Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Họ Đạo Đình Khao

z5052593965300e53f5723e91630f0eba2500d3604b1ed

Địa chỉ: Thanh Mỹ 1,Thanh Đức, Long Hồ , tỉnh Vĩnh Long.

Bổn mạng:

Chầu lượt: CN III Mùa chay

Số giáo dân: 150

Năm thành lập:

Giờ lễ

Chúa nhật:      08g00

Ngày thường: 18g00

Linh mục Chánh sở: Matthêu Nguyễn Tấn Thụy

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

Ngay từ khi nhận nhiệm vụ chủ chăn Giáo Phận Vĩnh Long năm 1938, Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục đã tôn vinh Á Thánh Philipphê Phan Văn Minh vị anh hùng đã tử đạo tại sân Đình Khao ngày lễ Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa 3.7.1953, nhận ngài là bổn mạng Giáo Phận Vĩnh Long và sau này là bổn mạng Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long, 88 Trưng Nữ Vương- F1- thị xã Vĩnh Long.

Sau này kỷ niệm long trong với những ngày thủy lục Cái Mơn, Vĩnh Long mừng 100 năm Á Thánh Minh tử đạo, cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang (1965 là Giám Mục Cần Thơ thay thế Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền nhận chức Tổng Giám Mục Huế), lúc đó là nha sở Nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long đã xúc tiến mua một thửa đất gần chỗ Á Thánh Minh tử đạo để nhắc nhớ giáo dân Vĩnh Long nhớ vị Thánh bổn mạng giáo phận, gương mẫu tuyệt vời sống và tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô, vào Thiên Chúa trên đất Vĩnh Long.

Đất đai: nguồn gốc đất trung tâm Đình Khao hôm nay.

12.000m2 tại xã Long Đức Đông- Thiềng Đức chủ sử dụng là họ Công giáo, địa bộ cũ 33ie, địa bộ mới 838. ông Đỗ Văn Phát bán cho bà Trần Thị Nhẫn qua tờ đoạn mãi lập ngày 25.6.1956. Sau đó bà Trần Thị Nhẫn bán đứt cho họ đạo Vĩnh Long do linh mục Nguyễn Ngọc Quang làm đại diện với giá 9000đ, tờ đoạn mãi lập ngày 11.7.1962 trước bạ tại Vĩnh Long ngày 12.7.1962. 2.6876m2 tại ấp Sơn Đông, xã Long Đức: chủ sử dụng là Trương Thành Thắng, địa bộ cũ 210-396 ie, địa bộ mới 901, chiết ra từ thửa số 394, thừa kế Phan Thị Lài bán đứt cho linh mục Trương Thành Thắng với gia 40.000đ, tờ đoạn mãi tại Vĩnh Long ngày 2.1.1968.

3.268m2 tại ấp Thanh Mỹ, xã Thanh Đức chủ sử dụng là linh mục Đinh Quang Lục. Đất này mua của ông Đỗ Văn Luông ngày 6.8.1991, qua công chứng nhà nước số 6/TT-CC ngày 22.4.1992 huyện Long Hồ chấp nhận năm 1995.

Giờ đây phần đất này dùng vào việc xây dựng và củng cố đức tin của mọi tín hữu theo mẫu gương của hai vị Thánh tử đạo thân yêu của giáo phận là Thánh Philipphê Phan Văn Minh và Thánh Trùm họ Giuse Nguyễn Văn Lựu.

Biến động đất đai:

Biến động đất đai có liên hệ với các linh mục Chánh sở

Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang cha sở Chánh Tòa Vĩnh Long từ năm 1948-1965.

Cha Benoỵt Trương Thành Thắng cha sở Chánh Tòa Vĩnh Long từ 1965- 1973 đã mua thêm 6.872m2 đất năm 1968. Có lẽ năm 1967 ngài đã xây Nhà thờ Đình Khao đầu tiên trên phần đất này với khung sắt tiền chế của Pháp theo kiểu Trường- Nhà thờ (école-chapelle) và mời gọi hai Dì MTG Cái Nhum đến cộng tác chăm sóc Nhà thờ, dạy giáo lý, dạy học

Cha Phaolô Trịnh Công Trọng, cha sở Chánh Tòa Vĩnh Long từ 1973-1977.

