Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Hạnh Thánh Tháng 5_phần 2

Ngày 12 tháng 5 
THÁNH NÊ-RÊ-Ô VÀ A-KI-LÊ-Ô
Tử đạo

Gương thánh nhân: Hai thánh Nê-rê-ô và A-ki-lê-ô là binh sĩ phục vụ công chúa Đô-mi-tin-la, cháu hoàng đế Dô-mi-xi-en. Chính thánh Phêrô đã ban Bí tích Rửa tội cho các ngài và gia đình công chúa. Lòng đạo đức và trung thành của các ngài làm cho công chúa quý mến tín cẩn.

Một hôm, đang lúc công chúa Đô-mi-tin-la trau dồi nhan sắc để ra mắt bá tước Au-rê-li-en, người sắp cưới cô, các ngài trách khéo cô:

  • Nhân đức và đạo cô tin theo cho cô xứng đáng với Vua trên hết các vua. Thế mà cô lại nhận một người phàm trần như thế sao? Hãy từ bỏ hạnh phúc ở đời, để được vinh hiển trên trời.

Những lời chân thành đó đã tỉnh thức Đô-mi-tin-la. Cô từ chối cuộc hôn nhân và quyết hiến thân cho Chúa.

Bá tước Au-rê-li-en tức giận. Ông ta bắt giam Nê-rê-ô và A-ki-lê-ô, và hành hạ đánh đập vô củng dã man. Các ngài dâng sự đau khổ cho Chúa, không than van trách móc điều gì để thông phần vào sự thương khó của Đức Kitô trong cuộc cứu độ của Người, như lời thánh tông đồ Phaolô nói: Trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu. Và như lời thánh Giám mục Âu-tinh: "Bạn chỉ chịu khổ trong mức độ các nỗi quẫn bách của bạn phải góp phần vào nỗi khổ nạn chung của Đức Kitô mà thôi. Người phải chịu đau khổ cả nơi đầu của ta và cả nơi các chi thể của Người, tức là nơi chúng ta nữa."

Sau cùng, Au-rê-li-en ra lệnh chém đầu các ngài. Xác các ngài được chôn gần Rô-ma. Và nơi đây được xây dựng thành đường để kính hai thánh nhân. Hiện nay, khách hành hương Rô-ma thường đến kính viếng phần mộ các ngài.

Hôm nay cũng mừng kính thánh Păng-ra-xi-ô tử đạo. Thánh nhân sinh tại Phy-gi-a, trong một gia đình quý tộc. Cha mất sớm, ngài sống với người cậu tên Đơ-ni. Ngài theo cậu đến lập nghiệp ở Rô-ma. Nơi đây, ngài đã theo đạo và được rửa tội lúc 14 tuổi.

Dưới triều hoàng đế Đi-ô-lê-xi-en bắt đạo, thánh nhân bị bắt và bị buộc phải dâng hương tế thần. Nhưng ngài cương quyết từ chối vì trung thành với Chúa, nên bị chém đầu vào năm 304.

Quyết tâm: Noi gương các thánh Nê-rê-ô, A-ki-lê-ô và Păng ra-xi-ô, tôi sẵn sàng chịu mọi sự gian nan khốn khó vì Chúa, để làm chứng cho Chúa và để cứu rỗi linh hồn tôi và mọi người.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, hôm nay chúng con mừng hai thánh Nê-rê-ô và A-ki-lê-ô tử đạo đã anh dũng tuyên xưng đức tin.Xin cho chúng con được các ngài bênh vực, chở che trước tòa Chúa.

Lạy Chúa, xin cho Hội thánh Chúa được vui mừng trong ngày kính nhớ thánh Păng-ra-xi-ô tử đạo.Xin nghe lời chuyển cầu của thánh nhân mà cho Hội thánh được bính an thư thái, để hăng say phục vụ Tin Mừng.

Ngày 14 tháng 5 
THÁNH MÁT-THI-A
Tông đồ

Gương thánh nhân: Thánh Mát-thi-a là một trong số các môn đệ của Chúa Giêsu. Sau khi Giu-đa Ít-ca-ri-ốt nộp Chúa và tự tử, 11 thánh tông đồ cùng với các trưởng lão hội họp để chọn người thay thế:

"Trong những ngày ấy, Phê-rô đứng giữa anh em (số người có mặt chừng một trăm hai mươi) mà nói rằng: "Thưa anh em, lời Thánh Kinh mà Thánh Thần nhờ miệng Đa-vít phán trước về Giu-đa, là kẻ dẫn đường cho bọn bắt Chúa Giêsu, cần phải được ứng nghiệm. Vì nó vốn thuộc trong số chúng ta, và đã được phần trong chức vụ này.(Tên đó lấy tiền công bất nghĩa mà mua một đám ruộng rồi nhào xuống, vỡ bụng, ruột đổ ra. Việc ấy, cả dân thành Giê-ru-sa-lem này đều biết, đến nỗi đám ruộng đó theo tiếng địa phương họ gọi là Hác-ên-đa-ma, nghĩa là Ruộng máu). Bởi sách Thánh Thi có chép rằng:

-" Nguyên nhà cửa nó ra hoang vu, Không còn ai ở đó nữa".

