Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 11_phần 4

Ngày 17 tháng 11
THÁNH NỮ Ê-LI-SA-BÉT
Hung-Ga-Ri

Gương Thánh nhân: Thánh Ê-li-sa-bết sinh năm 1207, là con của vua An-rê thứ 2, nước Hun-ga-ri. Ngài đã được hưởng giàu sang chức tước ở đời, nhưng cũng phải gặp nhiều gian nan thử thách.

Lên 4 tuổi, theo phong tục thời đó, thánh nữ đã được cha mẹ đính hôn với hoàng tử Lu-y miền Tu-rin-gen, và năm 14 tuổi, ngài đã thành hôn với Lu-y, lúc đó đã lên ngôi vua.

Hai vợ chồng chung sống thật hạnh phúc, và cùng nhân đức sốt sắng, cùng chung lý tưởng bác ái yêu người.

Đặc biệt thánh nữ rất thương người nghèo khổ bệnh tật. Ngài thương yêu chăm sóc họ như lo cho Chúa. Có thể nói ngài coi họ như Chúa Giê-su. Chính Linh mục Con-ra-đô là cha linh hướng của ngài đã minh chứng: "Ê-li-sa-bết bắt đầu nổi tiếng nhân đức. Suốt đời bà đã là người an ủi những người nghèo khó; nhưng bây giờ bà hoàn toàn bắt đầu trở thành vị cứu tinh của kẻ đói ăn. Bà ra lệnh xây cất một bệnh viện gần một lâu đài của mình; và tại đó, bà đã đón nhận nhiều người đau đớn và tàn tật; bà đã làm các việc từ thiện một cách quảng đại, đối với tất cả mọi người đến xin của bố thí ở đây cũng như trong toàn lãnh thổ thuộcquyền cai trị của chồng bà; bà đã phát hết hoa lợi do bốn hầu quốc của chồng bà cống hiến, đến nỗi sau cùng phải bán cả trang sức và y phục quý giá để giúp người nghèo".

"Bà có thói quen mỗi ngày 2 lần, sáng và chiều đích thân đến thăm hỏi tất cả những bệnh nhân của bà, cũng như đích thân săn sóc những kẻ ghê tởm nhất trong bọn họ, cho họ ăn, giúp họ ngủ, cõng họ đi, cùng làm nhiều việc nhân đạo khác. Tất cảnhững việc nầy không làm phật ý chồng bà chút nào. Ông cũng là người đáng ghi nhớ..."

Trong số những người bệnh tật, thánh nữ thương mến các kẻ bị bệnh phong cùi hơn hết. Hằng ngày thánh nữ chăm sóc họ, lau rửa các vết lở loét cho họ. Ngài săn sóc cách riêng một trẻ nhỏ bị cùi trong nhà, đặt nằm ngay trên giường của Ngài...

Nhưng Chúa thường cho những kẻ Người thương được vác khổ giá với Người, để họ nên giống Người hơn, nhất là để cho họ được xứng đáng thông phần vinh hiển với Người. Năm 1227, chồng ngài đi chiến đấu bảo vệ Thánh Địa với Đạo Binh Thánh giá đã bị tử trận. Nghe tin như sét đánh!... Ngài đau khổ như muốn điên lên!... Nhưng rồi thánh nữ cũng chấp nhận hy sinh, sẵn lòng vâng theo Thánh ý.

Đau khổ mất chồng chưa kịp nguôi, thì gian nan khác dồn dập trút xuống thánh nữ ! Người em trai của chồng ngài lên chiếm ngôi vua, đuổi ngài và các con ra khỏi hoàng cung, lại cấm dân chúng không cho ngài trú ngụ. Ngài phải dẫn con đi lang thang rày đây mai đó, tá túc trong chuồng nuôi súc vật, hằng ngày đi ăn xin để nuôi con...

Khốn khổ tột cùng, nhưng thánh nữ cũng một lòng tin tưởng phó thác.

Song Chúa không bỏ kẻ kiên tâm vững dạ trông cậy Người. Khi đoàn Thập Tự Chinh trở về, họ bắt buộc em chồng ngài phải trả ngôi vua lại cho cháu là con của ngài. Thế là thánh nữ được khải hoàn trở lại hoàng cung, triều thần đón rước long trọng, dân chúng nhiệt liệt hoan nghênh...

