Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Hạnh Thánh Tháng 7_phần 2

Ngày 11 tháng 07 
THÁNH BIỂN-ĐỨC VIỆN PHỤ

Gương Thánh nhân: Thánh Biển-đức sinh tại Nô-si-a, năm 480, trong một gia đình giàu sang quý tộc.

Lúc nhỏ, cha mẹ cho Ngài ăn học ở địa phương, để gần gũi gia đình, dễ bề đào tạo tánh tình đức hạnh.

Năm 14 tuổi, Thánh nhân được gởi đến học ở Rô-ma, giữa lúc dân thành này suy đồi trụy lạc, nên không bao lâu Ngài trốn khỏi kinh thành, tìm nơi thanh vắng, sống đời ẩn tu tịch mạc. Ngài đến Su-bi-a-cô, gặp được vị ẩn sĩ tên là Rô-ma-nô. Ngài thọ giáo vị ẩn sĩ này, ngày ngày chuyên cần cầu nguyện, ăn chay hãm mình, tập rèn nhân đức.

Ma quỷ thấy nhân đức của Ngài thì tìm đủ cách cám dỗ Ngài bỏ đời sống ẩn tịch mà về thế gian, nhưng Ngài luôn làm dấu Thánh giá xua đuổi chúng. Còn những người muốn sống đời nhân đức trọn lành thì tìm đến, nhờ Ngài hướng dẫn dạy bảo. Danh thơm thánh thiện của Ngài lan rộng khắp nơi, cả những người quý phái ở Rô-ma cũng đến xin làm môn đệ Ngài. Ngài phải thành lập 12 tu viện nhỏ, để tiếp nhận họ và giúp họ tập rèn đức hạnh.

Số người muốn tu luyện theo đường lối Thánh nhân mỗi ngày một đông, nên năm 520, Ngài phải dời về Mon-tô Cát-si-nô, thành lập tu viện. Đây là tu viện đầu tiên của Thánh Biển-đức, mà ngày nay có mặt gần hết các nuớc trên thế giới. Ngài lập ra luật dòng cho mọi người tuân giữ. Ba đặc điểm của luật dòng Ngài là cầu nguyện, học hành và lao động. Người tu sĩ hằng ngày chuyên cần cầu nguyện, siêng năng học hỏi Lời Chúa và làm việc chân tay để tự nuôi sống. Thánh nhân bảo các tu sĩ:

"Tiên vàn bạn hãy khẩn khoản nài xin Thiên Chúa hoàn thành mọi việc lành mà bạn đã khởi sự, để Đấng đã thương kể chúng ta vào số con của Người, sẽ chẳng bao giờ phải buồn phiền, vì cách ăn ở xấu nết của ta. Quả thật, bất cứ khi nào, ta cũng phải dùng các ơn Người ban cho để phụng sự Người, ngỏ hầu không những Người sẽ không như một người cha nổi giận truất quyền thừa tự của người con, mà cũng không như những chủ dữ tợn bực tức thấy công việc xấu của ta mà trao cho ta hình phạt đời đời, như những tên đầy tớ khốn nạn đã không muốn theo Người để được vào vinh quang muôn đời.

Thế nên chúng ta hãy chổi dậy, như lời Kinh Thánh đã khuyên nhủ: "Đã đến giờ chúng ta phải tỉnh ngủ đây!" Hãy mở mắt nhìn ánh sáng đến thần hoá chúng ta, hãy mở tai lắng nghe Lời Chúa nhắn nhủ chúng ta hằng ngày: Hôm nay ước gì anh em nghe tiếng Chúa; Người phán: các ngươi chớ cứng lòng. Và như chỗ khác Người nói: Ai có tai thì hãy nghe Thần Khí phán dạy gì cho các Hội thánh".

Tương truyền Thánh nhân làm rất nhiều phép lạ, lúc còn sống cũng như sau khi qua đời; chẳng hạn Ngài chữa lành các bệnh tật, khử trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại.

Thánh nhân qua đời tại Mon-tê Cát-si-nô, ngày 21 tháng 3 năm 547, và được Đức Giáo Hoàng Phao-lô chọn làm Thánh Quan Thầy của Âu-châu.

Quyết tâm: Noi gương Thánh Biển-đức, hằng ngày siêng năng cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa, làm việc nuôi sống, và chăm lo hướng dẫn mọi người thân yêu sống đạo đức thánh thiện.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh viện phụ Biển-đức làm tôn sư lỗi lạc dạy những ai muốn hiến thân phục vụ Chúa. Xin cho chúng con hằng yêu mến Chúa trên hết mọi sự, để tâm hồn được thảnh thơi mà rảo bước trên con đường theo Chúa.

