Sidebar

Thứ Ba
16.04.2024

Hiểu Và Sống Phụng Vụ_Phần 01_Phụng Vụ Tổng Quát


PHẦN I: NĂM PHỤNG VỤ
Phụng Vụ Tổng Quát

NGÀY CHÚA NHẬT

Chúng ta tìm hiểu về địa vị Ngày của Chúa trong đời sống của Hội Thánh.

Ngày của Chúa

Sáng " ngày thứ nhất trong tuần " (Mc 16,9), hôm sau ngày Sabat, Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra với các người thân. Ngay chiều hôm đó, Người cho các môn đệ trên đường Emmau nhận ra Người " lúc Người bẻ bánh " , sau khi đã giải thích cho các ông " tất cả những đoạn Kinh Thánh nói về Người " (Lc 24,27.35). Và cũng trong ngày ấy, Người thông ban Thánh Thần cho các tông đồ, khi sai các ông tiếp tục sứ mệnh của Người (Ga 20,21-23). Đó là biến cố chủ yếu trong lịch sử cứu độ, đánh dấu đến muôn đời ngày thứ nhất trong tuần, và làm cho ngày đó trở thành Ngày của Đức Kitô, Ngày của Chúa (Chúa Nhật), theo danh hiệu sách Khải Huyền đă tặng cho (Kh 1,10).

Ngày họp cộng đoàn Kitô hữu

Tám ngày sau khi Đức Giêsu sống lại, các tông đồ đang nhóm họp, thì Người hiện ra với các ông, khiến ông Tôma phải tuyên xưng đức tin: " Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của tôi " (Ga 20,28). Từ đó, mỗi cộng đoàn Kitô hữu địa phương họp nhau ngày Chúa Nhật để cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, tưởng niệm cái chết và mừng ngày sống lại của Người, trong khi chờ đợi Người trở lại. Vì thế, chúng ta thấy thánh Phaolô chủ tọa cộng đoàn Kitô hữu ở Troas, mùa xuân năm 58, giảng suốt đêm trong nhà một người anh em và bẻ bánh, trước khi lấy tàu đi thành Milê (Cv 20.7-12). Chính vì nhắm tới cộng đoàn mà một năm trước, thánh nhân đã truyền cho các Tín hữu thành Côrintô để riêng ra, vào " ngày thứ nhất trong tuần " , phần dành dụm được để giúp đỡ những người nghèo (1 Cr 16,2).

Từ khởi thủy, ngày Chúa Nhật bắt đầu vào chiều thứ bảy, lúc đêm về, hợp với lối quan niệm về ngày trong Kinh Thánh: " Qua một buổi chiều và một buổi sáng " (St 1,5). Trong môi trường Do thái, chiều thứ bảy, lúc ngày ngã bóng, là lúc người ta lại tiếp tục các sinh hoạt, sau ngày Sabat buột ngặt phải nghỉ ngơi. Vì thế, các cộng đoàn Kitô hữu thời xưa họp vào đêm trước ngày Chúa Nhật, trước hết vào buổi tối để nhớ lại bữa tiệc của Chúa là một bữa tối, rồi sau vào gần sáng, trước khi mặt trời mọc. Các lễ Chúa Nhật cử hành vào chiều thứ bảy hiện nay là tiếp nối truyền thống của Hội Thánh thời các tông đồ.

Cộng đoàn ngày Chúa Nhật là nét biểu dương chính yếu của việc Hội Thánh nhập vào một khu vực rõ rệt. Vào khoảng năm 150, thánh Giustinô viết: " Ngày hôm đó, tất cả anh em chúng tôi ở thành phố hay đồng quê đều hội nhau tại cùng một địa điểm " . Thời bấy giờ, họp cộng đoàn lại là nghĩa vụ của cộng đồng địa phương mà đứng đầu là các Giám mục hay các Linh mục do Giám mục ủy nhiệm. Mọi người đều buột phải tham dự tùy theo khả năng của mình. Tất nhiên có nhiều người không thể theo nhịp họp hàng tuần của cộng đoàn được, như trường hợp các Kitô hữu sống phân tán rải rác, các bà mẹ trẻ trong gia đình, những người đau yếu, các lữ khách, hạng người nô lệ hay tôi tớ không được các chủ ngoại đạo cho ra khỏi nhà. Nhưng Hội Thánh vẫn hội họp và cầu nguyện cho mọi người vắng mặt. Khi cần, Hội Thánh cũng sai một số anh em đem Mình Thánh Chúa cho họ. Vậy vấn đề không phải là mỗi Kitô hữu chu toàn bổn phận hàng tuần cho bằng mọi Kitô hữu phải họp mừng mầu nhiệm của Đức Kitô. Đôi khi họ cũng cần phải được thúc đẩy để giữ lòng trung thành, như những lời lẽ sau đây của một Giám mục Syri, hồi thế kỷ III: " Anh em đừng lấy các việc phần đời làm hơn Lời Chúa, nhưng hãy dẹp tất cả lại trong Ngày của Chúa, và hãy ân cần đi họp, vì đó là lúc anh em dâng lời chúc tụng Chúa. Chẳng vậy, những người không đi họp vào Ngày của Chúa để nghe Lời Người và lấy Thần Lương muôn đời tồn tại mà nuôi dưỡng mình, sẽ phải ăn nói làm sao trước mặt Người " (Sách Giáo Huấn các tông đồ, chương 13).

