Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Hạnh Thánh Tháng 7_phần 1

Ngày 03 tháng 07
THÁNH TÔ-MA TÔNG ĐỒ

Gương Thánh nhân: Thánh Tô-ma là người Do-thái ở Ga-li-lê. Mặc dầu ít học, nhưng ngài có óc tìm tòi, một ý chí kiên vững, một tinh thần tận tụy hy sinh. Khi được Chúa gọi, ngài đã sẵn sàng bỏ mọi sự đi theo Chúa, và được chọn vào số các tông đồ.

Tinh thần hy sinh tận tụy của thánh nhân biểu lộ rõ khi Chúa Giê-su quyết định đến Giu-đê-a để cứu sống La-da-rô. Các tông đồ ngăn cản: - "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?" ( Ga. 11,8)

Nhưng thánh nhân cương quyết sống chết trung thành với Chúa, Ngài nói với các tông đồ: - "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy" (Ga. 11, 16)

Lúc Chúa Giê-su từ giã các tông đồ đi chịu chết, Người thấy các ông buồn sầu thì an ủi: - "Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy... Thầy đi dọn chỗ cho anh em... Và Thầy đi đâu thì anh em đã biết đường rồi".

Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: - Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? ( Ga. 14. 1-5)

Câu nói trên tỏ rõ Thánh nhân nhiệt tình với Chúa, muốn theo Chúa, phụng sự Chúa đến cùng.

Lòng nhiệt thành đối với Chúa Giê-su còn biểu hiện rõ khi các tông đồ thuật lại Chúa đã sống lại và đã hiện ra với các ông, lúc thánh nhân vắng mặt.

Nhưng Ngài đòi cho được thấy tận mắt, sờ tận tay mới tin. Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra, có mặt Thánh nhân với các tông đồ. Và Chúa bảo Ngài: - "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin".

Ông Tô-ma thưa Người: - "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con" (Ga. 20, 27-28).

Thánh nhân đã công khai tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa, với một niềm tin vững vàng mạnh mẽ, giúp cho mọi người tin thật Chúa Giê-su đã sống lại, như lời Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả nói:

Tô-ma nghĩa là "sinh đôi", là một trong nhóm Mười Hai, không ở với họ khi Đức Giê-su đến. Chỉ có người môn đệ ấy vắng mặt. Khi về, ông nghe kể lại sự việc đã xảy ra, nhưng từ chối những điều đã nghe. Rồi Chúa lại đến và giơ cạnh sườn cho người môn đệ không tin ấy sờ. Người chìa cả tay ra và khi chỉ cho ông thấy các vết thương Người, Người đã chữa lành sự cứng lòng của ông. Anh em thân mến, anh em thấy những việc đó thế nào?

Không phải tình cờ, nhưng Chúa đã an bài xảy ra như vậy. Lòng từ bi cao cả của Người đã hành động một cách tuyệt vời, để nhờ người môn đệ hoài nghi ấy sờ vào các thương tích nơi thân thể Thầy mình, mà vết thương cứng lòng tin ở nơi ta được chữa khỏi. Sự cứng lòng tin của Tô-ma còn giúp ích cho lòng tin của ta hơn là đức tin của các tông đồ khác.

"Bởi vì ông đã sờ vào Chúa rồi mới tin, nên tâm trí ta cũng đủ bỏ được mọi nghi nan và trở nên vững vàng trong đức tin. Quả vậy, người môn đệ ấy khi nghi nan mà sờ mó thì đã trở thành nhân chứng của sự kiện phục sinh.

Anh em nghĩ toàn là chuyện tình cờ sao? Tình cờ người môn đệ yêu dấu ấy vắng mặt hôm đó rồi về đã nghe, nghe mà hoài nghi, hoài nghi nên đã sờ và đã tin sao?"

Lòng tin mạnh mẽ đã giúp thánh nhân nhiệt thành rao giảng đạo Chúa ở Ấn-độ, và chịu chết đổ máu ra làm chứng cho Chúa trên nước này.

Quyết tâm: Noi gương Thánh Tô-ma tông đồ, tôi luôn cố gắng tìm tòi học biết niềm tin vào Chúa Ki-tô, để giúp những người cứng lòng được tin thật Người là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ trần gian.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, hôm nay chúng con hoan hỷ mừng lễ Thánh Tô-ma tông đồ. Xin nhận lời Thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà củng cố lòng tin của chúng con, để chúng con được sống muôn đời khi cùng với Thánh nhân tuyên xưng Đức Giêsu-Kitô là Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.

