Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Hãy Coi Chừng, Kẻo Ngã!!!

Các phó tế khi được truyền chức thánh để trở thành linh mục, cũng được gọi là lãnh nhận hồng ân thánh của đời thánh hiến. Được tổ chức thánh lễ trọng thể với chủ tế là vị giám mục chủ phong và đông đảo thành phần dân chúa ở mọi thứ bậc. Rồi để kéo dài hương vị "thánh hiến" là hàng loạt thánh lễ theo sau. Nào thánh lễ mở tay, thánh lễ tạ ơn, thánh lễ ra mắt, thánh lễ nhậm chức và cả thánh lễ "rửa" tay nữa cho nó hợp với thời nay! (sic)

Vào những dịp lễ như vậy, bàn dân thiên hạ lại được nghe hàng loạt trình bày về hình ảnh linh mục. Các vị giảng thuyết thích lớn tiếng dài hơi, ca tụng vẻ cao đẹp tuyệt vời của thiên chức ấy. Chẳng hạn linh mục là trung gian giữa trời và đất, linh mục là gạch nối giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nghe cứ như rót mật vào tai!

Có vị trích dẫn mẩu đối thoại của cha thánh Gioan Maria Vianney, để biện minh cho những lời ca tụng của mình. Thánh nhân nói:

- Nếu trên đường đi, tôi gặp một thiên thần và một linh mục ở giữa đường, thì tôi sẽ cúi đầu chào linh mục trước, bởi vì linh mục đã đem Chúa đến cho tôi, còn thiên thần thì... không!

Có vị còn xác quyết mạnh mẽ hơn thế nữa, khi nói :

- Mẹ Maria chỉ sinh Chúa có một lần, còn linh mục thì không ngừng sinh Chúa mỗi ngày khi truyền phép bánh và rượu!

Chỉ sợ rằng các cha "mới" cứ được nghe miết những lời "khoái lỗ nhĩ" này, mà lim dim ngủ say trên những hào quang của mình. Cứ ngỡ mình là thần thánh cao sang, là siêu nhân mà quên mất thân phận bụi đất thấp kém của mình. Bởi từ bụi đất, nhưng các ngài đã được cất lên "hàng khanh tướng" chẳng "thua kém thần linh" là mấy đó thôi.

Các "đấng" hãy coi chừng, kẻo ngã! (x. 1Cr 10,1-13)

... Nhiều người cho rằng đi tu làm cha đã thiệt. Vì làm cha thì được ở nhà tây, được mang giày tây, được ăn cơm tây, được uống rượu tây, thậm chí có cha được đi tây nữa. Ra ngoài đường, bất luận già trẻ lớn bé, đều phải ngả mũ: Con chào cha, con chào ông cố ạ! Ôi, quả là hết ý!

Cách hiểu trên đúng là... giống hệt hai anh em ông Giacôbê và Gioan, mang nặng đầu óc xôi thịt, theo Chúa với mục đích vinh thân phì gia, mong được ngồi bên tả và bên hữu Chúa để hưởng bổng lộc, nghĩa là tìm lấy cho mình ghế nầy chức nọ quyền kia. Tóm lại là muốn được làm lớn trong Nước Trời.

Nhưng cốt lõi thì không phải vậy! Chức linh mục là để phục vụ Chúa và người khác, chứ không phải là để phục vụ cho bản thân linh mục. Và đời linh mục chẳng phải là một xa lộ an toàn, nhưng là một hành trình nhiều rủi ro, lắm cạm bẫy, và cũng là cuộc sống đầy những chông gai và sỏi đá...

Có người còn mạnh miệng phán một cách rất quyết liệt và quá khích: Đi tu như các cha, các thầy, các dì thế mà sướng, chứ lập gia đình như tụi này, khổ lắm. Đời là "biển" khổ chẳng sai tí nào! Nếu như được phép dạy giáo lý hôn nhân, cứ bảo bọn trẻ chúng nó đừng lấy nhau nữa cho xong chuyện. Rõ khổ!

