Ngày 26 tháng 07
THÁNH GIO-KIM VÀ THÁNH AN-NA
Song Thân Đức Ma-ri-a
Gương Thánh nhân: Về Thánh Gio-kim và Thánh An-na là song thân của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, chúng ta không được biết điều gì chắc chắn qua Kinh Thánh cũng như Thánh Truyền. Nhờ cuốn ngụy thư gọi là "Phúc âm Thánh Gia-cô-bê", chúng ta biết được hai ông bà đã kết bạn với nhau, sống đời đạo đức thánh thiện, nhưng không có con. Ông bà khẩn khoản nài xin Chúa, thì được Chúa thương nhậm lời, cho bà An-na sinh ra Đức Ma-ri-a. Hai ông bà hết sức vui mừng và tạ ơn Chúa, và để tỏ lòng biết ơn, các ngài hết lòng lo chăm sóc dạy dỗ con về đàng nhơn đức trọn lành. Nhờ đó mà Đức Ma-ri-a trở nên thánh thiện đẹp lòng Chúa, và khấn giữ mình đồng trinh trọn đời, nên được Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
Thánh Gio-an thành Đa-mát đã hết lời ca tụng công đức của các ngài: "Lạy Thánh Gio-kim và Thánh An-na là đôi bạn diễm phúc! Cả tạo vật đều chịu ơn các Ngài vì nhờ các Ngài mà tạo vật có thể dâng lên Tạo Hoá của lễ xứng đáng hơn hết, là chính Thánh Mẫu vẹn sạch, là Đấng duy nhất xứng đáng với Tạo Hoá.
"Hãy reo vui hỡi thánh An-na, Người hiếm hoi không hề sinh nở, hãy hớn hở reo mầng, hãy hò la, hỡi người không ở cử. Hãy reo vui, hỡi thánh Gio-kim, vì nhờ ái nữ của Ngài, một Hài Nhi sẽ sinh ra cho ta, và thiên hạ sẽ gọi Người là Mưa Sự lạ, là chính sự cứu độ muôn dân, là Sứ giả của Thiên Chúa, là Thiên Chúa, là Thiên Chúa uy dũng. Vì Hài nhi ấy là chính Thiên Chúa.
"Lạy Thánh Gio-kim và Thánh An-na là đôi bạn diễm phúc và rất trong sạch! Thiên hạ hiểu biết các Ngài nhờ chính hoa quả của lòng các Ngài, như có nơi Chúa nói: cứ xem quả thì biết cây. Các Ngài đã có nếp sống đẹp lòng Thiên Chúa và xứng đáng với Đấng sẽ sinh ra bởi lòng các Ngài. Nhờ cách ăn ở thánh thiện trong sạch, các Ngài đã sinh ra được hạt ngọc quý về đức trinh khiết; Ngài là Đấng đồng trinh trước khi sinh và sau khi sinh con, là Đấng duy nhất luôn luôn trinh khiết trong tâm hồn, trong tâm trí và ngay cả nơi thân thể.
Ôi đôi bạn rất trong sạch Gio-kim và An-na! Khi giữ sự trong sạch theo luật tự nhiên, các Ngài đã đạt được những ơn thần linh vượt trên bản tính tự nhiên, tức là sinh ra được cho thế giới người không biết tới người nam nhưng sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Các ngài đã sống thánh thiện trong bản tính loài người, đã sinh được một ái nữ cao trọng hơn thiên thần và hiện là nữ chúa của các thiên thần. Ôi ái nữ quý hoá, dịu dàng biết bao! Ôi ái nữ thuộc dòng dõi A-đam nhưng lại là Mẹ Thiên Chúa! Phúc thay lòng dạ đã sinh ra Ngài! Phúc thay những cánh tay đã bồng bế Ngài! Phúc thay những đôi môi bạn hữu đã nhận được cái hôn trong sạch của Ngài, tức là những đôi môi của cha mẹ Ngài, hầu luôn luôn Ngài vẫn hoàn toàn đồng trinh.."
Quyết tâm: Xin cho những người làm cha mẹ sống đạo đức thánh thiện, và chăm lo giáo dục con cái theo đàng nhân đức, như gương Thánh Gio-kim và Thánh An-na.
Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa là Đấng tổ phụ chúng con tôn thờ, Chúa đã ban cho Thánh Gio-kim và Thánh An-na được diễm phúc sinh ra Đức Ma-ri-a, là Thánh Mẫu của Đức Kitô, Con Chúa nhập thể. Xin nhận lời hai Thánh chuyển cầu mà cho chúng con được hưởng ơn cứu độ Chúa đã hứa ban cho dân riêng của Chúa.
Ngày 28 tháng 07
THÁNH GIU-SE GÁT-XI-A XUYÊN,
Giám Mục, Tử Đạo
Gương Thánh nhân: Các Thánh tử đạo phải chịu nhiều thứ cực hình. Cực hình nào cũng đau đớn khổ sở, nhưng những thứ cực hình càng kéo dài thời gian càng làm cho các ngài đau khổ. Chính thánh Giu-se Xuyên đây đã chịu cực hình kéo dài như thế. Ngài bị kết án lăng trì, nên khi ra đến pháp trường Bảy Mẫu, năm tên lý hình đã cầm sẵn 5 cái dao to, chờ lệnh phân thây ngài. Và khi quan án sát ra lệnh, họ chặt tay, chặt chân rồi sau hết mới chặt đầu ngài, cố ý kéo dài thời gian cho ngài phải đau khổ hơn. Nhưng ngài sẵn lòng hy sinh chịu khổ để làm chứng cho Chúa.
Giu-se Xuyên sinh năm 1821 trong một gia đình nghèo khó ở tỉnh Ô-vi-e-đô, nước Tây Ban Nha. Tuy nhà nghèo, nhưng cậu rất ham mộ học hành và ước muốn đi tu làm Linh mục. Cha mẹ thấy cậu có ý muốn tốt lành như thế thì hết sức vui mầng, cố gắng làm ăn và dành dụm cho cậu học tập tu luyện. Được cha mẹ thương yêu lo lắng, cậu đem hết tâm trí học hành, và mỗi dịp nghỉ hè về gia đình, cậu luôn giúp làm việc đồng áng để đỡ bớt gánh nặng cho cha mẹ...
Sau khi tốt nghiệp thần học, thầy Giu-se được thụ phong Linh mục dòng thánh Đa-minh, ngày 29 tháng 05 năm 1847. Và nhờ ơn Chúa soi sáng, vị tân Linh mục ngỏ ý xin Bề trên cho đi truyền giáo ở Việt Nam . Được Bề trên chấp thuận, cha đáp tàu đến Bắc Việt ngày 28 tháng 02 năm 1849.
Sau một thời gian học tiếng Việt, cha được Đức Cha An đặt tên là Xuyên và chọn làm giám đốc chủng viện Cao Xá. Với tài học sẵn có và nhân đức đã từ lâu tập luyện, cha dồn hết sức vào việc đào tạo các chủng sinh. Cha giáo dục họ không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng gương sáng đời sống. Hằng ngày cha ăn chay, hãm mình, cầu nguyện, lần chuỗi Môi Khôi, để nêu gương cho họ. Nhất là Cha luôn tìm dịp dẫn họ đi giảng đạo cho lương dân, dạy giáo lý cho các tín hữu, tập họ làm việc tông đồ.
Thấy cha nhiệt thành lo bổn phận và sống đạo đức thánh thiện, năm 1852, Đức Cha An chọn Cha làm Giám mục phụ tá của ngài. Từ đó, vị tân Giám mục càng nổ lực hoạt động mục vụ siêng năng cần mẫn hơn. Mặc dầu giữa lúc vua Tự Đức ban hành sắc chỉ truy lùng, bắt bớ người Công giáo gắt gao, ngài vẫn can đảm đi thăm các họ đạo, khích lệ các Linh mục, củng cố niềm tin cho giáo dân bằng lời giảng dạy và gương hy sinh đạo đức của ngài.
Ngày 30 tháng 07 năm 1857, Đức Cha An bị bắt và xử tử. Kể từ đó một mình ngài phải gánh hết trách nhiệm nặng nề trong địa phận. Nhưng ngài không sờn lòng nản chí, vẫn một lòng tin tưởng Chúa, cậy nhờ Đức Mẹ trợ giúp chu toàn bổn phận. Dù vậy, ngài cũng sợ có ngày giáo phận mất chủ chăn, nên đã dùng quyền Toà Thánh ban mà chọn cha Bo-ri-ô Vinh làm Giám mục phụ tá cho ngài. Và đúng như ngài dự đoán, ngày 08 tháng 07 năm 1858, đang lúc ngài làm lễ tại xứ Kiên Lao, thì quân lính đến vây bắt, giải về tỉnh Nam Định.
