Địa chỉ: Khóm 1,TT Cầu Quan,Tiểu Cần, Trà Vinh.
Bổn mạng: Thánh Tâm Chúa Giêsu
Chầu lượt: CN Lễ Thánh Gia Thất
Số giáo dân: 16.677
Năm thành lập:
Giờ lễ
Chúa nhật: 04g30 ; 07g00 ; 16g00
Ngày thường: 04g30 ; 16g00
Linh mục Chánh sở: Tôma Nguyễn Văn Thành
Linh mục Phụ tá:
Phêrô Nguyễn Xuân Đằng
Martinô Nguyễn Duy Đăng
Êusêbiô Trần Quang Khải
GBt Đặng Dương Huỳnh Duy
Philipphê Nguyễn Trung Lâm
Raymonđô Lê Nguyễn Hồng Phúc
LỊCH SỬ HỌ ĐẠO
I.ĐỊA LÝ
Họ Đạo Mặc Bắc nằm bên tả ngạn Sông Hậu gồm 5 Nhà Thờ. Đông giáp xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần; Tây giáp xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè; Nam giáp Rạch Cần Chong, huyện Tiểu Cần; Bắc giáp xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè; Họ Đạo Mặc Bắc cách thị xã Trà Vinh 34km về hướng Tây, trên quốc lộ 60. Long Thới + Cầu Quan = Họ Mặc Bắc
Diện tích 4.900 ha 514 ha 5.414 ha
Dân cư 12.096 12.461 24.737
Công giáo 6.444 7.550 13.994
II.VỀ HÀNH CHÁNH
Họ Đạo Mặc Bắc gồm toàn bộ thị trấn Cầu Quan và 4 ấp xã Long Thới. Họ Đạo Mặc Bắc còn gọi là Họ Cầu Quan vì vào năm 1925 ở Rạch Cần Chong có đúc một cây cầu bêtông cho tàu La Cigogne cập bến đưa khách đi tuyến Mặc Bắc – Sóc Trăng.
III.Ý NGHĨA ĐỊA DANH MẶC BẮC
Trước tiên Mặc Bắc là địa danh của một cái vàm của sông Hậu cách vàm Cần Chong khoảng 1km về phía hạ nguồn và cách vàm Rạch Đùi 3km về phía thượng nguồn.
Theo truyền thuyết của bà con người Hoa (Cộng đoàn người Hoa hiện diện tại xóm Chệc ngày nay có trước thế Kỷ XX hàng trăm năm) thì Mặc Bắc có nghĩa là “ĂN MẶC THEO KIỂU NGƯỜI PHƯƠNG BẮC” (Tàu).
Theo truyền thuyết người Khmer, Mặc Bắc đọc trại tiếng Moot Batt mà Moot có nghĩa là cái bến ghe, cái tuyến đường và Batt là bị bẻ gãy. Như vậy, phải chăng ở đây xưa kia có cuộc tranh hùng dữ dội giữa một bên là người Khmer địa phương còn bên kia là nhóm người Việt di dân trong cuộc Nam tiến. Cũng có thể là liên minh Việt – Hoa! Lý do là trong quần thể các dân tộc Kinh – Hoa và Khmer không có người lai “Đầu gà đít vịt” theo Cha Trương Bá Cần, tổng biên tập báo Công giáo và Dân Tộc thì truyền thuyết sau có khả năng hơn.
Gần đây, năm 2006 cơ quan Giao Thông vận tải thi công mặt đập trên Rạch Mặc Bắc cung cấp thêm một chi tiết nhỏ “Cống Mặc Xẫm”. Có phải đây cùng nghĩa với “Mặc Đầm, Mặc Xẫm” không? Phán đoán dành cho hậu thế
LƯỢC SỬ HỌ ĐẠO MẶC BẮC (1777 – 2007)
Cũng như cả vùng truyền giáo Đông Dương, Họ Đạo Mặc Bắc biến chuyển theo các mốc lịch sử sau đây:
Thế Kỷ XV cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam từ Miền Bắc xuống phía Nam.
-1659: Tòa Thánh thành lập 2 Giáo phận tại Việt Nam: Đàng Trong và Đàng Ngoài cùng với các cuộc bắt bớ leo thang của các triều Chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.
-1691: Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu áp dụng chính sách chống đạo.
-1777: triều đại Tây Sơn theo tuần báo Nam Kỳ Địa phận số 438 ngày 28/6/1917 xuất bản tại Sài Gòn thì Mặc Bắc đã có từ đó với số giáo dân là 30.
-1782: Vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ đem quân tiến chiếm Gia Định. Đức Cha Bá Đa Lộc lưu giữ các Chủng sinh tại Mặc Bắc.
-1825: Vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo.
-1833: Thánh Giuse Marchand Du bị ngụy Khôi cưỡng bức về Chợ Quán và sao đó bị bá đao tại Huế (30/11/1835).
-1840: Minh Mạng duy trì cấm đạo tàn khốc vào cuối đời mình.
-1844: Giáo phận Đàng Trong chia thành 2 Giáo phận: Tây Đàng Trong (Sài Gòn) và Đông Đàng Trong.
-1847: Pháp bắn phá cảng Đà Nẵng. Vua Thiệu Trị ban hành lệnh chống Công giáo.
-1848: Vua Tự Đức ra chỉ dụ cấm đạo lần thứ nhất.
-1853: Cha Phil. Phan Văn Minh, Cha sở Mặc Bắc bị trảm quyết tại Đình Khao (3/7).
-1854: Thánh Giusse Trùm Lựu chết rũ tù tại trại Tuyển Phong, Vĩnh Long (2/5).
-1862: hòa ước Nhâm Tuất có khoản quy định về tự do tôn giáo nhưng Vua Tự Đức vẫn duy trì lệnh cấm đạo.
Dưới nhãn quan đó, lược sử Họ Đạo Mặc Bắc có thể chia ra làm 3 thời kỳ:
I.THỜI KỲ HÌNH THÀNH VÀ THỬ THÁCH (1659 – 1862)
Trong thời kỳ này có các Cha sau đây trách nhiệm Họ Đạo Mặc Bắc:
1.Cha Giacôbê Phướng
Đời Đức Cha Bá Đa Lộc thì có Cha Giacôbê Phướng coi Họ Mặc Bắc đầu tiên. Cha này gốc ở Bình Định. Bổn đạo gọi theo tên Thánh là Cha Giacôbê. Người lo lắng giúp Cả Dương và Cả Sách trong công việc lập Họ Đạo. Ban đầu thì tại Họ không có Nhà Thờ nên Cha Giacôbê làm các bí tích trong nhà bổn đạo, thường là trong nhà mấy chức việc. Sau đó thấy việc đạo được yên, vì có lệnh cấm đạo mà Vua Minh Mạng không có dạy bắt bớ dữ dằn nên bổn đạo xin phép Cha cất một Nhà Thờ tại Giồng Giữa bằng cột cây lợp lá. Chỉ cất Nhà Thờ mà thôi chớ không có làm nhà cho Cha ở vì Cha phải đi làm phước cho các Họ mà Cha coi sóc chớ không có ở được một nơi nào lâu.
