Sidebar

Chúa Nhật

10.11.2024

Hạnh Thánh Tháng 8_phần 4

Ngày 24 tháng 8
THÁNH BA-TÔ-LÔ-MÊ-Ô
Tông Đồ

Gương Thánh nhân: Chúa Giê-su đi giảng đạo ở miền Ga-li-lê, Người gặp một người tên là Phi-lip-phê. Người mời gọi ông theo giảng đạo với Người. Ông liền nghe tiếng Chúa gọi, đi theo giúp Chúa.

Và dịp may Phi-líp-phê lại gặp bạn ông ta là Na-ta-na-en Ba-tô-lô-mê-ô, ông liền giới thiệu Chúa. - "Đấng mà sách luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.

Nhưng vì thấy dân làng Na-da-rét không tốt, họ hay đặt điều bịa chuyện, nhất là gây gỗ khó tính, nên Na-ta-na-en phê bình: - "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?!!

Ông Phi-líp-phê trả lời: - Cứ đến mà xem.

Đức Giê-su thấy ông Na-ta-na-en tiến về phía mình, liền nói với ông rằng: - Đây đúng thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối. (Chúa Giê-su thấu suốt tâm hồn mọi người).

Ông Na-ta-na-en hỏi Người: - Làm sao Ngài lại biết tôi?

Đức Giê-su trả lời: - Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.

Ông Na-ta-na-en nói: - Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en ! (Ga.1,47-49).

Ông Na-ta-na-en đã nhận ra Chúa Giê-su và tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa, nhờ lời Người nói rõ ông là người có học Kinh Thánh (Cây vả ám chỉ người chuyên cần học hỏi Thánh Kinh). Thế nên Chúa Giê-su nói với ông:

"Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa...Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người". ( Ga. 1,50-51).

Và thánh nhân đã đi theo Chúa. Đây là vị tông đồ Ba-tô-lô-mê-ô mà Hội thánh mầng kính hôm nay.

Thánh nhân sống gần gũi Chúa, hằng ngày nghe lời Chúa giảng, chứng kiến các phép lạ Chúa làm, học hỏi các nhân đức Chúa.

Tương truyền sau ngày được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, thánh nhân đi giảng đạo trong nước Ấn-độ, giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng Cứu độ duy nhất của loài người. Lòng nhiệt thành đi đôi với các việc lạ ngài làm đã đem được nhiều người trở lại đạo.

Về sau thánh nhân đến giảng đạo ở Át-mê-ni. Ở đây ngài đã chữa cho đứa con gái nhà vua khỏi bị quỷ ám, nên nhà vua cùng với gia đình, và 12 thành trong nước đã tin Chúa và lãnh Bí tích Rửa tội.

Nhưng ma quỷ nhất quyết trả thù ngài. Chúng xúi giục em vua bắt ngài hành khổ rất dã man. Họ dùng dao lột da rồi chém đầu ngài.

Thánh nhân đã chịu chết vì Chúa năm 71, tại Át-mê-ni.

Quyết tâm: Noi gương thánh tông đồ Ba-tô-lô-mê-ô, hằng ngày tôi sống gần gũi Chúa, học hỏi cho biết Chúa nhiều hơn, để giới thiệu Chúa cho mọi người nhìn biết tin kính.

Lời nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một lòng tin vững mạnh, để chúng con thật tình gắn bó với Đức Ki-tô. Con Một Chúa, như thánh Ba-tô-lô-mê-ô tông đồ. Xin Chúa cũng nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, mà cho chúng con sống thế nào, để muôn dân nhận biết Hội thánh chính là Bí tích Cứu độ.

Ngày 25 tháng 8
THÁNH LU-Y

Gương Thánh nhân: Thánh Lu-y là một vị vua thánh thiện. Ngài sinh năm 1214 tại Pháp, trong gia đình hoàng tộc rất đạo đức. Cha ngài là vua Lu-y thứ 8, cai trị nước Pháp.

Thánh nhân được Rửa tội tại Pốt-sy, và suốt đời ghi nhớ ngày được hồng phúc trở nên con Chúa, ngài luôn ký tên là Lu-y Pốt-sy.

Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã được mẹ dạy dỗ chu đáo về đàng đức hạnh. Bà thường nói với con: - Sau Chúa, mẹ thương con hơn hết. Nhưng thà mẹ thấy con chết trước mặt mẹ, còn hơn là thấy con phạm một tội trọng mất lòng Chúa.

Ngoài ra sự dạy dỗ cần mẫn của mẹ, thánh nhân còn được thánh Pa-ci-phi-cô và Măn-su-ê thuộc dòng Phan-sinh huấn luyện đào tạo. Nhờ đó mà ngài có được đời sống đạo đức sâu xa, theo tinh thần thánh Phan-xi-cô, chính ngài đã gia nhập dòng ba Phan-sinh, và suốt đời luôn tuân giữ luật dòng nầy: Hằng năm ngài ăn chay suốt mùa chay và các ngày thứ sáu trong tuần, hằng ngày hy sinh hãm mình và siêng năng tham dự Thánh lễ.

Sau khi vua cha qua đời, thánh nhân lên ngôi kế vị. Ngài cai trị dân với tinh thần công bình bác ái, và luôn dành nhiều thời giờ cho việc lành phước đức và đọc kinh cầu nguyện, đến nỗi nhiều người kêu trách ngài quá lo đạo đức mà không lo cho dân nước. Ngài trả lời với họ: - Các ngươi kêu trách ta dành nhiều thời giờ để đọc kinh cầu nguyện. Nhưng nếu ta để giờ mà vui chơi săn bắn thì sao?

Ý nguyện của vua thánh Lu-y là xây dựng đất nước trên nền tảng đạo lý, công bình, bác ái. Mọi việc ngài làm đều quy hướng về ba mục tiêu chính yếu đó. Và ngài hằng nêu gương cho thần dân của ngài. Ngài tổ chức nhiều công cuộc xã hội từ thiện, xây dựng bệnh xá, bệnh viện, lập ra tòa án phân xử công minh chính trực đối với mọi công dân, dạy mọi người phải tôn trọng quyền lợi của nhau.

Ngoài ra việc nước việc dân, vua thánh còn lo giúp Đức Giáo Hoàng giải phóng Thánh Địa đang bị Hồi giáo xâm chiếm. Năm 1248, chính ngài lên đường Thập Tự Chinh, và năm 1249 đã thắng trận ở Đa-mi-ết, nhưng sau đó lại bại trận và bị bắt làm tù binh ở Ai-cập, phải nộp số tiền lớn mới được thả ra. Dù bị bắt bị đày, thánh nhân cũng vẫn một lòng cương quyết bênh vực Hội thánh. Năm 1270, ngài cùng đoàn Thập Tự Quân lại lên đường giải phóng Thánh Địa. Nhưng cũng bị thất bại.

Và ngày 15 tháng 8 năm 1279, thánh nhân qua đời tại Tu-ni-si, vì cơn bệnh dịch hoành hành... Trước khi chết, ngài trối với con trai sắp lên kế vị:

"Con yêu dấu, trước hết cha khuyên con hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng và hết sức con, bằng không, chẳng có sự cứu rỗi nào đâu".

"Con ơi, con hãy tránh mọi sự mất lòng Chúa, nhất là các tội trọng, thà con chịu mọi khổ hình còn hơn là con phạm một tội trọng nào".

"Ngoài ra, nếu Chúa để con phải hoạn nạn, thì con phải quãng đại chấp nhận với lòng biết ơn, đồng thời nghĩ rằng đó là ích lợi cho con và có lẽ con đáng chịu như vậy. Còn nếu Chúa cho con thịnh vượng, con phải khiêm nhường mà cảm ơn Người và phải coi chừng kẻo vì hư danh hay vì cách nào khác, mà con tệ hơn chăng, bởi vì con không được chống lại hay xúc phạm đến Chúa vì các ơn Người ban..."

