Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Hạnh Thánh Tháng 8_phần 3

Ngày 16 tháng 8
THÁNH TÊ-PHA-NÔ HUN-GA-RI

Gương Thánh nhân: Thánh Tê-pha-nô sinh tại Ết-tẹt-gon khoảng năm 972, là con của vua Gey-sa nước Hun-ga-ri. Nhà vua là người ngoại giáo, nhưng khi cưới Sa-rôn-ta là người Công giáo thì nhờ ảnh hưởng của nàng mà trở lại đạo.

Lúc còn nhỏ, thánh nhân đã được mẹ huấn luyện đạo đức kỹ lưỡng. Năm lên 10 tuổi thì vua cha xin thánh A-đan-bê rửa tội cho ngài, đồng thời mời các nhà truyền giáo đến giảng đạo trong nước ông. Từ đó, Tê-pha-nô được các nhà truyền giáo chăm sóc dạy dỗ thêm đàng nhân đức. Và lúc 15 tuổi, ngài phụ giúp vua cha cai trị đất nước, cho đến lúc ông qua đời thì lên ngôi kế vị.

Từ ngày lên ngôi vua, thánh nhân lo ký kết thỏa hiệp với các nước láng giềng, để cho toàn dân được an cư lạc nghiệp, Ngài phóng thích nô lệ, ân xá các tù nhân, mở cơ quan từ thiện, giúp đỡ người nghèo và những kẻ già yếu bệnh tật.

Để có người cộng tác trong việc mở mang kiến thức cho dân chúng, thánh nhân đã mời các tu sĩ đến mở trường dạy học. Ngài còn làm một việc đặc biệt là sai sứ giả đến xin Đức Giáo Hoàng nhận nước Hun-ga-ri là quốc gia Ki-tô-giáo và phong vương cho ngài. Năm 1000, Đức Giáo Hoàng Sin-vét-te thứ 3 đã công nhận và gởi cho ngài mão triều thiên. Để đáp lại lòng ưu ái của Đức Thánh Cha, ngài ra sức Ki-tô hoá vương quốc của ngài. Ngài thiết lập 8 toà Giám mục, nhiều tu viện và xây cất thánh đường khắp nơi trong nước.

Dù bận lo việc nước việc đạo như thế, thánh nhân cũng không bỏ qua việc cầu nguyện hãm mình hằng ngày và dạy dỗ con cái. Các con của ngài đều chết sớm, chỉ còn lại một mình Em-mê-ríc sau nầy kế vị ngài. Ngài ân cần khuyên bảo cậu sống đạo đức thánh thiện: "Con rất yêu quí, tiên vàn cha truyền cho con, khuyên nhủ con, mời gọi con; nếu muốn làm vẻ vang cho vương miện nhà ta, thì con hãy cẩn thận và ân cần gìn giữ đức tin Công giáo và tông truyền, đến nỗi trở thành gương sáng cho mọi người Chúa đặt ở dưới quyền con, và mọi người trong hàng giáo sĩ sẽ phải công nhận con là người tuyên xưng đức tin Ki-tô-giáo thật sự; nếu không thì người ta sẽ chẳng còn gọi con là Ki-tô-hữu hay là con cái của Hội thánh nữa.

Vậy trong đền vua, sau đức tin thì Hội thánh phải chiếm hàng thứ hai. Hội thánh trước hết đã được chính Thủ lãnh là Đức Ki-tô gieo mầm, rồi được các chi thể của Người là các tông đồ và các giáo phụ đem trồng và xây dựng chắc chắn và được lan rộng ra khắp địa cầu. Nên cho dù Hội thánh luôn luôn sinh ra những con cái mới, song ở nhiều nơi, Hội thánh thật đã xa xưa.

Hội thánh ở nước ta còn trẻ trung và mới mẻ, nên cần phải có người bảo đảm và sáng suốt gìn giữ, kẻo ơn lành và lòng nhân từ Chúa đã ban cho chúng ta là những kẻ bất xứng, phải phá sản và mất đi vì con sơ xuất, lười biếng chậm chạp.

Con rất yêu quý, con là sự êm ái của lòng cha, là hy vọng của dòng dõi cha, cha khuyên con, cha truyền cho con, bằng mọi cách và trong mọi việc phải tỏ ra từ tâm...

Sau cùng con hãy can trường, đừng thấy phát đạt mà tự cao, đừng vì trở ngại mà nản chí, phải khiêm nhượng để được Chúa nâng lên ở đời nầy và trong đời sau..."

Thánh nhân qua đời ngày 15 tháng 8 năm 1038, và được tôn phong Hiển thánh năm 1083.

Quyết tâm: Noi gương thánh Tê-pha-nô, hằng ngày lo chu toàn bổn phận đối với Hội thánh và gia đình, bằng cách chuyên cần dạy dỗ con cái và mở mang Nước Chúa.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho thánh Tê-pha-nô làm vua nơi trần thế để mở mang Giáo hội. Nay Người được vinh hiển trên thiên đàng, thì xin cho Giáo hội cũng được người bênh vực chở che.

