Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 11_phần 1

Ngày 1 tháng 11
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

Hôm nay Hội thánh mầng kính tất cả các thánh nam nữ đang được Chúa thưởng hưởng phúc trên trời.

Có 3 lý do khiến Hội thánh lập ra ngày lễ nầy:

- Vì các thánh quá nhiều không thể mầng mỗi vị một ngày riêng, như lời sách Khải Huyền của Thánh Gio-an viết: "Muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, mọi nước, mọi dân (Kh. 5,9).

- Vì không phải hết mỗi vị thánh đều được phong thánh; có những người cũng sống lành chết thánh; nhưng chưa được Hội thánh tôn phong.

- Nhất là vì có vô số các thánh không được ai biết đến, số nầy tăng thêm hằng ngày trên trời.

Thế nên cần có một ngày lễ chung để chúng ta mầng kính hết các thánh nam nữ.

Chúng ta hãy nghe thánh Bê-na-đô viện phụ trả lời tại sao chúng ta ca ngợi và tôn vinh các thánh hôm nay:

"Chúng ta long trọng cử hành ngày lễ hôm nay để làm gì?... Thú thật trong dịp lễ nầy, tôi thấy một niềm khát vọng bừng cháy lên trong tôi. Quả vậy, niềm khát vọng đầu tiên mà việc kính nhớ các thánh khơi dậy trong chúng ta là làm sao chúng ta được vui hưởng trong cộng đoàn hạnh phúc với các ngài, và đáng được nên những người đồng hương và bạn hữu với các linh hồn thánh thiện, được hợp đoàn cùng các thánh tổ phụ, các thánh tiên tri, các thánh tông đồ, được gia nhập vào đạo binh các thánh tử đạo, với đoàn thể các thánh chủ chăn, các thánh trinh nữ, nói tắt là được hợp đoàn cùng toàn thể các thánh. Cộng đoàn Hội thánh của các vị tiên phong ấy đang chờ chúng ta mà chúng ta vẫn còn hờ hững ! Các thánh khao khát chúng ta mà chúng ta vẫn coi thường, các người công chính trông đợi chúng ta mà chúng ta vẫn làm ngơ ?...

"Khát vọng thứ hai mà việc kính nhớ các thánh làm bừng cháy lên trong tâm hồn chúng ta là mong được thấy Đức Kitô , là sự sống của chúng ta tỏ tường như các ngài đang thấy, và mong cho chính chúng ta cũng được tỏ hiện với Người trong vinh quang. Trong lúc chờ đợi, Người vẫn tỏ hiện cho chúng ta, nhưng không phải trong vinh quang đời đời của Người, mà là như Người đã chịu nạn vì chúng ta. Người tỏ ra là đầu chúng ta, nhưng nay chưa được đội triều thiên vinh quang, mà chỉ đội mũ gai để đền bù tội lỗi chúng ta. Thật là tủi nhục khi có chi thể muốn sống dễ dãi dưới một cái đầu chịu đội mũ gai như vậy..."

"Vì thế chúng ta hãy đam mê ham muốn cái vinh quang ấy một cách tuyệt vời và vững vàng. Nhưng để có quyền mong đợi vinh quang đó, cũng như được khao khát một nhân đức như thế, chúng ta phải ân cần ước mong được sự cầu bàu của các thánh, để sự gì chúng ta không đủ khả năng đạt được thì Chúa ban cho chúng ta nhờ lời chuyển cầu của các ngài"

* Quyết tâm: Hằng ngày cầu xin Chúa cho sống đạo đức thánh thiện theo gương các thánh, và nhờ các thánh cầu thay nguyện giúp, cho ngày sau được về trời hưởng phước với các ngài.

* Lời nguyện:Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong ngày đại lễ hôm nay, Chúa cho chúng con mầng kính toàn thể các thánh trên trời. Nhờ bấy nhiêu vị thánh hằng nguyện giúp cầu thay. Chúng con tin tưởng nài xin Chúa cho chúng con được dồi dào ân sủng như lòng vẫn ước mong.

THÁNH GIÊ-RÔ-MI-MÔ VỌNG (LIÊM),
VA-LEN-TI-NÔ VINH VÀ PHÊ-RÔ BÌNH
Giám Mục và Linh Mục Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Ngày 01 tháng 11 năm 1861, ba chứng nhân Chúa Kitô được phúc lãnh triều thiên tử đạo. Đó là Đức Cha Giê-rô-mi-mô Vọng, Đức Cha Va-len-ti-nô Vinh và Cha Phê-rô Bình. Cả ba đều là giáo sĩ thừa sai dòng Đa-minh, người nước Tây-ban-nha.

* * *

Đức Cha Giê-rô-mi-mô Vọng sinh ngày 30 tháng 09 năm 1800, trong một gia đình nghèo nhưng rất đạo đức. Ngay từ nhỏ, ngài đã có ý muốn dâng mình cho Chúa, nhưng vì nhà nghèo, phải đợi đến năm 19 tuổi mới được gia nhập dòng Đa-minh tại Va-len-ci-a.

