Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Lịch Sử Cứu Độ_Chương 04_Phần 1

CHƯƠNG IV: SỰ CHIA SẼ VƯƠNG QUỐC
CÁC TIÊN TRI TRƯỚC THỜI KỲ LƯU ĐẦY 

SỰ CHIA SẼ VƯƠNG QUỐC SALOMON (1V 1 - 11)

85. H. Salomon là ai?
T. Salomon là con trai của Batsêba, được chọn làm vua thể theo quyết định lúc lâm chung của vua Đavít (chết năm 965 tr. CGS).

86.H. Triều đại Salomon có gì nổi bật?
T. Triều đại Salomon nổi tiếng về sự vinh quang phú quí. Ông có biệt tài về thương mại thế giới nên đã đem lại sự phồn vinh cho Giêrusalem.

87.H. Đâu là mặt trái của sự phồn vinh này?
T. Sự giàu sang phú quí của ông tiêu biểu cho các triều đình thời xưa, trái ngược hẳn với sự đơn giản của thủ đô vua Saolê hay sự nghèo đói cùng cực mà Môisê và dân chúng đã trải qua nhiều năm trong sa mạc, thời kỳ xuất hành. Tuy nhiên sự phồn vinh nầy che đậy một câu chuyện đáng thương tâm về những sưu cao thuế nặng mà người dân trong mỗi thị tộc phải gánh chịu.

88. H. Vua Salomon đã góp phần mình vào lịch sử cứu độ như thế nào?
T. Vua Salomon đã góp phần vào việc phát triển tôn giáo Môsê, trong đó, ơn cứu độ được tiềm tàng bằng việc xây cất một Đền Thờ cho Chúa, trong 7 năm (960 - 953 tr, CGS, nơi mà chính Đavít cha ông đã mua trước kia, đồng thời ông cũng góp phần bằng những lời khôn ngoan mà ông đã nói và đã viết, được ghi lại qua sách Châm Ngôn và những Thánh Vịnh).

89. H. Đền thờ Giêrusalem được xây dựng như thế nào?
T. Đền Thờ Giêrusalem hình chữ nhật, dài 30m, ngang 10m và cao 7m5, được chia thành ba gian: Tiền Đình, Chính Điện và gian Cực Thánh. Trong gian Chính Điện để: bàn Thờ Tế Lễ, bàn Hương án và bàn để Bánh lễ; còn trong gian Cực Thánh thì đặt Khám Giao ước, nơi đây chỉ vị Thượng tế mỗi năm một lần được vào tế lễ vào dịp Lễ Xá Tội.

90. H. Nghi lễ phụng thờ bên Khám Giao ước được cử hành như thế nào?
T. Nghi lễ phụng thờ chung quanh Khám Giao ước đã có từ thời Đavít, nay được cải thiện cho hoàn hảo hơn. Dầu vậy, những nghi thức long trọng bên ngoài, một mặt chúng tỏ lòng ao ước của vua cũng như của dân chúng muốn dâng lên Chúa cái đẹp của ca nhạc và nghi lễ, nhưng đàng khác có nguy cơ trở thành hình thức bên ngoài mà thôi.

91. H. Khi cử hành những nghi thức phụng thờ Salomon đã thể hiện vai trò gì?
T. Salomon đã hành động như một tư tế, hay đúng hơn như một vị vua có tính cách tư tế đang ở một địa vị đặc biệt giữa Thiên Chúa và loài người. Địa vị đó được ban cho các vua dòng dõi Đavít qua lời tiên tri Nathan.

92. H. Salomon đã kết thúc cuộc đời như thế nào?
T. Là Vua tư tế, là con Thiên Chúa, là con người khôn ngoan và hoà bình, nhưng Salomon đã kết thúc cuộc đời một cách bi thảm, xét về mặt tôn giáo.

93. H. Đâu là nguyên nhân kết cục bi thảm cuộc đời Salomon?
T. Do quá ham mê sắc dục, ông đã chiều theo các bà vợ ngoại giáo, chấp nhận các nghi lễ thờ các thần ngoại giáo của họ và cuối cùng đi đến chỗ chính nhà vua cũng đã tham gia vào việc sùng bái các tà thần đó.

94. H. Thiên Chúa đã đối sử với Salomon thế nào?
T. Thiên Chúa không thể làm ngơ trước thái độ khinh thường này của vị vua, con cái của Ngài, và hình phạt chẳng bao lâu xuất hiện: vương quốc hùng cường và phồn vịnh của Salomon chỉ còn tồn tại ít lâu sau khi ông chết.

