Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành_Bài 51 đến Bài 52

Bài 51
Điều răn IV
THẢO KÍNH CHA MẸ
(x. SGLC từ 2197 đến 2257)

"Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Mc 12, 31). "Hãy tôn kính cha mẹ ngươi, để người được sống lâu trên đất mà Chúa là Thiên Chúa của ngươi đã ban cho người" (Xh 20, 12)

"Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật" (Rm 13,8). Tình yêu ấy trước hết phải dành cho Tổ tiên, Ông Bà Cha Mẹ là những người có công sinh thành dưỡng dục ta. Vì thế, mở đầu cho 7 điều răn về yêu người, điều răn thứ tư dạy: phải thảo kính cha mẹ. Đây cũng là đòi hỏi rất phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam. Và trong bài này, chúng ta tìm hiểu mối liên hệ, trách nhiệm và bổn phận giữa cha mẹ và con cái. Khi gia đình thực sự là cộng đồng tình yêu và sự sống, gia đình sẽ đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng xã hội bình an, hạnh phúc.


I. Gia đình Công Giáo


Khi dựng lên con người có nam và nữ, là Thiên Chúa đã muốn thiết lập gia đình. Gia đình được xây dựng dựa trên giao ước và sự ưng thuận tự do của vợ chồng, và hướng tới lợi ích cho vợ chồng cũng như tới việc sinh sản giáo dục con cái. Cha mẹ cùng với con cái có những liên hệ mật thiết và tự nhiên trong gia đình, và mỗi thành viên trong gia đình đều bình đẳng với nhau về phẩm giá, nhưng có những trách nhiệm quyền lợi và bổn phận khác nhau, để phục vụ lợi ích chung của gia đình và xã hội. Đó là bản chất của gia đình. Gia đình Kitô giáo cũng mang nội dung đó, nhưng hơn thế nữa, sự hiệp thông giữa những người có đức tin, cậy, mến, mang dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Gia đình Kitô giáo cũng còn "mặc khải và thể hiện cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh, bởi đó mà gia đình Kitô giáo được gọi là một Hội Thánh tại gia" (Tông huấn gia đình, 21). Thực vậy, việc sinh sản và giáo dục con cái trong gia đình Kitô giáo phản ánh công trình sáng tạo của Chúa Cha, và gia đình Kitô giáo được mời gọi để tham dự việc cầu nguyện và hiến tế của Chúa Kitô, gia đình ấy cũng là một "cộng đồng có đặc ân, để vợ chồng thể hiện sự đồng tâm nhất trí cũng như sự cộng tác ân cần trong việc giáo dục con cái" (MV 52,1). Những ý nghĩa trên làm cho gia đình Kitô giáo có nhiệm vụ phúc âm hóa và truyền giáo.


II. Gia đình và Xã hội


Gia đình là tế bào đầu tiên của đời sống xã hội, là một cộng đoàn mà vợ chồng liên kết cho nhau trong tình yêu và trong việc trao ban sự sống. Quyền bính, sự ổn định và những mối liên hệ trong gia đình là nền tảng cho sự tự do, an ninh, và tình huynh đệ trong xã hội. Vì thế gia đình phải sống sao để mọi thành phần biết quan tâm lo lắng cho người trẻ cũng như già, người đau yếu hay khuyết tật, và cả những người nghèo trong gia đình mình. Như thế đời sống gia đình thực là cuộc khai tâm vào đời sống xã hội. Vì gia đình có tầm quan trọng đối với sự sống và sự lành mạnh của xã hội (x. Mv 47) nên xã hội có trách nhiệm đặc biệt để nâng đỡ và củng cố hôn nhân và gia đình. Xã hội phải có những biện pháp thích đáng để giúp đỡ và bảo vệ gia đình. Các cộng đồng lớn không được xâm phạm quyền lợi hoặc can thiệp vào nội bộ các gia đình. Trái lại, xã hội phải "hỗ trợ" cho gia đình. Chánh quyền có trách nhiệm phải "nhìn nhận và bênh vực bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, phải bảo vệ nền luân lý công cộng và tạo thuận lợi giúp gia đình được sung túc" (MV 52. Cụ thể là đảm bảo cho gia đình: - Quyền tự do xây tổ ấm, tự do sinh sản và dưỡng dục con cái theo xác tín luân lý và tôn giáo của mình. - Quyền tự do tuyên xưng và truyền bá đức tin, cũng như giáo dục con cái trong đức tin bằng những phương thế cần thiết. -Bảo vệ sự bền vững của dây hôn phối, bảo vệ quyền tư hữu, quyền có công ăn việc làm, quyền cư trú, quyền di cư, quyền được bảo vệ an ninh tránh khỏi thói nghiện hút, khiêu dâm, say sưa... (xem Tông Huấn Gia Đình, 46). "Sự lành mạnh về phương diện nhân bản và về phương tiện Kitô giáo của con người và của xã hội, tùy thuộc chặt chẽ vào tình trạng tốt lành của cộng đồng hôn nhân và gia đình" (MV 47).