Năm 1824, ngài tình nguyện đi truyền giáo ở Viễn đông, được Bề trên gởi sang Phi-luật-tân tiếp tục học làm Linh mục. Năm sau ngài lãnh chức Linh mục và đến Bắc Việt ngày 02 tháng 05 năm 1829, Ngài được Đức Cha Y vui mầng đón tiếp và đặt tên là Vọng, vì ngài đến làm thỏa mãn ước vọng của Đức Cha, từ lâu mong ước có thêm người giúp giảng đạo. Cả địa phận Đông Đàng Ngoài lúc đó chỉ có ba vị thừa sai là Đức Cha Y, Đức Cha Minh và cha chính Hiền, cả ba vị đều già yếu bệnh hoạn.

Sau vài tháng học tiếng Việt, cha Vọng bắt đầu lăn xả vào công cuộc truyền giáo. Ngài làm việc bất kể ngày đêm, không ngừng thăm viếng ủy lạo tín hữu, giảng đạo rửa tội cho người lương. Có thể nói tất cả cuộc sống của ngài là truyền giáo: truyền giáo bằng lời nói, truyền giáo bằng việc làm, bằng gương sáng đời sống...

Nhưng chưa được bao lâu, bão tố bách hại đã tràn về địa phận Đông Đàng Ngoài. Đó là năm 1838, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ bắt đạo khốc liệt trên toàn quốc.

Cả hai Đức Cha và cha chính giáo phận đã chịu tử đạo, nhiều Linh mục, tu sĩ, giáo dân đã đổ máu vì đức tin. Cha Vọng bị ghi vào sổ truy lùng gắt gao của nhà vua. Vua hứa sẽ thưởng số tiền rất lớn là 10 ngàn quan cho kẻ nào bắt được cha.

Dù vậy, cha vẫn không sợ chết, vẫn sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Chúa và vì các linh hồn, vẫn lén lút đi lại an ủi khích lệ giáo dân và ban các bí tích cho họ.

Đầu năm 1841, Tòa Thánh đặt cha làm Giám mục thay thế cho các Đức Cha Y và Minh. Và ngày 25 tháng 04, Đức Cha Liên đã lén phong chức Giám mục cho Cha tại Phúc Nhạc. Từ đó, vị tân Giám mục đổi tên là Liêm, thay cho tên Vọng đã bị nhà vua treo giá cả vạn quan. Công việc đầu tiên của Đức Cha là lo cho có nhiều người cộng tác truyền giáo. Ngài chọn thêm Giám mục phó và truyền chức Linh mục cho các thầy người bản xứ. Nhờ đó, việc giảng đạo ngày càng phát triển, cả địa phận bừng lên một sức sống mới...

Nhưng ngày 21 tháng 10 năm 1861, đang lúc Đức Cha với thầy Giu-se Nguyễn Duy Khang ở tại Thọ Đức thì bị phát giác, và bị bắt giải về Hải Dương.

* * *

Đức Cha Va-len-ti-nô Vinh sinh ngày 14 tháng tư, năm 1827, trong một gia đình đạo đức, nhưng rất nghèo khổ.

Năm 12 tuổi, nhân được nghe các cha Dòng Đa-minh kể chuyện các Linh mục thừa sai giảng đạo và tử đạo tại Việt Nam, ngài ước ao được làm Linh mục truyền giáo như thế. Nhưng vì nhà nghèo, ngài phải đợi đến năm 18 tuổi mới được một Linh mục giúp cho vào chủng viện. Sau 06 năm học hành tu luyện, ngài được Đức Cha phong chức Linh mục và chọn làm cha linh hướng Đại chủng viện.

Nhưng ngài vẫn luôn ước ao đi giảng đạo ở Việt Nam , nên sau một thời gian làm linh hướng, ngài đã trình lên Đức Cha ước nguyện đó và được chấp thuận. Ngày 30 tháng 03 năm 1858, ngài đã đến Việt Nam , trình diện với Đức Cha Xuyên tại Kiên Lao.

Lúc đó, cơn bắt đạo đang thời kỳ dữ dội. Ngài phải ẩn trốn vừa để học tiếng vừa làm việc tông đồ. Ngài lấy tên Việt Nam là Vinh. Lúc đó Đức Cha Xuyên thấy trước ngài có thể bị bắt, nên dùng quyền Tòa Thánh ban, chọn cha Vinh làm Giám mục phó có quyền kế vị. Lễ tấn phong cử hành âm thầm tại nhà ông trùm Chi ở Ninh Cường, vào đêm 13 rạng ngày 14 tháng 06 năm 1858.