Ngày 19 tháng 8
THÁNH GIO-AN ÊU-ĐÊ
Linh Mục

Gương Thánh nhân: Thánh Gio-an Êu-đê sinh tại miền Nọt-măn-đi, nước Pháp, năm 1601, trong một gia đình đạo giáo sốt sắng, nên được cha mẹ giáo dục nền đạo đức vững chắc ngay từ nhỏ.

Năm lên 15 tuổi, thánh nhân học với các cha dòng Tên tại Ca-en, và sau đó đi Ba-lê theo đại học. Ước nguyện của Ngài là muốn dâng mình cho Chúa để phục vụ Hội thánh và cứu rỗi các linh hồn, nên đã xin gia nhập Dòng Thuyết giáo và năm 1625 thì được thụ phong Linh mục.

Lúc đó một cơn bệnh dịch tràn lan khắp nơi; dân chúng thấy nhiều người chết thì sợ hãi. Không ai dám đến giúp ai. Thánh nhân hy sinh lăn xả vào cứu giúp họ, chẳng kể gì tánh mạng sức khỏe, ngày đêm tận tụy chăm sóc người bệnh, chôn cất kẻ chết, đến nỗi ngài đã bị lây nhiễm, nhưng Chúa thương gìn giữ ngài, để ngài tiếp tục phục vụ Người trong những việc cần ích khác nữa. Sau khi cơn dịch chấm dứt, thánh nhân lên đường đi truyền giáo. Ngài giảng thuyết khắp vùng Nọt-măn-đi, Brơ-tan, Ba-lê. Tại đây, cha Ô-li-ê mời ngài giảng nhiều lần, mỗi lần kéo dài hai tháng rưỡi. Số người đến nghe giảng ngày càng đông đảo, và nhiều người nhờ lời ngài giảng dạy mà ăn năn trở lại với Chúa; ngài phải ngồi tòa giải tội cho họ suốt ngày. Nhất là lúc đó lạc thuyết Can-vi-nô đang gây khó khăn cho Hội thánh ở Pháp, ngài đem hết khả năng thuyết phục họ, chống lại những sai lạc của họ, giúp họ theo giáo huấn của Chúa Ki-tô.

Giữa lúc đó, thánh nhân nhận thấy hàng giáo sĩ không được đào tạo chu đáo, nên năm 1643, ngài rời khỏi Dòng giảng thuyết, thành lập Tu Hội Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a, chuyên lo huấn luyện các Linh mục cho công việc truyền giáo. Ngài cũng thấy có nhiều thiếu nữ lâm cảnh sa đọa, nên năm 1662, ngài lập thêm "Tu Hội Đức Mẹ Bác Ái", để giúp những thiếu nữ nầy cải hóa.

Thánh nhân có lòng đặc biệt tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su và Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ. Ngài cổ động nhiều người trong việc tôn sùng nầy, và viết nhiều sách phổ biến nguồn ơn cứu độ đó. Ngài nói: "Tôi xin bạn hãy nghĩ kỹ: Đức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta thật là đầu của bạn, và bạn là một chi thể của Người. Người đối với bạn thì như đầu đối với chi thể: mọi sự của Người là của bạn, tinh thần, trái tim, thân xác, linh hồn và mọi cơ năng của Người, tất cả đều để cho bạn dùng như là của riêng bạn, để phục vụ, ngợi khen, yêu mến và làm vinh hiển Người".

"Mà không những Người thuộc về bạn, Người còn muốn ở trong bạn nữa, để sống trong bạn và điều hành ở trong bạn, như đầu sống và điều hành trong chi thể vậy. Người muốn tất cả những gì ở trong Người, được sống và điều khiển ở trong bạn: tinh thần của Người ở trong tinh thần bạn, trái tim của Người ở trong trái tim bạn, mọi khả năng của linh hồn Người ở trong mọi cơ năng của linh hồn bạn, đến nỗi lời sau đây thực hiện ở nơi bạn: Hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi tâm hồn anh em, và để cho sự sống của Đức Ki-tô được hiện tỏ nơi mình anh em".

"Mà không những bạn thuộc về Con Thiên Chúa, nhưng bạn còn phải ở trong Người nữa, như chi thể ở trong đầu vậy. Tất cả những gì ở trong bạn, phải đem tháp nhập vào trong Người, để sống nhờ Người và để Người điều khiển cho. Bạn sẽ chẳng có sự sống thật nếu không ở trong Người vì duy chỉ có Người là nguồn sự sống thật; ở ngoài Người, chỉ có thể tìm thấy chết chóc và hư vong. Người phải là nguyên lý duy nhất cho mọi cử động, hành động và sinh lực trong đời bạn; bạn phải sống vì Người và cho Người, để bạn thực hiện lời sau đây: Khôngai trong chúng ta được sống cho mình và cũng không ai được chết cho mình. Vì nếu ta sống, chính cho Chúa mà ta sống; và nếu ta chết, thì chính cho Chúa mà ta chết. Vậy dù sống dù chết, ta vẫn thuộc về Chúa. Vì chưng Đức Ki-tô đã chết và đã sống, ấy là để làm Chúa kẻ chết và người sống".

