Ngày 16 tháng 07
ĐỨC MẸ NÚI CA-MÊ-LÔ
Núi Ca-mê-lô là nơi ngôn sứ Ê-li-a ẩn trú trong cơn bách hại, để bảo vệ niềm tin cho mình và cho những người muốn trung thành với Chúa.
Dần dần những người muốn dâng mình cho Chúa tụ họp về đây, tập sống đời nhiệm nhặt, ăn chay hãm mình, cầu nguyện. Năm 38, họ xây cất một nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ Ma-ri-a và chọn Đức Mẹ làm Đấng Bảo trợ cho cả cộng đoàn. Thế là Dòng Đức Mẹ Núi Ca-mê-lô xuất hiện từ đó, và được Đức Giáo Hoàng Hô-nô-ri-út thứ 3 chuẩn nhận năm 1226.
Trong thời gian người Hồi giáo tấn công Thánh địa, tàn sát người Công giáo, các đan sĩ dòng phải rời bỏ núi Ca-mê-lô, chạy về nước Pháp, thành lập nhà dòng ở đây và cũng đến lập dòng tại nước Anh. Chính nơi đây, nhà dòng được tiếp nhận Thánh Si-mon Stóc-kô vào dòng. Và năm 1245, Thánh nhân nhận làm bề trên dòng. Ngài chỉnh đốn lại nếp sống các đan sĩ, đặc biệt củng cố lại lòng sùng kính Đức Mẹ.
Thánh nhân tha thiết kêu xin Đức Mẹ ban cho nhà dòng một ân huệ. Tương truyền ngày 16 tháng 07 năm 1251, Đức Mẹ đã hiện ra với Ngài. Đức Mẹ mặc áo Dòng Ca-mê-lô, xung quanh có thiên thần hầu cận, nét mặt tươi cười tay cầm chiếc "áo Đức Bà Ca-mê-lô" trao cho Ngài và bảo: - Đây là ân huệ Mẹ ban cho các đan sĩ dòng Ca-mê-lô. Ai mang áo nầy thì khi chết sẽ thoát khỏi lửa đời đời.
Ngày lễ kính Đức Mẹ Ca-mê-lô hôm nay nhắc lại việc Đức Mẹ ban ân huệ đó. Và gốc tích Áo Đức Bà Ca-mê-lô phát xuất từ đây.
Ngoài ra, Đức Mẹ cũng cho Đức Giáo Hoàng Gioan 22 biết: những ai sống theo tinh thần Dòng Ca-mê-lô thì sẽ được Đức Mẹ cứu ra khỏi luyện ngục, ngày thứ bảy sau khi chết.
Từ đó, những ai không có điều kiện gia nhập Dòng mà tin tưởng lời hứa của Đức Mẹ, đều xin nhận áo Đức Bà Ca-mê-lô và mang trong mình hằng ngày cho đến chết. Việc sùng kính Đức Bà Ca-mê-lô ngày càng lan rộng khắp nơi trong Hội thánh. Có thể nói tất cả những ai có lòng mộ mến Đức Mẹ và mong được ơn chết lành đều mang áo nầy!
Năm 1726, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô thứ 13 ban hành sắc lệnh mầng lễ Đức Mẹ Núi Ca-mê-lô trong toàn thể Giáo hội, để kính nhớ ngày Đức Mẹ hiện ra ban cho áo đặc biệt nầy.
Quyết tâm: Hằng ngày chạy đến kêu xin Đức Mẹ cầu cùng Chúa ban cho mọi ơn lành phần hồn phần xác, nhất là ơn được chết lành, bằng cách siêng năng sốt sắng lần chuỗi Môi khôi.
Lời nguyện: Lạy Chúa, vì lời Đức Trinh Nữ Maria cầu thay nguyện giúp, xin Chúa luôn bảo vệ và hướng dẫn con trên đường đời, để chúng con thẳng tiến về Núi Thánh, là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.