III. Bổn phận Con cái


Vì ơn nghĩa sinh thành mà con cái dù lớn dù nhỏ đều phải hiếu thảo với mẹ cha. Đó là lệnh truyền của Thiên Chúa (x. Xh 20,12). Hiếu thảo trước hết là biết ơn những người đã sinh thành dưỡng dục. "Hãy hết lòng tôn vinh cha con, và đừng quên những đau khổ của mẹ con. Hãy nhớ rằng các ngài đã sanh ra con, con sẽ làm gì để đền đáp ơn nghĩa?" (Si 7, 27-28). Hiếu thảo là tỏ ra dễ dạy và vâng lời thành thật: "Con ơi, hãy giữ lấy lời cha truyền, đừng quên lời mẹ dạy. Những lời đó sẽ hướng dẫn khi con đi, bảo vệ khi con nghỉ, dạy dỗ khi con thức" (Pr 6, 20-22). Khi đã khôn lớn, con cái có trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ cả vật chất lẫn tinh thần, trong lúc bệnh tật già yếu, hay lúc cô đơn buồn phiền. Chúa Kitô đã nhắc nhở rằng: "Người hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử" (Mc 7,10). Lòng thảo kính cha mẹ giúp cho anh chị em biết thương nhau, nhờ đó cả gia đình được hòa thuận: "Hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau" (Ep 4, 2). Kitô hữu còn phải biết ơn đặc biệt những người đã giúp mình lãnh nhận đức tin, bí tích Rửa tội, và được sống trong Hội Thánh, như: cha mẹ, chú bác cô dì, ông bà, giáo sĩ, tu sĩ, giáo lý viên, thầy cô, bạn hữu...


VI. Bổn phận Cha Mẹ


Cha mẹ đã sinh thành thì phải dưỡng dục con cái về mọi mặt: nhân bản cũng như đức tin. "Vai trò cha mẹ trong việc giáo dục con cái thật là quan trọng đến nỗi hầu như không ai thay thế được" (GĐ 3). Không những cha mẹ có quyền mà còn có bổn phận giáo dục con cái, và cha mẹ là người có trách nhiệm trước hết trong việc giáo dục (x. Tông Huấn Gia đình 36).


* Về mặt nhân bản:

Trước hết cha mẹ phải xây dựng một tổ ấm gia đình, có qui luật dịu hiền, tha thứ, tôn trọng, trung tín và phục vụ vô vị lợi. Tổ ấm ấy là nơi tốt nhất để tập các nhân đức: tập quên mình, tập phán đoán lành mạnh, tập tự chủ... đó là những điều kiện để được tự do đích thực. Tổ ấm ấy là những môi trường tự nhiên để huấn luyện tình liên đới và tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng. Cha mẹ phải dạy con cái biết đặt "những gì là vật chất và thuộc bản năng, phải lệ thuộc những gì thuộc nội tâm và tinh thần" (Ca 36). Nhất là cha mẹ có trách nhiệm năng làm gương tốt cho con cái, saün sàng nhận lỗi mình trước con cái, đó là điều khiến họ dễ hướng dẫn và sửa dạy chúng hơn.

* Về mặt đức tin:

Nhờ ơn Bí Tích Hôn Phối, cha mẹ có trách nhiệm và đặc ân phúc âm hóa con cái, nghĩa là khai tâm chúng vào đời sống đức tin, và đời sống Hội Thánh ngay từ tuổi thơ ấu: "Ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái" (GH 11), và mọi người trong gia đình, nếu sống đời Kitô hữu theo Phúc Âm, cũng sẽ giúp chúng lớn lên trong đức tin. Cha mẹ lo dạy giáo lý, dạy con cái biết cầu nguyện và biết nhận ra chúng là con cái Thiên Chúa, cung cấp những nhu cầu vật chất và thiêng liêng, tập cho chúng xử dụng lý trí và tự do, chọn trường học phù hợp với niềm tin tôn giáo của mình, để đảm bảo cho chúng được nền giáo dục Kitô giáo (x.GD 6). Khi con cái đã khôn lớn và phải chọn nghề cũng như chọn bạn đời, cha mẹ không được ép buộc, nhưng phải góp ý và khuyên bảo, để chúng tín nhiệm và bàn hỏi và tự ý vâng theo. Nếu mỗi người trong gia đinh đều cố gắng lấy tình nghĩa gia đình và đức ái Chúa Kitô, để sống hòa hợp và không ngừng tha thứ cho nhau, khi có những xúc phạm, tranh cãi, bất công hay bê trễ, thì chính con cái cũng góp phần của chúng vào việc thánh hóa cha mẹ (x. MV 48).