Thánh nhân qua đời ngày 19 tháng 8 năm 1680, và năm 1925 được Đức Thánh Cha Pi-ô thứ 11 tôn phong Hiển thánh.

Quyết tâm: Tôi hết lòng tôn kính Thánh Tâm Chúa Giê-su và Trái Tim vẹn sạch Mẹ Ma-ri-a, để nhờ đó siêng năng nhiệt thành phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em, theo gương thánh Gio-an Êu-đê.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chọn Thánh Gio-an Linh mục làm người rao giảng sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô. Xin cho chúng con cũng biết theo gương sáng của thánh nhân và nghe lời người dạy dỗ, mà ngày càng thêm hiểu biết Chúa và trung kiên sống theo Tin mừng.

Ngày 20 tháng 8
THÁNH BÊ-NA-ĐÔ
Viện Phụ Tiến Sĩ

Gương Thánh nhân: Thánh Bê-na-đô sinh năm 1274, tại lâu đài Phong-ten, nước Pháp, trong một gia đình nổi tiếng quí tộc và nhân đức, nên lúc nhỏ đã được cha mẹ dạy dỗ kỹ lưỡng về đạo hạnh.

Năm lên 19 tuổi, thánh nhân vâng theo tiếng Chúa gọi, dâng mình vào dòng Xi-tô là dòng tu rất khắc khổ, hằng ngày chăm lo cầu nguyện, lao động và hãm mình ép xác. Lúc đầu gia đình và anh em ngài phản đối, nhưng ngài thuyết phục cách khôn khéo, đến nỗi chẳng những mọi người đều chấp nhận, mà cả sáu anh em ngài và 24 người bạn cũng theo vào dòng với ngài tại Cốt-đo năm 1112. Nhiều bạn trẻ khác thấy gương đó cũng từ từ xin nhập dòng. Thế là nhà dòng đông người quá, bề trên phải nghĩ đến việc lập thêm nhà mới. Và năm 1115, thánh nhân được bề trên đặt làm đầu một nhóm 12 tu sĩ, đến lập tu viện tại Cơ-lơ-vô. Nhờ tài đức và sự thánh thiện của ngài, dòng phát triển rất nhanh. Ngay lúc ngài còn sống, dòng đã tăng thêm cả 160 tu viện khác nữa và ngài được bầu làm đan viện trưởng các tu viện nầy.

Dòng càng phát triển, thánh nhân càng ra sức sống thánh thiện nhân đức. Mỗi ngày ngài tự hỏi: - Bê-na-đô, ngươi ở đây làm gì?

Mỗi lần hỏi như thế, ngài đặt thêm cho mình những việc lành phải làm, những việc hãm mình phải chấp nhận. Ngài hãm mình nhiệm nhặt đến nỗi ngài ăn như không ăn, uống như chẳng uống; ngài coi thường mọi của ăn hằng ngày. Danh tiếng ngài lan rộng khắp nơi, hương thơm nhân đức ngài tỏa lan cả vùng. Chẳng những ngài nên gương sáng trọn lành cho các tu sĩ trong dòng, mà còn lôi cuốn nhiều người từ xa đến học hỏi sống tốt như ngài. Những ai không đến được thì viết thơ nhờ ngài hướng dẫn, giải quyết các việc khó khăn trong đời sống thiêng liêng cũng như vật chất của họ. Và thánh nhân sẵn sàng trả lời cho hết mọi người. Do đó mà ngày nay thư từ của ngài còn lưu lại rất nhiều.

Thánh nhân chịu cực chịu khó làm các việc đó vì lòng mến Chúa yêu người. Ngài sống vì tình yêu, cho tình yêu, như lời ngài nói: "Tình yêu tự nó đủ cho nó, nó tự hài lòng với nó và nó là mục đích của chính nó. Nó là chính công nghiệp của mình và là chính phần thưởng cho mình. Tình yêu không tìm gặp căn cứ nào ở ngoài mình và cũng không tìm hiệu quả nào ở ngoài mình. Hiệu quả của nó là chính việc yêu mến. Tôi yêu là vì tôi; và tôi yêu là để tôi yêu. Tình yêu là một sự thật cao cả, ít là khi trở về nguyên lý của nó, khi trở lại nguồn gốc của nó, khi lộn về nguồn mạch của nó để có được dòng nước cứ chảy mãi. Trong tất cả các cảm xúc, cảm giác và cảm tình của linh hồn, chỉ có tình yêu cho phép tạo vật được đáp lại. Tạo hóa, không được bằng vai ít ra cũng được tương tự như Người. Bởi vì khi Thiên Chúa yêu, Người chẳng muốn gì khác việc được yêu lại".

