Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành_Bài 47 đến Bài 50

Bài 47
HỘI THÁNH LÀ MẸ VÀ LÀ THẦY
(x. SGLC từ 2030 đến 2051)

"Tất cả chúng ta qua Chúa Kitô, được mời vào, mà nên thánh trong Hội Thánh... khi Ngài phục sinh từ cõi chết (Rm 6,9). Ngài đã gửi Thánh Thần của sự sống đến với môn đồ để thiết lập thân thể Ngài là Hội Thánh, như một bí tích cứu rỗi ở khắp nơi... " (LG 48)

I. Huấn quyền và đời sống Luân lý - Thi hành Huấn quyền


Nhờ Hội Thánh, người Kitô hữu nhận được các giáo huấn của "luật Chúa Kitô" (GL 6,2), muôn vàn ân sủng các Bí tích, những gương sáng thánh thiện... bởi vì Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, là Giêrusalem trên trời, là Mẹ của chúng ta (x. Gl 4, 2-6).


Hội Thánh được coi là "cột trụ và điểm tựa của chân lý" (1Tm 3,15), vì Hội Thánh "đã nhận được từ các tông đồ lệnh truyền long trọng của Chúa Kitô là phải giảng chân lý vì ơn cứu độ" (LG 17). Vì thế, chẳng những Hội Thánh giảng dạy giáo lý từ "mười giới răn" cùng với "Kinh Tin Kính" và "Kinh Lạy Cha" mà Hội Thánh còn có quyền loan báo những nguyên tắc luân lý liên quan đến đời sống con người và đưa ra những phán quyết. Quyền bính đó được Chúa Kitô trao cho các tông đồ, và các Ngài lại trao cho những người kế vị "Đức Giáo Hoàng Rôma, vì là đại diện Chúa Kitô và là chủ chăn của toàn thể Hội Thánh, nên đối với Hội Thánh, có một quyền bính trọn vẹn, tối cao và phổ quát... Giám mục đoàn kế nghiệp tông đồ đoàn trong việc giáo huấn và chăn dắt đoàn chiên, hơn nữa làm cho tông đồ được trường tồn. Giám mục đoàn hợp nhất với Đức Giáo Hoàng Rôma là thủ lãnh... cũng có quyền bính tối cao và trọn vẹn... (LG 22). "Vì thế Thánh Công Đồng dạy rằng, các Giám mục theo như huấn lệnh của Chúa, kế nghiệp các tông đồ làm chủ chăn trong Hội Thánh, ai nghe lời các Ngài là nghe lời Chúa Kitô, ai ruồng rẫy các Ngài là ruồng rẫy Chúa Kitô và Đấng đã sai Người đến" (LG 20).


Vì thế, để tỏ lòng tôn kính và yêu mến Hội Thánh là Mẹ và Thầy, mọi thành phần dân Chúa: các linh mục, các nhà thần học, giáo dân:

  • Hết lòng vâng phục giáo huấn của Hội Thánh qua Đức Giáo Hoàng và các Giám mục.
  • Tích cực đóng góp vào nền luân lý của Hội Thánh được thích nghi trong mọi hoàn cảnh và mọi thời đại.


II. Các Điều răn Hội thánh

Ngoài những lề luật luân lý dựa trên Kinh Thánh, Thánh Truyền và luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã trao cho Hội Thánh quản lý, Hội Thánh cũng có những điều răn gắn liền với sinh hoạt phụng vụ để giúp tín hữu được cái tối thiểu trong việc mến Chúa yêu người. Các điều răn đó là:

  • Xem lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày Lễ buộc.
  • Xưng tội trong một năm ít là một lần.
  • Chịu Mình Thánh Đức Giêsu trong Mùa Phục Sinh.
  • Thánh hóa ngày Chúa nhật và các ngày Lễ buộc.
  • Giữ chay và kiêng thịt như Hội Thánh dạy.


