Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Hiểu Và Sống Phụng Vụ_Phần 03_Cái Chết Của Kitô Hữu


PHẦN III: CÁC BÍ TÍCH VÀ ĐỜI SỐNG

Cái Chết Của Người  Kitô Hữu

Từ khi chịu phép Rửa, người Kitô hữu đã bắt đầu nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô; khi chết, họ nên hoàn toàn đồng hình đồng dạng với Người. Đối với người Kitô hữu cũng như đối với chính Đức Kitô, chết là giờ đi từ thế giới này mà về cùng Chúa Cha, như thánh Phaolô viết đang khi người chờ lãnh án tử hình: "nếu ta cùng chết với Người ta sẽ sống với Người , nếu ta cùng đau khổ với Người, ta sẽ hiển trị với Người" (2 Tm 2,11-12).

Đối với người đã chịu phép Rửa, chết là hoàn thành cuộc Vượt Qua của mình. Họ phải từ biệt dân Chúa ở trần gian này, nhưng là để dự hội vui trong thành đô Thiên Chúa với "muôn vàn thiên sứ""cộng đoàn những người con đầu lòng" (Dt 12,22-23), những người đã đi trước họ trong đức tin. Nhưng đối với người ấy, đó cũng là giờ mà "thể xác, chốn cư ngụ của chúng ta trên trần gian này, bị phá hủy" (2 Cr 5,1), giờ đoạn tuyệt với mọi dây liên hệ với loài người, giờ ai nấy phải "ra trước tòa án của Chúa Kitô" (2 Cr 5,10). Đó là một giờ lo âu nên chẳng những gia đình phải tỏ lòng yêu thương săn sóc, mà cộng đoàn Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh cũng phải tỏ tình liên đới cầu nguyện cho người hấp hối nữa.

Thời nay, có nhiều người chết ở nhà thương, xa những người thân yêu, và thường không dễ dàng có được Linh mục hay ít người trong cộng đoàn họ đạo đứng bên, trong những giây phút cuối cùng của họ, nên cộng đoàn Kitô hữu càng phải lo lắng hơn đến những người hấp hối trong lời nguyện giáo dân lễ Chúa Nhật.

RƯỚC LỄ NHƯ CỦA ĂN ĐÀNG

Bí tích sửa soạn cho người Kitô hữu từ giã cõi đời là Bí tích Thánh Thể. Thánh Thể được ban cho họ như của ăn đàng để về trời. Lý tưởng đối với mọi người đã chịu phép Rửa là đi luôn từ "bàn ăn lữ khách tới bàn tiệc Chúa đã dọn cho chúng ta trong nhà của Người" (lễ Các Thánh, lời nguyện hiệp lễ). Quả vậy, Chúa Giêsu đã nói: "Ai ăn Thịt và uống Máu Ta, thì được sống muôn đời; và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết" (Ga 6,55).

Thường, trước khi rước lễ như của ăn đàng, người hấp hối có xưng tội. Nếu trong thời gian lâm bệnh, người ấy chưa chịu phép Xức Dầu thì bây giờ có thể chịu phép này, sau khi xưng tội và trước khi rước lễ như của ăn đàng, vì quả thật Bí tích Thánh Thể là Bí tích cuối cùng.

Có thể cho rước lễ như của ăn đàng trong thánh lễ cử hành bên cạnh người hấp hối, hay ngoài thánh lễ cũng được. Nếu bệnh nhân không thể chịu một mẫu Bánh Thánh được thì chỉ cho rước Máu Thánh không cũng đủ.

HẤP HỐI

Phải liệu hết cách để trong giờ hấp hối, bệnh nhân được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện của Hội Thánh. Có thể đọc một vài bản văn trong thánh lễ cầu cho người hấp hối hoặc chọn một số câu trong các Thánh Vịnh: 22; 24; 26; 41-42; 102; 114-115. Cũng nên đọc một số đoạn trích bài Thương Khó của Chúa Giêsu, đọc các kinh Lạy Cha, Kính Mừng.