SỰ LY KHAI (1V 12, 1 - 33)

95. H. Đâu là nguyên nhân của cuộc ly khai Nam Bắc?
T. Có những nguyên nhân chính sau đây: Do mối hiềm khích lâu đời giữa hai miền Nam Bắc có từ thời Đavít, do sưu cao thuế nặng từ thời Salomon để có đủ tài chánh cho những công trình xây cất vĩ đại; nay gặp lúc Rôbôam thay vì giảm thuế lại bắt tăng thêm, gây ra cuộc nổi dậy đòi ly khai.

96. H. Việc ly khai đã dẫn đến những hậu quả gì?
T.Việc ly khai đã dẫn đến hai hậu quả bi thảm: Israen bị chia cắt dẫn đến việc thờ bụt thần ở Dan và Bêthel.

97. H. Hậu quả thứ nhất của việc ly khai là gì ?
T. Dưới sự lãnh đạo của Giêrôbôam, chi tộc Ephraim (miền Bắc), toàn thể miền Bắc nổi dậy chống miền Nam và đòi ly khai, họ đã phá vỡ sự thống nhất, công trình mà Saolê, Đavit và Salomon đã dầy công gầy dựng. Rôbôam chỉ còn làm vua trên chi tộc Giuđa, một phần các chi tộc Bengiamin và Simêon. Từ đây, Israen không còn bao giờ được biết đến sự thống nhất gồm cả 12 chi tộc như dưới triều đại ba vị vua đầu tiên của họ nữa.

98. H. Hậu quả thứ hai của việc ly khai là gì?
T. Biết rằng sự hiện diện của Đền Thờ và Khám Giao ước luôn là dịp lôi kéo các chi tộc miền Bắc thống nhất với miền Nam, Giêrôboam, sau khi làm vua vương quốc miền Bắc, đã ra lệnh xây cất những Đền Thờ riêng, một ở Dan và một ở Bethel ngăn cản khách hành hương về Giêrusalem, ông cũng cho tạc những con bê bằng vàng, có lẽ để tượng trưng cho ngai Giavê và quyền năng của Ngài; nhưng vì bê tượng trưng cho tà thần Baal của dân Canaan, thần của sự sinh sản đông đảo, nên chẳng bao lâu sau, dân chúng đến bái lạy trước con bê như là Chúa của họ.

99. H. Hành động của Giêrôboam đã dẫn đến hậu quả tai hại nào?
T. Giêrôboam đã mở đầu cho một tập quán tôn giáo nguy hiểm nhất: Ông đã gieo mầm cho sự phản bội sau này của Israen đối với Thiên Chúa chân thực của mình.

CÁC NGÔN SỨ TRƯỚC THỜI KỲ LƯU ĐÀY: NGÔN SỨ CỦA ISRAEN

100. H. Ngôn sứ là ai?
T. Thường người ta nghĩ ngôn sứ là người nói trước việc vị lai, nhưng thực ra, nhiệm vụ chính của ngôn sứ là mang đến một sứ điệp tinh thần đúng lúc và rõ ràng của Thiên Chúa cho vua và dân chúng. Họ là những phát ngôn viên của Thiên Chúa, những sứ giả truyền lại những lời của Thiên Chúa, yêu cầu dân chúng thời đó ăn năn trở lại.

101. H. Sứ điệp của các ngôn sứ nhắm vào ai?
T. Sứ điệp của các ngôn sứ chỉ nhằm vào thời đại của họ mà thôi, nhưng chân lý và tầm quan trọng của nó ngày nay vẫn còn giá trị

102. H. Kỷ nguyên các ngôn sứ bắt đầu từ lúc nào?
T. Dù Môsê đích thực là một ngôn sứ, nhưng kỷ nguyên của các ngôn sứ chỉ thật sự bắt đầu với ngôn sứ Samuen, kéo dài trong 900 năm (1050 - 150 tr. CGS), cùng lúc với sự xuất hiện của vương quyền.

103. H. Vì sao nói kỷ nguyên các ngôn sứ bắt đầu cùng lúc với sự xuất hiện của vương quyền?
T. Kỷ nguyên các ngôn sứ và vương quyền gần như bắt đầu cùng lúc với nhau, gắn bó chặt chẽ trong nhiều thế kỷ, và một trong những nhiệm vụ chính yếu của ngôn sứ là khuyên răng và cảnh cáo vua; nhưng đồng thời cũng nhắm đến các tư tế, kẻ có tước quyền, người giàu có, kẻ nghèo hèn...

