Sidebar

Thứ Bảy
23.09.2023

Họ Đạo Ba Tri

 

  1. Tên cũ: Ba Tri
  2. Xã: xã An Đức, xã Phú Lễ  và phần của xã Vĩnh An, Thị Trấn Ba Tri, Tỉnh: Bến Tre
  3. Đt:
  4. Bổn mạng: Thánh Philipphê Phan Văn Minh
  5. Chầu lượt:
  6. Giáo dân: 500 người

ĐÔI  DÒNG  LỊCH - SỬ  HỌ  ĐẠO    BA  TRI:

I.  NGUỒN-GỐC:      

Trong sổ Rửa-tội của Họ đạo Giồng-giá (Cái-Bông, Ba-Tri, Bảo-Thạnh, Mỹ- Nhơn, Tân-Xuân, Cái-Sơn) còn lại, được coi là cuốn I, từ năm 1875 - 1915, trang  183 có ghi : Isave Bộ sinh 1895, rửa-tội ngày 28.2.1900 ở An-Bình Đông (Bình Đông), con của Nguyễn-văn-Giai và Lê-thị-Chạy (cả hai bên lương), do Cha Anrê Đoài. Có thể đây là người công-giáo đầu tiên không? Ta không được rõ gì thêm nữa vì sổ-sách từ trước nữa của họ đạo Giồng-giá không còn.

Có thể có ít người Công-giáo đã được rửa-tội trước năm 1900; tuy nhiên, hiện nay không thấy có tên trong sổ Rửa tội.

Tên gọi : Họ đạo Ba-Tri trong sổ Rửa-tội có từ năm 1907, cũng trong quyển trên trang 250 với người tân-tòng : THỊ CA, được rửa-tội năm 1907 (in articulo mortis), do Dì Đây, dòng  MTG, thời Cha Phêrô Nguyễn-Phước-Khánh, Cha sở Cái- Bông.

II.   BA-TRI  NGÀY NAY:

Nhà thờ Ba-Tri nằm tại Chợ Thị Trấn Huyện Ba-Tri, cách Thị xã Bến-Tre 36 km, ở về mạn Tây Nam, cách biển Đông trên 10 km. Dân số Thị Trấn Ba Tri có lối trên 10.000 người. Có bốn tôn-giáo lớn: Công-giáo - Phật-giáo - Cao-Đài (Ban chỉnh và Tiên Thiên) - và Đạo ông bà là số lớn , với một Nhà thờ Công-giáo , ba Chùa Phật : Chùa Long-Đức đối diện nhà thờ Ba-Tri (trong khuông-viên Chùa, còn có Miếu Bà Thiên Hậu)  -- Chùa Khải Tường (còn gọi là Chùa Mương Nước), ở ấp I, trên đường đi  Phú Lễ, Chùa Tịnh độ cư sĩ, ở Khu phố 3, cạnh Bệnh viện Ba-Tri. Ngoài ra còn có một Thánh Thất Cao-Đài Ban Chỉnh, ở ấp 2, đối diện với Ngân Hàng Nhà Nước. Một  chùa Ông (thờ Quan Thánh Đế Quân) của người Hoa (cũng gọi là chùa Bảy Phủ, do bảy Bang Hội điểu khiển, với độ 500 người,  và một ngôi đình có tên là Đình An Bình Đông.

Huyện Ba Tri hiện nay có 24 xã và một Thị Trấn. Địa dư Ba Tri hình vuông, diện tích là 320 km2. Các con giồng cát là dấu vết của bờ biển cũ như: giồng Bà Tang; giồng Bông; giồng Giá (Vĩnh Hòa); giồng Cả; giồng Chuối (An Đức); giồng Ôâng Đồ (An Bình Tây); giồng Củ Chi (An Hiệp); giồng Tre (An Ngãi trung); giồng Trơn (Tân Xuân); giồng Chàm (Mỹ Thạnh); giồng Quéo (An Ngãi Tây); giồng Cây Me (Bảo Thạnh)

Huyện Ba Tri có tiềm năng khá lớn về lúa (23.000 hecta),  vì ruộng ở đây được cải tạo khá tốt từ năm 1990, hầu hết với ba vụ, lại cho năng xuất khá cao, và diện tích đất canh tác lại đứng đầu các Huyện; tuy nhiên vật giá lên mỗi ngày mà giá lúa không lên từ 10 năm nay, làm cho kinh tế nông dân thêm thê thảm. Ngoài ra Ba Tri còn có tiềm năng cao dù chưa khai thác triệt để, là ngành nuôi trồng Thủy hải sản.