"Con hãy xót thương những kẻ nghèo khốn, hoạn nạn và giúp đỡ an ủi họ theo sức con. Con hãy cám ơn Chúa về các hồng ân Người ban, để con đáng nhận những ơn cao cả hơn. Đối với người dưới quyền, con hãy đối xử thẳng thắn, giữ đường công chính không nên thiên hữu hay thiên tả. Con hãy luôn thiên về phía người nghèo hơn người giàu, cho tới khi biết rõ được sự thật. Con hãy lo lắng công lý và bình an mà phục vụ người dưới quyền, nhất là các giáo sĩ và tu sĩ ".

Quyết tâm: Hết lòng lo cho gia đình và xã hội sống đạo đức, công bình bác ái, đồng thời tận tâm bênh vực và giúp đỡ Hội thánh, theo gương vua thánh Lu-y.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho Thánh Lu-y biết chu toàn nhiệm vụ bậc vua chúa trần gian, để xứng đáng hưởng vinh quang thiên quốc. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, mà ban cho chúng con cũng biết chu toàn nhiệm vụ chúng con ở đời nầy, để mai sau được Chúa đón nhận vào nhà Chúa.

THÁNH GIU-SE CA-LA-SĂN
Linh Mục

Gương Thánh nhân: Thánh Giu-se Ca-la-săn sinh năm 1557 ở miền Bắc nước Tây-ban-nha, trong một gia đình giàu có đạo đức. Ngay từ nhỏ, ngài đã được cha mẹ dạy dỗ hướng dẫn đạo hạnh, nên rất siêng năng cầu nguyện hãm mình.

Lớn lên, Giu-se được học hành đầy đủ. Năm 15 tuổi, cậu đã học xong chương trình trung học, và được cha mẹ chấp thuận cho vào chủng viện, tiếp tục học hành, luyện tập nhân đức.

Năm 1583, Giu-se được thụ phong Linh mục, Đức Giám mục giáo phận Ut-gen thấy ngài có lòng đạo đức và giỏi giắn, nên chọn làm Tổng Đại Diện Giáo Phận.

Và đầu năm 1259, thánh nhân được sang Rô-ma. Nơi đây, ngài gặp nhiều trẻ em lang thang dốt nát, nên mở trường dạy dỗ chúng. Nhiều Linh mục sẵn sàng cộng tác với ngài. Và ngài đã cùng với các Linh mục đó thành lập một tu hội, chuyên lo giáo dục trẻ em nghèo khổ và bị bỏ rơi. Tu hội của ngài đã được Đức Giáo Hoàng Phao-lô thứ 5 chuẩn nhận năm 1617.

Thánh nhân thường nói với các anh em trong tu hội: "Nghề giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, để nhờ đó chúng ta có thể đạt đến đời sống vĩnh cửu, là một nghề cao quý và nhiều công nghiệp biết bao, đó là điều ai cũng biết. Đúng thế, khi ta lo cho cả hồn lẫn xác chúng được lành mạnh bằng cách dạy dỗ chúng và nhất là bằng cách đào tạo chúng về lòng đạo đức và giáo lý, thì chúng ta đang chu toàn cùng một sứ mạng đối với chúng như các thiên thần bản mệnh của chúng vậy".

"Đàng khác, sự giúp đỡ của ta sẽ quý báu vô cùng, khi không những ta tránh cho các em khỏi làm bậy, mà nhất là còn lôi kéo, thúc giục các em biết dễ dàng và thích thú làm việc lành, cho dù các em thuộc gia đình và thân phận nào.

"Được giúp đỡ như thế, các em chắc chắn sẽ biến đổi nên tốt hơn, thậm chí sau khi các em đã được dạy bảo, không ai nhận được đó là những em trước kia đã thiếu giáo dục nữa. Đúng vậy, các em đang là những cây non, ta càng hết lòng hướng dẫn, tâm hồn các em càng dễ uốn nắn, nếu để các em lớn lên rồi, sẽ rất khó hoặc sẽ không còn uốn nắn được nữa".

"Biết giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, không những sẽ giúp cho nhân phẩm chúng ta tăng lên, mà còn được mọi người trong đạo cũng như ngoài đời biết ơn: kẻ làm cha mẹ rất sung sướng khi thấy con cái được dẫn đưa vào đường ngay nẻo chính; các vị lãnh đạo quốc gia có được những người dân lương thiện và những công dân tốt, và nhất là Hội thánh, khi thấy các em trưởng thành và hữu hiệu hơn đi vào trong cuộc sống và sinh hoạt đa diện của Hội thánh, như những người yêu mến Đức Ki-tô và như những chứng nhân của Tin mừng".

