Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Họ Đạo Cái Lóc

z4921028219636d71afd2b20314299f1f1f7eb0b870f64

Địa chỉ: ấp An Hương 2, xã Mỹ An, Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long

Bổn mạng: 

Chầu lượt: CN X Thường niên

Số giáo dân: 200

Năm thành lập:

Giờ lễ

Chúa nhật:                        07g00

Linh mục chánh sở: Giacôbê Nguyễn Văn Mẫn     

 

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

Danh gọi: trước đây họ đạo Cái Lóc có tên là An Hương, vì xưa ấp mà nhà thờ được xây dựng có tên là An Hương nên gọi là nhà thờ An Hương. Từ ngày 15/6/1990, cha Giuse Lục nhận họ đạo An Hương thấy tên địa phương đơn giản dễ thương cổ xưa: Cái Lóc, nên cha Giuse đã lấy tên Cái Lóc đặt tên cho họ đạo, họ đạo Cái Lóc (Cái Lóc, Cái Cạn, Cái Tranh, Cái Kè).

Họ đạo có lịch sử lâu đời: Đức Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp tìm hiểu cho biết từ năm 1990 họ đạo Cái Lóc có khoảng 120 năm, vì có một ông cụ ở gần cầu Tân Hữu đã cao tuổi (lúc đó đã 80 tuổi) nói: khi còn nhỏ tôi có theo các cha thừa sai đến nhà thờ Cái Lóc giúp lễ. Theo giáo dân lớn tuổi nói lại: họ đạo Cái Lóc trước đây có hai nền nhà thờ bằng 19 nền nhà thờ thứ nhất nằm trên khu đất diện tích khoản 5000m2 do các cha thừa sai mua. Nhà thờ này có kích cỡ và kiểu dáng như nhà thờ Thủy Thuận (An Phước) và Cái Kè (Mỹ Phước) cũ. Cha Giuse Lục có đến quan sát đất nhà thờ cũ (I) và được biết đất này thuộc ấp An Hòa, xã Mỹ An huyện Măng Thít tỉnh Vĩnh Long (các nhà bà Sáu Thiên, ông Tư Mau, ông Tám Hùng, ông Ba Ẩn, ông Tư Hùng ở trên đất này). Ngôi nhà thờ An Hương (I) này đã bị cha Phêrô Tý lúc đó là cha sở Mỹ Chánh dỡ theo lệnh tiêu thổ kháng chiến Nam Bộ 1933, chở về Mỹ Chánh. Nền nhà thờ thứ hai (II) do cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang (lúc đó là cha sở Chánh Tòa) mua, năm 1955 cha Quang cất nhà thờ bằng tre lá nằm trên bờ sông Cái Lóc. Đất nhà thờ (II) nay thuộc ấp An Hương 2, xã Mỹ An, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long. Để coi sóc nhà thờ, dạy học, dạy giáo lý cha Giacôbê đã sắp xếp hai Dì MTG Cái Nhum ở tại đây. Các cha Phêrô Phan Ngọc Đức, Matthêu Nguyễn Văn Sách, cha Dương Văn Oai là các cha phó Chánh Tòa đã đến nhà thờ Cái Lóc làm lễ Chúa Nhật hàng tuần. Có một thầy đã từng đến giúp năm tại đây là thầy Phêrô Phạm Hoàng Điềm, hiện nay đang làm cha sở họ Xuân Hiệp. Lúc cha Điềm còn ở tại Tòa Giám Mục Vĩnh Long, cha Giuse Lục có chở cha Điềm xuống thăm họ đạo Cái Lóc, gặp lại các học trò xưa. Theo giáo dân Cái Lóc kể lại năm 1956 có cuộc rửa tội tân tòng đông đảo (những người trở lại vì thời cuộc). Hiện nay còn một số người (một ít còn giữ đạo), đa phần đã bỏ đạo hoặc di chuyển đi nơi khác. Đầu năm 1975 nhà thờ (II) này bị pháo kích sập. Đất nhà thờ (II) này có hai này có hai gia đình đang sinh sống. Gia đình công giáo ông Phêrô Trần Văn Lệ, gia đình người lương ông Bảy Quắn.

