Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Hiểu Và Sống Phụng Vụ_Lời Nói Đầu


LỜI NÓI ĐẦU

Hiến chế về phụng vụ (PV), công bố ngày 04.12.1963, là văn kiện đầu tiên và cũng là một trong những văn kiện quan trọng nhất của Công đồng Vaticanô II.

Hiến chế đã đặt những nguyên tắc căn bản cho việc canh tân toàn bộ phụng vụ. Áp dụng những nguyên tắc ấy, các cơ quan của Tòa Thánh đã làm việc tích cực trong mười mấy năm, dưới sự lãnh đạo của Đức Phaolô VI, để thực hiện một cuộc cải tổ phụng vụ lớn lao chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Do đó, một loạt sách phụng vụ mới đã lần lượt được ban hành, chủ yếu là Sách Lễ Rôma, sách Giờ Kinh Phụng Vụ, sách Nghi Thức cho mỗi Bí tích.

Muốn hưởng nhờ tất cả lợi ích của phụng vụ mới, người Tín hữu cần phải hiểu ý nghĩa của năm phụng vụ và của các nghi lễ. Để giúp việc học hỏi này, chúng tôi dịch một phần và thích nghi đôi chỗ những trang dẫn nhập do Linh mục Pierre Jounel viết trong hai cuốn Missel du dimanche (1971) và Missel de la semaine (1973). Linh mục Jounel là giáo sư Viện Cao Đẳng Phụng Vụ thuộc đại học Công giáo Paris , và là một chuyên viên đã góp phần quan trọng trong công trình canh tân phụng vụ. Những trang dẫn nhập này tuy vắn tắt nhưng rất súc tích và đưa ta vào ý nghĩa chính của phụng vụ. Nhờ đó, một khi đã "hiểu", chúng ta có thể "sống phụng vụ" trong cuộc sống hằng ngày.


NHẬP ĐỀ: SÁCH LỄ RÔMA

Trong Hiến chế Phụng vụ, Công Đồng Vaticanô II truyền phải duyệt lại và sửa đổi cuốn Sách Lễ Rôma đã được dùng từ Công Đồng Trentô (1570), sao cho các bản văn và các nghi thức "diễn tả rõ rệt và trong sáng hơn các mầu nhiệm trong đạo mà các bản văn và nghi thức đó muốn nói lên" (số 21), và sao cho "giáo dân dễ sốt sắng và tích cực tham dự " "như một dấu hiệu và một dụng cụ hiệp nhất", khi họ cầu nguyện. (số 50). Công Đồng cũng đặt ra những nguyên tắc hướng dẫn việc sửa đổi này (1963). Năm 1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành Sách Lễ mới. Năm 1970, sách được lưu hành. Khi ban hành sách này, Đức Giáo Hoàng mong muốn cho các tín hữu đón nhận nó

Nhưng muốn thống nhất lời cầu nguyện "mà vẫn giữ được những sự khác biệt chính đáng, lại có thể tùy tiện thích nghi", như lời Đức Phaolô VI nói sau Công Đồng, thì trên hết phải biết cuốn sách đó thế nào đã. Vậy, điều làm cho chúng ta lưu ý trước tiên là khối lượng của Sách Lễ mới. Sách Lễ Rôma cũ chỉ có một cuốn gồm tất cả các lời nguyện và bài đọc trong thánh lễ. Theo lệnh của Công Đồng, Phụng vụ mới phải trình bày cho giáo dân "những phần Kinh Thánh quan trọng nhất, trong một số năm nhất định" (số 51), nên các ấn bản chính thức đã phải in thành những cuốn lời nguyện và bài đọc riêng tách rời nhau. Như thế là trở về lối xưa: phân biệt sách dành cho chủ tế với sách dành cho các đọc viên. Sách Lễ chính thức, bản tiếng La tinh, là một pho dày hơn chín trăm trang, và sách bài đọc gồm ba cuốn, mỗi cuốn chừng một ngàn trang. Vì thế, không thể nào cầm cả bộ Sách Lễ trong tay như xưa được.

