Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 10_phần 1

Ngày 1 tháng 10
THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU
Trinh Nữ

Gương Thánh nhân: "Ôi Giê-su, Tình yêu của con, con đã khám phá ra ơn gọi của con: đó là TÌNH YÊU ! Con đã tìm ra chỗ đứng của con trong Hội thánh. Và chỗ đó, lạy Chúa, chính Chúa đã ban cho con ở trong lòng Hội thánh, Mẹ của con; con sẽ là tình yêu, và như vậy, con sẽ là tất cả..." Đó là con đường nhỏ mà thánh trinh nữ Tê-rê-sa Giê-su Hài đồng đã đi suốt cuộc đời thánh thiện đặc biệt của Ngài.

Thánh nữ sinh tại A-len-con, nước Pháp, ngày 2 tháng 1 năm 1973, trong một gia đình đạo đức với 9 người con, nhưng chỉ con sống 5 người con gái và đều là nữ tu dòng Kín.

Ngài là con út trong nhà, nên được mẹ thương lo lắng dạy bảo nhiều. Nhưng mới lên 4 tuổi, ngài đã mất mẹ; một đau đớn mất mát lớn lao đối với tuổi thơ ấu của Ngài. Ngài dâng cho Chúa tất cả nỗi buồn khổ đó để cầu cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại, vì ngài nhớ lời mẹ nói: Chúa Giê-su chịu chết đau khổ vô cùng vì kẻ có tội, nhưng họ thờ ơ lãnh đạm đối với tình thương của Người, nên cần phải cầu xin cho họ được ơn hối cải.

Năm 9 tuổi, thánh nữ ngã bệnh nặng. Ngài cầu xin Đức Mẹ cứu chữa, và hứa khi mạnh lại sẽ dâng mình cho Chúa theo các chị ngài. Và Đức Mẹ đã nhậm lời, cho ngài khỏe mạnh lại.

Từ đó, thánh nữ luôn ước muốn vào Dòng Kín, nhưng vì tuổi còn nhỏ, nhà dòng không nhận. Mãi đến năm 15 tuổi, ngài cũng chưa được nhận vào dòng, ngài phải đi Rô-ma xin Đức Giáo Hoàng Lê-ô 12 miễn chuẩn mới được vào, và gọi là Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su.

Cuộc sống trong Dòng Kín là cả một thăng tiến đàng thiêng liêng của thánh nữ, bằng những hy sinh khổ nhọc ngài sẵn sàng chấp nhận hằng ngày, vì lòng mến Chúa thương người. Chính do con đường hy sinh nầy mà Thiên Chúa đã tôn vinh Con Một của Người, và cũng nhờ con đường nầy mà Ngài đào tạo thánh nữ thành vị thánh cả.

Như chúng ta đã biết: châm ngôn sống của thánh nữ là TÌNH YÊU, yêu Chúa yêu người, với tất cả tấm lòng khiêm cung nhỏ bé như trẻ thơ tin yêu phó thác vào cha mẹ. Yêu Chúa, ngài hiến toàn thân vì Chúa; thương người, ngài sẵn lòng chịu cực chịu khó phục vụ mọi người. Dù có gian khổ, dù có bị hiểu lầm khinh bỉ, ngài không buồn phiền than trách, một vui lòng đón nhận tất cả cách hân hoan phấn khởi. Sách "MỘT TÂM HỒN" do ngài viết để lại đã nói rõ điều đó, ngài viết: "Đức ái đã cho tôi thấy chìa khóa về ơn gọi của tôi. Tôi hiểu rằng: nếu Hội thánh là một thân thể gồm nhiều chi thể, thì tất phải có bộ phận rường cột và ưu tú hơn cả. Tôi hiểu Hội thánh có một tấm lòng và tấm lòng nầy cháy lửa yêu mến. Tôi hiểu chỉ có lòng mến thúc đẩy mọi phần tử trong Hội thánh hoạt động, và nếu nó tắt đi thì các tông đồ không còn rao giảng Tin mừng, các vị Tử đạo không còn đổ máu nữa. Tôi hiểu lòng mến bao trùm mọi ơn gọi, lòng mến là tất cả, lòng mến bao quát mọi không gian và thời gian, và tắt một lời, lòng mến thì vĩnh cửu".

Chính lòng mến thiết tha trong khiêm tốn phó thác đã dẫn đưa thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su lên tới tuyệt đỉnh trọn lành, và hoàn tất cuộc đời trong an bình thánh thiện.

Thánh nữ qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897, với tuổi 24; và chỉ 28 năm sau, ngài đã được tôn lên Hiển Thánh, do Đức Giáo Hoàng Pi-ô 11, và được chọn làm thánh Bổn mạng các xứ truyền giáo.

