Địa chỉ: ấp Nhà Thờ, xã Tường Lộc, Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
Bổn mạng: Lễ Đức Mẹ Mân Côi 7/10
Chầu lượt: CN XXVIII Thường niên
Số giáo dân: 2132
Năm thành lập:
Giờ lễ
Chúa nhật: 05g00 ; 16g30
Giáo điểm Trà Côn: 18g00
Ngày thường: 05g00;
Chiều thứ 5: 17g00
Lễ chiều thứ bảy (Thánh Lễ Chúa nhật): 16g30
Linh mục chánh sở: Matthêu Nguyễn Văn Hiền
LỊCH SỬ HỌ ĐẠO
- Năm 1890, Ông Sung Biện Tạ Xuân Hoà vào giử đạo, dưng một miếng đất lối 2 mẫu trong Rạch Sa Co, chỗ Sáu Giác ở. Lúc bấy giờ Cha Philiphê Nguyễn Công Qườn là Cha Sở Họ Hồi xuân, nay là Xuân Hiệp, cho cất Nhà thờ 2 căn lợp lá. Đến năm 1904, Cha Philiphê Qườn dời nhà thờ nầy ra chỗ vàm Rạch Sa Co cũng lợp lá, nhưng là chỗ thị tứ hơn. Cha cất nhờ trong đất của Ba Thùa. Vừa cất nhà thờ xong, ngày 01 tháng 8 1906, Cha Philiphê Nguyễn Công Quờn đổi về Họ Kinh Điều. Cha Phaolo đổi lại coi Họ Hồi Xuân. Qua năm 1906, ngày mùng 7 tháng 8, Cha Phaolô đổi lại coi họ Xuân Hiệp. Nhà Thờ nhỏ cất tại Vàm Sa-Co nói trên đó, bổn đạo về lớn nhỏ hơn 100 phần linh hồn.
- Ngày 01. 01. 1907, Cha Phaolo Trần Hiếu Ngãi đã mua 5 mẫu đất ruộng của Ba Thùa, tại Vàm Sa-Co với giá 700 đồng, chỗ bổn đạo đang ở bây giờ. Nguyên hồi trước chỗ này là đồng ruộng minh mông, không có nhà cửa ai ở hết. Cũng trong năm này, Cha P.Bellosque (Cha Lộ), đổi lại làm Cha sở Họ Hồi Xuân, Cha Phaolo Ngãi lảnh coi 9 họ nhỏ xung quanh.
- Qua năm 1911, Đức Cha Monseigneur Mossard sai Cha sở Họ Trà ôn đi bổ khuyết nơi khác. Khi ấy, Đức Cha sai Cha Phaolô Trần Hiếu Ngãi đến ở chỗ đất mới mua nầy như đã nói trên. Đức Cha có ý cho ngài ở đây nhằm trung tim và cân đường cho Cha đặng tới lui coi họ Trà Ôn, họ Ba Phố (rày kêu là Gò Xoài), họ Cai Quá và họ Sa-rài.
Khi đặng tờ Đức Cha đổi ngài đến ở họ Sa-co, khỏi 3 bửa Cha Phaolo tuốt ghe tới tại Sa-co, đặng nhắm nhía cuộc đất sẽ cất nhà, sau sẽ dời về đó thì ra thể nào. Nhắm trước nghĩ sau, Cha Phao lo thấy rằng: Giờ đây, phần đất bị xáng múc đứt ra làm 2 khúc giữa có kinh đào đại hoằn, nên cuộc đất hóa ra hẹp hòi. phần thì ngày sau phải cất nhà thờ ra cho rộng lớn, cất nhà Cha ở, nhà bếp, lẫm lúa, cất trường học, cất nhà Hài Đồng, chắc là một khúc đất bị cắt đứt hai ra đó, chắc là không đủ đâu là đâu.