Khi thấy bệnh nhân sắp chết thì đọc kinh Phó Linh Hồn như sau:

"Nhân danh Chúa là Cha toàn năng; nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã chịu nạn chịu chết cho (ông, bà, cô, cậu...); nhân danh Chúa Thánh Thần đã nhận được; nhân danh Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Mẫu hiển vinh của Thiên Chúa; nhân danh Các Thánh nam nữ của Chúa, (ông, bà, cô, cậu...) hãy rời khỏi thế gian này. Ngày hôm nay, (ông, bà, cô, cậu...) hãy vào an nghỉ và định cư trong thành thánh Sion".

Rồi sau khi người hấp hối tắt thở thì đọc kinh này:

"Lạy Các Thánh trên trời, xin tới giúp (ông, bà...); lạy các thiên thần của Chúa, xin đến gặp (ông, bà...): xin đến đón linh hồn này và đưa về trước nhan Đấng Tối Cao. Chúa Giêsu Kitô đã gọi (ông, bà...) thì xin Người đón nhận (ông, bà...) đến bên Người và xin các thiên thần đưa (ông, bà…) vế chốn cư ngụ trên trời".

CẦU NGUYỆN BÊN NGƯỜI CHẾT

Sau khi mặc áo cho người chết, nên đặt cạnh thi hài, trên bàn nhỏ: tượng chuộc tội, nến đốt cháy, nước thánh để kỷ niệm phép Thánh Tẩy. Nên cầu nguyện bên cạnh người chết cho đến khi làm lễ an táng. Nếu có thể được, cũng nên cử hành Phụng Vụ Lời Chúa cho tang quyến.

Trong buổi cử hành này, đọc vài đoạn Kinh Thánh chọn trong các bài dùng trong lễ nghi an táng. Sau mỗi bài, có thể đọc một Thánh Vịnh (ví dụ: Tv 22; 24; 26; 41-42; 102; 114-115; 121; 125; 129; 142). Cuối cùng đọc kinh Lạy Cha hay một trong các lời nguyện cho người qua đời. Sau mỗi bài đọc, nên yên lặng cầu nguyện một lát.

Cũng có thể lần chuỗi, và sau mỗi chục, có thể đọc một đoạn Tin Mừng thuật lại những nỗi đau đớn của Đức Mẹ, như: gươm sắt thâu qua (Lc 2,22-35), trốn sang Ai cập (Mt 2,13-23), Đức Giêsu bị lạc ở Giêrusalem (Lc 2,41-50), Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá (Ga 19,25-37), nhờ thánh giá, Đức Mẹ được hưởng niềm vui khi Chúa Giêsu lên trời (Cv1,9-14).

Nhập Quan

Trong lúc đau buồn hơn cả này, có thể đọc mấy câu trong Thánh Vịnh 26: "Chúa là nguồn ánh sáng, là Đấng cứu độ tôi", kinh Lạy Cha và một vài lời nguyện cho người đã qua đời. Nếu muốn đọc Tin Mừng, có thể lấy Tin Mừng tường thuật cuộc táng xác của Chúa Giêsu theo thánh Gioan (Ga 19,38-42).

AN TÁNG  

Lễ nghi an táng khá uyển chuyển, có thể thích nghi với phong tục địa phương và với ý muốn của đạo hiếu. Nhưng dù sao, vẫn phải lưu ý đến ý nghĩa của lễ nghi an táng, và phải dùng Kinh Thánh để nuôi dưỡng lời cầu nguyện cho người đã qua đời.

Ý nghĩa của lễ nghi an táng trong đạo

Khi Hội Thánh làm lễ an táng cho con cái mình, là những kẻ nhờ phép Rửa đã trở nên chi thể của Đức Kitô chịu chết và sống lại, thì chính là Hội Thánh lấy đức tin mà cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Hội Thánh cầu nguyện cho họ được cùng với Đức Kitô đi từ cái chết sang cõi sống, được thanh tẩy trong tâm hồn và được hợp mặt cùng Các Thánh trên trời, đang khi chờ đợi ngày kẻ chết sống lại và ngày Đức Kitô vinh hiển ngự đến.

Vì thế, Hội Thánh dâng thánh lễ kỷ niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô cho những người qua đời và cầu nguyện cho họ. Như vậy, vì mọi chi thể của Đức Kitô hiệp thông với nhau, nên Hội Thánh xin Thiên Chúa ban ơn nâng đỡ thiêng liêng cho con cái mình, đồng thời đem lại cho bà con thân thuộc của người đã qua đời niềm an ủi của đức cậy trông (Nghi Lễ An Táng, số 1).