Một họ đạo nhỏ bé bị lãng quên:

Ngày xửa ngày xưa, không biết họ đạo Cái Lóc có sinh hoạt thế nào không nghe ai kể lại. Thời cha Giacôbê Quang thì các cha phó hàng tuần đi "bo bo" xuống làm lễ Chúa Nhật (cha Phêrô Đức, cha Matthêu Sánh). Thời chiến tranh việc cử hành thánh lễ có phần thưa thớt. Khi nhà thờ nằm trong vùng không có an ninh thì các cha không xuống làm lễ nữa. Họ đạo An Hương lúc đó thật sự mồ côi. Đức tin như phai mờ, lòng tin dần dần rơi đến cạn hẳn, số người bỏ đạo tăng, lớp trẻ không quan tâm tới đạo nữa. Một số gia đình còn nhiệt tình sống đạo bằng tam bản đi đường sông, hay đi bộ đến các nhà thờ kế cận dự lễ. Sau biến cố 30/4/1975 Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu thương họ đạo An Hương, nên đã sai một cha giáo Chủng Viện là cha Mai Trí Thức làm cha sở họ An Hương. Cha Phêrô Nguyễn Phước Lợi (lúc đó là cha sở nhà Cầu Bắc Mỹ Thuận) chở cha Giuse Thức xuống thăm họ đạo. Thấy nhà thờ sập chỉ còn là một đống cây, cha Giuse về gặp Đức cha từ chối không xuống Cái Lóc. Họ An Hương mồ côi thật không có ai lo. Năm 1977 Đức Cha Giacôbê bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Đức Thuận trẻ Trung làm cha sở họ Long Mỹ kiêm nhiệm cha sở họ An Hương. Nghe giáo dân kể lại: cha Phêrô Thuận có xuống thăm họ đạo An Hương và dâng năm lễ giỗ: hai lễ giỗ nhà ông Anrê Đỗ Ngọc Lượm và ba lễ nhà bà Chín mẹ cô Sáu Thiên. Chính cha Phêrô Thuận cho biết, ngài cũng không làm gì hơn cho họ đạo. Một số giáo dân An Hương từ 1975 -1990 hoặc không đi lễ Chúa nhật, hoặc thỉnh thoảng đi dự lễ Chúa nhật tại nhà thờ Long Mỹ, Măng Thít, Vĩnh Long, hay nhà thờ Đình Khao Long Hồ Vĩnh Long. Trước năm 1990, một số ít giáo dân Cái Lóc lên Đình Khao dự lễ Chúa Nhật, họ làm quen với cha Giuse Lục (lúc đó cha Giuse Lục được cha Antôn Ngô Văn Thuật cha sở Chánh Tòa Vĩnh Long kiêm Đình Khao nhờ làm lễ Chúa nhật tại Đình Khao với tư cách xâm canh), cha Giuse Lục có đến thăm một số gia đình sinh sống tại ấp An Hương 1 và 2. Theo yêu cầu của bà Sáu Búi, cha đến ban Bí tích xức dầu an ủi ông Nicôla Bùi Chấn Thế và làm lễ an táng ông tại nhà. Năm 1990, Đức Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp, Giám Mục phó Vĩnh Long chuẩn bị đi Rôma (Ad limina) viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô báo cáo hiện trạng về giáo phận tháng 11/1990. Ngài thương họ đạo An Hương bị mồ côi nên đã nhờ cha Giuse Đinh Quang Lục xuống xem xét làm bản thống kê hiện tình giáo dân họ An Hương. Cũng dịp này, Đức Cha Giacôbê Giám Mục Chánh Tòa Vĩnh Long bổ nhiệm cha Giuse Lục làm sở Cái Lóc (15/6/1990). Cha Giuse vui vẻ tiếp nhận họ đạo mồ côi, giáo dân sống rải rác, lòng đạo lạnh nhạt như vỡ đàn tan nghé. Đất nhà thờ không còn, nhà thờ không có. Buổi đầu cha Giuse tính chuộc nền nhà thờ thứ II, dò đi xét lại thấy khó khăn, có thể hư hỏng cả tương lai, nên cha phải tìm cách mượn đất mượn nhà để qui tụ giáo dân nung đúc tinh thần, qui tụ giáo dân thành một đoàn chiên mạnh dạn theo vị chủ chăn nhân lành là Chúa Giêsu Kitô.