Quyết tâm: Hằng ngày tập sống mến Chúa yêu người, sẵn sàng hy sinh chịu khó làm mọi việc vì Chúa và vì anh chị em trong khiêm nhu phó thác, theo gương thánh nữ Tê-rê-sa Giê-su Hài Đồng.

Lời nguyện: Lạy Chúa là Cha nhân lành, Chúa mở cửa Nước Trời cho những người bé mọn. Xin cho chúng con hằng ngày biết theo chân thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, mà bước đi trên con đường phó thác, để muôn đời được chiêm ngưỡng Thánh nhan.

Ngày 2 tháng 10
CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ

Mỗi người Chúa dựng nên đều có một thiên thần giữ mình, điều đó Chúa Giê-su đã khẳng định: "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn nầy; quả thật, Thầy nói cho anh em biết; các thiên thần của họ không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt. 18, 10).

Và thánh Bê-na-đô minh chứng: "Chúa đã sai các thiên thần đến phục vụ các con, cắt đặt các ngài gìn giữ các con, và cho các ngài làm quản giáo cho các con". Thánh Giê-gô-ri-ô nói: "Phẩm giá các linh hồn cao quý biết bao, vì mỗi linh hồn đều được Thiên Chúa ban cho một thiên thần chăm sóc". Và thánh Ghê-rô-ni-mô viết: "Chúa biết ác tâm của ma quỷ, chúng luôn tìm cách ngăn cản không cho ai vào chỗ chúng đã mất trên thiên đàng, nên ban cho mỗi người một thiên thần hộ thủ, để chống trả kẻ thù của phần rỗi chúng ta".

"Ma quỷ đông đúc và độc dữ như sư tử, ngày đêm rình chực hãm hại con người, thì Chúa cũng ban cho họ vô số thiên thần quyền phép hơn gìn giữ bảo hộ. Ngay lúc mới sinh ra, mỗi người đều có một thiên thần giữ mình. Dù lương hay giáo, dù lành hay dữ, ai ai cũng được Chúa thương cho thiên thần che chở. Chẳng những Chúa cho thiên thần bảo vệ từng người, mà còn cho các ngài gìn giữ các xã hội, các cộng đoàn, các gia đình, mọi nước, mọi thành, mọi nơi chốn có con người trú ngụ. Như lời thánh Tô-ma tiến sĩ nói: "Có thiên thần bảo hộ các quốc gia, dân tộc, thành thị, cộng đoàn cũng như mỗi người".

"Thiên thần hộ thủ có trách nhiệm che chở chúng ta khỏi mọi sự dữ và gian nan khốn khó, cứu giúp chúng ta khỏi sa ngã phạm tội, giúp chúng ta làm lành lánh dữ, nâng đỡ chúng ta trong lúc yếu đuối, tăng thêm lòng can đảm mạnh mẽ, an ủi chúng ta trong những lúc sầu buồn đau khổ".

"Các ngài còn giúp sức chúng ta lướt thắng các chước cám dỗ của ma quỷ, xác thịt thế gian. Và nếu chúng ta có lỡ lầm sa ngã, các ngài nâng đỡ chúng ta ăn năn hối cải".

"Ngoài ra, các thiên thần hộ thủ dâng lên trước tòa Chúa các việc lành phúc đức và lời cầu nguyện hằng ngày của chúng ta, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta được ơn lành của Chúa. Các ngài an ủi soi sáng chúng ta trong cơn bệnh hoạn chết chóc, và bênh đỡ chúng ta trong ngày phán xét".

"Tắt một lời, Chúa cho thiên thần hộ thủ gìn giữ che chở chúng ta trên khắp nẻo đường và suốt đời, như thánh Bê-na-đô nói, và bảo chúng ta hãy cám ơn Chúa, vì Người đã thương chúng ta, đồng thời phải kính sợ, thương mến, tin tưởng thiên thần giữ mình: "Người truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường. Họ hãy cảm tạ Chúa vì tình thương Người, vì những kỳ công Người đã làm cho con cái loài người..."

"Người truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường. Lời nầy phải mang lại cho bạn bao niềm kính sợ, tôn kính và tin tưởng: Kính sợ trước sự hiện diện, tôn kính trước lòng nhân hậu, tin tưởng trước sự phù trợ của các ngài".

Ngoài ra, ba bổn phận kính sợ, tôn kính, tin tưởng như thánh Bê-na-đô vừa kể, mỗi người còn cần phải sẵn sàng tuân theo sự hướng dẫn dìu dắt của thiên thần hộ thủ, để được sống đẹp lòng Chúa và đáng thưởng phước đời đời.