II. LỊCH SỬ ĐỊA DANH BA TRI:

Đời Cảnh H?ng th? 3 (1742), Thái hữu X?a, người phủ T? Ngh?a, t?nh Qu?ng Ngãi vô Ba Tri làm ăn. Dâân cư ở đây còn thưa thớt, chưa lập thành làng, Thái Hữu Xưa liền lập Ba Tri Cá trại (chợ cá Ba Tri); ông được cử làm Cai trại. Sau đó các trại: Trại Già (An Đức), Cái Da trại (Cái Mít, Hưng lễ), Giồng Da trại lần lượt được thiết lập. Sau đó, có lệnh cho lập làng, Thái Hữu Xưa xin lập thành làng An Bình Đông. 

Năm 1780, đất Ba Tri thuộc Tổng Bảo An, dinh Vĩnh Trấn (Vĩnh Long), châu Định Viễn. Năm 1808, tổng Bảo An đổi thành huyện Bảo An (gồm cả đất Giồng Trôm hôm nay; năm 1957, Ngô Đình Diệm cho tách phần đất Giồng Trôm, thành lập quận Giồng Trôm) (Trích tài liệu: Địa chí tỉnh Bến Tre).                           

Giả thuyết: xưa vùng này sống bằng nghề nuôi tằm, dệt lụa, nhất là lụa đen bóng; chữ đen bóng : ba si (si: đen;  ba: sóng); rất có thể chữ 'SI' đọc nghe không êm tai, nên từ từ đổi ra thành 'TRI'. Trích Sự tích Ông Già Ba Tri, Lê Thọ Xuân - Đồng Nai thi tập, số 9 th. 11, 12 năm 1966).

Trong tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh, chữ Tri: có nghĩa là lụa đen. Chữ ba: là sóng, óng ánh . Lụa đen bóng, gơn như sóng.

Theo tài liệu của Bauriac, năm 1894, Ba Tri có 800 dân đinh, cửa ngỏ giao thương nối liền Chợ Lớn, Cần Thơ, Châu Đốc, Vĩnh Long. Mặt hàng tơ sóng của Ba Tri được các thương gia Mã lai, từ Châu Đốc, Cao Miên ưa chuộng đến mua đem về Nam Vang. Thời nhà Nguyễn, Ba Tri mỗi năm tiến cống cho triều đình 10 đoạn lụa có tên là"Ba Si".

Sự tích Ông Già Ba Tri: Thái hữu Kiểm, con cháu của Thái hữu Xưa, có công cất chợ Ba Tri và đấp con đường từ Ba Tri đi Vĩnh Đức Trung, và từ Ba Tri đi Phú lễ; ông được bầu làm Trùm Cả Kiểm . Ông xã Hạc (Vĩnh An hôm nay) bèn đấp con đập ranh, ngăn không cho ghe thuyền thông thương vô chợ Ba Tri. Chợ xuống dốc, Ông Cả Kiểm giận đi thưa. Quan trên xử ông thất. Bất mãn, ông cùng hai ông bạn là Nguyễn văn Tới và Lê văn Lợi gói cơm đi bộ ra Huế đánh trống kêu oan. Vua Minh Mạng xử ông được kiện. Từ đó có danh Ông Già Ba Tri (trích sách đã dẫn trên).

Huyện Ba tri hiện nay có những nơi danh tiếng:

1. Mộ Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu: tại Giồng Chuối, xã An Đức. Đây là một khu di tích lăng mộ khá đồ sộ, bề thế, được Nhà Nước hiện nay cho xây dựng thêm công trình phụ, hoàn thành năm 2004; công trình chính là khu lăng mộ, tuy nhỏ, nhưng đã có trước 1975.

2. Mộ Cụ Phan Thanh Giản và Mộ Cụ Võ Trường Toản: thầy của Phan Thanh Giản; hai khu mộ tại xã Bảo Thạnh, gần nhau cách mấy trăm thước. Mộ Võ Trường Toản được Nhà Nước xây lại khá đồ sộ, nhưng mộ Cụ Phan còn đơn sơ hơn, y như trước năm 1975.

3. Cống đập Ba Lai: dài lối 1300 mét (giữa 2 bờ sông) ngang ................, được xây dựng ngăn con sông Ba Lai, nối liền hai bờ ngang xã Tân xuân (Ba Tri) và xã Thạnh Trị (Bình Đại); kinh phí là: .......................... đồng. Mô hình thủy lợi này xem ra thiết thực, vì ngăn được nguồn nước mặn từ biển đổ vào (chỉ cách bờ Ba Lai hơn 6 cây số) các tháng 2, 3, 4 , 5... để từ thượng nguồn, sông Ba Lai cung cấp nước ngọt tưới tiêu cho đồng ruộng, và phục vụ nước sinh hoạt thường ngày, dù nguồn nước vẫn phần nào bị ô nhiễm...

