản tính Người. Và do đó, thực sự đã trở nên Thánh. Cho nên với ơn Chúa, họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận. Họ được thánh Tông đồ khuyên:

Sống xứng đáng là các Thánh (Ep. 5,3).

• "Là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại" (C1 3,12).

• Và dùng hoa trái của Thánh Thần để thánh hóa mình (x. G1 5,22; Rm 6,22). "Nhưng vì chúng ta ai cũng có nhiều lỗi lầm (x. Gc 3,2) nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa, và hằng ngày phải cầu nguyện "xin tha nợ chúng con" (Mt 6,12). Ðể đạt tới sự trọn lành đó, tín hữu phải sử dụng những sức lực mà Chúa Kitô đã ban, nhiều ít tùy ý Người, để nên giống Người khi theo vết chân Người, và khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng tìm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. (GH 40).


Bài 30
BÍ TÍCH THÊM SỨC
(x. SGLC từ 1285 đến 1321)

"Nhờ ơn Bí tích Thêm sức, tín hữu gắn bó với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn, và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm, như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô". (GH 11).

Cũng như sự sống tự nhiên của thân xác, sự sống thần linh của người Kitô hữu do phép Thánh tẩy, cần lớn lên và đạt tới mức trưởng thành (x. Ep 4,13; C1 1,28). Bí tích Thêm sức được coi là Bí tích trưởng thành của đời sống Kitô hữu. Bí tích Thêm Sức củng cố và hoàn tất những hiệu quả của Bí tích Thánh tẩy. Cả hai Bí tích này biệt lập với nhau, nhưng bổ túc cho nhau và cùng với Bí tích Thánh Thể, làm nên bộ ba, hoàn thành hành trình gia nhập Kitô giáo.


I. Nguồn gốc Bí tích Thêm Sức


Ðược thụ thai bởi Chúa Thánh Thần trong lòng Trinh Nữ Maria, và được Chúa Thánh Thần ngự xuống khi chịu phép rửa tại sông Giođan, lúc khai mạc cuộc đời hoạt động công khai, Ðức Giêsu luôn hiệp thông trọn vẹn với Chúa Thánh Thần nơi bản thân, cũng như khi thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó. Ðiều này chứng tỏ Ðức Giêsu chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến, Ðấng Mêsia (x. Mt 3,13-17); Ga 1,33-34). Nhưng Ðức Giêsu không lãnh nhận tràn đầy Chúa Thánh Thần cho riêng mình, mà còn cho tất cả những ai tin vào Người: đó là dân của Ðấng Mêsia (x. Ed 36, 25-27; Ge 3, 1-2). Vì thế, Chúa Phục Sinh đã thông ban Thánh Thần cho các Tông Ðồ vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, và tràn đổ ơn Thánh Thần cách đặc biệt vào ngày lễ Ngũ Tuần như Người đã hứa (x. Cv 2,1-4). Sau đó, để thi hành ý muốn của Chúa Kitô, các Tông đồ đã đặt tay trên những người mới theo đạo, để ban Chúa Thánh Thần, nhằm hoàn tất ơn Thánh Tẩy (x. Cv 8, 15-17; 19, 5-6). Việc đặt tay ban Thánh Thần của các Tông Ðồ, được coi là nguồn gốc Bí tích Thêm Sức trong Hội Thánh. Sau đó, một thời gian việc xức dầu thánh được thêm vào cùng với việc đặt tay. Cả hai nghi thức này làm nên thành phần chủ yếu của Bí Tích Thêm Sức.


II. Nghi thức và thừa tác viên của Bí tích Thêm Sức


Nghi thức Bí Tích Thêm Sức chính yếu ở việc xức Dầu Thánh trên trán người đã chịu Thánh Tẩy, và việc đặt tay cùng với lời đọc: "Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần".