Quyết tâm: Hằng ngày tôi luôn kính sợ, tôn kính, tin tưởng và làm theo thiên thần hộ thủ dạy bảo chỉ dẫn, để ngày sau được Chúa thưởng.

Lời nguyện: Lạy Chúa là Đấng an bài mọi sự cách tuyệt vời, Chúa sai các thiên thần đến gìn giữ chúng con. Xin ban cho chúng con đời nầy được các ngài luôn bênh vực che chở, và đời sau được cùng các ngài hưởng phúc vinh quang.

Ngày 4 tháng 10
THÁNH PHAN-XI-CÔ ÁT-SI-SI

Gương Thánh nhân: Thánh Phan-xi-cô sinh năm 1182, tại Át-si-si nước Ý, trong một gia đình giàu có. Cha ngài làm nghề buôn bán thường đi đó đây, nên lúc nhỏ ngài sống với người mẹ hiền lành đạo đức.

Lớn lên, vì cha mẹ giàu có nuông chìu, lại thêm ảnh hưởng xa hoa của xã hội, Phan-xi-cô chạy theo lối sống hào hoa phong nhã, ăn chơi phung phí, ham mê danh vọng giàu sang chức tước. Cậu theo bá tước Gô-thi đi chinh phục các vùng gần Át-si-si, cốt để được vinh thăng hiển hách. Nhưng cậu đã thất trận và bị bắt cầm tù. Những ngày tù ngục khổ cực nhục nhã khiến cậu hồi tâm suy nghĩ. Và cậu đã tìm được lý tưởng cao đẹp.

Sau khi ra khỏi tù, Phan-xi-cô trở về xứ sở, bắt đầu cuộc sống mới. Hằng ngày ngài tận tụy giúp đỡ những người bệnh tật, kẻ nghèo khổ, và siêng năng đến nhà thờ cầu nguyện, dự Thánh lễ. Một hôm đang khi cầu nguyện trong nguyện đường thánh Đa-mi-a-nô, ngài nghe tiếng Chúa Giê-su từ trên Thánh giá phán bảo:

- Phan-xi-cô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của Ta đang hư nát !

Ngài không hiểu ý Chúa muốn ngài chỉnh đốn lại Hội thánh đang sa sút, nên lo đi quyên góp tiền của sửa chữa lại các đền thờ ở Át-si-si. Nhưng trong một buổi tham dự Thánh lễ, ngài nghe đọc đoạn Tin mừng: "Anh em hãy đi rao giảng Tin mừng... Hãy rao giảng rằng: "Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng sắm vàng bạc, hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang theo bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy..." (Mt. 10, 7-10).

Thế là thánh nhân đã hiểu ý Chúa... Ngài phân phát hết của cải cho người nghèo khó, sống đời khổ hạnh, ngày ngày đi rao giảng Nước Chúa, chăm sóc kẻ bệnh tật, sống bằng của ăn xin.

Cha ngài thấy con sống nghèo khó hèn mạt như thế thì tức giận, bắt nhốt ngài, rồi dẫn đến Đức Giám mục từ ngài luôn. Nhưng thánh nhân sẵn lòng chấp nhận hy sinh tất cả vì Chúa, ngài trả lại cho cha cả áo quần đang mặc và nói: "Từ nay tôi mới thật sự giống Chúa Ki-tô."

Thánh nhân muốn nên giống Chúa Giê-su hoàn toàn trong đời sống khó nghèo, hy sinh, gian khổ. Và ngài muốn phụ giúp Chúa cứu rỗi các linh hồn. Ngài hăng say lên đường rao giảng Lời Chúa khắp nước Ý. Đi tới đâu, ngài gieo rắc tình thương của Chúa đến đó. Ngài đem nhiều người trở lại với Chúa, và quy tụ được nhiều kẻ theo ngài. Ngài huấn luyện họ và thành lập Hội Dòng Anh Em Hèn Mọn, cũng gọi là Dòng Thánh Phan-xi-cô, sống khiêm tốn khó nghèo và chuyên lo giảng đạo cho người nghèo khổ.

Năm 1212, thánh nhân còn giúp thánh nữ Cla-ra thiết lập nhóm chị em sống nghèo khó và cầu nguyện, gọi là nữ tu thánh Cla-ra. Sau những năm tháng tận tụy truyền giáo và đào tạo người nối nghiệp, thánh nhân rút lui vào sống trong núi, ngày ngày chuyên chăm hãm mình cầu nguyện. Chính lúc ở đây, ngài được Chúa in năm dấu Thánh trên chân tay và cạnh sườn ngài. Trong hai năm trời, các vết thương nơi năm dấu Thánh luôn rỉ máu và làm cho ngài đau đớn dữ dội, nhưng thánh nhân luôn sẵn sàng chấp nhận để hiệp cùng sự thương khó Chúa mà cứu rỗi các linh hồn.