Lại rằng:

-" Nguyện kẻ khác lấy chức quản đốc của nó".

Vậy, trong những người đã từng cùng chúng ta theo Chúa Giêsu, kể từ ngày Gioan làm phép rửa cho đến ngày Ngài được rước lên khỏi chúng ta, cần phải có một người cùng chúng ta làm chứng về sự sống lại của Người". Các tông đồ liền đưa ra hai người, xin tỏ ra trong hai người này Chúa chọn ai để được dự phần chức vụ và nhiệm vụ sứ đồ mà Giu-đa đã lìa bỏ. "Đọan, họ bắt thăm, trúng nhằm Mát-thi-a; người được liệt vào mười một sứ đồ". ( TĐCV. 1, 15-26 )

Thánh Gioan kim khẩu giải thích việc tuyển chọn này như sau:

"Trong những ngày ấy, Phêrô đứng dậy giữa các môn đệ mà nói". Bao giờ ngài cũng lên tiếng trước, bởi vì ngài sốt sắng, đã được Đức Kitô ủy thác đoàn chiên, và bởi vì ngài đứng đầu cộng đoàn....Ngài để cho số đông quyết định. Đồng thời, ngài muốn ai được chọn thì được tôn kính và muốn tránh mọi sự ghen tuông (bất bình) có thể xảy ra, bởi vì các công việc lớn thường xảy ra sự dữ như vậy...

Rồi ngài lại nói: "Cho đến ngày lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có một người trở thành chứng nhân cùng với chúng tôi về cuộc Phục sinh của Người..." Ngài không nói làm chứng cho mọi sự khác, mà chỉ nói làm chứng cho sự sống lại mà thôi. Bởi vì người môn đệ sẽ đáng tin hơn, nếu có thể nói: Đấng đã ăn, đã uống, đã chết, chính Người đã phục sinh. Thế nên, người đó không cần làm chứng về lúc trước hay lúc sau, hay về các phép lạ, mà chỉ cần làm chứng về sự sống lại mà thôi.

Rồi tất cả cùng cầu nguyện: "Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người, xin Chúa chỉ cho thấy Chúa chọn ai trong hai người này...". Chúa, chứ không phải chúng ta. Và thật là lúc phải cầu khẩn Đấng thấu suốt lòng dạ, bởi vì chính Người phải lựa chọn chứ không phải họ." 1

Sau khi được chọn làm tông đồ, thánh Mát-thi-a đi giảng Tin Mừng ở Ê-ti-ô-pi. Thánh nhân đã đem nhiều người trở lại và chịu tử đạo tại đó, thời Nê-rông bách hại.

Quyết tâm: Tôi quyết theo Chúa, giúp việc Chúa suốt đời. Và sẵn lòng chịu bách hại vì Chúa, theo gương thánh Mát-thi-a tông đồ.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Mát-thi-a để bổ sung nhóm 12 tông đồ.Cúi xin Chúa nhận lời người cầu thay nguyện giúp, mà cho chúng con nay được hưởng tình yêu Chúa, thì mai sau cũng được kể vào sổ những người Chúa chọn.

Ngày 18 tháng 5 
THÁNH GIOAN THỨ NHẤT
Giáo Hoàng tử đạo

Gương thánh nhân: Thánh Gioan sinh tại Tút-xi. Sách sử không kể lại cho chúng ta điều gì về thời thơ ấu của thánh nhân. Chỉ cho chúng ta biết đời sống ngài từ khi lên ngôi giáo hoàng vào năm 532. Ngài đã chọn khẩu hiệu "Tất cả vì Danh Chúa". Và suốt cuộc đời, ngài thực hiện đúng theo lý tưởng đó.

Thánh nhân chỉ sống cho Chúa. Làm mọi việc cho Danh Chúa cả sáng. Đặc biệt, ngài có công hoàn thành Thánh nhạc bình ca mà các vị tiền nhiệm đã khởi xướng.