Việc xức dầu nói lên ý nghĩa của tên gọi Kitô hữu (Người được xức dầu) bắt nguồn từ Chúa Kitô, "Ðấng được xức dầu", vì "Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người" (Cv 10,38). Từ thời xa xưa, việc xức dầu mang nhiều tính biểu tượng. Dầu có sức thanh tẩy, chữa lành và tăng thêm sức mạnh. Trong Cựu ước, các vua và các tư tế đều được xức dầu tấn phong. Chúa Kitô là "Ðấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận" (Ga 6,27), nên người Kitô hữu cũng được ghi dấu ấn của Chúa Thánh Thần, nhờ việc xức dầu, để xác nhận người đó hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, và sống cho Người, đồng thời được Thiên Chúa bảo đảm trong cơn thử thách của ngày tận thế. Dấu ấn này thiêng liêng và không thể tẩy xóa, nên người Kitô hữu chỉ lãnh nhận Bí tích Thêm Sức một lần trong đời mà thôi.

Trước nghi thức chủ yếu của Bí tích Thêm Sức, Ðức Giám mục giơ hai tay trên những người lãnh nhận bí tích này. Cử chỉ này là dấu hiệu ban Chúa Thánh Thần, có nguồn gốc từ thời các Tông đồ. Kết thúc nghi thức Bí tích Thêm Sức là cái hôn bình an (ở Việt Nam, thường là cái vả nhẹ lên má), nói lên và bày tỏ mối hiệp thông với Ðức Giám mục, và với tất cả mọi tín hữu.


Thừa tác viên chính thức và thông thường của Bí tích Thêm Sức là các Ðức Giám mục, và khi có lý do chính đáng, các giám mục có thể ủy quyền cho các Linh mục. Khi một linh mục rửa tội cho người lớn, thì cũng chính linh mục đó có quyền ban Phép Thêm Sức trong cùng một lần cử hành duy nhất. Nếu một Kitô hữu có nguy cơ tử vong, thì bất cứ linh mục nào cũng phải ban phép Thêm Sức cho người đó.


III. Hiệu quả Bí tích Thêm Sức


Bất cứ Bí tích nào cũng ban ơn Chúa Thánh Thần, nhưng trong Bí tích Thêm Sức, Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy trên các người lãnh nhận, cũng như xưa đã xuống trên các Tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần. Như vậy, Bí tích Thêm Sức đào sâu và làm cho lớn lên ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy:

Ơn làm con cái Thiên Chúa nhờ Thánh tẩy, được sâu xa và bảo đảm hơn,

Làm tăng thêm những ân huệ của Chúa Thánh Thần,

Gắn bó với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn,

Kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô,

• Và làm thành chứng nhân của Chúa Kitô, để bảo vệ và ban truyền đức tin bằng lời nói và việc làm, để can đảm tuyên xưng Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh.

IV. Ðiều kiện lãnh nhận Bí tích Thêm Sức

Tất cả những người đã chịu Thánh Tẩy đều có thể và phải lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, để việc gia nhập Kitô giáo được hoàn tất. Tuy nhiên, để lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức cách hiệu quả, cần có những điều kiện sau đây:

• Người lãnh nhận đã đến tuổi khôn, tức là tuổi biết phân biệt lành dữ. Bí tích Thêm Sức được gọi là "Bí tích trưởng thành Kitô giáo". Nhưng cũng nên lưu ý rằng: trưởng thành siêu nhiên là do ơn Chúa, không nhất thiết lệ thuộc vào sự trưởng thành tự nhiên của tuổi tác.

• Phải học giáo lý một thời gian để chuẩn bị lãnh Thêm sức. Giáo lý Thêm Sức nhằm dẫn đưa người Kitô hữu kết hợp với Chúa Kitô thân mật hơn, yêu mến và sẵn sàng với tiếng gọi của Chúa Thánh Thần, ý thức và sống mầu nhiệm hiệp thông với Hội Thánh toàn cầu, và cụ thể là với cộng đoàn giáo xứ.

• Phải ở tình trạng ân sủng, không vướng mắc tội nặng. Tốt hơn là nên đi xưng tội, và tha thiết cầu nguyện, để có thể lãnh nhận ân sủng Chúa Thánh Thần cách thích hợp.

