-
Tên cũ: Quơí Sơn
-
Ấp: , Xã Quới Sơn, Huyện Châu Thành, Tỉnh Bến Tre
-
Đt:
-
Chầu lượt:
-
Bổn mạng:
-
Giáo dân:
Nhà thờ Quới Sơn trước kia thuộc thôn Quới Sơn, Tổng Hòa Quới, huyện An Hoá, tỉnh Định Tường.
Trong thời các vua nhà Nguyễn cấm đạo (1833-1862) và nhóm sĩ phu tàn sát Công giáo (1868-1872) một số giáo dân ở Miền Trung chạy lánh nạn theo đường biển đã cập bến tại cù lao An Hoá. Nhận thấy vùng đất này rất màu mỡ dễ sinh sống, vừa là nơi hẻo lánh, tránh được sự dòm ngó của quan quân nhà Nguyễn, nên họ quyết định lập nghiệp ở đây. Đó là gốc tích của họ đạo Quới Sơn.
Trước đây các vị bô lão thường nhắc đến một vụ việc: có 7 người có đạo lén lúc chèo thuyền qua nhà thờ Thủ Ngữ để dự lễ Phục Sinh. Trên đường về họ đã bị bắt và bị giết, xác họ bị thả trôi sông và tấp vô vàm. Nhựa là con rạch nối Quới Sơn và Sông Tiền.
Theo một tài liệu còn được lưu giữ tại nhà thờ Quới Sơn, thì ngày 13/6/1880 có một linh mục đến Quới Sơn và ban bí tích rửa tội cho 36 người trong họ. Đó là Cha Gioan Điếu đang coi sóc nhà thờ Giồng Kiến (huyện Bình Đại). Thiết nghĩ, đó là móc thời gian để có thể xác định họ đạo Quới Sơn được thành lập trước 1880.
II. Giai đoạn hình thành (1880-1930).
Có một gò đất cao gần Nhà thờ hiện nay đó là Đất thánh của họ đạo, trước kia phần đất này là nền của ngôi Nhà thờ đầu tiên được xây dựng trước năm 1880. Lúc đó đã có các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum đến làm việc, vừa dạy giáo lý vừa dạy chữ phá ngu cho trẻ con trong đạo. Các Nữ tu này còn dạy cho giáo dân nghề dệt chiếu cổ truyền: một vài gia đình trong họ đạo còn giữ nghề này. Sinh hoạt tôn giáo chỉ gồm các ngày Chúa nhật và lễ trọng do các linh mục từ các Họ đạo lớn tới.
Các linh mục trông coi:
- Gioan Điếu (1880-1884) là người có công đào kênh nối sông Ba Lai và Sông Tiền.
- Cha Phêrô Lý (1884-1891)
- Cha Antôn Nuối (1891-1894)
- Cha Tađêô Phan (1894-1900)
- Cha Matthêu Chiểu (1900-1904)
- Cha Đôminicô Kiểm(1904-1905)
- Cha Gioan Baotixita Phuông (1905-1970)
- Cha Jean Villeneuve (1910-1911)
- Cha Tôma Vàng (1911-1913)
- Cha Phanxicô Vàng (1913-1915)
- Cha Phaolô Tâm (1915-1918)
- Cha Luca Sách (1918-1919)
- Cha Tôma Vạn (1919-1928)
-Cha Giuse Đặng Phước Thiên (1928-1930)
III. Giai đoạn xây dựng và phát triển (1934-2008).
- Cha sở đầu tiên của họ đạo là cha Gioan Baotixita Nguyễn Linh Nhạn. Sau khi coi sóc họ Kinh Điều 4 năm thì Cha được chỉ định chính thức làm cha sở họ đạo Quới Sơn cho đến năm 1937.
- Cha Matthêu Lương Minh Ký (1937-1938) là người khởi xướng việc xây cất ngôi Nhà thờ hiện tại. Tuy nhiên công việc chỉ mới bắt đầu, thì cha đổi về Phước Lý (Miền Đông). Tại đây cha đã tham gia phong trào Công giáo kháng chiến. Sau hiệp định Genève 1954 cha tập kết ra Bắc mãi đến 1975 cha về hưu dưỡng ở Phú Nhuận và mất năm 1984.
- Cha Giuse Lương Qui Thiên về Quới Sơn năm 1938, tiếp tục xây cất Nhà thờ đến năm 1942 mới khánh thành.
- Cha Phêrô Ngô Văn Niềm về thay, đến năm 1945 Nhà thờ bị đốt cháy trong đợt tiêu thổ kháng chiến.
- Cha Micae Nguyễn Bá Sang (1954-1965), tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau mấy năm bị giam ở khám Chí Hoà. Cha về nhiệm sở Quới Sơn, sửa lại Nhà thờ lần I.
- Cha Đaminh Lê Minh Tỏ (1965-1972)
- Cha Phanxicô Nguyễn Văn Thạnh (1973- ?) hoàn tất việc tu sửa Nhà thờ, nhà xứ, xây cất lại hội trường, nhà các Dì.
IV. Giai đoạn hiện nay.
Trước đây cù lao An Hoá thuộc tỉnh Định Tường, cho nên họ đạo Quới Sơn thuộc địa phận Sài Gòn. Đến năm 1960 địa phận Mỹ Tho được thành lập, ranh giới giữa Mỹ Tho và Bến Tre trước kia là sông Ba Lai, bây giờ được ấn định lại là Sông Tiền. Vì thế họ đạo Quới Sơn và các họ đạo nằm trên cù lao An Hoá được trao trả cho địa phận Vĩnh Long.
Nói đến cù lao An Hoá, không thể bỏ qua một nhân vật nổi tiếng trong thời kỳ Pháp thuộc: đó là LeRoy, một người mang hai dòng máu Pháp -Việt. Năm 1945, LeRoy là quận trưởng Bình Đại, sau là tỉnh trưởng Bến Tre. Ông ta thành lập một tiểu đoàn lính chiêu mộ toàn là người Công giáo (tiểu đoàn Catholique), để chống lại Việt Minh. Sự kiện này đã gây một tai họa lớn cho Giáo Hội địa phương, mà ảnh hưởng của nó vẫn còn âm ỉ cho đến ngày nay. Trong con mắt của đồng bào bên lương, đạo Công giáo là công cụ của thực dân, tiếng xấu này cho đến bây giờ người có đạo vẫn còn phải gánh chịu một cách oan uổng.
Ngày nay trong xu thế đổi mới của đất nước, họ đạo Quới Sơn đang cố gắng tạo lại cho mình một gương mặt đầy thân thiện đối với tất cả mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ trong họ đạo phải được trang bị nhiều kiến thức giáo lý để có thể luôn sống đạo tốt giữa đời.
5049