104. H. Ngoài nhiệm vụ đối với các vua, hoạt động của ngôn sứ đối với những người khác như thế nào?
T. Các ngôn sứ đã dùng lời nói của mình phản đối một cách lớn tiếng và rõ ràng
*các tư tế đã phản bội chức vụ linh thiêng của mình bằng việc tham ô và sùng bái ngẫu tượng,
*những người giàu giày xéo, bốc lột người nghèo,
*và cả những nghèo có lối sống lang thang sa đoạ, không mục đích.

105. H. Những lời giáo huấn của các ngôn sứ có giá trị gì ?
T. Tính cách linh thiêng mạnh mẽ trong những lời giáo huấn của các ngôn sứ đã góp phần phát triển rất lớn tôn giáo Môsê, thúc đẩy tôn giáo này tiến lên thời kỳ cứu độ, khi đó con người sẽ được cứu rỗi bằng việc thờ phượng Thiên Chúa trong tâm hồn và trong chân lý.

106. H. Số phận của các ngôn sứ ra sao?
T. Vì những lời khuyên răn và cảnh cáo của mình, các ngôn sứ thường bị bạc đãi, bị đánh đập, tù đày, sĩ nhục, gông cùm, bị nhận xuống bùn, nhưng chỉ có cái chết mới làm cho họ im lặng, và họ thường bị chết một cách bi thảm.

107. H. Giáo huấn của các ngôn sứ tập trung vào những điểm chính yếu nào?
T. Giáo huấn của các ngôn sứ thường tập trung vào những điểm chính yếu sau đây sự thánh thiện trong tâm hồn - chỉ thờ phượng một Thiên Chúa chân thật - công bằng xã hội.

108. H. Giáo huấn về sự thánh thiện trong tân hồn là gì?
T. Giáo huấn này dạy: tâm hồn con người phải thực sự đón nhận một tôn giáo đặt nền tảng trên sự yêu mến Chúa và vâng phục Ngài, chớ không phải dựa vào những hy lễ hình thức bên ngoài.

109. H. Giáo huấn về việc chỉ thờ phượng một Thiên Chúa chân thật dạy điều gì?
T. Các ngôn sứ thường chỉ trích tệ sùng bái ngẫu tượng ở thời đại của họ. Các ngài khẩn khoản yêu cầu, đe doạ, khóc lóc trước mặt dân để xin họ trở lại và trung thành với một Thiên Chúa độc nhất mà thôi mà phải tôn thờ Ngài bằng cách tuyệt đối vâng phục thánh ý Ngài là Thiên Chúa thật của thiên nhiên.

110. H. Các ngôn sứ dạy gì về công bằng xã hội?
T. Các ngôn sứ chỉ ra rằng các đồn đài, dinh thự xa hoa được xây cất trên sự bất công đối với công nhân; các thẩm phán ăn hối lộ trong các phiên toà công khai tại các cửa thành; hạng buôn bán lừa gạt bằng cách cân, đong, đo, đếm, gian lận. Người nghèo thì bị thiệt dù họ chiếm một địa vị rất quan trọng trước mặt Chúa: "những người nghèo khó của Thiên Chúa"

111. H. Phải chăng đây là Các Mối Phúc thời Cựu ước?
T. Đề tài này như bản tuyên ngôn các mối phúc thời Cựu Ước, vừa kêu gọi công bình từ thiện, vừa đề cao kẻ nghèo khó là những người được Thiên Chúa yêu thương cách riêng.

112. H. Các ngôn sứ tiêu biểu trong thời kỳ này là ai?
T.Tiêu biểu nhất và quan trọng nhất trong việc chống lại vương quốc của sự tội là các ngôn sứ: Êlia, Êlisê, Amos, Hôsê, Isaia, Mica và Giêrêmia.  

CÁ NHÂN NHỮNG VỊ NGÔN SỨ TRƯỚC THỜI KỲ LƯU ĐẦY
ÊLIA VÀ ÊLISÊ (1V 16, 23; 2V 13, 21)

113. H. Vai trò ngôn sứ của Êlia và Êlisê được thực hiện trong hoàn cảnh nào?
T. Sứ mạng của hai ngôn sứ hay làm phép lạ này xoay quanh triều đại Akháb, vua dân Israen, vào khoảng năm 870 tr.Chúa Giáng Sinh.