2.Cha Lân
Khi Cha Giacôbê qua đời rồi thì Cha Lân kế tiếp coi sóc Họ Mặc Bắc và mấy Họ xung quanh. Cha này còn một người cháu sống ở tại đây và làm chức việc trong Họ Đạo (1917). Khi Cha Lân tới Mặc Bắc thì bổn đạo mừng rỡ lắm, trong Họ có một bài chúc. Lại mỗi khi Cha đi các Họ mà đáo lại Họ Mặc Bắc thì bổn đạo tựu lại mừng. Lúc Vua Minh Mạng cấm đạo nhặt hơn, cùng dạy phá hết các Nhà Thờ, Họ Mặc Bắc sợ quân lính tới làm dữ nên bổn đạo đã hiệp nhau dỡ Nhà Thờ và đem cây cột ngâm dưới “Bàu Xía” trước Đất Thánh hiện nay. Đến sau bổn đạo cất lại Nhà Thờ như cũ và tại đây sau này chôn xác Thánh Giuse Lựu và xác Đội Lý (Cả hai đã qua đời tại khám Vĩnh Long). Về sau cũng đã chôn trong Nhà Thờ này xác Cha Abonnel bị quân dữ giết tại miệt Cầu Kè khi Cha dẫn Chủng sinh học tại Sài Gòn trở về.
3.Cha Thánh Giuse Marchand Du (+1835)
Sau Cha Lân thì Cha Marchand coi Họ Mặc Bắc. Có kẻ nói rằng Cha Marchand đi viếng các Họ như Cha Bề Trên, mà bởi thời ấy số các Cha hy hữu lắm nên Cha Marchand phải ngồi tòa làm phước, cử hành các bí tích trong mỗi họ, người viếng như là Cha sở vậy.
Tương truyền rằng khi họ Mặc Bắc được tin Cha Marchand đến thì bổn đạo hiệp nhau làm một cái nhà vuông chỗ khuất tịch trên rừng, gọi là “Sẫm Đền”, gần bên Rạch Vồn. Hễ lần nào Cha tới thì ở tại đó làm lễ ngồi tòa, Rửa tội, dạy giáo lý và có ban phép thêm sức nữa. Nơi rừng bụi ấy cọp ở nhiều nên có kẻ hỏi Cha: Ở vậy mà Cha có sợ không? Cha trả lời: Cha không sợ cọp 4 chân nhưng Cha chỉ sợ cọp 2 chân mà thôi! Dầu Cha nói vậy chớ cũng có 4, 5 người giúp việc ở với Cha luôn và khi có ai tới rước Cha đi kẻ liệt, thì các chức việc phải đi trước dẫn đường.
Bổn đạo nói Cha Marchand tánh vui vẻ lắm, lại biết làm nhiều trò ảo thuật nữa. Bài ca “Cái vè” của bổn đạo đặt ra mừmg Cha Marchand khi mới đến tại nhà vuông “Sẫm Đền” thì một bà già còn sống, tuổi hơn bảy mươi ở tại Họ Mặc Bắc còn nhớ (1917).
Cha Marchand qua lại coi Họ Mặc Bắc thì đến năm 1833, tướng ngụy Lê Văn Khôi cho quân đến ép người về Chợ Quán.
4.Cha Nhơn
Kế đó thì có Cha Nhơn tới coi Họ. Cha đau yếu hoài nên lo lắng các việc không phỉ, vì thế nên Cha chỉ ở Mặc Bắc độ 3 tháng rồi đổi đi nơi khác.
5.Cha Thiên
Cha Thiên tiếp thế cho Cha Nhơn. Cha cũng không ở hoài một chỗ vì phải đi Họ này Họ kia luôn. Khi ấy Họ Mặc Bắc số bổn đạo ba bốn trăm. Lúc này có lệnh bắt đạo nên bổn đạo phải chung tiền với nhau mà chịu cho quan phủ Lạc Hóa mỗi năm 300 quan và cho cai tổng 150 quan hầu bổn đạo khỏi bị bắt bớ. Lúc nầy số bổn đạo tăng lên nhiều vì những bổn đạo ở các nơi khác như Cái Hưu, Rạch Nhà, Cà Mau… rủ nhau tới Cần Chong và ở và lập nên ấp Định Tấn. Trong số các bổn đạo di dân này có ông Trùm Sang dắt một đoàn bổn đạo ở Họ Sa Keo về Mặc Bắc vì yên ổn hơn.
6.Cha Hiển
Cha thứ sáu coi Họ Mặc Bắc là Cha Hiển. Bổn đạo nói Cha nầy nhát lắm vì sợ bị bắt. Mỗi khi có ai rước Cha đi kẻ liệt thì Cha mặc áo cũ mèm vá bậy bạ, đầu đội nón lá như nông dân đi ruộng vậy. Còn đồ lễ, dầu Thánh thì bỏ trong thúng, trên chất cau trầu và cho một người phụ nữ đội đi trước giả như là kẻ buôn bán vậy.
Không rõ bổn đạo đã cất Nhà Thờ lại hồi nào nên khi Cha Hiển đến Mặc Bắc thì đã có Nhà Thờ mới gần Nhà Thờ cũ. Vì sợ quan quân biết cho nên bổn đạo cất trại kê vách để đồ và tơ lụa cùng đồ ươm kén để tằm hầu qua mắt quan lính từ xa tới. Dù vậy Cha hiển cũng bị cáo tại Vĩnh Long nên quan sai đội lính tới bắt. Thời may có kẻ hay tin cho Cha biết, Cha lật đật chạy trốn mà bởi ban đêm trời tối mịt nên sụp xuống cái giếng và nhờ ẩn mình tại đó nên Cha khỏi bị bắt. Cha Hiển ở Mặc Bắc độ 33 tháng thì đổi đi nơi khác.
