Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành_Bài 56 đến Bài 58

Bài 56
Điều răn IX
THANH KHIẾT TRONG TÂM HỒN
(x. SGLC từ 2514 đến 2533)

"Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa hay bất cứ vật gì của người ta" (Xh 20,7). "Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi" (Mt 5,28).

"Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật" (Rm 13,8). Trong quan hệ nam nữ, tình yêu đòi hỏi sống thanh khiết, nghĩa là nhìn người khác như một con người mình tôn trọng, chứ không chỉ là dụng cụ, phương thế cho ta thỏa mãn những ham muốn thấp hèn. Điều răn thứ chín nhấn mạnh: Sự thanh khiết ấy phải bắt nguồn từ chiều sâu tâm hồn. Muốn được như thế, phải chấp nhận chiến đấu với chính bản thân, mỗi ngày và suốt đời.


I. Thanh tẩy con tim


Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu công bố "Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa" (Mt 5,8). Tâm hồn là nơi quyết định tính chất luân lý của hành vi, vì "Tự lòng người phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống" (Mt 15,19). Tâm hồn ấy phải thanh khiết, nghĩa là phải biết qui hướng về Chúa, là Đấng tuyệt đối thanh khiết. Những người có tâm hồn thanh khiết được hứa là "sẽ nhìn thấy Thiên Chúa". Như vậy, sự thanh khiết trong tâm hồn là điều kiện để được hưởng nhan thánh Chúa. Ngay từ bây giờ, tâm hồn ấy đã có thể giúp ta nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Chúa, nhìn thân xác mình và thân xác người khác như Đền thờ của Thánh Thần, biểu lộ vẻ đẹp của Thiên Chúa, chứ không phải cái nhìn dung tục dẫn đến tội lỗi.


II. Cuộc chiến đấu nội tâm


Trong thực tế, là tinh thần nhập thể trong một thân xác, và do ảnh hưởng của tội lỗi, "tất cả cuộc sống con người đều biểu hiện như một cuộc chiến bi thảm, giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và tối tăm" (MV 13). Phải chấp nhận bước vào cuộc chiến đấu, mỗi ngày và suốt đời.


1. Trong đời sống cá nhân:

Ai cũng có kinh nghiệm về những dục vọng xấu nội tại tâm hồn mình. Những dục vọng ấy là hậu quả của tội nguyên tổ. Bí tích Thánh Tẩy tha thứ mọi tội lỗi, nhưng những dục vọng xấu vẫn còn đó, và ta phải cố gắng chống lại bằng cách:
• Thanh tẩy ý hướng: xác định rõ cứu cánh đích thực của đời người là ở nơi Chúa, từ đó thi hành thánh ý Chúa trong mọi sự.

Thanh tẩy cách nhìn bên ngoài cũng như bên trong: làm chủ tư tưởng, khước từ những tư tưởng xấu khiến ta xa Chúa.

Cầu nguyện, vì "không ai có thể sống khiết tịnh nếu không được Chúa ban ơn" (Âu Tinh).

Sống đoan trang, thể hiện trong cách ăn mặc, nói năng, cư xử với người khác.


2. Trong đời sống xã hội:
Môi trường xã hội hôm nay đầy rẫy những quyến rũ dâm ô: phim ảnh, báo chí, sách vở, hộp đêm... Thêm vào đó là chủ trương phóng túng về luân lý ngày càng phổ biến. Tất cả đều lôi kéo con người vào đường tội lỗi hơn là sống thánh thiện. Muốn giữ được tâm hồn thanh khiết, người Kitô hữu phải có can đảm xa lánh những dịp tội, những dịp vui chơi giải trí không lành mạnh. Hơn thế nữa, còn phải góp phần với mọi người thiện chí, để xây dựng một bầu khí xã hội lành mạnh hơn, như Hội Thánh mong muốn: "Phúc Âm của Chúa Kitô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hóa của con người đã sa ngã, chống đối và khử trừ các sai lầm và tai họa phát sinh từ sức quyến rũ thường xuyên của tội lỗi luôn luôn đe dọa" (MV 58).


