Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Hạnh Thánh Tháng 9_phần 1

Ngày 3 tháng 9
THÁNH GHÊ-GÔ-RI-Ô CẢ Giáo Hoàng Tiến Sĩ

Gương Thánh nhân

Thánh Ghê-gô-ri-ô sinh tại Rô-ma năm 590, trong một gia đình quý tộc, giàu có. Cha ngài là ông Gót-đi-a-nô, một nghị viên nổi tiếng của đô thành.

Thánh nhân được mang danh là Ghê-gô-ri-ô Cả, vì ngài là con của một nghị viên danh tiếng, là cháu của thánh trinh nữ Tat-si-la, là một vị Giáo Hoàng tài ba thánh thiện, và nhất là vì những hoạt động lớn lao của ngài trong Hội thánh.

Năm 33 tuổi, thánh nhân giữ chức tổng trấn Rô-ma. Người ta thường thấy ngài trong bộ y phục sang trọng lộng lẫy, ngày ngày đi kinh lý đô thành. Nhưng ngài luôn nuôi trong lòng lý tưởng tu trì và hiến thân phục vụ Chúa, nên sau khi thân sinh qua đời, ngài dủ bỏ chức tước thế gian, gia nhập tu viện; ngài đã đổi lớp y phục lộng lẫy sang trọng thành bộ áo nhà tu nghèo khổ. Trước kia người ta thấy ngài oai vệ đi kinh lý trong đô thành, ngày nay lại thấy ngài tận tụy đi chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ những người nghèo khổ, hầu hạ những kẻ ăn mày, và chính ngài cũng đi ăn xin hằng ngày với họ. Ngài đã biến các lâu đài do cha ngài để lại thành những bệnh viện, những nhà tế bần. Và nhờ phần gia tài được hưởng, ngài đã lập thêm nhiều tu viện.

Ngoài ra việc cứu tế và mở mang thêm tu viện, thánh nhân còn lo tập rèn đức hạnh, trau dồi kiến thức. Ngài chuyên cần học hỏi Kinh Thánh, chăm lo ăn chay, hãm mình, cầu nguyện.

Năm 578, thánh nhân được lãnh chức phó tế và sau đó được sai đi Công-tăng-ti-nốp, đại diện cho Đức Giáo Hoàng. Sau 7 năm làm sứ thần Tòa Thánh, thánh nhân được triệu về Rô-ma, làm vụ viện trưởng tu viện thánh An-rê. Và năm 590, khi Đức Giáo Hoàng Pê-la-gi-ô thứ 2 từ trần, ngài được bầu lên kế vị.

Từ đó, thánh nhân lo chấn chỉnh Giáo hội, củng cố quyền tối thượng của Tòa Thánh. Công trạng lớn nhất của triều Giáo Hoàng ngài là các cuộc canh tân trong Giáo hội. Chính ngài đã cải tổ phụng vụ, canh tân luật giáo sĩ, chỉnh đốn thánh nhạc (thánh nhạc bình ca lưu truyền cho đến ngày nay đã mang tên ngài: Nhạc Ghê-gô-ri-ô, truyền giáo cho các dân man-di, và thuyết phục các anh em Đông phương ly khai.)

Thánh nhân viết nhiều sách hướng dẫn mục vụ và tu đức. Đặc biệt những lá thư ngài gởi cho đủ mọi hạng người trong và ngoài Giáo hội, khuyên bảo đàng nhân đức cũng như bổn phận từng người. Ngài làm việc không ngừng như thế, nhưng lại luôn trách mình, cho rằng mình chưa làm đủ bổn phận, nhất là bổn phận rao giảng Lời Chúa. Ngài nói: "Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm tuần canh trên nhà Ít-ra-en". Ta hãy xem, Chúa gọi kẻ Người sai đi rao giảng là tuần canh. Người tuần canh luôn phải đứng ở trên cao để có thể nhìn thấy từ xa có gì đang đến. Thế nên ai được đặt làm tuần canh dân chúng thì phải dùng đời sống mà đứng ở trên cao, để có thể canh chừng giúp ích cho dân. "Thật là đau khổ cho tôi, khi phải nói lên những điều nầy, vì khi nói như thế, tôi đang tấn công chính mình: lưỡi tôi đã không rao giảng đủ, và khi rao giảng đủ thì đời sống tôi lại không đi đôi với lời tôi nói".

Thánh nhân qua đời ngày 12 tháng 3 năm 604, và được mai táng trong thánh đường Thánh Phê-rô.