Nhưng ngài không màng tới những bả danh vọng phù hoa đó. Ngài từ bỏ tất cả, đến sống trong một căn nhà lụp xụp gần tu viện thánh Phan-xi-cô, và xin nhập Dòng Ba, sống trọn đời hy sinh vì Chúa vì người nghèo, như lời Cha linh hướng của ngài nói: "Trước lúc bà chết, tôi đã giải tội cho bà. Tôi hỏi bà định thế nào về tài sản và động sản của bà, bà trả lời rằng tất cả những gì bà có thì thuộc về người nghèo và bà xin tôi phân phát tất cả cho họ, trừ chiếc áo dài tồi tàn mà bà vẫn mặc, và bà muốn được khâm liệm với chiếc áo dài đó. Sắp đặt xong mọi việc, bà đã rước Mình Thánh Chúa; và cho đến giờ kinh chiều, bà năng nói về những điều hay nhất mà bà đã nghe được trong các bài giảng, rồi rất sốt sắng, bà phó mọi người xung quanh cho Chúa và trút hơi thở cuối cùng một cách êm ái như ngủ đi vậy..."

Đó là ngày 17 tháng 11 năm 1231. Và năm 1235, Đức Thánh Cha Ghê-gô-ri-ô thứ 9 đã tôn phong thánh nữ lên hàng Hiển thánh.

Quyết tâm: Hằng ngày sống theo thánh ý Chúa, sẵn sàng chịu mọi sự gian nan thử thách ở đời, và hết lòng thương yêu giúp đỡ người nghèo khổ bệnh tật, theo gương thánh nữ Ê-li-sa-bết Hun-ga-ri.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh nữ Ê-li-sa-bết biết nhận ra và tôn kính Đức Ki-tô nơi người nghèo khổ. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu, mà ban cho chúng con luôn hết lòng mến yêu phục vụ những ai đang lâm cảnh khốn cùng.

Ngày 19 tháng 11
CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ

Vì lòng mộ mến các thánh tử đạo, các tín hữu thường xuyên lui tới kính viếng và cầu nguyện nơi phần mộ của các ngài, đặc biệt nhất là phần mộ của hai thánh Tông đồ Cả Phê-rô và Phao-lô. Trong số những kẻ kính viếng đó, có cả hoàng đế Công-tăn-tin. Sau khi gia nhập đạo Công giáo, ngài năng lui tới kính mộ thánh Phê-rô và thánh Phao-lô. Và để giúp cho mọi người có nơi cầu nguyện, đồng thời cũng để tỏ lòng tôn kính hai vị thánh tông đồ, năm 362 ngài khởi công xây cất thánh đường kính Thánh Phê-rô trên phần mộ của thánh nhân. Thánh đường nầy đã được nới rộng năm 1506, và Đức Giáo Hoàng U-ba-nô thứ 8 cung hiến ngày 18 tháng 11 năm 1626.

Thánh Đường kính thánh Phao-lô cũng do hoàng đế Công-tăn-tin xây dựng, nhưng năm 1823 đã bị thiêu hủy gần hết do một cuộc hỏa hoạn. Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô thứ 16 đã cho tái thiết. Và Đức Thánh Cha Pi-ô thứ 9 cung hiến vào ngày 10 tháng 12 năm 1854.

Hôm nay Hội thánh mừng kỷ niệm ngày cung hiến hai thánh đường đó, để tỏ lòng tôn kính Thánh Phê-rô và Phao-lô đã nhiệt thành phụng sự Chúa, can đảm chịu chết vì Chúa, "trở nên hai hạt giống đặc biệt của Chúa, đã làm nảy sinh cả một miêu duệ đông đúc: đó là hàng ngàn thánh tử đạo đã muốn đua đòi bắt chước chiến thắng của các tông đồ, là cho giáo đô của chúng ta có cả một đoàn đông đảo những người mặc áo đỏ chói, chiếu sáng ra tận các miền xa xôi, và dường như đã kết trên đầu thành đô nầy một triều thiên vinh quang, lấp lánh những viên ngọc quí giá".

"Dĩ nhiên chúng ta đã phấn khởi khi tưởng niệm tất cả các thánh, vì Thiên Chúa đã an bài để nêu cho chúng ta một tấm gương kiên nhẫn và củng cố niềm tin cho chúng ta. Nhưng nếu chúng ta có ca tụng địa vị ưu việt của hai vị tổ phụ một cách nồng nhiệt hơn, thì cũng là điều chính đáng; vì so với các chi thể khác trong Hội thánh, thì ơn Chúa đã nâng hai vị lên tới bậc cao cả, khác nào như hai con mắt trong thân thể mà Chúa Giê-su là đầu".

Ngày lễ nầy cũng nhắc chúng ta nhớ lời Kinh Thánh nói về Đền Thờ là nhà cầu nguyện, là nhà Thiên Chúa, là nơi thánh, là hình ảnh Giê-ru-sa-lem trên trời và là cửa thiên đàng.