Bài 57
Điều răn X
CHỚ THAM CỦA NGƯỜI
(x. SGLC từ 2534 đến 2557)

"Ngươi không được ham muốn bất cứ vật gì của người ta" (Xh 20,17). "Của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó" (Mt 6,21). Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp, cướp đoạt và gian lận. Bổ túc cho đòi hỏi nầy, điều răn thứ mười nhắm đến lòng tham, như nguồn gốc của những tội lỗi trên. Như vậy, cả hai điều răn thứ chín và thứ mười nhắm đến ý hướng trong lòng, và tóm kết tất cả các giới răn.

I. Ham muốn bất chính


Ai đói cũng thèm ăn, ai lạnh cũng mong được sưởi ấm. Ở tự nó, những ham muốn nầy là tốt, vì giúp bảo vệ sự sống. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy con người không giữ được mức độ hợp lý trong những ham muốn nầy. Vì không giữ được mức độ hợp lý nên sinh ra tham lam và ghen tị. Tham lam: là ham mê của cải, và thế lực do của cải đem lại; từ đó có thể làm điều bất công hại đến tài sản người khác. Kinh Thánh còn ghi lại câu chuyện về một người giàu, tuy có vô số chiên cừu, nhưng lại đi bắt con chiên duy nhất của người nghèo để làm tiệc đãi khách (x.2Sm 12,1-4). Cuộc sống hôm nay vẫn đầy dẫy những con người tham lam như thế: những nhà buôn mong hàng hóa khan hiếm và đắt đỏ, những kẻ mong người khác gặp hoạn nạn để thu lợi... Ghen tị: là buồn phiền khi thấy người khác có của cải và ước ao chiếm đoạt. Thánh Âu Tinh coi ghen tị là tội quỉ quái nhất, vì "ghen tị sinh ra thù ghét, nói xấu, vu khống, vui khi thấy kẻ khác gặp hoạn nạn, buồn khi thấy kẻ khác được may lành". Thánh Gioan Kim Khẩu nói quyết liệt hơn: "Chúng ta đấm đá nhau chỉ vì ghen tị... Nếu mọi người đều xâu xé nhau như vậy thì thân thể Chúa Kitô sẽ ra sao? Chúng ta đang làm tan nát Thân Thể Chúa Kitô".


II. Để vượt qua những ham muốn bất chính


1. Điều chỉnh những ước muốn:

Ở tự nó, ước muốn không phải là điều xấu. Vấn đề là phải điều chỉnh những ước muốn cho đúng đắn. Phải cảnh giác trước sự quyến rũ của những thực tại "ăn thì ngon, trông đẹp mắt và đáng quý" (St 3,6), nhưng lại ẩn chứa bên trong nọc độc của tội lỗi và sự chết. Điều mà người Kitô hữu phải ước muốn là sự toàn thiện, và đặt mình trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì thế, Thánh Phaolô nói người tín hữu là người "đã đóng đinh xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê" (Gl 5,24), và ước muốn những điều hợp ý Chúa Thánh Thần (x.ra 8,27).

2. Sống tinh thần nghèo khó:

Mối phúc đầu tiên được Đức Giêsu công bố là "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó" (Mt 5,3), và Ngài thường xuyên cảnh giác con người trước mối nguy hiểm của tiền bạc (x.Lc 6,24). Sống tinh thần nghèo khó là chọn Chúa làm gia nghiệp của mình, đặt Chúa trên hết mọi sự, và vì thế saün sàng từ bỏ mọi sự vì Đức Giêsu và vì Tin Mừng (x.Mc 8,35). Nhờ đó, trong cuộc sống hằng ngày, người tín hữu "điều khiển tâm tình cho đúng đắn, để việc sử dụng của cải trần gian và lòng quyến luyến sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Tin Mừng không cản trở họ theo đuổi đức ái trọn hảo (GH 42).