Trong 20 ngày bị giam giữ ở đây, ngài phải mang gông cùm xiềng xích nặng nề, nhiều lần bị tra tấn đánh đập đau đớn, buộc quá khóa (bước qua Thập giá) chối đạo. Nhưng ngài luôn sẵn lòng chịu khổ vì Chúa, cương quyết giữ vững niềm tin, thà chết chẳng thà bỏ đạo. Ngài can đảm nói với quan:
- Tôi đã tin Chúa và phụng sự Người từ nhỏ đến giờ. Tôi đã hy sinh lìa bỏ quê hương xứ sở để rao giảng cho mọi người nhận biết Người, tin theo Người, làm sao tôi chối bỏ Người được. Chỉ có Người mới đem lại cho tôi hạnh phúc đời đời.
Thế là quan tức giận, kết án lăng trì ngài. Và ngày 28 tháng 07 năm 1859, tại pháp trường Bảy Mẫu, lý hình chặt tay, chặt chân, và sau hết đã chặt đầu vị Giám mục anh dũng của Chúa.
Đức Thánh Cha Pi-ô 12 đã phong ngài lên Chân Phước ngày 29 tháng tư năm 1951. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh.
Quyết tâm: Nhiệt thành rao giảng đạo Chúa, luyện tập thanh thiếu niên làm việc tông đồ, và kiên trì bền đỗ chịu khổ chịu cực vì Chúa theo gương thánh Giu-se Xuyên, Giám mục tử đạo.
Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.
Ngày 29 tháng 07
THÁNH NỮ MÁT-TA
Gương Thánh nhân: Thánh Mát-ta là chị của Ma-ri-a và La-da-rô ở Bê-ta-ni-a. Ngài là chị cả trong gia đình, nên điều khiển quán xuyến mọi việc: Ngài đối xử dịu dàng thân ái đối với hai em, nhân lành bác ái đối với người nghèo khổ, bệnh tật, và ân cần tiếp đón Chúa Giê-su với các môn đệ Người, vì đây là nơi Chúa thường trú ngụ sau những ngày truyền giáo mệt nhọc:
"Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mát-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô nầy cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy. Còn cô Mát-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: - Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao! Xin Thầy bảo nó giúp con một tay.
Chúa đáp: - Mát-ta, Mát-ta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi". (Lc. 10, 38-42)
Mát-ta tận tụy phục vụ Chúa. Nhưng Chúa muốn dạy cho Mát-ta biết: việc sống gần gũi thân mật và cầu nguyện với Chúa cao quý hơn. Tốt nhất phối hợp cả hai, vừa phục vụ vừa cầu nguyện.
Thánh Giám mục Au-tinh đã diễn giảng việc nầy như sau:
"Lời Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta khuyên chúng ta, đang khi lo lắng nhiều công việc ở trần gian nầy, phải vươn tới một đích điểm. Chúng ta đang vươn tới đó bao lâu chúng ta còn là lữ khách chứ chưa phải là cư dân; còn đang trên đường đi chứ chưa ở quê thật; còn đang khát vọng, chứ chưa được an hưởng. Tuy nhiên chúng ta phải vươn tới không ngừng, không biếng nhác để có ngày có thể đạt tới...
"Hỡi bà Mát-ta, xin bà để yên cho tôi nói, bà có phúc trong công việc phục vụ tốt, nhưng phần thưởng mà bà tìm được cho công việc lo lắng nầy là sự nghỉ ngơi. Bây giờ bà đang lo trăm công nghìn việc; bà muốn nuôi nấng thân thể con người cho dù là của bậc thánh nhân; nhưng khi đã tới quê thật, hỏi bà có còn gặp lữ khách để tiếp rước nữa không? Có còn gặp người đói để chia sẻ cơm bánh nữa không?...
"Nơi quê thật không còn những sự đó nữa. Vậy sẽ có gì? Có điều mà Ma-ri-a đã chọn: nơi đó ta sẽ được nuôi nấng chứ không phải nuôi nấng ai nữa. Thế nên điều mà Ma-ri-a chọn bây giờ, sau nầy ở nơi quê thật sẽ được đầy đủ và hoàn toàn..."