114. H. Hoàn cảnh lịch sử của Vương quốc miền Bắc thời bấy giờ thế nào?
T. Cha Akháb là Omri đã dời thủ đô của vương quốc miền Bắc về thành Samari. Đây là một thời đại vẻ vang, phồn thịnh, do nhà vua kết ước với dân Phênixia chuyên nghề buôn bán, bằng cách cưới công chúa Phênixia là Izabel cho con trai Akháb của ông.

115. H. Sách các Vua đã nhận định về triều đại Akháp như thế nào?
T. Sách các Vua, không màng chi đến những thành công vật chất , đã nói về triều đại nầy: "Vua đã làm điều dữ trước mặt Chúa, đi theo con đường của vua cha, phạm các tội ông ấy đã phạm và lôi kéo Israen phạm theo" (1V 16, 25-26).

116. H. Tại sao có mâu thuẩn trầm trọng giữa ngôn sứ Êlia và hoàng hậu Isabel?
T.Vì Isabel đã đem vào Israen việc bái thờ thần Baal của xứ Phênixia. Bà ta dựng đền thờ, cắt đặt các pháp sư lo việc tế tự tà thần và giết hại các ngôn sứ. Duy một mình Êlia thoát khỏi bàn tay sát hại của bà.

117. H. Hãy kể lại hai trường hợp tiêu biểu mà ngôn sứ Êlia thực hiện dưới thời vua Akháb?
T. Hai trường hợp mà Êlia thực hiện dưới thời vua Akháb là: chống lại việc sùng bái ngẫu tượng và bất công xã hội, điển hình cho sứ mạng của tất cả các ngôn sứ Israen.

118. H. Êlia đã chống việc sùng bái ngẫu tượng thế nào?
T. Đó là cuộc chạm trán tay đôi giữa các pháp sư Baal và một mình Êlia, trên đỉnh núi Carmel . Cuộc chạm trán tay đôi giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực Baal. Cả hai bên đều trưng bày những thú vật để tế lễ. Các pháp sư Baal cầu kinh suốt ngày để xin lửa xuống thiêu hủy lễ vật, nhưng rốt cuộc, vẫn không có gì xảy ra. Đến lượt Êlia, ông cho tưới nước ngập những lễ vật, ông cầu xin và Chúa cho lửa xuống thiêu hủy lễ vật. Cuộc tranh chấp kết liễu bằng cuộc xử tử các pháp sư Baal.

119. H. Êlia chống lại bất công xã hội bằng hành động gì ?
Vì vua Akháb muốn mua vườn nho của ông Nabot, nhưng ông nầy không chịu bán vì đó là cơ nghiệp của tổ tiên. Hoàng hậu Isabel bày mưu vu cáo Nabot nguyền rủa Thiên Chúa và nhà vua. Nabot bị kết án phải chịu ném đá tới chết. Vua Akháb được vườn nho. Ngôn sứ Êlia vào cuộc chống lại sự bất công với những lời đe phạt của Thiên Chúa .

120. H. Ngôn sứ Êlisê là ai?
T. Cũng như thầy mình là Êlia, ông là vị ngôn sứ chống đối sự ác trong vương quốc miền Bắc, và là một người hay làm phép lạ. Trường hợp Êlisê cho ta thấy rõ quyền lực của các ngôn sứ Chúa trên sự chết và bệnh tật là hai đặc điểm của vương quốc Satan. Như vậy, Êlisê là vị tiền hô của Đức Kitô, vị tiên tri vĩ đại, cũng sẽ làm như vậy.

AMOS VÀ HÔSÊ (Am 1- 9; Hs 1- 14, nhất là 1- 3; 11 và 14)

121. H. Giữa Amos và Hôsê có những nét tương đồng nào?

T. Giữa hai ngôn sứ có những nét tương đồng sau:
- Đây là hai vị ngôn sứ đầu tiên đã viết ra những lời sấm và giáo huấn mang tên mình.
- Cùng thi hành sứ mạng ở vương quốc Israen (miền Bắc) vào khoảng năm 750 tr. Chúa Giáng Sinh, triều đại Giôrôbôam.