V. Gia đình và Ơn Chúa Gọi


Tình nghĩa gắn bó mọi người trong gia đình với nhau thật là quan trọng, nhưng không phải là tuyệt đối. Con cái lớn lên tới tuổi trưởng thành và tự lập về nhân bản cũng như đức tin thế nào, thì ơn Chúa gọi cũng mỗi ngày một sáng tỏ và mạnh mẽ hơn như vậy. Cha mẹ phải tôn trọng ơn gọi, đó là tạo thuận lợi cho con cái đáp trả. Ơn gọi trước hết của Kitô hữu là theo Đức Giêsu: "Ai yêu cha mẹ mình hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy thì không xứng với Thầy" (Mt 10, 37). Theo Đức Giêsu là trở nên môn đệ, là chấp nhận thuộc về gia đình của Thiên Chúa, sống đúng theo lối sống của Người: "Ai thi hành ý muốn của cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em Tôi, là mẹ Tôi" (Mt 12,49). Cha mẹ phải đón nhận và tôn trọng với niềm vui và lòng biết ơn khi biết Chúa gọi con cái mình theo Chúa trong bậc sống khiết tịnh Nước Trời, hay bậc sống tận hiến, hoặc bậc sống giáo sĩ.


VI. Bổn phận Nhà cầm quyền


Nhà cầm quyền trong xã hội đã lãnh nhận quyền bính do Thiên Chúa thì phải thi hành quyền bính để phục vụ: "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em" (Mt 20,26). Không được ra lệnh hoặc thiết định điều gì trái với nhân phẩm và luật tự nhiên, nhưng phải chứng tỏ mình biết đúng thứ tự các giá trị, để giúp mọi người sử dụng tự do và thi hành trách nhiệm. Những người có trách nhiệm phải khôn ngoan sử dụng quyền phân phối sắp đặt cho công bằng, bằng cách quan tâm đến những nhu cầu và sự đóng góp của mỗi người, cũng như nhằm duy trì sự hòa thuận và bình an, không để cho lợi ích của cá nhân đối nghịch với lợi ích của cộng đồng. (x. Ca 25). Chánh quyền phải tôn trọng những quyền căn bản của con người. Những quyền chánh trị đi đôi với quyền công dân thì có thể và phải để cho công dân được hưởng, tùy như công ích đòi hỏi, không được rút các quyền đó lại, khi không có lý do chánh đáng và tương xứng. Việc thi hành các quyền chánh trị là nhằm mưu ích chung cho quốc gia và cộng đồng nhân loại.


VII. Bổn phận người công dân.


Người cấp dưới phải coi cấp trên như những người thay mặt Thiên Chúa. "Hãy vì Chúa mà tùng phục mọi cơ chế của loài người. (...) Hãy hành động như những người tự do, đừng như những người lấy tự do làm màn che sự gian ác của họ, nhưng như những đầy tớ của Thiên Chúa" (1Pr 2,13,16). Để cộng tác thành thật với cấp trên, cấp dưới có quyền và đôi khi có bổn phận can gián cấp trên về những gì có thể gây nguy hại cho phẩm giá con người và lợi ích của cộng đồng. Bổn phận người công dân là góp phần với chánh quyền để mưu ích cho xã hội trong tinh thần thành thật, công bằng, liên đới và tự do. Công dân phải yêu mến và phụng sự tổ quốc vì là bổn phận biết ơn và thuộc đức bác ái. Phải tùng phục nhà cầm quyền, và cùng trách nhiệm đối với công ích để nộp thuế, đi bầu cử, bảo vệ xứ sở đúng như luân lý đòi hỏi: "Nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính" (Rm 13,7). Công dân bị buộc theo lương tâm không được tuân theo những chỉ thị nào của chánh quyền trái nghịch với đòi hỏi của luân lý, trái với quyền căn bản của con người, hay giáo huấn của Phúc Âm (x.MV 74). Quyền từ chối vâng phục trong những trường hợp đó dựa vào sự phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và phục vụ cộng đồng chính trị. "Hãy trả cho César cái gì của César, trả cho Thiên Chúa cái gì của Thiên Chúa" (Mt 22, 21). "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta" (Cv 5,29). Khi phản kháng sự áp bức của chánh quyền, không được phép dùng võ khí, trừ khi hội đủ các điều kiện như:


1.Có vi phạm các quyền căn bản một cách thực sự, trầm trọng và kéo dài.