Nhưng phần đông dân Chúa hiểu ngay rằng trung thành họp với cộng đoàn ngày Chúa Nhật là cách trắc nghiệm lòng trung thành của mình với Chúa Kitô. Đang lúc bị bắt bớ giam cầm, có những Kitô hữu thành Abiten bên nước Tuynidi, gồm 31 nam và 18 nữ, bị bắt vì hội họp bất hợp pháp đã không ngần ngại trả lời với viên thẩm phán: " Chúng tôi không thể sống mà không họp mừng ngày của Chúa " (12.2.304).

Dưới đây, chúng tôi sẽ mô tả cách thức khai diễn của cộng đoàn Kitô hữu, khi họ cử hành thánh lễ. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, cũng nên nhấn mạnh đến hai phần trong cuộc cử hành: đó là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể.

Ngày nghe đọc Lời Chúa

Thời lưu đày ở Babylon, các người Do thái xa đền thờ, mà đền thờ bây giờ chỉ còn là một đống đá vụng, thường quen họp nhau vào ngày Sabat để đọc Lời Chúa (tức là sách Luật Môsê và sách các Ngôn Sứ) trong cộng đoàn, và cầu nguyện chung với nhau. Họ vẫn giữ thói quen này sau khi đã về Palestine . Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu tham dự cộng đoàn này trong hội đường Nazareth (Lc 4,16-22). Các tông đồ cũng chuyên cần tham dự như thế. Các Kitô hữu gốc Do thái ban đầu đã phải lập hội đường riêng; tại đây, ngoài Cựu Ước ra, họ còn đọc thêm sách của các tông đồ nữa. Buổi tối, họ cử hành lễ bẻ bánh. Chẳng bao lâu, ngoài môi trường Do thái, Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể đã gắn liền thành một cuộc cử hành, nhưng đừng quên rằng Phụng Vụ Lời Chúa có giá trị riêng biệt: " Trong phần này, Thiên Chúa nói với dân Người, và Đức Kitô còn loan báo Tin Mừng " (PV, số 33), và giáo dân hát các Thánh Vịnh do Thánh Thần linh hứng mà trả lời Chúa. Phụng vụ Lời Chúa là phần đặc biệt để Thiên Chúa đối thoại với dân Người.

Bây giờ cũng như ngày xưa, Phụng Vụ Lời Chúa không chỉ dành những người tham dự Thánh Thể mà thôi. Không nguyên các người dự tòng mới được quyền tham dự, mà cả những người Kitô hữu trong một khoảng thời gian hay trong những hoàn cảnh kéo dài không thể đón nhận vào dự tiệc của Chúa, và tất cả những ai đang tìm kiếm Chúa cũng được tham dự nữa. Tất cả các Tín hữu này hay những người ngoại đạo nhưng được Tin Mừng Đức Kitô thu hút, đều được hoàn toàn tự do rời bỏ cộng đoàn sau lời nguyện giáo dân.

Trong những nơi không có Linh mục cử hành Thánh Thể, một Phó tế hay một giáo dân do Giám mục ủy nhiệm được quyền tụ họp anh em lại, trong một nhà thờ hay một nhà riêng và chủ tọa phần Phụng Vụ Lời Chúa. Sau lời nguyện giáo dân, mọi người đọc kinh Lạy Cha. Nếu có để Mình Thánh dự trữ, giáo dân có thể rước lễ ngay và đem Mình Thánh Chúa cho những người không thể đến với cộng đoàn được. Vắng Linh mục không bao giờ là một lý do đủ để miễn cho giáo dân hội họp nhau ngày Chúa Nhật. Chúa đã chẳng hứa rằng ở đâu có hai ba kẻ họp nhau vì danh Người, thì Người ở giữa họ sao (Mt 18,20) ?!

Ngày cử hành Thánh Thể

Cộng đoàn ngày Chúa Nhật đạt tới cao điểm vào lúc cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharistie). Qua thừa tác vụ của Linh mục, Chúa Kitô vạn đại hóa lễ tế của Người trên thập giá, nhưng trong niềm hân hoan Phục sinh. Để tưởng niệm cái chết và mừng ngày sống lại của Đức Kitô, các Tín hữu tụ họp quanh bàn thờ cùng với Linh mục dâng lên Thiên Chúa " bánh trường sinh và chén cứu độ " (Kinh tạ ơn 2), " tế phẩm trường sinh và thánh thiện " (kinh tạ ơn 3), để tạ ơn Người; họ xin Người cho " được tràn đầy Thánh Thần, hầu được kết hiệp với Đức Kitô, mà trở nên một thân thể và một tinh thần duy nhất " (Kinh tạ ơn 3). Rồi, sau khi đọc kinh Lạy Cha và tha thứ cho nhau những lỗi lầm, họ chia nhau bánh trường sinh và chén cứu độ, mà liên tưởng tới bữa tiệc Chúa mời gọi họ tham dự mai sau trong Nước của Người.

Thánh lễ là kết quả quý báo nhất của cộng đoàn Kitô hữu, nhưng cũng có thể nói được rằng chính Thánh Lễ xây dựng cộng đoàn, bằng cách làm cho mỗi phần tử và toàn thể Kitô hữu thêm đức tin, đức cậy và đức mến.