Đúng như dự đoán, sau khi phong chức Đức Cha Vinh chưa được một tháng thì Đức Cha Xuyên bị bắt, và bị xử lăng trì ngày 28 tháng 07 năm 1858. Từ đó một mình Đức Cha Vinh phải lãnh trách nhiệm toàn địa phận Trung, với trên 150 ngàn giáo hữu, giữa cơn bách hại dữ dằn ác liệt. Nhiều lần ngài than thở:

- Đức Cha Xuyên khả kính đã để lại cho tôi một gánh quá nặng. Tôi phải còng lưng gánh lấy mà rất sợ, sợ đổ vỡ nửa đường !...

Dù vậy, ngài vẫn hết lòng trông cậy Chúa, và kêu xin Đức Mẹ thương giúp. Vì quan quân lùng bắt hằng ngày, ngài phải ẩn trốn làm việc dưới hầm kín. Nơi đây, ngài điều hành giáo phận bằng thư từ. Ngài luôn viết thơ khuyên bảo khích lệ các Linh mục và giáo hữu trong các xứ đạo. Ngoài ra, ngài còn huấn luyện một số chủng sinh, để có người thay thế cho các Linh mục chết vì đạo.

Ròng rã gần ba năm trời ở dưới hầm, ngài phải chịu nhiều nỗi khổ cực: khổ vì hầm chật hẹp, ngột ngạt, thiếu thốn, nhất là cơn bách hại ngày càng gia tăng, nhiều Linh mục tử đạo, biết bao giáo hữu chết vì đức tin. Tháng 08 năm 1861, vua Tự Đức lại ban hành chiếu chỉ PHÂN SÁP; cơn bắt đạo càng ác liệt hơn. Đức Cha phải cùng với cha An-ma-tô Bình đi thuyền trốn xuống Hải Dương, nhưng dọc đường thì bị bắt...

* * *

Cha Phê-rô An-ma-tô Bình sinh ngày 01 tháng 11 năm 1831. Được Chúa thương kêu gọi giúp việc giảng đạo, năm 15 tuổi cậu đã xin vào chủng viện tu học làm Linh mục. Trong thời gian ở đây, cậu thường nghe tin tức về công cuộc truyền giáo của các cha Dòng Đa-minh tại Viễn Đông, nên cậu rất ước muốn đi loan báo Tin mừng ở những nơi đó. Vì thế, cậu xin gia nhập Dòng Đa-minh; ngày 25 tháng 09 năm 1847, cậu được nhận tu phục và năm sau thì tuyên khấn.

Năm 1849, thầy An-ma-tô được gởi sang Phi-luật-tân tiếp tục học thần học. Hằng ngày thầy cần mẫn học hành, tập rèn nhân đức, siêng năng cầu nguyện. Lòng thầy lúc nào cũng nghĩ đến việc đem Chúa đến cho những người ở nơi xa. Sau năm năm chuẩn bị, thầy được thụ phong Linh mục, và ngày 04 tháng 08 năm 1858, vị tân Linh mục nhiệt tâm truyền giáo nầy đã đến Việt Nam, tại địa phận Đông Đàng Ngoài.

Được đến nơi truyền giáo như lòng mong ước, cha hết sức vui mầng phấn khởi. Nguyện đem hết tài lực Chúa ban để phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn. Cha lấy tên Việt Nam là Bình. Công việc trước tiên cha phải làm là học tiếng và phong tục tập quán của người bản xứ. Sau đó, cha được bề trên bổ nhiệm đi giúp xứ Thiết Nhan. Ngày đêm cha tận tụy lo cho đàn chiên, giảng dạy đạo lý, ban hành Bí tích, thăm viếng giúp đỡ bệnh nhân và người nghèo khó, đặc biệt cha đến với người lương, loan truyền đạo Chúa cho họ, dạy cho họ biết Chúa là Thiên Chúa cao cả mà mọi người phải kính mến tôn thờ.

Nhưng từ năm 1857, cơn bắt đạo ngày càng dữ dội. Cha phải trốn tránh rày đây mai đó. Nhiều ngày cha phải ẩn trú trong hầm, ban đêm mới lén lút đi làm việc tông đồ. Nhưng vì sức khỏe kém, cha thường bị bệnh luôn. Dù vậy, cha cũng cố gắng hết sức lo cho đàn chiên. Tháng 08 năm 1861, do chiếu chỉ PHÂN SÁP của vua Tự Đức, cuộc bách hại trở nên khốc liệt, cha với Đức Cha Vinh phải xuống thuyền đi ẩn trốn. Nhưng ngày 25 tháng 10 năm 1861, hai vị đã bị bắt.

* * *

Thế là cả ba vị thừa sai dòng Đa-minh người Tây-ban-nha là Đức Cha Vọng (Liêm), Đức Cha Vinh và cha Bình đã bị bắt, bị nhốt trong cũi, bị tra tấn hành hạ khổ sở vì đức tin. Nhưng các ngài vẫn cương quyết trung thành theo Chúa, sẵn sàng hy sinh chịu khổ để làm chứng cho Chúa, nên cả ba đều bị xử trảm tại Hải Dương ngày 01 tháng 11 năm 1861.