Biết ao ước hạnh phúc đích thực, ta được giải thoát mọi ràng buộc bất chính với của cải trần thế. Và cuối cùng, được chiêm ngắm nhan thánh Chúa và hưởng hạnh phúc bên Ngài


Phần 4
KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO


Dẫn nhập
Đối với người Kitô hữu, tin không chỉ là chấp nhận một hệ tư tưởng hay một hệ thống luân lý; dầu hoàn hảo đến đâu; nhưng trước hết và trên hết là bước vào giao ước yêu thương với Đấng mình tin. Vì thế, người Kitô hữu không chỉ tuyên xưng các chân lý đức tin, nhưng còn cử hành niềm tin và sống niềm tin (Phần 2 và 3). Mối quan hệ yêu thương, gắn bó với Thiên Chúa được thể hiện cách sống động và cụ thể trong đời sống cầu nguyện. Trong phần nầy, chúng ta tìm hiểu đời cầu nguyện về mặt lịch sử cũng như nội dung, để hun đúc cho đời cầu nguyện của chính mình. Hình ảnh cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Đức Giêsu với người phụ nữ Samari bên bờ giếng (Ga 4,1-20) là hình ảnh tuyệt vời về cầu nguyện. Thật lạ lùng, chính Thiên Chúa đang khát và đã tìm đến gặp gỡ, ngỏ lời trước con người: "Chị cho tôi xin chút nước uống" (Ga 4,7). Đồng thời, Ngài khơi dậy nơi lòng người nỗi khát khao sâu thẳm, và giúp con người khám phá ra Ngài là Đấng duy nhất có thể lắp đầy nỗi khao khát đó: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước uống; thì hẳn chị đã xin và Người ban cho chị nước hằng sống". (Ga 4,10). Như thế, chính Thiên Chúa đã đi bước trước. Cầu nguyện trở thành quà tặng của Thiên Chúa, trở thành nơi gặp gỡ của cơn khát khao nơi Thiên Chúa và cơn khát khao nơi con người, trở thành lời đáp trả đức tin và tình yêu con người trước lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Chính vì thế, khiêm tốn phải là thái độ nền tảng của lời cầu nguyện. Nếu cầu nguyện là sự gặp gỡ cơn khát khao của Thiên Chúa và nỗi khát khao của con người, thì khi cầu nguyện, ta phải đến với Thiên Chúa bằng cả con người của mình: lời nói, cử chỉ. Tuy nhiên Kinh Thánh nhấn mạnh đặc biệt đến tấm lòng, hiểu như nơi sâu kín nhất của con người, nơi của sự thật, nơi phát sinh quyết định, nơi gặp gỡ. Sự nhấn mạnh đó giúp ta khám phá cầu nguyện là đi vào quan hệ giao ước yêu thương với (Thiên Chúa) Cha, trong sức đẩy của Thánh Thần và trong mối hiệp thông với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. Nhờ đó, cầu nguyện dẫn ta đi sâu hơn vào mối hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đời sống cầu nguyện là thói quen đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa chí thánh, và hiệp thông với Ngài.


Kinh Lạy Cha.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

 

Bài 58
KINH NGUYỆN TRONG DÒNG LỊCH SỬ
(x. SGLC từ 2566 đến 2643)

Sự có mặt của các tôn giáo trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại nói lên thái độ con người không ngừng kiếm tìm Thiên Chúa. Bởi lẽ con người từ Thiên Chúa mà đến, và dầu sa ngã phạm tội, con người vẫn là hình ảnh Thiên Chúa, và cưu mang trong tâm hồn nỗi khát khao tìm về Đấng đã gọi mình từ hư vô đi vào hiện hữu. Nếu con người kiếm tìm Thiên Chúa, thì ngược lại, chính Thiên Chúa đã tìm kiếm con người trước. Đây là mặc khải lớn lao đặc biệt của Kitô giáo. Cho dầu con người trốn chạy Thiên Chúa, hay tôn thờ những thần thánh giả hiệu, Thiên Chúa vẫn luôn tìm kiếm con người và kêu gọi họ. Cầu nguyện chính là cuộc gặp gỡ kÿ diệu giữa hai nỗi khát khao và hai tiếng gọi. Và cuộc gặp gỡ ấy trải dài trong suốt lịch sử ơn cứu độ.

I. Trong Cựu Ước


1. Vào những thời kỳ đầu, như được mô tả trong chín chương đầu sách Sáng Thế, tâm tình cầu nguyện của con người được diễn tả qua việc hiến dâng Của Đầu Mùa (Abel), khẩn cầu Danh Thánh (Thời Enoch) và bằng cuộc sống "bước đi với Thiên Chúa" (Noê). Chỉ với tổ phụ Abraham, nội dung cầu nguyện mới được khắc họa rõ nét hơn.