Thêm vào đó, về cái chợ Tam Bình hồi đó nhà nước chưa khởi sự, chưa có ý gì hết, chỉ có cái chợ cũ tại Ba Kè mà thôi. Chính Ông Chánh Tham Biện đã gặp Cha Phaolo Trần Hiếu Ngãi, ông có bàn tính với Cha về việc để cái chợ chỗ nào? Cha Phaolo trả lời rằng: "là chỗ đang có bây giờ đó là tiện việc lắm".
Sau đó Cha Phaolo đi Sài Gòn bàn tính với Đức Cha, Bẩm rằng: "Thưa Đức Cha chỗ Saco nầy theo ý con thì thấy không đủ chỗ mà lập các nhà như nói trên, song sẵn dịp tốt: Có bà Nguyễn Thị Kế muốn bán sở ruộng của bà là 13 mẫu ngang, nơi nầy sau sẽ lập chợ Tam Bình, chỗ nầy có kinh xáng múc rộng rãi. Lại có chỗ qui tụ chầu nhưng đạo mới về ở lập họ ngày sau sẽ hoá ra đông, còn chỗ Sa-co chứa nam phụ lão ấu chừng vài mươi người mà thôi, vì là chỗ chật hẹp".
Nghe vậy Đức Cha liền nhận lời cho phép ngài mua sở đất nầy là 13 mẫu giá 1.300 đồng, không kể tiền làng thị nhận, và tiền đóng bách phần bằng khoáng. Sở ruộng nầy hồi trước có cái rạch kêu là rạch Chẹt-sậy ngang chỗ gần nhà Tư Chữ và Bảy Tình, xẹt qua gốc đất Thánh ăn thẳng ra Ba Kè, hồi đó hoang lặn vắng vẻ lắm. Làm tờ mua sở ruộng đất này là Octobre năm 1911, hồi đó đất trống trơn không có cây cối gì hết, xáng đổ bùn lên đâu đó thành gò nổng mà thôi.
Tờ giấy xong rồi Cha liền đi Cái Mơn tính với Bà Nhứt Anna Miều, xin cho Dì qua giúp Cha lặp nhà Hài Đồng, Bà Nhứt đã sẵn lòng phụ giúp Cha, Bà cho cau, tre và cây cối đặng cất nhà Hài Đồng. Có Dì Maria Tứ đến đầu tiên coi sóc nhà Hài Đồng nầy.
- Qua Lễ Sinh nhật năm 1912, Cha Phaolo Ngãi dỡ Nhà thờ nhỏ tại vàm rạch Sa-co chỡ về chỗ mới, cách nhà thờ rạch Saco chừng 2.500 thước. Nhà thờ mới này có nền đúc, cất theo kiểu Annam, vách gạch, lợp ngói. Từ đây Họ Đạo có tên mới là Họ Tường Lộc, lấy theo tên làng, không dùng tên cũ là saco nữa. Tượng ảnh Đức Bà Môi Khôi ông phủ Đằng ở Thủ Thêm dưng, cây đờn ông Thông Linh ở Vĩnh Long dưng, cái chuông bà Sung Biện Isave Bùi Thị Điền dưng.
- Qua năm 1913 Cha cất nhà Cha Sở (presbytère) bằng cột tràm kê táng, lợp lá. Sườn vách ván. Cũng trong năm này, Cha Phaolo còn mua 1 mẫu mấy đất, ngay trước Nhà thờ bên kia kinh để làm đất thánh chôn xác bổn đạo. Đến năm 1918, số bổn đạo ở Họ Tường Lộc (Tam Bình) là 305 người. Nhà Hài Đồng rửa tội được 675 trẻ người lương. Ngày lụng tháng qua Cha nương náu trong cái nhà (presbytere) cột tràm đó trọn là 17 năm chầy, chật hẹp, thấp thỏi, phèn cháo tươm lên ướt át, sách vở ỷ ướt hư hết.