Nhưng sau đó vì nội bộ lủng củng, chia rẻ, tu hội của ngài phải gặp cơn khủng hoảng cho đến khi ngài chết mà cũng chưa phục hồi lại được.

Thánh nhân rất đau lòng vì tình trạng sa sút của tu hội. Nhưng ngài sẵn sàng chấp nhận và vâng theo ý Chúa. Ngài ra sức hãm mình và cầu nguyện cho tu hội được sớm phục hồi, cho công cuộc giáo dục đào tạo của ngài được kết quả.

Thánh nhân qua đời ngày 25 tháng 8 năm 1648, và năm 1767 được tôn phong Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Giu-se Ca-la-săn, hằng ngày tôi lo dạy dỗ con cháu tôi nên người và nên con Chúa, và sẵn lòng chịu mọi sự khổ cực để cầu nguyện cho chúng.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Giu-se Linh mục một tâm hồn đầy yêu thương và kiên nhẫn, để tận tình giáo dục thanh thiếu niên nên người và nên thánh. Giờ đây chúng con tôn kính thánh nhân như bậc thầy dạy đức khôn ngoan, thì xin cho chúng con cũng biết noi gương ngài mà phục vụ chân lý.

Ngày 27 tháng 8
THÁNH NỮ MÔ-NI-CA

Gương Thánh nhân: Thánh nữ Mô-ni-ca sinh tại Ta-gát, Phi-châu, năm 332, trong một gia đình Công giáo đạo đức.

Lúc nhỏ, thánh nữ được người vú nuôi dạy dỗ kỹ lưỡng, nên rất ham mộ đến nhà thờ cầu nguyện, và thích sống cô tịch để dễ dàng hầu chuyện với Chúa. Ngài có lòng thương yêu kẻ nghèo khó, người bệnh tật cách đặc biệt; ngày nào cũng tìm giờ thăm viếng và chăm sóc họ. Với đức khiêm tốn, lòng đạo đức và tinh thần bác ái đó, người ta có thể đoán biết sau nầy thánh nữ sẽ làm được nhiều việc tốt đẹp.

Năm lên 22 tuổi, cha mẹ gã thánh nữ cho một người quý tộc trong vùng tên là Pa-tin-ci-ô. Người nầy lớn tuổi hơn ngài nhiều. Tính tình rất khó khăn cau có, lại là người ngoại đạo. Ngài rất buồn, nhưng cũng vui lòng chấp nhận vì vâng lời cha mẹ và vâng theo ý Chúa.

Hằng ngày thánh nữ cố gắng đối xử tốt với chồng cũng như mẹ chồng. Ngài luôn nhẫn nhịn chịu lụy, không bao giờ than van trách móc, mặc dầu những người nầy thường gây khó khăn cho ngài. Nhiều đêm ngài phải lén lút khóc thầm về thân phận hẩm hiu của mình, nhưng luôn cố gắng kiên nhẫn hiền hòa với mọi người. Nhờ đó, dần dần ngài đã hoán cải được chồng. Đến lúc ngã bệnh nặng, Pa-tri-ci-ô đã trở lại đạo và được ơn chết lành. Đó là nhờ công lao của thánh nữ.

Nhưng Chúa còn dành cho thánh nữ một công trạng lớn lao hơn nữa, đó là việc cải hóa đứa con trai yêu dấu tên Au-gu-tinh, lúc đó đang làm giáo sư dạy học tại Mi-lăn. Cậu theo lạc thuyết, sống phóng túng trụy lạc, chống đối đạo Chúa.

Thánh nữ rời Rô-ma, đến Mi-lăn gặp cậu. Đêm ngày ngài khuyên lơn năn nỉ cậu trở về với Chúa. Ngài khóc hết nước mắt vì cậu. Ngài kêu xin Chúa cứu vớt cậu. Ròng rã 20 năm trời, ngài cầu nguyện cho cậu.