• Ngoài ra, cần chọn một người làm cha hay mẹ đỡ đầu, để nâng đỡ đời sống đức tin. Nên giữ lại cha hoặc mẹ đỡ đầu khi chịu Thánh Tẩy, để nêu rõ tính thống nhất của hai bí tích này.

V. Bổn phận của những người đã lãnh bí tích Thêm sức


Nhờ Bí tích Thêm Sức, người Kitô hữu được tăng cường sức mạnh để bảo vệ và mở rộng đức tin của mình. Việc đọc và suy gẫm Lời Chúa thường xuyên, không những nuôi dưỡng mà còn phát triển đức tin nơi người Kitô hữu. Trung thành và thường xuyên đến với cộng đoàn Hội Thánh trong các cử hành Phụng vụ (x. Dt 10,25), nhất là cộng đoàn Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, đó là cách liên kết với Hội Thánh có hiệu quả, để duy trì và phát triển đức tin. Tham gia các hội đoàn, hoặc lãnh nhận một công việc phục vụ trong giáo xứ (như dạy giáo lý), sẽ giúp người Kitô hữu thi hành bổn phận Thêm Sức.

Ngoài ra, người đã lãnh Thêm Sức cũng có bổn phận làm tông đồ, nghĩa là làm cho người khác nhận biết, yêu mến và phục vụ Chúa Kitô, đối với những người cùng đức tin, cũng như với những người chưa tin. "Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt" (Dt 10,24). "Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc Âm và thánh hóa. Chính chứng tá của đời sống Kitô, và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên, có sức lôi kéo người ta đến đức tin, và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán: "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời" (Mt 5,16). Tuy nhiên, việc tông đồ này không chỉ tại ở việc làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói hoặc cho người chưa tin, để đưa họ đến đức tin, hoặc cho tín hữu để giáo huấn họ, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn, vì "tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta" (2Cr 5,14) (TÐ 6).


Bài 31
B Í TÍCH THÁNH THỂ
(x. SGLC từ 1322 đến 1344)

"Trong bữa tiệc sau hết, đêm bị nộp, Đấng Cứu chuộc chúng ta đã thiết lập Hy tế Tạ ơn bằng Mình Máu Người, để nối dài Hy tế Khổ giá qua các thời đại, cho tới khi Người lại đến, và để trao cho Hội Thánh, hiền thê yêu quí của Người, việc tưởng niệm sự chết và sống lại của Người: đó là Bí tích Tình Yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái. Bữa tiệc Vượt Qua trong đó Chúa Kitô được tiếp nhận như lương thực, tâm hồn được tràn đầy ân sủng, và ta có đảm bảo được vinh quang tương lai" (PV 47).

I. Bí tích Thánh Thể: nguồn suối và chóp đỉnh đời sống Hội thánh


Ngày Chúa Nhật người ta thấy Kitô hữu tấp nập tới nhà thờ dự lễ. Đó là một sinh hoạt nổi bật và thường xuyên trong đời sống Kitô hữu. Vì dự lễ là cử hành Bí tích Thánh Thể, cử hành chính Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, tâm điểm của kế hoạch cứu độ. Thực vậy, "các bí tích khác cũng như tác vụ trong Hội Thánh, và các nhiệm vụ tông đồ, đều liên kết và qui hướng về Bí tích Thánh Thể; vì Bí tích ấy chứa đựng toàn kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh, là chính Chúa Kitô, Mầu nhiệm Vượt Qua của chúng ta. Người là Bánh Hằng Sống ban sự sống cho nhân loại" (LM 5). Bí tích Thánh Thể còn là chóp đỉnh toàn thể việc Phúc Âm hóa (x. LM 5). Phúc Âm hóa là sứ mệnh của Hội Thánh, Hội Thánh phải loan báo và xây dựng Nước Thiên Chúa, nghĩa là loan báo và xây dựng sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người và vũ trụ vạn vật. Thế mà Bí tích Thánh Thể vừa là dấu chỉ hiệp thông, vừa thực hiện sự hiệp thông với Thiên Chúa, và sự hiệp nhất trong Dân Thiên Chúa, nhờ đó mà Hội Thánh thực sự là Hội Thánh. Bí tích Thánh Thể vừa là tuyệt đỉnh của hành động Thiên Chúa thánh hóa thế giới trong Chúa Kitô, vừa là tuyệt đỉnh của việc tôn thờ mà loài người nhờ Chúa Thánh Thần dâng lên Chúa Kitô, và nhờ Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha.