Ngày 12 tháng 07 
THÁNH I-NHA-XI-Ô Y, 
A-NÊ THÀNH (THÁNH ĐÊ) 
VÀ PHÊ-RÔ KHANH
Giám mục, linh mục, và Giáo dân tử đạo

Gương Thánh nhân: Đức tin là sức mạnh vạn năng, giúp con người lướt thắng mọi gian nan thử thách và cả sự chết, như Lời Chúa Giê-su nói với các môn đệ:

"Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dầu anh em có bảo núi nầy: "rời khỏi đây, qua bên kia !" nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được" (Mt. 17, 20).

Một lòng tin trọn vẹn sắt đá, hoàn toàn tín nhiệm vào Chúa, sẽ giúp con người làm được tất cả mọi sự, như trường hợp của ba vị anh hùng tử đạo I-nha-xi-ô Y, A-nê Thành và Phê-rô Khanh hôm nay. Với lòng tin mạnh mẽ, các ngài đã sẵn sàng hy sinh tất cả, can đảm chịu tù ngục, sỉ nhục, đau khổ và chết để làm chứng cho Chúa.

 THÁNH I-NHA-XI-Ô Y

I-nha-xi-ô Y sinh năm 1762, nước Tây-ban-nha. Ngay từ nhỏ, cậu đã có ý muốn dâng mình phục vụ Chúa. Nhưng đến năm 18 tuổi, cậu mới xin gia nhập dòng Thánh Đa-minh, theo lời khuyên nhủ của một bạn thân. Trong thời gian tu luyện ở nhà dòng, thầy được biết các Linh mục đang truyền giáo tại Việt Nam rất cần thêm người cộng sự. Thấy lòng mình mến mộ việc giảng đạo ở phương xa, nên năm 1785, thầy xin gia nhập tỉnh dòng Nữ Vương Rất Thánh Môi-khôi, và được gửi sang Phi-luật-tân học tập, chuẩn bị công cuộc truyền giáo.

Năm 1787, thầy I-nha-xi-ô được thụ phong Linh mục. Nhưng mãi đến năm 1780, ngài mới sang được Việt Nam , đến giảng đạo tại giáo phận Đông Đàng Ngoài, lấy tên Việt là Y, dưới quyền Đức Cha A-lơn-sô Phê. Đức Cha thấy ngài tài năng nhân đức, nên chọn làm cha chính địa phận, kiêm giám đốc chủng viện. Chỉ trong vòng bốn năm, cha I-nha-xi-ô đã làm cho giáo phận phát triển mạnh mẽ, chủng viện tăng nhiều chủng sinh, nhờ tài cao đức độ và lòng nhiệt thành phục vụ của cha. Vì thế, năm 1794, Đức Cha đã đệ trình Tòa Thánh, xin đặt cha làm Giám mục phó của ngài.

Vị Tân Giám mục lúc đó mới 33 tuổi, nhưng hoạt động rất đắc lực. Ngài cùng với Đức Cha chánh thăm viếng hết các xứ đạo trong giáo phận, nâng đỡ các Linh mục, thiết lập nhiều tu viện, dạy dỗ, khuyến khích tín hữu. Chẳng may khi đến Lai Ôn, Đức Cha Phê bị sốt rét qua đời, ngày 02 tháng 02 năm 1799. Từ đó, một mình ngài đảm đang mọi việc, đến năm 1803 thì chọn thêm Đức Cha Minh phụ giúp.

Công cuộc điều hành và truyền giáo trong giáo phận phát triển tốt đẹp, thì năm 1838 vua Minh Mạng ra chiếu chỉ bắt đạo gắt gao, ngài cùng Đức Cha phụ tá phải đến ẩn trốn ở xứ Kiên Lao. Song vì có người tố cáo, ngày 27 tháng 05 năm 1838, quan quân kéo đến bao vây Kiên Lao. Đức Cha phụ tá trốn thoát, còn Đức Cha Y đã 76 tuổi già yếu, phải nhờ giáo hữu khiêng trên võng đi trốn, nên bị quân lính chận bắt, giải về phủ Xuân Trường, nhốt trong cái cũi gỗ ở ngoài trời, ngày đêm chịu nắng mưa rất khổ sở. Nhiều lần bị tra tấn đánh đập, ngài vẫn cương quyết giữ vững niềm tin nơi Chúa, nên quan đệ đơn xin vua xử tử. Nhưng bản án chưa về tới, ngài đã kiệt sức chết rũ tù ngày 12 tháng 07 năm 1838. Dù vậy, người ta vẫn thi hành bản án. Họ đem thi thể ngài ra pháp trường Bảy Mẫu, chặt đầu ném xuống sông. Hơn ba tháng sau mới vớt được, đem về chôn chung với thi hài của Ngài.

