Sidebar

Chúa Nhật

10.11.2024

Hạnh Thánh Tháng 4_phần 2

Ngày 11 tháng 4 
THÁNH TA-NÍT-LAO
Giám mục tử đạo

Thánh Ta-nít-lao sinh năm 1030, nước Ba-lan, lúc cha mẹ đã cao niên. Hai ông bà chung sống từ lâu mà không có con nối dòng, nên hằng ngày cầu khẩn kêu xin Chúa. Và Chúa nhậm lời, cho hai ông bà sinh được đứa con trai, đặt tên là Ta-nít-lao.

Chúa Quan phòng định cho Ta-nít-lao sau này làm chứng cho Chúa, nên đã ban cho thánh nhân nhiều nhân đức đặc biệt nhất là đức bác ái yêu thương và hy sinh hãm mình.

Ngay từ lúc nhỏ, thánh nhân rất thương yêu kẻ nghèo, người khổ và hằng ngày ăn chay hãm mình. Ngài luôn luôn mặc áo nhậm và nằm ngủ dưới đất ngay cả những lúc trời lạnh, có được bao nhiêu tiền, ngài cũng bố thí cho người nghèo.

Sau khi cha mẹ mất, thánh nhân bán hết gia tài phân phát cho người nghèo, xin vào nhà dòng tập rèn nhân đức, sống đời khổ hạnh. Năm 1062, Đức Giám mục Lam-pe đã phong chức linh mục cho ngài và đặt làm kinh sĩ nhà thờ chánh tòa giáo phận Ga-cô-vi.

Từ đó, thành nhân càng ra sức sống đạo đức thánh thiện và thực thi bác ái. Ngài lập danh sách tất cả những người nghèo trong thành và ra lệnh cho các người trong nhà sẵn sàng giúp đỡ họ. Ngoài ra, ngài còn nổi tiếng về tài giảng thuyết. Lời ngài giảng dạy đánh động tận tâm hồn, làm cho mọi người cháy lửa yêu mến Chúa và yêu thương người.

Với tài đức đó, ngài được chọn làm Giám mục cai quản giáo phận Ga-cô-vi.

Lúc đó, vua Bô-lết-lát 2 cai trị Ba-lan. Ông ta rất độc ác dâm dật. Mọi người đều oán trách, nhưng vì sợ nên không ai dám can ngă. Thánh nhân thấy dân chúng than van khổ sở quá thì đến khuyên lơn ông ta. Nhưng thay vì nghe lời ngài, ông ta trở lại thù ghét ngài. Và ngày 11 tháng 4 năm 1079, chính ông ta đã chém đầu ngài trong lúc ngài đang dâng thánh lễ.

Vì bênh vực công bình, vì can đảm chống lại sự dữ sự ác, thánh nhân đã phải chết đau đớn. Muốn noi gương ngài ngăn chặn mọi bất công và sự dữ trong xã hội, chúng ta phải làm theo lời thánh Phaolo:"Ngang lưng phải thắt đai sự thật, mình mặc áo công chính, chân mang giày lòng hăng hái rao giảng Tin Mừng bình an, luôn luôn giương lên khiên mộc đức tin. Nhờ đó, anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của kẻ dữ. Hãy đội lấy mũ chiến cứu rỗi và gươm thần khí, tức là Lời Thiên Chúa."

Thánh Ta-nít-lao đã mang những võ khí đó, đã mặc áo giáp thiêng liêng bởi trời đó, để có thể chống lại sức tấn công của kẻ độc ác trụy lạc.

Và năm 1253, thánh nhân đã được Đức Giáo Hoàng In-nô-xen-tê thứ 4 tôn phong Hiển thánh.
Quyết tâm: Tôi quyết sống đời bác ái hy sinh và can đảm chống lại mọi sự dữ, sự ác để làm chứng cho Chúatheo gương thánh Ta-ít-lao.

Lời nguyện: Lạy Chúa, để làm vinh danh Chúa, thánh Giám mục Ta-nít-lao đã ngã gục dưới lưỡi gươm những kẻ giết hại mình. Xin cho chúng con cũng được một niềm tin vững mạnh, giúp chúng con trung thành với Chúa suốt cuộc đời chúng con.

