Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Họ Đạo Gãnh

nha-tho-ganh

Địa chỉ: ấp An Bình 1, xã An Hòa Tây Ba Tri, BẾN TRE

Bổn mạng: 

Chầu lượt: CN I Mùa Vọng

Số giáo dân: 186

Năm thành lập:

Giờ lễ:                       

Chúa nhật:         16g00

Ngày thường:       19g30

Linh mục Chánh sở: Carôlô Nguyễn Văn Đồng

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

I. HỌ ĐẠO GÃNH VÀ XÃ AN HÒA TÂY, BA TRI, BẾN TRE

     Nhà Thờ Gãnh, ở trong sâu của con giồng có tên Gãnh Mù U (ở đây cây Mù U còn mọc rất nhiều) cách lộ đá 3 km, và cách chợ Ba Tri 9 km.

      Xã An Hòa Tây, nằm ở mạn Đông Nam của Ba Tri, là một trong những xã nghèo nhứt của Ba Tri, vì ít ruộng đất. Nơi đây, đất ruộng bình quân đầu người chưa được 300m2. Bù lại Gãnh (An Hòa Tây) nổi tiếng về nghề trồng hoa màu phụ, rau cải, cà bí, cung cấp cho cả tỉnh nhà và tỉnh lân cận… Dù vậy, mấy năm nay đời sống kinh tế của người dân còn rất thấp, còn nghèo, chính vì đất để trồng hoa màu, bình quân cũng rất nhỏ: Cả gia đình 5 miệng ăn, khá lắm là một công rẫy hoa màu. Người dân ở đây rất cần cù, nhưng cho đến hôm nay, họ chưa khá lên nổi chính là vì chỉ bám vào mảnh ruộng, miếng rẫy, không có nghề nào khác. Con người mỗi năm mỗi sanh, nhưng đất mỗi năm có thể mất đi hơn, chớ không sanh thêm. Lại nữa nghề làm rẫy càng ngày càng bị cạnh tranh; thị trường lại không bình ổn, nên kinh tế ở đây, xem ra khó mà lên được.

      Địa danh Gãnh Mù U: Lâu nay, nhiều người cũng nhắc đến địa danh này. Trước tiên cũng phải nói: hiện nay tại xã An Hòa Tây, Vĩnh An, Tân Thủy, nhất là những khu vực nước mặn, cây mù u còn mọc rất nhiều. Hỏi thăm những người xung quanh, họ cho rằng khu vực hiện nay thuộc ấp An Bình I, nghĩa là từ Chợ, UBND xã chạy ra tới cận bờ sông Hàm Luông, được gọi là Gãnh Mù U. Lý lẽ này chưa được thuyết phục cho lắm… Theo chính sử VN, khi nói về Cụ Phan Thanh Giản, có ghi: Ông quê ở Gãnh Mù U (nay là làng Bão Thạnh, huyện Ba Tri). Trong Nam Kỳ Địa phận, còn gọi là Gành Mù U: Danh từ Gành, theo Từ điển Tiếng Việt: Gành là doi  đất, hoặc dãy đất cát… Nếu chúng ta lấy năm 1945, làm mốc lịch sử, thì các xã Bảo Thạnh, Bảo thuận, Tân Thủy, An Thủy, chưa có người ở, hoặc rất thưa. Đó là một dãy đất cát có tên là Gãnh Mù U. Địa danh Gãnh Mù U còn được biết đến như là nơi dừng chân của các lưu dân từ Miền ngoài vào bằng đường ghe, trước khi định cư một nơi nào đó…

II. GỐC TÍCH

    1. Trong sổ Rửa tội Họ Đạo Giồng Giá (hiện Nhà Thờ Ba Tri đang giữ), quyển B từ năm 1875 – 1915, ở trang 203 có ghi: Phêrô NGUYỄN VĂN LÂN và Giuse NGUYỄN VĂN HOAN, Cha mẹ bên lương ở An Hoà Tây, Tổng Bảo Trị, đã được Cha Gioan Việc Rửa tội ngày 10/05/1902. Từ đó trở đi cho đến hết sổ (1915), còn thêm 5 người được Rửa tội.