Thế nhưng, "có ở trong chăn mới biết chăn có rận""đoạn trường ai có qua cầu mới hay". Cứ thử đi tu làm... cha mà coi, xem có nổ đom đóm mắt và toát mồ hôi hột ra không cho biết?

Đúng thế, bông hồng nào mà chẳng có gai, cuộc đời nào mà chẳng có những đắng cay của nó. Định luật này được áp dụng cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc, chẳng miễn trừ cho một ai, kể cả linh mục và tu sĩ.

Nhìn thoáng qua thì thấy con người và cuộc đời của linh mục được phủ đầy hào quang, hằng ngày chẳng phải bon chen, bươn chải hay khắc khoải với vấn đề cơm áo gạo tiền. Rồi lại còn được bàn dân thiên hạ trọng kính. Thấy vậy ai mà chẳng ham.

Tuy nhiên, nếu vào sâu hơn một chút, thì con người và cuộc đời linh mục cũng không thiếu những gian nan và thử thách. Yếu tố căn bản tạo nên tấm bi kịch của thân phận linh mục, đó chính là những mâu thuẫn chồng chéo.

Có những mâu thuẫn từ bên ngoài, do hoàn cảnh mang tới. Nhưng cũng có những mâu thuẫn từ bên trong, phát sinh do  bản chất, do căn tính của linh mục mà ra.


Từ
những mâu thuẫn bên ngoài...

Ngày xưa việc huấn luyện và đào tạo linh mục được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất ở tiểu chủng viện. Các chủng sinh được gọi là các chú. Ngoài những sinh hoạt đạo đức, các chú còn được học một chương trình giống như các thanh thiếu niên ngoài đời, cho đến hết lớp đệ nhất (hay lớp mười hai bây giờ).

Giai đoạn thứ hai ở đại chủng viện. Các chủng sinh bây giờ được gọi là các thầy. Ngoài những sinh hoạt đạo đức, các thầy còn được trau dồi về triết học và thần học, nghĩa là được tìm hiểu và học về những sự cao siêu trên trời.

Bây giờ thì không còn tiểu chủng viện nữa. Do thời cuộc, cơ chế đào tạo cũng thay đổi để thích nghi hoàn cảnh; ít nhiều làm khiếm khuyết một "bước đệm" căn bản và hết sức quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc đời của các linh mục sau này.

Sau đó thì đến lúc lãnh nhận chức linh mục. Đây là lúc các ngài bước chân xuống cuộc đời, nhất là trong trách nhiệm và bổn phận của một cha chánh, phó sở, thì những sự cao siêu trên trời ngày nào bỗng biến đi đâu mất tiêu, để rồi phải đối đầu với hàng đống việc cụ thể ở dưới đất.

Dĩ nhiên, cái chất đạo đức được tôi luyện trong bao nhiêu năm tháng, không nhiều thì ít, cũng đã thấm được phần nào vào con người linh mục. Nhưng rồi những chi phối của thế gian nhiều lúc cũng đã làm cho cái chất đạo đức ấy bị phai nhạt dần.

Tỉ dụ ngày xưa, lúc học chỉ được học qua quít về... nghệ thuật hùng biện.

Thế mà bây giờ, một trong những hoạt động chính yếu của các ngài lại là giảng dạy. Chẳng những phải giảng dạy đúng nơi, đúng chỗ ở trong nhà thờ. Mà còn phải giảng dạy ở ngoài cuộc sống, ở ngoài xã hội.

Nếu các ngài chỉ giảng về những sự cao siêu trên trời, giáo dân sẽ ngáp lên ngáp xuống và cho là cha không thực tế: Ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời. Họ đòi hỏi bài giảng của các ngài phải cụ thể và súc tích, nghĩa là phải xuất phát từ đời thường, để rồi lại được áp dụng vào chính cuộc sống hằng ngày. Vậy phải làm thế nào để đào cho ra cái chất sống ấy?