Ngày 20 tháng 07
THÁNH GIU-SE AN, Giám Mục Tử Đạo
Gương Thánh nhân: Sáng ngày 20 tháng 07 năm 1857, quân lính điệu Đức Cha Giu-se ra pháp trường tỉnh Nam Định. Ngài vừa đi vừa thầm thỉ cám ơn Chúa, vì Chúa đã thương cho ngài được đổ máu ra hiệp cùng Máu Thánh Chúa Giê-su cứu chuộc nhân loại. Đến nơi, ngài trao cho viên chỉ huy 30 quan tiền và nói: - Xin ông nhận số tiền nầy, và ra lệnh cho lý hình chém tôi 3 nhát, chứ đừng chém một nhát: nhát thứ nhất để tôi tạ ơn Chúa, nhát thứ hai để tôi đền ơn cha mẹ, nhát thứ ba để nêu gương cho bổn đạo tôi trung thành sống chết theo Chúa
Thật là một cử chỉ anh hùng Đức Cha Giu-se An đã để lại cho hậu thế. Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Chúa, ngài còn muốn nêu gương cho các tín hữu can đảm tuyên xưng đức tin, để được hưởng triều thiên tử đạo với ngài. Lúc sống, ngài đã nhiệt thành đem ơn cứu rỗi đến cho họ; khi chết, ngài cũng muốn họ thông phần hạnh phúc muôn đời.
Giu-se An sinh năm 1818, tại Lu-gô, nước Tây-ban-nha. Lớn lên, cậu được Chúa gọi dâng mình cho Chúa, gia nhập chủng viện ở Lu-gô và sau vào đại học. Trong thời gian nầy, thầy được biết các Linh mục dòng Đa-minh giảng đạo tại Viễn Đông. Ơn Chúa soi sáng thầy mến mộ công cuộc truyền giáo ở miền xa, nên đã xin vào Dòng Thuyết giáo và được gởi học tại Ca-đê.
Ngày 23 tháng 03 năm 1844, thầy thụ phong Linh mục, và sau đó được lên đường đi giảng đạo. Vị tân Linh mục đến địa phận Đông Đàng Ngoài ngày 12 tháng 09 năm 1845. Sau thời gian học tiếng Việt, cha lấy tên là An và được đặt cử làm Giám đốc Chủng viện Lục Thủy. Nhưng năm 1848, vua Tự Đức ra chiếu chỉ cấm đạo gắt gao, chủng viện phải đóng cửa, cha và một số chủng sinh đến ẩn náu ở miền Cao Xá, lén lút học hành tu luyện.
Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng Pi-ô 9 thiết lập địa phận Trung, tách khỏi địa phận Đông Đàng Ngoài, và đặt cha Mát-ti Gia làm Giám mục địa phận mới. Trong sắc lệnh bổ nhiệm, Toà Thánh cho vị Tân Giám mục quyền chọn Giám mục phó. Vì thế Đức Cha Gia chọn cha Giu-se An làm Giám mục phó của ngài. Từ đó, hai vị Tân Giám mục hăng say cộng tác điều khiển giáo phận, mở mang Nước Chúa.
Nhưng chưa được bao lâu, Đức Cha Gia lâm bệnh nặng qua đời ngày 26 tháng 04 năm 1850, Đức Cha An phải một mình gánh lấy trách nhiệm điều hành giáo phận và công cuộc truyền giáo. Nhờ tài đức của ngài, việc giảng đạo ngày càng kết quả. Số người theo đạo ngày càng đông, chỉ trong năm 1852, số rửa tội đã lên đến hơn 28 ngàn người.
Năm 1854, nhiều nhóm dân nổi dậy chống lại triều đình, Đức Cha cấm giáo dân tham gia. Nhờ đó, các quan giảm bớt việc bắt bớ người Công giáo. Tổng đốc Nguyễn Đình Tân biết rõ nơi Đức Cha ở, nhưng không cho quân lính đến bắt, và còn hứa nếu khi nào phải bắt Đức Cha thì sẽ báo trước. Nhưng tháng 05 năm 1857, đang lúc quan thượng thư có mặt ở Nam Định, tên chánh Mẹo đến tố cáo có Tây Dương Đạo trưởng tên An ở Bùi Chu. Quan tổng đốc buộc lòng phải sai quân đi bắt Đức Cha. Quan cũng cho báo trước, song tin chưa kịp đến thì Đức Cha đã bị bắt.
