Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Họ Đạo Giồng Keo

z51309169335241bc222533687ad14b1ea4f6ceec6431f

Địa chỉ:
 ấp Thanh Bắc, xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre

Bổn mạng: 

Chầu lượt: CN XXV Thường Niên

Số giáo dân: 308

Năm thành lập:

Giờ lễ:

Chúa Nhật:    7g00

Ngày Thường:   thứ 5: 17g30

Linh mục Chánh sở: Phêrô Trần Thanh Xuân

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO

Nhà Thờ được xây dựng chính xác vào năm nào thì không ai biết, chỉ biết rằng người đứng chịu trách nhiệm là Cha Phêrô Đỗ Quang Lịnh, Cha phó Cái Mơn. Cha là một trong ba vị Linh Mục bị đày đi Côn Đảo vì tội lo cho du học sinh đi Nhật Bản. Một Cha chết ở ngoài đảo, Cha Phêrô Lịnh và Cha Gioan Nguyễn Thành Đồng sau 17 năm tù được Đức Giám Mục Pháp lãnh về, nhưng phải biệt xứ. Cha Đồng ở Mặc Bắc, Cha Phêrô Lịnh ở Cái Mơn nơi có Cha Sở Tây quản lý. Cha Phêrô Lịnh sau làm Bề Trên Cái Mơn từ năm 1938-1941. Một chi tiết khác là hiện nay có một ông cụ tuổi đã 83, nhà liền ranh đất với Nhà Thờ, ông nhớ rằng năm ông 10 tuổi thì người ta đào móng làm Nhà Thờ. Vậy thì Nhà Thờ nầy được xây dựng cách đây 70 năm tức vào năm 1930, năm nầy Cha Phêrô Lịnh đang còn là Cha phó Cái Mơn, đặc trách cất Nhà Thờ Giồng Keo, sau khi xây xong Nhà Thờ Cái Tắc.

Thời điểm nầy tại Cái Mơn có hai nhà “bác vật” (kỹ sư) là Bác Vật Vinh và Kinh Lý Lan du học Pháp về. Cả hai vị đều là cháu Trương Vĩnh Ký, chính hai ông nầy đã thiết kế và chỉ huy công trình Nhà Thờ Giồng Keo, áp dụng kỹ thuật của Pháp.

Vùng Giồng Keo thời thập niên 1960 – 1970 không những là vùng giải phóng mà còn là bãi chiến trường. Năm 1972, mùa hè đỏ lửa, tại ngã ba Cây Trâm cách Giồng Keo 3 km, lính Việt Nam Cộng Hòa đã đổ quân càng quét, trong trận chiến nầy một trái đạn 105 từ Mỏ Cày bắn lên yểm trợ đã rơi vào vách Nhà Thờ gây nên một lỗ thủng khoảng 3m2. Sở dĩ đạn rơi nhầm vì trong họa đồ quân sự lúc đó chấm Nhà Thờ Giồng Keo nằm bên kia đường thuộc xã Thành An, ấp Đông Thuận ngày nay.

Cũng vào năm 1972 tại trước Nhà Thờ Giồng Keo, theo người dân ở đây thuật lại thì có một lần 20 lính mặc quân phục rằn ri (Biệt Động Quân) được trực thăng vận đã tử thương nằm la liệt trước Nhà Thờ.

Chiến tranh khốc liệt như vậy nên người dân, trong đó có giáo dân  đã bỏ quê tản cư. Sau năm 1975 người dân trở về lập nghiệp riêng người Công giáo thì chưa thấy có Nhà Thờ nên không an tâm trở về. Dì phước đến ở một thời gian rồi cũng đi vì hoàn cảnh còn khó khăn đủ mặt. Do tình trạng bỏ hoang nhiều năm mà khi muốn sửa chữa, phục hồi gặp không ít khó khăn: đất đai bị chiếm dụng, những phần nào có thể phá lấy được thì bị lấy hết, đòn tay và kèo gỗ căm xe bị cắt sạch chỉ còn ba cây đã bị cắt nhưng không lấy được thì còn treo lơ lửng đó. Người ta đã cạy lấy gạch nền và trồng cây ngay trong Nhà Thờ, mà là cây ăn quả lâu năm. Giáo dân còn ít. Tòa Giám Mục đã nhờ Cha Tôma Hùng khởi sự các thủ tục từ 10 năm và đến năm 2006, Cha Micae Lê Quang Phát, Cha phó Cái Mơn được bổ nhiệm là chánh sở Giồng Dầu kiêm nhiệm Giáo Xứ Giồng Keo. Công việc từ đây có phần khẩn trương hơn, phía Nhà Nước chẳng những cho phép mà còn khuyên khích và nhắc nhở làm nhanh lên.

Cha Micae Phát đã nhanh chóng và được nhiều thuận lợi trong việc lo quyền sở hữu đất, thiết kế xây dựng và giấy phép thi công, nhưng vẫn chưa khởi công được bởi Cha thiếu sức khỏe phải đi khám bệnh gần như hằng tuần. Thiếu sức khỏe kéo theo thiếu tinh thần trong việc chạy thêm vốn đầu tư công trình, một việc làm luôn tất yếu.

Sau khi Đức Cha Tôma Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long, bổ nhiệm Cha Phêrô Trần thanh Xuân về Giáo Xứ Ba Vát và kiêm nhiệm Giáo Xứ Giồng Keo (ngày 20/10/2007) thay cho Cha Micae Phát. Mặc dù công việc của Cha Phêrô phải trùng tu lại Nhà Thờ Ba Vát và xây dựng cơ sở vật chất sau hơn 32 năm vắng bóng Cha sở. Nhưng Cha vẫn luôn lo lắng làm sao để xây dựng và phục hồi Giáo Xứ Giồng Keo hơn 40 năm không có Thánh Lễ. Bởi Nhà Thờ bị chiến tranh tàn phá, đất đai bị dân chiếm và Nhà Thờ trở thành nơi nuôi bò. Với diện tích còn lại chỉ có xác Nhà Thờ không đủ để xây dựng Nhà Thờ và cơ sở sinh hoạt của Giáo Xứ, nên Cha Phêrô đã tìm mọi cách để thương lượng với những người sống chung quanh Nhà Thờ nhường đất lại. Sau một thời gian, những hộ sống chung quanh Nhà Thờ đã đồng ý để đất lại cho Nhà Thờ. Từ 10m đất mặt tiền nay đã tới 42m mặt tiền; tổng số đất nhà chung cũng tăng lên trên 4.000m2.

Và ngày 14/2/2009, Cha Phêrô đã khởi công làm Nhà Thờ với việc làm hàng rào, ép nền móng Nhà Thờ. Tiếp đến ngày 25/1/2010, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân  Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long đã chủ tế Thánh Lễ đặt viên xây dựng Nhà Thờ Giồng Keo. Cho tới nay Nhà Thờ và nhà xứ đã hình thành. Sân Nhà Thờ đã được nâng lên cao.

Song song với việc xây dựng Nhà Thờ Cha Phêrô cũng đã xây dựng đời sống tâm linh của giáo dân sau hơn 40 năm không có Thánh Lễ. Cha đi thăm viếng từng nhà động viên giáo dân đi tham dự Thánh Lễ. Đến nay sống người nguội lạnh cũng trở lại với Chúa khá nhiều. Nhưng vẫn còn nhiều người có đạo nhưng chưa đến Nhà Thờ vì thời gian quá dài không có Thánh Lễ.

3629    15-01-2011 07:00:18