2. Sau khi đã thử hết mọi biện pháp khác.
3. Không gây xáo trộn tệ hại hơn.
4. Có hi vọng chắc thành công.
5. Không thể tiên liệu những giải pháp nào tốt hơn.

VIII. Điều răn IV và đạo hiếu của con người Việt Nam.


1. Điều răn IV mở đầu cho bảy điều răn dạy về yêu người, và là một trong các nền tảng của học thuyết xã hội của Hội Thánh. Điều răn nầy đòi hỏi: phải thảo kính cha mẹ. Hơn thế nữa, còn soi sáng cho các mối liên hệ khác trong gia đình và xã hội, giúp mọi người nhận ra anh chị em ruột thịt hay họ hành đều là con cái của cha mẹ, chú bác, cô dì... Nhận ra mọi đồng bào đều là con của tổ quốc, nhận ra những người đã được Rửa Tội đều là con của Mẹ Hội Thánh, và mỗi người đều là con của Đấng muốn mọi người gọi là Cha. Vì thế, người thân cận ta không phải chỉ là một cá thể xa lạ trong tập thể loài người, nhưng là một người đáng để ta đặc biệt quan tâm và kính trọng, vì ta đã biết gốc gác của họ (SGLC 2212).


2.Kitô hữu Việt Nam sống trong lòng dân tộc đã có saün truyền thống rất tốt đẹp để sống với nhau trong gia đình, ngoài xã hội và đối với cả trời đất. Đặc biệt là Đạo Hiếu dạy:


"Uống nước nhớ nguồn,

Làm con phải hiếu.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con."

Nghĩa là phải phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sống cũng như khi đã qua đời (sự sinh như sự tử), là chăm lo săn sóc lúc cha mẹ già yếu; và sau khi chết phải lo an táng, lễ giỗ, lập bàn thờ, xây đắp mộ, với nhang đèn để tỏ lòng báo hiếu... Đối với thầy cô dạy dỗ thì dù được một chữ hay nửa chữ cũng không quên thầy. Đối với nhà cầm quyền thì coi như cha mẹ (phụ mẫu chi dân)... Đó là những vốn quý của dân tộc mà Kitô hữu Việt Nam phải trân trọng và phúc âm hóa, theo gương Chúa Kitô. Chúa Kitô là mô hình tuyệt vời về lòng hiếu thảo với Cha trên trời: "Xin theo ý Cha, đừng theo ý Con" (Mt 26,39), với cha mẹ dưới đất: "Người hằng vâng phục các ngài" (Lc 2,54). Người cũng là mô hình tuyệt hảo cho những ai có trách nhiệm trên người khác, vì Người là Chúa và là thầy mà còn rửa chân cho môn đệ, để phục vụ họ (x.Ga 13,14). Kitô hữu Việt Nam phải phát huy truyền thống Đạo Hiếu của dân tộc, như chỉ thị của Hội Đồng Giám Mục VN (1965), để xóa bỏ thành kiến của nhiều người vẫn cho rằng: theo đạo Công giáo là bỏ ông bà.

Bài 52
Điều răn thứ V
Tôn trọng sự sống
(x. SGLC từ 2258 đến 2330).

"Ngươi sẽ không phạm tội giết người" (Xh 20,13). "Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người. Ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo anh em biết, ai giận anh em mình thì phải bị đưa ra tòa" (Mt 5, 21-22). "Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật" (Rm 13,8). Tình yêu phải được thể hiện qua thái độ tôn trọng người khác mà trước hết là tôn trọng sự sống của họ, vì sự sống là quà tặng quý giá nhất Thiên Chúa ban cho con người. Vì thế, điều răn thứ năm nầy dạy "không được giết người", hơn thế nữa, còn phải tôn trọng sự sống con người, sự sống toàn diện và trong mọi chiều kích.