III. Đời sống Luân lý với việc Truyền giáo

Mỗi thành viên của Hội Thánh là chi thể của Thân Mình mầu nhiệm, có Chúa Kitô là Đầu, và bản chất của Hội Thánh là rao giảng Tin Mừng, vì Đức Giêsu đã truyền: "Chúng con hãy đi giảng dạy tất cả các dân tộc, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho các con..." (Mt 28, 19-20). Thánh Phaolô ý thức điều đó và đã thốt lên: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1Cr 9,16). "Vì thế, môn đệ của Chúa Kitô hằng bền lòng cầu nguyện và ca tụng Thiên Chúa" (Cv 2, 42-47), "Phải tự hiến như những hy tế sống động, thánh thiện làm hài lòng Thiên Chúa" (Rm 12,1), (LG 10) và "Ai không đáp ứng lại với ân huệ đó bằng tư tưởng, ngôn từ và hành động, họ sẽ không được cứu rỗi mà còn bị lên án nặng nề" (Lc 12,48); (LG 14). Như vậy, mỗi Kitô hữu đều mang trách nhiệm góp phần xây dựng Hội Thánh bằng đời sống kiên trì thực thi những lệnh truyền của Chúa và Hội Thánh, bằng đời sống thánh thiện, để Hội Thánh lớn lên, tăng trưởng và phát triển.



Bài 48
Điều răn I
THỜ PHƯƠNG VÀ KÍNH MẾN THIÊN CHÚA
(x. SGLC từ 2083 đến 2141)

"Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ" (Xh 20, 2-5)

Đức Giêsu đã tóm lại các bổn phận của con người đối với Thiên Chúa "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn hết trí khôn ngươi" (Mt 22,37). Trong "mười lời" (mười điều răn) Thiên Chúa ban cho dân Người, thì ba lời đầu trực tiếp nhắm tới bổn phận đối với Thiên Chúa, và bảy lời sau nhắm tới bổn phận con người đối với nhau theo ý muốn Thiên Chúa. Điều răn thứ nhất nói về bổn phận tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự.


I. Phải tôn thờ một mình Thiên Chúa


Thiên Chúa đã mặc khải quyền năng và lòng nhân hậu cho dân được chọn, khi thực hiện công cuộc giải phóng dân: "Ta đã đưa các ngươi ra khỏi đất Ai Cập; khỏi cảnh nô lệ". Vì thế Israen thuộc về Chúa, là dân của Chúa nên phải tôn thờ một mình Người "Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em là Đấng anh em phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ... anh em không được theo những thần khác" (Đnl 6, 13-14). Khi Thiên Chúa mặc khải vinh quang của Người cho dân Ít-ra-en, Người cũng mặc khải về chính con người và ơn gọi của họ, để họ phải cư xử thế nào cho phù hợp với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Người. Con người phải thờ phượng Thiên Chúa, và chỉ thờ phượng một mình Người mới phải đạo: "Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa, là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi" (Lc 4,8). Thờ phượng Thiên Chúa là nhìn nhận sự hư vô bất lực của mình, nên phải lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cứu chuộc duy nhất. Thờ phượng Thiên Chúa là làm như Đức Maria: ca tụng tôn vinh Thiên Chúa, chấp nhận thân phận hèn mọn với lòng tri ân và cảm tạ xưng tụng những kÿ công tuyệt vời của Chúa (x. Kinh Magnificat; Lc 1, 46-55). Thờ phượng Thiên Chúa như vậy là thể hiện lòng tin cậy mến đối với Thiên Chúa.


1. Đức tin:

Muốn sống cho phải đạo, phải tin vào Thiên Chúa, yêu mến và vâng phục Người. Những lệch lạc và sai lầm về luân lý bắt nguồn từ chỗ không tin Thiên Chúa hoặc từ chối tin vào Người. Cho nên điều răn thứ nhất đòi hỏi ta phải giữ gìn, nuôi dưỡng đức tin và xa tránh những gì nguy hiểm cho đức tin. Có những tội nghịch đức tin như từ chối hoặc nghi ngờ tin vào những điều Thiên Chúa đã mặc khải, và Hội Thánh đã giảng dạy. Khi chối bỏ hay nghi ngờ một chân lý phải tin là rối đạo. Bỏ đạo là hoàn toàn chối bỏ niềm tin Kitô giáo. Còn khi từ chối không vâng phục Đức Giáo Hoàng hay từ chối hiệp thông với Hội Thánh thì gọi là ly giáo.