 THÁNH PHI-LÍP-PHÊ PHAN VĂN MINH 
Linh mục tử đạo

Gương Thánh nhân: Để cứu rỗi loài người, Chúa Giê-su đã nộp mình chịu chết, chết đau khổ trên Thánh giá!... Noi gương Chúa, Cha Phi-líp-phê Minh cũng nộp mình chịu bắt bớ, tù ngục, giết chết, vì muốn cứu gia đình ông trùm Lựu khỏi tai họa khổ sở.

Dưới thời vua Tự Đức cấm đạo, cha Minh đang ẩn náu trong nhà ông trùm Lựu ở họ Mặc Bắc, quan quân đến bao vây lục soát, vì có người tố cáo ông chứa chấp Đạo trưởng (Linh mục). Thấy họ tra khảo ông trùm dữ dội, và hăm dọa tịch thu tài sản, bắt bớ giết hại người trong nhà, cha ra trình diện, nhận mình là Linh mục để cứu gia đình ông thoát nạn. Thật đúng là "mục tử nhân lành hiến mạng sống vì đoàn chiên..."

Phi-líp-phê Phan Văn Minh sinh năm 1615, tại họ đạo Cái Mơn, thuộc tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Cậu là con thứ 12 trong số 14 người con trong gia đình. Anh em đông, Chúa lại cho cha mẹ mất sớm, cậu phải nhờ người chị đùm bọc, nuôi dưỡng, dạy dỗ. Dù vậy, cậu cũng được học hỏi giáo lý đầy đủ, để rước lễ lần đầu và lãnh Bí tích Thêm sức năm 13 tuổi. Chính Đức Cha Từ (Taberd) đã ban phép Thêm sức cho cậu. Dịp nầy, cậu xin Đức Cha cho cậu theo ngài và ngỏ ý muốn dâng mình cho Chúa. Thấy cậu thông minh hiền hậu, Đức Cha thương, đem về dạy dỗ huấn luyện, rồi cho tu học tại chủng viện Lái Thiêu.

Được vào chủng viện, cậu Minh hết sức vui mầng tạ ơn Chúa. Và để tỏ lòng biết ơn, cậu cố gắng học hành luyện tập nhân đức. Nhưng chẳng được bao lâu, vua Minh Mạng ra sắc chỉ cấm đạo, chủng viện phải đóng cửa, các cha và chủng sinh phải tìm nơi ẩn náu. Dịp may lúc đó Đức Cha gởi được thầy Minh đến chủng viện Pê-năng (Mã-lai), tiếp tục học hành tu luyện. Và sau khi học xong thần học, thầy trở về nước, được Đức Cha Thể phong chức Linh mục năm 1846, và sai đi giúp các họ đạo từ Nam Vang cho đến Mặc Bắc.

Lúc đó, vua Minh Mạng băng hà, vua Thiệu Trị vừa lên ngôi thay thế, việc bắt đạo có phần bớt gắt gao. Nhờ đó cha Minh đi được nhiều nơi thăm viếng, ủy lạo, dạy đạo và ban các Bí tích cho giáo dân. Cánh đồng truyền giáo của cha thật rộng rãi mênh mông. Cha phải di chuyển luôn mới có thể đáp ứng nhu cầu mục vụ cho các họ đạo, nhiều ngày cha phải lặn lội dầm mưa dải nắng rất cực khổ. Hơn sáu năm trời, từ năm 1846 đến năm 1852, cha đã đi khắp các họ đạo Đầu Nước (Cù lao giêng), Xoài Mút, Chợ Bưng, Ba Giồng, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi Xan, Giồng Rùm (Phước Hảo), Thôn Rôn (Cầu Ngang), Rạch Rập, Chà Và (Vĩnh Kim), Cái Đôi, Mặc Bắc... Đến đâu cha cũng lo ngồi toà giải tội, dạy giáo lý, dâng Thánh lễ cho giáo hữu tham dự, rồi tiếp tục đi đến nơi khác.

Năm 1853, việc bắt đạo trở lại gắt gao. Vua Tự Đức ra lệnh chém đầu thả trôi sông các Linh mục ngoại quốc, và xử tử các giáo sĩ bản quốc. Dù vậy, Cha Minh vẫn can đảm hy sinh đi lại lo cho giáo dân.

Lúc đó, cha Phê-rô Lựu đang làm chánh sở họ Mặc Bắc, thì có lệnh Bề trên thuyên chuyển đi nơi khác; Cha Minh đến thay thế và cư ngụ tại nhà ông Trùm Lựu. Khi ấy có một người tên là Bếp Nhẫn, say mê cờ bạc rượu chè. Anh ta không biết cha Lựu đã đổi đi, nên tố cáo quan đến bắt cha tại nhà ông trùm để nhận lãnh tiền thưởng mà ăn chơi. Quan liền sai quân lính đến bao vây lục soát nhà ông trùm. Thấy ông bị tra khảo hăm dọa dữ dội, cha Minh sợ vì mình mà gia đình ông phải khổ, nên ra trình diện và nhận là Linh mục. Thế là cha bị bắt dẫn về giam tại tỉnh Vĩnh Long, ngày 26 tháng 02 năm 1853.