Nếu bài giảng của cha đề cập hơi nhiều đến các vấn đề xã hội - Rõ ràng là cha lại khuynh tả rồi !

Không hẳn là quá lời như một bà mẹ đã nói với người con của mình khi mới được thụ phong linh mục như sau :

- Con ơi, kể từ ngày hôm nay, nếu không ý tứ, thì con sẽ trở nên một kẻ mất dạy, vì với chức linh mục, con sẽ không còn được ai dạy bảo nữa.

Mất dạy ở ngữ cảnh đây không phải là câu xúc phạm, chưởi đổng; cho bằng đó là một mối lo lắng, ưu tư của bậc sinh thành lo không còn có ai để dạy các đấng nữa.

Đúng thế, nếu không kết hiệp mật thiết với Chúa qua những tâm tình cầu nguyện, thì linh mục không còn được Chúa dạy bảo. Hay nói đúng hơn, linh mục không còn sẵn sàng đón nhận sự soi dẫn của Chúa.

Đồng thời, với những thành công gặt hái được và những trọng kính người ta dành cho mình, linh mục dễ mang ảo tưởng cho rằng mình là một bậc thầy lỗi lạc, mình là người trên thiên hạ, ý kiến của mình luôn luôn đúng, cho nên dễ dàng gạt bỏ thẳng thừng những ý kiến đóng góp, những đề nghị xây dựng của người khác. Từ đó, linh mục sẽ rơi vào thái độ cực đoan, độc tài và độc đoán, không còn biết lắng nghe. Như thế phải chăng là sẽ làm cho mình dần dần trở nên "mất dạy" sao? Đặt ra câu hỏi, tức là đã trả lời rồi vậy!

Hiện nay, hầu hết các linh mục được sánh ví như một chiếc chìa khóa vạn năng, vừa vặn ăn khớp với mọi ổ khóa, loại nào cũng mở được. Hay nói cách khác, việc nào các ngài cũng làm được, xem ra phải được xếp vào bậc thầy, bậc sư phụ, bởi vì các ngài là... "thầy Cả" cơ mà!

Lúc ở chủng viện, các thầy đâu có được học về kiến trúc, thế mà bây giờ là linh mục thì phải nhúng tay vào hết mọi công trình, xây từ nhà thờ cho đến nhà bếp, xây từ nhà xứ cho đến nhà giáo lý, phòng hội họp, thậm chí đến cả đến chuồng heo, chuồng gà để cải thiện đời sống.

Thế nhưng, có nhiều người không hiểu thì chép miệng phê bình (thường gặp phải ở các "chức sở", vì họ thường xuyên lui tới bàn việc với các cha):

- Cha xây rồi cha lại cất, thêm cái này, lại bớt cái kia, thành thử kết cấu cứ thay đổi luôn xoành xoạch, đến độ quỷ thần cũng không lường nổi. "Xây" cho lắm, "cất" cũng nhiều.

 Ngược lại, nếu không xây thì cũng mấy vị "dưới cha, trên thiên hạ" bảo cha cục bộ, bảo thủ:

- Bao nhiêu năm cha ở với chúng con mà chẳng để lại được một công trình nào cả. Cha chẳng lo xây, mà chỉ lo cất mà thôi.

Và còn rất nhiều lãnh vực khác nữa, mặc dù hiểu biết còn rất lơ mơ và kinh nghiệm tích lũy chẳng bao nhiêu, thế mà các cha vẫn cứ phải dấn thân. Hay nói cách khác: Đã ăn cơm Chúa thì phải múa tối ngày mà thôi.