Khi La-da-rô bện nặng, thánh nữ đã báo tin cho Chúa Giê-su. Nhưng Người bảo: "Bệnh nầy không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh nầy, Con Thiên Chúa được tôn vinh" (Ga. 11,4).
Và La-da-rô đã chết. Cái chết của La-da-rô là dịp để Chúa khơi dậy niềm tin cho các môn đệ và dân chúng, vì khi được tin La-da-rô chết, Chúa và các môn đệ đến với anh.
"Vừa được tin Đức Giê-su đến, Mát-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mát-ta nói với Đức Giê-su: - Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.
Đức Giê-su nói: - Em chị sẽ sống lại... Chị có tin thế không?
Cô Mát-ta thưa: - Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.
Và Chúa đã làm phép lạ cho La-da-rô chết chôn 4 ngày được sống lại trước sự kinh ngạc của mọi người, nhờ lòng tin và nhiệt tâm của Thánh nữ.
Quyết tâm: Noi gương Thánh Mát-ta, tôi hết lòng tin tưởng Chúa, và tận tâm phục vụ Người hằng ngày, qua các anh chị em nghèo khó bệnh tật xung quanh tôi.
Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xưa Con Một Chúa đã nhận lời mời và đến trú ngụ tại nhà Thánh nữ Mát-ta. Nhờ lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con hết tình phục vụ Đức Ki-tô hiện diện trong mọi người để mai sau được Chúa đón nhận vào nhà Chúa.
Ngày 30 tháng 07
THÁNH PHÊ-RÔ KIM NGÔN,
Giám Mục, Tiến Sĩ
Gương Thánh nhân: Nhờ tài hùng biệc đặc biệt, thánh Phê-rô được người đương thời tặng cho biệt hiệu là Kim Ngôn, là lời vàng ngọc quý giá.
Ngài sinh tại I-mô-la, nước Ý, năm 380. Lớn lên ngài dâng mình cho Chúa, chuyên cần học hỏi các khoa học thánh, và tập rèn nhân đức. Đức Giám mục giáo phận I-mô-la thấy ngài có trí thông minh và đạo đức thì phong chức phó tế cho ngài.
Lúc Đức Tổng Giám mục giáo phận Ra-ven-na từ trần, hàng giáo sĩ tìm người thay thế. Nhưng không tìm được ai thì các ngài yêu cầu Đức Giám mục giáo phận I-mô-la cùng đi với các ngài đến Rô-ma, để lãnh ý Đức Giáo Hoàng Síc-tô thứ 3, và Đức Giám mục đã dẫn thầy Phê-rô đi theo.
Đức Giáo Hoàng thấy Phê-rô thì nghĩ là Chúa đã định chọn ngài, nên đặt ngài làm Giám mục giáo phận Ra-ven-na. Thế là năm 433, ngài được thụ phong Giám mục cai quản giáo phận Ra-ven-na, thay thế cho Đức Tổng Giám mục Gioan đã qua đời.
Trong 17 năm làm Giám mục, thánh nhân luôn tận tụy lo cho hàng giáo sĩ cũng như giáo dân. Ngài đi khắp giáo phận, thăm viếng khích lệ các Linh mục, dạy dỗ các tín hữu. Tới đâu ngài cũng giảng dạy họ đàng nhân đức thánh thiện. Nhờ những bài giảng xuất sắc, tài hùng biện hấp dẫn, ngài đã đem được nhiều người về với Chúa, nhất là những người theo lạc giáo. Trong các bài giảng, ngài luôn nhấn mạnh đến ơn cứu rỗi Chúa Giê-su mang đến cho mọi người. Ngài nói:
"Chúa Ki-tô giáng sinh không do định luật nhưng do quyền phép. Đó là Mầu nhiệm đức tin, là ơn đổi mới và cứu chuộc nhân loại, Người là Đấng khi chưa sinh ra làm người, thì đã ra làm con người bằng bùn đất; và khi sinh ra thì đã làm ra con người từ một thân thể vẹn sạch; bàn tay đã thương lấy đất làm ra ta, lại cũng đã thương lấy thân thịt ta để sửa chữa ta. Thế nên việc Tạo Hoá xuống với tạo vật, việc Thiên Chúa xuống trong xác thể chỉ làm vinh dự cho tạo vật chứ không xúc phạm gì tới Tạo Hoá.