 THÁNH A-NÊ THÀNH (THÁNH ĐÊ)

A-nê Lê Thị Thành sinh khoảng năm 1781 tại Bái Điền, tỉnh Nam Định, trong một gia đình đạo đức cần mẫn. Năm 17 tuổi, cô lập gia đình với anh Nguyễn Văn Nhất ở giáo xứ Phúc Nhạc, tỉnh Ninh Bình. Vợ chồng sống hoà thuận hạnh phúc, sinh được hai trai là Đê và Trân với bốn người con gái. Theo tục lệ địa phương, người ta gọi cha mẹ bằng tên của con đầu lòng. Vì thế họ gọi ông bà là ông Đê bà Đê. Hai ông bà hiền lương đạo đức, tận tâm dạy dỗ con cái theo lề luật Chúa, đặc biệt dùng gương sáng đời sống làm phương thế giáo dục trên hết. Nhờ đó, các con của ông bà đều nên người hoàn hảo, sống xứng đáng người Công giáo.

Ngoài ra bổn phận gia đình, ông bà Đê rất nhiệt tâm đối với Chúa, nhất là kính trọng và sẵn sàng giúp đỡ các Linh mục trong lúc khó khăn bắt bớ, chính vì thế mà bà Đê bị bắt và chết vì đạo.

Dưới thời vua Thiệu Trị bắt đạo, có lắm Linh mục ẩn trốn tại giáo xứ Phúc Nhạc. Trong số đó có cha Thành ngụ tại nhà ông bà Đê, cha Lý ở nhà ông trùm Cơ. Cha Thành có người giúp việc tham tiền ham chức, đã đến tố cáo với quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Quan liền kéo quân đến bao vây. Cha Thành may mắn trốn thoát, cha Lý chạy sang vườn bà Đê, nhờ bà chỉ chỗ ẩn nấp, chẳng may quân lính trông thấy, đến bắt cha và bà Đê, áp giải về Nam Định.

Sáu ngày sau, quân lính điệu bà ra công đường, đánh đập tra tấn, buộc khai các Linh mục ẩn trốn và bỏ đạo. Bà nhất quyết không khai báo cũng chẳng bước qua Thánh giá, nên bị đóng gông tống ngục. Từ đó liên tiếp nhiều lần, bà bị tra khảo cực hình; có lần bị quân lính vừa đánh vừa lôi qua Thập giá, bà co hai chân lên, than khóc lớn tiếng:

- Lạy Chúa, con không bao giờ dám đạp lên Thánh giá Chúa. Con bị họ lôi kéo, xin Chúa thương xót con...

Lần khác, quan cho thả rắn độc vào trong áo của bà, bà vẫn bình tĩnh kêu xin Chúa, đứng yên không nhúc nhích nên rắn không cắn. Nhưng vì bị đánh đập tra tấn nhiều lần, bà kiệt sức và chết ngày 12 tháng 07 năm 1841, sau ba tháng chịu cực hình vì Chúa...

THÁNH PHÊ-RÔ KHANH

Phê-rô Khanh sinh khoảng năm 1780 tại làng Nguyên Kiệt, tỉnh Nghệ An, thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài.

Cậu dâng mình giúp việc Chúa ngay từ nhỏ. Lúc đầu được bề trên cho làm thầy giảng, sau đó thầy xin học thêm để làm Linh mục, vì thấy đoàn chiên Chúa còn thiếu nhiều chủ chăn. Và sau 14 năm tận tụy kiên trì học tập, năm 1812 thầy được thụ phong Linh mục khi đã 39 tuổi. Vị tân Linh mục nhìn nhận đây là một hồng ân cao cả Chúa ban. Và để đáp lại tình thương bao la của Chúa, ngài lăng xả vào cánh đồng truyền giáo, đem hết khả năng phục vụ các linh hồn, rao giảng đạo Chúa.

Càng hoạt động tông đồ, càng hăng say truyền giảng Tin mừng, ngài càng thấy rõ cảnh "lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít", đúng như Lời Chúa Giê-su phán. Nhất là trong thời buổi khó khăn bách hại nầy, bao nhiêu Linh mục bị tàn sát, công cuộc giảng đạo còn cần những kẻ kế thừa. Thế nên ngoài ra việc mục vụ hằng ngày, cha chiêu mộ số thanh thiếu niên đạo đức, hướng dẫn dạy dỗ, đào luyện Linh mục. Tổng số có 40 người trẻ tình nguyện. Và sau thời gian đào tạo huấn luyện, còn được 8 người làm Linh mục, nhờ đó mà giáo phận có thêm những thợ gặt năng nổ nhiệt thành mở mang Nước Chúa, do công lao hy sinh đóng góp của cha.

Nào ngờ mới đào tạo được số người cộng tác làm tông đồ như thế, thì cuối tháng giêng năm 1842, cha bị bắt trong chuyến đi công tác ở Hà Tỉnh. Quân lính dẫn cha về giam trong ngục. Suốt 6 tháng bị giam, mặc dầu phải chịu nhiều hình khổ, tra tấn, đòn vọt, cha vẫn giữ vững đức tin và tỏ ra hiền hoà thân thiện với mọi người. Đặc biệt nhờ biết xem mạch hốt thuốc, cha đã chữa nhiều người khỏi bệnh, khiến mọi người kể cả lính canh đều quý mến.