Năm 1973 đã cho ông Nguyễn Văn Hiền (7 Hiền) là người lương canh tác 6876m2 đất ruộng do cha Benoỵt Thắng mua. Năm 1974 cha Phaolô lại cho ông Nguyễn Văn Nhẫn là người công giáo Xuân Hiệp di cư lên Thiềng Đức cất nhà trên phần đất cha Giacôbê Quang mua và canh tác 3000m2 đất ruộng do ông Hiền trao lại.

Cha Antôn Ngô Văn Thuật cha sở Chánh Tòa từ năm 1977 đã cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Cao và Nguyễn Thị Thùa đến ở trên đất Nhà thờ. Ông bà Cao mua lại căn nhà của ông Sáu Nhẫn và canh tác phần đất vườn và ruộng do ông Sáu Nhẫn trao lại với lời căn dặn "đây là đất Nhà thờ". Năm 1988 cha Antôn Thuật đổi chác đất Nhà thờ 5mx20m cho ông bà ba Phúc lấy ximăng xây hầm gas Nhà thờ Chánh Tòa. Dịp này ông bà Ba Phúc lấn đất Nhà thờ mà không ai tranh cãi. Việc nhượng đất này cha Thuật kêu ông tám Cao ký giấy mà thực tế đo đạc năm 1983 đặng làm giấy, phần đất này do bà Chín Nguyễn Thị Kỷ nữ tu dòng MTG Cái Nhum đứng tên.

Ngày 1.1.1990 cha Antôn Nguyễn Văn Thuật ghé Nhà thờ Thiềng Đức xin cha Giuse Đinh Quang Lục thay thế coi họ Đình Khao, đồng thời trao 300USD với lời hứa sẽ giúp đỡ tinh thần và vật chất khi cần. Ngài cũng nói chỉ nên làm đền nhỏ đã có mô hình để bà con đến kính viếng.

Cha Giuse Lục sau khi gặp hai Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu và Raphae Nguyễn Văn Diệp trình bày sự việc cha Antôn trao họ đạo được hai Đức Cha khuyến khích và hướng dẫn.

Cha Giuse Lục đã triệu tập cuộc gặp gỡ ông bà Cao, Thùa, bà Bảy Hiền, cha Antôn Thuật và cha Giuse Lục để giải quyết vấn đề đất cát mà mà hai hộ này đang canh tác với biên bản cụ thể.

Bà bảy Hiền đòi bồi hoàn thành quả lao động 4 chỉ và sau vụ mùa Đông Xuân sẽ trả Nhà thờ 3000m2 ruộng; sau khi thương lượng, tất cả thống nhất 3 chỉ vàng và cuối tháng 6 trả lại đất, khi trả đất thì trao 3 chỉ vàng.

Ông bà Thùa, Cao hứa trả lại đất khi Nhà thờ cần thực tế bà đã bán cho ông Ba Phúc 1000m2 ruộng với giá 200.000đ V.N. cha Giuse đã trao cho bà 200.000đ và yêu cầu bà chuộc lại từ ông bà Ba Phúc. Cuộc chuộc lại bất thành vì ông bà Ba Phúc đòi 500.000đ. Số tiền 200.000đ bà Thùa đã gởi nơi cha Antôn Thuật.

Cha Giuse Lục sau khi chuộc và đòi đất ngài mua 268m2 đất nghĩa địa của ông Xã Luông có giấy chủ quyền năm 1995.

Việc chuộc lại đất và nhà ông bà Ba Phúc, thì ông Chính Tâm Mặt Trận Tỉnh Vĩnh Long đàn xếp giữa đôi bên đề nghị bên nhà thờ trao 100.000.000đ VN thì gia đình ông bà Ba Phúc xách đồ đi trao lại đất đai nhà cửa cho nhà thờ.

Từ năm 2000 cha Giuse Lục đã trình bày với các Đức Cha của giáo phận, cũng lên tiếng giữa các cha trong các dịp cấm phòng năm giáo phận. Cha Giuse Lục không có trong tay một lúc đủ 100 triệu đồng VN nên việc trả nhà đất không thành. Cuối năm 2002 cha Giuse có đủ 100 triệu đồng trong tay thì nhà nước bảo Linh mục Lục không còn ở Đình Khao nên không giải quyết. Cha Tadêô Don đã thay cha Giuse Lục đã liên lạc với ông bà Ba Phúc chuộc lại khoản trên 400m2 hồ với giá 35 triệu đồng VN.