Trong thời gian hơn 04 tháng giam giữ ở đây, nhiều lần cha bị tra tấn đòn vọt, buộc bước qua thánh giá chối Chúa. Nhưng Cha luôn cương quyết trung thành với Chúa, nên quan bị kết án tử hình. Và ngày 03 tháng 07 cha đã chịu chém đầu, chịu chết vì Chúa tại pháp trường Đình Khao, gần Vĩnh Long.

Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 phong Chân phước cho cha và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 đã suy tôn ngài lên Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Phi-líp-phê Minh Linh mục tử đạo, hằng ngày nhiệt thành rao giảng đạo Chúa, và sẵn sàng hy sinh chính mạng sống mình để cứu mọi người phần hồn phần xác.

Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 04 tháng 07
THÁNH NỮ Ê-LI-SA-BẾT BỒ-ĐÀO-NHA

Gương Thánh nhân: Thánh nữ Ê-li-sa-bết sinh năm 1271, con của vua Pi-ê-trô thứ 3 ở A-ra-gon.

Lớn lên, Thánh nữ được ông bà nội dạy dỗ hướng dẫn đàng nhân đức, nên năm 8 tuổi, Ngài đã biết chuyên cần cầu nguyện và sống hy sinh khắc khổ. Mọi người trong triều đình coi Ngài như một thiên thần.

Mới 12 tuổi, Thánh nhân đã được nhiều hoàng tử đến xin cưới. Ngài từ chối lời cầu hôn của hoàng tử nước Anh và nước Ý, nhưng sau cùng đã nhận lời thành hôn với hoàng tử Đơ-ni nước Bồ-đào-nha.

Từ ngày lên làm hoàng hậu, Ngài luôn chu toàn bổn phận làm vợ, nhưng lúc nào cũng hướng lòng trí về Chúa, phụ giúp xây dựng trang hoàng các Thánh đường, và làm phúc bố thí cho người nghèo khổ, bệnh tật, nhất là các trẻ mồ côi. Ngoài việc bác ái từ thiện, Thánh nữ còn làm trung gian hoà giải giữa các gia đình bất hoà bất thuận và các dân tộc chia rẽ hiềm khích nhau. Chính Ngài đã đứng ra giải hoà giữa vua xứ A-ra-gon với vua xứ Cát-tin, và vua xứ Cát-tin với vua nước Bồ-đào-nha.

Ngài được mọi người tặng cho danh hiệu là "Sứ giả Hoà Bình". Ngài đúng thật là con Thiên Chúa, như Thánh Giám mục Phê-rô Kim ngôn tuyên bố:

"Tin mừng nói: Phúc cho những kẻ tác tạo hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Thật là hợp lý khi các nhân đức Ki-tô giáo phát triển nơi người có được sự hoà bình an ủi Ki-tô giáo đối với mọi người, và chẳng ai đáng được gọi là con Thiên Chúa nếu không đáng mang tên là kẻ tác tạo hoà bình".

"Vậy anh em thân mến, chúng ta phải tuân giữ các giới răn vì chúng ta là sự sống; ta hãy giữ tình huynh đệ chặt chẽ bằng những mối dây bình an sâu xa, và hãy siết chặt thêm bằng liên hệ cứu độ của lòng yêu mến nhau trong tình bác ái, vì bác ái sẽ phủ lấp được nhiều tội. Thế nên phải lấy hết lòng ao ước mà ôm ấp lòng yêu mến vì nó có thể đem lại mọi sự lành cũng như mọi phần thưởng. Phải gìn giữ sự bình an hơn hết mọi nhân đức, bởi vì Thiên Chúa luôn luôn ở trong sự bình an". 1
Nhưng trong khi lo đem lại bình an hạnh phúc đến cho người khác, chính Thánh nữ phải chịu nhiều gian khổ thử thách. Vua Đô-ni chồng Ngài đối xử với Ngài rất tệ bạc, ông ta còn thất tín với Ngài, nhưng Ngài vẫn âm thầm chấp nhận và cầu xin Chúa thương giúp. Và Chúa đã nhận lời Ngài. Một hôm Ngài bị tố cáo thông đồng với người giúp việc. Nhà vua ghen tức ra lệnh cho một chủ lò vôi:

Nếu có ai hỏi: Lệnh vua đã thi hành chưa? thì hãy bắt nó bỏ vào lò vôi cho chết.