Lúc đó, hoàng đế Tê-ô-đô-ri thống trị nước Ý. Ông ta là người theo bè rối A-ri-ô (không nhận thiên tính của Chúa Giêsu). Nhưng cũng đối xử tốt với người Công giáo. Trong khi đó, vua Gút-ti-nô bên Tiểu Á đàn áp bè rối này dữ dội. Nên Tê-ô-đô-ri muốn cứu giúp họ. Ông ta bắt buộc thánh nhân cầm đầu phái đoàn đến thương thuyết với vụ Gút-ti-nô. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng rời khỏi nước Ý.

Khi thánh nhân đến, toàn dân và vua Gút-ti-nô hân hoan đón tiếp, và mời cử hành thánh lễ Phục sinh tại thánh đường thánh nữ Sô-phi-a.

Mặc dù thánh nhân phải tuân lệnh hoàng đế Tê-ô-đô-ri đến gặp vua Gút-ti-nô bên Tiểu Á, nhưng ngài không thể thỏa mãn ý muốn của hoàng đế được. Với cương vị một giáo hoàng, phải bảo vệ đức tin chân chính của Hội thánh, làm sao ngài có thể đứng ra ngăn cản vua Gút-ti-nô chống lại lạc giáo A-ri-ô, Những kẻ chối bỏ thiên tính của Đức Kitô; vì thà chịu khổ hình còn hơn phản bội sứ mệnh Chúa phú giao. Ngài quyết noi gương các thánh tông đồ, đặc biệt thánh Phaolô, chấp nhận tù đày, đòn vọt, chết chóc vì Chúa, để làm sáng danh Chúa. "Đó là đường lối mà Đức Kitô cùng các thánh của Người đã đi. Người gọi đó là con đường hẹp. Nhưng lại dẫn thẳng đến sự sống. Và Người đã dạy rằng: nếu muốn đến với Người, ta phải bước theo con đường Người đã đi. Vì không lẽ đang khi Con Thiên Chúa đi con đường nhục nhã thì con cái loài người lại tìm con đường vinh hoa..." 1

Thế nên, khi trở lại Rô-ma, ngài bị nhà vua bắt giam tại Ra-ven-na. Và thánh nhân đã qua đời tại đây ngày 18 thàng 5 năm 326.

Quyết tâm: Tôi vâng lời Chúa và hết lòng làm theo ý Chúa, hơn là vâng lời và làm theo người đời, theo gương thánh giáo hoàng Gioan hôm nay.

Lời nguyện: Lạy Chúa là Đấng thưởng công các tín hữu trung thành, Chúa đã thánh hiến ngày hôm nay bằng cái chết anh dũng của thánh Gioan giáo hoàng tử đạo.Xin nhậm lời chúng con nguyện cầu, mà ban cho chúng con kiên trì giữ vững đức tin, theo gương thánh nhân để lại.

Ngày 20 tháng 5 
THÁNH BÊ-NA-ĐI-NÔ SI-Ê-NA
Linh mục

Gương thánh nhân: Thánh Bê-na-đi-nô sinh tại Si-ê-na, ngày 8 tháng 9 năm 1380. Cha mẹ mất sớm, ngài được một người dì nuôi dưỡng dạy dỗ. Thánh nhân sớm tấn tới trên đàng nhân đức. Đặc biệt, ngài rất có lòng mến Chúa thương người. Một hôm, thấy người dì từ chối không bố thí cho người ăn xin, ngài khóc lóc năn nỉ:

  • Vì lòng mến Chúa, xin dì giúp đỡ người này. Nếu dì không thương giúp, cháu sẽ nhịn đói suốt ngày hôm nay.

Thấy cháu có lòng thương người hơn mình như thế, người dì hết sức vui mừng và sẵn sàng làm phúc bố thí.

Hằng ngày, thánh nhân đến bệnh viện, thăm viếng chăm sóc những kẻ bệnh hoạn tàn tật. Ngài tận tình lo cho họ từng miếng ăn, viên thuốc. Lúc đó xảy ra bệnh dịch tả lan tràn. Ngài tận tụy chăm sóc những kẻ mắc bệnh; chôn cất người chết. Cuối cùng, ngài bị lây nhiễm. Nhưng nhờ ơn Chúa thương, ngài đã khỏi bệnh, dù vậy cũng phải gánh chịu hậu quả yếu đau suốt đời.

Năm 1402, sau khi lo chôn cất người dì mãn phần, thánh nhân bán hết gia sản bố thí cho người nghèo rồi vào tu dòng thánh Phan-xi-cô. Năm 1404, vì thấy ngài học biết đầy đủ và đạo đức thánh thiện. Bề trên dòng đã xin phong chức linh mục cho ngài, và sai đi rao giảng lời Chúa.

Thánh nhân rảo khắp nước Ý, rao giảng kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, cải thiện đời sống; sống đạo đức, hòa thuận thương yêu nhau. Tài hùng biện của ngài đã lôi cuốn đám đông, đem nhiều người trở lại. Giúp kẻ đạo đức trở nên sốt sắng. Giải hòa các cuộc tranh chấp ngoài đời cũng như trong đạo. Các bài giảng của ngài nhiều khi kéo dài đôi ba tiếng đồng hồ mà người nghe vẫn không chán; càng nghe ngài giảng, dân chúng càng say mê phấn khởi.

Chính ngài khởi xướng việc tôn sùng Thánh Danh Chúa Giêsu. Ngài nói: "Danh Chúa Giêsu là vinh quang của người rao giảng, vì Danh ấy làm cho người rao giảng và lắng nghe lời Chúa trong một vinh quang xán lạn. Làm sao bạn có thể tưởng ánh sáng đức tin vừa lớn lao, vừa sốt sắng và mau lẹ như vậy trong khắp thế gian, mà lại không phải vì người ta đã rao giảng Danh Đức Giêsu? Há chẳng phải nhờ ánh sáng và hương vị của Danh ấy mà Chúa đã gọi chúng ta vào trong ánh sáng huyền diệu của Người sao? Với những ai đã được soi sáng và nhìn thấy ánh sáng trong ánh sáng ấy, thánh Tông đồ có thể nói được rằng: Xưa anh em là tối tăm, nhưng nay anh em là ánh sáng ở trong Chúa; anh em hãy ăn ở như con cái sự sáng.

Thế nên, phải rao giảng Danh ấy, để nó chói lên chứ không được ỉm đi. Nhưng không được rao giảng với tâm hồn dơ bẩn hoặc miệng lưỡi nhơ nhớp. Một phải giữ và rao Danh ấy bằng bình chọn lọc..." 1

Để lời rao giảng gây hiệu lực hơn, thánh nhân cho khắc chữ J.H.S. là chữ tắt chỉChúa Giêsulà Đấng Cứu Thế, vào các tranh ảnh cho mọi người ghi nhớ tôn kính.

Khi bề trên tổng quyền nhà dòng chết, thánh nhân được gọi về thay thế từ năm 1438. Trong thời gian này, ngài lo cải tổ nhà dòng và viết nhiều sách tu đức.

Ngày 20 tháng 5 năm 1444, vì tuổi già sức yếu, thánh nhân đã qua đời tại A-qui-la. Sáu năm sau, Đức Giáo Hoàng Ni-cô-la V tôn phong Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Bê-na-đi-nô Xi-ê-na, tôi hết lòng thương yêu giúp đỡ người nghèo khổ bệnh tật, và dùng lời nói việc làm hằng ngày mà kêu gọi mọi người siêng năng, sốt sắng thờ phượng Chúa.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Bê-na-đi-ô linh mục lòng nhiệt thành yêu mến Danh Thánh Chúa Giêsu. Vì công nghiệp và lời chuyển cầu của thánh nhân, xin đem lửa tình yêu của Chúa mà đốt cháy tâm hồn chúng con luôn mãi.

* Thánh Mi-ca-e Hồ Đình Hy 
Quan Thái Bộc tử đạo

Gương thánh nhân: Tự Đức là một trong ba vì vua đã bắt bớ và giết hại người công giáo nhiều nhất. Nhưng chính trong triều đình vua cũng có những vị quan sốt sắng thờ phượng Chúa, trung thành theo Chúa, sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho đạo Chúa là đạo thật, như thánh Micae Hồ Đình Hy là quan Thái Bộc của vua. Điều đó cho thấy trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn nguy hiểm đến đâu, cũng có những người sống chết theo Chúa.

Sinh năm 1808 tại làng Nhu Lâm, tỉnh Thừa Thiên, Micae Hồ Đình Hy là con út trong số 12 anh em, thuộc gia đình quan chức đạo đức sốt sắng. Năm 20 tuổi, cậu Hy đã kết hôn với một thiếu nữ có đạo là cô Lu-xi-a Tân. Hai vợ chồng sống hạnh phúc thuận hòa, sinh được năm người con. Người con trai lớn đã gia nhập chủng viện, được gởi đi du học ở Pê-năng, và được làm linh mục.

Triều vua Tự Đức, Micae Hy được làm quan Thái Bộc, hàm tam phẩm, đặc trách ngành dệt tơ lụa vải vóc trong cả nước. Ông là vị quan rất được vua tín nhiệm và dân chúng mến phục, vì lúc nào ông cũng siêng năng cần mẫn trong việc bổn phận và tận tình thương yêu giúp đỡ đồng bào. Thấy vậy, nhiều quan chức trong triều đâm ra ghen tức, đặt điều tố cáo, đề nghị truất chức ông, song nhà vua bảo: "Ta không thể truất chức ông ta được, vì ông đã chu toàn trách vụ theo đúng lương tâm. Trước đây chưa ai giữ chức vụ đó trong hai năm. Còn ông, đến nay ta chưa có gì phải khiển trách ông ta. Có lẽ ta còn tăng lương cho ông xứng với việc của ông nữa là khác". Nhưng vì ảnh hưởng xấu của giới quan lại, ông đã sa ngã phạm tội với một thiếu nữ, chung sống với cô có 3 đứa con. Thời gian sau, ông biết nhận lỗi lầm ăn năn hối cãi. Và để chuộc lại tội lỗi, ông rửa tội và nuôi dạy ba đứa con đó tử tế, ông ra sức làm việc thiện nhiều hơn.

Dầu làm quan dưới một triều vua bắt đạo gắt gao, ông cũng không sợ chết, không sợ mất chức, vẫn can đảm thờ Chúa, và nhiệt thành giúp việc giảng đạo. Đức Cha Phan ở giáo phận Đông Đàng Trong thấy ông nhiệt thành với đạo, thì giao cho ông coi sóc tài sản giáo phận và cơ sở truyền giáo. Ông hết sức tận tâm chu toàn trách vụ Đức cha giao phó, ông còn rộng rãi giúp đỡ tiền của cho Giáo Hội.

Đang lúc ông sốt sắng sống đạo và hăng say phục vụ Hội Thánh như thế, thì cuối năm 1856, khi quân đội viễn chinh Pháp vào bắn phà Đà Nẵng, ông bị nhà vua bắt giam tại Huế, vì sợ ông là người Công giáo theo phe ngoại quốc, chống lại triều đình. Vua truyền quân lính đánh đòn ông, bắt buộc ông bườc qua Thánh Giá, cung khai các linh mục cũng như binh sĩ có đạo. Vì bị hình khổ đau đớn quá, ông lỡ khai tên một vài tín hữu, làm cho họ bị bắt, nhưng sau đó ông hết lòng ăn năn hối hận, thành khẩn xin Chúa tha thứ lỗi lầm.

Trước đây, nhà vua rất tín cẩn ông, không bao giờ khiển trách ông, nhưng nay vì ghét đạo, vua trở lại oán hận ông, ra lệnh tra tấn hành hạ ông rất độc ác: "Ta truyền cho năm quan trong triều và 15 binh lính dẫn Hồ Đình Hy đi vòng quanh thành nội ba ngày. Khi đi ngang qua chợ và các nơi công cộng, phải công tố tội nó cho dân biết, và ở mỗi ngã ba đường, phải đánh nó 30 trượng. Sau ba ngày như thế thì chém đầu nó..."

Thi hành lệnh vua, các quan quân bắt trói ông, lôi qua các đường phó, công tố tội ông theo đạo Gia-tô, đánh đòn ông cách thảm thương tủi hổ. Nhưng ông sẵn lòng chịu đau khổ sĩ nhục để đền tội lập công, không mở miệng than trách lời nào, như Chúa Giêsu ngày xưa trên đường khổ nạn. 

Và sáng ngày 22 tháng 5 năm 1857, ông đã nhận lãnh triều thiên tử đạo tại pháp trường An Hòa, trước sự bùi ngùi thương tiếc của nhiều người lương cũng như giáo.

Đức Thánh Cha Piô X đã phong Chân phước cho ông ngày 2 tháng 5 năm 1909. Và Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II suy tôn lên Hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Quyết tâm:Hằng ngày lo làm tròn bổn phận đối với gia đình, xã hội cũng như Hội Thánh, và sẵn lòng chịu mọi sự sĩ nhục khốn khó vì Chúa, theo gương thánh Micae Hồ Đình Hy.

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

* Thánh Lô-ren-sô Ngôn
Giáo dân tử đạo

Gương thánh nhân: Thánh Lô-ren-sô Ngôn là một trong các thánh tử đạo Việt Nam trẻ tuổi nhất. Mới hai mươi hai tuổi, thánh nhân đã hy sinh vợ trẻ con thơ và mạng sống vì Chúa. Thật là một tấm gương anh dũng, một đức tin mạnh mẽ, bất khuất cho những người trẻ qua mọi thế hệ...

Lô-ren-sô Ngôn sinh năm 1840, trong một gia đình đạo đức ở Lục Thủy, tỉnh Nam Định. Nhờ gương sống đạo sốt sắng của cha mẹ, cậu Ngôn rất mến mộ việc thờ kính Chúa, siêng năng lãnh nhận các bí tích.

Lớn lên anh lập gia đình, trở nên một gia trưởng gương mẫu, hết lòng yêu thương vợ con, luôn luôn chu toàn bổn phận làm chồng, làm cha, đặc biệt anh có lòng nhiệt thành bênh vực đạo Chúa. Một lần vì chống lại kẻ bắt đạo, anh đã bị bắt. Nhưng nhờ cha mẹ hối lộ cho quan, anh được thoát cảnh tù tội.

Năm 1861, vua Tự Đức ra chiếu chỉ bắt đạo gắt gao, các tín hữu nhất là các linh mục, tu sĩ bị lùng bắt khắp nơi. Mọi người đều phải lẫn trốn, nhiều kẻ vào rừng sâu lánh nạn bị bệnh chết, số khác bị bắt chết rũ tù hoặc tử đạo. Tài sản Hội Thánh bị tịch thu, cơ sở tôn giáo bị thiêu hủy, còn ruộng đất của giáo hữu thì bị vua quan lấy phân chia cho lương dân. Thật là một cuộc bách hại kinh khủng!

Trước thãm cảnh đó, anh Ngôn và gia đình thân nhân cũng phải ẩn trốn như mọi người. Nhưng chẳng may anh bị bắt giải về Xuân Trường, tỉnh Nam Định, ngày 8 tháng 9 năm 1861. Ở trong tù anh lo sợ cha mẹ vợ con nhát đảm chối đạo, nên đang đêm anh lẫn trốn về nhà, khuyên bảo mọi người can đảm trung thành giữ vững đức tin, rồi trở lại trại giam thú tội. Các quan thấy vậy thì sợ có ngày anh trốn đi luôn, nên truyền đóng gông và chuyển anh sang nhà giam An Xá, huyện Đông Quan, canh giữ anh nghiêm ngặt, gắt gao hơn.

Từ ngày bị chuyển sang ngục An Xá, anh phải chịu nhiều hình khổ dữ dằn, nhiều lần bị đánh đòn đến ngất xỉu, nhưng anh nhất quyết không chối Chúa, bỏ đạo. Anh còn khuyến khích anh em bạn từ can đảm hy sinh chịu khổ vì Chúa, theo gương Chúa Giêsu đã chịu chết trên Thánh Giá, để cứu rỗi linh hồn mọi người.

Các quan thấy anh còn trẻ, muốn cứu anh sống để về với vợ con. Họ bảo anh:

  • Anh còn trẻ, anh cần sống với vợ con. Sao anh dại dột muốn chết? Hãy bước qua Thập Giá đi, tôi sẽ cho anh về với gia đình.

Anh thưa:

  • Chúa đã dùng Thánh Giá để cứu rỗi tôi, tôi phải tôn kính Thánh Giá, không bao giờ tôi dám xúc phạm. Tôi cám ơn quan đã thương tôi, nhưng tôi không thể bỏ Chúa mà nghe theo lời quan. Tôi sẵn sàng chịu chết vì tin theo Chúa là Chúa tể trời đất muôn vật.

Sau 9 tháng tra tấn rồi dụ dỗ mà thấy anh vẫn một mực giữ vững niềm tin, các quan đệ đơn lên vua kết án tử hình. Và ngày 22 tháng 5 năm 1862, người ta điệu anh ra pháp trường An Triêm (tỉnh Nam Định). Trong số những người đến tiễn biệt anh lần sau hết, có hai người thân yêu nhất là mẹ và vợ anh. Thay vì than khóc trước cảnh chết chóc chia ly, cả ba người âu yếm nhìn nhau trong niềm tin yêu, và hẹn gặp lại nhau trong Nhà Cha trên trời.