Việc san lấp mặt bằng thực hiện dần dà từ năm 1990, vì không có đủ tiền nên một kỳ hành hương giáo dân đều thấy những mới mẽ làm phấn khởi lòng người. Được như vậy là do anh chị em giáo dân tại chỗ và giáo dân Búng Bò tích cực cộng tác lao động, họ kéo cát do ghe đổ ngoài bờ sông xưởng đóng tàu vào đất nhà thờ. Có những giai đoạn quyết liệt làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm. Cũng có những ngày giáo dân tại Đình Khao ban ngày đi làm công chiều về mới dâng công kéo cát. Thật là những con người hy sinh đóng góp cho mảnh đất anh hùng. Vì vậy hôm nay vẫn có những giai thoại được kịch hóa về ngày phán xét...người giáo dân Đình Khao được thánh Phêrô dễ dàng cho vào Thiên đàng, nhưng người giáo dân sợ...nếu trong ấy đã có cả Giuse Thợ...Tổng số cát giáo dân kéo tay bằng 3 xe cải tiến 2 bánh bơm khoảng trên 6000m3 . Thời cha Giuse số cát cồn san lấp mặt bằng từ giá 10.000đ/1m3 đến 15.000đ/1m3 và đất thì 70.000đ/1xe 7m3 đến 100.000đ/1xe 7m3 , số tiền tốn phí gần 200 tiệu đồng.

Đến năm 2001 thì toàn diện tích mà nhà thờ sử dụng đã được san lấp. Dầu vậy mùa nước nổi vẫn ngập vì nó không cao đủ. Dịp chuẩn bị năm Thánh giáo phận 2003, đầu năm Tòa Giám Mục đã yểm trợ đổ cát nâng cao mặt bằng bằng xe tải Vạn Thành Phát.

Về cơ sở vật chất:

Sửa Nhà thờ xuống cấp trầm trọng vào dịp đầu năm 1991. Có giấy phép sửa chữa của Giám Đốc Sở Xây Dựng Cửu Long Đặng Ngọc Bảo ký ngày 26/06/1991. Dịp sửa này làm cho nhà thờ có mặt tiền như hiện nay, nới hai hàng ba hai bên rộng như hôm nay và lót nền bằng dalles. Sửa hai bên tường trống để giáo dân đông đảo bên ngoài có thể tham dự lễ. Làm mới gian cung Thánh với các tượng mới Chúa sống lại trên Thánh Giá, phù điêu Đức Mẹ và Thánh Giuse, tượng Thánh Minh. Sau nay thêm chặng đàng. Sửa nhà các Dì thành nhà khách. Xây nhà trẻ kế tượng đài cũ gần cổng. Dựng nhà các Dì sau bệ tượng Thánh Minh. Tượng này do Đức Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp cho tiền với ý toàn thể các linh mục giáo phận kính dâng Thánh Minh. Tiếp liền làm nhà bếp có lầu Ván. Với thời gian xây hồ nước và bồn nước thay thế chỗ cây dương. Giáo dân đào hố lấy đất đắp nền nhà các Dì sau lễ đài tạm năm 1995. Làm hồ cá tra vệ sinh. Xây tường rào 1997. Xây hồ cá hiện nay, làm nhà khách (bây giờ là phòng triển lãm tranh). Xây nhà lầu đúc một tấm làm nhà các Dì, phòng khách, nhà trẻ, dịp hành hương làm nhà khách cho khách hành hương. Làm nhà ăn và nhà để xe trên nền nhà bà Tám Thùa. Câu nước Thành Phố. Chuẩn bị năm Thánh, dời nhà các Dì làm nhà kho phía đầu Nhà thờ.

Đầu năm 2003, chuẩn bị khai mạc năm Thánh giáo phận dời lễ đài, làm lễ đài mới cho khoảng 200 linh mục đồng tế. Đổ cát lót dalle sân. Xoay hướng làm mới nhà cơm khánh hành hương, lót dalle bên khu nhà cơm. Trang trí khu triển lãm.

Thật ra cơ sở tại Đình Khao cơ bản còn nhiều thiếu sót, tạm bợ.