Ngoài ra nhiệt tâm lo cho dòng và hướng dẫn đàng nhân đức cho mọi người, thánh nhân còn tận tình giúp việc chung của Hội thánh. Ngài đứng ra dàn xếp và thu phục các nước trong thời gian Giáo hội ly khai, đồng thời làm tư vấn cho các vị Giáo Hoàng. Trong cuộc thánh chiến chống lại Hồi giáo lần thứ hai, Thánh nhân được Đức Giáo Hoàng Êu-gen thứ 3 giao cho đi vận động các vua chúa tham gia. Nhưng cuộc thánh chiến nầy bị thất bại, vì các tướng lãnh tham lam ích kỷ, tranh chấp quyền lợi với nhau. Đã vậy, họ còn đổ lỗi cho thánh nhân, khiến cho các nhà chức trách đạo đời phê bình chỉ trích, làm cho ngài phải buồn sầu đau khổ. Nhưng ngài không phàn nàn trách móc ai, một cam lòng chấp nhận vì lòng mến Chúa.

Thánh nhân qua đời tại Cô-lê-vô, ngày 20 tháng 8 năm 1153. Năm 1174 ngài được Đức Thánh Cha A-lét-xăn thứ 3 tôn phong Hiển thánh. Và Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 8 nâng ngài lên Tiến sĩ Hội thánh năm 1830.

Quyết tâm: Hết lòng lo cho mọi người tấn tới trên đàng nhân đức thánh thiện và tận tâm giúp việc Hội thánh, theo gương thánh Bê-na-đô viện phụ.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh viện phụ Bê-na-đô đầy nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, để trở nên ngọn đèn cháy sáng trong Giáo hội. Nhờ lời Người nguyện giúp cầu thay, xin cho chúng con cũng được lòng hăng hái như Người, để sống thế nào cho xứng danh là con cái ánh sáng.

Ngày 21 tháng 8
THÁNH PI-Ô
Giáo Hoàng

Gương Thánh nhân: Thánh Pi-ô thứ 10 sinh ngày 2 tháng 6 năm 1835, tại làng Ri-ê-sô, tên thật của Ngài là Du-sép-pô Sạt-tô.

Lúc nhỏ Du-sép-pô học cấp tiểu học tại trường làng, sau đó phải đi bộ mỗi ngày hàng chục cây số để tiếp tục việc học ở trường cách xa đó vì cha mẹ nhà nghèo. Mẹ cậu thấy con đi chân không nên rán dành dụm sắm cho đôi giày. Nhưng cậu tiết kiệm vừa muốn tập hãm mình, nên mang giày đi khỏi nhà một quảng là cởi ra, đeo lên vai và đi chân không đến trường. Vì cần mẫn học hành, nên Du-sép-pô tiến tới rất nhanh và luôn được thầy bạn khen ngợi.

Thời đó Hội thánh muốn tập cho người tín hữu kính trọng Thánh Thể nên không cho phép trẻ nhỏ rước lễ sớm. Vì thế, mãi đến năm 11 tuổi, Du-sép-pô mới được rước Chúa lần đầu. Và ngay từ đó cậu đã tỏ ý muốn dâng mình cho Chúa. Cha cậu từ chối, vì thấy gia đình nghèo, muốn cho cậu ở nhà giúp đỡ, còn bà mẹ thì khuyến khích tán thành. Nhưng rồi sau đó ông cũng vui lòng vâng theo thánh ý Chúa, cho con mình đi theo tiếng Chúa gọi.

Thế là năm lên 15 tuổi, cậu Du-sép-pô gia nhập chủng viện ở Pa-đua. Hằng ngày cậu chuyên cần học tập và rèn luyện các nhân đức. Nhưng chưa được bao lâu, cha cậu qua đời, để lại người vợ và 7 đứa con nheo nhóc nghèo khổ. Cậu thấy cảnh gia đình khốn khổ quá, nên định xin trở về giúp đỡ. Nhưng mẹ cậu không chấp nhận. Bà khuyến khích con dâng tất cả cho Chúa, lo tiếp tục tu luyện.

Năm 1858, Du-sép-pô được phong chức Linh mục và đi giúp họ đạo Tom-bô-lô. Vì thấy ngài tận tình săn sóc đoàn chiên và nhân đức, nên Đức Giám mục chọn ngài làm giám đốc chủng viện. Năm 1884, Đức Giáo Hoàng Lê-ô thứ 13 đặt ngài lên làm Giám mục giáo phận Măn-tua. Sau ngày thụ phong, ngài về quê thăm mẹ và khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình. Mẹ ngài cũng cho ngài xem chiếc nhẫn cưới và nói: - Nếu không có chiếc nhẫn nầy, thì làm sao con có chiếc nhẫn kia?...