2. Đức Cậy:

Trông cậy là tin tưởng và mong chờ phúc lành của Thiên Chúa ở đời này, và được hạnh phúc với Người ở đời sau. Hai tội nghịch với đức trông cậy là tuyệt vọng và kiêu ngạo. Khi nghi ngờ và không còn tin tưởng vào lòng nhân từ và trung thành của Thiên Chúa, con người không còn mong đợi ơn tha thứ và ơn cứu độ của Thiên Chúa nữa. Đó là tội tuyệt vọng. Còn khi con người quá cậy tài sức của mình mà không cần ơn Chúa, hoặc khi quá cậy trông vào lòng nhân từ và quyền năng Thiên Chúa, mà không cần cộng tác bằng việc ăn năn hối cải, để được hưởng ơn cứu độ, đó là tội tự cao tự đại.

3. Đức mến:

Tin rằng Thiên Chúa yêu thương mình, con người phải yêu mến Thiên Chúa chân thành và hết mình: "Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em" (Đnl 6, 4-5). Điều răn thứ nhất dạy ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, mọi loài, và yêu mến chỉ vì chính Người mà thôi. Đó là đức mến Kitô giáo. Người ta có thể phạm tội nghịch đức mến: - Dửng dưng là bỏ qua hoặc từ chối không công nhận tình yêu Thiên Chúa. - Vô ơn là không đáp lại tình yêu Thiên Chúa. - Thờ ơ hay lười biếng trong các bổn phận đối với Chúa. - Thù ghét, chống lại và nguyền rủa Thiên Chúa.

4. Những hình thức khác:

a. Cầu Nguyện. Khi cầu nguyện, người Kitô hữu thể hiện lòng tin cậy mến mà thờ phượng Thiên Chúa. Cầu nguyện tức là thờ lạy, chúc tụng, cảm tạ và xin ơn. Cần phải cầu nguyện để có thể vâng giữ các điều Chúa truyền, và thực hành những diều Chúa dạy."Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí" (Lc 18,1). Như thế, cầu nguyện là thái độ cơ bản nói lên đức thờ phượng đối với Thiên Chúa.

b. Lễ Hy Sinh: Thật là hợp lý khi chúng ta dâng lên Thiên Chúa những lễ hy sinh để tôn thờ, cảm tạ, xin ơn. "Tất cả những hành động ta thực hiện, hầu gắn bó hiệp thông với Thiên Chúa để được vinh phúc, đều là những hy sinh thật sự" (Thánh Âu Tinh). Tuy nhiên phải là hy lễ chân thành và vị tha, nghĩa là thái độ bên ngoài phù hợp với tâm tình bên trong "Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát" (Tv 51, 9). Đối với Đức Giêsu, lòng nhân từ đối với tha nhân là hy lễ được chấp nhận: "Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế" (Mt 9,13; 12,7). Hy lễ duy nhất, hoàn hảo nhất là hy lễ Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha khi ở trên thánh giá. Hiệp nhất với hy lễ của Chúa Kitô, chúng ta sẽ làm cho đời sống thành lễ hy sinh đẹp lòng Chúa.


c. Các lời hứa và khấn: Có những lời hứa với Thiên Chúa đương nhiên được bao hàm khi chịu Thánh Tẩy, Thêm sức, Hôn phối và Truyền Chức Thánh. Ngoài ra, do lòng sùng kính, người Kitô hữu có thể hứa với Chúa để làm việc này việc kia. Lời hứa này bày tỏ lòng yêu mến đối với Thiên Chúa, và tin tưởng Người là Đấng toàn năng và trung thành. Còn lời khấn là một hành vi của lòng sùng đạo. Khấn là tự hiến thân cho Thiên Chúa hoặc là tự nguyện và ý thức hứa với Thiên Chúa sẽ làm một điều tốt lành nào đó (x. Gl 1191). Hội Thánh vốn công nhận giá trị gương mẫu của những lời khấn thực hành ba lời khuyên của Phúc Âm của các tu sĩ nam nữ. Trong một số trường hợp và vì những lý do tương xứng, Hội Thánh có thể chuẩn miễn các lời hứa với các lời khấn.