4. Khu Vườn Cò Vàm Hồ: thuộc ấp Tân Quí, xã Tân Mỹ, nằm dọc theo con sông Ba Lai, kẹp giữa lộ chính và sông Ba Lai, từ trường cấp II mới của xã đến ranh xã Tân Xuân; chiều dài ..............diện tích 42 mẫu tây. Bề ngang của Vườn Cò không rộng, chỉ độ vài ba trăm mét. Mỗi năm từ  tháng 5 đến tháng 10 âm lịch, Cò về đây làm tổ và sinh con. Các tháng khác, cò đi ăn xa. Khu bảo tồn này vì có diện tích khá nhỏ, nên nguồn lợi không cao, sức thu hút xem ra không có.....

II. ĐẤT NHÀ CHUNG :

Bà NGUYỄN THỊ LONG (không rõ ngụ tại đâu), đã nhượng 3 sở đất giồng tại chợ  Ba Tri lối trên một mẫu cho nhà thờ  Ba Tri,  đời  Cha Giuse  Nguyễn  Toàn Năng. Cha đã làm mất giấy tờ. Đến thời Bà NGUYỄN THỊ KIM HOA, sinh 1939 tại số 96, đường Lý Trần Quán, Bà Kim Hoa là con Ông Nguyễn Trung Nguyên và Bà Trương Thị Đồ, là cháu ngoại của Bà Nguyễn Thị Long, đã có làm giấy ủy quyền sử dụng 3 sở đất kể trên cho Cha Anrê  NGUYỄN TRUNG BINH, chánh sở Ba Tri ngày 8/11/1973, có thị thực và cầu chứng tại toà. Nhà thờ Ba Tri hiện còn giữ giấy tờ này. Số đất kể trên trong thời chiến và sau 1975, đã bị người dân xung quanh lấn chiếm và làm nhà ở. Hiện nay chỉ còn phạm vi nền nhà thờ và nền nhà trường không quá 2900 m2.

III. NHÀ THỜ BA TRI :

Thời Cha Philipphê Nguyễn Văn Tuyền (1944 - 1947), cư ngụ tại nhà thờ Giồng Giá, không rõ Ngài là Cha sở hay Phó biệt cư, có phụ trách Nhà thờ Ba Tri; Cha có chuẩn bị làm nhà thờ, nhưng chưa chi Ngài đã qua đời.

Đến Cha Phêrô Nguyễn Văn Chính (1949 - 1950), đã dựng lên căn Nhà thờ bằng cây, lợp ngói móc, vách lá.

Từ năm 1950 - 1956, thời Cha Phaolô Nguyễn Văn Mừng, Ngài tiếp tục công việc làm Nhà thờ : xây mặt tiền, vách ván. Sau đó cha xây thêm vách gạch như thấy hiện nay. Cha Phaolô Mừng cử hành Thánh Lễ đầu tiên tại nhà thờ Ba Tri vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Lúc đó người Công giáo chỉ độ bốn năm gia đình rối rắm hết.

Thời Cha Dom. Lê Minh Tỏ (1950 - 1961) : là Cha sở đầu tiên, ngụ tại Ba Tri,  Ngài đã xây dựng nhà xứ kiên cố và trường Tiểu học bên nhà xứ như còn thấy hiện nay.

Đến Cha Anrê Nguyễn Trung Binh (1972 - 1976), đã xây Ký nhi viện phía trước, bên tay mặt song song với nhà thờ. Sang năm 1975, Ký Nhi viện được Nhà Nước quản lý và sử dụng đến nay. Trường Tiểu học sát vách Nhà xứ, Nhà Nước mượn đến năm 1998 mới trả lại.

Đầu tháng 7/1993, có xây lại tường rào kiên cố bên trái nhà thờ, để cách biệt với nhà dân. Trước năm 1975, Cha Anrê Binh đã có đổ trụ và căn dây chì gai làm hàng rào. Sau 1975, khi nhà thờ không còn người coi sóc, người xung quanh đã tự động cắt hết dây chì và đem trụ về sử dụng riêng tư.

Tháng 4/1992, có sửa lại mặt tiền cung thánh trong Nhà thờ. Nhà thờ An Điền có cho một số bàn ghế còn mới, khi An Điền thay đổi bàn ghế mới thích hợp hơn.