- Năm 1928, Cha Phaolo đã cất cái nhà vuông (presbytere) nền đúc vách gạch như thấy bây giờ đó, số tiền là 4800 đồng. Sau đó, cứ khoảng vài năm, hể gặp dịp thì Cha Phaolo mua thêm ruộng đất có ý cho bổn đạo ở yên, sẳn ruộng mần kiếm cơm ăn. Cho nên cả thảy Cha đã mua ruộng đất là hơn 36 mẫu. Trong thời gian này, Cha Phaolo cũng đã cho nhiều người đi tu trong nhà phước, nhà dòng kể ra sau nầy: ở nhà trường Latinh, ở nhà dòng Phước Sơn, ở nhà phước Cái Mơn, ở nhà phước Chợ Quán, ở nhà phước trắng ông Thánh Vinh-sơn Phaolô. Giuse Thái Khắc Đấu Cha cho đi tu dòng ba ở Phước Sơn đã lâu năm, qua đời ở trong nhà dòng.
- Vậy kể từ năm 1912 cho đến nay là tháng 07 năm 1945 số rửa tội cho trẻ Hài Đồng bên lương tất cả là 3192 em, không kể số trẻ hài đoầng đã được Rừa Tội trong sổ cũ. Số bổn đạo hồi năm đó có lối chừng 100 phần linh hồn, mà tới ngày nay kể số cả thảy là 679 kể về nam phụ lão ấu.
- Trong một khoảng thời gian dài từ năm 1908 đến 1942, thi thoảng có các Cha P. Bellosq, Cha Phaolo Trần Công Thắng, Cha Fx. Savie Nguyễn Văn Binh, Cha Giuse Lễ, Cha Marcô Nguyễn Minh Châu đến giúp Cha Phaolo làm lễ, ban bí tích... Đến năm 1942 Cha Toma Nguyễn Văn Rỡ về làm Cha phó cho Cha Phaolo. Ở Tam Bình được 5 năm, sau đó Cha Toma đi du học, rồi về ở Chủng viện.
- Giờ đây Họ Đạo Tường Lộc(Tam Bình), dưới sự dẫn dắt của Cha Phaolo Trần Hiếu Ngãi đã không ngừng phát triển. Cha mua rất nhiều đất ruộng cho Anh chị em giáo dân đặng mần ăn. Số đất hãy còn dư cho kẻ ngoại mướn nữa. Rồi ngày ấy cũng đã đến với Cha. Cha tạm biệt đàn chiên mà Cha đã gầy dựng, để trở về với Chúa vào ngày 21.09.1947. Mộ phần của Cha hãy còn đó, dưới hàng cây cao, thẳng đứng, trong phần đất mà Cha đã gầy dưng nên cho họ đạo.
- Tiếp nối sứ mạng của Cha Phaolo, Bề trên sai cha Dominicô Lê Minh Tỏ về chăm sóc Họ đạo. Ngôi nhà thờ tiên khởi trên mãnh đất Tường Lộc đến giờ cũng đã trót 40 năm, và bắt đầu hư hại nhiều. Cha Dominicô Tỏ đã cho cất lại nhà thơ mới, không phải trên nền nhà thờ cũ, nhưng là Cha dời về hướng tây nam so với nhà thờ cũ. Ngôi nhà thờ mới này có hai hàng cột cây ở giữa, vách tường xây bằng vôi cát, có lầu ván để dành cho ban hát. Ngày 15.04.1953, Lễ mãn tang Cha Phaolo Ngãi, Cha Dominicô rước tượng Đức Bà Fatima về Họ Đạo và khánh thành ngôi nhà thờ mới này. Họ Đạo vui mừng tạ ơn Chúa đã thương ban cho họ đạo có được nơi thờ phượng mới chắc chắn. Dưới sự dẫn dắt của Cha Dominicô, họ đạo ngày một có đông các em học trò lễ, các đồng nhi hát. Cha Dominicô đã cất ngôi nhà cột cây, vách ván, có lầu, để dành cho việc dạy giáo lý. Ngôi nhà này nằm cạnh nhà thờ vừa mới xây xong. Đó là ngôi nhà Quý dì đầu tiên của họ đạo. Thời này có 4 Dì tới giúp họ đạo dạy dỗ con trẻ. Cũng trong thời gian này, thi thoảng có Cha GioanBt. Huởn đến phụ giúp công việc mục vụ với Cha Dominicô. Núi Đức Mẹ bên cạnh cây da cổ thụ như đã thấy bây giờ cũng được mọc lên vào thời này. Và như thế Cha Dominicô đã chăm sóc họ đạo Tam Bình cho tới gần cuối năm1956.