Cuối cùng, Chúa đã nhậm lấy nước mắt và lời cầu nguyện của thánh nữ, cho Au-gu-tinh ăn năn hối cải. Cậu bỏ lạc giáo, bỏ đàng tội lỗi, trở về với Chúa, và chịu phép rửa tội vào đêm vọng Phục sinh năm 387. Và từ đó Au-gu-tinh sống đời đạo đức thánh thiện, trở nên thánh cả trong Hội thánh.

Thánh nữ vui mầng tạ ơn Chúa và nói với con: "Hỡi con, mẹ thấy không còn tha thiết chi nữa ở cõi đời nầy. Mẹ còn làm gì? Và tại sao mẹ còn sống ở đời nầy nữa? Mẹ không biết, vì mẹ cảm thấy chẳng còn hy vọng gì nữa nơi thế trần nầy. Với mẹ, đã từ lâu chỉ có một điều giữ mẹ ở lại đời nầy ít lâu nữa, là nhìn thấy con trở lại đạo Công giáo, trước khi mẹ nhắm mắt. Thiên Chúa đã khấng ban dư tràn cho mẹ ơn Người, vì mẹ thấy con nay nhất tâm phụng sự Người đến nỗi khinh chê tất cả các thú vui trần tục. Mẹ còn làm gì ở đây nữa?..."

Năm 387, thánh nữ cùng với con trở về Phi-châu. Trên đường về, ngài ngã bệnh nặng và chết tại Ốt-ti-a, thọ 56 tuổi. Au-gu-tinh chôn cất mẹ tại đây. Nhưng đến năm 1430, xác ngài được dời về thánh đường kính thánh Au-gu-tinh tại Rô-ma.

Quyết tâm: Noi gương thánh nữ Mô-ni-ca, hằng ngày cầu nguyện và khuyên bảo những người tội lỗi trong gia đình ăn năn trở lại với Chúa.

Lời nguyện: Lạy Chúa là Đấng an ủi những ai sầu khổ, Chúa đã đoái thương nhậm lời thánh Mô-ni-ca khóc than cầu khẩn, mà cho con bà là Au-gu-tinh được ăn năn trở lại cùng Chúa. Xin cũng nhận lời hai thánh chuyển cầu, mà cho chúng con biết thực hành ăn năn hối lỗi, để được Chúa khoan hồng thứ tha.

Ngày 28 tháng 8
THÁNH ÂU-TINH
Giám Mục Tiến Sĩ

Gương Thánh nhân: Thánh Âu-tinh là một bậc thiên tài lỗi lạc và là một trong những vị thánh nổi tiếng trong Hội thánh. Ngài là Linh mục, Giám mục, nhà giảng thuyết, nhà viết sách, là triết gia và là thần học gia, là người cầu nguyện và nhiệt thành với Chúa rất đặc biệt.

Điều mà mọi người lấy làm lạ nhất là Chúa đã đưa ngài từ bùn nhơ tội lỗi lên một vị thánh nổi tiếng lừng danh.

Thánh nhân sinh tại Ta-gét, miền Phi-châu, năm 354, trong một gia đình mà người cha ngoại đạo, nhưng người mẹ là một vị thánh. Đó là ông Pa-tri-ci-ô và bà Mô-ni-ca. Vì thế, cậu được bà mẹ dạy dỗ chỉ bảo đạo đức bao nhiêu thì vì ảnh hưởng không tốt của người cha mà bê bối bấy nhiêu.

Nhưng về học vấn, Au-tinh rất xuất sắc, và trở thành giáo sư môn hùng biện. Năm 380 ngài sang Rô-ma và dạy học tại Mi-lăn. Ngài bị nhiễm lạc thuyết Man-cê-ô, sống phóng túng trụy lạc, và đến lúc nầy ngài vẫn chưa chịu theo đạo, và có ý sang đây dạy học để tránh mẹ ngài, để khỏi phải nghe bà khuyên lơn nhủ bảo bề đạo hạnh.