* Quyết tâm

Mỗi ngày lo đổi mới tâm hồn, cải thiện đời sống mình cũng như gia đình ngày càng tốt đẹp hơn, hy sinh bác ái hơn, theo gương thánh Ghê-gô-ri-ô Cả Giáo Hoàng.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa luôn hướng dẫn và âu yếm chăm nom đoàn chiên Chúa. Xin nhận lời thánh Ghê-gô-ri-ô chuyển cầu, mà ban thần trí khôn ngoan cho các vị mục tử Chúa đã đặt làm đầu Hội thánh, và ban cho các ngài được niềm vui, vì thấy đoàn chiên phát triển không ngừng. Chúng con cầu xin...


Ngày 05 tháng 9
THÁNH PHÊ-RÔ NGUYỄN VĂN TỰ & GIU-SE HOÀNG LƯƠNG CẢNH
Linh Mục và Trùm Họ Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Theo Chúa là chấp nhận hy sinh thử thách, vì "tôi tớ không hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em" (Ga. 15, 20). Người môn đệ càng chịu gian lao thử thách càng nên giống Chúa, và nhờ đó mà làm chứng cho Chúa như Lời Người phán: "Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và dân ngoại được biết" (Mt, 10, 18).

Thánh Phê-rô Tự và Giu-se Cảnh tử đạo hôm nay đã làm chứng cho vua chúa quan quyền và dân ngoại biết Chúa. Khi các quan tra tấn về ý nghĩa các đồ thờ và nghi lễ trong đạo, thánh Phê-rô Tự đã giảng đạo lý cho họ. Và trong khi thánh Giu-se Cảnh bị quân lính lôi qua Thánh Giá, ngài co hai chân lên, miệng thì đọc kinh cầu nguyện lớn tiếng cho mọi người nghe.

Phê-rô Nguyễn Văn Tự sinh năm 1796, tại Ninh Cường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình sống đạo sốt sắng siêng năng. Nhờ đó, Chúa thương gọi cậu dâng mình cho Chúa ngay từ nhỏ. Năm 1826, thầy Tự học xong thần học và thụ phong Linh mục. Sau đó, cha xin gia nhập dòng Thánh Đa-minh. Từ đó, vị tân Linh mục đem hết tài lực Chúa ban mà phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn. Mặc dầu lúc đó cơn bắt đạo đang gay gắt khốc liệt, cha vẫn chịu khó lén lút thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng, và ban phát các Bí tích cho giáo hữu. Có lúc quan quân truy lùng gắt gao, ban ngày cha phải ẩn trốn, chỉ làm việc mục vụ ban đêm, khi quan quân đã về căn cứ của họ.

Năm 1838, Đức Cha cử cha đến giúp họ đạo Kẻ Mốt, tỉnh Bắc Giang. Cha đến nhiệm sở mới chưa được bao lâu thì bị phát giác. Ngày 29 tháng 06 quân lính đến vây bắt cha, may nhờ một người ngoại đạo cho cha ẩn trốn trong vườn ông. Nhưng quân lính lục soát thấy đồ thờ áo lễ và chén lễ của cha, họ tập hợp các tín hữu đánh đập tra khảo, buộc khai nơi cha trú ẩn. Ông lang Ninh sợ bị đòn đau, đã khai chỗ cha ẩn trốn. Thế là cha bị bắt cùng với thầy giảng Đa-minh Úy là trợ tá của cha.

Và ngày 03 tháng 07, quân lính bắt thêm được bốn ông trùm, trong số đó có ông trùm Cảnh là nguời cùng chịu tử đạo một ngày với cha Tự. Họ áp giải tất cả về Ninh Thái (Bắc Ninh) và tống giam vào ngục. Hôm sau, quan cho gọi cha Tự ra công đường, yêu cầu giải thích ý nghĩa các đồ thờ, áo lễ và chén thánh mà quân lính đã tịch thu của cha. Nhân dịp nầy, cha giải thích việc thờ kính tế lễ Chúa và giảng đạo lý cho các quan nghe. Thật đúng như lời Chúa Giê-su: Cha bị điệu ra trước mặt quan quyền để làm chứng cho họ và dân ngoại.

Sau nhiều lần tra tấn rồi dụ dỗ mà không lay chuyển được lòng tin sắt đá của vị anh hùng, quan đệ án về triều đình xin xử giảo cha (dùng dây siết cổ cho đến chết), nhưng nhà vua đã đổi lại án trảm quyết (chém đầu). Sáng ngày 05 tháng 09 năm 1838, quân lính điệu cha ra pháp trường. Dọc đường, thấy dân chúng kéo theo sau đông đảo, cha xin phép quan nói với họ ít lời. Quan cho phép, cha liền giảng đạo cho họ. Và chính cha hôm nay chịu chết để làm chứng đạo Chúa là đạo thật.