"Vậy Đức Ki-tô đã giáng sinh, để khi sinh ra Người phục hồi toàn vẹn bản tính đã sa ngã; Người đã nhận lấy tuổi thơ, và để được dưỡng nuôi, đã đi qua mọi thứ tuổi, để phục hồi tuổi duy nhất, toàn vẹn và bền vững Người đã làm ra; Người mang lấy con người để con người không sa ngã được nữa; Người đã dựng nên con người trần ai, nay Người lại làm cho trở thành con người thiên quốc; Người đã dựng nên con người sống nhờ nhân khí, nay Người lại làm cho họ sống nhờ Thần Khí; Nguời đã nâng tất cả họ lên cùng Thiên Chúa, để ở nơi họ không còn lại gì thuộc về tội lỗi, chết chóc, lam lũ, đau khổ và trần gian nữa..."
Thánh nhân qua đời năm 450, và được Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô thứ 13 tuyên phong Tiến sĩ Hội thánh năm 1729.
Quyết tâm: Dùng lời nói khuyên bảo hướng dẫn mọi người nhìn biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Tinh duy nhất của loài người, theo gương thánh Phê-rô Kim Ngôn.
Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh Giám mục Phê-rô Kim Ngôn trở thành nhà giảng thuyết đại tài về Ngôi Lời nhập thể. Vì lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con hằng suy niệm trong lòng những mầu nhiệm cứu độ, và trung thành sống những mầu nhiệm ấy.
Ngày 31 tháng 07
THÁNH I-NHA-XI-Ô LÔ-YÔ-LA, Linh Mục
Gương Thánh nhân: Thánh I-nha-xi-ô sinh tại Lô-yô-la miền bắc nước Tây-ban-nha, năm 1491, trong một gia đình quý tộc.
Lúc nhỏ I-nha-xi-ô rất tinh nghịch, ham vui chơi hơn học hành, nên lớn lên sống phóng túng, sa đà, trụy lạc. Ngài gia nhập quân đội hoàng gia, trở thành chiến sĩ anh hùng dũng cảm không thua kém ai, nhưng lại thua sút mọi người về đạo hạnh.
Năm 1521, trong một trận chiến tại Pam-lô-na, ngài bị thương nặng ở chân, phải nằm điều trị lâu ngày tại quê nhà. Trong thời gian chữa trị, ngài cảm thấy buồn phiền chán nản, muốn đọc sách cho giải cơn sầu. Người ta trao cho ngài sách"Cuộc đời Chúa Cứu Thế" và "Hạnh các Thánh". Khi thấy những sách đó, ngài ngán ngẫm không muốn đọc, nhưng vì không còn sách nào khác, buộc lòng ngài phải đọc cho qua ngày giờ. Dần dần ngài cảm thấy ham thích và rung động trước tình yêu vô cùng của Chúa và gương hy sinh của các thánh. Và một cuộc chiến đã nổi lên trong tâm hồn ngài: giữa thế gian và Thiên Chúa, giữa vui sướng danh vọng ở đời với hạnh phúc vĩnh viễn trên trời, ngài phải chọn đàng nào?... Ngài thường tự hỏi: - Tôi phải thực hiện những gì thánh Phan-xi-cô và Đô-mi-ni-cô đã làm chăng?...
Chính Lu-y Con-xan-vê đã viết lại cuộc chiến trong tâm hồn thánh nhân như sau:
"I-nhã hồi đó thích đọc những sách vô ích và khoác lác viết về những hành động ngoạn mục của những hiệp sĩ thời danh. Lúc nào khỏe, ông lại xin người ta đưa cho một vài cuốn để đọc cho qua giờ. Nhưng trong nhà bấy giờ không có sách nào thuộc loại đó; nên người ta đưa cho ông một cuốn "Đời sống Chúa Ki-tô"và một cuốn "Hạnh các Thánh", viết bằng tiếng mẹ đẻ của ông.
Nhờ việc năng đọc sách ấy, ông có cảm tình ít nhiều đối với những điều sách kể. Khi ngưng đọc, ông suy nghĩ về những điều đã đọc, hoặc nghĩ đến những điều vô ích mà trước đây ông vẫn quen nghĩ tới...