Nhưng bà Mô-ni-ca, mẹ ngài không bao giờ quên con. Đêm ngày bà thường khóc và cầu nguyện cho Au-tinh được trở lại với Chúa. Và sau khi chồng chết, bà thu xếp việc nhà rồi từ giả quê hương, sang Mi-lăn tìm con. Bà tiếp tục dùng nước mắt và lời cầu nguyện để khuyên bảo Au-tinh.

Sau cùng Chúa đã nhậm lời bà, cho Au-tinh bỏ lạc giáo, bỏ đàng tội lỗi, ăn năn trở lại với Chúa và lãnh Bí tích Rửa tội vào đêm vọng Phục sinh năm 387.

Sau đó hai mẹ con bỏ Mi-lăn trở về xứ sở. Nhưng dọc đường thì bà qua đời tại Ốt-ti.

Từ đó, Au-tinh chuyên cần cầu nguyện, tập rèn nhân đức, sống đời khổ hạnh. Ngài thưa với Chúa:

"Lạy Chúa là sự Đẹp vừa rất xưa vừa hằng mới, con đã yêu mến Chúa quá muộn ! Nầy, bây giờ Chúa đã ở trong con và con thì ở ngoài, con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài; con đã vô duyên nhào vào các vật đẹp đẽ mà Chúa đã dựng nên. Thành ra bấy giờ Chúa ở với con, mà con không ở với Chúa. Các vật đẹp đẽ kia cứ giữ con ở xa Chúa hoài, đang khi chính chúng cũng chẳng thể hiện hữu, nếu không hiện hữu trong Chúa. Chúa đã gọi con, Chúa đã la to và đã phá được sự điếc lác của con; Chúa đã soi sáng, chiếu dọi và xua đuổi được sự mù lòa của con; Chúa đã tỏa hương thơm khiến con hít được, và bây giờ con chỉ hướng về Chúa mà thôi; con đã nếm thử Chúa, và bây giờ con đói con khát Chúa; Chúa đã đụng chạm đến con, nên bây giờ con bứt rứt muốn tìm an bình nơi Chúa".

Đức Giám mục giáo phận thấy ngài nhân đức thì phong chức Linh mục cho ngài vào năm 391. Và sau khi Đức Giám mục qua đời, ngài được chọn lên thay thế. Ngài nhậm chức Giám mục trong nước mắt, vì tội lỗi xưa luôn ám ảnh trước mặt ngài.

Thánh nhân chung sống với hàng giáo sĩ trong giáo phận theo một quy luật do ngài sáng lập. Quy luật nầy ấn định lối sống cộng đoàn theo dòng tu, để thánh hóa đời sống.

Đang lúc đó, các lạc thuyết lan tràn. Thánh nhân phải cực lực chống lại và dùng lời khôn ngoan mà thuyết phục. Ngoài ra ngài còn viết nhiều sách tu đức, thần học... Ngày nay ảnh hưởng về đạo đức, thần học của ngài còn sâu đậm trong Giáo hội.

Thánh nhân qua đời năm 430, hưởng thọ được 76 tuổi.

Quyết tâm: Noi gương thánh Au-tinh, tôi quyết ăn năn trở về với Chúa mỗi khi lỗi lầm sa ngã, và một khi đã trở lại thì hết lòng sống khắng khít với Chúa và nhiệt thành phụng sự Chúa.

Lời nguyện: Lạy Chúa, xin khơi dậy trong lòng Giáo hội ơn Thánh Thần Chúa đã ban cho thánh Giám mục Au-tinh, để nhờ Thánh Thần nung nấu, chúng con chỉ khát khao một mình Chúa là nguồn mạch sự khôn ngoan đích thực, và chỉ tìm kiếm một mình Chúa là Thiên Chúa Tình Thương.

Ngày 29 tháng 8
THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ
bị trảm quyết

Gương Thánh nhân: Để dọn đường cho Chúa Giê-su đến cứu chuộc loài người, Thiên Chúa đã cho bà Y-sa-ve son sẻ được sinh con. Đó là Gio-an Tẩy giả.

Lớn lên, ngài vào sống khổ hạnh trong sa mạc: "Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn" (Mt. 3,4).