***

Giu-se Hoàng Lương Cảnh sinh năm 1763, tại Lãng Ván tỉnh Bắc Giang. Lớn lên, ông học nghề thuốc và đã trở nên lương y tài giỏi bậc nhất trong vùng. Đặc biệt ông rất thương người, tận tụy chăm sóc bệnh nhân, luôn chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Mỗi khi chữa trị cho bệnh nhân, ông thường bảo họ cầu xin Ơn Trên cho mau bình phục. Nhiều người được khỏi bệnh thì tin tưởng Chúa, trở lại đạo. Đối với những người bệnh nặng, ông khuyên họ tin theo Chúa để được cứu rỗi. Ông đã rửa tội được nhiều người trong giờ hấp hối, nhất là các trẻ em. Giáo dân thấy ông nhiệt thành làm tông đồ như thế thì mến phục và chọn ông làm trùm họ.

Để làm việc tông đồ đắc lực hơn, ông đã xin gia nhập dòng ba thánh Đa-minh. Hằng ngày ngoài ra việc chăm sóc bệnh nhân, ông dùng thời giờ còn lại để đọc kinh cầu nguyện. Một hôm, đang lúc ông cầu nguyện, có người đến rước đi chữa bệnh và rửa tội cho con họ. Mặc dù biết tình thế khó khăn nguy hiểm, quân lính đang truy lùng bắt đạo, nhưng ông cũng can đảm hy sinh đi giúp họ. Đang lúc ông chữa bệnh thì bị phát giác, quân lính đến vây bắt ông, giải về Bắc Ninh, giam chung với cha Tự vào đầu tháng 07 năm 1838. Lúc đó ông đã 75 tuổi. Dù tuổi già sức yếu, ông vẫn rán sức cố gắng chịu mọi cực hình khổ cực. Ông luôn cầu nguyện, kêu xin Chúa ban ơn thêm sức cho ông trung thành bền đỗ theo Chúa, làm chứng cho Chúa. Có lần quan bắt ông bước qua Thánh Giá, ông liền quỳ xuống hôn kính ảnh Chúa chịu nạn. Quan tức giận, bảo quân lính kéo ông qua, ông co hai chân lên và lớn tiếng đọc kinh ăn năn tội, xin Chúa tha thứ việc làm ngoài ý muốn của ông.

Thấy không cách nào làm cho vị anh hùng đức tin bỏ đạo, quan kêu án gởi về kinh. Và ngày 05 tháng 09 năm 1838 ông đã được phúc tử đạo cùng với cha Phê-rô Tự, tại pháp trường Xài Bông.

Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tôn phong ông và cha Tự lên Chân Phước ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô 2 đã suy tôn các ngài lên bậc Hiển Thánh.

* Quyết tâm

Hằng ngày siêng năng đọc kinh cầu nguyện xin ơn bền đỗ tin theo Chúa, và sẵn sàng chịu gian nan thử thách để làm chứng cho Chúa, theo gương thánh Phê-rô Tự và Giu-se Cảnh tử đạo.

* Lời nguyện

Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô. Chúa chúng con. A-men.


Ngày 8 tháng 9
SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MA-RI-A

Ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ là niềm vui lớn lao cho toàn thể nhân loại, vì là ngày mầng kính Mầu nhiệm khởi đầu của ơn cứu chuộc, như lời thánh An-rê Giám mục thành Cô-rê-ta nói:

"Chúng ta mầng kính việc Mẹ Thiên Chúa sinh ra như mầu nhiệm khởi đầu, còn tận cùng là việc Ngôi Lời mặc lấy xác phàm. Quả vậy, nay Đức Trinh nữ sinh ra, được nuôi dưỡng và khôn lớn, để chuẩn bị làm Mẹ Thiên Chúa, Vua mọi thế hệ.

Nhờ đó, chúng ta được hai mối lợi: một là được tới CHÂN LÝ, hai là được thoát khỏi cảnh sống NÔ LỆ cho chữ viết của lề luật. Điều đó xảy ra thế nào và cách nào? Chắc chắn ánh sáng tới thì bóng tối qua đi, và ân sủng đem lại tự do cho chữ viết: ngày lễ trọng hôm nay chính là ranh giới, đem CHÂN LÝ đến tiếp vào những hình bóng loan báo cũ và lấy các điều mới đến thay cho những cái xưa.

Vì vậy, mọi tạo vật hãy đồng ca và nhảy mừng, và cùng hoan hỷ trong ngày nầy. Hôm nay trời và đất hãy cùng nhau mừng lễ. Dưới thế và trên trời hãy cùng nhau mở hội. Vì chưng hôm nay đã thiết lập đền thánh cho Đấng Tạo dựng mọi loài, và nhờ một sự an bài mới mẻ và tuyệt diệu, một tạo vật đã nên nhà mới đón tiếp Đấng Tạo Hóa"

Trong cả năm phụng vụ, Hội thánh chỉ mầng có ba lễ Sinh nhật: Sinh nhật của Chúa Giê-su, sinh nhật của thánh Gio-an Tẩy giả và sinh nhật Đức Mẹ. Lý do là vì chỉ có ba Vị mới xứng đáng được mầng ngày sinh nhật, vì các ngài không vướng mắc tội tổ tông truyền, được thánh hóa ngay từ lúc còn ở trong lòng mẹ.