II. Bí tích Thánh Thể là gì?


Bí tích Thánh Thể chứa đựng chính Chúa Kitô, và là chóp đỉnh sứ vụ của Hội Thánh, nên chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc và phong phú, không thể hiểu hết được. Hội Thánh dã luôn tuyên xưng: "Đây là mầu nhiệm Đức Tin". Tuy nhiên ta có thể hiểu được một số khía cạnh chính của Bí tích, nhờ các tên quen dùng để gọi Bí tích ấy, như:


1. Lễ tạ ơn (1Cr 11,24), vì dân Do Thái quen chúc tụng cảm tạ, thường là trong bữa ăn, để ca ngợi những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện, như sáng tạo, cứu độ, thánh hóa.


2. Tiệc của Chúa (1Cr 11,20), vì nhớ đến bữa Tiệc ly Chúa đã dự với các Tông đồ trước khi chịu khổ nạn, và cũng nhắc tới bữa tiệc cưới của Chiên Con trong Nước Trời (Kh 19,9).


3. Lễ Bẻ Bánh (Cv 2,42), vì cử chỉ này Đức Giêsu thường làm khi chúc lành và chia Bánh (Mt 14,19), nhất là trong Bữa Tiệc Ly (Mt 26,26), và khi hiện ra với hai môn đệ đi về Emmau (Lc 24,30).


4. Hội họp Tạ ơn (1Cr 11, 17.33) nói đến việc các tín hữu họp lại thành cộng đoàn, để cử hành Thánh lễ Tạ Ơn. Đó là dấu chỉ hữu hình về Hội Thánh.


5. Cuộc tưởng niệm (1Cr 11,25) để nhắc nhớ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, là Mầu nhiệm Vượt Qua, tâm điểm của lịch sử cứu độ.


6. Hiến tế, Thánh Lễ, Hiến tế Tạ Ơn... Vì Bí tích Thánh thể hiện tại hóa hiến tế độc nhất của Chúa Kitô, để Hội Thánh có thể cùng dâng lên Thiên Chúa (Dt 13,15).


7. Phụng vụ Thánh, Mầu nhiệm Thánh, Mầu Nhiệm Đức tin (SGLC 1330), vì việc cử hành Bí tích Thánh Thể vừa là tâm điểm của toàn thể đời sống Phụng vụ, vừa diễn đạt Phụng vụ một cách cô đọng nhất. Tuy nhiên, Bí tích Thánh Thể vẫn luôn là mầu nhiệm Đức Tin.

8. Hiệp thông, Hiệp lễ (1Cr 10, 16-17) Vì Bí Tích Thánh Thể vừa là dấu chỉ sự hiệp thông, vừa là dụng cụ để hiệp thông con người với Chúa Kitô. Khi rước lễ hay hiệp lễ là ta được thông phần Mình và Máu Chúa, để trở thành một Thân Thể. Ta còn được hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và với mọi người nữa.


9. Lễ Misa (tiếng Latinh là Missa, lấy trong lời chúc kết lễ: Ite Missa est), vì việc cử hành Mầu nhiệm Cứa độ trong Phụng vụ được kết thúc bằng việc sai các tín hữu đi vào cuộc sống thường ngày, để thực thi ý Chúa. Theo Hiến chế về Phụng vụ, Chúa Kitô đã lập Bí tích Thánh Thể để ủy thác cho Hội Thánh:

  • Việc tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Người,
  • Bí tích Tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái,
  • Bữa tiệc Vượt Qua, trong đó khi rước chúa, tâm hồn được đầy ơn sủng và
  • Đảm bảo cho ta được vinh quang tương lai (PV 47).


III. Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể


1. Khi nào? Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh thể trong Bữa Tiệc sau hết với các Tông đồ, cũng là Tiệc Vượt Qua của người Do Thái, trước khi Người chịu khổ hình (x. Lc 22,14-16).

2.  Thế nào? Bài tường thuật của Thánh Phaolô là văn kiện Tân ước tiên khởi cho biết: "Trong đêm bị nộp, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ đến Thầy" (1Cr 11, 23-25).

IV. Đức Giêsu ban quyền cử hành Bí tích Thánh Thể

Khi lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã truyền cho các Tông đồ rằng: "Hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ Thầy". Người không chỉ muốn các Ngài tưởng niệm Người, cũng như công việc Người làm mà thôi, nhưng theo ý nghĩa của Tân Ước, tưởng niệm vừa là nhớ đến, vừa là hiện tại hóa điều mình tưởng niệm. Như thế, Người muốn để hiến tế Người dâng chỉ một lần trên thập giá được hiện tại hóa, và công trình cứu độ được thực hiện (x. GH 3). Nhờ các tông đồ, Người đã làm cho các Giám mục, những vị kế nghiệp các tông đồ, có thể tham dự vào cuộc thánh hiến, và vào sứ mệnh của Người. Các giám mục lại trao nhiệm vụ thừa tác của mình một cách hợp pháp cho các Linh mục. Giám mục và Linh mục trở thành tư tế đích thực của Giao ước mới. (x. GH 28). Đức Giêsu đã ban quyền cử hành Bí Tích Thánh thể cho các tông đồ và các vị kế nghiệp các tông đồ là các Giám Mục. Các giám mục lại trao quyền cho các linh mục qua Bí Tích Truyền Chức. Do đó, chỉ các linh mục được phong chức thành sự mới có thể chủ sự để cử hành Bí tích Thánh Thể, và thánh hiến bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa.

V. Đức Giêsu ngự trong Bí tích Thánh Thể

1. Khi nào? Đức Giêsu ngự trong hình bánh hình rượu khi Truyền Phép, và Người ngự ở đó bao lâu hình bánh hình rượu còn.

2. Thế nào? Đức Giêsu Kitô hiện diện bằng nhiều cách: trong Lời Chúa, trong kinh nguyện của Hội Thánh "Khi có hai ba người họp lại nhân danh Thầy" (Mt 18,20), trong người nghèo, bệnh nhân, tù nhân (Mt 25, 31-46), trong các bí tích mà Người thiết lập, trong Thánh lễ và trong bản thân thừa tác viên. Nhưng ở đỉnh cao nhất là Người hiện diện trong hình bánh rượu (PV 7).

Cách Người hiện diện như thế chỉ có một không hai. "Bí tích Thánh Thể chứa đựng thực sự Mình và Máu cùng linh hồn và thiên tính của Đức Giêsu Kitô, nghĩa là trọn vẹn Chúa Kitô" (DS 1651). Nhờ Lời Chúa Kitô và tác động Chúa Thánh Thần khi truyền phép, bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, và Chúa Kitô hiện diện trong đó. "Tất cả bản thể bánh được biến đổi thành bản thể Mình Chúa Kitô, và tất cả bản thể rượu thành bản thể Máu của Người; sự biến đổi này được Hội Thánh Công Giáo gọi một cách chính xác là biến bản thể (DS 1642). "Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn trong mỗi hình, và trọn vẹn trong mỗi phần nhỏ của hình bánh, hình rượu, đến nỗi có bẻ bánh cũng không chia Chúa Kitô được" (x. DS 1641).