Sau nhiều lần khuyến dụ cũng như tra tấn không kết quả, quan đệ án xin vua trảm quyết. Ngày 12 tháng 07 năm 1842, án được thi hành. Sau hồi chiêng báo hiệu, đầu cha lìa khỏi cổ, linh hồn cha về hưởng phước Nước Trời.

Ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 đã tôn phong Đức Cha I-nha-xi-ô Y, cha Phê-rô Khanh và bà A-nê Đê lên bậc Hiển Thánh.

Quyết tâm: Hết lòng lo chu toàn bổn phận đối với gia đình, nhất là đối với Chúa; sẵn sàng hy sinh tất cả vì Chúa vì các linh hồn, đồng thời mời gọi nhiều người cộng tác giảng rao đạo Chúa, theo gương các thánh I-nha-xi-ô Y, Phê-rô Khanh và A-nê Đê tử đạo.

Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 13 tháng 07
THÁNH HEN-RI

Gương Thánh nhân: Thánh Hen-ri sinh năm 973, nước Đức, thuộc gia đình vương giả quý tộc. Lớn lên, Ngài được Đức Giám mục giáo phận Ra-tít-bon giáo dục đạo đức, và đã khấn giữ mình đồng trinh cho đến chết.

Nhưng cha mất sớm, Thánh nhân phải thay cha làm vua miền Ba-vi-ê. Ngài phải vâng lời mẹ lập gia đình. Nhưng Chúa quan phòng hướng dẫn Ngài cưới cô Cu-nê-gon-đa, một thiếu nữ xinh đẹp cả thể xác lẫn tâm hồn, chính cô cũng đã hứa với Chúa sống đời độc thân. Thế là cả hai sống với nhau như bạn thân cho đến chết.

Thánh nhân làm vua, cai trị nước Đức cả nước Ý, và được Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô thứ 8 tấn phong hoàng đế vào năm 1014. Ngài là một vị hoàng đế thông minh nhân đức, tính tình hiền hậu nhân ái, được toàn dân quý mến kính chuộng. Công việc trước tiên Ngài thực hiện là tái lập trật tự an ninh, công bằng xã hội, cho người dân được an cư lạc nghiệp. Ngài đi khắp nước dẹp loạn, chống áp bức bất công; đến đâu Ngài cũng tìm gặp những người nghèo khổ, kẻ thất nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho họ.

Và mặc dầu việc nước đa đoan. Thánh nhân cũng hết lòng lo giúp việc đạo. Ngài chọn những người tài đức lên làm Giám mục cai quản các giáo phận trong khắp cả nước Ý và nước Đức, đồng thời thành lập thêm nhiều giáo phận mới, mở mang Giáo hội, canh tân các dòng tu, xây dựng Thánh đường, như lời một tác giả đã viết về Ngài:

"Khi người tôi tớ thánh thiện của Thiên Chúa được xức dầu làm vua, Ngài không lấy việc lo cho phần đời làm đủ, nhưng để được triều thiên bất tử, Ngài còn lo chiến đấu cho Vua Cả trời đất, vì phục vụ Người là cai trị vậy. Thế nên Ngài ân cần mở mang đạo thánh làm cho các nhà thờ có tư hữu và trang hoàng lộng lẫy các nhà thờ đó. Ngài lấy chính đất của mình mà lập toà Giám mục Bam-béc, chọn hai Thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô với Thánh Gio-gi-ô tử đạo làm bổn mạng cho toà Giám mục ấy, lập hợp đồng đặc biệt giữa toà Giám mục và Toà Thánh Rô-ma, để quy về cho ngôi toà độc nhất cái vinh dự như ý Chúa muốn, và để làm cho toà Giám mục mới nhờ sự bảo trợ ấy mà được vững chắc hơn".

"Để cho mọi người thấy rõ người tôi tớ thánh thiện của Chúa đã lo lắng đến mức nào cho giáo phận mới nầy được bình an và êm thắm, ngay cả trong tương lai nữa, thì chúng tôi xin trích dẫn mẫu thư dưới đây để làm bằng chứng:

"Hen-ri nhờ lòng từ ái quan phòng của Chúa mà được làm vua, xin gởi lời thăm tất cả con cái trong Hội thánh, bây giờ và sau nầy. Chúng ta được Kinh Thánh dạy dỗ và nhắc nhở bằng những giáo huấn hết sức tốt lành, là phải từ bỏ của cải phù vân và đưa các lợi ích trần gian nầy xuống hàng thứ yếu, để lo cho được nơi cư ngụ vĩnh viễn ở trên trời..."