Giáo dân không thể nào là một tham dự viên hoạt động trong thánh lễ được, nếu mỗi người không biến lời kinh do chủ tế đọc hoặc bài ca do cộng đoàn hát thành lời kinh tiếng hát của mình; nếu mỗi người không thấm nhuần giáo huấn của Lời Chúa, tùy theo mức độ hiểu biết về Kinh Thánh, nhưng nhất là tùy theo mức độ chú ý nghe Chúa Thánh Thần.

Các Bài Đọc.

Về các bài đọc ngày Chúa Nhật, thường bài đọc này giúp hiểu thêm bài đọc kia. Có những ngày cả ba bài đọc đều quy về cùng một biến cố hay một mầu nhiệm. Chúa Nhật nào cũng có ít nhất là hai bài đọc liên hệ mật thiết với nhau; trong các Chúa Nhật mùa Thường Niên, bài đọc Cựu Ước và Tin Mừng thường ăn khớp với nhau. Muốn làm sáng tỏ điểm hòa hợp này, dường như lúc nào cũng phải bắt đầu từ Tin Mừng. Chính Tin Mừng là cùng đích của Lề Luật Cựu Ước, như thời xưa các Giáo Phụ vẫn nói; chính Tin Mừng là cao điểm của Phụng Vụ Lời Chúa, vì trong Tin Mừng, chính Đức Kitô nói để chuẩn bị chúng ta cử hành lễ tế của Người. Đó là lý do khiến ta tìm được trong Tin Mừng cái chìa khóa giúp ta hiểu biết Kinh Thánh. Còn về bài Thánh Vịnh đáp ca tiếp theo bài đọc thứ nhất, chính câu điệp ca lặp lại sẽ giúp ta hiểu Thánh Vịnh đó theo chiều hướng của bài đọc.

Các Kinh Nguyện

Các kinh nguyện của Sách Lễ gồm có: những kinh tạ ơn (kinh nguyện Thánh Thể) với các bài tiền tụng, các lời nguyện, các lời ca (nhập lễ, hiệp lễ). Chính những kinh nguyện này làm cho cuốn Sách Lễ của Đức Phaolô VI có một sắc thái đặc biệt. Có những kinh nguyện ta được thừa hưởng do truyền thống hơn một ngàn năm của nền phụng vụ Rôma, và các nền phụng vụ La tinh khác, đặc biệt là phụng vụ Milanô; một số kinh nguyện đã được thích nghi với các " đòi hỏi và điều kiện trong đời sống hiện nay " (Qui chế tổng quát Sách Lễ Rôma, số 15); một số khác mới sáng tác để đáp ứng các nhu cầu của thời đại. Như vậy, ngoài truyền thống Đông phương ra, các kinh nguyện trong Sách Lễ của Đức Phaolô VI quả là một bằng chứng đích thực nhất và uy tín nhất về kinh nguyện của Hội Thánh.

Khi cầu nguyện, Hội Thánh diễn tả quan niệm của mình về Thiên Chúa và thế giới. Hội Thánh chỉ đến cùng Thiên Chúa toàn năng, hằng hữu với một niềm trọng kính vô biên; thái độ đầu tiên của Hội Thánh là tôn thờ. Đối với Hội Thánh thì con người lãnh nhận được tất cả từ Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, và chỉ có thể dâng lên Thiên Chúa cái mình đã nhận được do Người ban cho: trong đời sống của con người, tất cả đều là ơn huệ, cuộc Vượt Qua của Đức Kitô là then chốt của lịch sử. Kinh nguyện của Hội Thánh có một nguồn cảm hứng y hệt như kinh nguyện trong các Thánh Vịnh và Tân Ước, dù diễn tả theo kiểu cách khác. Trong mỗi thánh lễ, lời cầu nguyện phát ra từ môi miệng thánh Lêô Cả hay thánh Giêgôriô Cả và lời cầu nguyện linh hứng trong Kinh Thánh soi sáng lẫn nhau, và bay lên Thiên Chúa theo một hòa điệu; làm tăng thêm phẩm chất cho cả lời cầu nguyện này lẫn lời cầu nguyện kia.