Tất cả các đồ dùng nơi đây đều được thánh hiến: giếng Rửa tội là nơi chúng ta được tái sinh làm con Chúa, tòa cáo giải là nơi chúng ta lãnh nhận ơn tha tội, tòa giảng giúp chúng ta lắng nghe Lời Chúa dạy bảo, bàn thờ là nơi Chiên Thiên Chúa hiến tế để xóa tội trần gian, nhà tạm là nơi Chúa Giê-su ẩn náu để gần gũi chúng ta và làm lương thực nuôi linh hồn chúng ta. Kể cả những viên gạch xây dựng Đền Thờ cũng nhắc chúng ta nhớ tâm hồn mỗi người là những viên đá sống động làm nơi Thiên Chúa ngự trị, mỗi người phải lo trau dồi tâm hồn mình xứng đáng nên đền thờ của Chúa, như lời thánh Xê-da-ri-ô nói: "Anh em rất thân mến, nếu chúng ta muốn hân hoan cử hành ngày kỷ niệm cung hiến đền thờ, chúng ta không được dùng những việc xấu xa phá đổ đền thờ sống động của Thiên Chúa nơi chúng ta".

Quyết tâm: Hằng ngày lo giữ tâm hồn trong sạch tốt đẹp, và trang hoàng bằng những bông hoa việc lành phúc đức, để xứng đáng nên đền thờ sống động cho Thiên Chúa ngự.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã đặt hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô làm những người khởi công rao giảng Tin mừng. Xin cho Hội thánh luôn được các ngài bảo vệ và hằng được khắng khít với Chúa, để đức tin phát triển không ngừng cho đến ngày tận thế.

Ngày 20 tháng 11
THÁNH PHAN-XI-CÔ NGUYỄN CẦN
Thầy Giảng Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Tấm gương sáng chói thánh Phan-xi-cô Cần để lại cho muôn đời, đó là lòng kiên nhẫn keo sơn gắn bó, chịu gian lao đau khổ theo Chúa bền đỗ: Ròng rã tám tháng tù ở Thanh Oai, đăng đẳng mười tháng ngục ở Hà Nội là cả những chuỗi ngày cực hình tra tấn đổ lên con người vị anh hùng đức tin nầy: cổ mang gông, tay chân xiềng xích, ngày đêm ở trong tù nực nồng thúi tha hôi hám, chưa kể những lần bị tra tấn, đánh đập, đau đớn. Trong một bức thư gởi về cho cha Liêu, ngài viết:

"Con bị tra tấn ba lần, hai lần đầu, mỗi lần 60 roi, lần sau 50 roi. Nhà tù thì chật hẹp, hôi hám, thúi tha..."

Giờ phút cuối cùng tại pháp trường Cầu Giấy, viên quan xử bảo lần chót:

- Hãy bước qua thập tự, anh có thể được cứu mạng sống.

Nhưng vị chiến sĩ Chúa quả quyết:

- Tôi đã dốc lòng theo Chúa đến chết. Quan cứ theo án mà thi hành.

Phan-xi-cô Nguyễn Cần sinh năm 1803, tại xứ Sơn Miêng tỉnh Hà Đông. Ngay từ nhỏ, cậu đã ước ao dâng mình cho Chúa, nhưng vì mẹ già quá thương cậu, không muốn lìa xa, nên mãi đến lớn cậu mới vào trường học làm thầy giảng. Sau đó, thầy theo giúp Đức Cha Du và Cha Liêu ở họ đạo Kẻ Chuông. Ngày 19 tháng tư năm 1836, cha Liêu nhờ thầy đi mời cha Tuấn ở xứ Kẻ Bạc đến giảng tuần tĩnh tâm, chuẩn bị mừng lễ Phục sinh. Nhưng khi vừa đến nơi thì thầy bị quân lính bắt giải về huyện Thanh Oai và tống vào ngục.

Cha Liêu nghe tin thầy bị bắt thì hết lòng thương tiếc, nhờ người đem tiền đến chuộc. Nhưng quan đòi giá quá cao, không thể chuộc nổi. Hơn nữa, vì thầy muốn được hy sinh chịu chết vì Chúa, nên xin Cha và mọi người đừng bận tâm lo cho thầy, chỉ xin mọi người cầu nguyện cho thầy được bền đỗ chịu khổ vì Chúa đến cùng.