"Thế nên trẩm không hề quên ơn thương xót đó, cũng hằng ý thức rằng: nhờ lương hải hà nhưng không của Chúa mà được vinh dự hoàng đế nầy. Và vì vậy, trẩm nghĩ các việc sau đây thật là hợp lý: Không những trẩm phải trang hoàng thêm cho các đền thờ mà các bậc tiên vương đã xây dựng, mà để sáng danh Chúa hơn, trẩm còn phải xây dựng thật nhiều đền thờ khác và công đức nhiều vào đó để bày tỏ lòng đạo đức và biết ơn".

Thánh nhân qua đời ngày 13 tháng 7 năm 1024, sau khi đã tận lực phục vụ Thiên Chúa và đồng loại.

Quyết tâm: Noi gương Thánh Hen-ri, hằng ngày lo làm tròn bổn phận đối với gia đình, và quê hương xứ sở, đồng thời cũng hết lòng giúp việc Chúa và phục vụ Hội thánh Người.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Cha đã ban cho Thánh Hen-ri được đầy tràn ân sủng và đưa Thánh nhân từ ngai báu trần gian lên hưởng vinh quang thiên quốc. Vì lời Thánh nhân chuyển cầu, xin ban cho chúng con giữa cuộc sống hay thay đổi nầy, biết giữ lòng trong sạch ngay thẳng, mà mau bước tiến về cùng Chúa.

Ngày 14 tháng 07 
THÁNH CA-MI-LÔ LEN-LI, LINH MỤC

Gương Thánh nhân: Thánh Ca-mi-lô sinh tại Bát-si-a-ni-cô, năm 1550

Năm lên 17 tuổi, Thánh nhân theo cha gia nhập đoàn quân viễn chinh, chống lại quân đội Hồi giáo. Trong khi chiến đấu, Ngài bị thương, phải trở về quê nhà điều trị. Sau khi bình phục, Ngài bắt chước bạn xấu ăn chơi trụy lạc đến hết tiền hết của, phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống hằng ngày. Những lúc thất nghiệp, Ngài phải đi ăn xin. Và sau cùng đã được và giúp việc cho một nhà dòng.

Nhờ lời các cha dòng khuyên bảo, Ngài ăn năn hối lỗi và than thở với Chúa:

- Lạy Chúa: thật khốn thân con. Con biết Chúa quá muộn. Con đã bao lần giả điếc làm ngơ trước lời kêu gọi của Chúa. Xin Chúa thương tha cho con. Xin Chúa thương tha cho kẻ tội lỗi khốn nạn nầy!...

Và ngay hôm đó, Ngài đã xin gia nhập vào dòng, lúc đó Ngài đã 25 tuổi. Ngài lo đọc kinh cầu nguyện, ăn chay hãm mình hằng ngày, để đền bù bao tội lỗi đã phạm. Nhưng không được bao lâu, vết thương ở chân Ngài lại tái phát. Ngài phải rời nhà dòng, đi điều trị tại bệnh viện ở Rô-ma.

Trong thời gian nằm ở bệnh viện, Thánh nhân đã nhận ra ơn gọi đặc biệt Chúa ban cho Ngài. Ngài thấy các nhân viên bệnh viện rất vô tâm, nhiều khi đối xử tàn nhẫn với người bệnh. Từ đó, Ngài hiến thân phục vụ bệnh viện. Ngày đêm Ngài tận tụy hy sinh giúp đỡ họ, và mời gọi thêm bạn hữu cộng tác. Nhiều khi công việc nặng nề vất vả, các bạn than van chán nản, Ngài khuyên lơn an ủi:

Chúng ta chớ nản lòng. Chúng ta giúp đỡ các bệnh nhân là giúp đỡ chính Chúa. Người sẽ thuởng chúng ta.

Một bạn đồng nghiệp với Thánh nhân nói về Ngài:

"Tôi phải bắt đầu bằng nhân đức bác ái vì là căn nguyên và là đặc sủng quen thuộc hơn hết của Ca-mi-lô. Tôi phải nói rằng Ngài cháy lửa nhân đức nầy không những đối với Thiên Chúa mà còn đối với tha nhân và nhất là đối với bệnh nhân, đến nỗi chỉ cần nhìn thấy họ là lòng Ngài đã mềm và chảy ra, khiến Ngài quên hết mọi lạc thú, vui thoả và dính bén ở đời nầy; khi săn sóc một bệnh nhân nào, Ngài tỏ ra hoàn toàn bị thu hút và thiêu hủy. Trong sự yêu thương phục vụ người ấy hết mình, Ngài muốn mang vào mình mọi đau đớn và khổ sở của họ, để làm nhẹ bớt đau thương hay chữa khỏi tật nguyền cho họ.