5. Bổn phận đối với xã hội và quyền tự do tôn giáo:

Người Kitô hữu không chỉ có bổn phận tôn thờ Thiên Chúa mà còn phải "cố gắng đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần não trạng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống" (TĐ 3). Bổn phận xã hội của người Kitô hữu là tôn trọng và khơi dậy nơi mỗi con người lòng yêu mến cái thân mật và cái tốt lành, và làm cho người khác nhận biết rằng tôn giáo chân thật, duy nhất, chỉ tồn tại nơi Hội Thánh Công giáo (x. TD 1). Không những người Kitô hữu mà bất cứ người nào khác cũng có quyền hành động theo lương tâm mình, và tự do tuyên xưng niềm tin của mình chỗ riêng tư cũng như nơi công cộng. (x. TD 2).

II. Các tội nghịch Điều Răn Thứ Nhất


Điều răn thứ nhất cấm không được tôn thờ thần linh nào khác ngoài Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Điều răn này cũng cấm mọi hình thức mê tín dị đoan và tình trạng vô tôn giáo.

•  Dị đoan: Khi có sự lệch lạc trong tâm tình tôn giáo và những cách thể hiện tâm tình đó.

• Tôn thờ ngẫu thần: Khi tôn thờ bất cứ tạo vật nào thay thế Thiên Chúa, hay ngang bằng Thiên Chúa. Điều răn thứ nhất lên án thuyết đa thần.

• Bói toán và ma thuật: Tất cả những hình thức bói toán nhằm biết vận mệnh tương lai, đều trái nghịch với lòng tôn kính và phó thác cho một mình Thiên Chúa. Những cách thực hành ma thuật hoặc phù thủy nhằm có một quyền hành bí ẩn đối với đồng loại, đều nghịch với đức thờ phượng.

Vô tôn giáo: Dùng lời nói hoặc hành vi để thử quyền phép Thiên Chúa: tội phạm thánh và tội mua thần bán thánh.

• Thuyết vô thần: Là chối bỏ Thiên Chúa hiện hữu, hoặc khước từ lệ thuộc vào Thiên Chúa, để đặt tất cả hy vọng, hạnh phúc và cùng đích nơi vật chất cũng như nơi con người.


• Thuyết bất khả tri: Không chối bỏ Thiên Chúa, nhưng chủ trương Thiên Chúa không thể mặc khải cho con người, và con người không thể nói gì, biết gì về Thiên Chúa.

III. Tôn kính ảnh tượng Trong Cựu Ước


Thiên Chúa cấm dùng bất cứ hình ảnh nào tượng trưng cho Thiên Chúa (x. Đnl 4, 15-15). Nhưng khi nhập thể, Con Thiên Chúa đã mang một hình hài thật sự. Do đó, việc tôn kính ảnh tượng của Kitô giáo không nghịch với điều răn thứ nhất. Vì khi tôn kính ảnh tượng, ta không tôn kính chính ảnh tượng, mà là tôn kính chính Đấng có hình ảnh đó. Lời cầu nguyện khi làm phép ảnh tượng diễn tả tâm tình phải có: "Lạy Chúa, Chúa không chê bác việc tạc vẽ tượng ảnh của các Thánh Chúa, để mỗi lần con mắt thể xác chúng con chiêm ngưỡng ảnh tượng đó, thì con mắt ký ức cũng suy niệm hành vi và đời sống thánh thiện của các Đấng mà bắt chước". Như thế, việc tôn kính ảnh tượng trở thành phương thế giúp cầu nguyện, sống mầu nhiệm hiệp thông các Thánh, và huấn luyện đời sống đức tin.


Bài 49
Điều răn II
TÔN KÍNH DANH THÁNH CHÚA
(x. SGLC từ 2142 đến 2167)

"Hỡi tôi tớ Chúa, hãy dùng lời ca ngợi, Nào ca ngợi danh thánh Chúa đi! Chúc tụng danh thánh Chúa, Từ giờ đây cho đến mãi muôn đời! Ca ngợi danh thánh Chúa, Tự rạng đông tới lúc chiều tà! Chúa siêu việt trên hết mọi dân, Vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm" (Tv 113, 1-4).