Ngày 20 tháng 05 năm 1906, Đức Thánh Cha Pi-ô 10 phong ba vị lên Chân phước, và Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô 2 suy tôn Hiển thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.

Quyết tâm: Nhiệt thành rao giảng đạo Chúa, và sẵn sàng chịu khổ chịu chết để làm chứng đạo Chúa là đạo thật, theo gương các thánh Giê-rô-mi-mô Vọng, Va-len-ti-nô Vinh và Phê-rô Bình tử đạo.

Lời nguyện:Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 2 tháng 11
CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

Hôm qua Hội thánh hướng lòng trí chúng ta lên trời, chiêm ngưỡng vinh quang các thánh nam nữ đang hưởng phước bên Chúa, để bao lâu còn sống trên trần gian, nỗ lực sống đạo đức thánh thiện và hằng ngày xin các thánh cầu thay nguyện giúp hầu ngày sau được về thiên đàng hưởng mặt Chúa.

Hôm nay Hội thánh mời gọi chúng ta nhìn xuống luyện ngục, ngắm xem những linh hồn còn phải đau khổ đền tội, để dâng lời cầu nguyện và việc lành phước đức chúng ta làm hằng ngày, cầu xin Chúa tha phần phạt cho họ, hầu mau về hưởng phước với các thánh.

Cả hai ngày lễ nầy nhắc bảo chúng ta tín đìều Các Thánh Thông Công: những người còn sống ở thế gian, các thánh trên trời và các linh hồn ở luyện ngục đều thông công cùng nhau, trong một Hội thánh duy nhất của Chúa Kitô. Tất cả đều là anh em với nhau trong đại gia đình nhân loại, được Thiên Chúa là Cha hiền lành nhân ái hằng thương yêu bảo vệ chăm sóc. Họ thông hiệp với nhau trong đức tin, trong đức ái, trong đời sống Bí tích và trong lời cầu nguyện hằng ngày.

Đức tin dạy cho chúng ta biết: giữa trời và đất có một cõi trung gian là luyện ngục, nơi thanh luyện thanh tẩy những linh hồn chưa hoàn toàn trong sạch trước khi được hưởng nhan thánh Chúa, vì Chúa là Đấng tuyệt đối thanh sạch thánh thiện, chỉ những linh hồn nào hoàn hảo thanh sạch mới đáng được sống với Người. Trong luyện ngục hiện giờ chắc chắn còn nhiều linh hồn đang đền tội, đang được thanh tẩy, trong số đó có thể có ông bà cha mẹ, anh chị em, bà con bạn hữu và ân nhân của chúng ta. Muốn cho các linh hồn đó được sớm về trời hưởng phúc, chúng ta dâng việc lành phước đức, các đau khổ, các ân xá, nhất là Thánh lễ, cầu xin Chúa tha bớt hình phạt cho họ. Các linh hồn nầy đang khẩn thiết kêu cầu chúng ta cứu vớt họ, than trách chúng ta về sự lãnh đạm đối với họ. Lẽ nào chúng ta đành làm ngơ trước sự đau khổ khốn khó của những người thân yêu, những kẻ đã làm ơn làm phước cho chúng ta, những người đồng hương đồng loại với chúng ta ? !

Việc giúp các linh hồn ở luyện ngục bằng lời cầu nguyện và việc lành của chúng ta, đem lại hiệu quả cứu rỗi: một mặt nó cứu vớt các linh hồn khỏi trầm luân đau khổ; mặt khác nó giúp chúng ta tránh mọi tội lỗi và kéo ơn Chúa xuống trên chúng ta; sau cùng khi linh hồn nào được chúng ta cứu vớt, chắc chắn sẽ không quên công ơn chúng ta, sẽ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta ngày sau được hưởng phước với họ.

Mỗi người chúng ta đều phải chết, điều đó ai trong chúng ta cũng biết, nhưng không ai biết mình sẽ chết lúc nào cách nào. Vì thế cần phải chuẩn bị chết lành hằng ngày, bằng cách sống đạo đức thánh thiện luôn, nhờ ơn Chúa giúp và nhờ sự chuyển cầu của các thánh trên trời.

Thánh Am-rô-si-ô nói: "Chết là một mối lợi còn sống là một khổ hình. Vì thế thánh Phao-lô quả quyết: Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, còn chết là một mối lợi. Đức Ki-tô là gì, nếu không phải là sự chết cho thể xác và là Thần Khí ban sự sống?"