Lúc đó giáo phận Măn-tua đang sa sút về phần đạo đức cũng như luân lý, thánh nhân đi kinh lý khắp nơi, dạy dỗ kêu gọi mọi người ăn năn cải thiện. Và nhờ ơn Chúa, ngài đã đưa cả giáo phận trở lại đạo sốt sắng.

Vì thấy ngài nhân đức và làm việc kết quả như thế, nên năm 1893, Đức Giáo Hoàng phong ngài làm Hồng Y giáo chủ Vê-nê-si. Và sau khi Đức Lê-ô thứ 13 qua đời, ngài lại được bầu làm Giáo Hoàng kế vị, với biệt hiệu Pi-ô thứ 10.

Từ ngày nhậm chức Giáo Hoàng, thánh nhân càng hoạt động nhiệt thành hơn. Ngài "canh tân mọi sự trong Đức Ki-tô". Đó là khẩu hiệu của ngài: ngài cho phép trẻ nhỏ rước lễ sớm và khuyến khích việc rước Chúa hằng ngày. Về giáo luật, phụng vụ, Kinh Thánh, ngài cho nghiên cứu và canh tân. Khi nói đến các thánh vịnh ngài viết:

"Nhờ Chúa linh ứng, các thánh vịnh đã được soạn ra và được góp lại trong Kinh Thánh. Ngay từ buổi đầu của Hội thánh, thánh vịnh đã giúp nuôi dưỡng lòng đạo đức của tín hữu một cách tuyệt vời, để họ tiến dâng Thiên Chúa lễ tế ngợi khen, tức là hoa quả của những môi miệng tuyên xưng Danh Người. Không những thể theo thói quen nhận được từ luật cũ, thánh vịnh còn giữ phần rõ rệt trong chính phụng vụ thánh và trong thần vụ. Do đó mà thánh vịnh đã trở thành tiếng của Hội thánh, như lời thánh Ba-xi-li-ô nói; hay như các vị tiền nhiệm của tôi là Đức U-ba-nô VIII đã gọi, đó là ái nữ của thánh ca hằng xướng hát ở trước tòa Thiên Chúa và Chiên Con; và theo ý kiến thánh A-tha-na-xi-ô, thánh vịnh dạy người ta nhất là những người chuyên phụng tự biết cách ca ngợi Thiên Chúa và phải dùng lời lẽ nào cho xứng hợp để tuyên xưng Danh Người".

Và việc làm đặc biệt của thánh nhân là dũng cảm chiến đấu với các lạc thuyết, nhất là phe duy tân. Họ luôn gây khó khăn rắc rối cho Giáo hội. Ngài cực lực phản đối và dùng sự khôn ngoan mà thuyết phục họ.

Thánh nhân qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1914, giữa lúc thế giới bùng nổ chiến tranh. Và năm 1945, ngài được tôn phong Hiển thánh.

Quyết tâm:
Noi gương thánh Giáo Hoàng Pi-ô thứ 10, hằng ngày lo canh tân cải thiện đời sống cho tốt hơn, đẹp lòng Chúa và mọi người hơn.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Giáo Hoàng Pi-ô thứ 10 trí khôn ngoan siêu việt và lòng dũng cảm xứng bậc tông đồ, để người bênh vực đức tin Công giáo và qui tụ tất cả về Đức Ki-tô. Xin rộng ban cho chúng con biết nghe lời thánh nhân giảng dạy và noi gương sáng của người hầu mai ngày đạt tới phúc trường sinh.

THÁNH GIU-SE ĐẶNG ĐÌNH VIÊN
Linh Mục Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Chúa Giê-su đã công khai tuyên bố: "Tôi là Mục tử nhân lành,Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên" (Ga. 10, 11).

Và Người đã thực hiện đúng như lời Người đã tuyên bố, Người đã nộp mình chịu chết treo trên khổ giá, để cứu độ mọi người...

Cha Thánh Giu-se Viên tử đạo hôm nay đã noi gương Chúa Giê-su, hy sinh mạng sống mình cho con chiên như thế.

Khi quan quân đến bao vây họ đạo Cầu Chay để bắt cha, cha chạy trốn trong vườn mía của một người bổn đạo. Không bắt được cha, quan giận dữ, cho bắt đứa con trai nhỏ của chủ nhà, tra khảo đánh đập tàn nhẫn, buộc nó chỉ chỗ cha ẩn trốn. Bị đòn đau quá, nó chịu không nổi khóc la thảm thiết ! Cha nghe đứa bé kêu la than khóc mà đau lòng đứt ruột, không thể cầm lòng được. Cha ra trình diện cho quân lính bắt trói để cứu đứa trẻ.