I. Tôn trọng sự sống con người.


Sự sống con người có giá trị linh thánh vì ngay từ khởi đầu, sự sống đã do chính Thiên Chúa tạo dựng, và mãi mãi có liên hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa là cùng đích của nó. Câu chuyện Cain giết em là Abel cho thấy ngay từ đầu lịch sử loài người đã có cảnh máu đổ do huynh đệ tương tàn. Cựu ước luôn coi máu như dấu hiệu linh thánh của sự sống (x.Lv 17,14) và xác định rằng: "Ngươi không được giết người vô tội cũng như người công chính" (Xh 23,7). Giết người vô tội là xúc phạm nặng đến phẩm giá con người, và đến sự thánh thiện của Đấng Tạo Hóa. Chúa Kitô đã nhắc lại lệnh truyền "Ngươi không được giết người" (Mt 5,21) và còn thêm rằng: "không được giận, ghét hoặc oán thù" (Mt 5,22). Người còn đòi môn đệ "nếu bị vã má phải, thì giơ luôn má trái nữa" (Mt 5,39) và "phải yêu cả kẻ thù" (Mt 5,44). Chính Người cũng đã không tự vệ khi bị bắt trói và còn bảo ông Phêrô "cất gươm vào vỏ" (MT 26,52).


II. Tự vệ chính đáng.


Yêu mến bản thân là một nguyên tắc căn bản của luân lý. Ta có quyền chính đáng để đòi hỏi mọi người phải tôn trọng quyền sống của ta. Nếu vì bảo vệ sự sống mình mà phải giết kẻ gây hấn, thì không phạm tội giết người. Sự tự vệ chính đáng nầy không những là một quyền mà còn là một bổn phận cốt yếu của những ai có trách nhiệm đối với sự sống người khác, đối với lợi ích chung của gia đình hay xứ sở. Để bảo vệ lợi ích chung của xã hội, họ phải làm cho kẻ gây hấn không thể tác hại nữa. Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh công nhận rằng chánh quyền hợp pháp có quyền và bổn phận trừng phạt tùy theo tội nặng nhẹ, và trong các trường hợp tội rất nặng thì được phạt tử hình. Cũng vì lý do trên, các nhà cầm quyền được phép dùng võ khí để đẩy lui những kẻ gây hấn khỏi địa phương mình chịu trách nhiệm. Hình phạt có hậu quả trước hết là để bù trừ sự mất trật tự do tội gây ra. Nếu phạm nhân tự nguyện chịu phạt thì hình phạt có giá trị đền tội. Hình phạt còn có hậu quả bảo vệ trật tự công cộng và an ninh của mọi người. Sau hết, hình phạt cũng có giá trị sửa chữa, phải làm hết sức mình cho nó giúp phạm nhân đền bù tội (x.Lc 23, 40-41). Nếu chỉ dùng những biện pháp không đổ máu cũng đủ để bảo vệ trật tự an ninh thì nhà cầm quyền nên sử dụng, vì như thế phù hợp hơn với lợi ích chung và phẩm giá con người.


III. Những tội nghịch điều răn V


1. Tội cố ý giết người:

Ai trực tiếp và cố ý giết người là phạm tội nặng. Kẻ giết người cũng như kẻ cố ý cộng tác trong việc giết người đều phạm tội kêu oán thấu trời (x. St 4,10). Giết con cái, anh em, cha mẹ, người bạn hôn phối của mình là những tội nặng đặc biệt, vì cắt đứt cả tình nghĩa máu mủ tự nhiên. Ai cố ý gây chết cho người khác cách gián tiếp, nghĩa là để mặc cho người khác phải nguy tử, hoặc từ chối giúp người đang gặp nguy tử cũng phạm đến điều răn nầy. Trừ khi có lý do quan trọng (để mặc người khác chết đói mà không tìm cách giúp là tội nặng).

2. Phá thai:

Phải tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ sự sống con người ngay từ lúc thụ thai làm người. Đã là người, là phải được nhìn nhận có quyền của con người, trong đó quyền được sống của người vô tội là quyền bất khả xâm phạm (x. CDF 1,1). Ngay từ khi thụ thai, bào thai phải được đối xử như một nhân vị, được bảo vệ toàn vẹn, được chăm sóc chữa trị với hết khả năng như mọi người khác. Ngay từ thế kỷ I, Hội Thánh đã khẳng định rằng mọi cuộc cố tình phá thai là trái luân lý. Giáo huấn nầy vẫn không hề thay đổi. Trực tiếp phá thai nghĩa là dùng việc phá thai như một mục đích, hay một phương tiện đều trái luật luân lý cách nặng. "Phá thai và giết trẻ em là tội ác ghê tởm" (MV 51,3). Cộng tác tích cực vào việc phá thai cũng là tội nặng. Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông cho tội đó "Ai thực hiện việc phá thai có kết quả thì mắc vạ tuyệt thông" (CIC số 1348), làm như thế Hội Thánh không muốn thu hẹp lòng thương xót, nhưng muốn nêu bật sự trầm trọng của tội phá thai, và sự thương tổn không thể nào sửa chữa được đã gây ra cho trẻ vô tội bị giết chết, cho cha mẹ và cho cả xã hội. Sản xuất các thai nhi để khai thác như vật liệu cho sinh học cũng là vô luân lý.

