Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Họ Đạo Bông Bót - Bà My

z5109179694889709d53b6d50a6b05c5041f59022534e0
Địa chỉ:
 ấp Bà My, xã Tam Ngãi, Cầu Kè, Trà Vinh

Bổn mạng: Lễ Mẹ Thiên Chúa 1/1

Chầu lượt: CN II Mùa Vọng

Số giáo dân: 800

Năm thành lập:

Giờ lễ:                       
Chúa nhật:      04g30;       16g30      

Ngày thường:          04g30

Linh mục Chánh sở: Phêrô Trần Hải Hà

Linh mục Phụ tá: Phêrô Ngô Phước Lành

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

Viết theo báo Nam Kỳ Địa phận 1919. Thời các Cha Thừa Sai hoạt động tại Mặc Bắc thì nhiều người có đạo từ đó đến sống tại vàm rạch Bông Bót. Nhà Thờ lá đầu tiên thô sơ, cất lên tại dinh ông Phủ Hòa Lạc. Năm 1868, tại Bến Cát.

Năm 1870, nhờ ông Huyện Siêu giúp đỡ, Nhà Thờ được dời về giồng Bà My, trên đất của một người Miên có đạo. Số tín đồ lúc bấy giờ lên đến 200 người, phần đông là bổn đạo Mặc Bắc tản cư lên lập nghiệp.

Năm 1891, Bông Bót tách rời Họ mẹ là Mặc Bắc. Cha Nguồn (P. Dessaume) Cha sở đầu tiên rời Mặc Bắc về ở tại Bông Bót (1891-1895) Cha thay Nhà Thờ lá bằng Nhà Thờ gỗ xứng đáng với thời đó.

Năm 1895, Cha Thích về thay. Năm 1902, Cha Boismery đến thế. Sau khi chỉnh trang Bông Bót, Cha về Rạch Lọp, giao Bông Bót lại cho Cha Coopman. Một thời gian dài mấy chục năm sau, Đạo Thánh tương đối phát triển.

Năm 1945, chiến tranh bùng nổ: chết chóc, điêu tàn. Năm 1963, sau một cơn đốt phá, Nhà Thờ, nhà xứ, nhà Dì, trường học tất cả đều thành bình địa, không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào. Các Dì Cái Nhum rút về Dòng. Hoang tàn đổ nát lên ngôi ngự trị. Mãi đến năm 1975, hòa bình vãn hồi trên quê hương. Noel năm 1976, Cha Pet-Trần Hải Hà được sai đến lập lại vùng này.

Mai ra các sổ sách còn ghi lại các trào Cha phụ trách:

            1. Cha Dessaume                    1892

            2. Cha Thích               1893

            3. Cha Boismery                     1902

            4. Cha De Copman     1905

            5. Cha Phi                               1907

            6. Cha Pet Cần                        1914

            7. Cha Thích               1923

            8. Cha Giàu                 1924

            9. Cha Jos Thơ                        1930

            10. Cha Fx Quờn                    1933

            11. Cha Raphael Linh 1946. Bị bắt, chết rủ tù năm 1963.

Các Cha phụ trách sau năm 1963

            1. Cha Jos Hiếu

            2. Cha Mt Sánh

            3. Cha Ant Khương

            4. Cha Jos Nghĩa

            5. Cha Phêrô Trần Hải Hà từ năm 1976 đến nay.

Ngày 13/03/1991, Cha khởi công xây mới Nhà Thờ và khánh thành ngày 01/01/1993. Dâng kính “Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”. Ngày 23/04/1995, Cha cất lại nhà xứ. Có các Soeurs Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho đến hợp tác từ tháng 8/1978 cho đến nay. Bổn đạo Bông Bót giờ đây có 780 người, đạo đức sốt sắng. Bám víu vào tình thương hải hà của Cha sở mà sống.