Ngày 13 tháng 4 
THÁNH MÁT-TI-NÔ I
Giáo hoàng tử đạo

Thánh Mát-ti-nô sinh tại Tốt-ca, nước Ý, rất nổi tiếng về sự không ngoan và thánh thiện.

Sau khi Đức Giáo Hoàng Tê-ô0đô qua đời, thánh nhân được chọn lên ngôi kế vị năm 649. Nghe tin ngài làm Giáo hoàng, toàn thể giáo sĩ, giáo dân đều vui mừng phấn khởi, vì ngài đáp ứng đúng nguyện vọng của họ. Họ mong đợi một vị chủ chăn vừa khôn ngoan sáng suốt vừa đạo đức thánh thiện để cứu vãn Hội thánh đang gặp cơn nguy biến. Người ta nhận thấy nơi ngài có đủ những yếu tố đó. Ngài kính mến Chúa thiết tha và thương yêu người thật lòng. Ngài học cao hiểu rộng và thông minh sáng suốt.

Việc ngài lo lắng hơn hết và trước hết, đó là gìn giữ đức tin chân chính cho toàn thể Giáo hội, vì lúc đó lạc giáo Nhất Ý Thuyết lan tràn khắp nơi trong địa hạt Rô-ma.. Thuyết chủ trương nơi Chúa Giêsu chỉ có một ý chí. Đó là ý chí thiên linh. Họ chối bỏ ý chí nhân loại của Người. Như thế, nhân tính của Thiên Chúa bị tiêu hủy, và cuộc nhập thể của Người kể như là một việc không có thật, hoặc là Ngôi hai Thiên Chúa chỉ mượn thân xác loài người để chịu nạn chịu chết chứ không trở thành người thật.

Để chứng minh điều họ dạy là sai lạc và để giúp họ trở lại với đức tin chân thật, thánh nhân đã triệu tập công đồng chung La-tê-ra-nô. Công đồng đã kết án lạc thuyết của họ. Và đó là cớ làm cho thánh nhân bị bắt bớ bách hại.

Số là hoàng đế Công-tăng-tin thứ 2 lúc đó theo phe lạc giáo; ông ta nghe tin Công đồng kết án thì tức giận, ra lệnh bắt thánh nhân giải về Công-tăng-ti-nốp. Mượn lẽ rằng ngài đồng lõa với nhóm người phản loạn. Ngày 17 tháng 9 năm 653, người ta dẫn ngài về tới Công-tăng-ti-nốp. Nhưng vì bị hành hạ dã man trên đường đi, nên khi đến nơi thì ngài đã kiệt sức; quân lực phải điệu ngài vào tù. Và thánh nhân bị giam khổ nhọc trong tù cho đến ngày 20 tháng 12 mới đem ra xét xử. Trong lúc bị giam cầm khổ sở, ngài luôn nhớ đến giáo sĩ và đoàn chiên. Nhất là vì thấy họ lo buồn thương xót ngài, ngài viết thư an ủi họ:" chúng tôi vẫn ao ước có thể viết thư cho anh em để an ủi lòng tốt của anh em. Và để anh em đỡ lo lắng về chúng tôi vì chắc chúng tôi đã gây nhiều lo lắng cho anh em cũng như cho mọi tín hữu của anh em, những người đã vì Chúa mà lo cho chúng tôi. Vậy, nay tôi viết thư cho anh em để an em biết nỗi lòng thao thcứ của chúng tôi. Nhân danh Đức Kitô, Chúa chúng ta, tôi sẽ nói rõ hết sự thật.

Quả thật, chúng tôi được xa lánh mọi sự huyên náo thế lực và được khỏi mọi tội lỗi. Nhưng này, chúng tôi thiếu điều thiết yếu của cuộc sống. Dẫu ở đây toàn là người ngoại, là những người chúng tôi gặp ở đây hoàn toàn sống theo phong tục dân ngoại.. Họ không có chút xíu lòng bác ái thương yêu nào, trong khi cả người man rợ, bản tính nhân loại cũng còn tỏ ra biết thương xót...

Còn về thân xác hèn hạ của tôi đây thì đã có Chúa săn sóc. Người sẽ sắp đặt theo ý Người, hoặc cứ để cho nó chịu khổ mãi hoặc cho nó được dễ chịu hơn.Chúa đã gần đến, tôi còn lo chi?. Tôi tin tưởng vào lòng thương xót của Người. Tôi tin rằng Người không trì hoãn kết thúc cuộc đời tôi theo ý Người.