2. Cuộc sống của tổ phụ Abraham cho thấy thái độ căn bản con người phải có khi cầu nguyện là: chăm chú lắng nghe và qui phục thánh ý Thiên Chúa. Với tinh thần đức tin, Abraham đã ra đi "như lời Chúa dạy" (St 12,4), và ở mỗi chặng đường, ông lại dựng một bàn thờ dâng kính Chúa. Với tinh thần đó, ông đã dám hiến dâng ngay cả đứa con duy nhất của mình cho Thiên Chúa (St 22,8).


3. Qui phục thánh ý Thiên Chúa như thế không phải luôn luôn là điều dễ dàng. Vì vậy trong lời cầu nguyện của Abraham, cũng đã thoáng hiện nỗi giao động, vì như thể Lời Chúa hứa không được thực hiện (x.St 25,2). Sự giằng co nầy thể hiện rõ nét nơi Tổ phụ Yacob, trong giấc mơ vật lộn với Thiên Chúa (x.St 32,24-30), và chứa đựng ở đó bài học quí giá: Bước vào đời cầu nguyện là bước vào cuộc chiến đấu của Đức Tin, và phải kiên nhẫn mới có thể chiến thắng.


4. Trong lời cầu nguyện của tổ phụ Abraham cũng đã xuất hiện tư cách của người trung gian, khi Ngài tha thiết yêu cầu thay cho người tội lỗi (x.St 18,16-33). Tư cách nầy được thể hiện mạnh mẽ nơi khuôn mặt vĩ đại của Cựu Ước: MÔSỆ Thiên Chúa đã hiện ra với Môsê từ trong bụi gai bốc cháy (x.Xh 3,1-10), mời gọi ông trở thành sứ giả, thành người cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài. Môsê đã đi vào cuộc gặp gỡ, đối thoại thân tình với Thiên Chúa "diện đối diện" "như hai người bạn" (x.Xh 33,11). Và chính trong mối thân tình ấy với Thiên Chúa, ông đã mạnh dạn dâng lời chuyển cầu, không phải cho mình mà là cho dân (x.Xh 17,8-12; 32,1-34,9), lời chuyển cầu trở thành mẫu mực cho lời cầu xin của Hội Thánh, dựa vào tình yêu và lòng trung tín của Thiên Chúa.


5. Khi đã định cư ở đất Canaan, Trướng Tao Phùng và sau nầy Đền Thờ, là nơi Dân Chúa tụ họp lại cầu nguyện và được hướng dẫn cầu nguyện. Bước sang thời Quân chủ, khuôn mặt ĐAVIT nổi lên như vị vua cầu nguyện. Ông là vị vua đẹp lòng Chúa, là vị mục tử cầu nguyện cho dân và nhân danh dân - Tâm tình vâng phục, ngợi khen, sám hối của ông là mẫu mực cho lời cầu nguyện của Dân Chúa, và với các Thánh Vịnh, ông xứng đáng được coi như ngôn sứ đầu tiên của kinh nguyện Do Thái và Kitô giáo.


6. Đền thờ và những sinh hoạt tôn giáo gắn với Đền thờ, là nơi giáo dục Dân Chúa về cầu nguyện. Tuy nhiên, theo thời gian, đời sống cầu nguyện đó có nguy cơ chỉ còn là những nghi thức tế tự hời hợt bên ngoài. Vì thế dân Chúa cần được giáo dục lại về niềm tin, về sự hoán cải tâm hồn, và đó là vai trò các ngôn sứ. Từ những cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, các ngôn sứ đón nhận ánh sáng và sức mạnh cho sứ vụ của mình. Đối với các Ngài, cầu nguyện không phải là cách chạy trốn khỏi giới bất trung nầy, nhưng là chăm chú lắng nghe Lời Thiên Chúa, để đón nhận ánh sáng và sức mạnh. Từ giữa lòng sứ vụ khó khăn, lời cầu nguyện của các Ngài đôi lúc vang lên như lời than thở và biện bạch, nhưng chủ yếu là lời chuyển cầu cho dân, và chuẩn bị cho biến cố quyết định: Đấng Cứu Độ ngự đến.