7.Cha Tùng
Khi Cha Hiển đổi đi, thì Cha Tùng tiếp coi Họ Mặc Bắc và Cha chỉ ở đó một tháng rưỡi thì có Cha Lựu đổi lại. Người ta nhớ về Cha Tùng có một việc nầy là hễ Cha đi đâu thì có đem theo một hủ dầu gió (giả như thầy lang đi bán thuốc vậy). Ngày kia, có động dụng, Cha sở phải bị bắt nên Cha đi trốn ở rừng rậm lúc yên rồi bổn đạo đi kiếm Cha mà không biết ở chỗ nào nhờ có mùi dầu gió bay ra mà biết Cha đang ẩn mình.
8.Cha Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu (+1861)
Cha Lựu coi Họ Mặc Bắc cho tới năm 1853. Khi Cha ở đó, thì có Cha Pernot tới viếng mấy Họ miệt ấy. Lúc nầy tại Họ có Nhà Thờ, mà Cha Lựu thường thì ở tại mấy nhà hương chức, nhất là nhà ông Trùm Lựu. Tưởng là Cha đã bị bắt tại đó, mà sau thì Cha Minh tiếp kế người mới phải bắt. Chuyện như vầy: Khi ấy Cha Lựu đang lo coi dọn nền đặng dời Nhà Thờ lại chỗ mới (Sau là chỗ nhà ông thôn Thân); bổn đạo đem cây cột tới đó để dựng lên; kế đó Bếp Nhẫn tới xớ rớ làm bộ như là muốn phụ giúp vô, và lấy cây đo chỗ nền coi lòng kèo, lòng trính có vừa không, rồi nó lại gần Cha Lựu mà than thở túng rối, cùng xin Cha giúp nó 300 quan tiền. Cha Lựu biết danh tánh nó rõ lắm, nên Cha đoán nó đi đo, giả chước xin tiền đặng mà nộp Cha. Vậy Cha trả lời cho nó như vầy: “Mầy là đạo dòng đạo dõi, mầy muốn bán tao như Giudà sao? Mầy muốn cáo tao thì cáo đi, tao ham mũ triều thiên tử đạo lắm”. Bếp Nhẫn nghe Cha quở mấy lời nhằm tâm mình, nên hổ thẹn và lui ra, cùng quyết đi cáo Cha mà thôi. Vậy nó bèn qua tuốt tỉnh Vĩnh Long, đâm đơn cáo cùng quan, rằng có đạo trưởng Lựu ở tại Mặc Bắc.
Song quan tỉnh không chấp đơn, trả lại cho nó và biểu phải cho có ba người đứng đơn cáo, thì quan mới chịu sai quân lính đi bắt, vì một người đứng đơn thì không chắc sự việc đi đến đâu. Cho nên bếp Nhẫn phải trở về mà lòng quyết một, thế nào cũng làm cho Cha Lựu phải bị bắt mà thôi. Vậy nó mới bàn tính với tên Xã Hiệp và một tên lính cựu là Lý Vấp, cả ba đứng vào đơn mà cáo Cha Lựu. Bởi đó cho nên khi các việc tính toán xong ; ba tên ấy đem nhau qua tỉnh Vĩnh Long mà vô đơn, thì đã cách lâu ngày với phen bếp Nhẫn đã vô đơn cáo Cha lần trước ; và trong lúc đó thì Cha Lựu đổi đi Ba Giồng, Cha Minh ở Cái Mơn qua thế tại Mặc Bắc.
9.Cha Thánh Philipphê Phan Văn Minh (+1853)
Cha Minh gốc ở Cái Mơn, đã tới coi Họ Mặc Bắc trong một tháng và mười tám ngày mà thôi, kế Cha phải bị bắt tại nhà ông trùm Lựu. Quan quân dẫn Cha qua ở Vĩnh Long, và Cha phải chịu chém vì đạo Chúa (xin xem trong hạnh Cha Minh và ông trùm Lựu tử đạo).
Cùng bị bắt với Cha Minh còn Thánh Giuse Trùm Lựu, người gốc ở Họ Cái Nhum nhờ cố công làm ăn và đã trở thành phú nông. Ông bị giải về Vĩnh Long, bị giam và chết rũ tù tại trại Tuyển Phong (2/5/1854).
10.Cha Tôma Nguyễn Biểu Đoan (1855 – 1859)
Cha Tôma Nguyễn Biểu Đoan là người sinh quán tại Mặc Bắc, sinh 1826 và chịu chức năm 1853. sau khi ông trùm Lựu và Cha Minh bị bắt rồi, thì trong sáu tháng Mặc Bắc không có Cha. Sau đó, Cha Đoan được Đức Cha Ngãi phong chức và cuối năm 1853 được Đức Cha sai về coi Họ Mặc Bắc. Nhưng Cha Đoan cũng không dám ở lâu; độ 6 tháng mới đến một lần. Ở vài ngày giải tội, làm phước rồi đi nơi khác. Cách 2 năm sau thì Cha Đoan cất Nhà Thờ tại nơi khác: ba căn một chái (nơi nhà Biện Cần) vì Nhà Thờ trước, khi quân lính đến bắt Cha Minh thì đã phá hủy rồi.
Vậy Nhà Thờ mới này bề ngoài cũng ngụy trang làm như nhà để nuôi tằm và dệt tơ lụa. Khi có Cha đến thì dọn trống cho Cha làm lễ. Sáng ra dọn lại như cũ. Cha cất nhà Dì phước lại. Nhà này trước kia Cha Phêrô Lựu đã lập số Tu sĩ được 15 Dì, bà Nhất Trang và bà nhì Rậm coi sóc Nhà Phước nầy.
Cha Đoan coi Họ Mặc Bắc đến 1859 thì đổi đi, Cha Công lại thế.
11.Cha Công (1859 – 1862)
Khi Cha Công đến Mặc Bắc thì nhân số bổn đạo được 1000 tới 1500 người. Cha cũng phải dự phòng luôn kẻo phải bị bắt; cho nên tối thì bổn đạo mới tựu lại Nhà Thờ mà xem lễ, đọc kinh, cùng phải đặt nhiều người canh giữ nhiều chỗ, kẻo quan quân tới thình lình mà không hay. Khi Cha công ở đó được 4 tháng, thì có bếp Nhẫn với hai ba tên nữa một bọn với nó, ùa vào Nhà Phước mà phải nạp đạo trưởng. Mấy Dì phước điều sợ chạy trốn hết, ẩn mình tại nhà trùm Sang; Cha Công cũng đi trốn nữa. Đầu bếp Nhẫn với tên Xã Hiệp không có lịnh quan dạy, mà nó bắt Đội Lý là cựu bổn đạo Họ Cái Bông, mới về ở Họ Mặc Bắc được vài năm, người có một cô con gái tên là Tiếng cho đi Nhà Phước.
