Sidebar

Thứ Bảy
05.10.2024

Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

 Ds 6, 22-27; Gl  4, 4-7; Lc 2, 16-21

          Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa là đặc ân mà Thiên Chúa yêu thương trao ban cho Mẹ và vì Con của Mẹ là Thiên Chúa. Thật thế, Mẹ chỉ là Mẹ trong trật tự sản sinh nhân loại, nhưng Con mà Mẹ thụ thai và hạ sinh là Thiên Chúa, nên Mẹ phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa.

          Khởi đi từ thế kỷ II đã được các thánh Giáo phụ Inhaxiô Antiokia, Irênêô, Cyrillô Alexandria, Augustinô, Epiphanô đã dùng tín lý này để diễn giải sâu rộng để đối phó với lạc thuyết của các bè rối Gnosticism, Docetism. Và ta thấy thánh Luca minh hoạ rõ ràng trong trangTin Mừng của Ngài.

          Các bè rối vẫn nói Chúa Giêsu chỉ là ảo tượng dẫu rằng Thánh Gioan Tông đồ loan báo chứng thực rõ ràng rằng ngài đã từng mắt thấy, tai nghe và đụng chạm tới Chúa Giêsu là Ngôi Lời hằng sống đã xuất hiện. Lạc thuyết của các bè rối muốn phá đổ tự nền tảng công cuộc Cứu chuộc của Chúa Kitô.

          Chính vì thế, các Giáo phụ dựa trên tín lý phẩm chức Thiên mẫu của Mẹ Maria để phá tan lạc thuyết này rằng Đức Trinh Nữ không thể là Mẹ nếu không có Con. Và Người không có Con, nếu Chúa Giêsu chỉ là một bóng ma. Giáo phụ Tertulianô bác bỏ Marcion người lạc giáo: "Mục đích phủ nhận thân xác Chúa Kitô, ông chối bỏ việc Người sinh ra. Hay là để chối bỏ việc Người sinh ra, ông phủ nhận thân xác Chúa.

          Khi thấy Chúa đi trên mặt biển và khi thấy Chúa hiện ra sau khi Người sống lại, các tông đồ tưởng Người là ma. Nhưng Người đã quả quyết: "Chính Thầy đây!" Như vậy Chúa Giêsu có thân xác thực sự sống động. Mà nếu thân xác Người là thân xác của Thiên Chúa bởi trinh huyết Đức Trinh Nữ Maria, thì Đức Maria phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Một thân xác là thân xác của Thiên Chúa lúc hiệp với ngôi Con Thiên Chúa là Thiên Chúa thật như Chúa Cha.

          Các thánh Giáo phụ đều đồng thanh cao rao chúc tụng Mẹ Thiên Chúa vào thế kỷ III và thế kỷ IV,.

          Năm 325, Công đồng Nicêa I lên án lạc giáo Ariô, đồng thời định tín Ngôi Lời đồng bản thể với Đức Chúa Cha, và đặt kinh Tin kính (gọi là kinh Tin kính Nicêa đọc trong thánh lễ). Tín điều này chứng minh Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, cùng với tín lý Mẹ Thiên Chúa của các thánh Giáo phụ sẽ mở đường cho tín điều Mẹ Thiên Chúa của Công đồng Ephêsô sau này.

          Công đồng Êphêsô long trọng tuyên tín Tín điều Mẹ Thiên Chúa như một luồng gió xuân tươi mát dịu dàng trào thổi từ Êphêsô sang khắp các miền Alexandria, Constantinopôli, Antiôkia, sang Rôma, khắp Âu châu rồi dần dần ra khắp hoàn cầu.

          Lòng sùng kính mến yêu Mẹ Maria thêm muôn phần phấn khởi đã được biểu hiện ra nhiều việc sùng mến Mẹ Thiên Chúa: Nhà thờ Đức Mẹ nơi diễn tiến Công đồng Êphêsô đã trở thành Vương cung thánh đường Mẹ Thiên Chúa.

          Năm 432, Đức Sixtô III xây cất lại và cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả trên đồi Esquilinô tại Rôma mà Đức Liberiô xây cất năm 352 cho Mẹ Thiên Chúa, và nâng lên bậc Vương cung thánh đường.

          Năm 451, Công đồng Chalceđônia cũng tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Các Thánh tiến sĩ các nhà thần học, các Đức Giáo hoàng liên tiếp rao giảng và chúc tụng Mẹ Thiên Chúa.

          Năm 1215, Công đồng Lateranô IV tuyên nhận Chức phẩm trinh trong Mẹ Thiên Chúa. Năm 1427 trong một bài giảng, Thánh Bênađinô đọc lời cầu nguyện: "Ave Maria Jesus, Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis". Câu "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử" được đưa vào kinh do các nữ tu Dòng Đức Bà Tình Thương (Our Lady of Mercy) năm 1514, các đan sĩ Dòng Camaldolesia năm 1515 và Dòng Phanxicô năm 1525. Năm 1568, Đức Thánh Piô V chính thức xác định như chúng ta thường đọc ngày nay.

          Gần nhất, ta thấy Công đồng Vatican II (1962-1965) dạy: "Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa... Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo hội.. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Kitô".

          Nhờ và qua Giáo huấn của Giáo hội và lời giảng dạy của các Thánh Giáo phụ, các Thánh tiến sĩ và các nhà thần học, giáo dân trong khắp Giáo hội mỗi ngày thêm vững tin tín điều Mẹ Thiên Chúa và sốt sắng sùng mến Mẹ.

          Chức phẩm Thiên Mẫu của Mẹ quả thật do tình yêu, vì tình yêu, và cho tình yêu, từ các tầng trời xuống khắp trái đất, từ muôn thuở tới muôn thế hệ. Cà như vậy, Mẹ rất xứng đáng được tuyên phong là Nữ Vương không gian và thời gian.