7. Thánh vịnh: Trong Cựu Ước, sách Thánh Vịnh là tác phẩm tuyệt vời về cầu nguyện. Các Thánh Vịnh vừa dưỡng nuôi vừa diễn tả lời kinh của dân Chúa, vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính cộng đoàn, vừa nhìn về những biến cố cứu độ trong quá khứ, lại vừa hướng lòng tới tương lai, vừa tưởng nhớ lời hứa mà Thiên Chúa đã thực hiện, lại vừa đợi chờ Đấng Mêsia sẽ đến. Các Thánh Vịnh ấy vừa được Chúa Kitô dùng, vừa được thể hiện trọn vẹn nơi Ngài; vì thế, Thánh Vịnh vẫn là lời kinh thiết yếu của Hội Thánh.


Sách Thánh Vịnh là cuốn sách mà trong đó Lời Thiên Chúa trở thành lời kinh của con người. Bởi vì Thánh Vịnh thường xuyên nói đến những kÿ công Chúa thực hiện, đồng thời chất chứa những suy tư và kinh nghiệm về cuộc sống nhân sinh. Ở đó, ta gặp được lời kinh đơn sơ và hồn nhiên tự phát; nỗi khao khát Thiên Chúa qua vũ trụ tạo thành; nỗi niềm của con người tin yêu Thiên Chúa, cho dù gặp quá nhiều đau khổ, thù địch và cám dỗ, vẫn một niềm tin tưởng mến yêu. Chính vì thế, dẫu Thánh Vịnh là lời cầu nguyện đã được viết ra trong quá khứ, nhưng vẫn luôn thích hợp cho mọi người, ở mọi nơi và mọi thời.


II. Đức Giêsu và lời kinh trọn hảo


Ý nghĩa cầu nguyện được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. Vì thế, như Môsê tiến gần đến bụi gai bốc cháy, ta hãy tiến gần đến Đức Giêsu để chiêm ngắm Ngài cầu nguyện, nghe Ngài dạy ta cầu nguyện, và để biết Ngài nghe ta cầu nguyện thế nào.


1. Chiêm ngắm Đức Giêsu cầu nguyện:

•  Trong thời niên thiếu, như bao nhiêu trẻ em Do Thái khác, Con Thiên Chúa làm người cũng học cầu nguyện: học từ người Mẹ quý yêu, học từ lời kinh của dân Chúa, trong hội đường Nagiarét cũng như ở đền Thánh Giêrusalem. Tuy nhiên, vào tuổi 12, Đức Giêsu đã bộc lộ suối nguồn thầm kín trong kinh nguyện của Ngài: Đó là kinh nguyện của người con hiếu thảo với Thiên Chúa là CHA (x.LC 2,49).

•   Khi bước vào cuộc sống công khai, Đức Giêsu thường xuyên cầu nguyện. Đó là lời cầu nguyện (Mc 1,35) trong cô tịch, trên núi cao, giữa đêm khuya. Nhưng cô tịch không đồng nghĩa với cô độc. Trong cầu nguyện, Ngài ôm lấy tất cả nhân loại với mọi nỗi niềm của nó, để hiến dâng lên CHA lời rao giảng và hành động của Ngài là sự biểu lộ ra bên ngoài những gì sâu kín trong cầu nguyện.


Đức Giêsu cầu nguyện cách đặc biệt tha thiết trong những thời điểm có tính quyết định đối với sứ vụ của Ngài (Chịu phép Rửa và Biến hình), cũng như sứ vụ của các môn đệ (Tuyển chọn 12 tông đồ, Trước lời tuyên xưng của Phêrô). Các sách Tin Mừng còn ghi lại hai lời cầu nguyện của Đức Giêsu:

Đức Giêsu chúc tụng CHA vì đã mặc khải điều bí nhiệm cho kẻ mọn hèn (x.Mt 11,41-42).

Trước khi phục sinh Ladarô (x.Ga 11,41-42).


Trong cả hai lời cầu nguyện, tâm tình đầu tiên luôn luôn là chúc tụng, ngợi khen, tạ ơn. Bởi vì "Người cho" quí hơn "của cho", và khi khẩn cầu điều gì, trước hết Đức Giêsu đã gắn bó với Thiên Chúa CHA.