"Vì thế chúng ta hãy cùng chết với Người để cùng sống lại với Người. Chớ gì hằng ngày chúng ta tập quen với sự chết và yêu mến nó, để linh hồn chúng ta nhờ sự chia lìa nầy mà biết đoạn tuyệt với các dục vọng xác thịt. Khi linh hồn được đặt ở nơi cao cả như thế, dục vọng trần tục không thể tới gần để bẫy nữa, linh hồn sẽ lãnh hình ảnh sự chết, để khỏi chịu hình ảnh sự chết. Quả vậy, luật xác thịt chống lại luật tinh thần và muốn kéo tinh thần vào lầm lạc. Có phương thế nào cứu chữa không? Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết dở nầy? Chính ơn của Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta"

Quyết tâm: Hằng ngày lo cầu nguyện, làm việc lành, dự Thánh lễ, để cứu vớt các linh hồn ở luyện ngục; đồng thời lo xa chừa tội lỗi và mọi thói hư tật xấu, để ngày sau khỏi phải đền tội trong luyện ngục, mà được về hưởng phước với Chúa trên Thiên đàng.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Con Một Chúa từ cõi chết sống lại đã tăng cường niềm tin của chúng con. Giờ đây, xin Chúa thương nhậm lời chúng con khẩn nguyện, mà làm cho lòng chúng con luôn trông cậy vững vàng: chính Đức Giê-su sẽ cho các tín hữu đã lìa cõi thế được phục sinh vinh hiển.

Ngày 3 tháng 11
THÁNH MÁC-TI-NÔ PÔ-RÊ
Tu Sĩ

Gương Thánh nhân: Thánh Mác-ti-nô sinh năm 1579, tại Li-ma, nước Pê-ru. Cha ngài là một hiệp sĩ Tây-ban-nha, mẹ là người nô lệ da đen đã được phóng thích. Vì khác biệt màu da giai cấp như thế, cha mẹ ngài sống không mấy hạnh phúc, mà còn gây buồn tủi cho ngài và anh em ngài. Nhưng Mác-ti-nô vui lòng chấp nhận mọi nhục nhã hất hủi vì lòng mến Chúa, như những nén bạc Chúa trao để trổ sinh đức khiêm nhường bác ái.

Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã hiến mình phục vụ kẻ nghèo khổ bệnh tật cách khiêm tốn và hết mực vị tha, kể cả bị chống đối nhục mạ nữa. Chẳng hạn có lần ngài gặp một người da đỏ lớn tuổi bị tên lính Tây-ban-nha hành hạ. Ngài đến cứu giúp ông, nhưng ông cự tuyệt và miệt thị ngài là dòng da đen hèn hạ. Dù vậy, thánh nhân vẫn từ tốn năn nỉ ông, làm cho ông cảm phục và sẵn lòng nhận sự săn sóc giúp đỡ của ngài.

Nhờ học biết cách chữa bệnh gia truyền, thánh nhân chữa được nhiều chứng bệnh mà không tốn kém bao nhiêu, giúp được những người nghèo khổ bệnh hoạn mà không có tiền chữa trị. Ngài cũng chữa được bệnh của các loại gia súc.

Để tăng thêm nhân đức, thánh nhân đã gia nhập Dòng Thánh Đa-minh, và được nhận làm trợ sĩ tại tu viện Đức Mẹ Môi-Khôi ở Li-ma. Năm 1603, ngài được tuyên khấn. Ngài vẫn tiếp tục làm nghề thuốc, giúp chữa bệnh các tu sĩ trong nhà Dòng. Ngoài ra, thánh nhân lo tinh luyện đời sống thiêng liêng. Ngài đặc biệt mộ mến Bí tích Thánh Thể và Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Và để noi gương Chúa, ngài luôn làm đầy tớ phục vụ mọi người, sẵn sàng làm hết mọi việc thấp hèn. Ban ngày ngài làm việc bổn phận chu đáo, đêm đến, ngài đọc kinh cầu nguyện, sống kết hợp với Chúa.

Thánh nhân qua đời ngày 3 tháng 11 năm 1639 tại Li-ma, và được Đức Giáo Hoàng Gioan 23 tôn phong Hiển thánh năm 1962.

Trong buổi lễ tôn phong thánh nhân, Đức Giáo Hoàng nói: "Qua những mẫu gương trong đời sống thánh Mác-ti-nô chứng tỏ cho chúng con thấy có thể đạt đến sự cứu rỗi và thánh thiện bằng con đường mà Đức Ki-tô đã vạch ra cho ta, nghĩa là trước tiên chúng ta phải yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn; rồi yêu tha nhân như chính mình".

"Thánh nhân đã thâm tín Đức Giêsu-Kitô đã chịu đau khổ vì ta, và trên thập giá Người đã mang lấy tội ta trong chính thân xác Người. Vì thế thánh nhân đã yêu thích đặc biệt Đức Giê-su chịu đóng đinh, và khi chiêm niệm những đau khổ của Người, ngài không thể cầm được nước mắt. Thánh nhân cũng đặc biệt yêu kính Thánh Thể. Thông thường ngài kín đáo chầu Thánh Thể trong nhà tạm nhiều giờ liên tiếp và ngài mong muốn được Thánh Thể nuôi dưỡng càng nhiều càng hay".