Mặt khác, phụng vụ sẽ không phải là phụng vụ của Hội Thánh, nếu không biết cảm thông những nỗi vui buồn, lo lắng, sầu khổ, hy vọng của người đương thời. Nhưng thiết tưởng tôn trọng sự cao siêu của lời nguyện Hội Thánh là giúp ích cho các Kitô hữu, vì đó chính là tôn trọng bước đường vận hành thầm kín của mỗi người. Bài giảng của chủ tế nhằm móc nối Lời Chúa với đời sống của các Tín hữu đang hiện diện và Lễ Tạ Ơn họ sắp cử hành; lời nguyện giáo dân giúp cho mỗi người cầu nguyện cho mọi người anh em nhân loại. Lời cầu nguyện do Hội Thánh gợi ý, tuy có khi không nhắc gì đến thời gian, nhưng vẫn chứa đựng các ý tưởng tán dương, kêu cầu phát xuất từ đời sống cụ thể của mỗi phần tử trong cộng đoàn.

Khi ban hành Sách Lễ do Công Đồng Vaticanô II cải tổ lại, Đức Phaolô VI nhắc nhở rằng: "Có nhiều vị Thánh đã dùng các bài đọc và kinh nguyện trong Sách Lễ cũ mà nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình" . Sách Lễ mới tiếp tục một truyền thống và từ nay được khai thác đầy đủ hơn, và làm cho nó thêm phong phú. Thánh Bênađô và thánh Đôminicô, thánh Têrêsa Avila và thánh Vicentê de Phaolô, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và thánh Piô X chắc cũng đã có thể tìm được ở đó, bây giờ cũng như ngày xưa, sự khởi đầu cho cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Làm sao lại có thể khác được đối với các Kitô hữu ngày nay ? Giữa cảnh cực kỳ phân tán mà mỗi người chúng ta phải gánh chịu trong đời sống thâm sâu cũng như trong muôn công ngàn việc của mình, chúng ta được Hội Thánh trao cho cuốn Sách Lễ mới, một cuốn sách chồng chất kinh nghiệm của Hội Thánh, bậc thầy vĩ đại trong trường cầu nguyện.

Khi dùng Sách Lễ, người Kitô hữu phải học cầu nguyện với Hội Thánh, để đối thoại với Thiên Chúa trong Đức Kitô, một cuộc đối thoại cần thiết ở giữa cộng đoàn phụng vụ cũng như trong chốn thẳm sâu của lòng mình.

HUẤN LUYỆN PHỤNG VỤ VÀ THAM DỰ LINH ĐỘNG

"Giáo Hội Mẹ chúng ta, tha thiết ước mong toàn thể các Tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và linh động. Việc tham dự ấy do chính bản tính phụng vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép Rửa, việc tham dự phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, "là dòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là dân thánh, là con dân được tuyển chọn" (1 Pr 2,9 ; x. 2, 4 -5)

Trong việc canh tân và cổ võ phụng vụ thánh, cần phải hết sức để tâm đến việc tham dự trọn vẹn và linh động của toàn dân: vì phụng vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, từ đó các Tín hữu phải múc lấy các tinh thần Kitô giáo đích thực. Vì thế, nhờ việc huấn luyện cần thiết, các mục tử chăn dắt các linh hồn phải nhiệt tâm tìm đạt được điều đó trong mọi hoạt động phụng vụ.

"Tuy nhiên, sẽ không có một tia hy vọng nào đạt tới kết quả đó, nếu trước tiên chính những mục tử chăn dắt các linh hồn không thấm nhuần sâu rộng tinh thần và năng lực của phụng vụ cũng như không thành những bậc thầy trong lĩnh vực ấy".


1796    21-03-2011 10:38:27