Quân lính giải nộp Đức Cha về Nam Định, tổng đốc Nguyễn Đình Tân sợ quan Thượng thư biết mình che chở Đức Cha, nên ra lệnh tra tấn và tống ngục. Nhiều lần vị anh hùng đức tin bị bắt ép bước qua Thánh giá, nhưng ngài luôn can đảm chống đối, nên bị kết án tử hình. Ngày 20 tháng 07 năm 1857, quân lính điệu ngài ra pháp trường. Và theo lời ngài yêu cầu, tên lý hình đã chém ngài 3 nhát, đưa linh hồn vị chứng nhân anh dũng của Chúa vào Thiên Quốc. Ngày 29 tháng 04 năm 1951, Đức Thánh Cha Pi-ô 12 đã phong Chân Phước cho ngài, và Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô 2 suy tôn ngài lên Hiển Thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.
Quyết tâm: Nhiệt thành rao giảng đạo Chúa bằng lời cầu nguyện, việc hy sinh hằng ngày, nhất là luôn luôn nêu gương can đảm chịu khổ chịu cực vì Chúa, như thánh Giám mục Giu-se An tử đạo.
Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.
Ngày 21 tháng 07
THÁNH LÔ-REN-SÔ BRIN-ĐI-SI,
Linh Mục Tiến Sĩ
Gương Thánh nhân: Thánh Lô-ren-sô sinh tại Brin-đi-si, miền nam nước Ý, năm 1559, trong một gia đình đạo đức sốt sắng, nhờ đó Thánh nhân sớm tiến tới trên đàng nhân đức.
Lớn lên, Thánh nhân dâng mình cho Chúa. Ngài vào dòng Thánh Phan-xi-cô ở Vê-rô-na ngày 18 tháng 02 năm 1575. Được bề trên gởi học ở Pa-đua, với trí thông minh và chuyên cần, Ngài học biết nhiều thứ tiếng và thông suốt nhiều khoa học Thánh. Chính nhờ tài học cao hiểu rộng đó mà sau nầy Ngài giúp ích rất nhiều cho Hội thánh, nhất là đương đầu với lạc giáo thệ phản.
Năm 1582, Thánh nhân được thụ phong Linh mục. Từ đó Ngài đi rao giảng Chúa trong cả nước Ý và nhiều nước khác ở Âu Châu.
Ngài nói: "Việc rao giảng Lời Chúa thì cần cho đời sống thần thiêng, như việc gieo giống thì cần cho đời sống thân xác vậy...
"Thế nên rao giảng là một nhiệm vụ tông đồ, nhiệm vụ thiên thần, nhiệm vụ Ki-tô hữu, nhiệm vụ thần thánh. Lời Chúa đầy mọi sự tốt lành vì giống như một thứ kho tàng đầy mọi thứ của cải. Bởi vì từ Lời Chúa mà có đức tin, đức cậy, đức mến, mọi nhân đức khác, mọi ơn Thánh Thần, mọi mối phúc Tin mừng, mọi việc lành, mọi công nghiệp ở đời nầy, mọi vinh quang thiên đường: Anh em hãy nhận lấy Lời đã gieo trong lòng, Lời có sức cứu được linh hồn anh em.
"Quả thật, Lời Chúa là ánh sáng soi cho trí tuệ, là lửa cho ý chí để loài người có thể nhận biết và yêu mến Chúa. Và đối với con người nội tâm sống bằng Thần Khí Chúa nhờ ân sủng, thì đó là bánh và nước: bánh ngọt hơn mật và bọng ong, nước tốt hơn sữa và rượu; còn đối với linh hồn thiêng liêng thì đó là kho tàng các công nghiệp, nên gọi là vàng và đá vô cùng quý giá; đối với tâm hồn cố chấp trong thói hư, thì đó là cái búa; và đối với xác thịt thế gian và ma quỷ thì Lời Chúa là gươm tiêu diệt mọi tội lỗi".