"Rồi vâng theo lời Thầy chí Thánh, thánh Mác-ti-nô đối xử với anh em bằng tất cả đức ái, một đức ái phát xuất từ trái tim không phai nhòa và tâm hồn khiêm nhu. Ngài yêu mến người khác vì coi họ thực sự là con cái Thiên Chúa và là anh em của ngài. Hơn nữa ngài còn yêu họ hơn mình, vì quả thực, với tất cả khiêm tốn ngài nghĩ họ công chính và hoàn hảo hơn mình".

"Ngài chữa lỗi cho người khác và tha thứ những sỉ nhục cay cú nhất. Ngài xác tín rằng: do tội đã phạm, mình còn đáng phải chịu những hình phạt nặng nề hơn nữa. Ngài hăng say cố công dẫn đưa tội nhân về đàng ngay. Ngài ân cần trợ giúp người đau yếu, cung cấp cho người thiếu thốn của ăn, áo mặc, thuốc men. Với những nông dân và người da đen hoặc lai, lúc đó bị coi như những nô lệ xấu xa, ngài vỗ về giúp đỡ theo khả năng của mình, và lo lắng cho họ đến độ ngài được quần chúng mệnh danh là "Mác-ti-nô bác ái". Quả thật, nhờ lời nói gương lành và nhân đức, vị thánh nầy đã lôi kéo được nhiều người theo đạo. Bây giờ ngài còn có thể lạ lùng hướng tâm trí ta về trời..."

Quyết tâm: Noi gương thánh Mác-ti-nô Pô-rê, tôi hết lòng kính mến Chúa và thương yêu mọi người, sống khiêm tốn và sẵn sàng chịu mọi sự sỉ nhục để phụng sự Chúa và anh chị em.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã dẫn đưa thánh tu sĩ Mác-ti-nô qua con đường khiêm nhu ẩn dật đến vinh quang thiên quốc. Xin cho chúng con ngày nay biết noi gương người, để mai sau được cùng người hưởng vinh quang thiên quốc.

THÁNH PHÊ-RÔ PHAN-XI-CÔ BẮC
Linh Mục Thừa Sai Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Chúa Giê-su cùng các tông đồ lên Giê-ru-sa-lem. Người muốn đi ngang qua làng Sa-ma-ri-a, nhưng dân làng từ chối không chấp nhận, vì họ thù ghét người Do-thái. Còn cha Phê-rô Bắc khi bị vua quan lùng bắt, giáo dân ở Tạ Xá và Yên Tập tìm cách tống khứ cha đi vì sợ liên lụy. Thật là một cảnh tượng đau lòng. Lúc bình yên, cha đã tận tụy hy sinh lo lắng giúp đỡ họ cả hồn lẫn xác. Vậy mà khi gặp khó khăn họ không dám chứa chấp cha, khiến cha phải trốn chui trốn nhủi rày đây mai đó, và sau cùng đã bị bắt...

Phê-rô Phan-xi-cô Bắc sinh ngày 21 tháng 09 năm 1818, tại Bọt-đô nước Pháp. Vì con nhà nghèo, phần anh em đông, nên mặc dầu được đi học, cậu Phê-rô cũng phải phụ giúp cha mẹ; ngoài ra giờ học, hằng ngày cậu ra đồng chăn súc vật. Nhưng Chúa thường thương những người nghèo khó. Người kêu gọi cậu và cậu sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa. Năm lên 19 tuổi, cậu xin gia nhập chủng viện, hiến dâng đời mình cho Chúa. Đến năm 1845, cậu vào Đại chủng viện, chịu các chức nhỏ trong hàng giáo sĩ. Trong thời gian nầy, thầy được Chúa soi sáng thúc giục đi truyền giáo ở các miền xa, nên ngày 01 tháng 08 năm 1846, thầy xin gia nhập Hội Thừa sai Pa-ri, là nơi chuyên đào tạo Linh mục truyền giáo vùng Viễn Đông. Ngày 17 tháng 06 năm 1846, thầy thụ phong Linh mục, và được gởi đi giảng đạo tại Việt Nam .

Sau gần 06 tháng vượt biển, ngày 15 tháng giêng năm 1849, vị tân Linh mục thừa sai đã đến Việt Nam. Cha đến trình diện với Đức Cha Liên ở giáo phận Tây Đàng Ngoài. Đức Cha đặt tên cha là Bắc và cho đến chủng viện Kẻ Vĩnh học tiếng Việt, sau đó đặt cha làm Giám đốc, chăm sóc dạy dỗ 150 chủng sinh. Cha tận tình dạy dỗ huấn luyện các em. Công việc thật vất vả nặng nề, vì thiếu sách vở cũng như giáo sư. Cha phải thức khuya dậy sớm dọn bài, dịch sách cho các chủng sinh học tập.