Đầu năm 2007 cha Micae Sung thay thế cha Giuse Khoa làm lễ cho họ đạo đã nâng cao nền Nhà thờ, nâng cao dốc mái, lợp tôn mới; sửa mái nhà bếp lầu, nâng nền lót gạch thay dalles. Phía sân trước chỗ tượng đài Thánh Minh, cha Don đã đỗ cát lót dalles, lại nâng cao mặt nền để trung tâm có một mặt nền đồng đều, tương đối ổn định. Cha Don cũng ước ao xây Nhà thờ mới cho trung tâm.

Việc mục vụ tại trung tâm:

Họ đạo: Thời cha Phaolô Trọng và cha Antôn Thuật, họ đạo Đình Khao chỉ có lễ Chúa Nhật. Giáo dân dự lễ gồm có một số ít tại Đình Khao cộng với giáo dân xóm Búng Bò do ông Hai Trọng điều động qua. Lúc đó Dì Chín Kỷ và Dì Sáu Thật (nhà phước Cái Nhum) coi sóc Nhà thờ, Nhà thờ xuống cấp trầm trọng.

Ngày 01.01.1990 cha Antôn Thuật trao họ đạo cho cha Giuse Lục phụ trách: giáo dân vẫn như cũ thêm một số người từ họ đạo Cái Lóc lên hiệp thông. Vì họ Cái Lóc không còn Nhà thờ, không có cha đến làm lễ.

Từ đây cha Giuse đi thăm bổn đạo, sửa sang Nhà thờ, lấp cát vườn xoài và chuối. Ban đầu xin phép làm thêm các ngày lễ trọng và lễ kính trong tuần. Dần dà xin phép làm lễ mỗi ngày trong tuần. Chủ trương vườn cây không tưới tắm, không chăm sóc thông thường không khá. Với các Dì về ở tại chỗ, làm việc tại chỗ dạy nhà trẻ, dạy giáo lý. Tập hát bầu khí sống đạo sôi động hơn.

Đây cũng là giai đoạn anh em giáo dân đóng góp nhiều công sức cho Họ đạo, tiền đề cho trung tâm hành hương sau này. Thời cha con lao động kịch liệt không mệt mỏi. Họ đạo mỗi ngày một chuyển mình thay đổi.

Ngoài việc mục vụ thiêng liêng, gia đình bà Hai Trọng dâng đất, ông bà Năm Phó giúp tiền, giáo dân Búng Bò ra công đã xây đài Đức Mẹ xuống ơn trước nhà ông bà Hai Trọng, dù gặp nhiều khó khăn Mẹ cũng hiện diện trong xóm như một nguốn an ủi trợ lực. Những buổi lễ Giáng Sinh thêm vui tươi nhộn nhịp, lễ Tết và Phục Sinh sống động. Họ đạo có cơ hội trở mình với ban Quới chức làm việc tốt thêm sinh khí, đi vào nề nếp.

Trung tâm hành hương: Từ cuối năm 1990, với sự động viên và hỗ trợ của Đức Cha Raphae, cha Giuse bắt đầu tổ chức hành hương vào ngày 2-3/7 và ngày 23-24/7 hàng năm kính Thánh Philipphê Phan Văn Minh và các Thánh tử đạo Việt Nam.

Cha Giuse Lục cảm nhận cha Giacôbê Quang đã dự kiến trong tương lai giáo phận Vĩnh Long phải đến.

Đình Khao trồng lại dấu ấn, nên ngài đã mua hơn hai công vườn. Cha Benoỵt Thắng linh cảm số đông người đến Đình Khao kính viếng vị anh hùng tử đạo của giáo phận, nên ngài mua gần bảy công ruộng của bà Phan Thị Lài. Đến tay cha Giuse Lục, những dự kiến và linh cảm của các vị tiền nhiệm đã trở thành hiện thực. Đối với cha Giuse, sĩ số người đến Đình Khao nay ít, mai ngày đông đảo mấy hồi. Trong cái nhìn lâu dài của cha Giuse Lục thì Đình Khao là nơi giới thiệu và trình bày cuộc đời ảnh hưởng của Thánh Minh với việc giáo dục đức tin của giáo phận. Với các Thánh Tử đạo Việt Nam (TTĐVN), Đình Khao là một trường đào luyện các giới lớp của giáo phận. Với cái nhìn đó, cha Giuse đã dùng văn nghệ, đố vui để học để mọi người hiểu biết và làm quen với Thánh Minh và các TTĐVN.