Giu-se Đặng Đình Viên sinh năm 1784 tại Tiên Chu, tỉnh Hưng Yên. Cậu mong ước được làm Linh mục giảng đạo Chúa, nên xin theo giúp các cha thừa sai để học hành, tập luyện nhân đức. Thấy cậu có lòng đạo đức và trí thông minh, các cha đã gởi vào chủng viện tiếp tục tu học.

Sau khi mãn khóa thần học, năm 1821, thầy Viên thụ phong Linh mục, và được Đức Cha sai đi giúp các giáo hữu họ đạo Lục Thủy, tỉnh Nam Định. Lần lượt những năm sau đó, cha được cử đi các họ Đông Bài, Thiết Nham, Như Thiết, v.v... Đến đâu, cha cũng tận tình hy sinh phục vụ các linh hồn, thi hành sứ vụ mục tử, chẳng những chăm sóc con chiên bổn đạo bằng lời giảng dạy và các Bí tích, mà còn rao truyền đạo Chúa cho lương dân, đem ơn cứu độ đến cho những người chưa biết Chúa. Suốt 17 năm làm Linh mục, lúc nào cha cũng nhiệt tâm truyền giáo, siêng năng hoạt động tông đồ, mặc dù thời buổi khó khăn cấm cách, vua quan truy lùng bắt đạo khắp nơi.

Ngày 17 tháng tư năm 1838, cha nhờ thầy giảng Vũ Văn Lâu đi lãnh dầu thánh về cho họ đạo, đồng thời đem 6 bức thư cha gởi cho hai Đức Cha và bốn Linh mục khác. Dọc đường, thầy bị quân lính chận lại lục soát, bắt gặp các bức thư, đem về nộp cho tổng đốc Trịnh Quang Khanh, quan liền đệ trình lên vua Minh Mạng. Nhận được các thư đó, vua giận dữ, cho rằng các quan bao che tà đạo, khinh thường lệnh vua, để cho các Đạo trưởng lộng hành đầu độc nhân dân. Vua truyền Trịnh Quang Khanh phải bắt cho được người gởi thư cũng như những kẻ nhận thư, và dọa truất chức ông ta nếu không bắt được những người đó.

Thế là vô tình Cha Viên đã làm cớ cho vua quan nổi giận, truy lùng bắt bớ đạo Chúa dữ dội hơn. Do đó mà chính cha cùng với Đức Cha Y, Đức Cha Minh và một số các cha khác đã bị bắt giết vì Chúa.

Kể từ đó, quan quân truy lùng khắp nơi, tìm bắt cho được cha Viên, với hai vị Giám mục và các cha có tên trong các bức thư. Biết mình bị truy nã, cha Viên hết sức cố gắng ẩn trốn, không ngờ có hai người trong thân tộc của cha vì tham tiền đã tố giác cha, đang lúc cha ẩn nấp tại nhà một giáo dân ở họ Cầu Chay.

Sáng ngày 1 tháng 8 năm 1838, quan quân kéo đến bao vây họ đạo Cầu Chay. Vừa nghe tin, cha vội vàng chạy ra vườn mía ẩn trốn. Quân lính lục soát khắp nơi. Nhưng không tìm thấy cha, họ bực tức, bắt đứa trẻ con của chủ nhà trói lại, đánh nhừ tử, buộc nó chỉ chỗ cha trốn. Nó không chỉ. Song vì bị đòn đau quá chịu không nổi, nó kêu la khóc lóc thảm thiết ! Nghe nó khóc than đau đớn quá, cha không cầm lòng được, nên ra trình diện: - Tôi là Đạo trưởng Viên đây, các anh hãy bắt tôi, và tha cho đứa trẻ vô tội nầy.

Quân lính ập tới bắt trói cha, giải về Hưng Yên, giam vào ngục tra tấn đánh đập dữ dội, bắt buộc khai báo nơi hai vị Giám mục và các Linh mục kia ẩn trốn. Cha nhất quyết không khai. Họ liền bảo cha đạp lên thập giá bỏ đạo. Cha khẳng khái nói: - Là Đạo trưởng, tôi không bao giờ quá khóa bỏ đạo.

Thế là ngày 21 tháng 8 năm 1838, quân lính dẫn vị chiến sĩ anh hùng của Chúa ra chém đầu tại pháp trường Bảy Mẫu.

Đức Thánh Cha Lê-ô 13 phong ngài lên Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Và ngày 16 tháng 09 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan-Phalô 2 đã suy tôn ngài lên Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Giu-se Viên Linh mục tử đạo, nhiệt thành rao giảng đạo Chúa khi thuận tiện cũng như lúc khó khăn, và sẵn sàng hy sinh vì Chúa và vì đồng bào đồng đạo.

Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 22 tháng 8
ĐỨC MẸ MA-RI-A NỮ VƯƠNG

Gương Thánh nhân: Để kết thúc NĂM THÁNH MẪU năm 1954, ngày 1 tháng 11 Đức Thánh Cha Pi-ô 12 đã đặt triều thiên lên tượng Đức Trinh nữ Ma-ri-a, công bố Đức Mẹ là Nữ Vương và truyền mầng lễ nầy vào chính ngày hôm nay, 22 tháng 8 hằng năm. Ngài có ý chọn Đức Mẹ làm Nữ Vương cai quản Giáo hội và mọi quốc gia, để nhờ Mẹ cầu bàu cùng Chúa cho mọi tín hữu trên khắp hoàn cầu.

Theo Thánh A-mê-đê Giám mục "Thật là phải lẽ việc Đức Ma-ri-a trước khi lên trời, đã rạng danh ở khắp cả mặt đất và danh Ngài đã thật lừng lẫy ở mọi nơi, trước khi sự vinh quang của

Ngài được đưa lên trên các tầng trời. Quả thật, vì danh dự của con người, Ngài phải được hiển trị đầu tiên ở dưới đất, để được lên trời trong sung mãn thánh thiện, vì như Ngài đã từ nhân đức nầy sang nhân đức khác, thì Ngài cũng phải nhận được hết rạng sáng nầy sang rạng sáng khác, nhờ Thần Khí của Chúa Con".

"Vậy khi còn sống trong xác thịt, Ngài cũng đã được nếm những hoa quả của Nước Trời mai sau; khi thì tâm thần ngây ngất bay bổng lên với Chúa một cách khôn tả, lúc lại chiếu cố xuống tha nhân bác ái lạ lùng; bên thì được các thiên thần nâng đến kính tôn, bên lại được loài người âu yếm tôn thờ. Gáp-ri-en đã đến cung phụng với các thiên thần; còn Gio-an lại hoan hỷ được Chúa ở trên thập tự giá trao phó Mẹ Đồng trinh cho sự đồng trinh của mình, nên đã phục vụ Ngài với các tông đồ. Người người vui mầng, kẻ nhìn nhận Ngài là Nữ Vương, kẻ suy tôn Ngài là Nữ Chúa; tất cả đều yêu mến phụng thờ Ngài".

Đức Mẹ được Chúa cho về trời cả hồn và xác để được tôn phong làm Nữ Vương. Do đó Đức Giáo Hoàng đặt triều thiên và công bố: Ngài làm Nữ Vương trên trời dưới đất, để mọi người tôn kính Mẹ với tước hiệu đó, hầu nhờ Mẹ cầu thay nguyện giúp cho toàn thể Hội thánh, và muôn dân toàn cầu được bình an sung túc, như lời Thánh Giám mục A-mê-đô:

"Ngài đứng trên lâu đài chót vót các nhân đức và được tràn ngập ân sủng của Chúa, Ngài rộng rãi đổ xuống trên dân tin tưởng và đói khát, vực sâu ân phúc khiến Ngài trổi vượt hơn hết mọi người, Ngài ban sức khỏe cho thân xác, thần dược cho linh hồn, có sức phục sinh cả hồn xác từ cõi chết. Có bao giờ có ai từ giã Ngài ra về mà vẫn ốm đau, buồn phiền hoặc mê muội mọi mầu nhiệm bởi trời đâu? Ai trở về nhà mình mà không hân hoan vui mừng, vì đã được Đức Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa ban cho như lời nguyện cầu?"

"Ngài là hiền thê dư đầy mọi ơn cao cả, là Mẹ của Đức hôn phu duy nhất; Ngài rất dịu dàng, và rất khả ái trong hoan lạc; Ngài như suối trong của các thửa vườn thiêng liêng, và như giếng nước hằng sống và tái sinh chảy cuồn cuộn từ đỉnh Ly-băng thiên quốc, để tràn từ núi Si-on xuống các dân tộc ở gần và ở xa, những dòng sông hòa bình và những suối ân sủng trào ra tự trời..."

Quyết tâm: Tôn Đức Mẹ làm Nữ Vương, để nhờ Mẹ điều khiển và cứu giúp mọi người trong gia đình, xã hội và Giáo hội.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Ki-tô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương chúng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu, mà cho chúng con đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa.

Ngày 23 tháng 8
THÁNH RÔ-SA-LI-MA
Trinh Nữ

Gương Thánh nhân: Thánh nữ Rô-sa sinh tại Li-ma, nước Pê-ru, năm 1586, trong một gia đình nghèo khó nhưng đạo đức. Tên thật của ngài là I-sa-ben. Nhưng vì ngài xinh đẹp, nên người ta lấy bông hồng là Rô-sa mà gọi tên ngài. Ngài có lòng tôn kính Đức Mẹ đặc biệt, nên mới được gọi là Rô-sa Ma-ri-a.

Thánh nữ đúng thật là một bông hồng thánh thiện đầu tiên ở Mỹ Châu.

Mới lên 5 tuổi, ngài đã khấn giữ mình đồng trinh, dâng hiến trọn tình yêu để yêu mến Chúa Giê-su và Ma-ri-a Mẹ Người.