Dù lo giáo dục kiến thức và nhân bản, cha vẫn không xao lãng huấn luyện đời sống nội tâm cho các chủng sinh. Để làm công việc nầy kết quả, trước hết cha nêu gương cho họ. Hằng ngày cha cầu nguyện sốt sắng, suy gẫm sự thương khó Chúa qua 14 chặng đàng Thánh giá; cha ăn chay mỗi ngày thứ sáu, đặc biệt trong mùa chay và các ngày lễ kính Đức Mẹ. Nhờ gương nhân đức và lời giáo huấn nhiệt thành của cha, các chủng sinh ngày càng tiến triển về văn hóa cũng như đời sống nội tâm. Mọi người đều vui mừng hy vọng, đặt hết niềm tin ở một tương lai sáng lạn cho giáo phận, nhờ các chủng sinh tài đức do cha đào luyện.

Nhưng đúng là "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên".

Ngày 17 tháng giêng năm 1860, sau khi thất bại trong cuộc đụng độ với quân đội Pháp, vua Tự Đức ra chiếu chỉ bắt đạo gắt gao, và lệnh cho các quan phải triệt để thi hành, ai bất tuân sẽ bị nghiêm phạt.

Thế là chủng viện Kẻ Vĩnh phải giải tán. Đức Giám mục, các Linh mục phải ẩn trốn, nhiều giáo hữu bị bắt bớ, hành hạ, giết chết. Cha Phê-rô Bắc là người ngoại quốc, da trắng, mũi cao, rất dễ bị lộ. Giáo dân sợ không dám chứa chấp cha. Cha phải ẩn lánh rày đây mai đó cực khổ. Nhiều ngày bị quân lính bao vây ráo riết, cha phải nhịn đói nhịn khát đến ngất xỉu. May nhờ giáo dân ở Tạ Xá gặp thấy, tiếp tế cho cha.

Nhưng quân lính biết cha đang ở Tạ Xá, họ đến vây bắt cha. Giáo hữu hoảng hốt, đưa cha xuống thuyền trốn sang xứ Yên Tập. Không ngờ ở đây có tên Giu-đa phản bội, vì tham tiền đã nộp cha cho quan cai tổng. Thật đời nào cũng có những tên Giu-đa độc ác !...

Thế là cha bị bắt ngày 05 tháng 08 năm 1860 tại Yên Tập. Quan ra lệnh nhốt cha trong cái củi chật hẹp, nhịn ăn suốt 21 ngày đêm cực khổ đói khát, bị đòn vọt tra tấn, nhưng cha cương quyết trung thành theo Chúa, sẵn sàng chịu chết đổ máu ra để làm chứng cho Chúa. Ngày 03 tháng 11, vị anh hùng đức tin đã được đưa ra pháp trường Sơn Tây (Hà Nội). Và sau ba hồi chiêng trống, đầu cha đã lìa khỏi cổ, máu tuôn ra làm hạt giống trổ sinh các tín hữu.

Đức Thánh Cha Pi-ô 10 phong Chân phước cho cha ngày 02 tháng 05 năm 1909. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô 2 đã suy tôn cha lên Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Phê-rô Bắc Linh mục tử đạo, nhiệt thành giảng đạo Chúa, chăm lo giáo dục giới trẻ bằng gương sáng đi đôi với lời dạy bảo, và sẵn sàng hy sinh chịu khổ để làm chứng cho Chúa.

Lời nguyện:Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 4 tháng 11
THÁNH CA-RÔ-LÔ BÔ-RÔ-MÊ-Ô
Giám Mục

Gương Thánh nhân: Thánh Ca-rô-lô là vị Giám mục nổi tiếng của giáo phận Mi-lăn. Ngài sinh năm 1538 tại A-rô-na, trong một gia đình quý tộc và đạo đức.

Lớn lên, thánh nhân theo học luật tại Pa-ri, nước Pháp. Và năm 1559, ngài đã đạt bằng Tiến sĩ.

Lúc đó, cậu ngài là Mê-đi-ci được bầu làm Giáo Hoàng, lấy hiệu là Pi-ô thứ 4; ngài được triệu về Rô-ma làm thư ký, và năm sau được lãnh chức Hồng Y, với quyền cai quản giáo phận Mi-lăn. Nhưng vì nhu cầu đòi hỏi, ngài phải ở lại Rô-ma, giúp Đức Giáo Hoàng tổ chức công đồng Tri-đen-ti-nô. Sau khi công đồng kết thúc vào năm 1546, ngài lại phải chăm sóc Đức Giáo Hoàng là cậu ngài đang lâm bệnh nặng cho đến khi qua đời. Ngài chỉ được đến Mi-lăn thiệt thọ vào năm 1566.