     Theo sổ Hôn phối của Họ Đạo Giồng Giá từ năm 1871 – 1972: Năm 1932, ở An Hoà Tây có 6 đôi Hôn phối. Từ 1932 trở về trước (1871), không có đôi Hôn phối nào. Như vậy, cho ta thấy một đôi điều như sau: Trước năm 1931, cũng có ít người được Rửa tội tại An Hoà Tây, tuy nhiên phỏng đoán là chưa có Nhà Thờ hay Nhà Nguyện.

      2. Khoảng năm 1930, Ông ĐẶNG VĂN THÔI (tự Tám Thôi ) – Ông ĐẶNG VĂN MỐT – Ông VÕ VĂN CHÍNH – Ông VÕ VĂN CHIÊN – Ông Trưởng XÂY (không rõ họ tên), là những người có cộng tác với phong trào Việt Minh chống Tây; họ nghe đồn khi Tây trở lại sẽ đàn áp phong trào này dữ dội. Họ sợ quá nên cùng nhau, đứng đầu là Ông Đặng văn Thôi, dẫn lên gặp Cha Luca Nguyễn văn Sách, Cha sở Cái Bông, để xin Ngài che chở bảo lãnh cho họ. Cha Luca đã giúp đỡ họ, vì đó họ đã xin giữ đạo.

     Ngay sau đó không lâu, Cha Luca Sách cho lập nhà dạy tại ấp 5, An Phú, An Hoà. Đây chỉ là một căn nhà nhỏ bằng cây, lợp lá, vách lá. Thầy sáu Giuse Đặng Phước Hai được cử đến đây dạy tân tòng đầu tiên thời gian hai tháng; tiếp theo sau đó là Thầy Điểu (về sau là Cha sở Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn).

III. CÁC NHÀ THỜ

1. Nhà Thờ Đầu Tiên

       Nhà dạy ở ấp 5, An Phú, sau đó bị hư. Họ Đạo mua miếng đất của Ông Sáu Bửu giá 40.000 đồng (chính là nền Nhà Thờ hiện nay: ấp 4 An Bình 1, xã An Hoà Tây). Trên miếng đất này, Họ Đạo dựng lên một ngôi Nhà Nguyện nhỏ: ba căn bằng cây lợp ngói máng, vách be. Lúc đó người Công giáo độ mười gia đình mà thôi. Thực ra căn Nhà Thờ đầu tiên này được dựng lên trên nền nhà của Ông Tám Chẫm; phần đất phía trước Nhà Thờ, bên kia đường hiện nay.

2. Nhà Thờ Thứ Hai

      Đến năm 1971, Cha Phêrô Nguyễn văn Vỡ, Cha sở Ba Tri đã cho xây dựng ngôi Nhà Thờ thứ hai; số tiền lối 40.000 đồng. Nhà Thờ được xây dựng lại, mái tôn, hai bên xây tường, tương đối kín đáo, sạch sẽ. Ngang 6m không cột; ngược lại, cột đứng trong tường, mỗi căn 2,50m x 5 căn = 12,50m. Vì theo cột của nhà mua, nên mái hơi thấp và mái tôn lạnh khá nóng….

      Năm 1998, trên nền cũ, Nhà Thờ được tu sửa lớn như thấy hiện nay: Cơi hai bên tường lên hơn một mét rưỡi, làm lại nóc Fibro, bỏ phòng Thánh nới rộng ra sau, sửa sang mặt tiền chút ít, làm lại cung Thánh, sơn phết trang trí chút ít. Tuy nhiên Nhà Thờ cũng chỉ: Ngang: 6m  x  dài: 12, 50m (vì lúc đó, diện tích chỉ xin được bao nhiêu thôi). Lần sửa này, có thêm phòng Thánh (nhà khách) phía sau, bằng lá.