Ngày mọi người hân hoan chia sẻ

Thánh Lễ Tạ Ơn còn tiếp tục kéo dài trong bầu khí chia sẻ ở bên ngoài buổi họp cộng đoàn, khi các Tín hữu đem Mình Thánh Chúa cho những người vắng mặt, như kỷ luật mới của Hội Thánh lại cho phép. Nhưng ngày Chúa Nhật, phải chia sẻ về mọi phương diện. Chia sẻ vật chất trong buổi họp cộng đoàn, lời thăm hỏi nhau khi ra khỏi nhà thờ, mới chỉ là hai trong biết bao cách biểu lộ khác. Chia sẻ là một hành động cần thiết bên ngoài buổi họp cộng đoàn dưới mọi hình thức, tùy theo hoàn cảnh đưa đẩy, như chia sẻ của cải, chia sẻ những nỗi vui buồn lo lắng, chia sẻ nỗi cô đơn với những người ốm đau, già cả hay xa lạ.

Được nghỉ ngày Chúa Nhật cũng là một hình thức chia sẻ: Hội Thánh muốn cho người ta được thông chia niềm vui cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô, và cho họ, khi nghỉ ngơi, được nếm trước hạnh phúc trên trời. Những điều kiện sinh sống trong xã hội thời nay khiến cho nhiều Kitô hữu không có thể nghỉ ngày Chúa Nhật. Vì thế, ở nhiều nước, Hội Thánh đã phục hồi truyền thống làm lễ Chúa Nhật vào chiều thứ bảy. Ít ra, ai nấy phải biến ngày Chúa Nhật thành một ngày lưu ý nhiều đến tha nhân vì lòng yêu mến Chúa, ngày phục vụ quảng đại, ngày vui vẻ niềm nở hơn. Như thế, mỗi người tùy theo khả năng, sẽ thấy mình thông cảm với các anh em trong đức tin và trung thành với luật buộc những người Kitô hữu.

TUẦN LỄ KITÔ GIÁO

Chúa Nhật, Ngày của Chúa, là ngày thứ nhất trong tuần, ngày chiếu giãi ánh sáng và ảnh hưởng trên suốt cả tuần. Không có ngày khác trong tuần, từ thứ hai cho đến thứ bảy, lại có một đặc tính riêng, trừ ngày thứ sáu là ngày nhắc nhở cho các Kitô hữu nhớ đến cuộc thọ hình của Đức Kitô mà thông hiệp sâu xa hơn với mầu nhiệm Thập Giá của Người. Nhiều ngôn ngữ Tây phương ngày nay còn giữ tên các tinh tú mà người Rôma xưa đã dùng để đặt cho các ngày trong tuần (ví dụ: Lundi = ngày của Mặt trăng, Mardi = ngày của Hỏa tinh ...), còn phụng vụ lại coi những ngày đó là những ngày lễ (Feriae). Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô đã làm cho thế giới bước vào Ngày Lễ vĩnh cửu của Chúa, và không có ngày nào, dù nặng nề đến đâu mà không phản ánh được một vài nét của ngày lễ đó cho người Kitô hữu.

Các ngày trong tuần phần lớn đều dành cho các mối giao tế trong phạm vi sinh hoạt gia đình hay hoạt động chức nghiệp, nhưng các ngày đó cũng còn được thánh hóa nhờ lời cầu nguyện của cộng đoàn Kitô hữu và nhờ buổi cử hành Thánh Thể làm cho mạnh sức, chúng ta học cho biết trong đời sống hằng ngày " sử dụng những của đời mau qua, mà gắn bó ngay từ bây giờ với những của cải muôn đời tồn tại " (Lời nguyện Chúa Nhật 17 thường niên).

Cầu nguyện cộng đồng và cử hành phép Thánh Thể

Mỗi ngày, các Kitô hữu được kêu mời họp nhau sáng và chiều để tạ ơn Chúa, nghe Lời Chúa và cầu xin Người, nhân danh các anh em mình là nhân loại. Nếu không tụ họp ở nhà thờ được như ngày Chúa Nhật, thì nên họp nhau tùy theo cách thế mà đời sống hằng ngày của mỗi người cho phép, như: các cộng đoàn chung sống với nhau, những người có các mối dây liên hệ gần gũi, các người làm việc chung với nhau, những buổi hội họp trong gia đình, những khi vợ chồng cầu nguyện với nhau. Khi không có thể cầu nguyện với nhau được, thì mỗi người nên cố hết sức kết hợp lời cầu nguyện riêng của mình với lời cầu nguyện của Hội Thánh họp thành cộng đoàn.

Ngay từ những thế kỷ đầu, các Kitô hữu đã có thói quen cử hành Thánh Thể nhiều lần trong tuần lễ, đặc biệt là thứ tư và thứ sáu và những ngày kính nhớ các Thánh. Trong mùa Chay thì thường cử hành hơn. Ở một vài miền, ngày nào cũng làm lễ, như thánh Amrôxiô viết: " Bạn nghe nói là mỗi lần dâng lễ là một lần diễn lại cái chết và sống lại của Chúa cũng như ban ơn tha tội; thế là mỗi ngày bạn lại không lãnh bánh ban sự sống này ư ? " . Mỗi ngày, chúng ta xin Chúa ban cho đủ lương thực cần dùng ngày đó. Mà lương thực chúng ta xin, trước hết là Mình Thánh Chúa Kitô, như thánh Amrôxiô viết tiếp: " Nếu Chúa Kitô là của bạn ngày hôm nay thì hôm nay Người cũng sống lại cho bạn " . Đó là lý do khiến Hội Thánh khuyên nhủ con cái tham dự thánh lễ mỗi ngày, nếu có thể được. Chính vì muốn cho họ dễ tham dự thánh lễ, mà Hội Thánh đã lập lại thói quen làm lễ ban chiều và bãi bỏ luật phải giữ chay lòng quá lâu trước khi rước lễ.