Một khó khăn nữa cũng đến từ bên ngoài, đó là cách cư xử của linh mục. Các ngài phải làm sao để dung hòa được những nghĩa vụ, những hoạt động của mình, luôn đứng trung lập ở giữa, không nghiêng bên nọ, cũng không ngả bên kia, bởi vì thái quá thì bất cập. Chẳng hạn:

Nếu cha hay bực bội vì một sai sót nào đó của người khác - Cha thiếu sự độ lượng nhân từ của một mục tử!

Nếu cha hiền hòa nhẫn nhục - Cha thiếu nghị lực quả quyết!

Đúng vậy: một cha sở, nếu vui tính thì bị hiểu là quá dễ dãi và thân mật, còn nếu nghiêm nghị ít nói thì bị mang tiếng là khó tính, nếu bình dân ăn nói như mọi người thì bị chê là không có tác phong đứng đắn, nếu áo quần tề chỉnh và ít đi lại thì bị khép vào hạng người quan liêu và cách biệt, nếu hăng hái lao động thì bị kêu là kẻ ham của cải vật chất, còn nếu ít làm việc tay chân thì bị trách là quen thói trưởng giả thầy chú...

Thật đúng như cha ông chúng ta đã nói :

 "Ở sao cho vừa lòng người,

  Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.

  Cao chê ngỏng, thấp chê lùn,

  Béo chê béo trục béo tròn,

  Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra".

Nếu muốn làm vừa lòng mọi người, thì e rằng các linh mục sẽ chẳng làm vừa lòng được một ai, vừa phải khôn ngoan như con rắn, lại vừa phải đơn sơ như chim bồ câu, vừa phải cứng như thép, lại vừa phải dịu như nước. Ôi quả thực là nhiêu khê và nan giải!


... Cho đến những mâu thuẫn từ bên trong

Đây là những mâu thuẫn phát sinh bởi bản chất hay căn tính của linh mục.

Thứ nhất, con người linh mục thì yếu đuối, nhưng lại mang lấy một chức vụ cao cả, chức vụ trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nói theo kiểu thánh Phaolô thì chức vụ ấy chính là một kho tàng quý giá. Thế nhưng, kho tàng quý giá này lại được đựng trong một chiếc bình sành dễ vỡ là thân xác linh mục (x. 2Cr 4,7). Gìn giữ chiếc bình này sao cho không bị sứt mẻ, vỡ bể cũng là chuyện rất cam go trong suốt cả cuộc đời linh mục.

Nói khác đi, nếu người rao giảng không sống trung thực với nội dung Tin Mừng thì sẽ không thuyết phục được ai nghe và tin điều mình giảng dạy. Nhất là khía cạnh luân lý tính dục là một vấn đề rất nhạy cảm và là đòi buộc nghiêm khắc của kỷ luật đời sống giáo sĩ. Và như thế, thay vì là nhân chứng cho Chúa, linh mục sẽ trở thành phản chứng (anti-witness), vì lời nói không đi đôi với việc làm, lý thuyết mâu thuẫn với thực hành khiến không ai muốn nghe và tin những điều các ngài dạy bảo nữa!

Việc đầu tư tốn nhiều tiền của trong chương trình đào tạo linh mục, nhưng nếu không dạy cho các chủng sinh - những mục tử tương lai của Giáo Hội - một linh đạo (spirituality) sâu sắc và quân bình, một kiến thức chuyên môn cần thiết, và một tinh thần tông đồ nhiệt thành thì sẽ không tránh được những mục tử sai trái về giáo lý, tín lý, phụng vụ, và mục vụ sau này khi ra thi hành sứ vụ tông đồ. Và trong viễn ảnh đó, thì thay vì làm nhân chứng cho Chúa, linh mục sẽ trở thành phản chứng do chính công việc mình làm trước mặt người khác!

Là trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, nên linh mục vừa gắn bó với Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng liên đới với con người. Vừa nắm chặt lấy bàn tay Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng vẫn chung vai sát cánh với con người. Vừa là tôi tớ của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng phải là tôi tớ của con người. Dung hòa được hai điều này không phải là chuyện dễ dàng chút nào.

