Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Hạnh Thánh Tháng 3_phần 2

Ngày 17 tháng 3 
THÁNH PA-TRI-XI-Ô
 
Giám mục

Thánh Pa-tri-xi-ô sinh tại nước Anh, năm 373. Cha mẹ ngài rất đạo đức, đã huấn luyện ngài sốt sắng kính mến Chúa. Nhưng năm lên 16 tuổi, ngài bị nhóm hải tặc bắt đem bán làm nô lệ ở Ai-nhĩ-lan. Sáu năm trời làm nô lệ, ngài sống khổ cực thiếu thốn. An không đủ no, mặc rách rưới, suốt tháng này sang tháng khác, đi chăn heo, sống trong cảnh thiếu thốn tình thương gia đình cha mẹ!...Đau khổ nhất đối với thánh nhân là không được lãnh nhận các Bí tích. Không có nhà thờ đọc kinh dự lễ, vì lúc đó, dân Ai-nhĩ-lan còn thờ bục thần ngẫu tượng, chưa được biết Chúa.

Nhưng trong những năm tháng dài khốn khổ đó, thánh nhân luôn hướng về Chúa, cầu khẩn Chúa. Ngài nhớ lại những lời cha mẹ dạy về lòng mến Chúa yêu người lúc còn ở gia đình, nên kêu xin Chúa cho ngài thoát cảnh nô lệ để ngài đem Chúa đến cho dân tộc ngoại giáo này. Hằng ngày, thánh nhân lo học ngôn ngữ phong tục của họ, chuẩn bị cho công cuộc truyền giáo sau này.

Chúa đã nhậm lời ngài, cứu ngài thoát cảnh nô lệ. Ngài luôn cám ơn Chúa vì ơn lành này: "Tôi không ngớt cám tạ ơn Chúa của tôi, vì Người đã gìn giữ tôi trung thành trong ngày tôi chịu thử thách, khiến hôm nay, tôi có thể dâng hiến linh hồn tôi, như bánh thánh sống động là Đức Kitô, Chúa tôi, vì người đã gìn giữ tôi khỏi mọi cảnh ngặt nghèo, khiến tôi phải thưa: Lạy Chúa, con là ai, ơn gọi con là gì mà Chúa đã bao phủ con bằng thần tính cao cả như vậy? Đến nỗi ngày nay, bất cứ ở đâu, con luôn luôn nhảy mừng và ca tụng danh thánh Chúa ở giữa các dân tộc. Không những chỉ khi may mắn mà thôi,, mà cả khi gặp bỉ cực nữa. Dù có thể xảy ra cho tôi thế nào, lành hay dữ, tôi vẫn bình thản chấp nhận hết và luôn luôn tạ ơn Chúa. Chính Người đã cho tôi biết không được thôi tin tưởng vào Người là Đấng sẽ nhận lời tôi". Thánh nhân đến nước Pháp, xin vào tu viện Mạc-mô chê. Ở đó, ngài sống đời cầu nguyện, hãm mình và chuyên cần học tập. Năm 432, ngài được thụ phong linh mục, rồi Giám mục. Và ngài lên đường trở lại Ai-nhĩ-lan, rao giảng đạo Chúa cho dân tộc ngoại giáo này như lòng ngài ước nguyện.

Mặc dầu gặp nhiều chống đối khó khăn, thánh nhân vẫn kiên trì đem Lời Chúa giảng cho mọi người. Như lời ngài nói: "Và nếu Chúa thấy tôi xứng đáng, tôi sẵn sàng, không ngần ngại và hết sức sẵn lòng bỏ mạng sống mình vì Danh Người. Tôi thật muốn hiến đời tôi ở đó cho đến chết nếu Chúa thương chấp nhận. Là vì tôi mắc nợ với Chúa thật nhiều. Người đã ban cho tôi ơn trọng này là nhờ tôi, nhiều dân tộc đã tái sinh trở về với Chúa, và sau đó đã được hoàn thiện. Người cũng ban cho tôi được truyền chức ở mọi nơi để có hàng giáo sĩ coi sóc dân mới tin đạo; dân mà Chúa đã tuyển chọn từ mút cùng trái đất như Người đã hứa qua miệng các ngôn sứ: Muôn dân sẽ đến với Người từ mút cùng cõi đất".