122. H. Giữa hai ngôn sứ có những dị biệt nào?
T. Cả hai đều khác nhau về tính tình và nguồn gốc.

123. H. Tiên tri Amos là người thế nào?
T. Amos là người miền Nam và là người nhà quê. Hai sự kiện này ảnh hưởng đến cách trình bày sứ điệp của ông.
- Là người miền Nam, ông không thích những vấn đề ông gặp ở miền Bắc, nên ông nêu chúng ra và tố cáo.
- Là một người nhà quê, ông lấy làm chướng tai gai mắt trước cảnh phồn vinh của hai thành Bêthel và Samari cũng như mâu thuẫn giữa những người giàu có xa hoa và những người nghèo, túng cực, thấp hèn bị bóc lột. Cách phản đối của ông cay nghiệt, mộc mạc, khó gây được cảm tình. Ông cho rằng chỉ có cách đó mới vạch rõ được tình trạng tuyệt vọng lúc bấy giờ: việc sùng bái ngẫu tượng đang lan tràn.

124. H. Tiên tri Hôsê là người thế nào?
T. Hôsê cũng nói với chính những hạng người mà Amos đã tố cáo nhưng giọng điệu của ông khác hẳn: dịu dàng hơn. Dù lời phản đối của ông rất đúng và mạnh mẽ nhưng được nói lên với lòng yêu thương và tình cảm rõ rệt. Có lẽ vì ông là người miền Bắc, nói với chính dân của mình.

125. H. Nội dung sứ điệp của ngôn sứ Amos là gì?
T. Đó là tiếng gào thét chống bất công và sùng bái ngẫu tượng, đồng thời cũng là một lời cảnh báo nghiêm khắc báo trước ngày thẩm phán hãi hùng trước mắt, "ngày của Thiên Chúa"; lúc đó chỉ có một nhóm ít người lành khỏi bị phạt mà thôi. Nhưng công trình của Amos không có kết quả.

126. H. Nội dung sứ điệp của ngôn sứ Hôsê là gì?
T. Nét độc đáo nơi Hôsê là ông sống sứ điệp của mình trước rồi mới rao giảng.

127. H. Hôsê đã sống sứ điệp của mình thế nào?
T. Hôsê cưới Gôme, một người vợ thất trung đã bỏ chồng để sống đời gái điếm. Nhưng ông vẫn yêu cô ấy. Ông đã tìm kiếm và đưa cô ấy về nhà.

128. H. Sứ điệp mà Hôsê muốn loan báo là gì?
T. Sự bất hạnh đời ông, giúp ông nhận thức rõ ràng thảm kịch Israen đã từ bỏ Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành yêu thương Israen: Israen là bạn trăm năm của Thiên Chúa, hợp nhất với Ngài bằng những dây thân ái bền chặt hơn hôn nhân. Tuy nhiên Israen thất trung, hăm hở chạy theo tà thần ngoại giáo, ngày càng đi sâu vào tội ngoại tình thiêng liêng. Dù thế, Thiên Chúa, vẫn luôn tìm kiếm, cứu vớt và đem Israen trở về với Ngài.

129. H. Đời sống gia đình Hôsê nói lên điều gì?
T.Mối quan hệ giữa Chúa với Israen trên bình diện siêu nhiên chẳng khác nào mối quan hệ Hôsê và Gôme trên bình diện con người.

130. H. Làm sao có thể giải thích mối tình bền vững giữa Thiên Chúa và Israen?
T. Theo Hôsê "Vì Chúa là Thiên Chúa chứ không phải người phàm" (Hs 11, 9). Đó là lối giải thích duy nhất có thể được. Thánh Gioan sau này cũng đã viết "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4, 16). Thiên Chúa thương yêu vì chính Ngài là Tình Yêu. Đây là điều sâu xa nhất mà Hôsê đã hé màn cho chúng ta thấy.

131. H. Sứ điệp Hôsê báo trước điều gì?
T. Sứ điệp này được nhận biết tỏ tường hơn khi tình yêu Thiên Chúa được minh chứng bằng việc Nhập Thể của Ngôi Lời để đem lại ơn cứu độ cho loài người. Hình ảnh "cuộc hôn nhân của Thiên Chúa với Israen" mà Hôsê đưa vào Thánh Kinh, được các ngôn sứ về sau chấp nhận cũng chính là hình ảnh mà Đức Kitô dùng để mô tả mối quan hệ giữa Ngài và Israen mới là Giáo Hội.