Năm 1598, Thánh nhân được phái sang nước Đức thành lập nhiều tu viện. Trong thời gian quân Thổ-nhỉ-kỳ tấn công các nước Công giáo vùng nầy, Ngài cùng với đạo binh thánh giá chống lại họ và đã chiến thắng vào năm 1610. Đặc biệt ngài rao giảng kêu gọi nhiều người theo bè rối Lu-te quay về với chân lý.
Vì nhiệt thành bênh vực đạo Chúa và tài trí thông minh sáng suốt, Thánh nhân được bầu làm Bề Trên tổng quyền nhà dòng năm 1602. Ngài luôn nêu gương sống khắc khổ, cầu nguyện, hy sinh cho các tu sĩ, đồng thời chăm lo hướng dẫn họ đàng trọn lành. Ngài còn dành thời giờ viết nhiều sách tu đức, biện giáo, chú giải Thánh Kinh.
Thánh nhân qua đời ngày 27 tháng 07 năm 1619 tại Lít-bon. Năm 1881, Đức Giáo Hoàng Lê-ô 13 tuyên phong Ngài lên bậc Hiển Thánh và năm 1959, Đức Thánh Cha Gioan 23 đặt Ngài làm Tiến sĩ Hội thánh.
Quyết tâm: Noi gương Thánh Lô-ren-sô Brin-đi-si, tôi đem hết tài năng sức lực rao giảng Lời Chúa bằng lời nói việc làm, để bênh đỡ Hội thánh, và thuyết phục những người lầm lạc quay về với Chúa.
Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Thánh Linh mục Lô-ren-sô thần trí khôn ngoan và dũng lực, để làm vinh danh Chúa và cứu các linh hồn. Xin nhận lời Thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà ban thần trí đó cho chúng con, để chúng con biết việc phải làm, và làm điều đã biết.
Ngày 22 tháng 07
THÁNH NỮ MA-RI-A MA-ĐA-LÊ-NA
Gương Thánh nhân: Thánh Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, là con một gia đình phú quý sang trọng. Sau khi cha mẹ mãn phần, Ngài được hưởng một lâu đài kếch sù ở Mát-đa-la, miền Ga-li-lê, do đó người ta gọi Ngài là Ma-ri-a Ma-đa-lê-na.
Với cái gia tài to tác nầy, Ma-ri-a sống xa hoa, đài các, sa đọa, trụy lạc đến nỗi trở nên nô lệ ma quỷ, bị ma quỷ ám hại!...
Nhưng Chúa Giê-su thương Ma-ri-a, khiến cho nàng ước muốn gặp Người. Và đây cơ hội thuận tiện đã đến. Nàng nghe tin Chúa dự tiệc tại nhà ông Si-mon biệt phái, nàng chạy đến để gặp Người:
Và kìa một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: "Nếu quả thật ông nầy là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi !" Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: "Này ông Si-mon, tôi có điều muốn nói với ông !" Ông ấy thưa: "Dạ, xin Thầy cứ nói". Đức Giê-su nói: "Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người nợ năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thưong tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?" Ông Si-mon đáp: "Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn". Đức Giê-su bảo: "Ông xét đúng lắm".
Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-mon: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít." Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi". (Lc. 7, 37-48)
Từ đó, Ma-ri-a Ma-đa-lê-na nhiệt thành đi theo giúp việc Chúa, sống đời đạo đức thánh thiện. Khi Chúa chết, Ngài đứng dưới chân thập giá. Trong lúc mai táng Chúa, Thánh nữ cũng có mặt với các môn đệ, chính Ngài đã chứng kiến ngôi mộ trống và là người đầu tiên nhận ra Chúa phục sinh và loan báo Tin mừng phục sinh cho các môn đệ.