Và ông ta sai A-lon-sô là kẻ bị tố cáo thông đồng với Thánh nữ đi hỏi như thế; nhưng dọc đường anh ta ghé vào nhà thờ dự Thánh lễ. Nhà vua nóng lòng muốn biết coi anh ta đã chết chưa, nên lại sai tên vu cáo đến hỏi chủ lò vôi. Thế là y bị tống vào lò. Lúc lễ xong, A-lon-sô đến hỏi chủ lò vôi và về trình lại cho nhà vua. Ông ta ngạc nhiên thấy A-lon-sô còn sống thì hiểu là anh ta vô tội. Từ đó nhà vua hối hận, đối xử thân tình với Thánh nữ và ăn năn trở lại với Chúa.

Thánh nữ qua đời ngày 4 tháng 7 năm 1336, và được Đức Giáo Hoàng Ur-ba-nô thứ 8 tôn phong Hiển thánh.

Quyết tâm: Hằng ngày tôi sống hy sinh bác ái, sẵn sàng thương yêu giúp đỡ mọi người, giải hoà cho những kẻ bất hoà bất thuận, và chấp nhận khốn khó vì Chúa, theo gương Thánh nữ Ê-li-sa-bết.

Lời nguyện: Lạy Chúa là Đấng tác tạo hoà bình và yêu chuộng bác ái, Chúa đã ban cho Thánh Ê-li-sa-bết đặc ân hoà giải những kẻ bất hoà. Xin nhận lời nguyện cầu của Thánh nữ mà cho chúng con biết nổ lực xây dựng hoà bình, để đáng được gọi là con cái Chúa.

THÁNH GIU-SE NGUYỄN ĐÌNH UYỂN
Thầy Giảng Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Lúc thấy cái chết đang gần kề, thánh Phao-lô đã viết thư khuyên nhủ ông Ti-mô-tê là người môn đệ thân thiết của ngài:

"Trước mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô Giê-su Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện..." (2 Tm. 4, 1-2).

Thánh Giu-se Uyển tử đạo hôm nay tuy không phải là môn đệ trực tiếp của thánh Phao-lô, ngài cũng vâng nghe và làm theo lời thánh tông đồ khuyên nhủ. Suốt đời ngài tận tâm lo rao giảng Lời Chúa, lúc chưa bị bắt cũng như khi bị giam cầm tù ngục. Ngài là thầy giảng. Ngài đã thi hành sứ vụ đó cho đến chết,khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

Giu-se Nguyễn Đình Uyển sinh năm 1775, tại Ninh Cường, tỉnh Nam Định. Ngay từ nhỏ, cậu đã được Chúa gọi giúp việc. Cậu sẵn sàng nghe theo tiếng Chúa gọi, dâng mình vào nhà Chúa học tập tu luyện. Sau một thời gian tu học, Bề trên thấy cậu có lòng đạo đức và hăng say hoạt động tông đồ, nên cho được làm thầy giảng và sai đi giúp việc Đức Cha Minh, thuộc giáo phận Đông Đàng Ngoài. Từ đó, thầy tận tâm chu toàn bổn phận, trở nên trợ tá đắc lực của Đức Cha. Mỗi lần đi kinh lý trong giáo phận, Đức Cha đều đưa thầy theo phụ giúp mọi việc, từ việc vật chất đến việc dạy giáo lý kinh bổn. Việc nào thầy cũng làm tươm tất chu đáo. Điều làm cho Đức Cha vui lòng nhất là đi tới đâu, thầy cũng nêu gương vâng lời, khiêm tốn, thánh thiện cho mọi người.

Nhưng việc bắt đạo lắng dịu chưa được bao lâu, thì năm 1838 lại bùng nổ dữ dội, nhất là ở giáo phận Đông Đàng Ngoài, nơi Đức Cha Minh đảm trách. Đức Cha và các cha phải ẩn tránh, giao cho thầy Uyển điều hành công cuộc mục vụ giáo xứ Tiên Chu. Mặc dù tình trạng rất khó khăn nguy hiểm, thầy vẫn tận tâm hoàn thành trách vụ: điều khiển mọi sinh hoạt trong giáo xứ, củng cố đức tin cho các tín hữu, hướng dẫn thanh thiếu niên sống đạo.