- Tháng 11.1956, Cha Phaolo Nguyễn Văn Mừng về Họ Đạo. Giờ đây Cha Phaolo Mừng còn đi làm lễ ở Họ Cai Quá nữa. Cha đưa đồng nhi hát đi với Cha bằng ghe bầu. Đường đi khó khăn trắc trở mà không sao làm nãn lòng được ý chí, niềm tin và lòng yêu mến của anh chị em giáo dân thời bấy giờ. Và như thế Cha Phaolo Mừng đã chăm sóc họ đạo cho tới năm 1961. Cha đã đưa nhiều người về với Chúa, nhất là những người nghèo khổ ở xa xôi nhất.
- Tháng 06.1961, họ đạo đón chào Cha sở mới, Cha Raphael Nguyễn Ngọc Quý. Giờ đây họ đạo ngày một phát triển và nới rộng ra khá xa, điều kiện đi lại trong thời bấy giờ lại khó khăn. Cha Raphael đã dựng thêm 1 nhà nguyện bằng tre lá tại Trà Luộc (chợ cũ ngày nay) . Và cứ mồi tuần Cha đến đó Dâng Lễ vào ngày chúa nhật. Bước sang năm 1962, Cha cho sửa lại ngôi nhà Quý Dì đã bị hư hại nhiều. Ngôi nhà này lợp tole và xây tường kiên cố. Và như thế họ đạo được Cha Raphael đã coi sóc tới năm1963.
- Tiếp tục chăm sóc họ đạo trong thời này, Cha Phêrô Phan Ngọc Đức. Thời gian Cha Phêrô coi sóc họ đạo chỉ vỏn vẹn có mấy tháng.
- Bước sang tháng 7 năm 1963, Cha Giuse Lâm Quang Bỉ bắt đầu cai quản họ đạo Tam Bình. Họ đạo giờ đây đã khá đông, từng khu xóm cũng được hình thành cách rõ nét hơn. Cha Giuse đặc biệt chú ý tới lớp trẻ, Cha chăm lo đào tạo nhóm thiếu nhi thánh thể, hướng nghiệp cho thanh niên thiếu nữ. Vì vậy, Cha đã cho cất lại trường học có 5 phòng lớp, khang trang, sạch đẹp. Cha nhờ Quý Dì không những dạy giáo lý, mà còn dạy chữ nghĩa cho con trẻ. Có rất nhiều người nay thành đạt, đã xuất thân từ mái trường này. Nơi ngã ba bến đò qua sông để sang chợ Tam Bình, thuộc phần đất của nhà chung, Cha Giuse cho xây một tượng Đài Đức Mẹ đúng vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm năm 1963. Cùng năm nầy cha cho xây mới Nhà Thờ tại Ba Kè (nhà thờ cũ nầy, nay vẫn còn, dù không sử dụng nữa). Họ Đạo Ba Kè từ đó, mỗi Chúa Nhật đều có Thánh Lễ. Họ đạo ngày càng thêm phát triển. Cha lập Hội Phạt TạTrái Tim, Hội Con Đức Mẹ, Hội Legio Maria. Và Cha Giuse tiếp tục dẫn dắt họ đạo trong sự quan phòng của Chúa cho đến năm 1968.