Và năm lên 29 tuổi, thánh nhân đến sông Gio-đăng, rao giảng kêu gọi mọi người ăn năn sám hối và lãnh phép rửa của ngài, để dọn lòng xứng đáng đón rước Chúa Cứu thế. Nhiều người đã đến lãnh nhận phép rửa thống hối của ngài, và xin ngài chỉ dạy cách thế để hoán cải đời sống. Chính Chúa Giêsu khi bắt đầu rao giảng Nước Trời, cũng đến nhờ ngài làm phép rửa, để được Chúa Thánh Thần tấn phong làm Đấng Cứu thế, và Chúa Cha công khai nhìn nhận là Con Yêu Dấu.

Lúc đó Hê-rô-đê Ăn-ti-pa làm quận vương cai trị xứ Ga-li-lê. Ông ta lấy vợ của anh là bà Hê-rô-đi-a, nên thánh nhân cảnh cáo và ngăn cản. Hê-rô-đi-a nghe biết thế thì căm thù ngài, và yêu cầu nhà vua bắt giam ngài. Dù vậy, bà ta cũng chưa vừa lòng, nên tìm dịp thuận tiện để giết ngài.

Chúng ta hãy nghe thánh sử Mát-cô thuật lại việc làm nầy của Hê-rô-đi-a:

"Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái:- Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.

Vua lại còn thề: - Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước ta cũng được.

Cô gái đi ra hỏi mẹ: - Con nên xin gì đây?

Mẹ cô nói: - Đầu Gio-an Tẩy giả.

Lập tức cô vội trở vào, đến bên nhà vua và xin rằng:- Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy giả, đặt trên mâm. Nhà vua buồn lắm, nhưng vì lời thề, và khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm, trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ". (Mc. 6,21-28).

Vì bảo vệ luân thường đạo lý và để báo trước cuộc tử nạn của Chúa Cứu thế, thánh nhân đã phải chết đau đớn. Thánh Linh mục Bê-đa khả kính đã giải thích ý nghĩa cái chết của ngài như sau:

"Đấng thánh loan báo Chúa sinh ra, rao giảng và chịu chết, đã tỏ một sức mạnh xứng đáng được Chúa nhìn. Như lời Kinh Thánh chép: Dẫu theo nhãn giới người phàm, người gặp đau khổ, nhưng hy vọng của người đã tràn đầy bất tử. Chúng ta thật có lý để long trọng mừng sinh nhật của ngài, ngày mà ngài đã làm cho ta quí trọng bằng cuộc khổ nạn và máu hồng của ngài. Chúng ta có lý để lấy niềm vui thiêng liêng kính nhớ Đấng đã lấy dấu tử đạo mà kết thúc cuộc đời làm chứng cho Chúa.

Chắc chắn thánh Gio-an đã phải chịu tù ngục, xiềng xích và phải phó mạng sống mình đi là vì Đấng Cứu chuộc chúng ta, Đấng mà ngài đã đến trước để làm chứng. Vì mặc dầu kẻ bắt ngài không đòi ngài chối bỏ Đức Ki-tô, mà chỉ phải che giấu chân lý, nhưng thực ra cũng vì Đức Ki-tô mà ngài chịu chết.

Chính Chúa Ki-tô đã nói: "Ta là chân lý". Ngài đã đổ máu ra vì chân lý, nên cũng là vì Đức Ki-tô. Khi sinh ra, ngài minh chứng Chúa sinh ra; khi rao giảng, ngài làm chứng Đức Ki-tô sẽ rao giảng; khi thanh tẩy, ngài loan báo Đức Ki-tô sẽ thanh tẩy; nên ngài chịu khổ nạn trước để báo hiệu Chúa sẽ chịu khổ nạn".

Quyết tâm: Tôi sẵn sàng chịu gian lao khốn khó, để làm chứng Chúa là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống, theo gương thánh Gio-an Tẩy giả.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho thánh Gio-an Tẩy giả báo trước mầu nhiệm Con Chúa sinh ra và chịu chết. Xưa thánh nhân đã anh dũng hy sinh vì chân lý và chính đạo thế nào, thì nay xin Chúa cũng cho chúng con biết xả thân làm chứng cho Tin mừng như vậy.

2219    17-01-2011 21:49:03