Tuy nhiên có một sự khác biệt giữa những tư tưởng ấy. Lúc ông nghĩ đến những sự thế gian thì lập tức có khoan khoái hoan lạc, khi mệt quá mà không nghĩ tới nữa thì lại thấy chán ngán và khô khan. Còn khi nghĩ đến việc làm những điều khắc khổ như đời sống các thánh gợi lên, thì không những ngay lúc đó ông thấy khoan khoái mà cả sau khi nghĩ tới vẫn còn thấy sung sướng. Tuy vậy ông vẫn chưa biết để ý và đánh giá cao sự khác biệt ấy, cho mãi đến ngày mà mắt tâm trí như mở ra, khiến ông bắt đầu lấy làm lạ về sự khác biệt ấy. Rồi nhờ kinh nghiệm, ông dần dần hiểu rằng có loại tư tưởng để lại sự ngao ngán và có loại để lại niềm hân hoan. Và đấy là suy tư đầu tiên của ông về các điều thánh thiện. Sự nầy khi đi vào tập linh thao, ông đã rút ra được từ đó những ánh sáng hiểu biết đầu tiên, để dạy các môn đệ về việc nhận định các loại thần khí". 1
Cuối cùng ơn Chúa đã thắng. Ngài nhất định chọn Chúa, theo Chúa phụng sự Chúa. Và con người đã từng anh dũng ở chiến trường nầy một khi đã quyết định theo Chúa, thì cũng can đảm mạnh mẽ như thế. Ngay ngày hôm đó, I-nha-xi-ô hãm mình, đánh tội, ăn chay; ban đêm ngài thức dậy cầu nguyện, than khóc ăn năn tội lỗi đã phạm làm mất lòng Chúa.
Sau khi bình phục, thánh nhân hành hương kính viếng Đức Mẹ ở Măn-rê-xa, sống đời chay tịnh, hằng ngày đi ăn xin và dành nhiều thời giờ đọc kinh cầu nguyện. Chính trong thời gian cô tịch nầy, ngài được ơn Chúa soi sáng, viết tác phẩm nổi tiếng nhất là cuốn "Linh Thao", nêu lên những nguyên tắc căn bản cho đời sống thánh đức.
Năm 1528, thánh nhân đến Pa-ri (nước Pháp) để học hỏi thêm. Nơi đây ngài đã quy tụ được 6 môn sinh, và tất cả 7 người đã tuyên khấn giữ đức khó nghèo, trong sạch, tại đền thờ Thánh Đơ-ni năm 1534. Đây là khởi điểm của Tu hội do ngài sáng lập, gọi là Dòng Tên, chuyên lo làm sáng danh Chúa. Ngoài ra ba lời khấn khiết tịnh, tuân phục, khó nghèo, các tu sĩ dòng còn khấn vâng phục Đức Giáo Hoàng. Năm 1540, Đức Thánh Cha Phao-lô thứ 3 đã chuẩn nhận tu hội của ngài. Từ đó, hội dòng của ngài lan rộng khắp nước.
Thánh nhân qua đời ngày 31 tháng 7 năm 1556, và được Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô thứ 15 tôn phong Hiển Thánh năm 1622.
Quyết tâm: Noi gương thánh I-nha-xi-ô, hằng ngày siêng năng học hỏi "cuộc đời Chúa Cứu Thế" và "Hạnh các Thánh", và chuyên cần làm mọi việc cho tốt đẹp, để làm sáng danh Chúa.
Lời nguyện:Lạy Chúa, Chúa đã cho Giáo hội một chiến sĩ can trường là thánh I-nha-xi-ô, để làm cho danh Chúa thêm vinh quang rạng rỡ. Nhờ gương sáng và ơn phù trợ của thánh nhân, xin cho chúng con ở đời nầy biết hăng say chiến đấu, để đời sau được cùng người lãnh phần thưởng vinh quang Chúa hứa ban.
THÁNH PHÊ-RÔ ĐOÀN CÔNG QUÝ
VÀ EM-MA-NU-EN LÊ VĂN PHỤNG
Linh Mục và Câu Họ Tử Đạo
Gương Thánh nhân: Noi gương Chúa Giê-su là Thầy Chí Thánh, thánh Phê-rô Quý và Em-ma-nu-el Phụng đã vui lòng chịu khổ chịu chết vì Chúa và vì đồng loại.