Một nguồn tài liệu khác. LỊCH SỬ HỌ ĐẠO BÀ MY (BÔNG BÓT)

Họ Đạo Bà My thiết lập 1868 tại vàm Bông Bót, gọi là Bến Cát; Số giáo dân trên khoảng 200. Ngôi nhà lá được cất nơi Dinh Phủ Cát. Đất hẹp người đông, cuộc sống trở nên khó khăn, một số giáo dân dời đi chỗ khác để sinh sống, số giáo dân không tăng lại giảm sút. Vì thế, năm 1870, ông Huyện Siêu là một người Miên có đạo, có nhiều đất ở Giồng Bà My, lại có lòng tốt nên ông đưa tất cả giáo dân về đó và cấp đất cho họ để sinh sống, số giáo dân còn gần 200, ngôi Nhà Thờ lá được cất lên nơi nền Nhà Thờ bấy giờ. Bà My là một Họ Đạo nhỏ của Họ Đạo Mặc Bắc. Thường xuyên các Cha đến dâng lễ ngày Chúa nhật, các ngày lễ trọng và ban Bí tích cho giáo dân. Đến năm 1887, Cha Deseaume (Ngườn) từ Mặc Bắc đến ở luôn tại Bà My. Ngài là Cha sở đầu tiên của Họ Bà My, ngài làm lại ngôi Nhà Thờ bằng gỗ, ván, vì ngôi Nhà Thờ cũ đã mục nát.

Năm 1895, Cha Thích đến thay Cha Deseaume (1887-1895).

Năm 1902, Cha John Boismery (Mỹ) thay Cha Thích (1895-1907), ngài cất lại ngôi Nhà Thờ bằng cây và lợp ngói.

Năm 1905, Cha A. Decoopman (Để) đến thay Cha John Boismery (1902-1905).

Năm 1907, Cha Tađêô Phi đến thay Cha A. Decoopman (1905-1907).

Năm 1914, Cha Phêrô Cần đến thay Cha Tađêô Phi (1907-1914), ngài đã xây lại ngôi Nhà Thờ bằng gạch, lợp ngói, hoàn thành 1921.

Năm 1923, Cha Thích đến thay Cha Phêrô Cần (1914-1923).

Năm 1924, Cha Micae Giàu đến thay Cha Thích (1923-1924).

Năm 1930, Cha Giuse Thơ đến thay Cha Micae Giàu (1924-1930).

Năm 1933, Cha Phanxicô Quờn đến thay Cha Giuse Thơ (1930-1933).

Năm 1946, Cha Raphae Nguyễn Minh Linh đến thay Cha Quờn (1933-1946).

Cha Raphae Linh cai quản Họ Đạo Bà My từ năm 1946-1964, ngài bị bệnh đường ruột, chết ở trại giam thuộc vùng Trà Cú, Trà Vinh 1964, sau biến cố Nhà Thờ và các cơ sở bị phá huỷ. Trong thời Cha Raphae làm Cha sở có 3 Cha phó cộng tác: năm 1954, Cha Đaminh Vượng từ ngoài Bắc vào với một số giáo dân xuống định cư ở Bà My. Một vài năm sau, một số giáo dân đi lên Hố Nai, Biên Hoà; một số xuống Cái Sắn, Long Xuyên; còn Cha Đaminh Vượng 1960 đi lên Hố Nai. Cha Raphae Nguyễn Ngọc Quý đến giúp Họ Đạo từ ngày 29.7.1960 đến 6.6.1961, và Cha Phan Ngọc Đức phụ trách Họ Rạch Chiếc và Tân Vinh từ ngày 12.9.1960 - 25.5.1961.

Từ 1964-1975 không có Cha sở, nên các Cha ở Mặc Bắc hay Tiểu Cần, Hựu Thành qua lại dâng lễ và ban Bí tích vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng. Trong thời gian này không có Nhà Thờ, giáo dân tụ hợp nơi nhà ông Biện đọc kinh và tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật. Để tránh sự bất tiện cho việc kinh nguyện, Họ Đạo đã mua căn nhà này làm Nhà Nguyện tạm. Năm 1973, Họ Đạo cất lại ngôi trường học hai căn, một mái, lợp tôn, dùng làm Nhà Nguyện cho đến 1992 khi có ngôi Nhà Thờ mới xây dựng xong.

Từ năm 1963-1975 các Cha đến giúp Họ Đạo:

Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiếu ở Mặc Bắc.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Tấn ở Mặc Bắc.