Một họ đạo Phục Sinh:

Lãnh một đạo cố cụ đã nhiều lần nguội lạnh vì chiến tranh vì muôn vàn khó khăn, các chủ chăn không thể gần gũi con chiên, không có người lớn làm nồng cốt để qui tụ dân Chúa, nên giáo dân nguội lạnh đến lơ là, không quan tâm đến việc chung họ đạo, cha Giuse đã cầu nguyện, trình bày hiện tình họ đạo và lãnh ý của hai Đức Cha, đồng thời cha cũng mau lẹ nắm bắt mọi cơ hội thuận lợi để lo cho họ đạo. Gặp cha Giuse, giáo dân vui mừng, hy vọng đợi chờ xem cha có thể làm gì lo cho họ đạo, lo cho giáo dân. Giáo dân Cái Lóc hoàn toàn thụ động. Có một dịp mai, cha Giuse có dọa hỏi đất, nhưng không mấy thuận lợi, riêng gia đình anh chị Kiệt + Phượng (ông bà Mười Bò và ông bà Xíu Lìn đều là chủ lò gạch là cha mẹ hai bên). Làm lò gạch có một căn nhà tường lợp ngói trên miếng đất khoản một công, nơi anh chị làm gạch mộc. Vì công việc làm ăn không thuận lợi nên anh chị muốn nhượng lại đất và nhà với giá 34 chỉ vàng 24 Kara.

Sau khi bàn hỏi với hai Đức Cha Giacôbê và Raphae, cha Giuse đã làm giấy mượn đất, mượn nhà lâu dài làm nơi giáo dân qui tụ học giáo lý, cầu nguyện, dự lễ, lãnh nhận các Bí tích (28/12/1991 anh chị 20 chỉ, ngày 22/9/1992 anh chị lấy 14 chỉ). Cha Giuse mau lẹ xin chị Phương, người lanh lẹ hoạt bát đã nhập khẩu cho hai Dì MTG Cái Nhum (Dì Bảy Hiền và Dì Năm Ánh Tuyết) vào hộ khẩu của chị, để các Dì có thể hiện diện làm việc công khai tại Cái Lóc: mở nhà ký nhi, dạy giáo lý và sinh hoạt giới trẻ thăm viếng các gia đình. Việc sinh sống của các Dì cha Giuse lo và sắp xếp. Việc xin làm lễ tại Cái Lóc, cha Giuse xin chị Phượng giúp xin phép xã và huyện. Đáp lời yêu cầu của cha Giuse, chị Phượng đã đích thân cầm đơn xin làm lễ của họ đạo (13/5/1992) đến UBMT xã Mỹ An và được xã chứng chuyển ngày 24/8/1992 và chị đến huyện Măng Thít và được UBMT huyện Măng Thít chứng chuyển ngày 20/9/1992. Nhờ chứng chuyển của UBMTTQ xã Mỹ An và huyện Măng Thít, cha Giuse đã đến UBMT tỉnh Cửu Long và UBMTTQ tỉnh dựa trên sự chứng chuyển của xã Mỹ An và huyện Măng Thít cùng với giấy bổ nhiệm của Đức Cha Giacôbê (15/6/1990) đã thuận nhận cho cha Giuse xuống Cái Lóc làm lễ, nên UBND xã Mỹ An đã nhất trí (30/10/1992) cho cha Giuse làm lễ chính thức tại nhà anh chị cho mượn.