Thánh Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô Cả đã khen ngợi lòng yêu mến thiết tha của thánh nữ:
"Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, sau khi ra mồ không thấy xác Thầy mình ở đây nữa, liền tưởng người ta đã mang Thầy mình đi rồi và chạy đi đưa tin cho các môn đệ. Các môn đệ tới, thấy như vậy và tin lời người phụ nữ đã nói. Sách Thánh đã viết về họ rằng: Vậy các môn đệ trở về nhà. Nhưng tiếp theo: Còn Ma-ri-a thì đứng lại ở cửa mồ mà khóc lóc.
"Trong câu chuyện nầy, ta phải xem tình yêu đã cháy lòng người phụ nữ kia đến thế nào, bởi vì dù các môn đệ đã ra về, chị vẫn không rời bỏ mồ Chúa. Chị còn muốn tìm Đấng mà người ta không thấy, chị khóc lóc mà tìm và cháy lửa yêu mến, chị càng nồng nàn ao ước Đấng mà chị tưởng là người ta đã mang đi: chính vì vậy mà chỉ một mình chị đã thấy Người, vì chị đã ở lại mà tìm, vì giá trị của việc lành nằm ở chỗ kiên trung, như Đấng là chân lý đã phán: Ai kiên trung đến cùng sẽ được cứu rỗi".
Quyết tâm: Xin Chúa cho kính mến Chúa nhiều, để được Chúa tha tội nhiều như Thánh nữ Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, và noi gương Ngài mà nhiệt thành loan báo Tin mừng phục sinh cho mọi người.
Lời nguyện: Lạy Chúa Cha hằng hữu, Thánh nữ Ma-ri-a Ma-đa-lê-na là người thứ nhất được Con Một Chúa giao cho sứ mạng loan Tin mừng Phục sinh. Nhờ lời Thánh nữ chuyển cầu, xin cho chúng con cũng biết noi gương Người, mà rao giảng mầu nhiệm Chúa Ki-tô Phục sinh, để mai sau được vào Nước Trời chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Ngày 23 tháng 7
THÁNH BI-GÍT-TA, Nữ Tu
Thánh Bi-gít-ta sinh tại Phin-tác, nước Thụy điển, ngày 14 tháng 06 năm 1303, trong gia đình vương giả.
Năm lên 10 tuổi, trong một buổi dự Thánh lễ, Thánh nhân nghe giảng về sự thương khó Chúa Giê-su thì hết sức cảm động. Và từ đó Ngài đem lòng mộ mến Chúa chịu chết cách đặc biệt, đến nỗi nhiều đêm nằm ngủ, Ngài mơ thấy Chúa Giê-su mình đầy thương tích, bê bết máu me, và Ngài khóc sướt mướt vì thương mến Người!...
Mới 11 tuổi, Thánh nhân đã phải mồ côi mẹ, Ngài sống với người dì cho đến năm 13 tuổi. Ngài mong ước sống độc thân, giữ mình khiết tịnh, hiến trọn tình yêu cho Chúa. Nhưng vì vâng lời dì, Ngài phải kết hôn với Gút-mác-son là con một gia đình quyền quý nhất trong vùng. Ngài có 8 người con, trong số đó có người con trai thứ tư là tu sĩ dòng Xi-tô, và người con gái đạo đức thánh thiện đã được phong Thánh năm 1476 là Thánh nữ Ca-ta-ri-na.
Thánh nhân luôn sống xứng đáng là người vợ hiền đối với chồng, và người mẹ gương mẫu đối với con cái. Ngài luôn giữ gìn gia đình sống trong thuận hoà yêu thương, siêng năng sốt sắng thờ phượng Chúa, tránh khỏi mọi lỗi lầm thói xấu. Hằng ngày Thánh nhân thường khuyên bảo các con: - Không có gì cần thiết và quý giá cho bằng học hỏi thực hành Lời Chúa, và noi gương các Thánh.