Vậy, nhân danh Chúa, anh em hãy chào hỏi mọi người trong anh em và mọi người vì lòng mến Chúa, đã cảm thông với cảnh tù tội của tôi. Xin Thiên Chúa dùng bàn tay quyền năng của Người bảo vệ anh em khỏi mọi cám dỗ và cứu đưa anh em vào trong nước Người." 1

Đúng thật thánh nhân là một Vị Mục tử nhân lành, luôn tin tưởng phó thác vào Chúa, sẵn sàng chịu gian lao đau khổ vì Chúa và vì đoàn chiên Chúa phú giao.

Trong một phiên tòa giả tạo, ngài đã bị truất ngôi giáo hoàng và bị kết án tử hình. Nhưng hoàng đế Công-tăn-tin đã ra lệnh đổi lại án lưu đày chung thân ở Ky-mê. Và thánh nhân đã qua đời tại đó ngày 13 tháng 4 năm 655.

Quyết tâm: Noi gương thánh Mát-ti-nô, tôi sẵn sàng chịu mọi gian nan khốn khó để gìn giữ và bảo vệ đức tin chân thật của Chúa Kitô.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho thánh Giáo hoàng Mát-ti-nô tử đạo được can đảm không lùi bước trước lời đe dọa, cũng chẳng nao núng khi chịu cực hình. Xin cho chúng con được kiên cường bất khuất để đương đầu với nghịch cảnh trong cuộc sống trần gian.

Ngày 21 tháng 4 
THÁNH AN-XEN-MÔ 
Giám mục tiến sĩ

Thánh An-xen-mô sinh năm 1034, tại A-ốt, nước Ý. Lúc còn nhỏ đã được bà mẹ đạo đức dạy cho biết kính mến Chúa và tôn sùng Đức Mẹ. Nhưng năm lên 15 tuổi thì mẹ mất, thánh nhân sống với người cha nguội lạnh bê tha, nên bị lây nhiễm theo thói thế gian.

Nhờ ơn Chúa giúp, thánh nhân sớm nhận biết mọi sự ở đời thật chóng qua nên trốn cha sang Pháp; xin vào học tại tu viện Béc ở Nọt-măn-đi. Một hôm, ngài xin gặp thầy dạy là tu viện trưởng Lăn-phăng và hỏi:

Thưa thầy, sau nhiều ngày cầu nguyện và suy nghĩ, con thấy có ba đường con phải theo: hoặc là con sẽ làm tu sĩ ở đây, hoặc con sẽ thành ẩn sĩ hay sống giữa thế gian, phân phát cho người nghèo tài sản cha con để lại. Xin thầy dạy cho con biết con nên theo đường nào?... Vị tu viện trưởng trả lời;

Con nên làm tu sĩ.

Thế là thánh nhân gia nhập nhà dòng lúc ngài 27 tuổi. Và khi Đức Viện phụ Lăn-phăng được chọn làm Tổng Giám mục Căn-tẹt-bu-ry thì ngài được bầu lên thay thế, vì ngài học cao hiểu rộng và sống thánh thiện đạo đức. Nhân đức và tài trí của ngài phát triển theo các chức vụ ngài lãnh nhận. Nhưng ngài luôn luôn tự xưng mình là bất tài bất xứng. Lúc nào, ngài cũng lo chu toàn trách nhiệm Chúa phú giao. Ngoài ra, ngài còn cầu nguyện, đọc kinh thánh và viết sách dẫn đàng thiêng liêng. Chúng ta đọc một đoạn ngài viết thì sẽ thấy rõ lòng sốt mến của ngài:" hồn tôi hỡi, ngươi đã thấy điều ngươi tìm chưa?. Ngươi tìm Thiên Chúa và ngươi đã thấy Người là hữu thể cao cả, và chẳng có thể nghĩ tưởng gì tốt hơn Người. Người là chính sự sống, sự sáng, sự khôn ngoan, sự tốt lành, là hạnh phúc đời đời, là sự đời đời hạnh phúc; Người ở mọi nơi và hằng hữu..."