VI. Kitô hữu với Bí tích Thánh Thể

Kitô giáo là đạo dẫn đưa con người vào mối hiệp thông với Chúa Kitô, nhờ đó được hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ vạn vật trong tình yêu và hạnh phúc. Kitô giáo lại có Bí tích Thánh Thể do Chúa Kitô thiết lập, để Bí tích này vừa là dấu chỉ hiệp thông, vừa là phương thế xây dựng và bảo tồn sự hiệp thông kể trên. Bí tích Thánh Thể thực là mầu nhiệm Đức Tin. Vì thế, Kitô hữu cần tìm hiểu suy niệm mỗi ngày sâu sắc hơn, để có thái độ thích đáng đối với Bí tích cao quí tuyệt vời này.

1. Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu: "Hội Thánh hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào Mầu nhiệm Đức Tin này, không như những khách bàng quan câm lặng, nhưng là những người thấu đạt mầu nhiệm đó" (PV 48). Kitô hữu phải nhờ các nghi lễ, các kinh nguyện, Lời Chúa, và nhất là hiệp thông với Thánh Thể Chúa, để ngày càng cảm nghiệm hơn rằng:
• Tình yêu Chúa Kitô là cao sâu, vì Người là Thiên Chúa mà lại muốn cho ta là người phàm được hiệp thông với Người, Người còn lập Bí tích Thánh Thể để ta hiệp thông với Người cách dễ dàng hơn. Nhờ đó, ta được "thông phần bản tính Thiên Chúa" (2Pr 1,4).

• Tình yêu Người thật là rộng lớn, vì Người mời gọi tất cả mọi người thuộc mọi dân nước, không phân biệt giai cấp xã hội, không phân biệt chủng tộc hay màu da; bất cứ ai đều có thể tiếp nhận Người thật trọn vẹn, để được cứu độ (x. GH 13).

• Tình yêu Người thật chung thủy vững bền, vì từng giây từng phút, suốt dòng lịch sử, Người hằng ở cùng chúng ta cho tới ngày cánh chung (Mt 28,20). - Tình yêu Người còn đi đến tận cùng (Ga 13,1) của lòng yêu mến, yêu đến chết "để làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,45), để họ được sống bởi Người (Ga 6,57), được sự sống đời đời (Ga 6,51), và còn được sống lại ngày sau hết (Ga 6,54), để hưởng hạnh phúc vĩnh hằng (MV 39).

2. Kitô hữu tôn thờ Bí tích Thánh Thể: Đối với Bí Tích Thánh Thể là Mầu Nhiệm Đức Tin, và là Bí tích Tình Yêu, Hội Thánh mời gọi Kitô hữu lấy tình yêu đáp trả lại bằng việc tôn thờ Thánh Thể Chúa. Tôn thờ là yêu mến tha thiết, là nhìn nhận mình chỉ là thụ tạo trước Đấng Sáng Tạo toàn năng và cao cả, để thờ lạy, cảm tạ, tôn vinh, và hoàn toàn vâng phục ý Người. Tôn thờ Thánh Thể trong Phụng vụ Thánh Lễ là biểu lộ niềm tin Chúa hiện diện trong hình Bánh Rượu, bằng thái độ quì gối hoặc bái sâu. Và đỉnh cao nhất của lòng yêu mến tôn thờ là hiệp thông với Chúa bằng "ăn thịt và uống Máu Người" (Ga 6,56) (Rước Lễ), hoặc ước ao hiệp thông với Người (Rước lễ thiêng liêng). Ngoài Thánh Lễ, Hội Thánh còn hết sức cẩn thận gìn giữ Mình Thánh, để đem cho các tín hữu tôn thờ trọng thể (Chầu Mình Thánh, Giờ Thánh), hoặc kiệu Thánh Thể long trọng, hoặc để trao cho các bệnh nhân hay những người vắng mặt. Việc viếng Thánh Thể cũng là bằng chứng lòng biết ơn, là dấu chỉ tình yêu, và là bổn phận tôn thờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta. (SGLC 1418).




2419    22-03-2011 08:04:01