Mấy tên hung hăng gặp một khúc chuỗi lần và một miếng giấy có viết chữ quốc ngữ tại nhà Đội Lý, trói người lại mà dẫn qua Vĩnh Long, nộp người cho quan cùng mấy đồ tang vật ấy, cáo rằng người nầy trữ đạo trưởng. Quan liền giam Đội Lý, người ở trong ngục mà phải thiếu thốn mọi bề, lại phải những quân lính hành hạ đánh khảo, cho nên người mới hết sức mà phải chết tại khám năm 1859.
Cha Công cứ ở coi sóc Họ Mặc Bắc và thêm lo sợ nữa, vì lúc ấy là lúc bắt đạo dữ dằn lại bất kỳ là ai cũng đều có phép bắt các đạo trưởng mà giải nạp cho quan, quan bỏ vô khám liền, giam đó sau mới tra hỏi.
Cha Công hưởng sự vui vẻ bình an ấy trong chừng 5 tháng, rồi thì đã đổi đi Bà Rịa.
12.Cha Trí (1862)
Cha Công đổi đi thì Cha Trí tới coi Họ Mặc Bắc, đâu đó đều đặng bằng an, không lo sợ gì nữa; nên Cha đã cất một Nhà Thờ mới xứng đáng hơn, chỗ nền Nhà Thờ của Cha Giacôbê cất đầu tiên, trước nhà bà Câu Đều. Tuy trên lợp lá chớ phía ngoài và phía trong xem vào thì liền biết là một Nhà Thờ, không phải như nhà ở thường (Nhà Thờ trước gọi là nhà thầy Ba, là ông già của Hương Chơn); những đồ nghề dệt tơ lụa và giàn để tằm không để trong Nhà Thờ mới nữa; và cho ai nấy đặng biết rõ là Nhà Thờ thì trên mặt tiền có đính một Thánh Giá bằng cây; sau kế Nhà Thờ thì Cha Trí cất một nhà đặng ở. Khi Cha Colombert (Đức Cha Mỹ) tới đó đặng học tiếng An Nam, thì Cha Trí cũng cất một nhà khác nữa cho Người ở. Và khi Người biết tiếng An Nam vừa đủ thì qua ở Họ Cái Nhum, và đang khi Cha Colombert coi sóc Họ Cái Nhum thì Đức Cha Gioang (Mgr. Miche) đã đòi Người về Sài Gòn mà phong làm Giám Mục phó.
Khi ấy Họ Mặc Bắc nhân số bổn đạo đã ra đông lắm, cách không đầy 100 năm, số 30 người tới Mặc Bắc đầu tiên trong năm 1776, mà khi Cha Montmayeur (Cha Minh) làm Cha sở kế tiếp Cha Trí thì số bổn đạo đã tới 3000 người.
II.THỜI KỲ CỦNG CỐ (1862 – 1938)
Các niên biểu cần lưu ý
-1862: Hòa ước Nhâm Tuất nhường ba tỉnh Miền Đông Nam Bộ cho Pháp. Pháp chiếm luôn ba tỉnh miền Tây Nam Bộ.
-1867: Phong trào Văn Thân ở Bắc Kỳ
-1868: Vua Tự Đức ra chỉ dụ tha đạo.
-1874: Phong trào Văn Thân lan rộng. Hòa ước Giáp Tuất: triều đình nhượng lục tỉnh cho Pháp.
-1883: Vua Tự Đức (1847 – 1883). Hòa ước Quý Mùi: triều đình nhận sự bảo hộ của Pháp. Loạn trong hoàng cung về việc phế phong. Văn Thân hoạt động mạnh.
-1885: Văn Thân nổi tiếng lên khắp nước. Vua Hàm Nghi xuất Bôn và ra Hịch Cần Vương.
-1888: Vua Hàm Nghi bị phản bội và bị Pháp đài đi Algerie.
-1915: Thành lập hội thiện tử.
-1924: Đổi tên các Giáo phận thành địa danh của nước Việt Nam.
-1932: Đấng Bản Quyền chuẩn y điều lệ Hội Thiện Tử.
-1933: Giám Mục tiên khởi Việt Nam: Đức Cha GBt Nguyễn Bá Tòng Giám Mục Tông Tòa Phát Diệm.
-1935: Đức Cha Dôminicô Hồ Ngọc Cẩn, Giám Mục phó Tông Tòa Bùi Chu.
-1938: Thành lập Giáo phận Vĩnh Long do Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục đảm nhận Tông Tòa.
Trong thời kỳ này có các Cha sau đây đảm nhận trách nhiệm mục vụ tại Họ Mặc Bắc:
1.Cha Montmayeur (1865 – 1874)
Qua các thời kỳ bách hại Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Họ Mặc Bắc chưa có nhà Cha sở vì phải trốn tránh ẩn mình trong nhà bổn đạo. Tới thời Cha Công và Cha Trí mới cất một nhà ở bên Nhà Thờ làm nơi cư trú và đi làm phước cho các Họ xung quanh từ mấy nhà đó. Đến đời Cha Montmayeur mới có chỗ lưu trú thật sự. Cha Montmayeur là một Cha cao niên nhất trong các thừa sai Địa phận. Nhờ ơn Chúa Cha đã ăn mừng kim khánh (50 năm) thụ phong Linh Mục vào năm 1910.
Cha Montmayeur đến Mặc Bắc thì Cha Trí còn ở lại với người 3 năm rồi sau đó mới đổi qua Họ Ba Xuyên. Còn Cha Montmayeur thì sau đó dời Nhà Thờ lại chỗ bây giờ (đất bổn đạo dâng). Cha cũng cất nhà Cha sở kế đó. Nhà này bị bão năm 1874 nên bị sập. Cha lo cất nhà khác là nhà Cha sở bấy giờ (1874 – 2005). Cha Noisberne đã khởi công làm nhà này và mãi đến đời Cha Fougerouse mới hoàn thành.
Các Họ Đạo trong vùng Mặc Bắc được thành lập dưới trào Cha Fougerouse là: Tân Thành (1866), Bông Bót (1870), Xoài Rùm (1867), Gò Xoài (Trà Ôn), Ba Phố (1869), Kinh Long Hội (1872) và Rạch Lọp (1887). Hầu hết bổn đạo những nơi này tiên khởi đều là người Mặc Bắc tới tìm kế sinh nhai. Ngày nay chỉ còn các Họ Tân Thành, Bông Bót, Kinh Long Hội và Rạch Lọp là còn tồn tại và phát đạt. Còn các Họ Đạo khác là Xoài Rùm, Gò Xoài và Ba Phố rày đã mai một và không biết chừng nào mới phục hồi được.