Điều răn thứ hai cũng thuộc về nhân đức thờ phượng như điều răn thứ nhất, nhưng liên quan đặc biệt đến lời và các sự thánh: không những tôn kính Danh Thánh Chúa, mà còn tôn kính tất cả những người, những vật đã được dâng hiến cho Chúa.


I. Danh Thánh Chúa


Khi mặc khải danh thánh cho con người, Thiên Chúa mặc khải chính bản thân thánh thiện siêu việt của Người. Danh Người là Thánh (x. Lc 1,49) như chính Thiên Chúa là Đấng Thánh. Người tín hữu phải tôn kính Danh Thánh Chúa, loan truyền và làm chứng danh thánh Chúa cho mọi người: "Chúng con nguyện danh Cha cả sáng". Những ai kêu danh Chúa hoặc tên Đức Maria, các Thánh cách nhẹ dạ, bất xứng, hoặc trong lúc tức giận, nhất là trong lúc chửi rủa, thì lỗi phạm điều răn thứ hai. Nguyền rủa hay nói phạm đến Chúa, là tội phạm thượng. "Ai nói phạm đến danh Đức Chúa, sẽ bị xử tử" (Lv 25-16). Điều răn thứ hai còn dạy ta phải tôn trọng những người, những nơi, và những vật đã được hiến dâng cho Chúa như các linh mục, tu sĩ, nhà thờ, đất thánh, ảnh tượng đã làm phép... Phải đặc biệt tôn kính các bí tích Thánh, nhất là bí tích Thánh Thể. Khinh dể hay xúc phạm đến Hội Thánh, phạm đến các Thánh, các nơi thánh, vật thánh, người được thánh hiến... là tội phạm thánh. Điều răn thứ hai cũng liên quan đến việc thề hứa. Thề là lấy Thiên Chúa chân thật làm chứng cho sự thành thật của mình. Thề gian là dám lấy danh Chúa làm chứng cho sự gian giối của mình. Bội thề là hứa với Thiên Chúa một điều gì mà có ý không giữ lời hứa, hoặc sau đó không thực hành điều đã hứa. Thề gian cũng như bội thề đều là tội nặng xúc phạm đến Chúa. Ngoài ra, không được nại đến danh Chúa vì những chuyện nhỏ nhặt. Tốt hơn, không nên thề thốt chi cả (x. Mt 5, 33-34,37).


II. Tên gọi Kitô hữu


Người lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy trở thành Kitô hữu, nhờ kêu cầu danh thánh Thiên Chúa Ba Ngôi, và từ đó họ mang một tên mới trong cộng đoàn Hội Thánh. Đó là tên của Đức Mẹ hay của một vị Thánh. Nhận một vị Thánh làm bổn mạng, là cố gắng bắt chước gương mẫu tốt lành của vị Thánh, và được bảo đảm vị Thánh chuyển cầu cho trước mặt Chúa. Mỗi khi bắt đầu ngày sống, khởi đầu cầu nguyện và làm việc, người Kitô hữu làm dấu Thánh Giá, kêu cầu Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần, để cầu xin ân sủng hầu có thể làm vinh danh Chúa.


Bài 50
Điều răn III
THÁNH HÓA NGÀY CHÚA NHẬT
(x. SGLC từ 2168 đến 2195)

"Ngươi hãy nhớ ngày sa bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào". (Xh 20, 8-10) "Ngày sa bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa bát. Bởi đó, con người làm chủ luôn cả ngày sa bát". (Mc 2, 27-28)