Trước ngày được làm lễ chính thức, cha Giuse đã thỉnh thoảng gặp gỡ anh chị em tín hữu Cái Lóc thờ phượng Chúa có lúc qui tụ được 70 người lớn nhỏ. Được phép chính thức làm lễ, cha Giuse làm một mái lá trên sân và hàng ba thành nơi làm lễ tạm. Hằng ngày cha Giuse xuống tập hợp giáo dân dạy giáo lý, làm lễ. Vì chủ trương trồng cây phải tưới tắm, chăm sóc mỗi ngày, bón phân, xịt sâu...nghĩa là vị mục tử phải gần gũi thương lo chu cấp lương thực tinh thần cho giáo dân. Chắc chắn không có sinh hoạt nào sinh động và hiệu quả cho bằng Thánh lễ. Tất cả mọi sinh hoạt xây quanh Thánh lễ, Thánh Thể là nguồn sống của Giáo hội. Những ngày thời gian đầu giáo dân đi lễ hàng ngày khoản 40 -50 người, đa phần là giới trẻ. Sau thời gian được sinh hoạt chính thức, cha Giuse bắt đầu rửa tội, hợp thức hóa hôn phối, thiết lập Quới chức, chia phiên các gia đình phụ trách để chiều thứ bảy, sáng Chúa nhật hàng tuần; quét dọn chỗ làm lễ, đọc sách thánh, dâng của lễ. Họ đạo Cái Lóc đã sống lại sống động. Tiếc một điều, cha Giuse lúc đó quá ôm đồm cùng một lúc lo cho bốn họ đạo Thiềng Đức, An Bình, Đình Khao, Cái Lóc. Dù có hai cha Antôn Nguyễn Văn Trạch, cha Fx Nguyễn Văn Việt giúp ngày Chúa nhật, cha già Phaolô Nguyễn Văn Đoán giúp làm lễ ngày thường, cha Giuse cũng không thể dành thời giờ đủ để chăm sóc họ đạo mới phục sinh này.

Từ mái lá dễ dột sau hai ba năm mưa nắng, cha Giuse thay cột đúc, kèo sắc, mái tole fibreau ciment, mở rộng nơi làm lễ cả chiều rộng lẫn chiều dài. Cha đúc chuông 5 tấc 4 và treo trên cây vú sữa, tiếng chuông từ đây vang lên mỗi sáng, mỗi chiều loan báo cho bà con xã Mỹ An biết cộng đồng công giáo đã hiện diện và sinh hoạt chính thức ở Cái Lóc.

Năm 1991 nhìn về tương lai chuẩn bị xây dựng nhà thờ, cha Giuse sắp xếp mua năm công đất ruộng của ông bà ba Phong chủ lò gạch sát tỉnh lộ 31. Đây là nền đất nhà thờ thứ ba. Vì sát lộ có 4 gia đình làm nhà trên đất ông ba Phong là bà Tư Thổ, gia đình Út Quảng, gia đình Mộng Tuyền và gia đình cháu ông ba Phong, nên cha Giuse đã yêu cầu ông ba Phong di dời họ đi nơi khác. Thực tế ông ba Phong chỉ di dời nhà cháu ông được, còn ba gia đình kia thì không. Sau cùng năm 1995 cha Giuse cũng phải nhắm mắt đo đạc sang tên năm công 6 cây vàng 24 Kara. Đo đạc xong, dựng cột móc, làm giấy tờ tại xã Mỹ An, cha Giuse đã trao tiền cho ông bà ba Phong tại UBND xã dưới sự chứng kiến của chính quyền. Năm 1996 cha Giuse lên công chứng tỉnh Vĩnh Long làm giấy hiến đất cho họ đạo Cái Lóc, nhưng mãi đến năm 2004 đất này mới thực sự được sang tên cho họ đạo. Nhà Nước trưng dụng 280m2 làm đường, họ đạo còn 4720m2. Đầu năm 2006 được phép xây dựng nhà sinh hoạt tôn giáo, cha Giuse đã ráo riết xây dựng chiều dài 20m x 12m hàng ba 4m. ngày 19/3/2006 dời điểm làm lễ ra nhà sinh hoạt. Ngày 1/5/2006 Đức Cha Tôma chủ sự lễ làm phép khánh thành nhà sinh hoạt tôn giáo. Từ nay họ đạo Cái Lóc có căn bản vươn lên với nhiều hy vọng.