Nhờ ơn Chúa giúp, thánh nhân đã đem cả nước Ai-nhĩ - lan về với Kitô giáo. Bí quyết thành công của ngài là cầ nguyện và hãm mình. Ban ngày đi giảng đạo, ban các bí tích giúp đỡ kẻ nghèo. Đêm đến, ngài đến quỳ trước bàn thờ, hướng lòng trí về Chúa. Ngài cầu nguyện gần suốt đêm, chỉ đi ngủ sau khi đã trình lên Chúa hết mọi việc ngài làm trong ngày, thành công cũng như thất bại... Và kêu xin Chúa giúp cho công việc hôm sau. Khi đi ngủ, ngài nằm đất, lấy đá làm gối, lấy áo làm mền để hãm mình ép xác. Ngài cũng dạy những kẻ cộng tác với ngài sống đời cầu nguyện và hãm mình như thế. Đó là khởi điểm đời sống đan sĩ của những nhà dòng ngài sáng lập. Nhờ ngài, mà đạo Chúa và nếp sống đan tu phát triển mạnh mẽ khắp nước Ai-nhĩ-lan.

Ngài qua đời năm 464, và được chọn làm thánh bổn mạng nước Ai-nhĩ-lan.

* Quyết tâm: Hằng ngày, tôi hãm mình, cầu nguyện cho công cuộc truyền gió của Hội thánh, và chính mình cũng nhiệt tâm rao giảng đạo Chúa, theo gương thánh Pa-tri-xi-ô.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Giám mục Pa-tri-xi-ô đến rao giảng Tin Miừng cho dân tộc Ai - len. Vì công nghiệp và lời cầu của thánh nhân, xin cho những ai được mang danh Kitô hữu, biết không ngừng loan báo cho mọi người những kỳ công của Chúa.

Ngày 18 tháng 3
THÁNH SY-RI-LÔ thành GIE-RU-SA-LEM
Giám mục Tiến sĩ

Thánh Sy-ri-lô sinh tại Giê-ru-sa-lem năm 315, trong một gia đình đạo hạnh sốt sắng.
Lớn lên, ngài dâng mình cho Chúa và vào chủng viện. Ngài mê say học hỏi Kinh Thánh. Lời Chúa đối với ngài như của ăn hằng ngày. Ngày nào, không đọc Lời Chúa, không học hỏi Kinh Thánh, ngài cảm thấy đói khát thiếu thốn. Nhờ Lời Chúa tác động, ngài tấn tới trên đàng nhân đức trọn lành, và vững vàng kiên cố chống lại các lạc giáo, bênh vực chân lý.Năm 345, ngài được thụ phong linh mục. Và không bao lâu sau thì được thăng chức Giám mục Giê-ru-sa-lem. Bắt đầu từ đó, ngài chuyên chăm lo giảng dạy giáo lý, hướng dẫn người ngoại giáo trở lại với Chúa.. Khắp nơi trong thành Giê-ru-sa-lem, người ta tuôn đến học giáo lý với ngài. Ngài nổi tiếng nhất về khoa giảng dạy các chân lý Kitô giáo. Ngài còn để lại cho Hội thánh 23 bài giáo lý và nhiều bài giảng thời danh. Dưới đây là một đoạn trong bài giáo lý ngài dạy tân tòng, chuẩn bị cho họ lãnh nhận phép rửa: Vậy hỡi con cái sự công chính, hãy nghe lời thánh Gioan khuyên bảo: Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng. Hãy nhắc các ngại vật đi, để tiến thẳng đến sự sống đời đời. Nhờ đức tin chân thật, hãy sửa soạn các bình của tâm hồn cho sạch, để chịu lấy Chúa Thánh Thần. Hãy bắt đầu giặt áo sám hối bằng ăn năn đi, để khi được gọi vào phòng hôn phu, anh em đã trong sạch rồi.

