Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Hết Đường Chối Cãi

Sau loạt bài về stress, nhiều độc giả đã liên lạc để hỏi thêm cho cặn kẽ. Điểm lý thú là đại đa số câu hỏi, dù khác biệt ít nhiều về nội dung, nhưng trên cơ bản hầu như chỉ xoay quanh một thắc mắc: "Làm sao biết được tôi đã thuộc diện khách hàng thân thiết của stress hay chưa?". Để quý độc giả tiện việc đánh giá mức độ "hết pin", tôi xin dựa vào phương pháp xác minh tình trạng mệt mỏi của Crocq-Bugard để triển khai các tiêu chuẩn dưới đây, thay cho lời giải đáp.

1. Tổng trạng: uể oải khi thức dậy (1 điểm) - sắc mặt tái xanh (2) - mệt mỏi sau vài giờ làm việc (3) - đổ mồ hôi vô cớ (4) - ngất xỉu (5 điểm).

2. Hệ tiêu hóa: không còn cảm giác ngon miệng (1 điểm) - đầy hơi ngay sau khi ăn (2) - táo bón (3) - buồn nôn vô cớ (4) - chán ăn đến độ sụt cân (5 điểm).

3. Hệ vận động: mỏi cơ (1 điểm) - đau nhức bắp thịt (2) - chuột rút dù không vận động (3) - đau lưng (4) - đau khớp (5 điểm).

4. Hệ tiết niệu sinh dục: tiểu đêm trên hai lần (1 điểm) - giảm hứng thú tình dục (2) - xuất tinh sớm, di mộng tinh hay rối loạn kinh nguyệt (3) - rối loạn cương dương hay lãnh cảm (4) - bất lực (5 điểm).

5. Hệ thần kinh: nhức đầu (1 điểm) - mỏi mắt (2) - sợ ánh sáng (3) - ù tai (4) - chóng mặt (5 điểm).

6. Giấc ngủ: khó ngủ (1 điểm) - ngủ chập chờn (2) - mất ngủ cuối giấc (3) - ác mộng (4) - thức trắng từ nửa đêm (5 điểm).

7. Chức năng tư duy: khó tập trung (1 điểm) - mau chán khi đọc sách báo (2) - giảm suy luận (3) - đãng trí (4) - mất trí nhớ (5 điểm).

8. Cảm xúc: dễ biểu lộ cảm xúc (dễ khóc) (1 điểm) - dễ bị kích động (dễ cười) (2) - dễ cáu gắt (khó chịu) (3) - cảm giác cô đơn (4) - tình trạng trầm uất (5 điểm).

9. Phân liệt cá tính: khuynh hướng thụ động (1 điểm) - khuynh hướng bi quan (2) - khuynh hướng phê bình thái quá (3) - bứt rứt (cảm giác không ai hiểu mình) (4) - lo sợ vô cớ (cảm giác bị hại) (5 điểm).

10. Sức năng động: mất hứng thú (1 điểm) - mất tự tin (2) - mất nghị lực (3) - khuynh hướng chưa đánh đã thua (4) - khuynh hướng thua nhanh về sớm cho rồi (5 điểm)

Sau khi cộng điểm:

- Nếu bạn góp nhặt được hơn 30 điểm thì không còn gì phải bàn ra tán vào cho mất thời giờ. Bạn cần gấp một thầy thuốc để tầm soát cho bằng được nguyên nhân đã đục thủng hàng rào phòng ngự của cơ thể. Bạn cũng cần được điều trị khẩn cấp vì trong cuộc chạy đua với bệnh tật, thời giờ rõ ràng không còn đứng về phía bạn.

- Nếu bạn đạt đến chỉ tiêu 25-29 điểm thì cũng không khá gì hơn. Bạn đang là mục tiêu béo bở của nhiều loại bệnh chứng đang chực chờ thời cơ thuận lợi. Thêm vào đó, tình trạng mệt mỏi sớm muộn cũng trở thành mối đe dọa cho chất lượng của cuộc sống. Bạn không nên chần chừ thêm nữa để bệnh nhẹ biến thành bệnh nặng, mà phải tìm đến thầy thuốc càng sớm càng tốt.

- Nếu bạn có trong tay 20-24 điểm thì đã đến lúc bạn cần chú ý nhiều hơn đến sức khỏe vì bạn không còn sung sức như xưa. Bạn sẽ phải trả giá rất cao nếu tiếp tục với ảo vọng là sẽ cải thiện được kết quả khảo sát trong lần tới mà không cần thay đổi nếp sinh hoạt sai lầm hiện nay.

- Nếu bạn may mắn không đạt đến số điểm 20 thì xin thành thật chúc mừng vì bạn thuộc vào nhóm thiểu số "chưa đến độ mệt mỏi" trong bối cảnh căng thẳng của thế kỷ 21! Nhưng xin đừng tự dối mình. Bạn nên lập lại cuộc khảo sát mỗi tam cá nguyệt để kịp thời chữa lửa. Phòng cháy bao giờ cũng tốt hơn phải kêu xe cứu hỏa.

Tôi có thói quen không mấy khi xem trọng chỉ tiêu. Nhưng tôi đã quyết định dành mục Y học tạp lục lần này với nhiều chi tiết hơn trang sức khỏe để phổ biến các đơn vị đo lường tình trạng mệt mỏi vì một lý do. Qua tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn... ở TPHCM, nơi tình trạng mệt mỏi kinh niên là một thực tế không thể chối cãi, rõ ràng có thể phân loại số người bệnh quan tâm đến dấu hiệu "pin cần sạc gấp" vào hai nhóm trái ngược nhau về khuynh hướng phản ứng. Nếu có người mệt muốn đứt hơi nhưng vẫn cố gắng chối bỏ thực tế thì cũng không thiếu gì đối tượng khỏe re nhưng lại than mệt như bộng! Rất mong độc giả khi tham dự cuộc trắc nghiệm này đừng mang theo... "phao"! Không thành thật với chính mình khi khai bệnh thì đến thần y "Hơ Jun" trong phim Hàn Quốc (đang chiếu trên VTV3 mỗi tối) cũng đành khóc hận thêm vài tập.