Thầy đang hoạt động tông đồ hăng say như thế thì ngày 29 tháng 05 năm 1838, quan quân kéo đến bao vây giáo xứ Tiên Chu, tìm bắt Đức Cha Minh. Vì không tìm được Đức Cha, quan ra lệnh bắt thầy, dẫn về Hưng Yên. Tới nơi, quan điều tra lý lịch thầy, buộc khai nơi Đức Cha và các Linh mục ẩn lánh. Nhưng thầy cương quyết không khai báo điều gì, nên bị đóng gông, tống giam vào ngục.

Sáng hôm sau, quan truyền điệu thầy ra pháp đình, buộc bước qua thập giá bỏ đạo. Thầy cứ từ chối mãi, khiến quan nổi giận, cho đánh đòn dữ dội tra hỏi về đạo. Nhân dịp nầy, thầy giảng đạo cho họ, mặc dầu biết chắc mình sẽ bị hành hạ khổ sở hơn, vì cần phải "rao giảng Lời Chúa khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện". Và đúng như thầy biết trước, thầy phải chịu một trận đòn tàn bạo hơn, bị xiềng xích và tống giam vào ngục.

Sau một thời gian, quan lại cho điệu thầy ra tra tấn, đánh đập, và bảo quá khoá bỏ đạo. Nhưng vị anh hùng đức tin vẫn cương quyết, không bước qua Thánh giá. Quan liền cho lính lôi thầy qua, thầy ngồi bệt xuống đất nên chúng không lôi qua được. Nổi giận, quan truyền quân lính khiêng thầy qua, nhưng thầy co hai chân lại, không dám chạm đến Thánh giá Chúa.

Thấy không lay chuyển nổi đức tin sắt đá của vị anh hùng, quan đệ đơn xin vua kết án trảm quyết. Song trước khi nhận được bản án, thầy đã chết rũ tù ngày 04 tháng 07 năm 1838, vì tuổi già sức yếu, nhất là vì những hình khổ nặng nề!...

Ngày 21 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô thứ 13 tôn phong Chân Phước cho thầy. Và Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh, ngày 19 tháng 06 năm 1988.

Quyết tâm: Nhiệt thành rao giảng Đạo Chúa, " khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện", khi dễ dãi cũng như lúc khó khăn nguy hiểm, và sẵn sàng hy sinh chịu khổ chịu chết vì Chúa, theo gương thánh Giu-se Uyển, thầy giảng tử đạo.

Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 05 tháng 07
THÁNH AN-TÔN MA-RI-A GIA-CA-RI-A,
Linh mục

Gương Thánh nhân: Thánh An-tôn Ma-ri-a Gia-ca-ri-a sinh tại Giê-mô-na năm 1502. Mồ côi cha từ nhỏ, ngài được người mẹ dạy dỗ tập luyện sống hãm mình bác ái hằng ngày.

Lúc đó quê hương Thánh nhân vừa trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt, mọi người đều sẵn sàng chia sẻ cơm áo với đồng bào. Một hôm trên đường đi học về, Ngài gặp một người nghèo trần trụi, Ngài đã cởi chiếc áo đang mặc cho người đó. Và Ngài thường nhịn bớt phần ăn chia sớt cho những bạn đói khổ.

Sau khi học xong triết và y học, Thánh nhân đã dâng mình cho Chúa, theo học các môn Thánh Kinh, thần học, tu đức. Và năm 1528, Ngài được thụ phong Linh mục. Từ đây Ngài thực hành việc bác ái tông đồ nhiệt thành hơn. Ngài thăm viếng các bệnh viện, nhà tù và các xóm lao động nghèo khổ, nâng đỡ những kẻ bất hạnh, khuyên bảo những người lầm lạc trở về với Chúa. Nhất là lúc đó bè rối Lu-te đang lan tràn, Thánh nhân đi khắp nơi rao giảng kêu gọi họ trở lại với đức tin chân chính.

Và để thêm người cộng tác trong công cuộc tông đồ và bác ái, Thánh nhân đã thành lập một hội dòng tại Thánh đường Bác-na-bê, vì thế người ta gọi các tu sĩ dòng của Ngài là Bác-na-bích. Dòng nầy sống theo tinh thần Thánh Phao-lô, rao giảng Chúa Giê-su chịu đóng đinh để kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Ngài luôn khuyên bảo các môn sinh can đảm rao truyền tình thương của Chúa, theo gương Thánh Phao-lô, Ngài nói:

"Chúng tôi là đồ điên dại vì Đức Ki-tô, Thánh Phao-lô, vị Thánh lãnh đạo và là chính bổn mạng của chúng ta đã nói như thế về chính Ngài, về các tông đồ khác, và hết thảy mọi người tuyên giữ luật sống Ki-tô-giáo và tông đồ. Nhưng Anh em thân mến, chúng ta đừng bỡ ngỡ và sợ hãi về điều đó, bởi vì môn đồ không thể hơn Thầy và tôi tớ không hơn chủ. Những kẻ chống lại ta thì tự mình làm hại mình. Nhưng lại khiến ta được lập công; họ thêm vinh quang cho triều thiên đời đời của ta, và kéo thịnh nộ của Thiên Chúa xuống trên chính họ; ta phải thương và yêu họ hơn là ghét và oán họ. Ta còn phải cầu nguyện cho họ..."