Thánh nhân qua đời ngày 3 tháng 10 năm 1226. Và ngày 16 tháng 7 năm 1228, Đức Thánh Cha Ghê-gô-ri-ô thứ 9 đã tấn phong ngài lên bậc Hiển Thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Phan-xi-cô Át-si-si, tôi sẵn sàng từ bỏ mọi sự, sống khó nghèo và hy sinh chịu khó hằng ngày, để cứu rỗi linh hồn tôi và anh chị em tôi.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho thánh Phan-xi-cô chọn cuộc đời hèn mọn khó nghèo, để trở nên hình ảnh sống động của Đức Ki-tô. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại, mà thiết tha gắn bó cùng Chúa, và hăm hở bước theo Đức Ki-tô, lòng chan chứa an vui và đầy tràn yêu mến.

Ngày 6 tháng 10
THÁNH BRU-NÔ Linh Mục

Gương Thánh nhân: Thánh Bru-nô là Đấng sáng lập Dòng Sát-trơ, sinh năm 1035, trong một gia đình quý tộc, tại Cô-lon nước Đức.bLúc nhỏ Bru-nô học hành nơi sinh quán. Lớn lên, cậu theo học triết tại Rem và Tua. Cậu học hành giỏi giắn và trở nên học giả thời danh, đến nỗi nhiều người đến xin thụ giáo, trong số đó có một người sau nầy làm Giáo Hoàng, đó là Đức U-ba-nô thứ 2.

Ngoài tài trí thông minh, thánh nhân còn nổi tiếng đức hạnh. Ngài mến mộ thinh lặng cầu nguyện, nên được chọn làm Kinh sĩ đại thánh đường Cu-ni-be ở Cô-lon.

Nhưng Chúa thường thử thách những kẻ Người thương. Năm 1068, sau khi Đức Giám Mục Gê-va-sô qua đời, Ma-nát-sô dùng mưu lược và tiền của mua chuộc, nên được chọn làm Giám mục giáo phận Rô-ma. Ông ta là người khô đạo lại hung ác, nên thánh nhân chống đối. Song ngài bị ông ta trả thù bằng cách tịch thu tài sản và bắt phải rời khỏi thành phố

Thánh nhân đến miền Au-bơ, gia nhập đan viện Mô-lết, sống đời khổ tu và chuyên cần cầu nguyện. Nhưng thời gian sau, ngài thấy cuộc sống đan viện không thích hợp với nguyện ước của ngài, ngài muốn sống cô tịch trầm lặng hơn, kết hợp mật thiết với Chúa hơn. Ngài được vị thánh Giám mục Hu-gô là học trò cũ của ngài chỉ cho một nơi hẻo lánh thanh vắng là vùng Sát-trơ. Thế là năm 1084, ngài cùng sáu người bạn đến đó, làm một nhà nguyện nhỏ và 7 túp lều xung quanh rồi tu luyện tại đó. Hằng ngày, ngoài ra những giờ làm việc để mưu sinh, mỗi người sống âm thầm thinh lặng trước mặt Chúa, kết hợp mật thiết với Chúa. Đây là khởi điểm dòng khổ tu do thánh nhân sáng lập, gọi là Dòng Sát-trơ. Hội dòng nầy ngày càng phát triển và tồn tại cho đến ngày nay.

Danh thơm thánh thiện và gương sáng nhân đức của thánh nhân đã loan truyền đến Toà Thánh. Năm 1090, Đức Giáo Hoàng Ur-ba-nô thứ 2 đã triệu ngài về Rô-ma làm cố vấn.

Mặc dầu ở giáo triều, thánh nhân luôn nhớ đến các tu sĩ của ngài. Ngài cầu nguyện cho họ, và thường xuyên viết thơ khích lệ. Ngài nói: "Anh em rất thân mến, anh em hãy vui mầng vì số phận rất hạnh phúc của anh em, và vì các ơn dồi dào Chúa đã rộng ban cho anh em. Anh em hãy vui mầng vì thoát khỏi bao hiểm nguy đắm chìm của biển động thế gian nầy. Anh em hãy vui mầng vì được ở trong bến an toàn và nơi phẳng lặng của ẩn dật, là nơi nhiều người ao ước đến, nhiều kẻ cố sức đến mà không được. Nhưng lại bị loại ra, vì tất cả đều không được ơn trên ban cho.