Cha Giuse Lục đã sắp xếp chương trình chiều 2/7 và 23/11 với cầu nguyện, xưng tội lễ khai mạc 5 giờ chiều.

7 giờ chương trình vui để học, học để sống vui qua văn nghệ và đố vui để học. Chương trình này là một cộng tác có chủ đề được các họ đạo, các nhà dòng như Cái Nhum, Cái Mơn tích cực đóng góp. Người đóng góp thì học sâu, người tham dự thì nghe lâu, nghe nhiều cũng rành rẽ.

10 giờ 30 rước kiệu Thánh Thể nguồn sống và hiến tế mẫu mực của vị tử đạo tuyệt vời, Đức Giêsu Kitô: các Thánh tử đạo cùng chịu đâu khổ và chịu chết với Người. Hài cốt các Thánh (xương Thánh) những người đã bền tâm trí chí đi trên đường của Chúa Kitô, con đường khổ giá, con đường khổ nạn dẫn tới vinh quang. Tiếp đến là tượng hay di ảnh của Thánh Minh hay các TTĐVN, những chứng nhân đã hoàn thành sứ mạng, kiện tâm theo Chúa trong lao nhọc thử thách gian nan, đã trung kiên bám chặt lấy Chúa tới hơi thở cuối cùng. Những người yêu Chúa tuyệt đối, không tiếc nuối điều gì, thà mất hết mọi sự kể cả con người và mạng sống, thề quyết không để mất Chúa. Các ngài đã chọn Chúa một cách quyết liệt, đã dâng hiến một cách hoàn toàn. Các ngài mẫu gương cho mọi tín hữu noi theo để sống đức tin giữa lòng dân tộc. Sau khi kiệu xong, đặt Mình Thánh Chầu có chia phiên cho đến 4 giờ 30 sáng ngày 3/7 hay 24/11.

  • 5 giờ thức.
  • 5 giờ 30 phụng vụ kinh sáng nguyện gẫm. 6 giờ thánh lễ. Rồi tiếp tục học, lãnh Bí tích Giải tội.
  • 9 giờ 30 tập hát thánh lễ trưa do Đức Cha chủ lễ. Chương trình tiếp tục rời rạc, vì ít người đến 4 giờ 30 lễ kết thúc ngày hành hương.

Trung tâm Đình Khao là nơi cầu nguyện cho các linh mục và tu sĩ sống đúng ơn gọi của mình, nhiệt tâm phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn. Các vị là muối men, là ánh sáng làm tươi mát bộ mặt của giáo phận Vĩnh Long. Có hành hương là có chầu Thánh Thể đem nhiều giờ.

Từ năm thánh 2003 kỉ niệm 150 năm Thánh Philipphê Minh tử đạo, sinh hoạt về đêm thay đổi với diễn nguyện theo chủ đề giúp khách hành hương nghe và nhìn: nghe các cha dẫn giải, nhìn những hoạt cảnh để thêm hiểu biết và tích cực cầu nguyện. Cũng trong năm Thánh, Đức Cha Tôma có phong chức linh mục cho các phó tế thuộc khóa .... Theo học tại Đại Chủng Viện Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ. Cũng từ đây những cuộc hành hương gắn liền với đào luyện Thiếu nhi giáo phận vào ngày 2/7 và đào luyện Quới chức vào ngày 23/11 hàng năm.

Các cha đã coi sóc Đình Khao:

  1. Từ 1962 - 1965 cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang mua đất đặt nền tảng cho đất Đình Khao hôm nay.
  2. Từ 1965 - 1973 cha Benoỵt Trương Thành Thắng mua đất mở rộng Đình Khao như hôm nay.
  3. Từ 1973 - 1977 cha Phaolô Trịnh Công Trọng.
  4. Từ 1977 - 1990 cha Antôn Ngô Văn Thuật.
  5. Từ 1990 - 2003 cha Giuse Đinh Quang Lục.
  6. Từ 2003 - Cha Tađêô Nguyễn Văn Don.

Các cha lo mục vụ tại họ Đình Khao:

  1. Từ cuối năm 2002 - 2006 cha Giuse Nguyễn Tiến Khoa
  2. Từ 2007 - cha Micae Nguyễn Hồng Sung.
5189    21-02-2011 20:44:36