3. Làm chết êm dịu:

Những người đau yếu, khuyết tật cần được nâng đỡ để sống đời bình thường như có thể được. Trực tiếp làm cho họ được chết êm dịu, là không thể chấp nhận được về luân lý, dù với bất cứ lý do hay trong phương tiện nào, vì nghịch với phẩm giá con người và xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Nếu ngưng dùng các thuốc quá tốn kém, nguy hiểm, quá khác thường hoặc không xứng với kết quả mong muốn, và vì thế đương sự phải chết thì hợp pháp. Vì không phải muốn làm chết, nhưng chỉ là chấp nhận không thể ngăn được sự chết. Nhưng việc nầy phải được chính bệnh nhân, hay người hưởng quyền trước pháp luật quyết định.

4. Tự sát:

Mỗi người có trách nhiệm trước Thiên Chúa về sự sống của mình, vì Thiên Chúa mới là chủ tối cao của sự sống, phần ta phải đón nhận sự sống với lòng biết ơn, và bảo vệ nó vì danh dự và vì ơn cứu độ cho linh hồn. Ta chỉ là quản lý chứ không làm chủ sự sống. Tự sát là tội nặng nghịch lý với đức công bằng, đức cậy và đức ái, vì nó nghịch với bản năng sinh tồn, nghịch nặng với lòng yêu mình cách chính đáng, xúc phạm đến đức yêu người, vì cắt đứt cách bất công mối tình liên đới bó buộc mình phải có với gia đình, đất nước và nhân loại, nhất là nghịch với Thiên Chúa hằng sống. Cố ý cộng tác vào việc tự sát là việc trái luân lý. Tự sát vì bị thần kinh rối loạn nặng, vì quá lo âu sợ hãi trước thử thách, trước đau khổ, hoặc bị tra tấn thì trách nhiệm giảm đi. Ta không nên tuyệt vọng coi người tự sát là đã mất ơn cứu độ, vì Thiên Chúa có đủ cách để tạo cơ hội cho họ ăn năn sám hối. Hội Thánh cầu nguyện cho những người muốn hủy hoại mình.

IV. Tôn trọng phẩm giá con người.


Điều răn V không chỉ ngưng lại ở những cấm đoán, nhưng còn mời gọi tôn trọng sự sống cách tích cực và toàn diện.


1. Tôn trọng sự sống thiêng liêng:

Làm gương xấu là cám dỗ người khác, là phá hoại nhân đức và sự ngay chính, là lôi kéo người khác vào chỗ mất linh hồn. Gương xấu là tội nặng, khi dùng hành động hoặc không hành động để cố tình làm cho người khác phạm tội nặng. Gương xấu trở thành tội nặng đặc biệt tùy theo uy thế của người gây ra. (Thầy dạy, nhà giáo dục) (x.Mt 7,15) và tùy theo sự yếu đuối của người chịu ảnh hưởng của nó. "Những ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn" (MT 18,6). Luật pháp, cơ chế, thời trang, dư luận đều có thể gây gương xấu, và bất cứ người nào cũng có thể gây ra gương xấu, làm gương xấu thì phải chịu trách nhiệm về hậu quả xấu mà mình trực tiếp hay gián tiếp gây ra. "Không thể không có gương xấu, nhưng khốn cho ai làm gương xấu" (Lc 17,1).

2. Tôn trọng sức khỏe:

Sự sống và sức khỏe phần xác là những của cải quý báu Thiên Chúa trao ban, ta phải chăm lo cho hợp lý, đồng thời phải tôn trọng những nhu cầu của người khác và của công ích. Xã hội phải trợ giúp để chăm lo sức khỏe cho công dân có đủ điều kiện sinh sống để phát triển và đạt tới mức trưởng thành như: ăn, mặc, nhà cửa, việc làm, trường học... Tuy nhiên, luân lý không cổ võ cho việc tôn thờ thân xác, dùng tất cả mọi sự chỉ để lo sắc đẹp và thành công về thể thao. Cần phải giữ nhân đức tiết độ, tránh mọi thứ thái quá về ăn nhậu, hút thuốc, dùng thuốc. Những người nghiện rượu hoặc ham chạy xe tốc độ cao, gây nguy hiểm đến sự an toàn của người khác, cũng như chính mình đều có tội nặng. Dùng ma túy làm hủy hoại sức khỏe và sự sống mình là tội nặng, trừ khi để chữa bệnh thực sự. Việc lén sản xuất và buôn lậu ma túy đều là hành vi gây gương xấu, vì là trực tiếp cộng tác để dẫn đến những việc trái luân lý nặng.