2.Cha Noisberne (1874)
3.Cha Fougerouse (1874 – 1875)
Năm 1874 một cơn bão lớn làm nhà lá của Cha Montmayeur (Minh) làm nhà ở đã bị sập nên Cha Noisberne và Cha Fougerouse định làm nhà Cha sở vững bền cho chắc chắn, định xây gạch ngói để chống bão. Công việc chưa xong thì Cha Simon (Sĩ) đổi lại.
4.Cha Simon (1875 – 1878)
Cha Simon cho bớt gạch đã xây vách bốn bên xong rồi thì cho lợp lá mà ở. Trong trào Cha Simon có dịch thiên thời dữ dằn làm cho nhiều người chết. Bấy giờ Cha Simon và Cha Genibrel (Thượng) ngày đêm lo đi làm phước xức dầu cho kẻ liệt đến nỗi không có giờ làm lễ đọc kinh. Cha Simon ở Mặc Bắc mấy năm rồi đổi về Tha La và Tây Ninh.
5.Cha Delpech (1878 – 1884)
Việc thứ nhất Cha Delpech (định lo khởi công làm Nhà Thờ mới theo họa đồ của Cha Boutier (Thiết). Ngài lo đào hầm xây nền, đá gạch chôn dưới nền sâu trót 100 thước vuông, chắc chắn vững bền lắm.
Nhà mồ côi tại Tiểu Cần. Nhờ biệt tài, Cha Delpech mua được một miếng đất tại Tiểu Cần của Phó Tổng Chu (người Khmer) cùng lập một nhà mồ côi tại đó. Một ít bổn đạo cũng đến đó cất nhà ở nên Cha cũng cất một Nhà Thờ tại đó. Mỗi năm các bà Rửa tội hơn 100 trẻ em gần chết. Vì không có đất chôn xác hài nhi nên năm 1903 Phó Tổng Chu đã bán thêm cho nhà chung một miếng đất nữa rộng lớn chừng bảy tám trăm thước. Vậy nhà mồ côi, Nhà Thờ và Đất Thánh đã lập tại chỗ đất ấy.
6.Cha Fougerouse về Mặc Bắc lần thứ II (1885 – 1899)
Việc Cha Fougerouse (Phụng) quan tâm nhứt vào thời này là tiếp làm Nhà Thờ lớn Mặc Bắc cho đến hoàn thành. Thợ đứng coi xây dựng là Cha Errard. Mọi việc đều vững chắc mà ít hao tốn. Cha Errard là thợ giỏi và lành nghề nên nhờ có Cha mà Nhà Thờ mới xong vì tiền bạc trong Họ và của bổn đạo dâng thì không bao nhiêu. Bổn đạo phần nhiều chỉ đủ ăn mà thôi. Vì thế Cha Fougerouse ráng lo hết sức hầu cho xong việc. Cha phải mượn của nhà chung tiền bạc mà làm và trong mười năm sau Cha đã trả hết cho nhà chung. Bổn đạo nghèo không tiền bạc thì mỗi người lo làm công quả: Hầm gạch, hầm vôi tại đó. Hai lò vôi có hoài trong khi xây dựng Nhà Thờ. Giáo dân già cả lớn bé đều thí công mà lo phụ giúp. Còn Cha Fougerouse thì giục bảo khuyên lơn. Bổn đạo ai nấy đều hớn hở mà làm chẳng ai phàn nàn gì hết, bởi thấy Cha sở chịu cực khổ nên ai nấy phấn chấn mà làm mọi việc. Công cáng của Cha Fougerouse thật là to lớn âu là nay Chúa đã thưởng công Cha trên trời. Trong việc lớn lao ấy thì Cha nhờ các chức việc trong Họ làm và nhất là ông trùm Nhiên, con Thánh Giuse Trùm Lựu. Ông Trùm túc trực suốt ngày và được coi như thể là tay mặt của Cha vậy. Năm 1887 Nhà Thờ hoàn thành và Đức Cha Colombert (Mỹ) đến làm lễ khánh thành có đông giáo dân thập phương đến dự.
Cha Fougerouse sức lực mạnh mẽ vừa xây dựng cơ sở vừa lo việc mục vụ cho hơn 3000 giáo dân nên sức Cha sút kém. Năm 1895 Đức Cha Depierre (Để) cho Cha Soulard (Sáng) giúp Cha Fougerouse coi Họ. Năm 1899 Cha Fougerouse đi dưỡng bệnh bên Hồng Kông và Cha Soulard làm Cha sở đến tháng 2/1900. còn Cha Fougerouse thì qua đời tại Hồng Kông năm 1899.
7.Cha Eugène Soulard (1898 – 1900)
Năm 1899, Cha Eugène Soulard (Sáng) làm Cha sở Mặc Bắc, Cha cất thêm hai dãy nhà trường nam và nữ hai bên Nhà Thờ bằng gỗ lợp lá gọi là trường Họ và rước các Dì MTG Cái Mơn đến dạy trường nữ. Còn trường nam thì nhờ người biết chữ hoặc học trò Latinh dạy học vần, đọc chữ chạy thì lên sách phần. Sau khi chịu phép thêm sức và rước lễ bao đồng thì thôi học về giúp việc nhà. Trong số các em này, có em được chọn đi Chủng viện hoặc đi tu Nhà Dòng.
8.Cha Felix Frison (1900 – 1938)
Cha làm Cha sở Mặc Bắc lâu đời nhất, 38 năm. Cha đã sửa lại trần Nhà Thờ, sửa lại hai tháp chuông lên cao và chắc chắn. Ngài gìn giữ đất nhà chung, bênh vực bổn đạo với chính quyền Pháp và bảo vệ con chiên triệt để.
Năm 1908 Cha Frison (Hoàng) sửa hai ngôi trường Họ bằng gạch lợp ngói. Đến 1925 ông GBt Nguyễn Văn Ứng (gọi là thầy giáo Hiện) được Cha sở Hoàng chỉ định làm Hiệu Trưởng cả hai trường và dạy học theo chương trình của nhà nước bấy giờ.