Phụng Vụ trong tuần

Trong các tuần lễ thì những tuần mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, mùa Chay và mùa Phục Sinh, mỗi ngày đọc Công Vụ Tông Đồ và Tin Mừng theo thánh Gioan. Trong mùa Chay, các lễ trong tuần thường khai triển các chủ đề lớn về lời kêu gọi ăn năn sám hối và chuẩn bị lãnh phép Thánh Tẩy, còn phụng vụ ngày Chúa Nhật có những đoạn văn căn bản nói về hai chủ đề này. Nếu có thời kỳ nào trong năm, giáo dân nên cố gắng năng tham dự thánh lễ hơn cả, thì đó chính là thời kỳ từ thứ tư Lễ Tro đến lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Ngoài những thời kỳ chủ yếu nhất trong năm, trong 33 hay 34 tuần lễ mùa Thường Niên, Hội Thánh tiếp tục cống hiến cho chúng ta mỗi ngày, trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, rất nhiều bài đọc Kinh Thánh chọn lọc, nhờ vậy mà chúng ta làm quen được với Kinh Thánh một cách đặc biệt. Bài Tin Mừng thì mỗi năm đọc gần như toàn bộ Tin Mừng theo thánh Matthêu, Marcô và Luca, còn bài đọc thứ nhất rút từ Cựu Ước và Tân Ước theo chu kỳ hai năm. Nếu không thể dự lễ hàng ngày được, thì mỗi người nên tìm trong các bản văn Kinh Thánh dùng trong phụng vụ mỗi ngày, một thức ăn chọn lọc để nuôi dưỡng cuộc đối thoại giữa mình với Chúa. Việc đọc Sách Thánh, thường được bậc tiền bối nồng nhiệt giới thiệu, sẽ càng thêm sâu sắc vững vàng, nếu ta đọc theo lời chỉ dạy của Hội Thánh trong phụng vụ.

Cuối cùng, ít có tuần lễ nào ngoài mùa Chay, mà không có một hay nhiều lễ về Chúa hay các Thánh. Ở đây cũng thế, các lời nguyện trong Sách Lễ, cũng như các bài đọc Sách Thánh trong các lễ này, sẽ giúp chúng ta khám phá ra " những sự lạ lùng của Chúa Kitô nơi các tôi tớ Người " và " những tấm gương mà các vị này nêu cho chúng ta bắt chước "

Như vậy, chúng ta sống những ngày trong tuần trong thái độ lắng nghe Lời Chúa và phục vụ tha nhân, dưới ánh sáng của Lời mạc khải và nhờ việc tham dự bàn tiệc của Chúa bổ sức cho mỗi ngày mà vui vẻ theo đuổi con đường của chúng ta. Đó là tuần lễ thánh Phaolô xưa đã sống, làm việc và cầu nguyện đêm ngày, hiến thân cho người khác với lòng yêu mến không bờ bến, đang khi ngài rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô cho họ.
(PV, số 111).

HUẤN LUYỆN PHỤNG VỤ CHO TÍN HỮU  

" Những mục tử chăn dắt các linh hồn phải chú trọng và kiên tâm theo đuổi việc huấn luyện phụng vụ cho các Tín hữu, và cho họ tích cực tham dự bên trong lẫn bên ngoài, tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh, cách sống và trình độ văn hóa tôn giáo của họ. Nhờ vậy các mục tử sẽ chu toàn được một trong những trọng trách chính yếu của người trung thành phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa " (PV, số 19 ).

NĂM PHỤNG VỤ (Tổng Quát)

 Trong phụng vụ, Hội Thánh chỉ cử hành một mầu nhiệm, đó là mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô chịu chết và sống lại. Đức Kitô thông truyền cho chúng ta đời sống thần linh của Người qua các Bí tích đức tin, đặc biệt là phép Rửa và phép Thánh Thể. Mỗi lần cử hành bữa tiệc của Chúa là chúng ta tham dự mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Nhưng khi xuống thế làm người, Đức Kitô đã sống theo thân phận con người và vì thế cũng tuân theo những định luật truyền thông giữa loài người với nhau. Mà con người thì sống trong thời gian mà chỉ có thể khám phá ra chiều cao và chiều sâu của mầu nhiệm Đức Kitô, khi diễn mầu nhiệm đó ra trong thời gian. Các nhịp định kỳ của những tuần lễ và năm tháng có ảnh hưởng đến tâm lý của chúng ta. Vì thế, chẳng ai lạ lùng gì khi thấy phụng vụ Kitô giáo cũng diễn ra theo nhịp ngày giờ năm tháng.