3. MÓN THUỐC BÊN ĐƯỜNG

Dưới mắt du khách nước ngoài, TPHCM có nhiều nét cá tính độc đáo. Một trong số đó là hình ảnh của xe nước rau má bên đường. Nhìn không đã mát cổ họng. Gặp đúng lúc trời đang nắng gắt thì màu xanh diệp lục tố của ly nước rau má cứ như cơn gió nhẹ nhàng len qua khe cửa.

Nếu chỉ dựa vào tính chất "mát" để xếp rau má vào nhóm thực phẩm có tác dụng hạ nhiệt thì đã xem thường rau má. Loại rau này từ cả chục thế kỷ đã có mặt trong dược điển của nhiều quốc gia, từ Đông sang Tây. Lâu hơn nữa, thuở trước Công nguyên, rau má đã được đề cập trong y thư Trung Quốc, Hy Lạp, Ai Cập... với tác dụng giải nhiệt, kháng viêm, trừ thũng... Rau má được ưa chuộng vì là loại thuốc có tác dụng theo kiểu "sân nào cũng chơi". Bằng chứng là thầy thuốc cổ truyền Ấn Độ (Ayurveda) có kinh nghiệm dùng rau má để cải thiện chức năng tư duy và hưng phấn... sinh dục! Với nhiều bà ngoại ở phương Đông thì "mánh" giúp lợi sữa cho con gái vừa làm mẹ cũng chính là món nước rau má!

Từ kinh nghiệm của dân gian quen dùng rau má để chống táo bón, các nhà điều trị đã suy diễn tác dụng lợi mật của rau má để mạnh dạn áp dụng dược liệu này trong các bệnh gan, mật. Các công trình nghiên cứu chuyên đề sau đó ở Nga đã xác minh khả năng bảo vệ nhu mô gan, hỗ trợ chức năng giải độc của gan và điều hòa biến dưỡng chất béo của rau má.

Với các nhà nghiên cứu ở vùng Trung Âu thì rau má là món thuốc quý để bảo vệ mạch máu, đặc biệt hữu ích cho cấu trúc yếu ớt của hệ thống tĩnh mạch. Bên cạnh tác dụng chống phù nề nhờ lợi tiểu nhẹ, rau má còn có công năng bảo vệ thành mạch máu và giữ cho máu loãng. Rau má vì thế là món ăn nên thuốc cho bệnh nhân cao huyết áp, cho đối tượng bị thiểu năng mạch vành, cho người bị bệnh trĩ, người hay có vấn đề với mạch máu ngoại biên trong vùng đầu chi dưới, như người phải đứng nhiều giờ trong dây chuyền sản xuất, cũng như cho phụ nữ bị giãn tĩnh mạch sau nhiều lần sinh nở.

Đối với phái yếu ở châu Á, hàng ngàn năm qua họ đã biết cách ăn rau má để giữ cho da lâu bị lão hóa. Nhưng tác dụng của rau má không chỉ tốt cho da như quan niệm theo kiểu làm đẹp từ bên trong. Nhiều công trình nghiên cứu trong thập niên gần đây, đặc biệt ở Trung Quốc, đã chứng minh tác dụng làm lành vết thương và tránh sẹo của rau má. Do đó, không lạ gì khi rau má hiện có mặt trong hàng trăm dược phẩm dùng ngoài với tác dụng kép, vừa thanh trùng vừa phục hồi mặt da, cũng như trong nhiều loại mỹ phẩm, từ sữa rửa mặt ngừa mụn đến kem chống nếp nhăn.

Theo các nhà nghiên cứu ở Mỹ, dù chưa chắc chắn về cơ chế nhưng rau má rõ ràng có tác dụng cải thiện hàm lượng dưỡng khí trong tế bào thần kinh. Người thường có rau má trên bàn ăn nhờ đó vừa không đãng trí, ít lẫn lộn, vừa dễ ngủ và thư giãn tinh thần. Thừa thắng xông lên, nhiều nhà điều trị hiện đang mạnh dạn cổ động cho việc kết hợp rau má trong khẩu phần của người cao niên để chống bệnh Alzheimer.

Nếu tổng kết các công năng vừa kể của rau má, thì rau má rõ ràng là thức uống lý tưởng cho người bị bệnh tiểu đường, với điều kiện đừng pha đường vào ly nước rau má!

Buổi trưa hè rực lửa bỗng như dịu mát với màu xanh bắt mắt của lá rau má. Thức giải khát bình dân bên đường trên thực tế là một dược liệu đa năng. Ly nước rau má bên vệ đường nếu phải xa rời tác dụng mong đợi chẳng qua vì thức uống không được bảo đảm vệ sinh. Đổ lỗi cho rau má là không công bằng. Từ bao đời rau má trước sau vẫn một lòng son sắt. Rau má nếu biết nói chắc đã khẩn khoản yêu cầu một điều rất hợp lý. Xin giữ cho hoạt chất trong rau má, cũng như hàng trăm món ăn dân dã khác, có đủ điều kiện để phục vụ cuộc sống của con người. Muốn được vậy thì từ nhà nông cho đến người bán hàng rong, và đương nhiên hàng đầu là viên chức ngành y tế, tất cả phải quán triệt một nguyên tắc hiện đang giữ vai trò tối quan trọng trong ngành xây dựng: "An toàn là trên hết!".

1259    01-01-2011 07:41:35