"Vì vậy, hỡi anh em, hãy xác tín điều nầy: một khi đã được hưởng một điều thiện hảo đáng ước ao như vậy rồi và lý do nào đó mà bị mất đi, thì chẳng ai mà không buồn tiếc mãi, nếu như họ còn bận tâm lo lắng tới phần rỗi linh hồn mình".

Nhưng một năm sau, ngài xin Đức Giáo Hoàng cho được trở lại nếp sống ẩn tu. Và ngài đã đến Ca-la-brơ thành lập đan viện thứ hai theo tinh thần Dòng Sát-trơ.

Thánh nhân từ trần ngày 6 tháng 10 năm 1101, tại đan viện mới nầy.

Quyết tâm:Mỗi ngày dành để thời giờ yên tịnh, để gặp gỡ Chúa, sống thân tình với Chúa, theo gương thánh Bru-nô.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã mời gọi thánh Linh mục Bru-nô phụng sự Chúa trong nơi vắng lặng. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, mà ban cho chúng con dù đang sống giữa cảnh đời ồn ào náo động, cũng biết luôn hướng lòng về Chúa.

THÁNH PHAN-XI-CÔ TRẦN VĂN TRUNG
Cai Đội Tử Đạo

Gương Thánh nhân: "Là công dân Việt Nam , tôi sẵn sàng đi đánh giặc bảo vệ tổ quốc. Nhưng tôi không bao giờ đạp lên Thánh giá bỏ đạo chối Chúa, vì tôi là con dân của Chúa".

Đó là lời thánh Phan-xi-cô Trung tuyên bố trước mặt các quan, khi bị bắt ép bỏ đạo. Nó nói lên tất cả tấm lòng trung tín keo sơn của vị anh hùng đối với Thiên Chúa và tổ quốc. Đối với quê hương trần thế, ngài sẵn sàng phục vụ để xây dựng bảo tồn; đối với Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng và cứu độ ngài, ngài cũng chu toàn bổn phận tôn kính phụng sự. Ngài không thể vì tổ quốc mà bỏ Chúa, cũng chẳng vì Chúa mà chểnh mãng nghĩa vụ công dân. Ngài xứng đáng là tấm gương kính Chúa yêu nước cho mọi Ki-tô hữu.

Phan-xi-cô Trần Văn Trung sinh năm 1825 tại Phan-xá, tỉnh Quảng Trị. Cha là quân nhân dưới thời vua Minh Mạng. Lớn lên, cậu nối nghiệp cha, gia nhập quân đội. Nhờ tài giỏi và nhiệt thành trong phận vụ, cậu được thăng chức cai đội.

Năm lên 24 tuổi, anh kết hôn với một thiếu nữ đồng đạo. Hai vợ chồng chung sống hòa thuận hạnh phúc, sốt sắng thờ phượng Chúa, sinh được bốn người con. Vì thế, ngoài ra bổn phận trong quân ngũ, anh còn có trách nhiệm giáo dục con cái, thánh hóa gia đình.

Lúc đó, anh cùng 11 bạn đồng nghiệp phải tham dự một cuộc khảo thí theo quy luật quân đội. Theo tình thế lúc bấy giờ, muốn cho việc thi cử được kết quả, cần phải hối lộ với quan trên. Chẳng may sau khi nhận tiền của đút lót, các quan chia chát với nhau không đồng đều; tranh giành cải vả với nhau thấu đến tai vua, nên cả 12 cai đội đều bị tống giam vào ngục.

Năm 1858, quân đội Pháp đánh chiếm Cửa Hàn. Vua Tự Đức cần người chiến đấu chống xâm lăng. Vua truyền cho các tù nhân, ai tình nguyện đánh giặc sẽ được phóng thích. Cai đội Trung và các bạn đồng đội hăng say hưởng ứng. Nhưng vua sợ các binh sĩ Công giáo phản bội, theo Pháp chống lại triều đình, nên buộc đạp lên Thập giá, trước khi xuất quân ra trận. Tất cả đều tuân hành lệnh vua, chỉ trừ cai đội Trung. Các quan thấy vậy hỏi:

- Sao mi không đạp lên Thập giá? Mi có đạo phải không?

Vị chiến sĩ đức tin đáp:

- Phải. Tôi là người Công giáo. Tôi sẵn sàng đi chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc. Nhưng tôi không bao giờ chối Chúa bỏ đạo, vì tôi cũng có bổn phận thờ kính và làm chứng cho Chúa tôi.

Lời công bố chân thành đó xác định rõ lập trường của người Công giáo chân chính: là công dân, họ sẵn sàng phục vụ và bảo vệ tổ quốc; là môn đệ Chúa, họ nhiệt thành thờ kính và phụng sự Chúa. Lúc bình thường, hai bổn phận đó có thể đi đôi với nhau; nhưng lúc khó khăn bách hại, bổn phận làm chứng cho Chúa phải được đặt lên hàng đầu.