• Lời cầu nguyện của Đức Giêsu dâng lên tới đỉnh cao trong những ngày cuối đời: Trước khi Ngài bị giao nộp, cũng như những lời cuối cùng trên Thánh Giá, nhất là "tiếng kêu" trước khi tắt thở (x.Mc 15,37). Tất cả mọi nỗi niềm của nhân loại ở mọi thời bị nhận chìm trong tội lỗi và sự chết, mọi lời khấn xin và chuyển cầu trong suốt lịch sử ơn cứu độ đều được gồm tóm lại trong "tiếng kêu" của Đức Giêsu. Và Thiên Chúa đã chấp nhận lời cầu xin ấy khi phục sinh Con Ngài từ cõi chết. Thánh Phaolô đã tóm kết cách tuyệt vời "Khi còn sống kiếp phàm nhân. Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Ngài đã được nhận lời vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi bản thân đã tới mức thập toàn, Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Ngài" (x.Dt 5,2-9).

• Chiêm ngắm Đức Giêsu cầu nguyện như thế, cũng như các môn đệ xưa, chúng ta muốn thưa với Ngài "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện" (Lc 11,1).

2. Đức Giêsu dạy ta cầu nguyện:
• Là nhà giáo dục bậc thầy, Đức Giêsu dẫn ta vào đời cầu nguyện bằng những bước tiệm tiến. Với thính giả thời đó là những người vốn quen với Cựu Ước, Ngài khởi đi từ Cựu Ước, rồi dần dần hé mở cho họ những nét mới về Nước Trời qua các dụ ngôn (x.Mt 13). Sau đó, với các môn đệ, Ngài giải thích rõ cho các Ông.

• Bước vào đời cầu nguyện, Đức Giêsu nhấn mạnh đến sự hoán cải nội tâm: kinh nguyện phải đi đôi với nỗ lực hòa giải và lòng yêu thương, kể cả kẻ thù và người bách hại mình; kinh nguyện phải phát xuất từ đáy lòng, với tâm hồn thanh khiết và ước mong kiếm tìm Nước Chúa trên hết mọi sự. Một khi tâm hồn đã hoán cải, phải học cầu nguyện bằng đức tin, nghĩa là gắn bó với Thiên Chúa, vượt trên mọi cảm giác và hiểu biết. Đức tin đó sẽ dẫn con người đến thái độ kiên vững "Tất cả những gì anh em cầu nguyện và xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý" (Mc 11,24), và "Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin" (Mc 9,23). Đồng thời, đức tin cũng thúc bách ta phải sống tỉnh thức. Bước vào đời cầu nguyện là bước vào cuộc chiến đấu. Phải tỉnh thức nhờ cầu nguyện, mới có thể vượt thắng cơn cám dỗ (x.Lc 22,40-46). Cuối cùng, đức tin ấy - nếu có thật - không thể chỉ ngưng lại ở lời nói "Lạy Chúa", nhưng phải dẫn ta đến chỗ thi hành ý của Cha, cộng tác vào chương trình của Cha (x.Mt 7,21; 9,38). + Với Đức Giêsu, ta nhận ra chiều sâu của kinh nguyện Kitô giáo: đó là cầu nguyện với Cha, nhân danh Đức Giêsu và trong tác động của Thánh Thần. Niềm tin vào Đức Giêsu, dẫn ta đến với Cha và trong tác động của Thánh Thần, ta được hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi "Ai yêu mến Thầy sẽ giữ Lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha và Thầy sẽ đến ở cùng người ấy".

3. Đức Giêsu nghe ta cầu nguyện:
Trong cuộc sống trần thế, Đức Giêsu đã lắng nghe lời cầu khẩn của nhiều người, lời cầu khẩn đầy niềm tin tưởng, và Ngài đã đáp lại lời khẩn cầu của họ: chữa lành vết thương, thứ tha tội lỗi "Đức tin của con đã chữa con, hãy đi bình an". Ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn tiếp tục nghe ta cầu nguyện và đáp lại lời khấn xin của con cái.