Sinh hoạt mục vụ:

- Cha và các Dì có chương trình đi thăm các gia đình, động viên mọi người đi lễ, gỡ rối, gần gũi và cảm thông với giáo dân nghèo tiền, nghèo học thức, nghèo đạo đức.

- Cha và Dì đều lo dạy giáo lý, mỗi người lo cho các đối tượng được ấn định rõ: chầu nhưng, rước lễ vỡ lòng, thêm sức, bao đồng.

- Thánh lễ hàng ngày, sinh hoạt giới trẻ: để có cha dâng lễ đều đặn cho giáo dân cha Giuse đã nhờ các cha Phaolô Đoán, Antôn Trạch, Fx Việt tiếp tay tích cực. Được chuyện nhưng thiếu nhất quán, biết làm sao.

- Việc trung thu qui tụ các trẻ lương dự lễ sinh hoạt vui, phát quà. Các em đến rất đông chật nơi làm lễ.

- Dịp Giáng Sinh có hoạt cảnh trước lễ, đông người lương dân đến dự. Bầu khí vui vẻ, sinh động...

- Vì họ đạo không có Đất Thánh nên giáo dân có thói quen an táng thân nhân trên dất nhà. Giáo dân đến cầu lễ, dự lễ an táng. Đây là việc truyền giáo theo phương pháp thính thị tốt.

- Trong thời gian từ 2004 đến nay:
+ Thứ bảy 5 giờ chiều có lễ thay Chúa Nhật.
+ Sáng Chúa Nhật 7 giờ 30 lễ.
+ Sau lễ chiều thứ hai, thứ tư : giáo lý chầu nhưng
+ Thứ Ba và thứ năm tập hát cộng đồng.
+ Thứ sáu học Kinh thánh chuẩn bị cho Chúa Nhật tới. Tìm hiểu ý chính ba bài, rút ra chủ đề thánh lễ, áp dụng.
+ Đầu năm 2006 vì thiếu người làm việc bà Nhất Hiệp đã rút hai Dì MTG Cái Nhum đi khỏi Cái Lóc.
+ Đầu năm 2007 các Soeur Nữ Tử Bác Ái lo dạy nhà trẻ, sỉ số các em nhà trẻ càng ngày càng đông, các em đi vào nề nếp.

Các cha đã phụ trách họ đạo An Hương:
+ Một thời do các cha sở Chánh Tòa Vĩnh Long (không rõ).
+ Một thời do các cha sở Mỹ Chánh (không rõ).
+ Từ 1954 - 1965 cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang (cha sở Chánh Tòa Vĩnh Long).
+ Từ 1965 - 1973: cha Benoit Trương Thành Thắng.
+ từ 1973 - 1975: cha Phaolô Trịnh Công Trọng.
Vì chiến tranh vắng bóng các cha
+Từø 1977 - 1990: cha Phêrô Nguyễn Phước Thuận.

Coi sóc họ đạo Cái Lóc:
+ Từ 13/6/1990: cha Giuse Đinh Quang Lục.
+ Cha phụ tá: Antôn Nguyễn Văn Trạch 1988 - 2002.
+ Cha Fx Nguyễn Văn Việt 1988 - ...
Tiếp giúp: cha Phaolô Đoán (4 năm).

2841    21-02-2011 22:07:58