Lúc làm sở Mặc Bắc có lần bổn đạo báo tin cho Cha hay là có cọp về trên mé rừng Đồng Lác. Cha mang súng hai nòng đi bắn cọp. Mặc dù đi đâu Cha vẫn mặc áo dòng bằng xuyến. Bắn cọp phát thứ nhất cọp bị thương. Cọp phóng tới chụp Cha. Cha bắn phát thứ hai đạn không nổ. Cha phải dí đầu súng vào họng cọp. Cọp cào Cha rách áo dòng. Khi ấy bổn đạo đi theo có sẵn mác thông cầm tay nhào vô đâm cọp chết. Cha không bị thương tích gì hết. Cha sống rất đơn sơ giản dị trầm tĩnh tắm ao hồ trong đêm khuya, uống nước lã trong cái bình con gà rất cỗ. Năm 1935 Họ Mặc Bắc tổ chức mừng lễ kim khánh Cha hết sức long trọng ngày 20/11/1935. Khi chia Địa phận thì Cha đổi về Thủ Dầu Một (20/10/1938) lại cất Nhà Thờ và qua đời tại đó.
III.THỜI KỲ CHUYỂN BIẾN (1938 – 1960)
Các niên biểu cần lưu ý
Năm 1938 thành lập Giáo phận Vĩnh Long (8/1) gồm ba tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và một phần của tỉnh Đồng Tháp (Sa đéc). So với Giáo phận mẹ Sài Gòn thì Giáo phận Vĩnh Long thật nhỏ bé. Sau này Giáo phận còn tế phân ra: Giáo phận Cần Thơ 1955; Giáo phận Đà Lạt 1960; Giáo phận Mỹ Tho 1960; Giáo phận Long Xuyên 1960; Giáo phận Phú Cường 1965; Giáo phận Xuân Lộc 1965; Giáo phận Phan Thiết 1975
Năm 1945 cách mạng tháng 8 thành công (19/8). Tuyên ngôn độc lập và thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9). Nam Bộ kháng chiến (25/8).
Năm 1954 cuộc di cư vĩ đại đưa gần 800.000 giáo dân Miền Bắc vào Nam làm thay đổi cục diện Công giáo cả Nam lẫn Bắc.
Năm 1960 thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với ba Tòa Tổng Giám Mục: Hà Nội, Huế, Sài Gòn (24/11).
Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục rời Tòa Tổng Giám Mục Huế.
Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện (1960 – 1968) kế vị Đức Cha Thục.
Trong thời gian này Mặc Bắc có các Cha sở sau đây:
1.Cha Phanxicô Nguyễn Văn Binh (1938 – 1941)
Sau khi chia Địa phận, Tòa Giám Mục Vĩnh Long đặt Cha Phanxicô Nguyễn Văn Binh, Linh Mục bản gốc làm Cha sở đầu tiên tại Mặc Bắc. Cha Binh là người rất nhân đức. Ngài đã soạn sách tháng Thánh Giuse. Thấy bổn đạo ngày càng đông, Thánh Đường chật chội, Cha cho mở rộng hai hông Nhà Thờ. Vì không chuyên ngành kiến trúc, Cha chỉ làm đơn sơ. Ngay tại nhà chung, Cha cho xây một cái hồ chứa nước mưa (1940). Hồ bị phá vỡ (2006) ra thay thế bằng một hồ ngầm dưới phòng cơm bây giờ, rộng 26m2. Cha làm Cha sở không đầy 3 năm.
2.Cha GBt Nguyễn Văn Hưỡn (1941)
Cha Binh đi Cha GBt Hưỡn đến. Cha là người có phong cách quân tử, rộng rải, đầy bác ái và dịu dàng. Tính tình điềm đạm, văn hoa tao nhã có thể cảm hóa những người ngang ngạnh nhất. Có lẽ người dự định làm nhiều việc lớn, nhưng tiếc thay người chỉ mới bắt đầu làm hàng rào Đất Thánh và trồng cây vú sửa xung quanh Nhà Thờ, nhà chung thì có lệnh đổi đi. Cha chỉ ở Mặc Bắc có 6 tháng.
3.Cha Giuse Nguyễn Văn Bạch (1941 – 1948)
Cha Hưỡn đổi đi, Cha Giuse Bạch đến thay. Cha có một óc kiến trúc nên đã xây dựng cho Họ Mặc Bắc rất nhiều và rất đẹp. Xưa kia (1937) Cha đã xây cất Nhà Thờ Giồng Rùm (Phước Hảo) lộng lẫy, lầu chuông cao vút (37m) và đẹp đẽ. Cha đã sửa lại trong và ngoài Nhà Thờ Mặc Bắc: cửa lớn cửa sổ, trong và ngoài. Cha làm thêm bàn thờ Đức Mẹ và bàn thờ Thánh Giuse. Đặc biệt Cha đã đặt mua ở Nam Định 20 tượng Thánh và Thần rất đẹp. Trên vách trong cung Thánh sau bàn thờ chính đặt 4 tượng Thánh sử, một tượng trái tim Chúa Giêsu bổn mạng Nhà Thờ, cao khoản 4m, tại mỗi cột hai bên nam nữ đều có tượng Thánh đứng trên bệ.
Ngoài Nhà Thờ, Cha còn dựng núi Calvariô và hang đá Đức Mẹ Lộ Đức sau khi đã lấp hai hồ ao trong sân và lót gạch tại sân Nhà Thờ. Năm 1942 dịp lễ lục tuần, ông Clêmentê Nguyễn Văn Huỳnh tức Mười Huỳnh còn gọi là ông Cống Huỳnh hiến dâng tượng Chúa Giêsu Kitô Vua cao 4m và dựng đài giữa sân Nhà Thờ. Cha Giuse Bạch còn có công sửa sang Nhà Thờ Mặc Bắc, xóa mờ những nét thô sơ của nó. Họ Mặc Bắc ghi ơn Cha mãi mãi.
4.Cha Giuse Đặng Phước Hai (1948 – 1965)
Cha Giuse Hai kế nhiệm Cha Giuse Bạch vào tháng 9/1948. Thuở nhỏ Cha học rất giỏi. Thời ở Chủng viện anh em Chủng sinh đã gọi nể nang những người học giỏi trong lớp thứ nhất là Khánh (cháu nội ông Trương Vĩnh Ký). Thứ nhì phải là Hai. Tính người ít hoạt động. Ngài biết rõ Mặc Bắc sau khi đã làm phó Cha sở Frison Hoàng 3 năm (1933 – 1936).
Tháng 4/1936 bổn đạo xóm Ngọn (Định Quới A) quá đông và xa Nhà Thờ lớn nên Cha Giuse lo cất một Nhà Nguyện tại cuối ấp Định Quới A để tiện bề cho bổn đạo ngoài này đọc kinh. Công việc xây dựng chưa xong thì ngày 10/10/1956 một trận bão dữ dội làm sập Nhà Nguyện. Cha phó Anrê Hớn đã thu lượm những vật dụng còn có thể dùng được đem về cất nhà trường ở giữa xóm và sau này (1975) có lúc phải mượn nhà trường để làm lễ cho bổn đạo.