4. Lời cầu nguyện của Đức Trinh Nữ Maria:
Tâm tình cầu nguyện của Đức Maria được tóm kết trong hai chữ "Fiat" và "Magnificat". Với tiếng Fiat, Mẹ đã hiến dâng cho Thiên Chúa tất cả con người của mình, và cộng tác đắc lực vào chương trình tình yêu của Thiên Chúa. Và lời kinh Magnificat là lời kinh của tâm hồn khiêm tốn dâng lời ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa. Đức Maria cũng chuyển cầu cho ta, như Ngài đã can thiệp để giúp đỡ cho đôi tân hôn trong tiệc cưới Cana (x.Ga 2,1-11).

III. Trong thời kỳ của Hội Thánh

Nếu Chúa Thánh Thần là Đấng được sai đến để dạy dỗ Hội Thánh, và nhắc lại cho Hội Thánh tất cả những gì Đức Giêsu đã nói (x.Ga 14,26), thì Chúa Thánh Thần cũng là Đấng dạy dỗ Hội Thánh trong đời sống cầu nguyện. Cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên là cộng đoàn nhiệt thành cầu nguyện (x.Cv 2,42), lời cầu nguyện dựa vào lời giáo huấn của các Tông đồ, được chứng thực bằng đời sống yêu thương, và được dưỡng nuôi nhờ Thánh Thể. Lời cầu nguyện ấy bắt nguồn từ Kinh Thánh, và Chúa Thánh Thần cũng hướng dẫn Hội Thánh đến những hình thức mới. Những hình thức ấy mãi là mẫu mực cho kinh nguyện Kitô giáo, và chúng ta cùng nhìn lại:

1. Chúc tụng và thờ lạy:
Lời kinh chúc tụng là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, giữa ân huệ Thiên Chúa ban tặng, và niềm tri ân của con người dâng lên Thiên Chúa. Trong lời kinh đó, một đàng con người hướng lên Thiên Chúa, và đàng khác, ân huệ Thiên Chúa đổ xuống trên con người. Thái độ của người ý thức mình là tạo vật và tội nhân, thờ lạy Thiên Chúa là Tạo Hóa, Đấng Cứu độ và Chí thánh. Vì thế, ta thờ lạy Chúa vì sự cao cả, ơn giải thoát và sự thánh thiện của Ngài.

2. Khấn xin:
Người tín hữu ý thức mình là tạo vật, và chính Chúa mới là cội nguồn, cùng đích đời mình; đồng thời ý thức mình là tội nhân đã xa cách Chúa... Ý thức đó dẫn ta đến lời kinh khấn xin. Trước hết là xin ơn tha thứ: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,13). Kế đó là xin cho Nước Chúa ngự đến, chính ta phải cộng tác vào việc phục vụ Nước Chúa. Đồng thời khi được dẫn vào chương trình yêu thương của CHA, với niềm tín thác, ta trình bầy với Ngài mọi nhu cầu trong đời sống của mình.

3. Chuyển cầu:
Đức Giêsu là Đấng "đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta" (Rm 8,34). Thánh Thần là "Đấng cầu thay nguyện giúp cho các Thánh theo đúng ý Thiên Chúa" (Rm 8,27). Vì thế, lời kinh chuyển cầu là nét đặc trưng của Kitô Giáo, vừa diễn tả mối hiệp thông các Thánh, vừa diễn tả lòng yêu thương đối với mọi người không biên giới, kể cả những người làm hại mình (x.Pl 2,4).

4. Tạ ơn:
Lời kinh tạ ơn được diễn tả cách đặc biệt khi cử hành Lễ tế Tạ ơn. Tạ ơn vì nhờ Chúa Kitô, ta được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết, để trở thành tạo vật mới. Đồng thời, mọi biến cố và mọi ân huệ trong đời sống đều có thể trở thành hiến lễ tạ ơn, như Thánh Phaolô kêu gọi: "Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Giêsu Kitô" (1Tx 5,18).

5. Ngợi khen:
Thánh Phaolô nói: "Chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà ta được hiện hữu" (1Cr 8,6). Chính vì thế, ta dâng lời ngợi khen Chúa, vì chính Ngài, vì vinh quang Ngài chứ không vì cái gì khác.



2535    22-03-2011 09:06:51