132. H. Hôsê còn để lại sứ điệp nào khác không ?
T. Khi viết "vì Ta muốn tình yêu, chớ không cần hy lễ" ( Hs 6, 6), Hôsê dạy chúng ta chân lý sâu xa này là: Điều Thiên Chúa đòi hỏi là lòng nhân từ, sự trung tín và hợp nhất với Ngài để biết rõ Ngài như thế nào. Nghi lễ bên ngoài chỉ có giá trị khi nó thể hiện lòng sùng kính bên trong, bằng không nó chỉ là thứ tôn giáo vụ hình thức bên ngoài. Đức Kitô cũng nói những lời tương tự khi đề cập đến thói đạo đức giả thời Ngài (Mt 9, 13, 12, 7).

SỰ HUỶ DIỆT VƯƠNG QUỐC ISRAEN Ở MIỀN BẮC (2V 17)

133. H. Nguyên nhân nào đưa đến sự huỷ diệt của vương quốc miền Bắc?
T. Dù được Amos dùng những lời đanh thép và nảy lửa cũng như những lời đầy yêu thương của Hôsê, những sứ giả cuối cùng của Thiên Chúa gởi đến răn bảo, nhưng Israen vẫn quay lưng lại với Ngài. Các vua, tư tế và dân chúng đã bịt tay không chịu nghe một vị ngôn sứ nào cả.

134. H. Thiên Chúa đã thực thi công lý đối với Vương quốc mền Bắc thế nào?

T. Thiên Chúa đã giáng xuống vương quốc miền Bắc "ngày của Chúa", ngày tối tăm mù mịt. Dụng cụ để thi hành công lý của Thiên Chúa là đế quốc Assyri, có thủ đô là Ninivê. Năm 722 tr, Chúa Giáng Sinh, Sargon vua Assyri hoàn toàn tiêu diệt vương quốc miền Bắc, lưu đày dân Israen, đưa người ngoại bang vào đất Israen.

135. H. Việc vua Assyri đưa người ngoại giáo vào đất Israen đã gây những ảnh hưởng tai hại thế nào?
T. Những người ngoại giào được vua Sargon của Assyri đưa vào định cư ở phía Bắc Israen, họ lập gia đình với những người Israen còn ở lại, hiểu biết đôi điều về tôn giáo Môsê, biến nó trở thành tôn giáo của người Samari, những người mà dân Do Thái thời đức Kitô thù ghét nhất.

136. H. Hoàn cảnh lịch sử của nước Israen thời đó thế nào?
T. Năm 730 tr, Chúa Giáng Sinh vị vua cuối cùng của Israen là Hôsê (không phải là ngôn sứ Hôsê) lên ngôi, bị thua quân Assyri, do Samanase lãnh đạo và phải triều cống nặng nề.

137. H. Lúc bấy giờ niềm hy vọng cứu độ được đặt vào đâu?
T. Niềm hy vọng cứu độ của Israen được đặt nơi chi tộc Giuđa và các vua thuộc dòng dõi Đavít. Vì trong chương trình cứu độ, chỉ một mình Giuđa còn sót lại (2V 17, 17).

138. H. Lý do nào làm cho vương quốc miền Nam Giuđa còn tồn tại, sau khi Israen, vương quốc miền Bắc thất thủ?
T. Lý do chính là vì ở miền Bắc ai mạnh thì được làm vua, trong khi ở miền Nam, quyền lên ngôi vua chỉ thuộc về một gia đình duy nhất, gia đình Đavít. Tính duy nhất này đã làm cho quốc gia tồn tại và bền vững.

139. H. Sự tin tưởng của dân Giuđa vào dòng dõi Đavít thế nào?
T. Đối với dân miền Nam thì vua của họ phải thuộc dòng dõi Đavít vì Thiên Chúa đã phán như thế qua miệng ngôn sứ Nathan (2Sm 7). Họ còn hãnh diện và ỷ lại vì biết Thiên Chúa đã khẳng định bằng cách nào đó và vào lúc nào đó, vương quốc này sẽ trở nên phổ quát và vĩnh cửu. Họ không bao giờ nghĩ rằng vương quốc của họ có thể bị tiêu vong được.

140. H. Những dấu hiệu nào cho thấy vương quốc miền Nam Giuđa cũng đang bên bờ tiêu vong?
T. Giuđa cũng mắc phải những tội đã làm cho Israen bị tiêu diệt, dù chưa rõ ràng, nhưng cũng đang dần hiển hiện đó là thói chuộng hình thức bên ngoài, sùng bái ngẫu tượng và những bất công xã hội.

141. H. Giuđa thể hiện lối sống chuộng hình thức bên ngoài ra sao?
T. