Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Hạnh Thánh Tháng 6_phần 1

THÁNG SÁU
Ngày 1 tháng 6 

THÁNH GIÚT-TI-NÔ Tử đạo

Gương thánh nhân: Thánh Giút-ti-nô sinh tại Náp-lúc, xứ Sa-ma-ri trong một gia đình ngoại giáo.

Lớn lên, thánh nhân mong mỏi tìm kiếm Đấng Cao cả để thờ kính và Ngài đã ra công đi tìm. Trong cuốn "Đối thoại với Try-Phong" do ngài viết, ngài thuật lại cuộc tìm kiếm như sau:

Ngài đến với một người theo phái khắc kỷ, nhưng người này không nói gì về Đấng Tối cao. Sau đó, ngài tìm đến với người theo học thuyết A-rít-tốt, rồi ngài theo phái Pla-tông. Nhưng rốt cuộc, không người nào thoả mãn lòng mong muốn của Ngài.

Khi đến Ê-phê-so, ngài gặp được một cụ già khôn ngoan đạo đức, cụ hướng dẫn ngài đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Và thánh nhân đã nhận biết Chúa là Thiên Chúa chân thật và cao cả hơn hết.

Từ đó, thánh nhân tích cực rao giảng và chứng minh Kitô giáo là tôn giáo đích thực, chân chính, đáng cho mọi người tin theo và Thiên Chúa là Đấng duy nhất phải tôn thờ để được cứu rỗi. Ngoài ra, ngài còn viết sách phổ biến giáo thuyết công giáo và niềm tin vào Thiên Chúa.

Dưới thời hoàng đế Au-ren bắt đạo. Thánh nhân đã bị bắt cùng một số bạn hữu. Sau khi hành hạ khổ sở, người ta đem các ngài ra xét xử.

"Người ta bắt và điệu các thánh tới ngay trước mặt quan tổng đốc thánh Rô-ma, tên là Rút-ti-cô. Khi các ngài đến trước toà, Rút-ti-cô bảo Giút-ti-nô rằng: Tiên vàn, hãy tế thần và vâng lệnh hoàng đế đi.

Giút-ti-nô trả lời: Chẳng ai có quyền tố cáo và bắt giữ chúng tôi, vì lẽ chúng tôi tuân giữ những giới răn của Đức Giêsu Kito, Đấng cứu chuộc chúng tôi.

Rút-ti-cô hỏi: Vậy anh theo chủ thuyết nào?
Giút-ti-nô thưa: Thật ra tôi có học hỏi mọi chủ thuyết, nhưng tôi đã theo giáo lý chân thật của người Kitô hữu, mặc dầu giáo lý không được các người lầm lạc chấp nhận.

Rút-ti-cô bảo: Thứ giáo lý ấy mà ngươi cũng chấp nhận à, hỡi tên khốn nạn?
Giút-ti-nô thưa: Phải, tôi theo những giáo lý ấy, nên tôi có niềm tin đúng...
Rút-ti-cô bảo: Thôi, ta hãy trở lại vấn đề chính yếu và khẩn trương.Các ngươi hãy nhất trí tế thần đi.
Giút-ti-nô thưa: Là người có lương tri thì ai dại gì mà bỏ đường đạo đức để rơi vào đường vô đạo.
Rút-ti-cô quyết: Nếu không tuân lệnh, các ngươi sẽ bị phạt không nương tay.
Giút-ti-nô đáp: Chúng tôi chỉ ao ước được chịu khổ vì Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi, để được rỗi, bởi việc chịu khổ ấy đem lại phần rỗi cho chúng tôi, và khiến chúng tôi vững dạ trước toà đáng sợ hãi, mà Chúa và là Đấng cứu chuộc chúng tôi sẽ xét xử.

Quan Rút-ti-cô liền tuyên án như sau: Tất cả những kẻ không chịu tế thần và tuân lệnh của hoàng đế, điều sẽ bị đem đi đánh đòn và chặt đầu đúng theo luật.

Thánh nhân được phúc tử đạo ngày 1 tháng 6 năm 166 tại Rô-ma.

Quyết tâm: Tôi đã được Chúa thương cho biết Chúa là Thiên Chúa thật, tôi dâng lời nói, việc làm hằng ngày mà giúp những người xung quanh được nhận biết tin kính Chúa, như thánh Giút-ti-nô.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Giút-ti-nô tử đạo ơn hiểu biết sâu xa về Đức Kitô, nhờ suy tưởng mầu nhiệm thập giá mà thế gian coi là điên dại. Nhờ lời Thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con thoát khỏi mọi tư tưởng sai lầm và cương quyết giữ vững niềm tin.

***
Thánh Giuse Túc Giáo dân tử đạo

Gương thánh nhân: Tuổi thanh xuân là tuổi tràn đầy nguồn sống và hy vọng, tuổi của hăng say cuồng nhiệt. Nếu buông thả nó, không lo kềm chế hướng dẫn nó, nó sẽ đưa đến hư vong truỵ lạc. Trái lại, nếu biết điều khiển lèo lái nó đi vào đường ngay nẻo tốt, nó sẽ là nguồn hoan lạc là nguồn hạnh phúc cho gia đình, xã hội và Hội thánh.

Thánh Giuse Túc là một thanh niên biết hướng dẫn điều khiển tuổi thanh xuân của mình, nên đã được phúc chết vì đạo, được tôn phong thánh cả, nêu gương đức tin cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

Giuse Túc sinh năm 1843, tại họ đạo Hoàng Xá xứ Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên. Cha mẹ là nông dân chất phát, nhưng rất ngoan đạo. Cậu Túc lớn lên trong gia đình này thắm nhiễm lòng đạo, và siêng năng cần mẫn. Hằng ngày cậu dùng thời giờ để đọc kinh dâng lễ và làm việc giúp đỡ cha mẹ. Mọi thú vui xa hoa đối với tuổi thanh niên cậu điều tránh xa. Nhất là vì cha mẹ muốn cậu theo đuổi học hành khoa cử nên cậu đem hết tâm trí lo học chữ Nôm.

Đang lúc đó, các chuyến thuyền của quân đội Pháp bắn phá vào ĐàNẵng, làm cớ cho vua Tự Đức bách hại đạo dữ dội hơn. Ngày 5 tháng 8 năm 1861, nhà vua ra chiếu chỉ PHÂN SÁP, giải tán hết các làng mạc và gia đình Công giáo. Mọi người có đạo đều phải phân tán vào các làng dân ngoại, để cho người ngoại kiểm soát canh giữ; mọi của cải tài sản của người có đạo đều bị tịch thu vào công quỹ hoặc chia cho lương dân. Hết thảy mọi người Công giáo đều vô cùng khổ sở, lìa bỏ làng mạc, gia đình, tài sàn, trốn chui trốn nhủi để giữ đạo. Nhiều người bị bắt, bị tù đày, hành khổ, tàn sát cách dã man.

Gia đình cậu Giuse Túc cũng đồng cảnh ngộ như bao gia đình Công giáo khác, phải ly tán rày đây mai đó khổ sở để giữ vững đức tin, trung thành theo Chúa. Nhưng đầu năm 1862, cậu Giuse bị bắt, lúc đó cậu mới lên 19 tuổi đầy hy vọng cho tương lai, giờ đây phải giam cầm trong ngục tù bi thảm. Vì Chúa và để làm chứng cho Chúa, cậu vẫn sẵn sàng hy sinh chấp nhận. Thân nhân thấy cậu còn trẻ, muốn cứu sống cậu, định lo lót cho qun6 lính thả cậu, nhưng cậu từ chối: Tôi sẵn sàng chấp nhận. Tôi không muốn trốn thoát bất cứ bằng cách nào. Chúa muốn sao, tôi xin vâng như vậy.

Cậu bị giam ở Huyện ít hôm rồi giải về tỉnh Hưng yên. Ở đây cậu bị biệt giam ròng rã suốt 4 tháng trời, ngày đêm phải mang gông cúm xiềng xích khổ sở. Nhiều lần cậu bị đem ra tra tấn doạ nạt, buộc bước qua Thánh giá, chối Chúa bỏ đạo, nhưng lần nào cậu cũng nhất định không quá khoá, cương quyết sống chết trung thành theo Chúa.

Thấy tra tấn hình khổ không lay chuyển được lòng tin sắt đá của cậu, các quan xoay qua dụ dỗ, an ủi: Thấy cậu còn trẻ, còn nhiều tương lai, ta thương cậu, muốn cứu giúp cậu. Vậy hãy nghe lời ta quá khoá đi, ta sẽ cho về đoàn tụ gia đình xây dựng hạnh phúc.

Cậu đáp: Chính Chúa mới là hạnh phúc thật, hạnh phúc vô cùng của tôi. Làm sao tôi bỏ Chúa được.

Thế là các quan kết án trảm quyết cậu. Và sau khi bản án được triều đình phê chuẩn, ngày 1 tháng 6 năm 1862, cậu được đưa ra pháp trường chịu chém đầu vì kiên trung tin theo Chúa. Thi hài vị tử đạo được chôn tại chỗ, sau được cải táng về nhà thờ Ngọc Đồng tỉnh Hưng Yên.

Ngày 29 tháng 4 năm 1851, Đức Thánh Cha Piô XII tôn phong Giuse Túc lên Chân phước, và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II đã suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Quyết tâm:Noi gương thánh Giuse Túc tử đạo, luôn điều khiển, hướng dẫn tuổi thanh xuân mình theo đường ngay nẻo chính và sẵn sàng hy sinh vì Đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 2 tháng 6 
THÁNH MÁC-SEN-LI-NÔ VÀ PHÊ-RÔ 
Tử đạo

Gương thánh nhân: Lịch sử chép vắn tắt về hai thánh Mác-sen-li-nô và Phê-rô tử đạo.

Theo truyền thuyết, Mác-sen-li-nô là một linh mục chuyên lo việc dạy giáo lý và rửa tội cho tân tòng, Ngài nhiệt thành lo dạy đạo Và đem nhiều người trở lại với Chúa, nên bị những kẻ thờ thần ganh ghét, tố cáo.

Còn Phê-rô là một người trừ quỷ nổi tiếng ở La-mã. Thánh nhân đã cứu nhiều người khỏi ma quỷ ám hại, do đó, họ tin theo Chúa. Những người phù thuỷ ganh tương vì họ bị mất quyền lợi.

Thế là cả hai vị thánh đều bị tố giác, dưới thời hoàng đế Đi-ô-lê-sen bắt đạo. Các ngài bị hành hình khổ sở và giam trong ngục tối cho đến chết khoảng năm 304.

Các ngài chịu thống khổ vì Chúa bao nhiêu, thì cũng được an ủi, được phần thưởng lớn lao bấy nhiêu, như linh mục Ô-ri-giê-nê xác quyết:

"Các sự thống khổ của Đức Kitô tràn đến chúng ta thế nào, thì nhờ Đức Kitô, sự an ủi chúng tôi cũng được tràn đầy thế ấy. Nếu vậy, thì chúng ta hãy hăm hở nhận lấy những sự thống khổ của Đức Kitô; và ước gì chúng tràn đến trên chúng ta, nếu chúng ta muốn được đầy tràn an ủi, bởi vì ai khóc lóc sẽ được an ủi, nhưng không bằng nhau cho hết mọi người đâu. Bởi vì, nếu sự an ủi bằng nhau cho hết mọi người thì đã không có lời chép rằng: Các sự thống khổ của Đức Kitô tràn đến chúng tôi thế nào thì sự an ủi chúng tôi cũng được đầy tràn thế ấy.

Sự chia sẻ sự thống khổ của Đức Kitô thì tương đương với sự thống khổ mà họ chịu với Người, Điều này bạn hãy nghe Đấng đã nói rất tin tưởng rằng: chúng tôi biết rằng anh em đã thông phần thống khổ thế nào, thì cũng được thông phần an ủi thế ấy.1

Quyết tâm:Noi gương thánh Mác-sen-li-nô và Phêrô tử đạo, hằng ngày tôi lo giúp đỡ những người khốn khổ phần hồn, phần xác, dầu có phải gian lao trắc trở cũng vui lòng chấp nhận.

Lời nguyện: Lạy Chúa, khi ban ơn cho hai thánh tử đạo Mác-sen-li-nô và Phê-rô cùng anh dũng tuyên xưng đức tin, Chúa đã cho chúng con nghiệm thấy rằng: Chúa hằng gìn giữ che chở Giáo hội. Vì lời hai thánh nguyện giúp cầu thay, xin cho chúng con được bắt chước các Ngài, mà giữ vững niềm tin như thế.

***
* Thánh Đa-minh Ninh 

Giáo dân tử đạo

Gương thánh nhân: Cố gắng mỗi ngày một tiến bộ về vật chất cũng như tinh thần đạo đức, đó là lý tưởng của những người nhìn xa thấy rộng, muốn tạo cho mình một tương lai sáng lạn, để làm tốt đẹp cho đời. Thánh Đa-minh Ninh là một trong những người đo.

Là một nông dân chất phác, thánh nhân ngày càng chịu khó học chữ Nôm, để mở mang kiến thức, hy vọng có ngày đỗ đạt thay đổi cảnh sống cơ cực cần cù. Ngoài ra việc học hành chữ nghĩa, ngài còn ráng sức tập rèn nhân đức, sống đạo siêng năng để trở nên một Kitô hữu tốt lành đạo đức.

Đa-minh Ninh sinh năm 1841, tại làng toàn tòng Công giáo là Trung Linh, tỉnh Nam Định ( nay thuộc giáo phận Bùi Chu ). Cha mẹ làm nghề ruộng rẫy, nên lớn lên cậu cũng theo nghề này. Nhưng trong khi phụ giúp cha mẹ trong việc đồng áng, cậu còn cố gắng học thêm chữ Nôm, quyết chí xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, để giúp ích cho đời và làm sáng danh đạo. Hơn nữa, cậu ráng sức sống đạo nhiệt thành,tập rèn tính tốt. Trong làng ai cũng khen ngợi cậu là một Kitô hữu tốt lành đạo đức, trỗi vượt trên hết các thanh niên cùng lứa tuổi.

Đang lúc anh hăng say học hành và tập luyện nhân đức như thế, thì một việc xảy ra làm cho anh hết sức đau buồn: cha mẹ ép buộc anh kết hôn với một thiếu nữ trong làng, phần vì chưa muốn lập gia đình, phần bởi chưa tìm hiểu, chẳng yêu thương chi, nên anh nhất quyết từ chối. Vì cha mẹ cứ bắt ép mãi, buộc lòng anh phải vâng lời, chấp nhận cuộc hôn nhân, nhưng sau ngày cưới anh không chung sống với người thiếu nữ đó. Thế là đời anh xem ra đã dở dang thất bại, nhưng Chúa Quan phòng đã dẫn đưa anh đi theo đường hướng khác vẻ vang cao quý hơn.

Số là giữa lúc đó, vua Tự Đức ra chiếu chỉ PHÂN SÁP, bắt bớ giết hại người Công giáo vô cùng tàn nhẫn. Làng mạc Công giáo bị giải tán, gia đình có đạo phải phân ly mỗi người một ngã, tài sản bị tịch thu hoặc phân phát cho lương dân. Rất nhiều người có đạo bị bắt, bị tra tấn, tù đày, giết chóc khổ sở.

Gia đình anh Ninh cũng lâm cảnh ly tán như bao gia đình khác. Nhưng năm 1862 là năm anh 21 tuổi, anh bị bắt cùng với một số tín hữu khác. Trong thời gian tù ngục, nhiều lần quan dụ dỗ anh chối bỏ đức tin, hứa hẹn cho anh nhiều của cải nhưng anh nhất quyết từ chối. Thấy không thể cảm hoá anh được, quan dùng đến biện pháp mạnh, cho quân lính đánh đập, tra tấn dữ dội, buộc anh đạp lên Thánh Giá, nhưng anh quả quyết: Quan cứ làm điều quan muốn, phần tôi, tôi không bao giờ xúc phạm Thánh Giá Chúa tôi. Tôi là Kitô hữu, làm sao tôi dám chà đạp Đấng Cứu Độ tôi?

Đã cương quyết theo Chúa, của cải không màng, cực hình chẳng sợ, Đa-minh Ninh thật đúng là anh hùng đức tin. Đứng trước lòng can đảm mạnh mẽ đó, các quan thấy không còn cách nào hơn là đệ đơn xin vua kết án trảm quyết. Và bản án đã được thi hành tại pháp trường An Tiêm, tỉnh Nam Định ngày 2 tháng 6 năm 1862.

Ngày 29 thãng năm 1951, Đức Thánh Cha Piô XII tôn phong Đa-minh Ninh lên Chân phước. Và Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II đã suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh, ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Quyết tâm: Mỗi ngày cố gắng tấn tới hơn trên đường học vấn cũng như đạo đức, và can đảm hy sinh vì Chúa cho đến chết, theo gương thánh Đa-minh Ninh tử đạo.

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương ngái để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 3 tháng 6 
THÁNH CA-RÔ-LÔ LOAN-GA
Và các bạn tử đạo

Gương thánh nhân: Năm 1880, giữa lúc dân nước U-găn-đa còn sống trong lầm lạc, thờ lạy bụt thần, thánh Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn đã đem đạo Chúa đến cho họ.

Lúc đầu, nhà vua rất vui mừng đón tiếp và sẵn sàng ủng hộ ngài. Nhờ đó, thánh nhân được tự do đi khắp nơi rao giảng cho mọi người biết Chúa. Dân chúng rất cảm kích khi nghe Ngài nói đến sự thương khó và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Họ không thể tưởng tượng được một vị Chúa cả vì thương họ đã bỏ trời sinh xuống làm người nghèo khổ như họ, và chịu chết đóng đinh khổ nục trên thập giá để cứu rỗi họ, đem hạnh phúc đến cho họ. Từ đó họ hết lòng thương mến Chúa và xin lãnh nhận bí tích rửa tội, để thờ kính Đấng đã hết lòng thương mến họ.

Thấy thế, các thầy phù thuỷ và buôn bán nô lệ ghen tức, vì họ bị mất ảnh hưởng, quyền lợi. Họ tố cáo với nhà vua là những người theo đạo Thiên Chúa mưu phản. Sẵn lúc đó, nhà vua đang bực tức vì những người có đạo chỉ trích đời sống vô luân của ông ta. Thế nên ông ta ra lệnh bắt Ca-rô-lô và 18 người Công giáo. Và để cho dân chúng khiếp sợ không còn ai dám theo đạo nữa, ông ta kết án thiêu sống thánh nhân cùng với những người bị bắt. Nhưng thay vì làm cho đạo Chúa bị bế tắc, ông đã giúp cho Châu Phi mở ra một kỷ nguyên mới:" Kỳ nguyên tái sinh về phương diện Tôn giáo và xã hội", như lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói, vì máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra người có đạo. Chúng ta hãy nghe lời Đức Giáo Hoàng nói, trong dịp lễ phong thánh cho thánh Ca-rô-lo- Loan-ga và các bạn của Ngài:

"Ai có thể đoán được rằng tiếp theo các thánh tử đạo và tu sĩ thời danh ngày xưa ơ Phi châu như: Síp-ri-a-nô, Fê-li-xi-ta và Pê-pê-tu-a, nhất là thánh Aâu-tinh, ngày nay lại có những vị thời danh như Ca-rô-lô- Loan-ga, Mát-thi-a Mô-lum-ba, Ca-len-ba cùng với 20 đồng bạn tử đạo người công giáo. Ta cũng không thể quên những vị khác thuộc Anh giáo đã dám bỏ mạng mình vì danh Chúa Kitô. Các vị tử đạo này của Châu Phi mở ra một kỷ nguyên mới...dĩ nhiên không nên nghĩ là kỷ nguyên cấm đạo và đàn áp tôn giáo mà là kỷ nguyên tái sinh về phương diện tôn giáo và xã hội. Được tưới gội bằng máu của các thánh tử đạo mới này, những tử đạo đầu tiên của thời đại mới ( và ước gí là những tử đạo cuối cùng, vì lẽ, lễ hy sinh của các Ngài thật cao quý! ) một Phi Châu tự do và độc lập đang được tái sinh.

Sự chết bi thảm của các ngài thật quá lạ lùng và ý nghĩa, đến nỗi có thể tìm thấy ở đó đủ những bài học, để kiến tạo một dân mới về lòng đạo đức: xây dựng một truyền thống tinh thần mới để truyền lại cho hậu thế, một truyền thống đủ khả năng tượng trưng diễn tả và đem lại một tiến bộ cho dân tộc, đi từ một nền vănhoá thô sơ có nhiều giá trị nhân bản cao quý, nhưng cũng không tránh khỏi còn hoen ố nhược điểm và phần nào đang đóng kín, hẹp hòi, để tiến tới một nếp sống chân chính cởi mở, thuận lợi cho tinh thần con người có được những bộc lộ cao thượng hơn, và cuộc sống xã hội có được những hình thức cao cấp hơn."

Quyết tâm:Noi gương thánh Ca-rô-lôLoan-ga, tôi sẵn sàng chịu gian nan khốn khó, để đem Chúa đến cho những người chưa biết Chúa và để làm chứng đạo Chúa là đạo thật.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho máu thánh tử đạo làm nảy sinh nhiều Kitô hữu, xin cho máu thánh Loan-ga và các bạn đã tưới xuống cánh đồng Hội thánh cũng đem lại một mùa lúa dồi dào.