Mỗi Chúa Nhật, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết và sống lại. Nhưng mỗi năm có một Chúa Nhật dân Kitô giáo cử hành lễ Vượt Qua một cách vui vẻ lạ lùng và trong tư thế sẵn sàng khác thường, đó là Chúa Nhật Phục Sinh. Phục Sinh, theo kiểu nói đầy phấn khởi của Giáo Hội phương Đông, là " đại lễ vượt trên mọi đại lễ " . Ai cũng biết rằng ngày lễ ngày hội là một trong những nét biểu dương tự nhiên nhất của đời trong sống xã hội, và trong mọi nền văn minh; trên hết, nó đã mặc một hình thức tôn giáo. Dân Cựu Ước đã có những lễ riêng để tôn vinh Chúa. Dân Tân Ước cử hành vào dịp Phục Sinh ngày lễ mang lại cho họ danh tính Kitô hữu và niềm vui của buổi lễ đó còn vang dội trong suốt các Chúa Nhật và lễ Quanh Năm

Mừng long trọng lễ Vượt Qua

Đức Kitô đã muốn tự hiến làm lễ hy sinh vào chính dịp người Do thái mừng lễ Vượt Qua, do đó lễ Vượt Qua của Kitô giáo bắt nguồn từ Cựu Ước. Hơn cả lễ Vượt Qua thời xuất hành, lễ Vượt Qua Kitô giáo là một cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ và khai sinh ra một dân tộc, dân mới của Thiên Chúa. Thánh Phaolô làm chứng là ngay từ năm 57, các Kitô hữu đã giải thích lễ Vượt Qua của người Do thái theo ý nghĩa Kitô giáo:

" Đức Kitô đã chịu hiến tế
làm Chiên lễ Vượt Qua của chúng ta.
Vì thế ta hãy lấy bánh không men,
tượng trưng lòng chân thật tinh tuyền,  
mà ăn mừng đại lễ "
(1 Cr 5,7-8).

Chính vì lễ Vượt Qua của người Kitô hữu có liên hệ với lễ Vượt Qua của người Do thái, mà ngày lễ Phục Sinh được ấn định, không theo dương lịch như các lễ khác, mà theo cả dương lịch lẫn âm lịch, khiến cho lễ này có thể thay đổi, tùy năm, từ ngày 22.03 đến 25.04. Hơn nữa, các Kitô hữu Đông phương và Tây phương lại tính ngày khác nhau, thành ra ít khi họ cử hành lễ Phục Sinh vào cùng một ngày. Nhưng các Giáo Hội đang thương lượng với nhau để ấn định lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật thứ hai hay thứ ba trong tháng tư. Nếu thành công, thì toàn thể Kitô hữu trên khắp hoàn cầu sẽ có thể cùng nhau mừng ngày Chúa sống lại.

Tam Nhật Vượt Qua.

Trên hết, lễ Vượt Qua được mừng long trọng trong Đêm Thánh, đêm " Hội Thánh âu yếm canh thức" để nghe Lời Chúa và cử hành các Bí tích nhập đạo: phép Thánh Tẩy, phép Thêm Sức và phép Thánh Thể. Bấy giờ, mỗi Tín hữu của Đức Kitô được cùng với Người tái diễn cuộc Vượt Qua về với Chúa Cha. Đêm canh thức Vượt Qua là cao điểm trong năm Kitô giáo.

Nhưng " con tim có những lý lẽ của nó " . Vì thế, dù khi cử hành các Bí tích trong Đêm Thánh, Giáo Hội đã được tất cả phần cốt yếu của ơn Phục Sinh rồi, nhưng vẫn còn thấy cần phải theo Chúa Giêsu từng bước trong con đường khổ nạn cứu chuộc của Người: từ bữa tiệc, trong đó, Người lập phép Thánh Thể; cho đến những lần Người hiện ra để cho các môn đệ biết Người đã sống lại. Tam nhật Vượt Qua kính nhớ Đức Kitô chịu chết, mai táng và sống lại phát sinh từ nhu cầu này, bắt đầu từ chiều thứ năm Tuần Thánh đến chiều Chúa Nhật Phục Sinh: chiều thứ năm Tuần Thánh cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly, chiều thứ sáu cử hành cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, thứ bảy không có lễ nghi phụng vụ nào cả dành để kính mầu nhiệm Đức Kitô trong mồ, còn trong thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì việc kỳ diệu Người đã làm, khi cho Con của Người từ trong kẻ chết sống lại, và do đó, mở cửa đưa chúng ta tới sự sống.

Mùa Phục Sinh

Một ngày không đủ để diễn tả niềm hân hoan mừng Chúa sống lại. Vì thế, Hội Thánh mừng trọng thể lễ Phục Sinh trong vòng năm mươi ngày, từ lễ Phục Sinh đến lễ Hiện Xuống. Hằng ngày, trong suốt bảy tuần lễ, Hội Thánh đọc sách Tông Đồ Công Vụ và Tin Mừng thánh Gioan, và nhờ đó khám phá ra tất cả những gì mà cái chết và sự sống lại của Chúa mang lại cho trần gian, và Hội Thánh hát Allêluia là lời ca tụng của những người đã được cứu chuộc dâng lên Thiên Chúa. Đến ngày thứ bốn mươi trong mùa Phục Sinh, hay Chúa Nhật sau đó, trong một vài nơi, chúng ta cử hành lễ Thăng Thiên. Kể từ ngày đó, với niềm hân hoan của mùa Phục Sinh, Hội Thánh kêu cầu Chúa Thánh Thần ngự đến, mỗi khi cử hành phụng vụ.