Đức Hôn phu kêu gọi mọi người chẳng trừ ai, vì ân sủng thật rộng rãi và quãng đại. Tiếng các sứ giả đã tập họp mọi người, nhưng chính Người sẽ phân định ai được vào dự tiệc cưới là hình bóng về phép Rửa.

Chớ gì trong số những người đã ghi tên, không một ai sẽ phải nghe lời sau đây: Hỡi bạn, sao bạn đến đây mà không mặc áo cưới? Ngược lại, ước gì hết thảy anh em sẽ được nghe nói: Hỡi người tôi tớ tốt lành và trung tín, vì con đã trung tín trong việc nhỏ, nên ta đặt con trông coi việc lớn, con hãy vào trong sự vui mừng của chủ con .

Qua các tác phẩm của thánh nhân, chúng ta thấy ngài rất sùng kính thánh giá Chúa Kitô. Ngài thường nói:
- Anh chị em chớ hổ thẹn vì thập giá Chúa Kitô. Hãy in nó trên trán, để ma quỷ thấy ngọn cờ đó của Vua Kitô thì run rẩy chạy trốn. Hãy làm dấu thánh giá khi ăn khi uống, lúc đứng khi ngồi, cũng như khi nằm ngủ, lúc thức dậy hay đi đường. Tắt một lời, anh chị em hãy làm dấu thánh giá trong mọi nơi, mọi lúc.

Công trạng lớn khác của thánh nhân là can đảm chống lại các lạc giáo, đặc biệt đối với bè rối A-ri-ô, là những kẻ chối bỏ thiên tính của Chúa Giêsu. Ngài đã bị nhóm người này truất phế 3 lần và đày đi khỏi Giê-ru-sa-lem. Nhưng nhờ kiên trì bền chí, thánh nhân cũng thắng họ và trở về làm Giám mục như trước.Năm 381, thánh nhân đi Công-tăn-ti-nô-pô-li tham dự Công đồng chung, và qua đời năm 386.

* Quyết tâm: Năng làm dấu thánh giá để xua trừ ma quỉ, tôn kính chúa Ba Ngôi và tưởng niệm Chúa chịu nạn chịu chết vì thương tôi, theo lời thánh Sy-ri-lô dạy.

* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh Giám mục Sy-ri-lô để giúp Hội thánh hiểu sâu hơn các mầu nhiệm của ơn cứu độ. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu mà ban cho chúng con ơn hiểu biết Chúa Giêsu Kitô, Con Một Chúa, để được sống và sống dồi dào.

Ngày 19 tháng 3
THÁNH GIUSE BẠN ĐỨC TRINH NỮ MARIA

Thánh Giuse thuộc dòng tộc Đa-vít. Mọi người tin rằng thánh nhân được Chúa thánh hóa trước khi sinh ra, vì Người đã chọn thánh nhân làm cha nuôi của Chúa Giêsu. Như lời thánh Ba-na-đi-nô thành Xi-ê-na xác quyết: Đây là định luật tổng quát trong việc thông ban các ơn đặc biệt cho một tạo vật hữu lý: bao giờ ơn Chúa muốn tuyển chọn ai để nhận lãnh một hồng ân đặc biệt hay một chức phận cao sang, thì Chúa ban những ân sãng cần thiết cho nhân vật được tuyển chọn ấy và cho chức vụ ấy, Và ân sũng tô điểm rất đầy đủ cho con người ấy. 

