Địa chỉ: ấp Chánh, xã Tiên Thủy, Châu Thành, BẾN TRE
Bổn mạng: Thánh Phaolô
Chầu lượt: CN IV Mùa Vọng
Số giáo dân: 280
Năm thành lập:
Giờ lễ:
Chúa Nhật: 8g30
Linh mục Chánh sở: Ph. Xaviê Lê Văn Liêm
LỊCH SỬ HỌ ĐẠO
I. GỐC TÍCH
1. Họ Đạo Sóc Sải, tiền thân của Họ Đạo Tiên Thuỷ ngày nay
Tại thôn Quảng Điền, làng Sóc Sải, tổng Bảo Ngãi Bến Tre (Nay thuộc xã An Hiệp, giáp ranh xã Tiên Thuỷ), khoảng năm 1869, có Linh Mục Lập, Đậu và Giuse Phạm Ngọc Bình đến lập một Nhà Nguyện bằng cây lá, gọi là nhà Họ Quảng Điền.
Năm 1875, Họ Đạo Sóc Sải được hình thành và sinh hoạt. Nhưng trước khi thành lập Họ Đạo, có một vài Linh Mục ghé thăm Sóc Sải. Cụ thể:
Năm 1868, Cha Lập coi Quang Điền, ghé thăm Sóc Sải.
Năm 1871, Cha Đậu đến coi Sóc Sải và khảo sát tình hình.
Năm 1875, Cha Bình đến dạy giáo lý và lập thành Họ Đạo Sóc Sải.
Khi thành lập, Họ Đạo Sóc Sải có khoảng 130 giáo dân (30 gia đình), như gia đình ông Lê Văn Thiện, gốc Họ Đạo Cái Mơn, ông Chối, ông Tấn gốc Sóc Sải. Con cháu sau này có gia đình ông Đỗ Văn Sáu và Tám Nhung, hiện là giáo dân Họ Đạo An Hiệp; gia đình ông Stêphanô Trương Văn Để, hiện là giáo dân Họ Đạo Tiên Thuỷ.
Đến khoảng năm 1905, mọi sinh hoạt tôn giáo phải ngưng lại. Từ đó, giáo dân phải đến Nhà Thờ Thành Triệu tham dự các nghi lễ phụng tự. Cũng từ đó, điểm nơi cơ sở thờ tự Quảng Điền này không còn dấu tích gì.
2. Nhà Thờ Họ Đạo Tiên Thuỷ
Năm 1968, vì nhu cầu lợi ích của giáo dân, Cha sở Họ Đạo Thành Triệu là Giuse Nguyễn Văn Bút cùng với giáo dân, thành lập Họ Đạo Tiên Thuỷ, xây dựng Nhà Thờ và dựng một trường học sơ cấp (gồm 02 phòng học và 01 căn phòng ở của các Dì). Nhà Thờ và trường học này được xây dựng trên phần đất diện tích 722 m2 của Họ Đạo, toạ lạc tại Ấp Chánh, xã Tiên Thuỷ như hiện nay. Phần đất này do bà Nguyễn Thị Liên, một lương dân người xã Tiên Thuỷ dâng cúng vô thời hạn (nay đã có sổ đò, giấy chứng nhận quyền sử dung đất “Đất Nhà Thờ”.
Họ Đạo Tiên Thuỷ được hình thành và mọi sinh hoạt tôn giáo và việc giảng dạy, học tập trường lớp được bắt đầu từ đó.
II. VIỆC TU SỬA CƠ SỞ VẬT CHẤT HỌ ĐẠO
1. Nhà Thờ
Năm 1990, Nhà Thờ bị xuống cấp, đã được tu sửa và sử dụng cho đến giữa năm2012.
Do nền Nhà Thờ và khuôn viên thường xuyên bị ngập mỗi khi nước dâng cao, nên đầu tháng 7 năm 2012 vừa qua, Cha sở Phaolô Khổng Đức Ý cử Cha PX. Liêm (Cha phó) coi sóc việc sửa sang và nâng cấp Nhà Thờ Tiên Thuỷ: nâng nền, nâng mái, lợp lại mái tôn, thay gạch lát nền. . . Nhân dịp này, Nhà xứ Tiên Thuỷ (trường học cũ trước đây) cũng được sửa sang và nâng cấp mới toàn bộ. Bộ mặt của Họ Đạo Tiên Thuỷ giờ đây đã thay đổi: gọn gàng, sạch sẻ và có nhiều sự đều mới mẻ.
2. Trường học sơ cấp
Trường học này được sử dụng tốt cho đến năm 1975. Năm 1978, Chính quyền Xã Tiên Thuỷ trưng dụng làm trường học Xã.
Đến ngày 18.02.1995, trường này đã được hoàn trả cho Nhà Thờ. Sau khi hoàn trả, trường đã được tu sửa và được chuyển mục đích sử dụng, thành nhà sinh hoạt mục vụ của Họ Đạo cho đến nay
III. CÁC LINH MỤC COI SÓC HỌ ĐẠO TIÊN THUỶ
1. Các Linh Mục tiền nhiệm
- Cha Lập
- Cha Đậu
- Cha Giuse Phạm Ngọc Bình
- Cha Giuse Nguyễn Văn Bút (1963-1971)- Cha phó Phêrô Trần Thanh Xuân (1995-1997)
2. Các Linh Mục Chánh – phó đương nhiệm
- Cha Phaolô Khổng Đức Ý (1971 – nay: 2012): Cha sở.
- Cha phó Micae Nguyễn Hà Thiện Tâm (1997 – nay: 2012): Cha Phó.
- Cha phó PX. Lê Văn Liêm (2010 – nay: 2012): Cha Phó.
3. Các Tu sĩ xuất phát từ Họ Đạo
- Nữ tu Isave Trương Thị Đức, Dòng MTG Cái Nhum.
- Nữ tu Lucia Hà Thị Xem, tu hội Huynh Đoàn Cát Minh tại thế.
IV. GIÁO DÂN VÀ SINH HOẠT CỦA HỌ ĐẠO
Số giáo dân hiện nay khoảng 280 người. Đa số giáo dân là dân tản cư, đời sống không ổn định, khó phát triển.
Các nghi lễ và Bí tích : chủ yếu các ngày Chúa nhật, lễ trọng, lễ tuỳ nhu cầu và lợi ích mục vụ, được cử hành thường xuyên, đều đặn từ khi thành lập Họ Đạo đến nay.
Ban Qưới chức của Họ Đạo (7 vị) cộng tác với Cha sở trong những sinh hoạt của Họ Đạo. Sinh hoạt chủ yếu của Họ Đạo cho đến bây giờ vẫn là Thánh Lễ Chúa nhật. Ngoài ra, không có sinh hoạt nào đáng kể.
Các Dì Dòng Thánh Phaolô (ở tại Thành Triệu) đến giúp dạy Giáo lý, tập hát cho Họ Đạo.
Thiếu nhi Thánh Thể hàng tuần có gặp gỡ nhau, sinh hoạt đôi chút.
V. NHẬN ĐỊNH VÀ HƯỚNG TỚI
1. Tình hình đạo đức: Số giáo dân tham dự Thánh lễ và các Bí tích có phần gia tăng. Lý do:
- Một số giáo dân hồi hương sau năm 1975, đã ăn năn trở lại.
- Một số giáo dân các Họ Đạo lân cận, một số giáo dân vãng lai buôn bán làm ăn do bổn phận Thánh hoá ngày Chúa nhật
2. Tình trạng kinh tế gia đình
Một số nhỏ giáo dân buôn bán: Kinh tế tạm ổn định, đủ đáp ứng các nhu cầu đời sống gia đình. Đa phần còn lại sống nghề nông nghiệp, đời sống còn vất vả, thiếu kém, chưa ổn định, chỉ tạm sống qua ngày.
6973 22-02-2011 15:28:36