"Ngài như nhìn thấy con người Đức Ki-tô nơi họ một cách mãnh liệt, đến nỗi nhiều khi lúc cho họ ăn, Ngài tưởng họ là chính Đức Ki-tô, nên nài xin họ, ban ơn và tha thứ tội lỗi cho mình. Ngài đứng trước mặt họ một cách cung kính như thật sự ở trước mặt Chúa. Trong lúc trò chuyện, không có gì được Ngài năng pha vào và sốt sắng thêm vào bằng những câu về đức ái, mà Ngài muốn gieo vào lòng hết thảy mọi người".

Để phục vụ các bệnh nhân đắc lực hơn, Thánh nhân đã xin theo học và tập mình làm Linh mục. Năm 1584, Ngài được thụ phong và dâng Thánh lễ đầu tiên tại nhà thờ Thánh Gia-cô-bê, và lãnh nhiệm vụ cai quản Thánh đường Đức Bà hay làm phép lạ. Chính nơi đây, Ngài đã thành lập tu hội "Anh Em Giúp Đỡ Bệnh Nhân". Năm 1591, Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô thứ 15 đã nâng tu hội của Ngài thành Dòng tu. Ngoài ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và tuân phục, các tu sĩ thuộc dòng Ngài còn khấn hiến thân phục vụ những người đau khổ bệnh tật.

Thánh nhân qua đời ngày 14 tháng 7 năm 1614 tại Rô-ma. Và năm 1746, Ngài được Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô tôn phong hiển Thánh.

Quyết tâm: Noi gươngThánh Ca-mi-lô, hết lòng ăn năn hối lỗi mỗi khi lầm lỗi sa ngã, và suốt đời thương yêu giúp đỡ những người đau khổ, nhất là những kẻ bệnh hoạn tật nguyền.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Thánh Linh mục Ca-mi-lô lòng bác ái phi thường đối với người ốm đau bệnh tật. Vì công đức của Thánh nhân, xin tuôn đổ vào lòng chúng con tinh thần bác ái của Chúa, để chúng con biết phụng sự Chúa nơi anh em, và trong giờ lâm tử, chúng con được đến cùng Chúa thật vững dạ an lòng.

Ngày 15 tháng 07 
THÁNH BÔ-NA-VEN-TU-RA
Giám Mục Tiến Sĩ

Gương Thánh nhân: Thánh Bô-na-ven-tu-ra sinh tại Tốt-can, nước Ý, năm 1221.

Lúc lên 4 tuổi, Thánh nhân lâm bệnh nặng, không phương cứu chữa, Mẹ Ngài đem đến nhờ Thánh Phan-xi-cô cầu nguyện. Và Chúa đã nhậm lời cho Ngài lành mạnh. Ngài luôn nhớ ơn đó, nên sau nầy Ngài đã vào tu dòng của Thánh Phan-xi-cô.

Năm 15 tuổi, Thánh nhân được cha mẹ gởi đến học ở Ba-lê là trung tâm văn hoá thời đó, Ngài theo học triết lý và thần học với giáo sư nổi tiếng A-lệ-sơn.

Chính trong thời gian học ở đây, Ngài đã gặp Tô-ma A-qui-nô là một sinh viên tài ba lỗi lạc. Hai người kết bạn thân với nhau, và thường lui tới học hỏi nhau về các môn học phần đời cũng như về đàng nhân đức trọn lành. Thấy bạn thông minh tài đức, Tô-ma A-qui-nô hỏi: - Bạn học sách nào?

Ngài chỉ cây Thánh giá và nói: - Tôi học với Chúa Giê-su chịu đóng đinh, chính trong các vết thương đẫm máu của Người, tôi múc lấy mọi sự thông biết cho tôi.

Khoảng năm 1243, Thánh nhân gia nhập dòng Thánh Phan-xi-cô. Nhà Dòng thấy Ngài nhơn đức lại khôn ngoan thông giỏi, nên năm 1257 đã bầu Ngài làm Bề trên Cả của dòng. Lúc đó trong dòng đang gặp cơn xung khắc giữa những người nhiệt tâm muốn tuân giữ luật dòng nhiệm nhặt với những người muốn giảm bớt. Ngài đã giải quyết ổn thoả các cuộc tranh chấp, và đã ban hành hiến pháp chung cho dòng. Ngài cũng viết nhiều sách để huấn luyện các tu sĩ về đàng nhân đức thánh thiện.

Trong tác phẩm bàn về con đường hướng tâm hồn lên Chúa, Thánh nhân viết:

"Chúa Ki-tô là đường đi và là cửa vào. Chúa Ki-tô là thang và là xe. Người như bàn xá tội đặt trên hòm bia Thiên Chúa và là mầu nhiệm giấu kín từ khởi nguyên.

Ai nhất định quay mặt hẳn về bàn xá tội ấy là nhìn Chúa chịu treo trên thập giá với lòng tin, cậy, mến và lòng sốt sắng, ngưỡng mộ, hân hoan, cảm mến, ca tụng và vui mừng, người ấy sẽ nhờ cây thập giá mà làm cuộc Vượt qua Biển Đỏ...