Điều đó rất đúng với thánh Giuse, Đấng được coi là cha của Đức Giêsu Kitô và là Bạn trăm năm đích thực của Nữ Vương thế giới, Nữ Chúa của các thiên thần. Từ muôn đời, thánh Giuse được Thiên Chúa Cha chọn làm dưỡng phụ và làm giám hộ trung tín cho các kho tàng chính yếu của Người, Đó là Con Thiên Chúa và Hiền thê của thánh nhân.

Phúc Âm rất ít nói về ngài, chỉ cho biết ngài là "Người công chính " , là người thánh. Các thánh tiến sĩ đều công nhận ngài là cao trọng hơn hết các thánh. Cũng như Đức Mẹ, ngài đã khấn giữ mình đồng trinh. Và ngài đã sống đồng trinh trọn hảo cho đến chết. Theo thánh Giê-rô-ni-mô, thánh Giuse kết hôn với Đức Maria là để gìn giữ danh gì cho Đức Trinh nữ trước mặt thế gian. Và Chúa muốn giữ kín việc Truyền tin cho Đức Mẹ đối với thánh Giuse cho đến ngày thánh nhân buồn sầu định trốn đi, là để cho chúng ta thấy rõ lòng trinh sạch khiết của các ngài. Nên khi nghe sứ thần bảo:- Này Giuse, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria là vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần . ( Mt.1,20),Thánh nhân đã sẵn sàng rước Đức Maria về, Và từ đó, ngài càng kính nể, quý mến bạn mình, vì ngài đã biết việc Thiên Chúa thực hiện nơi Maria, và vì bà sẽ sinh Đấng Cứu thế muôn dân mong đợi.Điều đó chứng tỏ thánh nhân là người công chính, thánh thiện; luôn luôn tuân hành theo ý Chúa, hoàn toàn tin tưởng phó thác nơi Chúa.Đức tuân phục tín thác của ngài càng sáng tỏ hơn trong những ngày đưa Đức Maria về Bê-lem, theo lệnh kiểm tra dân số của nhà vua.- Ông Giuse từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem, miền Giu-đê là thánh vua Đa-vít, vì ông thuộc về gia tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Maria, lúc đó đang có thai (Lc.2,4-5).Đức tuân phục của thánh nhân còn tỏ rõ trong cuộc bồng bế Chúa Hài Nhi và Mẹ Maria trốn sang Ai-cập, vì bạo vương Hê-rô-đê đang tòm giết Con Trẻ.- Sứ thần hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng:Này ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho tới khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy.Ông liền chỗi dậy, và đang đêm đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập. (Mt.2,13-14).Và đức vâng lời của thánh nhân còn tuyệt hảo hơn nữa khi sứ thần hiện đến bảo đem Con Trẻ và Mẹ Người trở lại Na-da-rét. Thánh nhân cũng sẵn sàng làm theo ý Chúa. Thật đúng thánh Giuse là gương mẫu tuân hành thánh ý.Ở Na-da-rét, thánh nhân luôn sống ẩn dật, âm thầm lo lắng cho Đức Maria và nuôi chăm sóc Chúa Hài Nhi. Lúc nào ngài cũng tỏ ra là người bạn trung thành của Đức Mẹ, là người cha nuôi ân cần gìn giữ Chúa Giêsu. Phải chăng người muốn nêu gương cho những người làm chồng, làm cha trong gia đình?Thánh nhân sống bao lâu, chúng ta không được biết. Nhưng theo thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, ngài phải qua đời trước ngày Chúa Giêsu chịu khổ nạn và chịu chết, vì nếu không phải như thế thì Chúa Giêsu đã chẳng trối Đức Mẹ cho thánh Gioan.Và cũng theo thánh Phan-xi-cô, thánh Giuse phải được về trời hưởng phước với Chúa Giêsu và Đức Mẹ, vì công đức của ngài xứng đáng được ân thưởng như thế.Chính Đức Giáo Hoáng Piô XI đã chọn thánh Giuse làm Quan Thầy Bàu cử toàn thể Hội thánh. Và hết mọi Kitô hữu đều kêu cầu ngài là đấng phù trợ cho được chết lành.