Ngày 29 tháng 4 năm 1951, Đức Thánh Cha Piô XII phong Lô-ren-sô Ngôn lên Chân phước. Và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Lô-ren-sô Ngôn tử đạo, sẵn sàng hy sinh tình cảm gia đình vì Chúa, và hết lòng lo cho mọi người thương yêu được trung thành bền đỗ, giữ vững đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam hiều chứng nhân anh dũng, biết hiền dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 25 tháng 5 
THÁNH BÊ-ĐA KHẢ KÍNH
Linh mục tiến sĩ

Gương thánh nhân: Thánh Bê-đa sinh tại Ê-cốt, nước Anh, năm 673. Chính thánh nhân kể lại cho chúng ta biết đời sống của ngài qua các tác phẩm ngài để lại.

Năm lên 7 tuổi, ngài mồ côi cha mẹ, và được vị tu viện trưởng dòng Biển-đức tại Quê-ạt-mút chăm sóc giáo dục. Lớn lên ngài sống rất gương mẫu, nên được mọi người gọi là khả kính.

Năm 702, thánh nhân thụ phong linh mục. Từ đó, cuộc sống của ngài là học hỏi Kinh thánh, khoa học, lịch sử và dạy học. Ngài siêng năng học biết và mến mộ Lời Chúa, đến nổi ngài thuộc lòng nhiều câu nhiều đoạn trong Sách thánh. Ngài thường cầu nguyện với Chúa: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thương ban cho con học biết nhiều môn học phần đời. Nhưng con chỉ mong học biết Chúa hơn, vì Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan; là sự Thật và là sự Sống của đời con.

Thánh nhân là một bậc thầy lỗi lạc. Chẳng những ngài dạy cho môn sinh những gì ngài đã học biết, mà còn truyền dạy những suy nghĩ, những kinh nghiệm và những điều ngài xác tín, theo như trong các tác phẩm ngài viết. Có thể xếp các sách ngài viết thành ba loại: dẫn giải Thánh kinh, tìm hiểu khoa học và khảo cứu lịch sử. Suốt đời thánh nhân hiến thân phụng sự nhà dòng. Không mấy khi ngài rời khỏi tu viện. Ngoài việc dạy học và viết sách, ngài chuyên cần cầu nguyện, học hỏi lời Chúa, tập rèn nhân đức.

Năm 735, tuy thánh nhân chỉ 63 tuổi, nhưng sức khỏe suy giảm nhiều, vì bệnh hoạn dày dò thân xác. Mặc dù sức yếu, ngài vẫn luôn cố gắng làm việc đến giây phút cuối cùng. Ngài đọc cho cậu bé Gy-be viết chương sau hết của quyển sách ngài soạn.

Sau đó, cậu thưa: - Con đã viết xong câu đó.

Ngài đáp:

  • Con nói đúng. Mọi sự đã xong. Vậy hãy nâng đầu thầy dậy, vì thầy muốn ngồi nhìn thẳng vào nhà nguyện Đấng Thánh của thầy, nơi thầy vẫn cầu nguyện; để thầy có thể ngồi mà cầu khẩn Cha thầy.

Và thế là đang khi ngài ngồi trên nền nhà phòng mình và hát câu: Sáng danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đến chữ Chúa Thánh Thần, ngài thở hơi cuối cùng ra khỏi xác. Và chắc chắn phải tin rằng: khi ở trần gian, ngài đã chịu khó ngợi khen Chúa thì ngài đã được lên hưỡng hạnh phúc trên trời." 1

Quyết tâm: Ra sức học biết Chúa và tìm hiểu Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh, để truyền đạt lại cho gia đình, cho những người xung quanh, theo gương thánh Bê-đa.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã dùng một học giả uyên thâm là thánh Bê-đa linh mục mà làm cho Hội thánh thêm vinh quang rực rỡ.Nhờ sự khôn ngoan và công nghiệp của thánh nhân, xin cho chúng con là tôi tớ Chúa được luôn luôn soi sáng và giúp đỡ.

Thánh Phêrô Đoàn Văn Vân
Thầy giảng tử đạo.

Gương thánh nhân: Ngoài ra lòng can đảm chịu chết vì Chúa, thánh Phêrô Vân còn để lại cho mọi người tấm gương khiêm nhường, bác ái, và sẵn sàng hy sinh vì bổn phận. Vì nhìn nhận thân phận hèn kém, thánh nhân tình nguyện làm thầy giảng không dám lãnh chức linh mục. Và vì nhiệt thành với chức vụ mà ngài đã bị bắt và bị trảm quyết.

Thầy Vân sinh năm 1780, tại xứ Kẻ Sông, huyện Hà Nam , trong một gia đình đạo đức sốt sắng. Ngay lúc còn nhỏ, cha mẹ đã gởi cậu ở với cha Thi, nhờ dạy dỗ, huấn luyện để tập sự đi tu giúp việc Chúa.