Đầu năm 1998, có xây lại hai căn nhà nhỏ phía sau, sát hàng rào phía Đông Nam, dùng làm nhà bếp.

Tháng 12/2000, nhà xứ  hiện tại, được xây dựng từ năm 1960, do Cha Đom. Tỏ, đã bị xuống cấp quá nặng, được xây sửa, gia cố lại như mới, dù vẫn giữ y kiến trúc cũ: ngang 4m, dài 15m; gồm một trệt và một lầu.

Họ đạo Ba Tri đã nộp đơn xin giấy phép xây lại nhà thờ từ đầu năm 1998; nhưng cho đến tháng 4 năm 2001 mới có giấy phép. Lễ đặt viên đá đầu tiên ngày 15.05.2001 và ngày 13.06.2001, lễ thánh Antôn Padua, khởi công xây dựng, theo đúng bản vẽ của Sở Xây dựng T. Bến Tre về phần xây dựng cơ bản; tuy nhiên, có thay đổi nhiều trong các họa tiết, trang trí. Nhà thờ mới rộng hơn nhiều, có gác đàn, có phòng thánh, có tháp chuông (chuông 200kg); diện tích mặt bằng là: 334 m2 + 54 m2  (nền sân và tháp chuông). Công trình sau 11 tháng thì  hoàn thành.

IV. SỐ GIÁO DÂN:

Trước 1975, Ba Tri có trên 500 giáo dân. Sau thời điểm này, con số trên tụt xuống rất nhiều; nguyên do giáo dân thuộc nhiều thành phần khác nhau : dân địa phương định cư lâu dài  - binh sĩ - giáo dân ở các Họ đạo khác  tản cư về trong thời chiến. Do đó, sau 1975, binh sĩ giải tán về quê, giáo dân tản cư cũng về quê nốt, một số giáo dân địa phương bỏ hẳn không giữ đạo nữa.

Hiện nay số giáo dân trên 480 người. Ngoài ra còn một số khách vãng lai cũng đáng kể, dù không thể lấy số liệu..

BỔN MẠNG nhà thờ Ba Tri: Thánh Phil. Phan Văn Minh: 03. 07 

V. CÁC LINH MỤC PHỤ TRÁCH HỌ BA TRI :

+ Từ 1901 - 1905 : thuộc sở Cái Bông  : Lm J. Việc.

+ Từ 1905 - 1922 :        '           : Lm Phêrô Nguyễn Phước Khánh.

+ Từ 1922 - 1930 :        '           : Lm Gbta Nguyễn Linh Nhạn.

+ Từ 1930 - 1956 :     '              : Lm Luca Nguyễn văn Sách.

       Trong thời này có các Linh mục ngụ tại Giồng Giá :

+ Philipphê  Phan văn Tuyền       :  1944 - 1947

+ Phêrô        Nguyễn văn Chính   :  1948 - 1950

+ Phaolô Nguyễn văn Mừng  :  1950 - 1956

VI. BA TRI, SỞ CHÍNH THỨC :

+ Từ 1956 - 1961 : Lm Đôm. Lê Minh Tỏ, Cha sở đầu tiên .

+ Từ 1961 - 1966 : Lm Micae Văn Công Nghi.

+ Từ 1966 - 1972 : Lm Phêrô Nguyễn Văn Vỡ.

+ Từ 1972 - 1976 : Lm Anrê Nguyễn Trung Binh.

* Từ 1977 - 1989 : Thuộc sở An Điền  :   Lm Antôn Nguyễn Văn Lệ.

   Từ 1989  -  2004 :     '           '            :    Lm Phaolô Trương Tấn Lực.

   Từ  2004  -                                      : Lm Phaolo Trương Tấn Lực, cha sở chính thức Ba Tri và các họ khác: Giồng giá - Tân Xuân - Bãi Ngao - Bảo Thạnh - Gảnh - Bảo Thuận.

Cha Phó : Lm Phêrô Lê Hoàng Lâm, ngụ tại Giồng giá ( 2004 -       )

VII. NGƯỜI TƯỜNG-THUẬT :

+ Lm Phaolô Nguyễn Văn Mừng   -  Bà Anna Nguyễn thị  Thà

+  Ô. Phêrô Lê Văn Điểm,    Ban  Đại-Diện  Họ Đạo Ba-Tri.

                                                         Ba Tri ,   ngày  15 / 07 / 2006.           

 Người ghi:   Lm Phaolô TRƯƠNG-TẤN-LỰC.  

4581