Trong tám tháng bị giam ở Thanh Oai, nhiều lần thầy phải chịu tra tấn đánh đòn, buộc đạp lên Thánh giá. Nhưng lần nào thầy cũng can đảm từ chối, quyết một lòng trung kiên theo Chúa. Có ngày thầy bị đánh cả đôi ba lần, mỗi lần từ 50 roi trở lên, như thầy đã nói trong thơ gởi cho cha Liêu. Càng bị đánh, càng đau đớn, thầy càng rán sức chịu đựng, để thông phần vào sự thương khó Chúa Giê-su, hiệp công cứu rỗi với Người.

Thấy không thể lay chuyển nổi lòng trung kiên của vị chứng nhân Chúa, quan cho giải về Hà Nội. Mười tháng tù ở đây là cả những chuỗi ngày cực hình thảm khốc. Ngày nào thầy cũng bị quân lính đánh đập tra khảo, bắt ép bước qua Thánh giá bỏ đạo. Nhưng thầy chẳng những không sợ roi đòn, không ngã lòng nản chí, mà còn cho đó là ơn Chúa thương ban, để thầy được vinh phúc đời sau. Trong bức thư thầy viết từ trại giam ở Hà Nội, thầy nói với Cha Liêu:

"Thưa Cha, con thấy nhiều người ngoài đời sẵn sàng chịu nhiều khổ cực gian nan để được giàu sang danh vọng chóng qua, lẽ nào con không nhẫn nại bền đỗ chịu những hình khổ mau qua nầy, để được vinh hiển đời đời".

Không kể gì thân mình, thầy còn giúp đỡ khích lệ các đồng đạo cùng bị tù ngục, kiên tâm giữ vững niềm tin. Ngoài ra thầy còn khuyên được nhiều tù nhân ngoại giáo theo đạo. Thầy đã dạy giáo lý và rửa tội cho họ.

Ngày 20 tháng 11 năm 1837, bản án của vua Minh Mạng đã về đến Hà Nội. Bản án ghi rõ:

"Tên Cần đã theo đạo Gia-tô, không chịu bước qua Thập giá, nay kết án xử giảo".

Quân lính điệu vị anh hùng ra pháp trường Bảy Mẫu, vòng dây quanh cổ, siết chặt hai đầu dây đến lúc ngài tắt thở.

Đức Thánh Cha Lê-ô 13 suy tôn thầy lên Chân phước ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988. Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô 2 đã tôn phong lên Hiển Thánh.

Quyết tâm: Hằng ngày siêng năng giúp việc giảng đạo, và kiên tâm bền đỗ chịu khổ chịu cực vì Chúa cho đến chết, để hiệp công với Chúa cứu rỗi các linh hồn, và để được hưởng phước đời đời.

Lời nguyện:Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 21 tháng 11
ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ

Những cha mẹ đạo đức thường dâng con mình cho Chúa, trong lúc mang thai cũng như sau khi sinh. Đối với một số người Do-thái, họ có thói quen dâng con cho Chúa lúc chúng còn thơ ấu. Họ đem con đến Đền thờ, cho chúng ở lại đó phục vụ các tư tế trong việc phụng tự. Chúng ta gặp thấy nhiều cuộc dâng hiến như thế, như trường hợp của Sa-mu-en và nhiều vị thánh khác. Riêng Đức Ma-ri-a, Phúc âm không nói gì về thời thơ ấu của ngài, nhưng truyền thuyết bảo rằng lúc lên ba tuổi, cha mẹ đã đem dâng ngài trong đền thờ.

Hôm nay Hội thánh mầng ngày kỷ niệm Đức Mẹ dâng mình đó. Lễ nầy mới được Hội thánh công nhận và phổ biến rộng khắp vào thế kỷ 14. Việc Đức Mẹ dâng mình chắc chắn rất đẹp lòng Chúa, vì ngài đã được Vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai, vì Chúa đã định chọn Mẹ cưu mang và sinh Con của Ngài. Và Mẹ đã dâng mình cách trọn vẹn, trọn hảo.

Chính trong đền thờ, Mẹ chuẩn bị sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa. Mười hai năm trời Mẹ suy niệm, cầu nguyện, sống gần gũi thân mật với Chúa. Theo thánh Giê-rôm, chương trình sống một ngày của Mẹ ở trong đền thờ gồm có kinh nguyện, suy gẫm, học hỏi Lời Chúa, hát thánh vịnh. Mẹ làm các việc thiêng liêng đạo đức đó với cả lòng sốt sắng nhiệt thành, nêu gương cho mọi người khác.

Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, chính đó là điểm đặc sắc nhất của đời sống Mẹ. Theo thánh Au-tinh: "Thánh Mẫu Ma-ri-a đã thực hiện hoàn toàn ý định Chúa Cha, và vì thế, việc ngài được làm môn đệ Đức Ki-tô thì có giá trị hơn là việc được làm Mẹ Đức Ki-tô. Do đó, Đức Ma-ri-a thật diễm phúc vì đã mang Chúa trong lòng trước khi sinh ra Người".

Như thế, chính Đức Ma-ri-a là Đền thờ của Thiên Chúa. Việc Mẹ dâng mình vào đền thánh là thể hiện ngôi Đền thờ sống động trong tâm hồn.

Chúng ta cũng thế, chúng ta là đền thờ sống động của Chúa, nên chúng ta biết noi gương Mẹ, dâng mình cho Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa hằng ngày trong đời sống.

Quyết tâm: Noi gương Đức Mẹ, tôi dâng mình hằng ngày cho Chúa, hiến trọn đời sống tôi để làm theo ý Chúa, chăm chỉ lắng nghe và làm theo Lời Chúa dạy suốt đời.

Lời nguyện: Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con hợp mầng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a vinh hiển. Cúi xin Chúa nhận lời Người chuyển cầu, mà ban cho chúng con được dư đầy ơn phúc.

Ngày 22 tháng 11
THÁNH XÊ-XI-LI-A
Trinh Nữ Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Theo truyền thuyết, cuộc tử đạo của thánh Xê-xi-li-a xảy ra dưới thời hoàng đế A-lét-xăn Sê-vê-rô. Ngài là mẫu gương sáng ngời về đức trinh khiết và về lòng can đảm hy sinh vì Chúa.

Thánh nữ là con gia đình quí tộc Rô-ma. Trong gia đình, chỉ có mỗi mình ngài là Ki-tô hữu. Và ngay từ niên thiếu, ngài đã khấn giữ mình đồng trinh, dâng hiến trọn tình yêu cho Chúa và người nghèo khổ. Mỗi khi đến dự Thánh lễ tại các hang toại đạo, ngài luôn bố thí rộng rãi cho kẻ ăn xin. Chính ngài là nơi nương tựa vững chắc cho người nghèo khổ, bệnh tật. Đời sống ngài là kinh nguyện, ăn chay, đọc Sách Thánh và việc từ thiện bác ái. Chính nhờ các việc lành phước đức đó mà Chúa cho ngài được thấy thiên thần giữ mình luôn hiện diện bên cạnh ngài, gìn giữ che chở ngài từng giây từng phút.

Khi lớn lên, cha mẹ gả ngài cho một người sang trọng giàu có, tên là Va-lê-ri-ô. Ngài hết sức cự tuyệt, nhưng sau vì thấy không thể từ khước được, phần vì thấy Va-lê-ri-ô tuy là người ngoại giáo, nhưng ngay thẳng tốt lành, nên ngài cũng bằng lòng chấp nhận. Buổi chiều ngày cưới, ngài dịu dàng nói với chồng:

- Anh yêu quí, xin anh vui lòng cho phép em thố lộ cùng anh một điều bí mật, nhưng xin anh hứa giữ kín dùm em.

Va-lê-ri-ô đáp:

- Điều bí mật nào vậy?... Anh hứa sẽ giữ kín như lòng em mong ước.

Thánh nữ thưa:

- Em là người Công giáo. Và vì em đã khấn dâng mình cho Chúa, nên Chúa đã cho thiên thần giữ gìn em. Nếu thiên thần thấy anh thương em không phải lẽ, ngài sẽ bênh đỡ em, và anh phải chết. Nhưng nếu anh vui lòng giúp em giữ lòng trong sáng trinh khiết thì Chúa sẽ thương ban ơn cho anh.

Va-lê-ri-a kinh ngạc, không hiểu thánh nữ muốn nói gì, chàng bảo:

- Xê-xi-li-a, nếu em muốn anh tin lời em nói, em hãy cho anh thấy thiên thần giữ mình em.

Thánh nữ thưa:

- Nếuanh tin kính Chúa và lãnh Bí tích Rửa tội, anh sẽ thấy thiên thần giữ mình em.

Va-lê-ri-ô chấp nhận tin theo Chúa. Chàng đã đến học đạo và chịu phép rửa nơi Đức Giám mục Ur-ba-nô.

Khi trở lại với Xê-xi-li-a, chàng thấy có thiên thần hộ thủ ở bên cạnh nàng, gìn giữ nàng.

Va-lê-ri-ô còn một người em tên là Ti-bu-ti-ô, chàng thuật lại các việc đã xảy ra cho người em nghe, và Ti-bu-ti-ô cùng xin theo đạo.