Lớn lên, Phêrô Vân đã gia nhập chủng viện, học tập làm linh mục. Nhưng sau một thời gian tu luyện, cầu nguyện, suy nghĩ, ngài nhận thấy chức linh mục quá cao trọng với trách nhiệm nặng nề. Hơn nữa, vì nhận thấ mình kém tài, thiếu đức và hèn mọn trước mặt Chúa, nên không dám tiếp tục học làm linh mục. Năm 25 tuổi, thầy tình nguyện làm kẻ giảng trọn đời.

Thấy thầy đạo đức khiêm tốn, bề trên sai đi giúp xứ Bầu Nọ, tỉnh Sơn Tây. Thầy hết sức chăm lo bổn phận. Hằng ngày lo coi sóc nhà xứ, thương giúp kẻ nghèo, thăm viếng bệnh nhân, chuẩn bị cho những người hấp hối lãnh nhận các bí tích sau hết để chết lành, nâng đỡ, khuyến khích các tín hữu sống đạo sốt sắng nhiệt thành.

Đối với mọi người, thầy luôn đối xử hiền hòa, nhã nhặn, rộng rãi, lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu tinh thần cũng như vật chất của họ. Ngược lại, đối với chính mình, thầy sống rất nhiệm nhặt khắc khổ: ăn uống thanh đạm, y phục đơn sơ giản dị. Ai ai cũng công nhận thầy nhân đức thánh thiện, là muối cho đời và là ánh sáng của trần gian.

Trong thời vua Tự Đức cấm đạo, ở Bầu Nọ có hai tên Tương và Huống là hai nhân viên thu thuế cho nhà nước. Chúng mê say cờ bạc rượu chè. Một hôm chúng thua hết tiền dân đóng thuế, không có tiền nộp ngân sách, chúng đến thầy Phêrô xin vay tiền. Vì biết rõ chúng là những tay ăn nhậu bài bạc, nên thầy từ khước không cho chúng vay. Chúng đâm ra thù oán thầy đi tố cáo với quan. Quan liền cho binh lính đến vây bắt, nhưng nhờ biết trước nên thầy trốn đi trú ẩn nơi khác.

Ẩn trốn chưa được bao lâu, thầy đã thấy bồn chồn lo lắng, không yên lòng vì bổn phận. Và vì nhiệt thành với sứ vụ, thầy quyết định trở về nhà xứ. Trên đường về thầy bị hai tên Tương và Huống đón bắt nộp cho quan, và vu cáo là đạo trưởng (linh mục).

Lúc đó thầy Phêrô đã 77 tuổi. Quan thấy thầy già yếu thì động lòng thương, muốn tìm cách tha thầy. Quan hỏi:

  • Ông có phải là đạo trưởng không?

Thầy trả lời:

  • Bẩm quan, tôi chỉ là thầy giảng không phải đạo trưởng.
  • Ông già cả lụm cụm rồi, chịu đòn vọt tù ngục không nổi đâu. Hãy quá khóa rồi ta cho về an phận tuổi già với con cháu.

Thầy đáp:

  • Bẩm quan, tôi đã thờ kính và phục vụ Chúa trên 70 năm rồi, làm sao tôi chối bỏ Chúa tôi được.

Thấy không thể khuyên bảo thầy bỏ đạo, quan ra lệnh giam thầy ở Lâm Thao 4 tháng, rồi chuyển về Sơn Tây, đồng thời xin vua kết án trảm quyết thầy. Khi bản án được vua chuẩn phê, người ta dẫn thầy ra pháp trường. Trên đường đi, họ thấy thầy đã kiệt sức, nên cho hai tên lính đỡ phụ gông cho thầy, nhưng thầy vẫn tỏ ra can đảm, bình thản, vui tươi. Đến nơi, thầy xin lý hình cho vài phút để cầu nguyện. Nguyện xong, thầy dỏng dạc cúi đầu cho lý hình thi hành phận sư. Và sau một nhát gươm, đầu thầy đã lìa khỏi cổ, linh hồn về hưởng phúc cõi trường sinh.

Ngày 2 tháng 5 năm 1909, Đức Thánh Cha Piô X đã phong Chân phước cho thầy. Và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II đã suy tôn ngài là bậc Hiển thánh.

Quyết tâm: Sống khiêm nhượng bác ái, nhiệt thành chu toàn bổn phận và trung thành bền đỗ theo Chúa đến cùng, như thánh Đoàn Văn Vân tử đạo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

2786    09-03-2011 08:18:43