Ngày lễ sinh nhật của Đức Mẹ là ngày vui mầng cho toàn thể nhân loại, vì từ lâu loài người mong chờ ơn cứu độ, nay Đức Mẹ sinh ra để được Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế họ mong đợi. Trong ngày trọng đại nầy, Giáo hội hân hoan ca tụng Mẹ:

"Lạy Trinh nữ, Đức Mẹ Chúa Trời,
Ngày sinh của Mẹ đem Tin mừng cho cả trần gian,
Vì Đức Ki-tô, Chúa chúng con.
Là Mặt Trời soi đường ngay nẻo chính.
Đã từ cung lòng Mẹ sinh ra,
Người là Đấng hủy bỏ lời chúc dữ.
Đem lại muôn phúc lành,
Đấng tiêu diệt thần chết.
Và ban phúc trường sinh".

Ngày sinh nhật của Đức Trinh nữ Ma-ri-a chẳng những là một niềm vui trọng đại, mà còn là một việc lạ lùng đối với loài người. Hai thánh Gio-kim và An-na cha mẹ ngài đã già nua không có con, nên không hy vọng gì có người trong gia tộc được sinh ra Đấng Cứu Thế như lời Chúa hứa, vì ông bà thuộc dòng dõi vua Đa-vít, theo Lời Chúa thì Đấng Cứu Thế thuộc dòng tộc nầy. Ông bà cầu nguyện kêu xin Chúa, và Chúa đã nhậm lời, cho bà An-na mang thai trong lúc tuổi già. Và khi đến ngày, bà đã sinh hạ Ma-ri-a là kẻ được Chúa chọn cưu mang Con Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu độ duy nhất của loài người.

* Quyết tâm

Mầng ngày sinh nhật Đức Mẹ, tôi quyết học hỏi và bắt chước các nhân đức của Mẹ, để cộng tác với Chúa trong công cuộc cứu rỗi đồng bào đồng loại.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, ngày sinh nhật của Đức Giê-su Con Một Chúa. Chúa đã mở đầu kỷ nguyên cứu độ, thì hôm nay, ngày sinh nhật của Thánh Mẫu người, xin Chúa cũng rộng ban muôn phúc lộc. Và cho chúng con hưởng bình an. Chúng con cầu xin...

Ngày 13 tháng 9
THÁNH GIOAN KIM KHẨU Giám Mục Tiến Sĩ

* Gương Thánh nhân

Thánh Gioan được mang danh là Kim khẩu, có nghĩa là Miệng vàng, vì tài hùng biện xuất sắc của Ngài.

Thánh nhân sinh năm 344, tại Ăn-ti-si, nước Sy-ri, là con trai duy nhất của một sĩ quan thời đó. Ông mất sớm để lại người vợ mới 20 tuổi với đứa con trai là Gioan. Mẹ ngài từ chối tái hôn, ở vậy nuôi con cho đến chết. Nhờ đó, thánh nhân được mẹ đào tạo chu đáo ngay từ nhỏ về phần đạo đức cũng như nhân bản. Lớn lên, Gioan được học khoa luật và nghệ thuật ăn nói với ông Li-ba-ni-ô, một nhà hùng biện thời danh.

Năm 20 tuổi, Gioan đã tốt nghiệp, và đứng ra biện hộ trước tòa một cách hết sức hùng hồn, khiến cho nhiều người khen ngợi thán phục. Và từ đó ngài bắt đầu bước lên nấc thang danh vọng.

Nhưng năm 372, mẹ ngài qua đời. Ngài thấy cô đơn hiu quạnh, và hiểu rằng mọi sự ở đời đều chóng qua mau hết. Thế là ngài quyết định từ bỏ tất cả: gia đình, danh vọng, thế gian, hiến dâng mình cho Chúa. Ngài vào hang núi gần Ăn-ti-si, sống đời ẩn sĩ, ngày đêm ăn chay, hãm mình, cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh. Nhưng vì sống quá khắc khổ, ngài ngã bệnh, phải trở lại Ăn-ti-si. Ở đây, thánh nhân gia nhập hàng giáo sĩ và năm 388 được thụ phong Linh mục.

Kể từ đó, thánh nhân bắt đầu đi rao giảng Lời Chúa khắp nơi. Tài hùng biện của ngài đặc biệt đến nỗi đi tới đâu, người ta cũng ùn ùn kéo đến nghe ngài giảng, nhiều lần có cả trăm ngàn người. Và nhờ lời ngài giảng dạy, nhiều kẻ tội lỗi đã ăn năn trở lại, những người theo lạc giáo cũng hồi tâm hối cải.