Chính vị anh hùng Phan-xi-cô Trần Văn Trung đã thực hiện đúng như thế. Thế là số phận của ngài đã được định đoạt: ngài phải chịu tù ngục xiềng xích vì đã trung thành với Chúa.

Điều làm cho mọi người cảm phục vị anh hùng tử đạo hơn nữa, là mặc dầu bị tù ngục xiềng xích khổ sở, bị tra tấn hành hạ đau đớn, ngài không nghĩ đến thân phận khốn khổ của mình, mà lo lắng khuyên bảo vợ con vui lòng hy sinh vì Chúa, trung thành bền đỗ tin theo Chúa. Và vì nhớ còn thiếu nợ vài người, ngài xin vợ coi đồ đạc gì trong nhà có thể bán được thì đem bán trả nợ, kẻo chủ nợ bắt con cái ở đợ trừ nợ khổ sở và không được tự do hành đạo. Thật đúng ngài quên mình vì gia đình, vì tổ quốc và Thiên Chúa.

Trong hơn hai tháng tù ngục, nhiều lần ngài bị đánh đòn tra tấn, buộc bước qua Thánh giá bỏ đạo. Nhưng ngài bất chấp mọi khổ hình, sẵn sàng chấp nhận mọi gian lao thử thách, kiên quyết giữ vững đức tin. Thấy không còn hy vọng khuất phục được ngài, các quan đệ án tử hình về Kinh. Vua Tự Đức chấp thuận. Và ngày 06 tháng 10 năm 1859, ngài bị điệu đi xử trảm (chém đầu) tại pháp trường An Hòa (Huế).

Ngày 02 tháng 05 năm 1909, Đức Thánh Cha Pi-ô 10 đã phong Chân Phước cho ngài. Và Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 suy tôn ngài lên Hiển Thánh, ngày 19 tháng 06 năm 1988.

* Quyết tâm: Hy sinh lo cho gia đình được bình an hạnh phúc phần hồn phần xác, sẵn sàng bảo vệ xây dựng tổ quốc giàu mạnh, và trung thành bền đỗ tin thờ Chúa đến cùng, theo gương thánh Phan-xi-cô Trần Văn Trung tử đạo.

* Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 7 tháng 10
ĐỨC MẸ MÔI KHÔI

Để kỷ niệm, nhất là để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ về cuộc chiến thắng hạm đội Hồi giáo tại vịnh Lê-păn, tháng 10 năm 1571, Đức Thánh Cha Pi-ô thứ 5 đã lập Lễ Đức Ma-ri-a hiển thắng, và Đức Ghê-gô-ri-ô thứ 12 đổi lại thành Lễ Đức Mẹ Môi Khôi.

Công cuộc chiến thắng đó đã xảy ra hết sức lạ lùng, nhờ hiệu lực của chuỗi Môi Khôi. Số là năm 1571, quân đội Thổ-nhĩ-kỳ theo Hồi giáo, xâm chiếm Âu-châu, giết hại người Công giáo, tàn phá các thánh đường, gây đau thương tang tóc cho Hội thánh. Đứng trước tình thế thảm thương đó, Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 5 kêu gọi người Công giáo thành lập Đạo Binh Thánh Giá chống trả, đồng thời cổ động mọi người sốt sắng lần chuỗi Môi Khôi, để kêu xin Đức Mẹ cứu giúp...

Một cuộc chiến dữ dội giữa quân Hồi giáo với Đạo Binh Thánh Giá đã diễn ra tại vịnh Lê-păn. Nhưng lực lượng đôi bên quá chênh lệch: quân Hồi giáo rất đông và dùng những vũ khí tối tân, còn Đạo Binh Thánh Giá quân số ít ỏi, vũ khí thô sơ, lại không thạo nghề chinh chiến. Thế mà Đạo Binh Thánh Giá đã chiến thắng vẻ vang. Hôm đó là ngày 7 tháng 10 năm 1571. Vì thế Đức Giáo Hoàng đã chọn ngày nầy để mầng kính Đức Mẹ Môi Khôi, ghi nhớ hiệu lực kỳ diệu của việc lần chuỗi Môi Khôi, và tạ ơn Đức Mẹ đã cứu giúp Hội thánh.