Trong cuộc vượt qua nầy, nếu muốn nên hoàn hảo, thì phải bỏ mọi sinh hoạt của trí năng, phải biến đổi và chuyển hướng trọng tâm của mọi khát vọng vào Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm vô cùng sâu kín, chẳng ai biết được nếu không nhận được, và chẳng nhận được nếu không ao ước, và chẳng ao ước nếu không được Thánh Thần mà Chúa Ki-tô sai xuống trần gian, đốt lửa lên ở trong lòng. Thế nên Thánh tông đồ bảo đây là sự khôn ngoan mầu nhiệm do Chúa Thánh Thần mạc khải".

Ngoài ra việc bổn phận trong dòng, Thánh nhân còn đi giảng thuyết nhiều nơi, kêu gọi mọi người sống đời trọn lành. Chính Ngài là người đầu tiên khởi xướng ba giai đoạn trong khoa tu đức là thanh đạo, minh đạo và hiệp đạo. Đó là ba thời kỳ cần phải tập luyện để tiến tới sự trọn lành.

Năm 1265, Đức Giáo Hoàng Clê-mên-tê thứ tư chọn Ngài làm Tổng Giám mục, vì lòng khiêm tốn Ngài đã từ chối.

Nhưng khi Đức Thánh Cha Ghê-gô-ri-ô thứ 10 quyết định đặt Ngài làm Hồng Y, Ngài phải vâng lời và đi dự Công đồng chung Ly-on.

Sau khi dự Công đồng, Thánh nhân đã qua đời ngày 15 tháng 7 năm 1274, được Đức Giáo Hoàng Six-tê thứ tư tôn phong hiển Thánh, và Đức Six-tê thứ năm đặt làm tiến sĩ Hội thánh.

Quyết tâm: Hằng ngày tôi nhìn lên Thánh giá Chúa mà tập sống khiêm nhượng, bác ái như Thánh Bô-na-ven-tu-ra, vì đó là đường trọn lành dẫn đưa vào Nước Trời.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đang hiệp nhau mừng ngày Thánh Giám mục Bô-na-ven-tu-ra về trời. Xin cho chúng con vừa được đức khôn ngoan phi thường của Thánh nhân soi sáng, vừa được đức bác ái của người khích lệ.

THÁNH PHÊ-RÔ NGUYỄN BÁ TUẦN
VÀ AN-RÊ NGUYỄN KIM THÔNG
Linh Mục và Trùm Họ Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Thói tham lam ích kỷ làm cho con người ta bất nhân độc ác, không còn kể gì đến luân thường đạo nghĩa. Chính vì tham tiền, Giu-đa đã bán Chúa, mặc dầu Chúa nhiều lần cảnh cáo, khuyên nhủ, tỏ tình thương cứu vớt ông.

Thánh Phê-rô Tuần và An-rê Thông đây cũng đồng số phận như Chúa. Các ngài đã bị những người thân tín tham lam tiền của danh vọng tố cáo với vua quan. Nhưng nhờ đó các ngài được làm chứng cho Chúa và lãnh nhận triều thiên tử đạo, như Chúa Giê-su nhờ Giu-đa bán, đã chịu tử hình khổ giá, chu toàn sứ mạng cứu rỗi loài người.

Phê-rô Nguyễn Bá Tuần sinh năm 1766, tại Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ nhỏ, cậu đã ước muốn dâng mình cho Chúa, nên nhờ một cha thừa sai dòng Đa-minh dạy dỗ huấn luyện. Ít lâu sau, cậu được giới thiệu vào chủng viện, tiếp tục học hành tu luyện. Nhưng chưa được bao lâu, vua Cảnh Thịnh ra chiếu chỉ cấm đạo, chủng viện bị đóng cửa, thầy Phê-rô phải ẩn trốn nay đây mai đó, đợi chờ cơn bắt đạo lắng dịu. Đúng như lòng thầy nguyện ước, thời gian sau chủng viện được mở cửa lại, thầy trở về học tập tiếp thêm. Và năm 1807, thầy được Đức Cha Y phong chức Linh mục.

Từ ngày được làm Linh mục, cha Phê-rô hết sức nhiệt thành hoạt động tông đồ, mở mang Nước Chúa. Cha công tác mục vụ nhiều nơi, giúp giáo đoàn sốt sắng sống đạo, đem nhiều người lương trở lại.

Sau 20 năm hoạt động truyền giáo đó đây, cha được Bề trên gọi về họ đạo Lái Môn, tỉnh Nam Định. Năm 1838, giữa lúc vua Minh Mạng cấm đạo gắt gao, cha nghe tin cha Chính Phét-năn-đê Hiền bệnh nặng tại Quần Liêu, không ai giúp đỡ vì sợ liên lụy, cha liền đến đó, tìm cách đem cha đi chữa bệnh tại họ đạo Kim Sơn. Nhưng ở đây, quan quân cũng đang tầm nã bắt đạo dữ dội, nên cha sở Kim Sơn gởi gấm các ngài cho Bát Biên là một người ngoại đạo rất có thiện cảm với cha. Không ngờ Bát Biên tham tiền, đem nộp cha và cha Tuần cho quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh, để được lãnh thưởng.

