Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Họ Đạo Bãi Ngao

z52750990237019984fcf31d38d3f93994b7f8b567211c
Địa chỉ:
 ấp 7, xã An Thủy, Ba Tri, BẾN TRE

Bổn mạng: 

Chầu lượt: CN III Thường Niên

Số giáo dân: 333

Năm thành lập:

Giờ lễ:                       

Chúa nhật:          07g30  

Ngày thường:      Thứ 3,5,7:  17g00

Linh mục Chánh sở: Ph. Xaviê Trần Tuấn Kiệt

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

I. VỊ THẾ CỦA HỌ ĐẠO BÃI NGAO

     Nằm trên địa bàn của hai xã An Thủy và Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Xã An Thủy nằm dọc bờ biển Ba Tri, phía Nam, từ cửa Sông Hàm Luông, phía Bắc giáp với xã Bảo Thuận. Nhà Thờ Bãi Ngao cách Thị Trấn Ba Tri 9 km, về mạng Đông Nam, và cách Thành phố Bến Tre 44 km.

     Bãi Ngao: Khu vực bờ biển thuộc ấp... trải dài từ cửa sông Hàm Luông đến giáp ranh xã Bảo Thuận. Khu vực này trước năm 1975, bờ biển đầy nghêu thiên nhiên, nên khi đó chẳng ai có ý nghĩ đến việc nuôi nghêu. Các chợ huyên Ba Tri, huyện Giồng Trôm, cả chợ Thị xã Bến Tre, đều bày bán đầy nghêu. Thời đó người dân cho nghêu là món ăn quá bình dân, nên các lễ giỗ chạp không bao giờ có món nghêu trên bàn ăn cả. Ngược lại hôm nay, nghêu là món ăn khoái khẩu lại có giá trị cao nữa.

     Tiệm Tôm: Khu vực chợ của xã An Thủy, dân cư khá đông đúc, cũng là nơi có Cảng Cá Tôm, ghe tàu đi đánh bắt trở về. Cảng Cá tuy quy mô chưa lớn, nhưng sinh hoạt khá sầm uất, đem lại kinh tế cho người dân khá tốt.

       Lăng Ông: Vừa là miếu thờ, vừa là Lăng mộ, giữ các bộ xương của Cá Ông. Theo tính ngưỡng dân gian, Cá Ông là thần hộ mệnh của dân đi biển; vì thế, dân chài lưới rất tôn trọng loái cá này với tên gọi cung kính: "Ông". Nơi đây hàng năm có hội hè, cúng bái rất lớn.

II. NGUỒN GỐC

      Trong sổ Rửa tội Họ Đạo Giồng Giá, được kể là quyển số I, từ 1875-1915, trang 175: Phanxicô Trần Văn Vân, sinh năm 1898, con của Giuse Trần Văn Nuôi và Catarina Nguyễn Thị Tươi, tại An Thủy, Bảo Trị Tổng, RT ngày 4/11/1898.

       Tại trang 173 có Maria Đặng Thị Giỏi, sinh năm 1894, tại An Thủy, Bảo Trị Tổng, con của Phaolô Đặng Văn Bích và Anna Nguyễn Thị Sử, RT ngày 27/11/1898.

       Cho đến năm 1915, hai gia đình trên còn có con Rửa tội hai ba người nữa. Ngoài ra còn có mấy người RT toàn tòng. Như vậy, từ trước năm 1900, đã có mấy gia đình Công giáo sinh sống tại làng An Thủy. Cho đến năm 1954, khi người Bắc Phát Diệm đến định cư tại An Thủy (Bãi Ngao), đã có ít nữa là mười gia đình Công giáo cư ngụ tại đây, dù chắc chắn lúc đó chưa có Nhà Thờ.

      Trong sổ Hôn phối Họ Đạo Giồng Giá, từ năm 1871 – 1972, hiện Nhà Thờ Ba Tri đang giữ, có đôi Hôn phối: Phaolô Đặng Văn Bích, gốc ở An Thủy Anna Nguyễn thị Sử, 25/11/1907 do cha Phêrô Nguyễn Phước Khánh chứng hôn. Tại đâu? Sổ cũ không ghi rõ nơi chứng hôn. Từ đó cho đến năm 1952, còn có vài đôi Hôn phối của Bãi Ngao nữa. Ngoài ra ta không còn biết thêm gì  khác.

     Năm 1945, Cha Benađô Phạm Văn Qui, cùng Cha Bình, Cha Nhu, dẫn 300 gia đình giáo dân, quê Phát Diệm di cư, đến xin định cư trong tỉnh Bến Tre. Chính quyền lúc bấy giờ cho họ định cư tại khu vực Bãi Ngao, phía trường Đảng và phía trước quanh Nhà Thờ hiện nay.

     Từ đó trở đi, có tên là Họ Đạo Bãi Ngao, Nhà Thờ Bãi Ngao (Đôi khi cũng gọi là Nhà Thờ Tân Thủy, Ba Tri. Tân Thủy là tên xã) (Trong sổ Rửa tội và Hôn phối ghi xưa lại gọi là làng An Thủy).

III. CÁC LINH MỤC GIÚP HỌ ĐẠO BÃI NGAO QUA CÁC THỜI KỲ:

            Cha J. Việc: (1901 – 1905): Thuộc sở Cái Bông.

            Cha Phêrô Nguyễn Phước Khánh (1905 – 1922)

            Cha GBt Nguyễn Linh Nhạn (1922 – 1930)

            Cha Luca Nguyễn Văn Sách (1930 – 1956)

            Trong thời kỳ này có các Cha ngụ tại Giồng Giá:

            Cha Philipphê Phan Văn Tuyền (1944 – 1947)

            Cha Phêrô Nguyễn Văn Chính (1948 – 1950).