Lên 6 tuổi, thánh nữ đã bắt đầu ăn chay hãm mình, sống khổ hạnh nghiêm nhặt, hằng ngày tìm dịp để hy sinh chịu khó vì lòng mến Chúa. Và để được hướng dẫn trên đàng trọn lành, năm 1606, ngài gia nhập dòng ba Đa-minh, chọn thánh nữ Ca-ta-ri-na làm gương mẫu.

Vì gia đình nghèo, thánh nữ phải phụ giúp cha mẹ làm việc suốt ngày mệt nhọc, đêm lại thức khuya cầu nguyện. Nhưng ngài không lấy đó làm khổ nhọc cho bằng việc phải khước từ hôn nhân. Thấy ngài xinh đẹp, nhiều thanh niên đã đến cầu hôn với ngài. Cha mẹ ngài cũng muốn cho con có nơi nương tựa, nên đốc thúc khuyến dụ ngài nhận lời. Song vì ngài đã hiến trọn tình yêu cho Chúa, ngài không thể chấp nhận việc hôn nhân. Việc từ khước đó đã gây cho ngài rất nhiều phiền hà đau khổ. Người ta vu oan cho ngài nhiều tội lỗi xấu xa, nhưng ngài sẵn lòng cam chịu tất cả vì Chúa. Ngài nói:

"Chúa Cứu thế đã lên tiếng và người nói trịnh trọng trong vô song: Mọi người nên biết rằng ân sủng sẽ đến liền sau đau khổ. Hãy nhận rằng mình không thể đạt tới ân sủng mà không mang nặng khổ đau. Hãy hiểu rằng lao khổ có gia tăng thì mức độ của các ân sủng mới gia tăng theo. Vậy loài người hãy ý tứ kẻo lạc lối lầm đường; đấy mới thật là nấc thang dẫn lên thiên đàng, và ngoài thánh giá không còn con đườhg nào đưa đến thiên cung.."

"Hỡi muôn dân thiên hạ hãy nghe đây: Vâng lệnh Đức Ki-tô, và dùng chính những lời từ miệng Người thốt ra, tôi nói cho anh em biết: nếu chúng ta không chịu khổ đau thì chúng ta chẳng tài nào được Chúa ban ơn. Vậy cần phải chịu chồng chất lao khổ thì mới mong được thật sự thông phần vào bản tính Thiên Chúa, vào vinh quang của con cái Thiên Chúa, và vào hạnh phúc hoàn toàn cho tâm hồn..."

"Ước gì người đời biết được ân sủng Chúa lớn lao đẹp đẽ cao cả, quý báu chừng nào, trong ân sủng có biết bao nhiêu là của cải, là kho tàng, là vui mầng hoan lạc. Chắc chắn họ sẽ hết sức vận động và săn sóc để được vất vả khổ sở; mọi người trên mặt đất thay vì tìm kiếm của cải, sẽ tìm khó khăn, tật nguyền, khổ cực, hầu đoạt được kho tàng vô giá của ân sủng. Đó mới là phần thưởng lớn lao, là kết quả cuối cùng của sự nhẫn nhục. Không ai sẽ phàn nàn khi gặp khổ cực hay thánh giá nữa, sau khi đã biết rõ bàn cân đặt chúng lên để thưởng công loài người".

Mặc dầu sống trong một cái chòi như nhà ẩn tu, thánh nữ luôn tha thiết ước muốn tham gia việc truyền giáo, say mê việc cứu rỗi các linh hồn. Đối với ngài, mỗi linh hồn đều có giá trị vô cùng trước mặt Chúa. Ngài dâng lời cầu nguyện và sự hy sinh hãm mình hằng ngày để cứu các linh hồn.

Ngoài ra, thánh nữ còn có lòng kính mến Chúa Giê-su Thánh Thể và tôn sùng Mẹ Ma-ri-a. Ngài chuyên cần phổ biến chuỗi Môi Khôi, để giúp mọi người chạy đến Đức Mẹ.

Thánh nữ qua đời ngày 24 tháng 8 năm 1617, được Đức Giáo Hoàng Lê-men-tê thứ 10 phong Hiển thánh năm 1671.

Quyết tâm: Hằng ngày chuyên cần cầu nguyện, hy sinh hãm mình dâng lên Chúa, để kêu xin Chúa cứu rỗi linh hồn mình và kẻ khác, theo gương thánh nữ Rô-sa Li-ma.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh nữ Rô-sa Li-ma được cháy lửa yêu mến Chúa nồng nàn, khiến thánh nữ từ bỏ thế gian sống cho một mình Chúa, trong cuộc đời khắc khổ và cầu nguyện. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu, mà cho chúng con hằng tiến bước trên con đường đưa tới sự sống thật, để được hưởng niềm vui bất tận trên trời.

1949    17-01-2011 21:46:58