***
Thánh Phaolô Đổng ( Dương )
Giáo dân tử đạo

Gương thánh nhân: Phải công nhận thánh Phaolô Đổng thật can đảm. Khi vua Tự Đức ra lệnh khắc hai chữ TẢ ĐẠO lên má người công giáo, ngài đã cương quyết cự tuyệt, và nhờ các bạn tù khắc hai chữ CHÍNH ĐẠO lên mà ngài, để chứng tỏ cho mọi người biết: đạo Chúa là chính thực, là đường duy nhất đưa dẫn con người đến phúc trường sinh.

Phaolô Đổng sinh năm 1802, tại xứ Cao Xá tỉnh Hưng yên. Cao Xá là một họ đạo lâu đời nổi tiếng đạo đức, và có thể nói gia đình Phaolô Đổng là một trong những thành phần sốt sắng nhất. Lớn lên trong bầu không khí đạo đức, ông Đổng rất nhiệt thành giúp việc nhà chung. Ròng rã nhiều năm trời, ông làm quản lý trông nom coi sóc sổ sách tài sản của họ đạo. Mọi người đều công nhận ông là một quản lý trung tín và khôn ngoan, như người quản lý được Chúa khen trong Phúc Aâm. Ông luôn luôn chu toàn trách nhiệm và lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ mọi người.

Ngày 5 tháng 8 năm 1861, vua Tự Đức ra chiếu chỉ bắt đạo gắt gao. Trong những cực hình vua truyền thực hiện, hình khổ khắc chữ TẢ ĐẠO lên má người có đạo thật dãman. Người ta lấy thánh sắt nung đỏ khắc lên chữ TẢ ĐẠO lên má người Công giáo, để khi vết thương lành lại vẫn còn dấu vết, cho mọi người thấy mà cười nhạo họ dại dột lầm lạc, theo một thứ đạo ngoại lai mà vua quan cấm đoán.

Thi hành lệnh vua, các quan đi khắp các làng công giáo, bắt người có đạo phải bước qua thánh giá mà bỏ đạo. Ai không tuân lệnh vua sẽ bị bắt khắc hai chữ TẢ ĐẠO lên má, tống ngục. Rất nhiều người Công giáo đã can đảm tuyên xưng đức tin, không chịu chối đạo, trong số đó, có ông Phaolô Đổng; ông cương quyết không chịu bước qua thập giá, nên bị quân lính bắt giải về huyện Ân Thi, ngày 25 tháng 11 năm 1861. Ít hôm sau ông bị điều về tỉnh Hưng Yên.. Vừa đi đến cửa thành ông thấy một cây Thánh giá đặt trước mặt. Muốn vào thành phải bước qua thánh giá đó. Ông nhất quyết dừng lại không chịu bước qua. Quân lính đánh đập dữ dội bắt buộc ông bước tới; nhưng chúng càng đánh, ông càng lùi lại, thà bị đánh đòn đau đớn hơn là chà đạp Thánh Giá Chúa. Thấy không thể bắt ép được vị anh hùng đức tin, quân lính buộc lòng bỏ ông vào cái củi rồi khiêng ngang qua.

Ông bị giam ở Hưng yên gần một năm, ngày đêm phải mang gông cùm xiềng xích khổ sở. Nhiều lần quan dụ dỗ ông bỏ đạo, và hứa sẽ ban cho nhiều tiền bạc của cải; nhưng ông nhất mực từ chối, và cương quyết trung thành theo Chúa cho đến chết. Quan liền cho quân lính đánh đập ông tàn nhẫn, và ra lệnh khắc hai chữ TẢ ĐẠO lên má ông. Ông nhất quyết không chịu để cho quân lính khắc hai chữ đó lên má, nên bị cấm cốc nhiều ngày, không cho ăn uống. Sau đó, quan lại cho lính khắc hai chữ TẢ ĐẠO lên má ông, thì ông nài nỉ xin quan để cho người bạn tù của ông làm việc đó. Nhưng thay vì khắc hai chữ TẢ ĐẠO, ông lại bảo người bạn khắc chữ CHÁNH ĐẠO lên má.

Ngày 3 tháng 6 năm 1862, ông bị điệu ra pháp trường, và sau ba hồi chuông ông bị chém chết vì Chúa.

Đức Thánh Cha Piô XII đã phong Chân phước cho ông ngày 29 tháng 4 năm 1951. Và ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn lên bậc Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Phaolô Đổng tử đạo, luôn luôn trung thành bền đổ theo Chúa, và can đảm làm chứng đạo Chúa là đạo thật, dù có au9 khổ chết chóc cũng sẵn lòng chấp nhận.

Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

2537    09-03-2011 08:00:44