Lạy Chúa, con cầu xin Chúa cho con được biết Chúa, được yêu Chúa để con được vui mầng vì Chúa. Và nếu như con không thể đạt được hoàn toàn ở đời này,thì xin cho con mỗi ngày một tiến bộ, để có ngày đạt được hoàn toàn. Ngày nay, xin cho con được biết Chúa thêm để sau này con được biết Chúa hoàn toàn. Ngày nay, xin cho con được thêm lòng mến Chúa để ngày sau con được mến Chúa hoàn toàn; để ngày nay, sự vui mầng của con được lớn trong niềm hy vọng, ngày sau nóđược viên mãn trong hiện thực....Ước gì từ nay, linh hồn con suy niệm, miệng lưỡi con nói lên điều đó! Ước gì lòng con yêu mến; miệng con phát ngôn; linh hồn con đói; xác thịt con khát; và tất cả bản thân con ao ước điều đó cho đến khi con được vào trong sự vui mầng của chủ con là Thiên Chúa Ba Ngôi, độc nhất, đáng chúc tụng đến muôn đời." 1

Thánh nhân qua đời ngày 21 tháng 4 năm 1109, tại Căn-bẹt-bu-ry, nước Anh.

Quyết tâm: Hằng ngày, tôi lo học biết Chúa nhiều hơn, để tin kính và yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn, theo gương thánh Giám mục An-xen-mô

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Giám mục An-xen-mô được ơn tìm hiểu và giảng dạy lẽ khôn ngoan siêu việt của Chúa. Xin ban ơn đức tin, để soi sáng trí tuệ chúng con. Nhờ đó, tâm hồn chúng con sẽ say mê những điều Chúa muốn mạc khải.

Ngày 23 tháng 4 
THÁNH GIỌT-GI-Ô
Tử đạo

Thánh Giọt-gi-ô sinh tại Lít-đa, xứ Pa-lết-tin năm 280. Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã được cha mẹ giáo dục đạo đức và can đảm.

Lớn lên, ngài theo cha vào quân đội. Chẳng bao lâu, nhờ sức khỏe, tài năng và lòng can đảm nhiệt thành, ngài được thăng cấp sĩ quan: chỉ huy đoàn vệ binh hoàng gia.

Lúc hoàng đế Đi-ô-lê-tiêu ra chiếu chỉ cấm đạo, thánh nhân bị bắt cúng với nhiều người khác. Trước mặt hoáng đế, ngài mạnh mẽ tuyên xưng lòng tin Chúa và can đảm chỉ trích nhà vua lầm lạc; thờ lạy bụt thần ma quỷ là những vật không đáng tôn thờ. Nhà vua nổi giận quát mắng ngài, hăm dọa sẽ cách chức và giết ngài nếu ngài không chịu chối Chúa bỏ đạo. Sở dĩ ông ta cón nới tay với ngài, vì ngài là một sĩ quan tài đức gương mẫu trong triều đình.

Lợi dụng thời gian còn được tự do, thánh nhân bán hết gia tài phân phát cho người nghèo, phóng thích nô lệ, chuẩn bị tâm hồn.

Ít lâu sau, nhà vua truyền gọi ngài vào, tìm đủ cách dụ dỗ ngài. Nhưng ngài thẳng thắn trả lời:

Tôi là người tin theo Chúa. Tôi không ham thích gì ở đời này. Tôi chỉ mong được phần phúc đời đời.

Thế là thánh nhân bị đem đi hành hình. Người ta cột ngài vào bánh xe, cho ngựa kéo chạy lăn lóc ngoài đường. Da thịt rách nát, máu chảy đầm đìa!....Sau đó, người ta bỏ ngài vào ngục.

Tương truyền, khi ngài bị bỏ vào ngục. Chúa đã chữa ngài lành mạnh và hứa sẽ trợ giúp để ngài chiến thắng ma quỷ.

Sáng hôm sau, nhà vua truyền dẫn ngài ra. Và ông ta hết sức ngạc nhiên khi thấy thân thể ngài lành lặn như trước và chịu đến đền thờ các vị thần. Lòng ông ta tràn ngập vui mừng, hy vọng sẽ cảm hó được ngài. Thế nên, ông ta bảo dân chúng tụ họp đến đền thờ. Và chính ông ta cũng đích thân đén đó.

Thánh nhân đến trước tượng thần A-pô-lô và hỏi:

Ngươi có phải là Thiên Chúa để chúng tôi thờ không?