Quyết tâm: Noi gương thánh Giuse, tôi luôn luôn làm theo ý Chúa muốn, và hằng ngày cầu xin cho những kẻ làm chồng, làm cha biết lo tròn bổn phận như thánh cả.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Đức Giêsu cho thánh cả Giuse, và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của thời kỳ cứu độ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, mà ban cho Hội thánh biết luôn luôn cộng tác với Chúa Giêsu, để hoàn tất chương trình Người đã khởi đầu.

Ngày 23 tháng 3
THÁNH TU-BI-RI-Ô MÔN-RÔ-VÊ-CÔ
Giám mục

Thánh Tu-bi-ri-ô sinh tại Lê-on, nước Tây Ban Nha,năm 1538. Là con của lãnh chúa Môn-rô-vê-cô, thuộc dòng tộc quý phái đạo đức.

Lớn lên, ngài đến học ở Sa-la-man-ca và Cô-im-ra. Ở đâu, ngài cũng chăm chỉ học hành và nêu gương lành gương tốt. Mặc dù còn trẻ tuổi, tuổi thanh xuân thường đua đòi, ngài lại sống khác, làm khác đồng bạn: ngài nhịn ăn để giúp đỡ kẻ nghèo, và luôn hãm mình đền tội thay cho các tội nhân. Ai ai cũng nghĩ rằng sau này ngài sẽ trở thành tông đồ mở mang nước Chúa.

Nhưng lúc đó, vua nước Tây-ban-nha ra lệnh động viên thanh niên đi lính. Ngài phải nhập ngũ tòng chinh vùng Ga-na-đa. Năm 1579, vua Philipphê thứ 2 cho ngài giải ngũ và đặt làm Giám mục giáo phận Li-ma, vì thời đó vua chúa có quyền chọn Giám mục. Ngài hết sức từ chối vì nhận thấy mình chỉ là giáo dân thiếu tài kém đức. Nhưng các lý lẽ gài đưa ra không được nhà vua chấp thuận, nên ngài phải lo chuẩn bị để thụ phong linh ục vào năm 1581.

Đây là thời thực dân, người ta bắt người da đỏ làm nô lệ như súc vật, hoặc có thể giết chết một cách dã man. Thánh Tu-ri-bi-ô đứng ra bênh vực họ, che chở họ, cứu họ khỏi nô lệ phần xác. Nhất là đem đến cho họ hạnh phúc phần hồn là đạo thánh Chúa, là ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu. Hằng ngày, thánh nhân phải tranh đấu với chính quyền đô hộ, bênh vực quyền lợi của người dân bản xứ, phục hồi nhân phẩm cho họ. Mở trường dạy chữ và xây cất nhà thờ để nâng cao trình độ văn hóa và phát triển việc thờ kình của họ. Thánh nhân thực hiện đúng nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Hội thánh theo đường lối Công đồng va-ti-ca-nô 2: " Trong khi thi hành nhiệm vụ người cha và chủ chăn, các giám mục hãy sống giữa dân mình như những người phục vụ, như những chủ chăn tốt biết chiên của mình và chiên cũng biết mình, như những người cha đích thực trỗi trang vì có lòng yêu thương, lo lắng cho hết mọi người, và mọi người tỏ lòng tri ân, tuân phục quyền hành Thiên Chúa đã ban cho các ngài"

Những người thực dân luôn chông đối ngài, tìm cách bách hại ngài, nhưng ngài vẫn can đảm kiên trì chu toàn trách nhiệm Thiên Chúa giao phó.

Giáo phận của ngài rất rộng lớn, gồm nhiều thành phố rải rác giữa hai dãy núi An-đơ. Nhưng ngài cũng cố gắng đi khắp địa phận, thăm viếng giảng dạy giáo dân, ban các Bí tích cho họ. Trong nhiệm kỳ giám mục của ngài, ngài đã đi kinh lý toàn thể giáo phận 3 lần. Mỗi lần phải mất 5 đến 7 năm trời.