Cha Antôn Nguyễn Long Khương ở Tiểu Cần.

Cha Matthêu Nguyễn Văn Sánh ở Trà Vinh.

Cha Giuse Phan Trung Nghĩa ở Hựu Thành.

Và có hai Dì ở Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum đến giúp tới giữa năm 1974 thì rút đi.

Từ khoảng giữa năm 1974 cho đến Noel 1976 dường như bỏ trống, vì Cha Phan Trung Nghĩa đến làm lễ Noel 1975 rồi thôi luôn. Đến lễ Noel 1976, Cha Phêrô Trần Hải Hà đến dâng Thánh Lễ đầu tiên ngày 27-12-1976 và tiếp tục coi sóc đến nay (2011).

Biến cố 1963, tất cả cơ sở của Họ Đạo bị phá bình địa, không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào, chẳng khác gì thành Giêrusalem ngày xưa, một cảnh hoang tàn đổ nát, chỉ còn mấy nền nhà trơ trọi gạch đá. Chủ chăn không còn, đàn chiên tan tác. Một số chạy ra huyện, một số khác chạy lên Sài Gòn hay các thị xã khác để kiếm việc làm sinh sống, chỉ còn khoảng một nửa ở lại Họ Đạo. Sau 30.4.1975, hoà bình lập lại, phần lớn giáo dân trở về quê hương tái lập cuộc sống trong lo âu, sợ hãi. Đứng trước hoàn cảnh đó không ai có hy vọng kiến thiết lại ngôi Nhà Thờ và các cơ sở khác, nhất là ngôi Nhà Thờ để có nơi thờ phượng. Nhưng sự quan phòng của Chúa không để cho con cái Ngài thất vọng, Ngài đã làm một việc kỳ diệu. Đầu năm 1989, Họ Đạo làm đơn gởi lên tỉnh xin phép làm Nhà Thờ, đơn viết tay và một bản vẽ sơ sài, gần 2 năm không ai giải quyết, không biết cái đơn còn hay mất, đang nằm ở cơ quan nào. Tôi được mời đi họp Mặt Trận Huyện, trước cuộc họp, nói chuyện nửa thật nửa chơi với Chủ tịch Mặt Trận về đơn xin phép làm Nhà Thờ đã gần 2 năm không ai giải quyết cho phép hay không cho, còn hay mất, tính đến Phòng Tiếp Dân Tỉnh nhờ hỏi và giúp đỡ, tiếp đến vào cuộc hợp không đề cập nữa. Xong cuộc họp, tôi ra về, anh thư ký chạy ra mời tôi trở vào, không hiểu chuyện gì. Khi tôi ngồi lại, bà Chủ tịch Mặt Trận nói: “Tôi hứa với Linh Mục, một tuần lễ sẽ có giấy phép cho Linh Mục”. Đúng thật, chưa đầy một tuần lễ anh thư ký đưa giấy phép cho tôi. Thật là điều bất ngờ đến với tôi, đúng là kẻ trông cậy Chúa không bao giờ thất vọng…Được giấy  thì mừng lại lo hơn, vì trong túi không có một đồng xu nào, lại cả gan nói chuyện xây Nhà Thờ, thật viễn vông! Dầu vậy, trông cậy vào Chúa, tháng 3.1991, tôi khởi sự xây Nhà Thờ, đến 11.1992 hoàn tất Nhà Thờ và nhà các Dì, nâng cấp Nhà Nguyện tạm làm trường học.

 Ngày 1.1.1993, Đức Cha Giacobê Nguyễn Văn Mầu và các Cha trong Giáo phận đến dâng lễ tạ ơn và làm phép ngôi Nhà Thờ mới, cũng là ngày lễ Bổn mạng của Họ Đạo. Nay thì các cơ sở của Họ Đạo đã hoàn chỉnh và có thêm Đài Đức Mẹ, hoàn thành và làm phép ngày 15.8.2008. Số  giáo dân hiện thời khoảng 800 người, nhìn chung đời sống đạo có đức tin…

 
5543    15-01-2011 13:47:03