3. Tôn trọng con người và nghiên cứu khoa học:

Những nghiên cứu của khoa học, y học hay tâm lý học về con người hoặc về các nhóm người, có thể giúp chữa trị bệnh tật và thăng tiến sức khỏe của mọi người. Nhưng để tìm tòi và nghiên cứu trên thân thể con người, không thể cho phép những hành vi tự chúng nghịch với phẩm giá con người và luật luân lý, dù đương sự đó có ưng thuận cũng không được. Việc thí nghiệm như thế cũng không hợp pháp, nếu nó có thể gây cho sự sống hoặc sự vẹn toàn thể lý hay tâm lý của đương sự những rủi ro không tương xứng và có thể tránh được. Những thí nghiệm trên thân thể con người đều không phù hợp với phẩm giá con người, nếu lại không được đương sự hay người có thẩm quyền ưng thuận rõ ràng. Ví dụ: Việc cắt và cấy các cơ quan của người nầy cho người kia.

4. Tôn trọng sự toàn vẹn của thân thể:

Những vụ bắt cóc và bắt làm con tin để gây kinh hoàng, và dùng đe dọa gây áp lực khủng khiếp cho nạn nhân, đều không hợp luân lý. Việc khủng bố bằng đe dọa, gây thương tích và giết chết không cần phân biệt gì cả, là nghịch nặng với đức công bằng và bác ái. Việc tra tấn dùng bạo lực đối với thân xác hay tinh thần cốt để lấy cung, để trừng phạt phạm nhân, gây khiếp sợ cho kẻ chống đối, thỏa mãn lòng căm thù, đều nghịch với sự tôn trọng con người và phẩm giá họ. Việc cố ý trực tiếp cắt bỏ hoặc làm vô sinh một phần thân thể của những người vô tội đều trái luật luân lý, trừ khi lý do chữa trị theo y học.

5. Tôn trọng người chết:

Phải chú ý chăm sóc người đang hấp hối, để giúp họ sống những giây phút cuối đời trong danh dự và an bình, bằng lời cầu nguyện, và giúp họ lãnh các bí tích để họ sửa soạn gặp gỡ Thiên Chúa. Xác người qua đời phải được kính trọng yêu mến với niềm tin và hy vọng xác sẽ sống lại. Việc chôn cất người chết là việc thương xót thể xác, để tỏ lòng kính con cái Thiên Chúa, là đền thờ Chúa Thánh Thần. Việc hiến tặng các phần thân thể sau khi chết là hợp pháp và đáng khen. Hội Thánh cho phép hỏa táng nếu không tổn hại đến niềm tin về việc xác sống lại (x.CIC số 1176,3).

V. Bảo vệ hòa bình


1. Khi Chúa dạy: "chớ giết người" là đòi hỏi có hòa bình trong tâm hồn, và tố cáo rằng sự giận ghét đến giết người là vô luân lý. Muốn trả thù cho điều xấu do người đáng phải phạt gây ra là bất hợp pháp, nhưng nên bắt họ đền bù để họ sửa tính xấu và gìn giữ công bằng. Nếu giận đến nỗi cố tình giết hoặc gây thương tích nặng thì phạm tội nghịch đức ái (x.MT 5,22). Ghét người là tội khi cố ý muốn điều xấu cho họ. Ghét người thành tội nặng khi cố ý muốn điều nặng cho họ "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em" (Mt 5,44-45). "Hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không giản lược vào việc cân bằng giữa các lực lượng đôi bên" (MV 78). Không thể có hòa bình ở trần gian nếu không duy trì được những lợi ích của mọi người, sự giao lưu tự do giữa mọi người, sự tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc và tình huynh đệ bền vững. Hòa bình là "có trật tự yên ổn", là "công trình của công bằng", là "hiệu quả của đức ái" (x.MV 78). Hòa bình dưới thế là hình ảnh của hoa trái của hòa bình Chúa Kitô, là "Hoàng tử Hòa bình" (Is 9,5) là Đấng đã tuyên bố "Phúc cho ai xây dựng hòa bình" (Mt 5,9).