I. Ngày Sa Bát


"Trong sáu ngày, người ta sẽ làm việc, nhưng ngày thứ bảy là ngày sa bát, một ngày nghỉ hoàn toàn dâng Đức Chúa" (Xh 31,15). Đối với dân Israel, ngày sa bát là ngày thánh hiến cho Thiên Chúa. Ngày đó nhắc lại công trình sáng tạo của Thiên Chúa (x. Xh 20, 11) và tưởng nhớ công cuộc giải phóng dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ người Ai cập" (x. Đnl 5,15). Như vậy Dân được chọn, phải tuân giữ ngày sa bát như dấu chỉ của giao ước vững bền. Không những dành ra, để ca tụng công trình sáng tạo và giải phóng, ngày sa bát còn là ngày nghỉ ngơi của dân Chúa theo mẫu gương của chính Thiên Chúa, "vì trong sáu ngày Đức Chúa đã dựng nên trời đất, nhưng ngày thứ bảy Người đã ngưng các việc và nghỉ ngơi" (Xh 31, 17). Đức Giêsu đã nhiều lần giải thích ý nghĩa đúng đắn của ngày sa bát, cũng như việc tuân giữ ngày đó theo ý định của Thiên Chúa (x. Mc 2, 27-28; 3,4).


II. Ý nghĩa của Ngày Chủ Nhật


Đức Giêsu, đã từ cõi chết sống lại "ngày thứ nhất trong tuần" (x. Mt 28, 1; Mc 16, 2; Lc 24,1; Ga 20,1). Ngày đó đã trở thành ngày quan trọng nhất của mọi ngày: ngày khởi đầu cuộc sáng tạo mới của Chúa Phục Sinh, ngày của Chúa, Chúa nhật. "Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào, ta hãy vui mừng hoan hỉ" (Tv 118, 24). Chúa nhật tách biệt khỏi ngày sa bát, không những thay thế ngày sa bát, mà còn hoàn tất ý nghĩa của ngày sa bát, và loan báo sự nghỉ ngơi muôn đời nơi Thiên Chúa. "Những người sống trong trật tự cũ của vạn vật, đã đi tới một niềm hy vọng mới: họ không giữ ngày sa bát nữa, nhưng họ giữ ngày Chúa Nhật, là ngày mà cuộc đời của chúng ta được chúc phúc bởi Chúa, và bởi sự chết của Người". (Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô Khi-a).


III. Thánh Lễ Chúa Nhật


Ngay từ thời các Tông đồ, Chúa Nhật là ngày tập họp các tín hữu để cử hành Thánh Thể. "Chúa nhật là ngày mà theo truyền thống Tông Đồ, mầu nhiệm Phục sinh vẫn được cử hành, sẽ phải được giữ trong toàn thể Hội Thánh, như ngày lễ buộc chính yếu" (GL 1246). Tất cả các tín hữu trong cộng đoàn giáo xứ họp nhau cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật chung quanh linh mục, được Đức Giám mục ủy quyền. Chính tại cộng đoàn giáo xứ mà sinh hoạt phụng vụ, việc dạy giáo lý và các công tác từ thiện được hình thành và tiến triển. Mọi sinh hoạt Kitô giáo đều bắt nguồn và đặt nền nơi Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Bởi vậy các tín hữu Việt Nam, có bổn phận tham dự các Thánh Lễ Chúa Nhật và lễ Giáng Sinh (miền Nam) - và lễ Tứ Quí (miền Bắc) - Tham dự Thánh lễ Chúa Nhật là một bằng chứng trung thành với Chúa Kitô và với Hội Thánh, đồng thời các tín hữu hiệp thông với nhau trong tin yêu, nâng đỡ và khuyến khích nhau.


IV. Thánh hóa Chúa Nhật


Ngoài việc tham dự Thánh lễ là bổn phận trước tiên và chủ yếu để thánh hóa ngày của Chúa, người tín hữu còn dành Chúa nhật cho những việc hữu ích và cần thiết khác theo ý muốn của Chúa. "Chúa Nhật và các lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự Thánh lễ; lại nữa, phải kiêng những việc làm, và những hoạt động làm cản trở việc thờ phượng Thiên Chúa, niềm vui riêng trong ngày của Chúa, hoặc việc nghỉ ngơi tinh thần và thể xác cần phải có" (GL 1247). Thời giờ ngày Chúa Nhật cũng có mục đích dành để sống với gia đình, trau đổi văn hóa nghệ thuật cũng như đạo đức, và để thăm viếng bạn bè, nhất là đến với những bệnh nhân, tàn tật, già yếu, cô đơn. "Mỗi người cần được hưởng đầy đủ sự nghỉ ngơi và thời giờ nhàn rỗi, để sống đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo" (MV 67).



1960    22-03-2011 08:43:13