Trong lễ an táng, chúng ta không cầu nguyện cho người qua đời mà thôi, nhưng còn kính trọng xác của người ấy nữa, vì xác ấy đã là đền thờ của Chúa Thánh Thần và là nơi phép Thánh Thể đã đặt một mầm sống lại. Nhưng để giữ cho lễ nghi chôn xác người Kitô hữu xuống đất được đơn sơ, không nên tổ chức ma chay quá linh đình trọng thể, và chẳng nên phân biệt giàu nghèo sang hèn: vì tất cả mọi người trong dân Chúa đều là anh em trong Đức Kitô, nên mọi người đều bình đẳng trước cái chết.

NGƯỜI KITÔ HỮU CẦU NGUYỆN

Sáng và chiều là hai lúc đặc biệt trong ngày mà mỗi người cảm thấy cần phải đặt mình trước mặt Thiên Chúa hằng sống để thờ lạy và kêu cầu Người. Mỗi buổi sáng, cảnh vật thức dậy, trẻ trung như trong buổi sáng đầu tiên của nhân loại, và con người ra đi làm việc. Nhưng, đối với người Kitô hữu thì buổi sáng còn nhắc nhở cuộc Phục Sinh của Đức Kitô. Đó là giờ kính chào mặt trời công chính đã mọc lên chiếu sáng cho chúng ta.

Buổi chiều làm cho người Kitô hữu nhớ lại bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu và cuộc táng xác Người: đó là giờ ca tụng những điều kỳ diệu Chúa đã ban cho chúng ta, khi Người hiến mình làm lễ tế cho chúng ta. Đó cũng là giờ con người lại đối diện với Chúa, đôi tay còn nặng trĩu công việc mới hoàn thành; giờ mà màn đêm buông xuống gợi lên cho họ hình ảnh cái chết không sao tránh được. Vì tất cả những lý do ấy, buổi chiều là giờ phó mình trong tay Chúa .

Hội Thánh khuyên các Tu sĩ và các Tín hữu nên cầu nguyện mỗi ngày theo bản kinh chính thức là Các Giờ Kinh Phụng Vụ, ít là giờ kinh sáng và kinh chiều (PV số 100; quy chế tổng quát về các Giờ Kinh Phụng Vụ, số 26-27,32). Nếu không dùng toàn bản chính thức thì cũng nên phỏng theo khuôn khổ của mỗi giờ kinh, tức là: đọc một vài Thánh Vịnh, đọc một đoạn Kinh Thánh, đọc Thánh Ca Tin Mừng (bài ca của ông Giacaria ban sáng, bài ca của Đức Maria ban chiều) và những lời chuyển cầu. Ai không tham dự thánh lễ ngày thường, thì nên lấy một trong những bài Kinh Thánh của thánh lễ hôm đó thay thế đoạn Kinh Thánh của Giờ Kinh.

THAY LỜI KẾT

"Nhờ phụng vụ, nhất là trong hiến tế tạ ơn, mà công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện" (Lời nguyện tiến lễ, Chúa Nhật 2 Thường Niên). Phụng vụ góp phần rất nhiều để các Tín hữu đem cuộc sống mình diễn tả và biểu lộ cho những người khác mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa hiện diện nơi trần gian nhưng đồng thời cũng là lữ khách (...)

Hằng ngày, phụng vụ kiến tạo những người bên trong Giáo Hội thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thánh Thần (x. Ep 2,21-22) để đạt tới mức tuổi sung mãn của Chúa Kitô (x. Ep 4,13). Nhờ đó phụng vụ còn kiên cường sức lực cho họ cách lạ lùng để rao giảng Chúa Kitô; và như vậy phụng vụ cũng bày tỏ cho những kẻ bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu chỉ nêu cao trước mặt các dân nước (x. Is 11,12) ngõ hầu con cái Thiên Chúa đang tản mác được qui tụ nên một (x. Ga 11,52) cho tới khi thành một đàn chiên theo một chủ chiên (x.Ga 10,16)- (PV, số 2).


2684    21-03-2011 10:34:02