2. Tránh chiến tranh: Vì chiến tranh nào cũng gây bao tai họa và bất công, nên Hội Thánh thôi thúc mọi người cầu nguyện và hoạt động để "lòng nhân từ" Thiên Chúa giải thoát ta khỏi ách nô lệ chiến tranh. Tuy nhiên, bao lâu còn có nguy cơ xảy ra chiến tranh, và bao lâu chưa có một uy quyền quốc tế có thẩm quyền và có trong tay những lực lượng đầy đủ, người ta sẽ không thể khước từ quyền tự vệ chính đáng của các nhà cầm quyền, một khi đã tận dụng các khả năng dàn xếp hòa bình (MV 79,4). Để có thể thi hành quyền tự vệ chính đáng bằng quân lực, cần xem xét để hội đủ các điều kiện sau:


• Những thiệt hại do bên gây hấn gây ra cho quốc gia và cho cộng đồng các quốc gia phải lâu dài, nặng nề, và chắc chắn.

  • Tất cả những phương tiện khác để chấm dứt tình trạng trên, tỏ ra không thực thi được hoặc vô hiệu quả.
  • Có đủ những điều kiện nghiêm chỉnh để thành công.

• Việc sử dụng võ khí không mang lại những tai hại và xáo trộn nghiêm trọng, hơn là tai hại cần phải loại trừ. Muốn có điều kiện nầy cần phải cân nhắc kỹ đến sức mạnh hủy diệt của các phương tiện chiến tranh hiện đại. Trong trường hợp phải tiến hành chiến tranh tự vệ, chánh quyền có quyền và bổn phận áp đặt trên công dân những nghĩa vụ cần thiết cho việc quốc phòng. "Đối với những ai hy sinh phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ cũng phải coi mình như những người đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc. Và nếu họ chu toàn bổn phận nầy họ thực sự đóng góp vào việc cũng cố hòa bình"? (MV 79,5). Tuy nhiên, dù trong chiến tranh, lúc nào các luật luân lý cũng có hiệu lực, "không phải vì chiến tranh đã chẳng may khai diễn mà các đối phương đều được cho phép làm gì thì làm" (Mv 79). Phải tôn trọng và đối xử nhân đạo với những người không chiến đấu, với thương binh và tù binh. Những hành động cũng như những lệnh truyền được suy tính nhưng trái với nhân quyền và trái với các nguyên tắc phổ quát đều là tội ác. Cần phải chống lại những mệnh lệnh như vậy. "Mọi hành vi chiến tranh nhằm tiêu diệt bừa bãi cả một thành phố hoặc những vùng rộng lớn với dân cư ở đó, là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người. Cần phải cực lực và không ngần ngại lên án những tội ác đó" (MV 80). Các võ khí hiện đại như võ khí hạch tâm hay hóa học, rất dễ dàng gây nên những tội ác như vậy.

3. Việc chạy đua vũ khí khi không bảo đảm hòa bình mà "là một vết thương trầm trọng của nhân loại, và nó xúc phạm người nghèo một cách không thể tha thứ được" (MV 81). Việc sản xuất và buôn bán vũ khí có ảnh hưởng đến công ích của các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Các chính phủ có quyền và bổn phận điều chỉnh việc đó. Việc tìm kiếm lợi nhuận cho cá nhân hay cho cộng đồng, không thể biện minh cho những hành động chỉ khơi thêm bạo lực và tranh chấp giữa các quốc gia, tác hại đến trật tự pháp lý quốc tế. Chính những bất công, những chênh lệch quá ư về kinh tế hay xã hội, sự ghen tương, ngờ vực và kiêu ngạo đang sôi sục giữa mọi người và mọi dân tộc, vẫn không ngừng đe dọa hòa bình và gây ra chiến tranh. Thực vậy. "Bao lâu con người còn là những kẻ tội lỗi, thì hiểm họa chiến tranh còn đe dọa, và vẫn sẽ còn đe dọa cho tới khi Chúa Kitô lại đến. Tuy nhiên, chừng nào nhờ sự hiệp nhất trong tình thương, con người thắng vượt được tội lỗi thì cũng thắng vượt được bạo lực, cho tới khi lời sau đây được hoàn tất: "Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày, và giáo thành lưỡi liềm. Các dân tộc sẽ không rút gươm đâm chém nhau và không còn tập luyện chiến tranh nữa" (MV 78). "Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được là con Thiên Chúa" (Mt 5,9).



1635    22-03-2011 09:22:17