Sau khi chồng chết, thánh nhân làm việc bác ái từ thiện. Ngài cùng các con chăm sóc những kẻ bịnh hoạn tật nguyền, giúp đỡ những người nghèo khổ, đặc biệt ngài sống khổ hạnh, ăn chay cầu nguyện liên lỉ, thường xuyên suy ngắm mầu nhiệm khổ nạn của Chúa. Trong một lần suy tưởng sự thương khó Chúa, Thánh nữ tha thiết nguyện cầu:
"Lạy Đức Giê-su Ki-tô Chúa của con, ngợi khen Chúa đến muôn đời, vì vào giờ ấy ở trên thập giá Chúa đã chịu những sự chua xót, khắc khoải ghê gớm vì chúng con là kẻ tội lỗi. Những sự đau đớn rùng rợn từ các thương tích bấy giờ đã thấu suốt tâm hồn toàn phúc của Chúa và dữ dằn thấu qua trái tim rất thánh của Chúa, cho tới khi trái tim Chúa vỡ ra và Chúa thở hơi cuối cùng, rồi gục đầu xuống, Chúa khiêm nhường phó mình trong tay Thiên Chúa Cha, và nằm chết như vậy với thân thể giá lạnh.
"Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa của con, chúc tụng Chúa vì Chúa đã cứu chuộc các linh hồn nhờ máu châu báu và sự chết rất thánh của Chúa, và Chúa đã nhân từ đưa họ từ nơi lưu lạc trở về cuộc sống trường sinh.
"Lạy Đức Giê-su Ki-tô, Chúa của con, chúc tụng Chúa vì đã để cho lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn và trái tim Chúa để cứu rỗi chúng con, và để cho máu thánh cùng nước chảy ra từ cạnh sườn ấy hầu cứu chuộc chúng con"
Được Chúa soi sáng hướng dẫn, Ngài đã lập dòng "Đấng Cứu Thế" vào năm 1346, chăm lo việc đền tội và tôn kính Chúa chịu chết trên thánh giá. Ngài luôn kêu gọi các vị hữu trách trong đạo cũng như người đời, sửa chữa lỗi lầm khuyết điểm, để sống xứng với chức vị của mình.
Năm 1349, Thánh nữ sang Rôma và ở đó cho đến lúc qua đời, ngày 23 tháng 07 năm 1371. Và năm 1391, Ngài được tôn phong hiển Thánh.
Quyết tâm: Noi gương Thánh nữ Bi-gít-ta, hằng ngày năng tưởng nhớ đến sự thương khó Chúa, để đền tội lập công, và kêu xin Chúa giúp sống xứng với chức vụ của mình.
Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Chúa đã tỏ cho Thánh nữ Bi-gít-ta những bí nhiệm cao siêu trên trời, khi Thánh nữ suy niệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô Con Chúa. Xin cho con được vui mừng hoan hỷ ngự đến vinh quang.
Ngày 24 tháng 07
THÁNH GIU-SE PHÉT-NĂN-ĐÊ HIỀN,
Linh Mục, Tử Đạo
Gương Thánh nhân: Đúng như Lời Chúa Giê-su: "Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ".
Chúa Giê-su là Thầy, là Chúa mà còn bị hất hủi bỏ rơi, huống chi là môn đệ của Người. Chính thánh Giu-se Hiền đã lâm vào thảm cảnh đó. Trên 30 năm ngài đã hy sinh tận tụy phục vụ giáo hữu, đến ngày lâm bệnh nằm xuống, không ai giúp đỡ dưỡng nuôi vì sợ vua quan bắt bớ, khiến ngài phải di dời rày đây mai đó, và sau cùng bị bắt giết vì Đạo ngày 24 tháng 07 năm 1838.
Giu-se Hiền sinh năm 1775, trong một gia đình đạo đức thuộc giáo phận A-vi-la, nước Tây Ban Nha.
Lớn lên, cậu được Chúa gọi vào dòng Đa-minh là dòng chuyên lo cầu nguyện và giảng thuyết. Năm 1796, cậu tuyên khấn và tiếp tục học triết lý và thần học để chuẩn bị chịu chức Linh mục.