       Cuối năm 2004, Nhà Thờ đã lấy lại được một phần Đất Thánh (dính liền đất Nhà Thờ; nguyên phần này là một công rưỡi, nay chỉ còn lại một công kể cả Đất Thánh) nên đầu năm 2005, Họ Đạo đã cho xây hàng rào xung quanh kiên cố, làm sân kiểng phía trước Nhà Thờ, xây tượng đài Thánh Giuse Trùm Lựu, Bổn Mạng Họ Đạo và Nhà Thờ; hai bên và phía sau có trồng xoài trên những phần đất trống...

       Giữa năm 2006, xây thêm Nhà Xứ mới,  phía sau Nhà Thờ, như hiện thấy: 15m ngang x 11,50m dọc. Có phòng sinh hoạt giáo lý, một phòng cho Thầy hoặc Dì ở, một phòng áo lễ, một phòng bếp… Công trình trên 250 triệu đồng. Cùng lúc đó, nới thêm Nhà Thờ ra được 3 căn hẹp, mỗi căn 2,50m để làm cung Thánh. Nhà Thờ vì vậy rộng được một chút và khá khang trang… Có đài Thánh Giuse Trùm Lựu, là Bổn Mạng Họ Đạo, ở phía trước bên phải Nhà Thờ, có tháp chuông nhỏ phía trước và bên trái Nhà Thờ,  Đất Thánh phía sau Nhà Thờ cũng được sửa sang lại…

IV. CÁC LINH MỤC VÀ CÁC THẦY PHỤC VỤ HỌ ĐẠO

      Khi Cha Phêrô Vỡ đổi đi rồi, Cha Anrê Nguyễn Trung Binh đến phụ trách. Lúc này, Cha có nhờ các Thầy Chủng viện đến giúp Họ Gãnh (giúp năm) cho đến năm 1976 mới chấm dứt. Có hai Thầy đã giúp ở đây, hiện nay là Linh Mục: Cha Giuse Nguyễn văn Thượng (Thạnh Phú), Cha Phanxicô Nguyễn Phú Thành (phó Trà Ôn) (chịu chức Năm 1993 và mất  tháng 10/2007).

       Thầy giúp đầu tiên là Thầy Sáu Giuse Đặng Phước Hai (sau là Linh Mục)

VI. HỌ ĐẠO GÃNH LÀ HỌ NHỎ CÁI BÔNG VÀ BA TRI QUA CÁC THỜI KỲ

       Từ 1930 – 1956 thuộc về Cái Bông: Lm Luca Nguyễn văn Sách.

       Từ 1956 – 1961 thuộc về Ba Tri: Lm Đôm. Lê minh Tỏ.

       Từ 1961 – 1966 thuộc về Ba Tri: Lm Micae Văn công Nghi.

       Từ 1966 – 1972 thuộc về Ba Tri: Lm Phêrô Nguyễn văn Vỡ.

       Từ 1972 – 1976 thuộc về Ba Tri: Lm Anrê Nguyễn Trung Binh

       Từ 1976 – 1989 thuộc  về An Điền: Lm Antôn Nguyễn văn Lệ.

       Từ 1989 – 2002 thuộc về An Điền: Lm Phaolô Trương Tấn Lực.

       Từ  tháng 10/2002 thuộc về Ba Tri: Lm Phaolô Trương Tấn Lực.

VII. TƯƠNG LAI

      Họ Đạo ước mong, nếu có kinh phí, sẽ mua thêm vài công đất phía sau và bên hông Nhà Thờ để làm nhà giáo lý, sinh hoạt cho Họ Đạo, nhất là cho những năm tới. Họ Đạo Gãnh tuy nghèo, ít giáo dân, nhưng xem ra có khả năng đi lên vì nhiều yếu tố: giáo dân rất chân chất, có niềm tin, lại ở qui tụ, xung quanh và gần Nhà Thờ… Các hội đoàn của người lớn hay thiếu nhi, được tổ chức và sinh hoạt khá tốt, có khi hơn các Họ chánh nữa.  

2154    12-01-2011 09:44:28