Giáo phận nầy đang gặp cơn khủng hoảng trầm trọng: từ giáo dân đến giáo sĩ và các dòng tu đều sa sút về đạo đức. Ngài nổ lực canh tân tất cả. Ngài là người làm việc không biết mệt mỏi và luôn luôn cầu nguyện. Lời nguyện và hoạt động là lý tưởng đời sống của ngài. Ngài dành trọn quãng đời còn lại để lo hoàn chỉnh giáo phận, bằng lời dạy dỗ nhất là bằng gương sáng.

Dựa theo những quyết định của Công đồng Tri-đen-ti-nô, thánh nhân đổi mới mọi sinh hoạt trong giáo phận: trước tiên ngài lo củng cố lại hàng giáo sĩ và các dòng tu, vì đây là thành phần nòng cốt cho mọi hoạt động mục vụ. Mặc dầu giáo phận rộng lớn, ngài cố gắng đi thăm viếng các nơi, quan sát từng chỗ, rồi khích lệ, bảo ban, sửa đổi cho hợp với đường lối của Hội thánh. Ngài thiết lập thêm nhiều tu viện và chủng viện, để đào tạo giáo sĩ tu sĩ. Những tu viện hoặc chủng viện nào sa sút kém cỏi, ngài củng cố tu chỉnh lại. Ngài dạy bảo họ:

"Tôi nhận thực là hết thảy chúng ta đều yếu đuối, nhưng Thiên Chúa lại ban cho chúng ta nhiều phương tiện, mà nếu chúng ta biết sử dụng, sẽ trở thành nguồn lực cho chúng ta...

"Hỡi các bạn, các bạn nên hiểu rằng: không có gì thiết yếu cho giáo sĩ chúng ta bằng việc nguyện ngắm, nó phải đi trước, đi đôi và theo sau mọi hoạt động của chúng ta; như lời vị ngôn sứ xưa đã nói: Tôi sẽ ca ngợi Chúa và tôi sẽ hiểu. Nầy bạn, nếu bạn ban các Bí tích, bạn hãy suy gẫm điều mình làm; nếu bạn cử hành Thánh lễ, bạn hãy suy gẫm điều mình dâng hiến; nếu bạn hát ca vịnh nơi cung thánh, bạn hãy suy gẫm mình đang hát gì và hát cho ai; nếu bạn chăm sóc các linh hồn, bạn hãy suy nghĩ nhờ máu ai mà họ được tẩy rửa. Và như vậy bạn làm mọi việc với lòng yêu mến; như thế chúng ta mới có thể dễ dàng chiến thắng mọi trở ngại mà chúng ta gặp phải hằng ngày, và cũng nhờ đó mà chúng ta mới có thể tác sinh Đức Ki-tô nơi chúng ta cũng như nơi tha nhân"

Nhưng hoạt thì động. Công cuộc canh tân của thánh nhân bị nhiều người bất mãn chống đối. Họ tổ chức giết hại ngài. Một lần đang khi cầu nguyện, ngài xém chết vì cuộc mưu sát của họ.

Năm 1576 đến 1578, một cơn dịch hạch xảy ra dữ tợn tại Mi-lăn, thánh nhân dồn hết năng lực trợ giúp dân chúng khổ sở. Ngài bố thí tất cả những gì ngài có, ngài sai các Linh mục tu sĩ chăm sóc cả phần hồn lẫn phần xác của họ; ngài tổ chức nhiều buổi cầu nguyện, kêu xin Chúa thương cứu vớt họ. Nhờ đó mà cơn bệnh ngặt nghèo nầy đã chấm dứt. Mọi người vui mầng cảm tạ ơn Chúa và mến phục ngài. Những kẻ trước kia chống đối ngài bao nhiêu, nay quý mến ngài bấy nhiêu, nhất là những người tội lỗi và ngoại giáo thấy vậy thì ăn năn trở lại với Chúa.

Thánh nhân qua đời ngày 3 tháng 11 năm 1584, hưởng thọ 46 tuổi. Đức Giáo Hoàng Phao-lô 5 đã phong thánh cho ngài năm 1610.

Quyết tâm: Hằng ngày cầu xin Chúa ban cho Hội thánh nhiều vị tông đồ thánh thiện, giàu lòng mến Chúa yêu người như thánh Ca-rô-lô Bô-rô-mê-ô; và noi gương thánh nhân, hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ mọi người.

Lời nguyện:Lạy Chúa, xin hằng ban ơn Thánh Thần cho Giáo hội, như xưa Chúa đã ban cho Thánh Giám mục Ca-rô-lô, để Giáo hội biết không ngừng canh tân theo đường lối Tin mừng, nhờ đó, thế giới sẽ tìm thấy hình ảnh trung thực của Đức Ki-tô.

1810    17-01-2011 21:13:24