Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium Et Spes Lời Mở Đầu

Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes)


Lời Giới Thiệu

Lời Mở Ðầu  /    Nhập Ðề 

Phần I:   Chương I  /  Chương II  / Chương III  /  Chương IV 

Phần II:   Chương I Chương II  /  Chương III Chương IV  /  Chương V

 

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Khóa IX Ngày 7 tháng 12 Năm 1965


Phaolô Giám Mục

Tôi Tớ Các Tôi Tớ Thiên Chúa

Hiệp Nhất Với Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng

Ðể Muôn Ðời Ghi Nhớ


Hiến Chế Mục Vụ 1 Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay
Gaudium Et Spes


Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Lời Mở Ðầu


1. Liên quan mật thiết giữa Giáo Hội và toàn thể gia đình các dân tộc.

Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại 1*.

2. Công Ðồng muốn ngỏ lời với ai. Vậy, sau khi đã tìm hiểu tường tận hơn về mầu nhiệm Giáo Hội 2*, Công Ðồng Vaticanô II không còn chỉ ngỏ lời riêng với những người con của Giáo Hội và tất cả những ai kêu danh Chúa Kitô, nhưng không ngần ngại nói với tất cả mọi người. Công Ðồng ước ao trình bày cho mọi người biết mình quan niệm thế nào về sự hiện diện và hành động của Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

Vậy thế giới trình bày ở đây là thế giới của con người, tức là toàn thể gia đình nhân loại với mọi sự thuộc môi trường sinh sống của gia đình này. Thế giới ấy là sân khấu của lịch sử nhân loại và là thế giới mang dấu tích những cố gắng, thất bại và thắng lợi của nhân loại; thế giới ấy, người Kitô hữu tin là đã được tình yêu của Ðấng Tạo Hóa tác thành và bảo trì; thế giới ấy đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng, nhờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà bẻ gãy uy quyền Thần Dữ, đã được giải thoát để thay hình đổi dạng theo dự định của Thiên Chúa mà tiến tới sự viên mãn 3*.

Phục vụ con người. Ngày nay, tuy đã cảm phục trước những khám phá và quyền lực của mình, nhân loại vẫn thấy lo lắng thắc mắc về sự tiến hóa hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và phận vụ con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và sau hết về cùng đích của con người và muôn loài. Vì thế, khi minh chứng và trình bày Ðức Tin của toàn thể dân Chúa đã được Chúa Kitô đoàn tụ, để diễn tả thật hùng hồn mối tình liên đới, sự tôn trọng và quí mến của dân Chúa đối với gia đình nhân loại mà mình là một thành phần, Công Ðồng thấy hay hơn hết là phải thiết lập cuộc đối thoại về những vấn đề ấy, phải lấy ánh sáng Phúc Âm mà soi dẫn, và phải cho nhân loại những năng lực cứu rỗi mà chính Giáo Hội đã nhận được nơi Ðấng Sáng Lập, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thực vậy, việc phải làm là cứu rỗi nhân vị con người và xây dựng xã hội loài người. Do đó, con người - dĩ nhiên là con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí - sẽ là then chốt tất cả phần trình bày của chúng tôi.

Vậy, khi công bố thiên chức cao cả của con người và xác nhận con người mang trong mình một mầm mống thần linh, Thánh Công Ðồng muốn đề nghị với nhân loại sự cộng tác thành thực của Giáo Hội hầu thiết lập một tình huynh đệ đại đồng phù hợp với thiên chức ấy. Không bị một tham vọng trần thế nào thúc đẩy, Giáo Hội chỉ nhắm một điều là dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tiếp tục công cuộc của chính Chúa Kitô, Ðấng đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý 2, để cứu rỗi chứ không luận phạt, để phục vụ chứ không để được phục vụ 3.

 

Chú Thích:

1 Hiến chế Mục Vụ về "Giáo Hội trong thế giới ngày nay" tuy có hai phần rõ rệt nhưng làm thành một khối duy nhất.

Hiến Chế mệnh danh là "Mục Vụ" vì, dựa trên những nguyên tắc giáo lý, Hiến Chế nhằm trình bày thái độ của Giáo Hội với thế giới và con người ngày nay. Do đó, không phải là thiếu chủ đích mục vụ trong phần I, cũng như không thiếu chủ đích giáo lý trong phần II.

Trong phần I, Giáo Hội trình bày giáo lý của mình về con người, về thế giới con người đang sống và về thái độ của Giáo Hội đối với con người và thế giới. Trong phần II, Giáo Hội khảo sát tường tận hơn những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hiện nay và trong xã hội nhân loại, nhất là những thắc mắc, những vấn đề xét ra có vẻ khẩn thiết hơn trong thời đại chúng ta. Do đó, trong phần sau này, dựa trên những nguyên tắc giáo lý, nội dung không những bao hàm những yếu tố vĩnh cửu mà còn cả những yếu tố nhất thời nữa.

Vậy, phải giải thích Hiến Chế theo những nguyên tắc tổng quát của khoa chú giải thần học và đặc biệt phải lưu ý tới những hoàn cảnh thay đổi là những hoàn cảnh tự bản chất gắn liền với những vấn đề được bàn tới, nhất là trong phần thứ hai này. (Trở lại đầu trang)

1* Kitô hữu là người "bị lưu đày xa Chúa" (2 Cor 5,6) và người "không có thành trì kiên cố" ở đất này (Dth 13,14), nhưng vẫn còn thuộc về gia đình nhân loại. Mọi vấn đề của nhân loại phải làm rung động tâm hồn Kitô hữu. Chính Giáo Hội được thiết lập để đến cùng con người chứ không phải để chỉ sống cho mình mà thôi, Giáo Hội phải đối thoại với con người, đưa cho con người ánh sáng đức tin đã được trao phó cho Giáo Hội. Như thế Giáo Hội góp phần vào công việc chung nhằm cứu độ con người và cải thiện xã hội. Sứ mệnh của Giáo Hội không nhằm những tham vọng thế tục (số 3). Hiến Chế khai triển những tư tưởng này trong chương IV. (Trở lại đầu trang)

2* Trong Hiến Chế tín lý về Giáo Hội. (Trở lại đầu trang)

3* Theo thần học ta có thể quan niệm "thế giới" 1) là vũ trụ đã được Thiên Chúa tạo nên (x. Stk 1,1; Gio 1,3; Col 1,15-20); 2) Thiên Chúa đã trao phó hoàn vũ cho con người (x. Mt26,13; Gio 17,18); 3) nhân loại sa ngã chán ghét và chống đối Thiên Chúa (x. Gio 1,10; 7,7; 15,18t; 17,9; 1Gio 2,15); 4) Thiên Chúa yêu mến nhân loại đã được cứu chuộc (x. Gio 1,29; 3,13; 4,42; 2Cor 5,19). (ÐGM. Charue, phó chủ tịch Ủy Ban về tín lý, ngỏ lời trong thánh đường thánh Phêrô, ngày 24.9.1965: xem Documentation Catholique 62 (1965), 1863).

Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay hiểu thế giới theo nghĩa nhân chủng học (gia đình nhân loại), vũ trụ luận (tất cả thực tại chung quanh), lịch sử học (nơi diễn tiến của lịch sử), và thần học (được Thiên Chúa tạo nên vì tình yêu, v.v...). (Trở lại đầu trang)

2 Xem Gio 18,37. (Trở lại đầu trang)

3 Xem Gio 3,17; Mt 20,28; Mc 10,45. (Trở lại đầu trang)

9907    17-10-2012 10:16:03