IV.THỜI KỲ TĂNG TRƯỞNG (1960 – 2007)
Các niên biểu cần lưu ý
-Năm 1960 thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện (1960 – 1968).
-Năm 1963 Công Đồng Vaticanô II (1959 – 1964). Chế độ đệ nhất cộng hòa (1956 – 1963) bị lật đổ (1/11/1963). Tiếp theo là những xáo trộn về mọi mặt ở toàn Miền Nam Việt Nam.
-Năm 1969 Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu (1969 - 2001) kế vị Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện.
-Năm 1974 Tổng Giám Mục phó Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn lần đầu tiên tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới.
Năm 1975 thành lập Giáo phận Phan Thiết (31/1). Giám Mục phó Raphae Nguyễn Văn Diệp (1975 – 2000).
Năm 1993 sửa đổi điều lệ hội Thiện Tử.
Năm 1998 tuột mái Nhà Thờ lớn (19/3).
Năm 2000 Giám Mục phó Tôma Nguyễn Văn Tân (2000 – 2001).
Năm 2001 Giám Mục Chánh Tòa Tôma Nguyễn Văn Tân.
Cha Phêrô Lê Công Rạng hoàn thành Nhà Thờ khu vực Ngọn. Cha Giuse Nguyễn Văn Nha hoàn thành Nhà Thờ khu vực Lộ Mới.
Năm 2003 năm Thánh Giáo phận Vĩnh Long (2003 – 2004).
Năm 2004 Cha Tôma Nguyễn Văn Thành hoàn thành Nhà Thờ khu vực Ba Giồng và sửa chữa Nhà Thờ Bàu Hoang.Năm 2006 kiến thiết nhà chung (nhà Cha sở). Cha Dominic Nguyễn Văn Trung hoàn thành Nhà Thờ khu vực Định Thuận.
Năm 2007 phục hồi hai tháp Nhà Thờ.
Thời kỳ này có các Cha sở sau đây:
1.Cha Micae Lê Văn Sinh (1965 – 1971)
Cha Micae Lê Văn Sinh đến Mặc Bắc như đi vào vườn nho của Chúa đang cần cắt tỉa cho sum xuê. Cha giúp bổn đạo giải tỏa các ngôi mộ trước Nhà Thờ mà khi xưa Cha Giuse Bạch chưa thực hiện nổi. Cha vận động các ban hành sự khu xóm san bằng sân trước Nhà Thờ cho sạch sẽ. Năm 1969 Cha đứng ra xây cất trường Trung học với bản hiệu “Trung học tư thục Thăng Tiến” để cho con em trong Họ nhà khỏi phải đi xa đến 8 cây số mới đến trường Trung học Tiểu Cần. Trường này Cha đang làm lỡ dỡ khoảng 50% thì có lệnh đổi đi. Thời kỳ này Cha đã có công lãnh đồ viện trợ cho người nghèo và bánh mì cho các học sinh ở các trường tư thục. Thời kỳ này giàn chuồng cối lầu chuông bị mối mọt xuống cấp. Cha trình với Cha quản lí Địa phận cho thợ đang xây cất Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long đem 5 cái chuông xuống và treo tạm ở chuồng cối đặt trên mặt đất.
Vì những đường hướng mới do Công Đồng Vaticanô II đề xướng chưa được xác lập, nhất là về khía cạnh lịch sử và phụng vụ trong thời buổi canh tân, Cha Micae có nhiều hành động không hợp lắm với truyền thống đạo đức trong Họ. Tuy nhiên Cha cũng có sáng kiến được bà con tiếp nhận hồ hởi như đào con kênh sau Nhà Thờ dài 1500m để xổ phèn tưới ngọt. Nhưng cũng có những sáng kiến làm cho bà con giáo dân bỡ ngỡ như dẹp bớt các tượng Thánh, sửa đổi bàn thờ và ghế quỳ trong Nhà Thờ…
2.Cha Giacôbê Nguyễn Văn Tỏ (1971 – 1972)
Tháng 6/1971, Cha Giacôbê Tỏ đến thay thế Cha Micae Sinh. Ngài hiền lành và nhân đức. Cha dạy chở bàn thờ đồng mà vị tiền nhiệm đem gởi ở Định Thuận về Nhà Thờ lớn và định sửa nhà lại. Nhưng bản thân Cha mang nhiều bệnh tật, dầu có thiện chí bao nhiêu cũng không làm gì được. Sau 13 tháng Cha đổi về Cù Lao Dài.
3.Cha Đỗ Minh Tâm (1972 – 1975)
Tháng 7/1972 Cha Tôma Tâm đến Mặc Bắc. Ngài rất có thiện chí, nói là làm. Trong 3 năm ở Mặc Bắc Cha làm nhiều công việc:
-Hoàn tất phần trên trường Trung học Thăng Tiến mà Cha Micae Sinh đang làm dỡ dang.
-Năm 1973, Cha cất lại Nhà Thờ Lộ Mới, cũng do Cha Micae Sinh khởi sự. Cha cất thêm một dãy trường học 4 lớp bên Nhà Thờ Lộ Mới và lo cho có Dì phước dạy.
-Cũng trong năm 1973 Cha sửa lại Nhà Thờ Ba Giồng. Đoạn Cha cho Nhà Thờ Lộ Mới và Nhà Thờ Ba Giồng hai chuông tư và năm của Nhà Thờ lớn Mặc Bắc.
-Năm 1974 sửa Nhà Nguyện và cất thêm trường ở Định Thuận.
-Cũng năm 1974 khởi công xây cất Nhà Thờ Ngọn theo họa đồ đã vạch sẵn nhưng vì thời cuộc nên chỉ hoàn tất khoảng 60%.
-Cha cho xây hàng rào vững chắc quanh đồi Calvariô, tượng đài Chúa Kitô Vua và núi Đức Mẹ Lộ Đức.
-Cha phá vỡ hai tháp chuông và tiền đường Nhà Thờ vì trong quá khứ bị chiến tranh và thiếu bảo quản. Gạch ngói Cha đem xây Nhà Thờ khu vực Ngọn.
-Cha Tôma Tâm còn dự trù và vận động kiến thiết ngôi Nhà Thờ lớn.