Lúc Cha Phê-rô Quý và cha Pét-nô Định ẩn náu trong nhà ông câu Phụng ở họ Đầu Nước, có hai người ngoại giáo thù ghét ông, đến tố cáo với quan tổng đốc tỉnh An Giang. Quan liền đem quân đến vây bắt. Cha Định trốn thoát, nhưng quan buộc ông Phụng phải nộp Cha Định là Tây Dương Đạo trưởng, bằng không sẽ cho lính đánh chết. Thấy quân lính sắp đánh ông Phụng, cha Quý đứng ra nộp mình, tự xưng mình là Đạo trưởng, cho ông khỏi bị đánh đập. Thật vì thương con chiên mà cha đã hy sinh tánh mạng, như Chúa Giê-su vì thương loài người đã nộp mình chịu chết trên khổ giá. Và ông câu Phụng mặc dầu biết rõ hai người ngoại giáo là Nguyễn Văn Mưu và Nguyễn Văn Nên đã tố cáo mình, nhưng ông không thù oán họ. Trái lại, trong khi bị dẫn ra pháp trường xử tử, ông đã yêu cầu các con ông tha tội cho họ, như Chúa Giê-su đã xin Chúa Cha tha cho những kẻ giết mình trên thánh giá.
Phê-rô Đoàn Công Quý sinh năm 1826, tại họ đạo Búng, tỉnh Thủ Dầu Một. Cậu là con trai út trong gia đình, học hành giỏi giắn, đạo đức, siêng năng. Cha mẹ thấy vậy thì gởi cậu ở nhà cha sở tập mình, hy vọng sau nầy sẽ đi tu làm Linh mục.
Đúng như dự định, cậu Quý ngày càng tỏ ra xuất sắc về học vấn cũng như đạo hạnh, nên cha sở gởi cho vào chủng viện Thánh Giu-se tại Thị Nghè. Và năm 1948, (thầy Quý được đi du học tại đại chủng viện ở Pê-năng Mã-lai). Sau 7 năm học ở đấy, thầy trở về nước, đúng lúc vua Tự Đức bắt đạo dữ dội. Lệnh vua chẳng những lùng bắt các Linh mục, mà còn bắt cả giáo dân, phá hủy các nhà thờ và các cơ sở trong đạo. Để củng cố lòng tin cho giáo dân, Đức Cha Nghĩa sai thầy đi đến các họ đạo, khích lệ, dạy dỗ, động viên mọi người. Thầy phải lén lút đi thăm viếng khắp nơi, nhiều lúc phải trốn tránh nhịn đói nhịn khát cả mấy ngày liền, nhưng thầy vẫn cố gắng hy sinh vì Chúa. Đức Cha thấy thầy tận tụy lo việc tông đồ như thế thì năm 1858, đã phong chức Linh mục cho thầy và sai đi giúp các họ Lái Thiêu, Gia Định, Kiến Hoà, Cái Mơn...
Đang lúc cha làm phó ở họ Cái Mơn thì quân đội Pháp tràn vào đánh phá Cửa Hàn (Đà Nẵng), là cho vua Tự Đức thêm căm thù các giáo sĩ ngoại quốc và đạo Chúa. Do đó, vua ra lệnh bắt đạo khốc liệt hơn. Nhà Phước Cái Mơn bị quân lính bao vây lục soát, cốt tìm bắt các giáo sĩ, nhưng không có vị nào ở đó thì họ bắt một số nữ tu, để khai thác chỗ ở của các ngài. Thấy các nữ tu bị tra tấn đánh đập đau đớn, cha muốn ra nộp mạng để cứu các chị, nhưng giáo dân ngăn cản không cho Cha liều mình như thế, vì Hội thánh rất cần Linh mục trong lúc cấm cách khó khăn.
Ngày 27 tháng 12 năm 1858, Đức Cha gọi Cha về ở họ Đầu Nước (Cù Lao Giêng). Khi cha đến nơi thì đã có một Linh mục người nước ngoài tên là Pét-nô Định đang trú ẩn ở nhà ông Phụng, và cha cũng đến ở đó. Mười ngày sau, do mật báo có Tây dương Đạo trưởng ở nhà ông câu, quan quân đến bao vây nhà. Cha Định chạy trốn, con cha ẩn lại trong nhà. Không bắt được cha Định, quan ra lệnh bắt trói ông câu, buộc phải nộp cha Định là Tây dương Đạo trưởng, bằng không sẽ đánh ông chết. Thấy vậy, sợ ông câu bị đánh chết, cha ra nộp mình, tựnhận là Đạo trưởng, để cứu sống ông câu. Thật cha là một Linh mục hy sinh gương mẫu. Đã một lần định nộp mình cứu các nữ tu, nay lại đứng ra lãnh cái chết vì con chiên mình. Thế là Cha và ông câu bị bắt giải về tỉnh Châu Đốc, ngày 07 tháng 01 năm 1859.