Tương truyền thật lạ lùng, tượng thần lên tiếng:

Không, tôi không phải là Thiên Chúa. Chỉ có Đấng ông thờ là Thiên Chúa thật.

Và thánh nhân làm dấu thánh giá, tượng thần liền bể vỡ tan tành...

Dân chúng thấy vậy thì tin theo Chúa; còn vua Đi-ô-lê-tiêu thì xấu hổ tức giận, ra lệnh chém đầu thánh nhân. Đó là ngày 23 tháng 4 năm 303. Thánh Giám mục Phêrô Đa-mi-a-nô đã hết lời ngợi khen lòng nhiệt thành và can đảm của thánh nhân:

" Rõ ràng là thánh Giọt-gi-ô đã bỏ đạo quân này để đi sang đạo quân kia. Từ chức vụ một sĩ quan trong đạo quân ở dưới đất, ngài đã đổi nghề bước sang đạo quân của Kitô giáo. Rồi như một quân nhân can trường, trước tiên ngài đã phân phát của cải cho dân nghèo. Quẳng gánh nặng vật chất trần ai đi để được tự do và hành trang nhẹ nhàng. Rồi ngài mặc lấy áo giáp đức tin, nhiệt thành đi thẳng vào trận địa, trở thành chiến sĩ của Đức Kitô. Những lời vừa nói rõ rệt dạy chúng ta rằng không thể chiến đấu mạnh mẽ và thích đáng để bảo vệ đức tin, nếu còn sợ trút bỏ của cải thế gian.

Thánh Giọt-gi-ô quả thật đã được lửa Thánh Thần thiêu đốt và đã được cờ thánh giá hộ mạng cho một cách vô địch, đã giao chiến với vị hoàng đế độc ác kia. Can trường đến nổi, khi thấy được tân bộ binh kia là thắng được tướng các con người độc dữ. Và khích động được tinh thần các chiến sĩ của Đức Kitô để chiến đấu mạnh mẽ.

Vị Trọng tài cao cả và vô hình vẫn hiện diện. Theo như ý Người sắp đặt, lúc này Người để cho banø tay lũ sát nhân tung hoành; và cho dù Người có nộp chi thể của vị tử đạo của Người vào tay bọn sát nhân. Người vẫn luôn luôn gìn giữ kỹ lưỡng linh hồn tựa vào thành trì đức tin kiên cố." 1

Dốc lòng: Tôi can đảm làm chứng cho Chúa, bằng lời nói, việc làm và đời sống đạo đức, yêu thương bác ái hằng ngày theo gương thánh Giọt-gi-ô tử đạo.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Giọt-gi-ô tử đạo được kết hợp với Đức Kitô trong mầu nhiệm thương khó. Chúng con ca ngợi quyền năng Chúa, và tha thiết nài xin cho chúng con là những kẻ yếu hèn được trở nên chứng nhân dũng cảm.

Ngày 24 tháng 4 
THÁNH PHI-ĐÊ-LÊ SÍT-MA-RIN-GEN 
Linh mục tử đạo

Thánh Phi-đê-lê sinh năm 1577, tại Sít-ma-rin-gen, nước Đức.

Lớn lên, thánh nhân học hành xuất sắc. Thi đậu tiến sĩ triết học; được mọi người gọi là triết gia Kitô giáo. Ngài được mời dạy cho các ông hoàng là hạng quý phái giàu sang ở Aâu Châu. Lợi dụng thời gian này, ngài chu du khắp nơi. Nhất là đi tham quan các đại thánh đường và bảo tàng viện.

Sau cuộc viễn du, thánh nhân trở lại học luật. Và khi đã đậu bằng tiến sĩ luật, ngài lập văn phòng luật sư ở Côn-ma, nước Pháp.

Nhưng sau nhiều năm lăn lộn giữa đời, thành nhân nhận thấy đời toàn xảo trá điêu ngoa. Ngài chán ngán cuộc đời. Đây là dịp may để ngài dứt khoát theo Chúa. Và sau nhiều ngày cầu nguyện, ngài đã đến gõ cửa Dòng thánh Phan-xi-cô.