Chuỗi Môi Khôi rất cao quý và hiệu lực vì nội dung phong phú dồi dào, múc lấy từ nguồn Kinh Thánh. Đây là cách lần hột bằng cách đọc 150 kinh Kính Mầng, mỗi 10 kinh thì suy gẫm một mầu nhiệm trong đời sống Chúa Giê-su và Đức Mẹ. Kinh Kính Mầng chính là Kinh Thiên thần Gáp-ri-en đã đọc lên ngày Truyền Tin cho Đức Mẹ, các mầu nhiệm năm sự vui, năm sự thương, năm sự mầng đã được trích từ các sách Tin mừng theo thánh Mat-thêu, Mát-cô, Lu-ca và Gio-an.

Chính Đức Mẹ đã dạy Thánh Đa-minh cách lần chuỗi nầy khắp nơi từ đầu thế kỷ thứ 13. Ngài gọi đó là cách cầu nguyện bình dân theo Phúc âm rất đẹp lòng Đức Mẹ, vì Mẹ mong muốn mọi người lần chuỗi nầy, để Mẹ cầu cùng Chúa ban cho mọi ơn lành phần hồn phần xác.

Tiếp theo Thánh Đa-minh vào thế kỷ 15, Chân Phước A-len Rốt cũng cổ động việc lần chuỗi Môi Khôi, và đầu thế kỷ 18, Chân Phước Lu-y Mông-pho cũng nhiệt thành phổ biến cách lần chuỗi nầy. Ngài con lập Hội Môi Khôi để quy tụ những người thiện chí dùng chuỗi nầy mà cầu nguyện cho kẻ tội lỗi và người ngoại giáo trở lại cùng Chúa. Kết quả thật phi thường: nhờ chuyên cần lần chuỗi Môi Khôi mà Lu-y Mông-pho và hiệp hội của ngài đã đem nhiều người trở về với Chúa.

Mừng lễ Đức Mẹ Môi Khôi, Hội thánh muốn nhắc mọi người nhớ sức mạnh cứu rỗi của chuỗi nầy, mà siêng năng lần chuỗi Môi Khôi, để cứu rỗi linh hồn mình và xây dựng Nước Chúa.

* Quyết tâm: Hằng ngày tôi siêng năng lần chuỗi Môi Khôi, và vào hội chuỗi Môi Khôi sống, để cứu vớt linh hồn tôi và mọi người.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Đức Ki-tô, Con Chúa đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Thánh Mẫu Ma-ri-a chuyển cầu, Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh.

Ngày 9 tháng 10
THÁNH ĐI-Ô-NI-XI
và các bạn Tử Đạo

* Gương Thánh nhân: Theo truyền thuyết, thánh Đi-ô-ni-xi Giám mục tiên khởi Pa-ri, nước Pháp, chính là A-tê-ni-en được thánh Phao-lô đem trở lại đạo. Và sau khi trở lại, ngài đã từ bỏ danh vọng, của cải, bạn hữu để đi giảng đạo. Nhờ thánh Phao-lô đào tạo, và với trí thông minh, ngài đã làm rạng rỡ danh Chúa khắp nước nầy.

Dựa theo tường thuật của thánh Ghê-gô-ri-ô thành Tua, năm 200, Đức Giáo Hoàng Pha-bi-a-nô đã sai bảy Giám mục đến truyền giáo tại sứ Gôn. (Tên gọi nước Pháp ngày xưa), trong số đó có thánh Đi-ô-ni-xi. Ngài đến tận kinh đô Pa-ri lúc đó gọi là Lu-téc, và đi khắp nơi giảng đạo Chúa. Đi đến đâu, người ta cũng ùn ùn kéo đến nghe ngài giảng, và rất nhiều người trở lại đạo. Ngài cho cất nhiều nhà thờ để tập họ đọc kinh cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và ban các Bí tích cho họ. Với các giáo dân ngày càng đông, thánh nhân thành lập giáo đoàn tại Pa-ri và làm Giám mục tiên khởi giáo phận nầy. Ngài có được hai cộng sự viên là Linh mục Rút-ti-cô và thầy sáu Ê-lên-tê.

Thánh nhân hết sức vui mầng vì thành quả đã đạt được. Và ngài càng nỗ lực truyền giảng đạo Chúa hơn nữa, mong đem hết mọi linh hồn về cho Chúa. Nhưng ma quỷ không bao giờ để cho người của Chúa được thành công dễ dàng. Chúng xúi giục các tư tế dân ngoại tố cáo lên hoàng đế. Ông ta ra lệnh bắt giết người theo đạo Công giáo. Thánh nhân cùng với hai cộng sự viên là Rút-ti-cô và Ê-lên-tê bị bắt tống ngục. Nhưng tù ngục, đòn vọt không lay chuyển nổi lòng tin sắt đá của Ngài, mặc dầu lúc đó ngài đã trên 100 tuổi. Bị lửa thiêu đốt, ngài vẫn ca tụng Chúa; bị treo lên khổ giá, ngài cao rao mầu nhiệm phục sinh của Chúa và ơn cứu chuộc của Người, khiến cho nhiều người càng tin theo Chúa. Thấy không lợi mà còn tạo thêm dịp cho thánh nhân giảng đạo, nhà vua đã ra lệnh chém đầu ngài cùng với các cộng sự viên của ngài.