Qua lời nói trên, Thánh nhân tỏ ra rất mực yêu thương những người lầm lạc và sẵn sàng giúp đỡ cầu nguyện cho họ. Ví thế, năm 1530, Thánh nhân hợp tác với bà Tô-ren-li lập thêm hội dòng nữ, để tiếp tục phụng sự Chúa với Ngài.

Năm 1539, vì nhiệt thành phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn, Thánh nhân đã kiệt sức, nên trở về sống với mẹ Ngài. Và ngày 5 tháng 7, Ngài qua đời tại nơi Ngài sinh trưởng.

Quyết tâm: Noi gương Thánh An-tôn Ma-ri-a Gia-ca-ri-a, tôi hết lòng thương giúp người nghèo khổ bệnh tật, nhất là những người lầm lạc tội lỗi, và mời gọi nhiều người cộng tác, giúp họ ăn năn trở về với Chúa.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Thánh Phao-lô tông đồ ơn hiểu tuyệt vời về Đức Giê-su Ki-tô, và cũng là ơn đã thúc đẩy Thánh An-tôn Ma-ri-a không ngừng rao giảng Tin mừng Cứu độ trong Hội Thánh. Nay xin Chúa cũng nhận lời Thánh nhân chuyển cầu, mà ban cho chúng con sống theo ơn hiểu biết ấy.

Ngày 06 tháng 07
THÁNH MA-RI-A GÔ-RẾT-TI
Trinh Nữ Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Thánh nữ Ma-ri-a Gô-rết-ti sinh tại Cô-ri-na-đô nước Ý, ngày 16 tháng 10 năm 1890, trong một gia đình nghèo khó lại đông con. Ngài là con thứ ba trong số 7 anh chị em. Cha mẹ Ngài phải làm lụng vất vả hằng ngày để nuôi con, dù vậy ông bà cũng hết sức lo dạy dỗ con cái về bề đạo hạnh.

Thánh nữ mới lên 10 tuổi thì người cha qua đời, để lại 8 mẹ con đói khát nghèo khổ. Ngài phải lo việc nội trợ và chăm sóc các em, để cho mẹ đi làm nuôi sống gia đình. Ngài siêng năng, cần mẫn, tươm tất mọi bổn phận trong ngoài theo ý mẹ. Đau ốm mệt nhọc Ngài không dám nghỉ vì lòng thương em mến mẹ, và dẫu vất vả bận rộn bao nhiêu, Thánh nhân cũng dùng thời giờ đọc kinh cầu nguyện hằng ngày.

Mới lên 12 tuổi, Thánh nữ đã duyên dáng xinh đẹp, khiến cho cậu trai A-lét-xăn-trô ở gần bên để ý thèm thuồng. Thường ngày cậu ve vản bên Ma-ri-a, và khi thấy Ngài làm việc gì nặng nề thì phụ giúp. Ngài thật thà nghĩ rằng cậu có lòng tốt với mình, nên rất biết ơn và quý mến. Nhưng ngày 5 tháng 7 năm 1902, lợi dụng lúc mọi người đi vắng, A-lét-xăn-trô bắt ép Thánh nữ phạm tội, Ngài mạnh mẽ chống đối cự tuyệt; A-lét-xăn-trô nài ép mãi không được thì tức giận lấy dao đâm Ngài bị thương nặng, đến nỗi hôm sau Thánh nữ đã chết tại bệnh viện. Nhưng trước khi tắt thở, Ngài đã trối tha thứ cho A-lét-xăn-trô, và muốn cho anh cũng được lên thiên đàng với Ngài.

Năm 1950, Đức Giáo Hoàng Pi-ô 12 đã tôn phong Thánh nữ lên bậc hiển Thánh, trước sự hiện diện của bà mẹ 87 tuổi và cả A-lét-xăn-trô là kẻ đã giết Ngài. Nhưng giờ nầy ông ta không còn hung hăng độc ác nữa, mà đã trở nên người đạo đức thánh thiện.