            Cha Phaolô Nguyễn Văn Mừng (1950 – 1956).

            Các Linh Mục chánh sở:

            Cha Đôminicô Lê Minh Tỏ (1956 – 1961): Cha sở đầu tiên.

            Cha Micae Văn Công Nghi (1961 – 1966)

            Cha Phêrô Nguyễn Văn Vỡ (1966 – 1972)

            Cha Anrê Nguyễn Trung Binh (1972 – 1976)

            Cha Antôn Nguyễn Văn Lệ (1977 – 1989): Thuộc sở An Điền.

            Cha Phaolô Trương Tấn Lực (2004 – 2007): Thuộc sở An Điền, Ba Tri.

            Cha Phêrô Lê Hoàng Lâm (2007 – đến nay): Thuộc Giồng Giá.

IV. CÁC NGÔI NHÀ THỜ

      1. Nhà Thờ đầu tiên: Ngay sau khi định cư tại Bãi Ngao, Cha Bên, Cha Qui cho dựng ngay ngôi Nhà Thờ đầu tiên. Ngôi Nhà Thờ sáu căn, bằng cây bần và mắm, vách lá, mái lá. Nhà Thờ này nằm trên chính nền nhà xứ Bãi Ngao hiện nay (năm 2007), cửa chính quay ra trước lộ. Đất thổ cư Nhà Thờ là của ông Bầu Ca, người lương đã dâng cho Nhà Thờ thời Cha Bên và Cha Qui: Phía trước giáp lộ, phía sau ruộng; bề ngang khu đất rộng có cả 150m (theo lời bà Ba Phái kể lại). Vì thế nên ngoài Nhà Thờ ra, còn có nhà xứ, nhà Dì và nhà giáo lý…

      2. Nhà Thờ thứ hai: Sau hai năm định cư tại đây, Cha Bên, Cha Qui và giáo dân đã xây dựng nên ngôi Nhà Thờ này. Ngôi Nhà Thờ mới có chín căn; bên trong có bốn hàng ghế, mái lợp xi-măng, vách xây, chân móng bằng xi-măng và miễn nghêu (Ngày nay ta vẫn còn thấy tồn tại các dãy móng). Nhà Thờ mới này nằm phía bên kia lộ trước Nhà Thờ, phía sau chạy ra tới bờ kinh; diện tích có thể lên đến mấy mẫu tây. Hiện nay, không còn sổ sách và đã bị chiếm giữ, hoặc đã bán sang tay nhiều chủ. Sau năm 1962, khi giáo dân bỏ đi hết, Nhà Thờ đã bị dỡ xuống và bị tàn phá bình địa.

       3. Nhà Thờ thứ ba: Năm 1972, Cha Anrê Nguyễn Trung Binh về phụ trách Họ Đạo Ba Tri và chăm sóc luôn cả Họ Đạo Bãi Ngao.

       4. Nhà Thờ thứ tư: Tháng 01/1991, Cha Phaolô Lực khởi công xây dựng lại Nhà Thờ Bãi Ngao và năm 2006 được tu sửa lại.

V. GIÁO DÂN

        Họ Đạo Bãi Ngao có khoảng 1500 người Bắc di cư. Nhưng năm 1960, phong trào đồng khởi nổi lên, các gia đình người Bắc di cư sinh sống ở Bãi Ngao vì sợ, đã lần lược bỏ đi. Đến năm 1962, họ ra đi hết, chỉ còn lại một gia đình duy nhất là Bà Ba Phái cho đến hôm nay. Hiện nay, số giáo dân là 333 người.

VI. NHÀ XỨ + THÁP CHUÔNG + ĐẤT THÁNH

       Nhà xứ hiện nay mới được xây dựng năm 2004, gồm có 3 căn; hai căn làm phòng sinh hoạt chung và một căn làm văn phòng, phòng ngủ (Cho Thầy hoặc Dì khi cần thiết). Khi xây dựng nhà xứ, có xây dựng cả tháp chuông. Họ Bãi Ngao có một phần Đất Thánh ở Xóm Lăng, gần bên đất của thân phụ Cha Liên, chưa được một công đất, đã chôn chật ních (Gồm cả lương giáo).

VII. HƯỚNG TƯƠNG LAI

        Hiện tại, Họ Đạo Bãi Ngao còn chậm phát triển, mặt đạo cũng như mặt đời, vì hai nguyên do:

       Trước hết, vì là Họ nhỏ, các Cha lại ở quá xa (Cả 10 km), nên khi có nhu cầu mục vụ, hoặc thăm viếng, các Cha mới đến được. Kế đến, cũng phải nói, vì giáo dân ở quá xa Nhà Thờ, không được qui tụ, nên các sinh hoạt khó chia ra để người giáo dân cộng tác tham dự tích cực… Dù vậy, đa phần đời sống kinh tế của giáo dân Bãi Ngao tương đối thoải mái hơn các Họ Đạo khác nhiều; hy vọng nhờ đó từ từ Họ Đạo sẽ đi lên, nếu các Linh Mục biết nâng đỡ đời sống đức tin cho họ.

        Họ Đạo cũng ước mong mua được một phần đất phía sau, kế bên phần đất đã mua, cho liền đất, nhất là vừa mở rộng khuôn viên Nhà Thờ, vừa giúp cho các nhu cầu sinh hoạt Họ Đạo sau này.

3391    12-01-2011 06:58:07