Nhưng chẳng bao lâu, cả hai anh em và Xê-xi-li-a bị tố cáo là người Công giáo, nên bị tổng trấn An-ma-xi-ô bắt tống ngục và bắt tế thần, nhưng các ngài một mực từ chối:

- Thần của các ông như là đá sỏi, chỉ có Chúa chúng tôi thờ mới là Thiên Chúa thật, đáng cho mọi người tôn thờ.

Có kẻ thấy thánh nữ trẻ đẹp, và mới hai mươi tuổi, nên khuyên ngài tế thần, kẻo phải chết uổng mạng.

Thánh nữ đáp:

- Các ngài biết: chết vào tuổi tôi không phải là uổng mạng, nhưng là một cuộc trao đổi quí giá, vì Thiên Chúa sẽ ban lại cho tôi gấp trăm.

Thấy không thể lay chuyển nổi lòng tin và chí can trường của các ngài, tổng trấn truyền lệnh chém đầu cả ba. Nhưng khi lý hình chém đầu thánh nữ, nó chỉ gây cho ngài một vết thương nặng, nên chưa chết ngay. Ngài phải chịu đau đớn đến ba ngày sau mới tắt thở...

Quyết tâm: Hằng ngày kêu xin thiên thần giữ mình che chở cho khỏi phạm tội làm mất lòng Chúa; và noi gương thánh nữ Xê-xi-li-a, suốt đời trung thành theo Chúa.

Lời nguyện: Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính thánh Xê-xi-li-a, chúng con đến dâng lời khẩn nguyện: vì lời thánh nữ chuyển cầu, xin cho chúng con được xứng đáng hát mầng danh thánh Chúa.

Ngày 23 tháng 11
THÁNH CLÊ-MEN-TÊ
Giáo Hoàng Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Thánh Clê-men-tê sinh tại Rô-ma, trong một gia đình giàu có. Ngài có học thức, say mê tìm kiếm chân lý, đã tìm thấy trong đạo Chúa một kho tàng quí báu làm thỏa mãn mọi đòi hỏi của lý trí và mọi khát vọng của tâm hồn. Chẳng những ngài đã gia nhập đạo, mà còn phụ giúp các tông đồ trong công cuộc truyền bá Phúc âm. Trong thư gởi giáo đoàn Phi-líp-phê, thánh Phao-lô đã đề cao sự nghiệp truyền giáo của ngài, và quả quyết tên của ngài sẽ được ghi vào sổ Hằng Sống.

Chính vì sự gắn bó khắng khít với các tông đồ và lòng nhiệt thành truyền bá đức tin, thánh nhân được các thánh tổ phụ gọi là người tông đồ, và được chọn làm Giám mục Rô-ma, kế vị thánh Phê-rô điều khiển Hội thánh năm 91. Chính ngài đã chứng kiến cái chết thê thảm của bạo chúa Nê-ron và sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem.

Từ ngày lên ngôi Giáo Hoàng, thánh nhân hoạt động tông đồ đắc lực. Ngài đã đem nhiều người trở lại đạo, xây dựng thánh đường, củng cố hàng giáo sĩ, mở mang các tu viện. Đặc biệt ngài được nổi tiếng nhờ bức thư gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô. Trong thơ, Ngài nhân danh Giáo hội Rô-ma, khuyên bảo các tín hữu hãy tin tưởng phó thác vào Chúa, và hòa hợp với các vị mục tử. Ngài nói:

"Anh em yêu quý, hồng ân của Thiên Chúa thật tốt đẹp và kỳ diệu! Đời sống trường cửu, công chính rạng ngời, tự do nói lên chân lý, tin tưởng phó thác, thánh thiện đúng mức: tất cả đều đặt vào sự hiểu biết của ta. Vậy còn những ân huệ đã được dành sẵn cho những ai biết mong chờ Chúa là gì? Chỉ một mình Đấng Tạo hóa và là Cha chí thánh của mọi thế hệ biết số lượng và vẻ đẹp của chúng mà thôi. Phần chúng ta, hãy kiên tâm chiến đấu để được ghi tên vào sổ những kẻ biết mong chờ Người, ngỏ hầu cũng được thông phần các ân huệ Người đã hứa..."

"Vậy hỡi anh em, chúng ta hãy hết sức chiến đấu theo lệnh tuyệt đối của Người. Cấp trên không thể vững nếu không có cấp dưới. Cấp dưới không thể làm gì nếu không có cấp trên; Mọi người phải hoà hiệp với nhau; thế mới có lợi. Chính thân thể chúng ta cũng là gương cho ta phải soi; đầu mà không có chân thì đầu cũng bằng không; mà chân không có đầu cũng thế; những chi thể nhỏ nhất trong thân xác ta cũng cần thiết và lợi ích cho cả toàn thân; hơn nữa, mọi chi thể phải cùng nhau liên lụy nhau như một, thì toàn thân mới được lành mạnh".