Trong bài giảng lễ phong thánh cho Thánh nữ, Đức Giáo Hoàng đã khen ngợi Thánh nữ và kêu gọi mọi người noi gương sáng lạn của Ngài: "Như mọi người biết thiếu nữ ấy không có khí giới nào mà phải đương đầu với một cuộc tấn công rất dữ tợn. Một sức mạnh hung tợn và mù quáng thình lình xông tới, định làm nhơ nhớp sự trinh trong như thiên thần của cô... Thế là được ơn trên trời giúp đỡ và đem ý chí quãng đại can trường đáp trả, cô đã hy sinh mạng sống, và không mất vinh dự đồng trinh để giữ mình luôn trong sạch đẹp lòng Chúa".

"Trong cuộc đời của người thiếu nữ khiêm cung ấy, mà ta vừa lược lại những nét chính, ta có thể thấy một vẻ gì không những xứng đáng với thiên quốc mà còn đáng cho thời đại ta ca ngợi và kính yêu. Ước gì bậc cha mẹ trong các gia đình thấy rõ bổn phận của mình phải giáo dục những đứa con mà Chúa đã ban cho mình sống trong sự ngay chính, thánh thiện, can trường và phù hợp với các giới răn của đạo Công giáo, được như vậy thì khi nhân đức củacon cái gặp gian nan, chúng sẽ có thể nhờ ơn Chúa giúp mà lướt thắng được một cách an toàn, trong trắng và bất khuất.

Ước gì tuổi trẻ vui tươi và tuổi thanh niên hăng hái cũng hãy học biết, đừng khốn nạn sống buông theo những thú vui nhục dục mau qua và giả dối, hoặc theo các hấp dẫn quyến rũ của các nết xấu; nhưng ngược lại hãy hăng say cố gắng vươn tới sự trọn lành trong đời sống luân lý Ki-tô giáo, cho dù có phải trải qua những khó khăn vất vả. Với ý chí cương quyết, được ơn trên phù hộ, có ngày mọi người chúng ta sẽ có thể đạt tới sự trọn lành ấy nhờ sự cố gắng, làm việc và cầu nguyện".

Quyết tâm :Tôi cương quyết chống trả các chước cám dỗ của ma quỷ, xác thịt, thế gian, để giữ mình luôn trong sạch đẹp lòng Chúa, dù có gian khổ chết chóc cũng cam lòng, theo gương Thánh trinh nữ Ma-ri-a Gô-rết-ti.

Lời nguyện: Lạy Chúa là nguồn mạch sự trong trắng và là Đấng yêu mến đức khiết tịnh, Chúa dủ ban cho Thánh nữ Ma-ri-a Gô-rết-ti ngay giữa tuổi hoa niên, ơn chiến đấu, can trường để lãnh vòng hoa chiến thắng và phúc tử đạo. Vì lời Thánh nữ chuyển cầu, xin cho chúng con được bền tâm tuân theo các điều răn của Chúa.

 Ngày 10 tháng 07 
THÁNH PHÊ-RÔ NGUYỄN KHẮC TỰ
VÀ AN-TÔN NGUYỄN HỮU HUỲNH
Thầy Giảng và Trùm Họ tử đạo

Gương Thánh nhân: Theo Chúa là "bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày". Chúa Giê-su đã tuyên bố rõ ràng như thế. Người nói trước cho các môn đệ:

"Hãy coi chừng người đời: Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại được biết... Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát" (Mt. 10, 17-29).

Bị thử thách bách hại là số phận của người môn đệ Chúa, vì nhờ đó họ có dịp làm chứng cho Chúa, và cũng nhờ đó mà Nước Trời mới đến được trần gian. Điều quan trọng là phải kiên trì bền đỗ đến cùng, vì chỉ khi kẻ bền chí đến cùng mới được cứu thoát, như trường hợp của hai thánh Phê-rô Tự và An-tôn Quỳnh tử đạo hôm nay. Các ngài đã bị bắt vì Chúa, bị gông cùm, tù ngục, khổ hình ròng rã hai năm trời, để được lãnh triều thiên tử đạo vinh hiển muôn đời...

Phê-rô Nguyễn Khắc Tự sinh năm 1808, tại Ninh Bình. Cậu dâng mình cho Chúa ngay từ lúc nhỏ, và sau thời gian tu học, đã được Bề Trên cho làm thầy giảng, sai đi giảng đạo với cha già Quế. Sau khi cha già qua đời, thầy được cử đến giúp cha Cao là Linh mục thừa sai người Pháp.