4.Cha Anrê Nguyễn Bá Hớn (1975 – 1993)
Do thời cuộc đòi hỏi, Đức Cha Giacôbê đã đưa Cha Anrê Hớn từ Mai Phốp về Mặc Bắc. Ngài vốn hiền lành và có kinh nghiệm về Mặc Bắc vì ngài đã làm phó tại đây từ 1956 – 1961. Lúc bấy giờ sau cơn bão tháng 10/1956 Cha Anrê đã thu góp những vật liệu của Nhà Thờ Ngọn vừa bị sập về dựng nên trường học để dạy con em trong xóm Ngọn.
Năm 1986 chính quyền cách mạng mượn sườn nhà mà Cha Tôma Tâm đã làm Nhà Thờ dang dỡ để xây trường học. Cũng chính Cha Anrê xây cất lại Nhà Thờ khu vực Ngọn và Đức Giám Mục Địa phận đã thân hành đến làm phép Nhà Thờ này. Nhà Thờ này được thay thế bằng Nhà Thờ hiện tại (2001).
Thuở còn làm phó xứ Mặc Bắc Cha đã dựng nhà máy xay lúa cho nhà chung và nay Cha đến tiếp tục phát triển, đến nay (1987) vẫn còn.
Sau tiếp thu, Họ Mặc Bắc chỉ còn có 12 công ruộng để canh tác…
Về phụng vụ, năm 1986 Cha Anrê đóng một bàn thờ dài 3m cùng với giảng đài và giá đọc sách bằng gỗ cẩm lai rất đẹp. Đây là một kỳ công của Cha trong thời “gạo châu củi quế”.
Cha còn hoàn thành một tháp chuông (1990) với dự tính sẽ hoàn thành ngôi Nhà Thờ sau, phù hợp với tháp chuông mới.
5.Cha Phêrô Nguyễn Phước Lợi (1993)
Tháng 6/1993 Cha Phêrô Lợi được điều về Mặc Bắc với lời van xin không làm gì ngoài mục vụ thiêng liêng. Nhưng do nhu cầu các khu vực Nhà Thờ nên:
-Nhà Thờ Ngọn được Cha Phêrô Lê Công Rạng hoàn thành (2001).
-Dịp năm Thánh Giáo phận Vĩnh Long (2003 – 2004) Họ Mặc Bắc mừng lễ giỗ Thánh Giuse Trùm Lựu, được chính quyền tỉnh Trà Vinh cho phép tổ chức trọng thể khắp liên tỉnh và được tiếp tục mãi hàng năm.
-Nhà chung do Cha Montmayeur khởi công (1874) với thời gian đã xuống cấp trầm trọng và nhất là mối mọt đục phá nên đã được Hội Đồng Quới Chức phá dỡ và dựng lại ngôi nhà mới (2006) với đầy đủ tiện nghi.
-Nhà Thờ Định Thuận đã được Cha Dominic Huỳnh Văn Trung trùng tu (2006).
-Tháp Nhà Thờ Mặc Bắc cũ đã được tháo gỡ vì chiến tranh và thiếu bảo trì (1965 – 1974) thì nay được một người thiện chí như ông Tư Hưng, anh Tám Hoàng… hội ý với Hội Đồng Quới Chức phục hồi lại như xưa, đúng 120 năm sau khi Nhà Thờ lớn được hoàn thành (1887 – 2007).
Viết theo:
-Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận (Sài Gòn) các số từ 438 – 444 ngày 28/6 – 9/8/1917.
-Sưu tầm lịch Công giáo (Giáo phận Sài Gòn) từ năm 1924 của các ông trùm Giacôbê Tống, trùm nhất Mặc Bắc. Phêrô Trịnh Văn Trơn, trùm nhất Cái Nhum.
-Tìm tòi của giới trẻ Mặc Bắc (1996).
Là một Họ lớn nhất nhì của Giáo phận, Mặc Bắc như là cái nôi của Đoàn Thể Phạt Tạ (1941), Hội Đoàn Thanh Niên Thánh Nghiệp (1955)… nhưng có hai tổ chức đáng được quan tâm vì sự phát triển của nó.
1.Trường Họ (École confessionnelle)
Trường Họ là tổ chức thông thường vừa văn hóa vừa giáo dục và đào tạo người giáo dân do các thừa sai thiết lập tại các Họ Đạo nhỏ cũng như lớn.
Thường thì trường Họ dạy miễn phí và với các em ở xa trường, trường Họ còn cho ăn cơm trưa. Trường Họ còn được các nhà giáo dục, Tu sĩ và giáo dân, dạy giáo lý và văn hóa cho các em. Giáo lý từ cấp vỡ lòng đến thêm sức và bao đồng. Song song với giáo lý và văn hóa theo chương trình trường làng. Xong, các em về phụ giúp gia đình. Các em xuất sắc sẽ được chọn đi vào Chủng viện hay các dòng tu. Thời đó đa số ơn gọi làm Linh Mục và Tu sĩ đều xuất phát từ trường Họ.
Trường Họ của các Họ Đạo thường trở thành trung tâm văn hóa nơi các vùng nông thôn. Sau này hệ thống trường tư thục, bằng nhiều cách dụ dỗ, tiền bạc, cấp bằng… đã giết chết tổ chức trường Họ 1955.
Riêng trường Họ Mặc Bắc, năm 1925 Cha sở Frison Hoàng đã chọn thầy giáo Hiện (tên thật là GBt Nguyễn Văn Ứng) làm Hiệu Trưởng điều hành trường Họ, còn các Tu sĩ chỉ đóng chân giảng dạy. Kế tục thầy Hiện là các thầy: Hai Tửu, Ba Keo, Giáo Lân.
Vào thời buổi mà ơn gọi Tu sĩ ngày càng thưa thớt, có lẽ phải xem xét lại tổ chức trường Họ để đào tạo con em bổn đạo về mọi mặt.
2.Hội Thiện Tử
Hội đã được một nhóm giáo dân có học và cầu tiến (HĐND, Cả Vẹn…) thành lập đầu tiên tại Họ Mặc Bắc để lo tương thân tương trợ trong việc tống táng. Hội lo về hết mọi mặt thiêng liêng và vật chất.
Hội được thành lập vào năm 1915 và được Đấng bản quyền chuẩn y năm 1932 và hoạt động đến nay không ngơi nghỉ gần 100 năm (1915 – 2007).Xuyên qua các giai đoạn 30 năm Pháp thuộc, 30 năm chiến tranh và gần 40 năm XHCN, Hội ngày càng vững mạnh.
Giai đoạn nào, hoàn cảnh xã hội nào Hội Thiện Tử cũng đồng hành với người giáo dân, đặc biệt là những người nghèo. Xét về tính chất cố cựu thì Hội Thiện Tử có mặt tại Mặc Bắc 2 năm trước khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.