Mùa Chay

Hội Thánh chuẩn bị mừng đại lễ Phục Sinh từ thứ tư Lễ Tro đến thứ năm Tuần Thánh, qua bốn mươi ngày chay tịnh sám hối. Trong khoảng thời gian này, tất cả cộng đoàn đều theo dõi công việc chuẩn bị của những người dự tòng và chính cộng đoàn cũng chuẩn bị, để ôn lại lời tuyên xưng đức tin khi chịu phép Rửa Tội, trong đêm vọng lễ Phục Sinh. Hàng ngày tham dự thánh lễ và thỉnh thoảng trong mùa Chay tham dự những buổi cử hành lễ nghi sám hối, đó là những hành động nhằm kêu gọi người Kitô hữu xét lại những định hướng căn bản của đời mình, để đón nhận ơn đổi mới trong mùa Phục Sinh.

Chúa Nhật cuối cùng trong mùa Chay là Chúa Nhật Lễ Lá, mở đầu Tuần Thánh. Lễ nghi rước lá hôm nay làm cho chúng ta sống lại cuộc khải hoàn của Chúa Giêsu vào Giêrusalem; bài tường thuật cuộc Thương Khó diễn lại trước mắt chúng ta cảnh Đức Kitô bị treo trên thập giá: tất cả đều tạo nên một khung cảnh oai hùng để mở đầu tuần lễ long trọng kỷ niệm ơn cứu chuộc.

Mùa Vọng và Giáng Sinh

Trong ba tháng kể từ Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay đến Chúa Nhật lễ Hiện Xuống, cộng đoàn Kitô hữu sống thời kỳ mãnh liệt nhất trong năm. Dù lễ mừng Chúa Giáng Sinh có được cử hành long trọng đến đâu đi nữa, cũng không thể đặt ngang hàng với lễ Phục Sinh được. Không có hai cực trọng, năm phụng vụ chỉ có một cao điểm, đó là lễ Vượt Qua hay Phục Sinh.

Mùa Giáng Sinh

Theo lòng sốt sắng, người thời nay đã lấy hết tình âu yếm và vẻ thơ mộng mà tô điểm cho ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Đó là nét đặc biệt khi người ta tưởng nhớ đến Chúa Hài Đồng. Nhưng khởi thủy, lễ Giáng Sinh là một lễ dường như khô khan, vì chỉ là một dịp long trọng tuyên xưng thiên tính của Đức Kitô để chống lại những người chối bỏ chân lý (thế kỷ 4): nơi Người Con của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta tôn thờ Con Thiên Chúa. Lễ Hiển Linh, lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, mỗi lễ theo một kiểu đều quả quyết cùng một tín điều đó. Còn trong lễ Thánh Gia Thất, chúng ta khám phá ra những chiều kích rất tự nhiên theo bản tính nhân loại trong mầu nhiệm Nhập Thể.

Mùa Vọng

Ban đầu, bốn tuần lễ mùa Vọng nhằm sửa soạn mừng long trọng lễ Giáng Sinh. Nhưng nếu Đức Giêsu đã đến với nhân loại, đã trở nên một người như họ; nếu người đã tỏ vinh quang của mình ra cho họ trong các lần " hiển linh " đánh dấu thời kỳ thơ ấu và những giai đoạn đầu khi Người mới đi rao giảng, thì một ngày kia Người cũng sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Vì thế, phụng vụ mùa Vọng lần lượt nhắc hai lần giáng lâm của Chúa, đồng thời nhắn mạnh rằng Đức Kitô không ngừng đến thế gian và tỏ mình ra cho nhân loại, qua đời sống và lời chứng của những ai tin vào Người.

Mùa Thường Niên

Ngoài những mùa phụng vụ nói trên, trong năm còn ba mươi ba hay ba mươi bốn tuần lễ không có một sắc thái nào đặc biệt cả. Người ta gọi những tuần lễ này là mùa Thường Niên. Mùa này chia thành hai giai đoạn: từ ngày 07.01 đến mùa Chay, và từ lễ Hiện Xuống đến mùa Vọng.

Các Chúa Nhật mùa Thường Niên ăn khớp với ý niệm về ngày Chúa Nhật đã đề cập trên đây (xem phần " Ngày của Chúa " ), nghĩa là hàng tuần cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Khác với các Chúa Nhật mùa Phục Sinh, mùa Chay và mùa Vọng, các Chúa Nhật mùa Thường Niên dành ưu tiên cho các lễ trọng và lễ kính Chúa cũng như các lễ trọng mừng các Thánh.

Các lễ kính Chúa và các Thánh

Khi mừng lễ trọng hay lễ kính Chúa vào ngày Chúa Nhật, bao giờ Hội Thánh cũng muốn làm cho nổi bật một góc cạnh của mầu nhiệm Vượt Qua. Vì thế, hàng năm Hội Thánh mừng vào ngày Chúa Nhật các lễ: Thiên Chúa Ba Ngôi, Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ. Chỉ có một lễ trọng mừng Chúa rơi vào ngày trong tuần trong mùa Thường Niên, là lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, cử hành vào ngày thứ sáu sau lễ Mình và Máu Thánh Chúa để kính nhớ cuộc Thương Khó.

Các lễ trọng và lễ kính Chúa ấn định vào một ngày rõ rệt trong tháng sẽ được cử hành vào ngày Chúa Nhật, nếu năm nào ngày lễ đó nhằm ngày Chúa Nhật. Đó là lễ mừng ngày Cung hiến thánh đường (vào ngày kỷ niệm), và các lễ: Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh (02.02). Hiển Dung (06.08), Suy Tôn Thánh Giá (14.09), Cung hiến Thánh đường Latêranô (09.11).