- Sang năm 1969, một lần nữa, họ đạo Tam Bình hân hoan chào đón Cha Phaolo Nguyễn Văn Mừng. Lần thứ hai về làm Cha sở họ đạo, Cha Phaolo đã cho khởi công làm nền móng nhà thờ. Nền móng nhà thờ này nằm đúng ngay vị trí nhà thờ tiên khởi mà Cha Phaolo Ngãi đã cất. Thế nhưng lúc này là thời chiến tranh, bom đạn, họ đạo gạp vô vàn khó khăn. Là một chủ chăn nay trở lại với đàn chiên cũ, Cha Phaolo đã lặn lội đến từng nhà để chăm sóc, an ủi giáo dân, nhất là những người nhèo.
- Sau biến cố năm1975, Cha Phaolo Mừng chia tay với họ đạo để đến nhiệm sở mới. Cha Micae Văn Công Nghi về lại Tam Bình. Hoàn cảnh lại càng khắc nghiệt hơn nữa. Người ta không cho Cha làm lễ Misa, chỉ được làm lễ ngày Chúa nhật mà thôi. Mọi hoạt động của họ đạo đều không được làm gì cả.
- Cũng trong năm này, Cha Matthêu Huỳnh Huân Nhi về Tam Bình. Cha Matthêu đã cùng với anh chị em giáo dân vượt qua muôn vàn khó khăn. Chúa quan phòng lo liệu mọi sự, giáo dân được tham dự thánh lễ mỗi ngày, các hoạt động của họ đạo trở lại bình thường. Trong thời kỳ khó khăn như vậy đó, mà số giáo dân mỗi ngày một đông hơn. Ngôi nhà thờ của họ đạo giờ đây không còn đủ chỗ cho giáo dân ngồi dự lễ nữa rồi. Cha Matthêu đã cho nới rộng hai bên nhà thờ. Chuông của họ đạo lâu nay được treo trên cây da. Giờ đây thấy nhánh da có dấu hiệu khô gãy, không an toàn, Cha Matthêu cho xây tháp chuông, như đã thấy hiện giờ. Đài Đức Mẹ cũng được trùng tu lại trong thời kỳ này, cùng với việc gia cố lại bờ kè phía trước Đài Đức Mẹ do sạt lở. Ngày lụng tháng qua, Vị chủ chăn và đàn chiên đã đồng cam cộng khổ như vậy là gần 20 năm. Ngày 30.09.1994, Chúa gọi Cha Matthêu về với Chúa. Mộ phần của Cha được đặt kề bên Cha Phaolo Ngãi.
- Cũng trong năm 1994 này, Đức Cha sai Cha Gioakim Đỗ Duy Thãn về làm Cha sở . Cha GioaKim lúc bấy giờ đang ở họ đạo Ba Càng, Cha cũng coi luôn nhiều họ đạo xung quanh. Trước tình hình mới, với nhiều khó khăn như vậy. Cha Gioankim Thản đã nhờ các Cha Phụ tá của ngài, luân phiên nhau đến làm lễ, chăm sóc mục vụ ở Tam Bình. Lúc này có Cha Anrê Phạm Văn Bé và Cha Giuse Lưu Văn Minh. Hai Cha Giuse Minh và Anrê Bé đã thành lập nhiều hội đoàn, rất nhiều phong trào hoạt động của giới trẻ cũng được khởi xướng từ đây, hội bảo trợ ơn gọi cũng được thành lập trong thời kỳ này. Phần Cha sở thì thỉnh thoảng đến làm lễ vào các ngày Chúa nhật.