Sau khi được thụ phong Linh mục, cha tình nguyện đi truyền giáo tại miền Viễn Đông, nên được Bề trên gởi sang Phi-luật-tân, để tìm cách đến Việt Nam. Ngày 18 tháng 02 năm 1806, cha đã theo tàu của người Anh vào Cửa Hàn (Đà Nẵng), và đến giúp địa phận Đông Đàng Ngoài. Sau một thời gian học tiếng Việt, vị tông đồ nhiệt thành nầy đã chọn tên Hiền và hăng hái lăng xả vào công cuộc truyền giáo, hy sinh tận tụy vì đoàn chiên; nhờ đó các tín hữu ngày càng sốt sắng sống đạo, nhiều người lương sẵn sàng đón nhận Tin mừng, gia nhập Hội thánh. Điển hình nhất là giáo xứ Kiên Lao, đây là nơi Cha hoạt động rất đắc lực, nâng số tín hữu lên đông đảo.
Đang lúc Cha hăng say công tác mục vụ tại các họ đạo, Đức Cha lại gọi cha về làm giám đốc chủng viện giáo phận. Mặc dầu rất ham mộ đi đó đây giảng đạo, cha vẫn vâng lời trở về lãnh nhận trách vụ Đức Cha giao phó, vì cha nghĩ: đào tạo Linh mục là việc rất cần thiết cho công cuộc truyền giáo, càng có nhiều thợ gặt, Nước Chúa càng mở mang. Nhất là trong thời buổi khó khăn bách hại, nhiều Linh mục bị bắt bớ, cần phải có người tiếp nối thay thế.
Nhưng cha đảm trách chủng viện chưa được bao lâu, thì năm 1838, vua Minh Mạng ra sắc chỉ bắt đạo dữ dội. Quan quân truy lùng bắt bớ khắp nơi. Lúc đó cha bệnh nặng, đang chữa trị trong chủng viện. Giáo dân kéo đến yêu cầu cha đi nơi khác, vì sợ quân lính bắt được Cha, họ sẽ bị vạ lây. Thế là dù bệnh nặng tuổi cao, cha phải đau lòng ứa lệ dời đi nơi khác, vì thấy các giáo hữu thiếu lòng bác ái, chỉ ích kỷ lo cho riêng mình.
Cha dời đến ở họ đạo Quần Liêu, hy vọng giáo dân ở đây sẽ thương giúp cha ẩn náu trị bệnh. Nhưng họ cũng sợ liên lụy, không dám chứa chấp cha. Thế là một lần nữa, cha phải nhờ hai thầy giảng di dời cha đi, mà lòng đau xót bùi ngùi, nhớ lại Thầy Chí Thánh của mình cũng đã bao lần bị hất hủi bỏ rơi.
Trong lúc còn lưỡng nan chưa biết đi đâu, thì may phước có cha Phê-rô Tuần đến. Ngài còn đang coi giáo xứ Lác Môn, nghe tin cha Giu-se bị hất hủi thì đến cứu giúp. Ngài tìm cách đưa cha đến giáo xứ Kim Sơn ẩn náu và trị bệnh. Nhưng vừa đến nơi, quan tỉnh Nam Định đã cho quân lính lùng bắt. Buộc lòng cha xứ Kim Sơn phải đem hai cha đến trú ẩn ở nhà Bát Biên là một người ngoại giáo đã thọ ơn cha rất nhiều, hy vọng quan quân sẽ không lục soát nhà người ngoại. Không ngờ Bát Biên là người ham tiền của chức tước, đã nộp hai cha cho quân lính, để lãnh thưởng và thăng chức.
Thế là hai môn đệ của Chúa phải chịu xiềng xích tù ngục khổ sở. Cha Phê-rô Tuần vì tuổi già sức yếu, đã chết rũ tù ngày 15 tháng 07 năm 1838. Còn cha Giu-se Hiền nhiều lần bị tra tấn đánh đập, buộc bước qua Thánh giá. Nhưng cha luôn cương quyết sống chết theo Chúa. Thấy không thể lay chuyển nổi lòng tin bất khuất của cha, các quan đã kết án trảm quyết (chém đầu). Và chiều ngày 24 tháng 07 năm 1838, cha đã chịu chết chém để làm chứng cho Chúa.
Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 phong Chân phước cho cha. Và Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô 2 suy tôn Cha lên Hiển Thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.
Quyết tâm: Noi gương thánh Giu-se Hiền Linh mục tử đạo, hết lòng phụng sự Chúa và đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người, dầu có bị bạc đãi hất hủi hay đau khổ chết chóc, cũng hy sinh chịu khổ đến cùng.
Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.
Ngày 25 tháng 07
THÁNH GIA-CÔ-BÊ TÔNG ĐỒ
Gương Thánh nhân: Thánh Gia-cô-bê, con của ông Dê-bê-đê và bà Sa-lô-mê, là anh của Thánh Gio-an. Thánh nhân được gọi là Gia-cô-bê Tiền, để phân biệt với Thánh Gia-cô-bê hậu là Giám mục thành Giê-ru-sa-lem và cũng là tông đồ của Chúa Giê-su.
Thánh nhân làm nghề chài lưới với cha và em. Một hôm, Chúa thấy ông đang vá lưới dưới thuyền ở biển hồ Gê-nê-sa-rết thì kêu gọi. "Các ông liền bỏ cha là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công mà đi theo Chúa".(Mc. 1,20).
Một hôm, bà mẹ dẫn Thánh nhân và em đến gặp Chúa Giê-su. "Bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: - Bà muốn gì?
Bà thưa: - Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu một người ngồi bên tả Thầy trong nước Thầy.
Đức Giê-su bảo: - Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?
Họ đáp: - Thưa uống nổi.
Đức Giê-su bảo: - Chén của Thầy, các người sẽ uống, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy thì Thầy không có quyền cho; Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được". (Mt. 20,20-23).
Từ đó Thánh nhân cùng với em luôn theo sát Chúa Giê-su, trở thành tông đồ nhiệt thành của Người. Các Ngài đã được phúc chứng kiến Chúa biến hình sáng láng trên núi Ta-bô-rê:
"Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người đổi hình dạng trước mặt các ông" (Mc. 9,2).
Lúc Chúa hấp hối trong vườn Giết-sê-ma-ni, các Ngài cũng chia sẻ với Chúa:
"Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hải hùng xao xuyến. Người nói với các ông: Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em hãy ở lại đây mà canh thức..." (Mc. 14, 33-34).
Thánh nhân sống rất thân tình với Chúa, luôn nhiệt thành phục vụ Chúa, nên khi thấy ai không sẵn sàng với Người thì bất mãn khó chịu, như hôm đi ngang Sa-ma-ri, dân làng không tiếp nhận Chúa thì Ngài nổi giận thưa với Chúa: - "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?
Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác". (Lc. 9,54-56).
Sau ngày lễ Hiện xuống, các tông đồ phân tán nhau đi giảng đạo. Thánh nhân đã đi rao giảng ở Tây-ban-nha. Ngài rảo khắp nơi loan báo Tin mừng Cứu rỗi của Chúa, nhưng kết quả không mấy khả quan. Thấy vậy, Thánh nhân trở lại Giê-ru-sa-lem, rao giảng Chúa cho mọi người, và đem nhiều người về với Chúa, làm cho những kẻ ngịch đạo ganh tức, tố cáo với vua Hê-rô-đê. Thánh nhân bị bắt và bị chém đầu năm 44. Ngài là vị Tông đồ đầu tiên được phúc tử đạo để làm chứng cho Thầy mình.
Quyết tâm: Hằng ngày quyết sống khắng khít chân tình với Chúa, để được Chúa thương cho hầu kề bên Chúa luôn, như Thánh Gia-cô-bê tông đồ.
Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu. Chúa đã ban cho Thánh Gia-cô-bê vinh dự là Tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin mừng. Xin cho Hội thánh tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của Thánh nhân và nhờ Người cầu thay nguyện giúp mà được luôn nâng đỡ phù trì.
1702 09-03-2011 07:47:28