Trong những ngày lễ mừng các vị Thánh chỉ có lễ trọng mới được cử hành vào ngày Chúa Nhật. Đó là lễ Đức Mẹ lên trời (15.08), lễ Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả (24.06), lễ hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ (29.06) và lễ Các Thánh (01.11). Ngày cầu cho các tín hữu đã qua đời (02.11) cũng được gắn liền với Lễ Các Thánh. Trong mỗi nhà thờ, được cử hành trọng thể lễ mừng vị Thánh bổn mạng nhà thờ đó và vị Thánh bổn mạng địa phương. Công đồng Vaticanô II nói: " Trong lễ mừng các Thánh, Giáo Hội công bố mầu nhiệm Vượt Qua nơi các Ngài là những người đã chịu khổ với Đức Kitô và được vinh hiển với Người. Giáo Hội cũng trình bày cho các tín hữu những gương mẫu của các Ngài, và nhờ công nghiệp các Ngài, Giáo Hội lãnh nhận được những hồng ân Thiên Chúa " (PV, số 104). Còn về Đức Maria Thân Mẫu Chúa, " Giáo Hội thán phục và cao tôn Đức Mẹ là thành quả cao quý nhất của công trình cứu chuộc. Nơi Đức Mẹ, như trong một hình ảnh rất tinh tuyền, Giáo Hội chiêm ngắm điều mà Giáo Hội ước mong và hy vọng cũng được trở nên trọn vẹn như thế " (PV, số 103).

Nếu giáo dân có lòng sùng kính đặc biệt một trong những lễ trọng hay lễ kính vừa mới nhắc ở trên thì có thể cử hành lễ đó vào Chúa Nhật trước hay sau ngày được ấn định trong tuần.

MÙA VỌNG

Trong Giáo Hội Tây phương, mùa Vọng đã được thêm vào hai đại lễ Chúa Giáng Sinh và Hiển Linh vào thế kỷ VI. Thời đó, chữ " Adventus " hoặc " Epiphania " dùng để chỉ việc nhà vua lên trị vì hay ngự giá vào một thành phố. Bắt đầu mùa Vọng, chúng ta bước vào thời kỳ phụng vụ gồm sáu tuần lễ mừng Chúa Giêsu Kitô giáng lâm. Nhưng, vào mùa Giáng Sinh, chúng ta chiêm ngắm Ngôi Lời nhập thể (lễ Giáng Sinh) và mầu nhiệm con người Đức Giêsu xuất hiện trước mắt người đời như Thiên Chúa (lễ Hiển Linh), còn bốn tuần lễ mùa Vọng có mục đích làm cho chúng ta đưa mắt nhìn về tương lai, chờ đợi ngày Đức Giêsu trở lại vinh quang mà hiệp thông với niềm hy vọng thời thiên sai chứa chan trong lòng mọi người, khi nghe vang lên tiếng của ông Gioan Tẩy Giả. Như vậy, chúng ta chuẩn bị kỷ niệm với một lòng tin mạnh mẽ hơn, ngày Đức Kitô đến với loài người khi giáng sinh tại Bêlem.

Các bài đọc, lời nguyện và bài ca nhấn mạnh đến hai đặc điểm của mùa Vọng khiến cho phần cuối và phần đầu của năm phụng vụ ăn khớp với nhau. Phần thứ nhất của mùa Vọng (từ Chúa Nhật I đến ngày 16.12), đặc biệt trong những ngày đầu, cử hành cuộc giáng lâm thứ hai của Đức Kitô. Do đó, phần này liên tục với phần cuối mùa Thường Niên, mà cao điểm là lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ. Tám ngày cuối cùng của mùa Vọng thì trực tiếp hướng về việc chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, và trong lễ chiều 24.12, phụng vụ chuyển cách rất nhẹ nhàng từ mùa Vọng sang mùa Giáng sinh.

Tất cả phụng vụ mùa Vọng được tổng hợp trong hai bài tiền tụng của mùa này. Bài thứ nhất tạ ơn " vì khi giáng lâm lần thứ nhất, Đức Kitô đã hạ mình sống kiếp phàm nhân " và loan báo Người sẽ " giáng lâm lần thứ hai trong vinh quang rực rỡ huy hoàng " . Bài thứ hai, đọc từ ngày 17 đến ngày 24.12, nhắc nhở đến các ngôn sứ, Đức Trinh Nữ Maria và thánh Gioan Tẩy Giả, để chuẩn bị chúng ta mừng mầu nhiệm Giáng Sinh.

MÙA GIÁNG SINH

Chính qua bài tường thuật Giáng Sinh theo thánh Luca mà chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm lễ Giáng Sinh. Từ bao thế kỷ nay, loài người âu yếm nhìn vào Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ, nhìn vào Đức Trinh Nữ lấy khăn bọc cho Người, nhìn vào cảnh nghèo nàn mà Thiên Chúa đã dành lấy cho mình khi sinh ra làm người dương thế. Trong đêm Giáng Sinh, các thiên thần loan báo: " Vinh danh Thiên Chúa " , nhưng chính lời hứa bình an mới là lời có âm hưởng đầu tiên trong lòng mọi người.