Chính trong việc đi kinh lý lần sau hết, thánh nhân đã lâm bệnh và qua đời ngày 23 tháng 3 năm 1606.

Quyết tâm: Noi gương thánh Tu-ri-bi-ô, tôi nâng đỡ, bênh vực những người bị áp bức, bóc lột, và đem Chúa đến cho họ bằng lời cầu nguyện và việc hy sinh hãm mình hằng ngày.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Tu-ri-bi-ô giám mục được hăng say hoạt động tông đồ, và nhiệt thành rao giảng chân lý của Chúa, để mở mang nước Chúa. Xin cho dân Chúa ngày càng vững lòng tin, và ngày càng nên thánh. 

Ngày 25 tháng 3
LỄ TRUYỀN TIN

Việc truyền tin cho Đức trinh nữ Maria và cuộc nhập thể của Chúa Giêsu là một mầu nhiệm duy nhất. Từ hơn 4000 ngàn năm, loài người mong chờ Đấng Cứu Thế. Nay giờ đã đến, Đấng Cứu tinh nhân loại đã đầu thai trong lòng Đức Maria.

Để chuộc tội loài người xúc phạm đến Chúa, phải có công cuộc đền bồi của Chúa Con: Con Thiên Chúa bỏ trời, mặc lấy thân xác con người, trở nên con người để chuộc tội muôn người. Chính sứ thần Ga-bi-ri-e đã được Thiên Chúa sai đến đem tin vui mầng đó cho Đức Mẹ. Biến cố này diễn ra thầm kín giữa sứ thần và Mẹ Maria, đã mang đến cho toàn thể nhân loại một tin vui lớn lao trọng đại, vì từ nay, họ không còn phải sống trong tối tăm tội lỗi nữa. Lời hứa cứu độ đã được thực hiện nơi người Con đến để thi hành thánh ý Thiên Chúa, nơi người Mẹ sẵn sàng cộng tác theo lời sứ thần truyền:- Sừ thần vào nhà Trinh nữ và nói:Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sũng, Đức Chúa ở cùng Bà.Nghe lời đó, Bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói:Thưa Bà maria, xin đừng sợ, vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây, Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.Bà Maria thưa với sứ thần:-Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng.Sứ thần đáp:-Thánh thần sẽ ngự xuống trên Bà. Và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên Bà. Vì thế, Người Con sinh ra sẽ là Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa.Bấy giờ, Maria nói:-Vâng, tôi đêy là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói . (Lc.1,28-38).

Với hai tiếng " xin vâng " của Đức Mẹ, Ngôi Hai đã nhập thể. Thiên Chúa đã làm người để cứu chuộc con người, Thời cứu độ đã đến. Ơn cứu độ được ban phát cho loài người. " Thấp hèn đã được cao cả lãnh lấy, yếu đuối được sức mạnh đón nhận và tử tất được vĩnh cửu tiếp nhận. Để trả nó cho loài người chúng ta, bản tính bất toại đã liên kết với bản tính khả thụ, khiến ". Vị Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, tức con người Giêsu Kitô vừa có thể chết theo bản tính loài người, vừa không thể chết theo bản tính Thiên Chúa, làm cho việc cứu chữa chúng ta hoàn toàn thích hợp.

*Quyết tâm: Noi gương Đức Mẹ, tôi sẵn sàng cộng tác với Chúa trong việc cứu rỗi linh hồn anh chị em đồng bào, đồng loại bằng sự vâng lời, bằng lời cầu nguyện và sự hy sinh hãm mình hằng ngày.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ngôi Lời của Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh nữ Maria để cứu độ loài người. Nay chúng con tuyên xưng Đấng Cứu độ là Thiên Chúa thật và là người thật. Xin cho chúng con cũng được thông phần bản tính Thiên Chúa của Người.

1762    09-03-2011 08:37:12