Gần 07 tháng bị giam trong ngục, cha phải mang gông cùm xiềng xích nặng nề, và nhiều lần bị tra tấn đánh đập khổ sở, nhưng cha vẫn cương quyết trung thành theo Chúa. Vì thế, sáng ngày 31 thánh 07, quân lính dẫn cha ra pháp trường trảm quyết (chém đầu), theo bản án vua đã châu phê.
Em-ma-nu-en Lê Văn Phụng sinh năm 1796 tại họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng), tỉnh An Giang (Châu Đốc). Nhờ ảnh hưởng đạo đức của gia đình, Em-ma-nu-en Phụng lớn lên rất ngoan đạo, hiền lương nhân đức, được mọi người lương như giáo quý mến tín nhiệm. Do đó, ông được dân làng bầu lên chức lý trưởng, còn trong đạo thì chọn làm câu họ. Việc đời việc đạo ông đều nhiệt thành phục vụ, sẵn sàng hy sinh lo cho công ích. Điều gì ích nước lợi dân, ông không hề lao nhọc; việc chi làm sáng danh Chúa, ông luôn cố sức thi hành, dù phải gặp nhiều khó khăn nguy hiểm cho tánh mạng.
Đang lúc vua Tự Đức cấm đạo gắt gao, thấy nhà thờ Đầu Nước cũ kỹ hư hỏng, ông vẫn can đảm đứng ra xây dựng lại, mặc dầu biết làm như thế có thể bị vua quan bắt bớ giết hại. Lúc đó có hai người ngoại đạo ham mê cờ bạc rượu chè, thấy ông làm việc vua cấm như thế thì đến hăm dọa làm tiền. Nhưng ông không chịu lo lót tiền bạc cho họ, nên họ tức giận đến tố cáo với quan huyện. Quan nầy vì đã nhiều lần nhận tài trợ của ông, nên nhắm mắt làm ngơ. Biết thế, hai người tìm cách khác để trả thù ông. Họ theo dõi, thấy ông chứa chấp Linh mục ngoại quốc là Cha Pét-nô Định, họ liền đến báo cáo với quan tỉnh Châu Đốc. Sáng ngày 07 tháng giêng năm 1859, quan quân kéo nhau đến bao vây nhà ông câu. Thời may cha Định trốn thoát, còn cha Phê-rô Quý mới đến làm cha sở họ đạo thì ẩn trốn lại trong nhà.
Không bắt được cha Định, quan cho bắt trói ông câu Phụng, buộc phải nộp Tây dương Đạo trưởng (cha Định) bằng không sẽ đánh ông chết. Sợ quân lính đánh chết ông, cha Quý liền ra thú nhận là Đạo trưởng. Thế là hai cha con bị bắt giải về Châu Đốc.
Trong thời gian gần 07 tháng bị giam giữ tra tấn, ông Phụng vẫn luôn can đảm giữ vững đức tin, không quá khóa bỏ đạo. Thấy không thể lay chuyển nổi lòng tin sắt đá kiên vững của vị anh hùng, quan trấn Châu Đốc làm án gởi về kinh và vua Tự Đức đã châu phê. Ngày 31 tháng 07 năm 1859, quân lính điệu ông ra pháp trường xử giảo (xiết cổ bằng dây cho đến chết). Trước khi chết, ông đã trối xin các con tha thứ cho kẻ tố cáo ông, theo gương Chúa Giê-su xin Chúa Cha tha cho kẻ đóng đinh mình trên thập giá.
Ngày 02 tháng 05 năm 1909, Đức Thánh Cha Pi-ô 10 đã tôn cha Phê-rô Quý và ông câu Em-ma-nu-en Phụng lên Chân Phước. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 suy tôn các ngài lên bậc Hiển Thánh.
Quyết tâm: Noi gương Thánh Phê-rô Quý và Em-ma-nu-en Phụng, sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình thương yêu đồng bào đồng đạo, và luôn tha thứ cho những kẻ làm khổ làm hại mình.
Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.
2199 09-03-2011 07:50:07