Vì tài hùng biện và nhân đức đặc biệt, năm 398 thánh nhân được chọn làm Thượng phụ Giáo chủ Công-tăn-ti-nốp. Mặc dầu làm lớn, ngài vẫn sống đơn sơ khiêm tốn, chuyên cần giảng dạy, giúp đỡ kẻ nghèo, chăm sóc những người bệnh tật như lúc còn là Linh mục. Nhưng điều làm cho thánh nhân bận tâm hơn hết là chỉnh đốn lại hàng giáo sĩ và sửa các thói xa hoa phóng túng của triều đình. Ngài biết những việc làm đó không phải dễ, và nhất là có thể gây khó khăn rắc rối cho mình, song ngài vẫn can đảm thực hiện vì lợi ích của Giáo hội và dân chúng.

Đúng như dự đoán, khi thánh nhân dựa vào Phúc âm chỉ trích các thói xấu của triều đình, thì hoàng hậu Eu-đô-xi phẩn nộ. Bà liên kết với Thượng phụ Giáo chủ A-lết-săn tìm cách hại ngài. Năm 403 thánh nhân bị họ cách chức và đày đi Ạt-mê-ni.

Dù bị tù đày gian khổ, thánh nhân vẫn một lòng kiên trung tuân theo Thánh ý Chúa. Ngài nói: "Anh em không nghe Chúa nói sao: Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp lại vì danh Ta, thì Ta ở giữa họ". Vậy ở đâu có một dân đông đảo liên kết với nhau bằng đức ái thì Người không có mặt ở đấy sao? Chính Người bảo đảm cho tôi, chứ nào tôi có cậy sức lực riêng mình? Tôi có lời Người làm bảo chứng. Đó là chiếc gậy, là sự an toàn, là nơi trú ẩn bình yên cho tôi, cho dù tất cả vũ trụ có nổi dậy, tôi vẫn bám giũ vào câu nói của Người, tôi đọc lời ấy, và đó là tường thành, là đồn lũy của tôi. Lời đó là lời nào? "Ta ở cùng với các con mọi ngày cho đến tận thế".

"Đức Ki-tô ở với tôi. Tôi sợ chi ai? Sóng biển có gầm thét, đại dương có nổi dậy, vua chúa thế gian có thịnh nộ: đối với tôi tất cả cũng thường như màng nhện thôi. Vì chưng tôi luôn nói: Lạy Chúa, xin vâng ý Chúa: không phải ý người nầy, người khác, nhưng là ý Chúa muốn con làm. Đó là thành lũy, là đá tảng vững chắc, là gậy chống không xiêu té cho tôi. Thiên Chúa muốn thế nào, tôi cũng xin vâng".

Thánh nhân qua đời tại nơi lưu đày, ngày 14 tháng 9 năm 407. Và năm 438, xác ngài được long trọng rước về Công-tăn-ti-nốp.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Gioan Kim khẩu, hằng ngày lo giúp Chúa sửa chữa lỗi lầm thiếu sót của những người trong gia đình và xã hội, dù có phải khó khăn gian khổ cũng sẵn lòng vâng theo thánh ý Chúa.

* Lời nguyện

Lạy Chúa là nguồn sức mạnh cho những kẻ cậy trông. Chúa đã ban cho Giáo hội một khuôn mặt sáng chói là Thánh Giám mục Gioan Kim khẩu, nhờ tài hùng biện lạ lùng và lòng can đảm hiên ngang trước mọi cơn thử thách. Xin Chúa cũng ban cho chúng con được thấm nhuần lời thánh nhân giảng dạy, và có sức chịu đựng như người. Chúng con cầu xin...

Ngày 14 tháng 9
SUY TÔN THÁNH GIÁ

Dưới thời hoàng đế Hê-ra-li-út thứ nhất, những người Ba-tư theo Hồi giáo đã xâm chiếm thành thánh Giê-ru-sa-lem và cướp lấy Cây Thánh Giá thật Chúa Giê-su đã chịu đóng đinh, mà thánh nữ Hê-lê-na đã tìm thấy, và để ở trong thành thánh cho mọi người kính viếng suy tôn. Hê-ra-li-út quyết định phải chiếm lại cho được Cây Thánh Giá quí báu nầy. Năm 627, nhà vua kéo quân sang đánh Ba-tư, và đã chiếm lại được Thánh Giá Chúa.

Ngày trở về, nhà vua được mọi người hân hoan đón rước. Dân chúng kẻ thì cầm nhành ô-liu, người cầm đuốc sáng ra nghênh đón Thánh Giá Chúa. Khi tới Giê-ru-sa-lem, vua tiến vào đền thờ trên đồi Can-vê, đặt Thánh giá trong đó. Từ sau biến cố nầy, Hội thánh lập lễ Suy Tôn Thánh Giá, để muôn đời kính nhớ ngày dân thành Giê-ru-sa-lem cung nghênh Thánh giá Chúa.