Trong thời gian giúp cha Cao, thầy được cha và giáo dân quý mến, vì thầy nhiệt thành chăm lo việc Chúa, và sẵn sàng thương yêu giúp đỡ mọi người. Nhưng thầy chỉ giúp được bốn năm thì cha Cao bị bắt. Vì có người chỉ điểm, ngày 31 tháng 07 năm 1938, quân lính đến bắt cha Cao. Trong lúc họ dẫn cha đi, thầy chạy theo xưng mình là thầy giảng, là đệ tử của Cha, và xin được cùng sống chết với cha. Thật là một cử chỉ anh hùng, một lòng trung thành rất đáng khâm phục. Lúc Chúa Giê-su bị bắt, các tông đồ môn đệ khiếp sợ chạy trốn; còn thầy thì khi cha mình bị bắt, đã can đảm quyết chí theo ngài, để cùng chịu gian khổ chịu chết với ngài.

Thế là quân lính bắt thầy cùng với cha Cao, giải về Đồng Hới, giam chung với cha Khoa, cha Điểm và Năm Quỳnh là ông trùm họ đạo Mỹ Lương.

An-tôn Nguyễn Hữu Quỳnh (quen gọi là Năm Quỳnh) sinh năm 1768, tại Mỹ Lương, tỉnh Quảng Bình. Năm 32 tuổi, cậu gia nhập đội quân của Nguyễn Ánh, chống lại Tây Sơn, được thăng chức Vệ Uý. Nhưng vì thấy cuộc sống trong quân ngũ cả trở việc thờ Chúa, nên cậu xin giải ngũ, về học nghề thuốc và trở nên lương y nổi tiếng. Nhờ đó, cậu được khá giả.

Càng làm ăn khá giả, ông Quỳnh càng thương giúp người nghèo, vì ông nghĩ của cải Chúa ban là để phục vụ mọi người, để làm sáng Danh Chúa, chớ không phải chỉ để lo cho bản thân, cho gia đình. Vợ con thấy ông giúp đỡ người nghèo rộng rãi thì than phiền trách móc. Nhưng ông bảo họ: Chúa dạy phải thương giúp mọi người nhất là những người nghèo khó. Thương giúp người nghèo khó là thương giúp Chúa, và Chúa sẽ thưởng, vì Chúa đã nói rõ: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy..." (Mt. 25,40).

Ngoài đức ái sâu xa, ông Năm Quỳnh còn nhiệt thành giúp việc tông đồ. Ông phụ với Đức Cha Bình dạy giáo lý trong hạt và làm trùm trưởng họ đạo Mỹ Lương. Trong thời vua Minh Mạng bắt đạo, truy nả các Linh mục thừa sai, ông rời bỏ gia đình vợ con, đến Kim Sen đào một hầm trú ẩn trong đất của ông để che giấu các nhà truyền giáo. Thấy ông vắng mặt lâu ngày, các quan bắt các gia nhân của ông điều tra. Và vì bị đòn đau đớn quá chịu không nổi, họ đã khai chỗ ông ở. Thế là năm 1838, quân lính đã đến bắt ông, giải về Đồng Hới.

Ở trại giam Đồng Hới, ông vui mầng gặp được cha Cao, cha Điểm, cha Khoa và thầy Tự. Nhiều lần các ngài bị đánh đập tra tấn dã man, nhưng tất cả đều can đảm trung thành với Chúa, nhất định không quá khoá, không đạp lên Thánh giá. Các quan thấy cực hình không lay chuyển nổi các vị anh hùng đức tin thì xoay qua dỗ dành, khuyên nhủ, song cũng vô hiệu. Đối với các ngài, Chúa là trên hết; các ngài sẵn sàng hy sinh tất cả vì Chúa, kể cả mạng sống. Thật vậy, các quan kết án trảm quyết (chặt đầu) cha Cao, xử giảo (siết cổ chết) cha Điểm, cha Khoa, thầy Tự và ông trùm Quỳnh; nhưng vua đình lại việc thi hành án cho thầy Tự và ông trùm Quỳnh. Vì ông trùm là người nhân đức, được nhiều người kính nể, vua hy vọng kéo dài thời gian có thể ông nản lòng bỏ đạo thì có lợi hơn. Song thời gian ròng rã hai năm trời tù ngục khổ sở mà mà ông vẫn trung thành giữ vững đức tin, nên ngày 10 tháng 07 năm 1810, nhà vua ra lệnh xử giảo ông và thầy Tự tại Đồng Hới.

Đức Thánh Cha Pi-ô 13 phong Chân Phước cho ông và thầy Tự ngày 07 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô 2 đã suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh. 

Quyết tâm: Noi gương thánh Phê-rô Tự và An-tôn Quỳnh tử đạo, nhiệt thành làm tôi Chúa giúp việc Chúa, hết lòng thương yêu giúp đỡ mọi người phần hồn phần xác, và trung thành bền đỗ theo Chúa đến cùng.

Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

1371    09-03-2011 07:41:46