- Bước sang năm 1996, Bề trên sai Cha Stephano Nguyễn Văn Thuyết đến ở thường trực với họ đạo trong vai trò phụ tá với Cha Gioan kim. Có Cha Stephano ở thường xuyên với họ đạo, cộng với việc Đức Cha cho Quý Thầy Đại chủng viện luân phiên hằng năm về giúp họ đạo. Các hội đoàn, các nhóm thanh niên thiếu nữ ngày càng hăng say tham gia công việc chung. Số giáo dân ngày một tăng mạnh. Ngôi nhà thờ của họ đạo tính đến nay đã bước qua tuổi 40, vừa chật hep, vừa hư hại nhiều. Cha sở Gioan kim cùng với Cha Stephano mời gọi anh chị em giáo dân hy sinh đóng góp, Kẻ có công người có của. Phần Cha, Cha cũng tất bật chạy lo cho họ đạo có đủ số tiền để xây lại nhà thờ. Sự quan phòng của Chúa, lòng nhiệt thành của hai Cha Stephano và Gioakim, cùng với tinh thần hăng say của anh chị em giáo dân, họ đạo vui mừng khởi công xây dựng ngôi Thánh Đường mới, trên nền móng mà xưa kia Cha Phaolo Mừng đã cuốn nền. Đó cũng là nền nhà thờ tiên khởi của họ đạo. Thế là sau 11 tháng thi công, ngôi nhà thờ mới được Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu làm phép ngày 29.10.1998. Có ngôi nhà thờ mới, khang trang và rộng lớn, Cha Stephano cùng với anh chị em giáo dân tiếp tục xây dựng tượng đài nơi đất thánh, phục vụ cho việc dâng lễ tại đất thánh vào các ngày lễ các đẳng và ngày tết nguyên đán. Cũng trong thời kỳ này, họ đạo có được 2 con đường lát dale: Một đi qua đất thánh, một phía sau nhà thờ, nên việc đi lại của anh chị em không còn sình lầy như trước đây nữa. Từ trước tới nay, lúc này là lúc Bổn đạo tăng ở mức cao nhất, đặc biệt là thiếu nhi. Các hội đoàn hoạt động hăng say nhất. Nhờ công khó của Cha Stephano, họ đạo có thêm các anh chị em gia nhập gia đình Khôi Bình, được xem là mới mẻ nhất trong giáo phận lúc bấy giờ.
- Bước sang năm 2002, vào dịp lễ giáng sinh năm này, Cha stephano đi nhận nhiệm sở mới. Đức Cha bổ nhiệm Cha Phêrô Ngô Văn Xanh làm Cha sở mới. Họ đạo giờ đây đã có nhiều hội đoàn, thiếu nhi Thánh Thể cũng rất đông. Từ khi có Cha Phêrô, họ đạo có thêm giờ kinh chiều, có thêm sách hướng dẫn để tiện việc thưa kinh trong nhà thờ khi dâng lễ, nhất là các em thiếu nhi. Đặc biệt là Cha đã cho đóng Plafond trong nhà thờ. Ngôi nhà thờ nay có thêm Plafond, vừa mát, vừa khang trang, khiến cho việc đọc kinh, dự lễ càng thêm sốt sắng hơn.
- Năm 2003, Đức Cha Toma sai Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mẫn về họ đạo, làm phụ tá cho Cha Phêrô. Cùng với cha Phêrô, Cha Giacôbê cũng đã nổ lực giúp các em thiếu nhi sống đạo sao cho tốt hơn, đi vào chiều sâu hơn. Tháng 10 năm 2004, Cha Phêrô Ngô Văn Xanh, vì lý do sức khoẻ, được Đức Cha giao coi sóc Họ Ba Kè.
- Lúc bấy giờ, Đức Cha Tôma sai Cha Gioakim Đỗ Duy Thãn, dù vẫn ở họ Ba Càng phụ trách coi sóc Họ đạo. Cha Giacôbê Mẫn giờ đây thay mặt ngài, xử lý công việc của họ đạo. Được Cha Gioakim hướng dẫn, Cha Giacôbê cùng với anh chị em giáo dân trong họ đạo: Kẻ góp công, người ra sức, tu sửa lại mái nhà xứ, ngôi nhà mà Cha Phaolo Ngãi đã cất cách đây gần 80 năm. Ngôi nhà mấy Dì cũng đã hư hại nhiều, Cha cùng với anh em tiếp tục trùng tu lại. Hoàn cảnh họ đạo bấy giờ khó khăn quá, phần lớn các bạn trẻ đã đi làm ăn xa. Trước đây, đời sống giáo dân còn có công ăn việc làm tại nhà. Bây giờ thất nghiệp nhiều quá, phương tiện đi lại găp khó khăn nhiều quá. Nhất là con rạch phía trước nhà thờ bị đấp bít hai đầu. Họ đạo đã đứng ra mở con đường từ lộ sau sau đi vào nhà thờ. Nhờ có con đường mới, rộng r?i, khang trang và tráng nhựa nầy mà việc đi lại của dân chúng trong vùng và bà con giáo dân được thuận lợäi dễ dàng hơn. Cha Giacôbê cũng đã cho xây bờ tường rào xung quanh khu vực họ đạo, phân biệt rạch ròi phần đất thuộc Nhà Thờ.