* Quyết tâm: Noi gương thánh Đi-ô-ni-xi, tôi can đảm làm chứng cho Chúa, bằng lời nói, việc làm và gương tốt đời sống, nhất là bằng sự hy sinh chịu khó hằng ngày.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Đi-ô-ni-xi và các bạn đi rao giảng Tin mừng cho lương dân, và ban cho các ngài được can đảm chịu cực hình vì Chúa. Xin nhận lời các ngài nguyện giúp cầu thay, mà ban cho chúng con lúc thịnh đạt biết giữ tâm hồn thanh thoát, và khi gặp nghịch cảnh, không nản chí sờn lòng.

THÁNH GIO-AN LÊ-Ô-NA-ĐI Linh Mục

* Gương Thánh nhân: Thánh Gioan Lê-ô-na-đi sinh năm 1541 tại Tốt-ca, nước Ý, cha mẹ ngài làm nghề thầy thuốc, nên khi lớn lên, ngài cũng nối nghiệp làm nghề nầy cho tới năm 25 tuổi, thì được Chúa gọi dâng mình cho Chúa. Ngài bắt đầu học triết học, thần học và tập rèn nhân đức. Năm 1571, ngài được thụ phong Linh mục.

Từ đó, thánh nhân chuyên lo giảng dạy giáo lý và hướng dẫn giới trẻ. Để có người cộng tác, ngài thiết lập một tu hội giáo dân, quy tụ những tín hữu thiện chí và có khả năng, giúp ngài truyền bá giáo lý tinh tuyền của Hội thánh, vì lúc đó lạc thuyết đang lan tràn, làm cho nhiều người Công giáo phải hoang mang về đức tin. Ngài dựa theo tinh thần canh tân của Công đồng Tri-đen-ti-nô mà hướng dẫn giới trẻ và củng cố niềm tin cho người lớn.

Nhưng vì thấy sự hiểu biết giáo lý của giáo dân rất hạn chế, nên năm 1574, thánh nhân lập thêm Hội Dòng Giáo sĩ Mẹ Thiên Chúa để truyền đạt giáo lý cho mọi người. Đây là những giáo sĩ tình nguyện khảo cứu sâu rộng giáo lý, và dùng lời giảng dạy cũng như sách vở để phổ biến cho giáo dân. Hội dòng đã được Đức Giáo Hoàng Clê-mên-tê thứ 8 phê nhận, và giao cho việc canh tân Hội thánh.

Đây là việc làm rất hữu ích và cần thiết, nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi nhiều điều kiện, nhất là phải có tâm hồn siêu thoát. Trong bức thư gởi Đức Giáo Hoàng Phao-lô thứ 5, bàn về công cuộc canh tân nầy, thánh nhân đã viết: "Những ai muốn chấn hưng phong phú, cần nhất phải lo tìm vinh danh Chúa trên hết mọi sự. Người là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, nên họ phải cầu xin và trông đợi Người trợ giúp trong công việc hữu ích nhưng vô cùng khó khăn thể ấy. Sau đó, họ đặt mình trước mặt những người mà họ muốn cải cách như là tấm gương và mọi nhân đức, và như những ngọn đèn đặt trên giá, để bằng đời sống thanh liêm và phong thái rạng ngời, họ chiếu sáng cho mọi người cư ngụ trong nhà Thiên Chúa."

Hăng say trong việc canh tân, thánh nhân đụng chạm đến nhiều người, nên bị họ chống đối dữ dội, đến nỗi ngài phải chạy về Rô-ma. Tại đây, ngài vẫn tiếp tục công cuộc cải cách và sáng lập trường đào tạo các nhà truyền giáo; đây là khởi điểm Trường Truyền giáo của Hội thánh, vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Thánh nhân qua đời ngày 9 tháng 10 năm 1609 và năm 1933 được tôn phong Hiển thánh.

* Quyết tâm: Nhiệt thành cộng tác với những người thiện chí, sửa đổi những gì chưa tốt chưa đẹp trong gia đình, xã hội cũng như Hội thánh, theo gương thánh Gioan Lê-ô-na-đi.

* Lời nguyện: Lạy Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành, Chúa đã khơi dậy trong lòng thánh Gioan Lê-ô-na-đi niềm khát vọng rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho công cuộc truyền bá đức tin hằng phát triển trên toàn thế giới.

1704    17-01-2011 21:22:25