Thánh An-rê Giám mục thành Cơ-rê-ta giảng giải ngày lễ trọng đại nầy như sau: "Chúng ta cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá đã đẩy lui bóng tối và đem lại ánh sáng. Chúng ta mầng lễ Suy Tôn Thánh Giá, và chúng ta được đưa lên cao làm một với Đấng chịu đóng đinh, để sau khi lìa bỏ trái đất với tội lỗi ở đó, chúng ta được lãnh nhận những sự trên trời. Chiếm được Thánh Giá thì được của to lớn dường nào, vì ai chiếm được Thánh Giá là chiếm được kho tàng. Vậy tôi dùng chữ kho tàng là cố ý gợi lên tên và ám chỉ điều quí giá tốt đẹp nhất; nơi đó, nhờ đó và vì đó có tất cả nội dung phần rỗi của ta và đã hoàn lại cho ta. Thật vậy, nếu không có Thánh Giá thì Chúa Ki-tô đã không bị đóng đinh. Nếu không có Thánh Giá, thì sự sống đã không được treo lên cây, và nếu sự sống không được treo lên, thì từ cạnh sườn, suối nước trường sinh đã không trào máu và nước ra để xóa tội trần gian; văn khế tội nợ đã không được xé đi; chúng ta đã không được tự do, chúng ta đã không được hưởng nhờ cây hằng sống, và thiên đàng đã không được mở ra, và hỏa ngục đã không bị giải giáp..."

"Thánh Giá được gọi là vinh quang của Đức Ki-tô và là sự suy tôn Người. Nó là chén Người đã khát khao và là tổng hợp mọi hình khổ Người đã chịu thay cho chúng ta. Tại sao Thánh Giá là vinh quang Đức Ki-tô, thì con hãy nghe chính Người nói: "Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, và Thiên Chúa sẽ còn tôn vinh Người nữa." Và Người thêm: "Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Con trong vinh quang Con đã có nơi Cha trước khi có thế gian". Và còn tiếp: "Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Cha. Có tiếng từ trời phán: "Ta đã tôn vinh và Ta sẽ tiếp tục tôn vinh", điều đó ám chỉ vinh quang Người sẽ được trên Thánh Giá".

"Còn việc Thánh Giá là sự suy tôn Đức Ki-tô thì bạn hãy nghe chính Người bảo: "Khi nào Ta bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta". Do đó, bạn thấy Thánh Giá là vinh quang của Đức Ki-tô và là sự suy tôn Người"

* Quyết tâm

Hết lòng tôn kính Thánh Giá Chúa Ki-tô là vinh quang và là sự suy tôn Người, và hằng ngày sẵn lòng vác Thánh Giá theo Người để cứu rỗi mình và kẻ khác.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người. Xin cho chúng con mai sau được hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, mà ngày nay chúng con vẫn một lòng yêu mến suy tôn. Chúng con cầu xin...

Ngày 15 tháng 9
ĐÚC MẸ SẦU BI

Hôm qua, Hội thánh suy tôn Thánh Giá Chúa Giê-su, tưởng nhớ Chúa chịu chết đau thương trên Thập Giá để cứu chuộc loài người. Hôm nay Hội thánh mời gọi mọi người tưởng niệm sự thương khó của Đức Ma-ri-a, Mẹ đã thông phần sự đau khổ với Con, Mẹ đã kết hiệp nỗi thống khổ của Mẹ vào sự thương khó của Con, để cộng tác với Người trong công cuộc cứu rỗi nhân loại.

Mẹ đau khổ biết bao:
- Khi nghe ngôn sứ Si-mê-ông tiên báo: lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Mẹ.
- Lúc đang đêm Mẹ Con phải chạy trốn sang Ai-cập
- Lúc lạc mất Con, Mẹ phải tìm kiếm ba ngày mới gặp lại trong Đền Thờ.
- Khi Mẹ đi theo Con trên đường lên Núi Sọ, vai vác Thánh Giá mình đầy vết tích máu me.
- Khi thấy Con bị quân lính đóng đinh tay chân vào Thập Giá đau đớn xót xa.
- Lúc môn đệ hạ xác Con xuống khỏi thập giá, Mẹ thấy Con chết đau thương tất tưởi.
- Khi ông Giu-se A-ri-ma-tha và cụ Ni-cô-đê-mô chôn xác Con trong mồ, Con và Mẹ từ đây xa cách...