- Tháng 10 năm 2007, Đức Cha Tôma bổ nhiệm Cha Benoit Bùi Châu Thiên về làm Cha sở họ đạo. Cha Giacôbê trong vai trò phụ tá Cha Benoit, nhưng phục vụ ở họ Cai Quá và Ngã Cạy. Cha Benoit Thiên tập trung lo cho thiếu nhi qua việc đôn đốc học Giáo Lý mỗi Chúa Nhật, thăm viếng bệnh nhân hàng tháng. Cha cũng đã cho xây bờ kè khang trang ven sông, bao quanh khu vực Nhà Thờ và sửa chữa hoàn chỉnh Nhà Trường cũ 08 căn dành cho việc sinh hoạt hội đoàn và dạy Giáo lý.
- Ngày 01.09.2010 Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân đã bổ nhiệm cha Matthêô Nguyễn Văn Hiền làm sở Họ Tam Bình. Trong thời gian ngắn cha đã dốc sức thăm viếng để nắm rõ tình hình giáo dân, đem Mình Thánh Chúa hàng tháng, đẩy mạnh việc dạy Giáo Lý cho thiếu nhi mỗi ngày Chúa Nhật, củng cố Giáo Lý Viên, Ca đoàn, Thiếu Nhi Thánh Thể.. Bên cạnh đó, cho cho sửa lại Đất thánh, mở rộng đường bêtông để giáo dân dễ dàng đi chôn xác người chết, sửa lại mặt tiền Nhà Thờ bị xuống cấp, tôn tạo lại Đài Đức Mẹ tại Bến Đò qua sơng Tam Bình...
Nhìn lại lịch sử đã qua, kể từ cái ngày mà Ông Sung Biện Tạ Xuân Hoà vào giữ đạo năm 1890 ở Rạch Saco và dâng cho nhà chung 2 mẫu đất tới nay. Họ Đạo Tường Lộc (Tam Bình) đã trãi qua biết bao thăng trầm. Nếu xem ngôi nhà thờ tre lá ở Rạch Saco ngày đó là nhà thờ đầu tiên của họ đạo, thì tới hôm nay, ngôi nhà thờ hiện có của họ đạo đã 5 lần cất lại và di dời. Theo sổ rửa tội, giáo dân hiện nay hơn 3000 ng??i. Trong tất cả mọi lao đao lận đận của họ đạo, luôn có bàn tay quan phòng nâng đỡ của Chúa và Mẹ Maria. Chúa đã thương ban cho họ đạo: Không có thời kỳ nào mà không có Cha và Quý Dì tới ở giúp họ đạo. Hơn nữa Người còn ban cho họ đạo có cả thảy 6 Linh Mục hiện đang phục vụ tại các họ đạo trong Giáo phận và gần 20 tu sĩ xuất thân từ họ đạo Tam Bình. Tất cả là hồng ân, chúng con xin phó dâng tất cả họ đạo chúng con trong tay Đức Mẹ Mân Côi, Quan Thầy của Họ Đạo. Họ đạo Tam Bình có truyền thống yêu mến Đức Mẹ Mân Côi Quan Thầy cách đặc biệt.
Xin Mẹ gìn giữ tất cả chúng con.