          Khi làm người, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha, đã nhận lấy thời gian của chúng ta trong mọi chiều kích và Ngài hướng thời gian về vĩnh cửu.

          Thật vậy, vĩnh cửu là chiều kích của Thiên Chúa. Khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa cũng chấp nhận trọn vẹn thời gian của nhân loại, với nhân tính của Ngài, để dẫn con người qua mọi chiều kích của thời gian này hướng về vĩnh cửu, và cho con người được tham dự vào cuộc sống thần linh vốn là gia sản đích thực của Chúa Cha, Chúa Con, và Thánh Linh.

          Trang Tin Mừng theo Thánh Luca kể lại cảnh Bêlem trong đêm Giáng sinh để cho thấy Đức Maria là Mẹ Đức Kitô là Thiên Chúa: Được các thiên thần hiện ra loan báo tin mừng Chúa Giáng sinh, các mục đồng hối hả đi tìm gặp Maria và Giuse cùng Hài Nhi nằm trong máng cỏ (2, 16). Các mục đồng được loan báo tin mừng đầu tiên vì họ là hạng người hèn kém trong xã hội Do thái thời đó, nhưng tâm hồn họ đơn thật an vui.

          Họ đã đến, đã gặp gỡ Chúa Hài Nhi, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Họ hiểu được lời thiên thần loan báo. Họ đã loan báo tin mừng cho mọi người và vui mừng tôn vinh Thiên Chúa vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe (2, 17-21).

          Trang Tin Mừng theo Thánh Luca mà ta vừa nghe mời gọi ta chiêm ngắm trở lại cảnh hang Bêlem, quá đơn sơ nghèo nàn, nhưng có điều gì đó cần được suy gẫm sâu hơn nữa. Mẹ Maria đã chẳng, trong suốt những ngày này, chỉ suy đi nghĩ lại trong lòng những điều đang xảy ra xem nó có ý nghĩa gì: “Đến nơi, các mục đồng gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ”. 

          Diễm phúc lớn hơn hết của người đã được đặc ân cưu mang trong dạ chín tháng, sinh hạ, rồi ôm ẵm trên tay, cho bú mớm và nuôi dưỡng Hài Nhi nhỏ bé chính là được diễm phúc gần gũi, được chạm tới, được chiêm ngắm gần gụi hơn ai hết một Thiên Chúa làm người để cứu độ, một Thiên Chúa đang tỏ hiện lòng từ bi thương xót Người cách quá cụ thể và độc đáo. Không trách gì Maria đã “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.

          Khi đề cập tới ‘nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa’, Đức Giêsu thật sự muốn nói tới điều gì, đặc biệt hạn từ ‘lời Thiên Chúa’? Phải chăng đó là nghe và tuân giữ các điều Người giảng dạy hay các giới luật Người ban như luật yêu thương rất cao đẹp chẳng hạn?

          Không hẳn thế! Lời Thiên Chúa là toàn bộ sự hiện diện của Giêsu nơi dương thế, từ Bêlem trong hình hài trẻ sơ sinh cho đến cái chết nhuốc khổ trên thập giá, Lời đó chỉ nói lên một điều duy nhất: Thiên Chúa xót thương và cứu chuộc con người.

          Rõ ràng Maria ngay từ đầu đã để tâm ‘lắng nghe’ điều đó, trước, trong và sau các diễn biến đang xảy ra tại Bêlem, và còn tiếp tục mãi cho tới chân thập giá. Người đã lắng nghe và đón nhận cách chăm chú, với tâm hồn bén nhạy của một phụ nữ, với phong cách một người mẹ; nghe với tất cả tâm trí tới độ có thể cất lên khi có dịp: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa , Đấng cứu độ tôi… Người đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn…” (Lc 1, 46-4)

          Maria đồng thời cũng ‘tuân giữ lời’qua việc đón nhận cách trọn vẹn và tham gia cách tích cực vào việc Thiên Chúa thực hiện lòng thương xót cứu độ của Ngài. ‘Lắng nghe’nào sâu xa cho bằng để cả tâm trì và cõi lòng mình nhảy mừng khi tình yêu cứu độ xuất hiện, và ‘tuân giữ’ nào trọn vẹn cho bằng để lòng dạ mình cưu mang và trọn đời cộng tác vào chương trình xót thương cứu độ cho tới tận chân thập giá? Maria đã thi hành được điều này và làm cách xuất sắc hơn hết thảy mọi người.

          Chính vì thế khi nhắc nhở: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Đó là những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3, 31-35), Đức Giêsu chắc hẳn muốn ám chỉ điều này chứ không gì khác. Theo lối suy nghĩ tự nhiên, được làm Mẹ Thiên Chúa quả là một địa vị, một đặc ân vĩ đại; nhưng riêng với Đức Giêsu, thì tư thế của một người trước Tin Mừng cứu độ mới là điều có giá trị thực sự. Và hình như qua khảng định đó, Người cũng muốn mở rộng và mời gọi mọi Kitô hữu tham gia vào cái ‘vinh dự cao cả’ đó thì phải.

          Như Maria, sự thánh thiện và vĩ đại nhất thật quá đơn giản: chỉ cần biết "Nghe và tuân giữ’ Lời Cứu Độ của lòng thương xót, và đem đời mình dìm sâu vào trong tình yêu cứu độ đó mà thôi. Xin Chúa thêm ơn cho ta để ngày mỗi ngày ta bắt chước như Đức Mẹ : Nghe và giữ Lời Chúa trong mỗi ngày sống của ta.

1503    31-12-2015 18:46:42