Vì thế, trong khi thi hành bổn phận, các linh mục càng dấn thân vào đời bao nhiêu, thì lại càng phải siêu thoát đối với đời bấy nhiêu, chứ không được quyến luyến với đời.

Dưới mắt các ngài, cuộc đời phải được xem là quán trọ trong hành trình tiến về Nước Trời, vì chỉ Nước Trời mới là quê hương đích thực mà thôi. Hay như người ta thường bảo: "thân xác là bụi tro, danh vọng là mây khói, và tiền bạc là rác rưởi"

Ý thức mình chỉ là một con người yếu đuối, trong tay không có những phương tiện chính trị, những nguồn lợi tài chánh, hay những vũ khí quân sự, thế nhưng linh mục lại chất chứa một sức mạnh vô song, sức mạnh của tình yêu và thập giá, hay nói đúng hơn là sức mạnh của chính Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã viết: "Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh" (2Cr 12,10b).

Có như thế các linh mục mới đủ lực chiến thắng chủ nghĩa tương đối (relativism) cùng với chủ nghĩa hưởng thụ vật chất (material comsumerism) và chủ nghĩa tục hóa (secularism) đang lừa dối con người tới mức coi thường hay khinh chê mọi giá trị luân lý, đạo đức; quyến rũ con người ở khắp nơi, bất kể đang ở cương vị, thân phận nào lao mình đi tìm tiền của, thú vui và hư danh trần thế bằng mọi giá; bất chấp lương tri và đạo đức là nền tảng cho một đời sống nhân luân xứng đáng với địa vị là con người, khác biệt với mọi loài cầm thú vô tri.

 Đặc biệt trong lãnh vực tình cảm, giới tính. Các linh mục phải có một trái tim rộng mở để chia sẻ và cảm thông với hết mọi người, từ những đứa con nít cho đến những ông già bà cả, từ những kẻ giàu nứt khố đổ vách đến những người nghèo túng khố rách áo ôm, ...

Tình yêu của linh mục phải là một tình yêu không biên giới, không loại trừ, không phân cách. Tình yêu ấy phải được trải dài, trải rộng trên mọi người, nhưng lại không được phép khép đóng lại trên ai cả. Bằng không, ngược lại là một thảm họa cho chính bản thân các ngài và Giáo hội. Các ngài nên nhớ rằng mình chẳng phải là của riêng một ai và chẳng một ai là của riêng cho mình!

  Suy cho cùng, các ngài là bạn của mọi người, nhưng rốt cục lại là người cô đơn nhất. Cô đơn trong trách nhiệm và bổn phận. Cô đơn trong khó khăn và thử thách. Cô đơn trong đau yếu và tuổi già!

o 0 o


Sau cùng xin ghi lại tâm tình sau đây của Chân phước linh mục Antone Chevrier (Pháp). Ngài nói :

- Xin hãy giúp tôi xây dựng một ngôi thánh đường. Chỉ có ngôi thánh đường này mới cứu được thế giới.

Người ta ngạc nhiên bèn hỏi: - Thưa Cha, ngôi thánh đường nào vậy ?

Ngài nói tiếp:

- Tôi muốn làm hết sức để xây một ngôi thánh đường mà nền móng là những linh mục thánh thiện, các cột đỡ cũng là những linh mục thánh thiện, nhà tạm cũng là những linh mục thánh thiện, tòa giảng cũng là những linh mục thánh thiện và bàn thờ cũng là những linh mục thánh thiện.

Chỉ có ngôi thánh đường này mới cần thiết cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc!

Sở dĩ như vậy vì đời sống đạo đức của người giáo dân lệ thuộc khá nhiều vào sự thánh thiện của các linh mục! Mong thay các linh mục hãy là tấm gương trong cho các tín hữu soi rọi, chiêm ngắm và noi theo!

Mong lắm thay vậy! 

CÁT BIỂN

2291    30-09-2011 06:54:15