Thật đúng là một cuộc tử đạo trong tâm hồn, như lời Thánh Bê-na-đô đã nói: "Cuộc tử đạo của Đức Trinh nữ được gợi lên trong lời tiên tri của Si-mê-on cũng như trong bài tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa. Vị thánh tiên tri già đã nói về trẻ Giê-su rằng: "Nầy, Người có mệnh làm dấu gợi lên chống đối, và hướng về Đức Ma-ri-a ông nói: và hồn Bà mũi gươm sẽ đâm thâu". Quả thật, ôi Mẹ diễm phúc, lưỡi gươm đã đâm thâu lòng Mẹ. Nó không đâm thâu lòng Mẹ sao được, khi nó đâm vào thân xác Con Mẹ ! Thật vậy, Đức Giê-su tuy là của mọi người, nhưng phải nói đặc biệt là của Mẹ, khi Người đã trút linh hồn thì lưỡi gươm tàn bạo không còn làm tổn thương gì cho linh hồn Người nữa, nó không tha cho kẻ đã chết mà nó không còn làm hại gì được, nó đâm thủng cạnh sườn Người, nhưng thực ra nó đâm thâu lòng Mẹ. Linh hồn Người không còn ở đó, nhưng tâm hồn Mẹ thì không sao tránh được. Sự đau đớn đã đâm thâu tâm hồn Mẹ, khiến chúng con có thể nói một cách thích đáng rằng: Mẹ còn hơn người tử đạo, vì nơi Mẹ niềm thông cảm đau khổ của Con khiến Mẹ đau đớn hơn cả sự đau đớn trên thân xác.

"Rồi lời sau đây đối với Mẹ không sắc bén hơn lưỡi gươm sao, vì quả thật nó xuyên thủng tâm hồn, đi đến chỗ phân rẻ tâm hồn và tâm linh. Lời rằng: Hỡi Bà, nầy là con Bà ! Ôi trao đổi gì mà kỳ vậy? Mẹ được trao Gioan thay vì Giê-su, tớ thay vì chủ, trò thay vì Thầy, con của Dê-bê-đê thay vì Con Thiên Chúa, người phàm thay vì Thiên Chúa thật. Làm sao nghe như thế mà tâm hồn đầy âu yếm của Mẹ không bị đâm thâu, trong khi tâm hồn chúng con dù chai lỳ sắt đá, chỉ nhớ đến thôi, cũng đã tan nát rồi".

* Quyết tâm

Hằng ngày sẵn lòng chịu mọi sự gian lao đau khổ, hiệp cùng sự thương khó của Đức Mẹ, để cùng Mẹ cộng tác vào công trình cứu rỗi của Chúa Giê-su.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, khi Đức Ki-tô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin cho Hội thánh Chúa biết noi gương Thánh Mẫu, mà kết hiệp với Đức Ki-tô chịu khổ hình, để mai ngày được phục sinh vinh hiển cùng với Đức Ki-tô, là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa...

Ngày 16 tháng 9
THÁNH CO-NÊ-LI-Ô GIÁO HOÀNG & SÍP-RI-A-NÔ
GIÁM MỤC Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Dưới thời vua Đê-ci-ô bách hại, thánh Giáo Hoàng Pha-bi-a-nô đã được phúc chết vì đạo. Sau đó hơn một năm, Hội thánh mới chọn được Đức Giáo Hoàng mới, đó là thánh Co-nê-li-ô. Ngài là một vị Giáo Hoàng cương trực thánh thiện.

Lúc đó trong Giáo hội xảy ra cuộc tranh cải sôi nổi về những người đã chối đạo. Họ là những người trong các cuộc bắt đạo, đã vì quá sợ mà tế thần. Vậy có nên tha cho họ không? Có được nhận họ trở lại với Hội thánh không?

Thật sự họ là những người đã chối bỏ đạo. Nhưng trong thâm tâm, họ nghĩ là vì họ quá sợ, hoặc vì mua chuộc chứng chỉ giả, nên không mắc tội mắc vạ. Sau khi họp bàn với các Đức Giám mục, Đức Thánh Cha Co-nê-li-ô tuyên bố tha thứ và đón nhận họ trở lại với Hội thánh. Nhưng nhóm giáo sĩ ly khai chống đối. Đứng đầu nhóm nầy là Linh mục Nô-va-ti-a-nô. Họ khẳng định phải loại trừ những người chối đạo nầy ra khỏi Hội thánh, dứt phép thông công họ. Vì thế mà có cuộc tranh luận dằn dai trong Giáo hội, làm cớ cho vua quan phần đời lợi dụng cơ hội chống phá đạo.

Vua Gan-lô mở lại cuộc bách hại. Đức Co-nê-li-ô bị bắt với một số đông giáo sĩ và giáo dân.