"Vậy phải bảo toàn nhiệm thể mà ta kết thành ở trong Đức Giêsu-Kitô, và ai nấy phải tùng phục tha nhân theo ơn Chúa đã chỉ định cho họ. Người khỏe phải bênh vực người yếu; người yếu phải kính nể người mạnh; người giàu phải trợ giúp người nghèo; người nghèo phải ngợi khen Chúa đã ban cho có người giúp đỡ mình trong cơn túng thiếu, người thông thái đừng nói suông, nhưng phải lấy việc lành mà chứng tỏ sự thông thái của mình; người khiêm nhường đừng làm chứng về mình, hãy để người khác nói cho..."

Qua lời nói trong bức thư, chúng ta thấy thánh nhân bày tỏ mối quan tâm của ngài, trong sự hiệp nhất giữa tín hữu với các vị mục tử và giữa các Giáo hội với nhau. Với quyền Giáo Hoàng, ngài kêu gọi mọi thành phần dân Chúa kết hợp làm một trong Chúa Ki-tô, là Vị Thủ Lãnh Tối Cao của Hội thánh.

Chính vì những hoạt động tông đồ mà thánh nhân bị hoàng đế Vết-pa-ri-ô bắt giữ. Ngài bị điệu ra tòa án xét xử vì tội phản nghịch thần linh, tuyên truyền tà đạo, và bị kết án lưu đày khổ sai tại Sét-xô-ne.

Khi đến nơi lưu đày, thánh nhân vui mầng gặp gần 2000 Ki-tô hữu đang phải đày ải và làm việc cực nhọc tại đây. Ngài nói với họ:

- Chúa đã thương ban cho tôi ơn trọng đại, được đến sống với anh chị em là những kẻ được Chúa tuyển chọn, hầu chia phần vinh hiển với anh chị em.

Tương truyền các tín hữu làm việc khổ sai ở đây phải khát nước thảm khốc, vì là nơi núi rừng không có nước. Thánh nhân bảo họ:

- Anh chị em hãy cùng tôi cầu nguyện, xin Chúa cho nước từ tảng đá chảy ra, như xưa Người đã cho dân Do-thái trên đường về đất Hứa.

Thế là ngài cùng các tín hữu cầu nguyện. Và khi ngước nhìn lên, ngài thấy một con chiên trắng như tuyết đang đứng trên đồi trước mặt, chân phải nó đưa lên chỉ một suối nước đang vọt lên...

Từ ngày đó, các kẻ bị lưu đày vì Chúa có nước uống đầy đủ dư dật. Tin đó đồn ra khắp nơi, khiến nhiều người tin quyền phép Chúa và theo đạo. Nghe tin đó, hoàng đế Tra-da-nô hoảng sợ, truyền lệnh cột neo vào cổ thánh nhân rồi ném xuống biển cho chết, kẻo để ngài sống, ngài làm nhiều việc lạ khác, khiến dân chúng theo đạo hết.

Quyết tâm: Noi gương thánh Clê-men-tê Giáo Hoàng tử đạo, tôi dùng mọi phương thế, mọi hoàn cảnh trong đời sống mà giảng rao đạo Chúa.

Lời nguyện:Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con khâm phục Chúa đã làm cho thánh nhân can trường. Chúa đã giúp thánh Clê-men-tê là tư tế và tử đạo của Đức Ki-tô, biết lấy máu đào mà minh chứng những mầu nhiệm thánh nhân cử hành, và biết nêu gương sáng để củng cố Tin mừng người rao giảng. Hôm nay chúng con mầng kính người, thì xin cho chúng con được đầy tràn niềm phấn khởi hân hoan.

THÁNH CÔ-LUM-BĂN
Viện Phụ

Gương Thánh nhân: Thánh Cô-lum-băn sinh năm 540 tại Ái-nhĩ-lan, trong thời kỳ các dòng tu ở đây đang thịnh hành phát triển.

Lớn lên, thánh nhân được cha mẹ gởi ở đan viện Băng-gô, để học hành và đào luyện tánh nết cũng như đạo đức. Ngài có trí thông minh đặc biệt, học hành giỏi giắn, lại có lòng mến mộ nhân đức, nên đã xin gia nhập đan viện. Mẹ ngài hết sức ngăn cản, nhưng ngài vẫn cương quyết vâng theo tiếng Chúa gọi.