Năm 1612, thánh nhân thụ phong linh mục và sống đời bác ái, nhiệt thành bênh vực đức tin. Đức Giáo Hoàng Biển đức XIV đã hết lời ca tụng ngài:

" Thánh nhân đã mở rộng lòng bác ái quảng đại bằng việc nâng đỡ và trợ giúp tha nhân về phần xác; ôm ấp những người gặp khốn khó vào lòng như người cha, và nuôi nấng vô số kẻ nghèo bằng của bố thí xin được từ khắp nơi. Ngài săn sóc giúp đỡ cô nhi quả phụ bằng phươngtiện thu góp được của các ông hoàng và các nhà quyền thế. Ngài không ngừng ra sức giúp đỡ tinh thần và thể xác cho những kẻ bị cầm tù. Ngài chăm chỉ thăm viếng bệnh nhân. Làm cho họ vui, và sau khi giao hòa họ về với Chúa, ngài làm cho họ mạnh mẽ để chiến đấu lần cuối cùng.

Nhưng trong loại hành động ấy, không khi nào ngài gặt hái được nhiều công phúc như khi quân đội nước Áo đến trấn đóng ở Gơ-ri-xong, hầu hết bị bệnh dịch, đưa thân ra làm mồi cho thảm thương, cho bệnh tật và tử thần.

Cùng với lòng bác ái ấy, Phi-đê-lê còn là người trung tín. Tên ngài thế nào thì đời sống ngài thế ấy. Ngài xuất sắc trong vấn đề nhiệt thành bênh vực đức tin công giáo; ngài rao giảng đức tin ấy không biết mệt. Và ít ngày trước khi đổ máu làm chứng trong bài giảng cuối cùng, ngài đã dùng những lời lẽ như sau mà để lại như một di chúc: * Ôi đức tin công giáo, ngươi chắc chắn vững vàng àm sao ! Ngươi sâu xa, được xây trên đá vững vàng chắc chắn như thế nào ! Trời đất sẽ qua đi, nhưng ngươi sẽ chẳng bao giờ có thể mất được.Ngay từ đầu, cả thế giới đã chống lại ngươi, nhưng ngươi đã toàn thắng tất cả một cách oanh liệt...

Cài gì đã khiến các thánh tông đồ và tử đạo chịu đựng những chiến đấu cam go và các khổ hình độc ác, nếu không phải là đức tin vào sự sống lại ! Cài gì làm cho các nhà ẩn tu biết khinh chê lạc thú, coi thường danh vọng, chà đạp của cải để sống cuộc đời ẩn dật trong rừng vắng, nếu không phải là đức tin sống động?

Ngày nay, cài gì đã làm cho các kitô hữu chân chính từ bỏ tiện nghi, từ chối những sự dễ dàng, cam chịu vất vả lam lũ ? Chính là đức tin sống động, đức tin hành động nhờ đức ái. Chính nó khiến người ta biết bỏ những của cải đời này để trông đợi được những sự lành đời sau." 1

Nhưng công trạng lớn nhất của thánh nhân là rao giảng kêu gọi những người theo phái Tin lành Cal-vi-nô trở lại đức tin chân chính.

Lúc ngài đang giúp việc ở Bộ Truyền bá Đức tin, Đức Giáo Hoàng đã sai ngài đến Thụy Sĩ, khuyên bảo những người theo Lạc giáo Cal-vi-nô trở lại với Công giáo. Thánh nhân vâng lời lên đường, nhưng lòng vẫn nghĩ là không có ngày trở về, vì chắc chắn sẽ gặp chống đối thất bại.

Đúng như thánh nhân tiên đoán. Đang lúc ngài giảng dạy ở trong nhà thờ Sê-vít, thì một nhóm người thệ phản quá khích đã xông vào đánh đập và dùng dao găm đâm ngài ngã gục, vào ngày 24 tháng 4 năm 1622.

Quyết tâm: Noi gương thánh Phi-đê-lê, tôi sống bác ái yêu thương, và sẵn sàng hy sinh giúp đỡ những người lầm lạc trở về với Chúa, dù có phải gian lao đau khổ cũng vui lòng chấp nhận.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Phi-đê-lê lòng nhiệt thành yêu mến Chúa, và được phúc tử đạo đang khi người truyền bá đức tin.Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin ban cho chúng con một đức ái mãnh liệt, để cùng người, chúng con được nghiệm thấy quyền năng của Đức Kitô phục sinh.

1538    09-03-2011 08:30:34