Bị vua quan tra tấn hành hạ, ngài vẫn một lòng can đảm tuyên xưng đức tin. Tin đó làm cho mọi người hân hoan phấn khởi, nhất là thánh Síp-ri-a-nô hết lòng khen ngợi: "Làm sao diễn tả cho hết niềm phấn khởi và nỗi vui mầng ở đây, khi chúng tôi biết được những thỉnh đạt và can đảm của anh em: rằng ở đó, chính đại huynh dẫn đầu anh em trong việc tuyên xưng đức tin; và việc tuyên xưng của anh em làm cho việc tuyên xưng của người đứng đầu nổi hẳn lên. Vì khi dẫn đầu đi tới vinh quang, đại huynh đã lôi kéo được nhiều người cùng đi tới vinh quang, đại huynh đã thuyết phục được cả dân tuyên xưng đức tin, khi đại huynh sẵn sàng tuyên xưng trước hết thay cho tất cả mọi người, đến nỗi chúng ta không biết phải ca tụng điều gì trước nơi anh em: đức tin mau mắn vững bền của đại huynh hay là đức ái của anh em không muốn tách rời khỏi đại huynh? Lòng can đảm của vị Giám mục dám đi tiên phong đã được công chúng công nhận..."

Thánh nhân bị đày ở Con-tum-sen-la, và qua đời tại đó ngày 14 tháng 9 năm 253.

Thánh Síp-ri-a-nô là bạn thân của Đức Co-nê-li-ô nên được mầng lễ cùng ngày với nhau. Ngài sinh tại Cat-ta năm 210, trong một gia đình ngoại đạo.

Thánh nhân là một nhà trí thức lỗi lạc, làm giáo sự dạy khoa hùng biện và luật. Năm lên 45 tuổi, ngài đã được Linh mục Cê-ci-li-ô hướng dẫn vào đạo. Từ đó, thánh nhân bán hết gia tài phân phát cho người nghèo, hiến dâng đời mình cho Chúa. Ngài được thụ phong Linh mục năm 249 và sau đó được bầu làm Giám mục Cat-ta. Là một mục tử nhiệt thành nhân đức, ngài dốc hết toàn lực chỉnh đốn lại đời sống của giáo sĩ cũng như giáo dân đã từ lâu sa sút vì những cuộc bách hại, để chuẩn bị họ đương đầu với những cơn bắt bớ về sau. Đúng như thánh nhân dự đoán. Năm 257, hoàng đế Va-lê-ri-a-nô lại ra chiếu chỉ bắt đạo, và thánh nhân là một trong những người bị bắt đầu tiên. Ngày 14 tháng 9 năm 258, ngài bị điệu ra trước tòa án để chịu xử trảm.

"Sáng ngày 14 tháng 9, dân chúng lũ lượt kéo đến công trường Xét-tô theo lệnh quan kinh lược Ga-lê-ri-ô Mắc-xi-mô. Cũng chính quan kinh lược hạ lệnh hôm ấy phải điệu Síp-ri-a-nô đến cho ngài ngồi xử ở tiền đường. Xô-xi-ô-lô. Khi Giám mục Sip-ri-a-nô đến, quan kinh luợc hỏi:

- Chính ông là Tha-xi-ô Síp-ri-a-nô phải không?
Đức Giám mục Síp-ri-a-nô trả lời:
- Vâng, chính tôi.
Quan kinh lược Ga-lê-ri-ô Mắc-xi-mô nói:
- Ông là cha của bọn đầu óc phạm thánh phải không?
Đức Giám mục Sip-ri-a-nô trả lời:
- Vâng.
Quan bảo:
- Các thánh thượng lệnh cho ông phải tế thần.
Đức Giám mục trả lời:
- Tôi không tế thần.
Ga-lê-ri-ô Mắc-xi-mô bảo:
- Suy nghĩ kỹ đi.
Đức Giám mục đáp:
- Ngài cứ theo luật mà làm, đối với một vấn đề chính đáng như thế tôi chẳng cần suy nghĩ gì cả. Ga-lê-ri-ô Mắc-xi-mô cùng với Hội đồng nghị quyết, và cuối cùng phải tuyên án rằng:
- Phạt xử trảm Síp-ri-a-nô.
Đức Giám mục Síp-ri-a-nô thưa:
- Tạ ơn Chúa.
Thế là Thánh Giám mục Síp-ri-a-nô được phúc tử đạo ngày 14 tháng 9 năm 258, dưới triều hoàng đế Va-lê-ri-a-nô.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Co-nê-li-ô và Síp-ri-a-nô tử đạo, hằng ngày tôi quyết trung thành làm tôi Chúa, dù có phải gian lao thử thách cũng sẵn lòng chịu vì Chúa.

* Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho dân Chúa hai vị mục tử nhiệt thành và cũng là chứng nhân bất khuất là thánh Co-nê-li-ô và Síp-ri-a-nô. Xin nhận lời hai thánh chuyển cầu, mà ban cho chúng con can trường giữ vững đức tin, và không ngừng hoạt động cho Giáo hội được hiệp nhất. Chúng con cầu xin...

1988    17-01-2011 21:32:00