Chúng ta không nên khước từ những con đường có tính cách nhân loại này để tiến tới mầu nhiệm, miễn là những con đường đó đưa chúng ta đi xa hơn cái phần nhân loại. Con Đức Maria là Con Thiên Chúa làm người, là Ngôi Lời nhập thể, như thánh Gioan nói trong bài Tiền ngôn. Hài Nhi mà Đức Trinh Nữ giới thiệu với các mục đồng và các hiền sĩ là " Thiên Chúa phát sinh từ Thiên Chúa, Thiên Chúa thật từ Thiên Chúa thật " (kinh Tin Kính). Các Kitô hữu mừng ngày Đức Giêsu Giáng Sinh và tỏ mình ra, vào lúc ở bắc bán cầu, ngày bắt đầu dài hơn và đêm ngắn lại, bởi vì Người đã được loan báo là " Vầng Hồng tự cõi trời cao đến viếng thăm ta, tỏa xuống trên ta hào quang sáng chói, soi những ai ngồi trong bóng tối " (bài ca Benedictus của ông Dacaria) và Người tự giới thiệu là ánh sáng trần gian.

Những ngày từ lễ Giáng Sinh đến lễ Hiển Linh và lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa giúp chúng ta khám phá ra nơi Đức Giêsu Kitô thiên tính của Người Anh chúng ta, và nhân tính của vị Thiên Chúa chúng ta. Các bản văn phụng vụ của mùa này chan chứa niềm vui, nhưng cũng tràn vẻ trang trọng. Những bản văn đó, nổi bật cả là hai bài Tin Mừng căn bản của thánh Luca và Gioan (lễ đêm và ngày Giáng Sinh), nhắc nhở ta phải cảm tạ vì " cuộc trao đổi kỳ diệu " (lễ đêm, lời nguyện tiến lễ), nhờ đó chúng ta được " chia sẻ chức vị làm con Chúa với Đức Kitô, là Đấng đã chia sẻ kiếp người " với chúng ta (lễ ngày, lời nguyện nhập lễ).

Mỗi lần mừng lễ Giáng sinh là chúng ta được thông hiệp với tình yêu vô biên của Thiên Chúa biểu lộ nơi Chúa Giêsu, nhưng đồng thời cũng là dịp cho chúng ta liên đới sâu xa hơn nữa với mọi người. Một trong những ơn cảm động nhất của lễ Giáng Sinh là làm cho những người không tin vào Thiên Chúa nhập thể hay không còn tin nữa, biết nhạy cảm với sứ điệp yêu thương của Người.

MÙA CHAY

Trong tiếng La tinh, mùa Chay là " Quadragesima " , nghĩa là bốn mươi. Trong mùa Chay, chúng ta sẽ cùng sống với Đức Kitô bốn mươi ngày trong sa mạc, để trải qua cuộc hành trình bốn mươi năm của người Do thái tiến về đất hứa. Trong suốt thời gian dài đằng đẵng này, đoàn dân do ông Môsê lãnh đạo thường phải đói khát, đôi khi lại nản chí, nhưng đặc biệt là họ đã được kinh nghiệm độc nhất vô nhị về lòng Chúa yêu thương họ.

Đó cũng là chính kinh nghiệm thân mật với Chúa, mà tất cả cộng đoàn Tín hữu, người đã chịu phép Rửa cũng như người dự tòng, muốn sống một lần nữa, trong lúc lên đường chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua, để tìm được trong đó " niềm vui của một tâm hồn được thanh luyện " , khi thông hiệp với Đức Kitô chịu chết và sống lại.

Trong mùa Chay, dân Chúa bắt đầu một cuộc cố gắng, tuy đòi hỏi nhưng giải thoát, đưa họ tới chỗ lắng nghe tiếng gọi của Chúa cũng như tiếng gọi của cộng đồng nhân loại. Khi họ tự ý cắt giảm những của ăn trần thế, dưới những hình thức khác nhau, họ sẽ học biết cách thưởng thức hơn bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể, đồng thời cũng am hiểu hơn những đòi hỏi của nghĩa vụ chia sẻ. Ngày xưa, khi bước vào mùa Chay, Hội Thánh nhấn mạnh đến những cách thế hy sinh hãm mình; ngày nay, Hội Thánh nhắc lại cho chúng ta trước hết mục đích và ý nghĩa của công việc đó. Việc hy sinh hãm mình trong mùa Chay quy hướng về Thiên Chúa, tôn vinh Người, và quy hướng về anh em chúng ta, nâng đỡ họ. Khi ăn chay hãm mình như thế là chúng ta chứng tỏ một cách hùng hồn, lòng tuân phục khiêm tốn của người môn đệ Đức Kitô, đối với hai giới răn yêu mến. Bài tiền tụng 3 của mùa này đã tìm ra được lời lẽ thích hợp để nói lên điều đó như sau :

" Cha dạy chúng con là những kẻ tội lỗi phải ăn chay hãm mình, làm của lễ hy sinh đền tạ. Như vậy, chúng con vừa bớt được tính kiêu căng, vừa biết noi gương Cha từ bi nhân hậu, mà chia cơm sẻ áo cho kẻ đói nghèo "

Đối với tất cả những ai không đóng cửa lòng lại, nhưng lắng nghe tiếng Chúa thì ngay từ bây giờ Hội Thánh hứa hẹn là khi đi hết đoạn đường trong ánh sáng Đêm Thánh, " họ sẽ được tràn đầy ân sủng mà Chúa dành sẵn cho con cái thảo hiền " (bài tiền tụng 1).


3972    21-03-2011 10:02:53