1- GỐC TÍCH
(viết theo tài liệu của Cha Danvy 1910)
Ba Châu là tên gọi tổng hợp ba địa danh : Châu Phú, Châu Thới, Châu Bình. Bây giờ Châu Phú và Châu Thới sát nhập lại, gọi là xã Châu Hòa; Châu Bình là một Xã riêng.
Từ năm 1880, tại ba nơi đều có Nhà Nguyện lợ lá.
Từ năm 1903, Cha Tuyết và Thầy Sơn lo vùng Châu Thới, Bình Khương : số tân tòng ngày một đông.
Năm 1909, Đức Cha Mão (Mossard) có đến ban Phép Thêm sức tại vùng này.
2- GHI ƠN QUÝ CHA :
Thời thế đổi thay, chiến tranh loạn lạc, sổ sách còn ghi nhận được như sau :
Từ năm 1910 - 1920 : Cha Phêrô Nguyễn văn Nhậm cất Nhà Thờ, dạy Giáo lý; Ngài lâm bệnh Dịch Tả qua đời và được chôn cất tại đây.
Từ năm 1920 - 1932 : Cha Thái tiếp nối công việc, sửa sang trong ngoài, trồng nhiều cây Sao để tạo bóng mát và cảnh đẹp.
Từ năm 1932 - 1934 : Cha Gioan Baotixita Nguyễn Linh Nhạn đến giúp Họ đạo trong vòng 2 năm.
Từ năm 1934 - 1936 : Cha Phêrô Nguyễn Toàn Năng được chuyển đến khi ngôi Nhà Thờ bị sập. Nhờ giáo dân đồng lao cộng tác, ngày 15 tháng 8 năm 1936 ngôi Nhà Thờ mới được khánh thành và còn đứng vững cho tới ngày nay.
Từ năm 1936 - 1942 : Cha Vincentê Nguyễn Ngọc Thanh được phái đến; ngoài việc Mục vụ, cha còn thích vẽ, tự tay trang trí chân tường góc cột đủ mầu sắc.
Từ năm 1942 - 1945 : Cha Benoýt Trương Thành Thắng nhận nhiệm sở. Cách sống khôn ngoan và đơn sơ của cha được nhiều người mến mộ.
Từ năm 1945 - 1946 : Cha Gioan Baotixita Lê văn Gấm đến nhận Họ trong lúc tình hình khó khăn nghiêm trọng, chẳng bao lâu sau vào ngày 18/2/1946 Cha bị bắt khi đi Xức Dầu và bị xử bắn; xác của cha bị thả trôi sông. Giáo dân vớt xác cha đem về an táng trong khuôn viên Nhà thờ.
Từ năm 1946 - 1948 : Cha Benoýt Trương Thành Thắng lại trở về làm Cha Sở lần thứ hai.
Từ năm 1948 - 1950 : Cha Giuse Nguyễn văn Bạch đến kiêm nhiệm.
Từ năm 1950 - 1961 : Cha Phêrô Lê văn Ngộ được sai đến. Cha rất thông thái; sở trường của cha là trị bệnh và dạy học; Cha cho xây Núi Đức Mẹ và dàn dựng nhiều vở kịch vẫn còn được nhiều người lớn tuổi nhắc tới.
Từ năm 1961 - 1971 : Cha Tađêô Võ văn Nam xây dựng dãy trường Tiểu học cạnh Nhà Thờ. Có 6 Nữ tu Mến Thánh Giá Cái Mơn đến dạy Văn hóa và Giáo lý : nơi đây là chiếc nôi đào tạo Sơ cấp cho hầu hết Thiếu nhi trong thời kỳ này.
Từ năm 1971-1981 : Cha Phêrô Nguyễn văn Vở gặp nhiều khó khăn trong ngoài. Biến cố Lịch sử 30/4/1975 càng làm cho cha sở già yếu không trụ nổi trước những cơn bão táp từ nhiều phía, có lúc cha phải bỏ Nhà Cha Sở ra sống nhờ nơi nhà giáo dân.
Từ năm 1981 - 1989 : Cha Gioakim Dương văn Ngoan được phái đến, nhưng cũng gặp quá nhiều rắc rối nên được ít tháng phải vội vã ra đi. Họ Đạo trống vắng Mục tử, không có Thánh Lễ, Nhà Xứ trở thành nơi sản xuất Tiểu thủ công nghiệp chiếu cói và thảm chỉ sơ dừa; đàn chiên tan tác, giáo dân mất phương hướng, đức tin mờ nhạt lung lay...
Thảm trạng này kéo dài một thời gian lâu, cha Stanislas Bùi văn Lựu ở Giồng Trôm mới được phép tới dâng Lễ ngày Chúa Nhật và ban các Bí Tích...
Từ năm 1989 - 12/2000 : Cha Antôn Nguyễn văn Lệ từ An Điền chuyển đến; việc đầu tiên của cha là phải tái thiết cơ sở vật chất hư hại do không người gìn giữ, thay toàn bộ đòn tay, lợp lại Mái Nhà Thờ, lót gạch men và đóng thêm bàn quỳ... rồi ổn định sinh hoạt Mục vụ sau bao năm không người lãnh đạo tinh than... Nhờ thế sinh hoạt Họ Đạo từng bước được phục hồi và đi vào nề nếp.
Từ năm 2000 - 2/2006 : Cha Giacôbê Nguyễn huỳnh Tươi về tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm; xây Tháp chuông mới và sửa mặt tiền Nhà Thờ. Các Hội đoàn được tái lập và khai sinh đội Múa Lân...
Từ năm 2006 - : Cha Thomas Trần Quốc Hùng xây dựng lại Núi Đức Mẹ và dãy Trường 5 lớp do thời gian và cơn Bão Durian làm sập..
4169