Ở tu viện, hằng ngày thánh nhân lo trau dồi thêm kiến thức, nhất là học hỏi Thánh Kinh thần học, tập luyện sống khổ hạnh và thực hành đức mến Chúa yêu người, dưới sự hướng dẫn của thánh Com-gan.

Xong thời gian học tập, thánh nhân được bề trên giao cho dạy học trong dòng. Và năm 590, ngài được sai đi truyền giáo và thành lập tu viện tại xứ Gôn (nước Pháp), với một nhóm tu sĩ của dòng.

Suốt hơn 10 năm ở đây, thánh nhân sống khắc khổ, rày đây mai đó, rao giảng Tin mừng cứu rỗi cho mọi người, đồng thời giúp đỡ những người nghèo khổ bệnh tật. Dân chúng thấy ngài tận tụy, hy sinh vì họ thì đem lòng thương mến và xin gia nhập đạo đông đảo. Trong số nầy có nhiều người muốn theo làm môn đệ Ngài.

Ngoài ra việc giảng đạo, thánh nhân còn thành lập nhiều đan viện, số người gia nhập ngày càng đông. Họ sống hy sinh khắc khổ, chuyên cần cầu nguyện và làm việc để sinh sống, và nếu có dư ra thì bố thí cho kẻ nghèo. Đan viện nổi tiếng nhất của ngài là đan viện ở Lút-xơi. Đây là nơi phát xuất ra nhiều nhà truyền giáo lỗi lạc, nhiều vị tông đồ đắc lực.

Thánh nhân thường xuyên huấn luyện các tu sĩ về đàng nhân đức: đây là mối bận tâm lớn nhất của ngài. Trong một bài huấn đức, ngài nói:

"Trong sách luật, Mô-sê đã viết: Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Người. Xin hãy cùng tôi tìm hiểu ý nghĩa cao cả của câu sách ấy. Thiên Chúa toàn năng, vô hình, khôn thấu, khôn tả, khôn ví. Khi nhào nặn con người từ bùn đất, đã làm cho ta trở nên cao cả bằng cách ban cho họ được vinh dự, được giống hình ảnh Người. Con người là gì sánh với Thiên Chúa? Bùn đất là gì sánh với thần khí. Bởi lẽ, Thiên Chúa là thần khí, thế nên việc Thiên Chúa ban tặng cho con người hình ảnh vĩnh cửu và sự sống giống như ngài, là một "việc tôn vinh" kỳ diệu. Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa là một vinh dự lớn lao cho con người, nếu hình ảnh đó được bảo toàn".

"Quả vậy, bao lâu con người biết sử dụng tốt các khả năng đã được gieo sẵn trong tâm hồn mình, thì họ giống như Thiên Chúa. Những khả năng nào Thiên Chúa đã gieo trong con người nguyên thủy của ta, thì Người dạy ta phải sống trả lại Người tất cả. Trước nhất, Người dạy ta: hãy yêu mến Chúa hết lòng vì chính Người đã yêu thương ta trước, ngay từ đầu, trước cả khi ta hiện hữu, yêu mến Thiên Chúa tức là canh tân hình ảnh Người ở nơi ta. Mà yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các lệnh truyền của Người, vì Người đã phán: "Nếu các con yêu mến Ta, các con hãy tuân giữ các lệnh truyền của Ta. Điều Ngài truyền chính là tình bác ái huynh đệ: Nầy là lệnh truyền của Ta, hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con".

Giữa lúc đó, vua nước Buộc-gôn sống phóng đãng ngoại tình. Thánh nhân thấy vậy thì khuyến cáo ông ta. Nhưng thay vì nghe lời khuyên của thánh nhân, ông ta nổi giận, trục xuất ngài ra khỏi tu viện, và cấm không cho ai chứa ngài. Buộc lòng ngài phải sang trú ngụ nước Ý và qua đời tại đây ngày 23 tháng 11 năm 615.

Quyết tâm: Dù gặp khó khăn thử thách vẫn một lòng trung kiên theo Chúa, kêu gọi nhiều người giúp Chúa cứu rỗi các linh hồn, theo gương thánh Cô-lom-băn viện phụ.

Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh nhân Cô-lum-băn ơn đặc biệt là vừa hăng say rao giảng Tin mừng, vừa yêu chuộng đời sống đan tu chiêm niệm. Vì lời chuyển cầu và gương sáng của thánh nhân, xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa trên hết mọi sự, và đêm ngày thao thức mở mang nước Chúa.

1678    17-01-2011 21:11:49