Lúc đó cha Tuần đã 72 tuổi, dù tuổi già sức yếu, ngài vẫn can đảm gánh chịu đòn vọt, tra tấn, tù ngục để giữ vững đức tin. Quan tổng đốc thấy cha già yếu thì khuyên: - Bước qua Thập giá đi, tôi sẽ thả ông về. Ông già quá rồi, chịu cực hình không nổi nữa đâu .

Cha tin tưởng trả lời: - Chúa ban cho tôi đủ sức chịu khổ hình chịu chết vì Ngài

Ít ngày sau, vì phải chịu nhiều hình khổ nặng nề, và do tuổi cao sức yếu, cha đã chết rũ tù ngày 15 tháng 07 năm 1838. Và ngày 27 tháng 05 năm 1900 Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã phong Chân Phước cha ngài. Và Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.

An-rê Nguyễn Kim Thông (quen gọi là Năm Thuông), sinh năm 1790, tại giáo xứ Gò Thị, giáo phận Quy Nhơn.

Lớn lên, An-rê lập gia đình. Vợ chồng sống thuận hoà hạnh phúc, nhờ siêng năng sốt sắng thờ phượng Chúa. Đặc biệt ông rất chú trọng việc dạy dỗ con cái về đàng nhân đức, nhờ đó hai người con của ông đã được Chúa gọi làm Linh mục và tu sĩ.

Dân làng thấy ông hiền lương đạo đức, nên bầu lên làm xã trưởng, còn giáo hữu trong xứ thì cử ông làm trùm họ. Ông luôn luôn chu toàn bổn phận cách hết sức nhiệt thành chu đáo, sẵn sàng hy sinh giúp đỡ mọi người, không phân biệt lương giáo. Ông là người cộng tác đắc lực với các Linh mục trong việc tông đồ mở mang Nước Chúa. Và trong thời bách hại, nhà ông là nơi trú ẩn an toàn cho các vị Truyền giáo.

Ngoài ra tinh thần bác ái tông đồ, ông còn có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Hằng ngày ông sốt sắng lần chuỗi Môi Khôi, suy gẫm các mầu nhiệm trong đời sống của Chúa và Đức Mẹ, noi theo gương lành các ngài. Ông có đứa cháu tên là Út, tánh tình ngang bướng, ăn chơi, trụy lạc. Ông thương nó, muốn giúp nó cải thiện đời sống, bỏ thói phóng đảng chơi bời; ông đã nhiều lần khuyên bảo mà nó không chịu nghe, nên ông tức giận quở mắng nó. Nhưng thay vì sửa mình, nó trở lại thù ghét ông, tố cáo ông chứa chấp giáo sĩ. Quan liền cho lính đến bắt ông, dẫn về giam tại tỉnh Bình Định.

Nhờ lúc làm xã trưởng, ông thường tiếp xúc và quen biết với quan, nên dù bị tù ngục, ông không phải chịu đánh đòn tra tấn, mà thỉnh thoảng còn được về thăm gia đình. Dùng dịp nầy, ông lui tới với vợ con, khuyên bảo khuyến khích mọi người trung thành bền đỗ tin theo Chúa. Thấy vợ con thương khóc muốn chuộc ông về sum họp gia đình, ông nói: - Tôi đã già rồi, không còn ham sống mà làm gì nữa. Tôi sẵn sàng chịu chết vì Chúa. Xin đừng ai vận động xin thả tôi .

Rồi ông tình nguyện trở vào ngục. Trong thời gian ba tháng ở đây, nhiều lần quan dụ dỗ ông bỏ đạo, bước qua Thập giá, để được trở về với gia đình. Nhưng ông luôn luôn từ chối, nhất quyết trung thành theo Chúa đến cùng. Thế nên quan kết án đày ông vào Mỹ Tho, một tỉnh miền Nam . Vì đường xa xôi, phần bị gông cùm xiềng xích nặng nề và tuổi già sức yếu, ông phải đi hết sức mệt nhọc khổ sở, nên khi vừa tới Mỹ Tho, ông té ngã xuống đất, trút hơi thở cuối cùng, ngày 15 tháng 7 năm 1855.

Đức Thánh Cha Pi-ô 10 đã phong Chân Phước cho ông ngày 02 tháng 05 năm 1909. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 đã suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Phê-rô Tuần, và An-rê Thông tử đạo, nhiệt thành rao giảng đạo Chúa, sẵn lòng hy sinh giúp đỡ mọi người, siêng năng lần chuỗi Môi Khôi, và can đảm làm chứng cho Chúa đến cùng.

Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

1821    09-03-2011 07:44:50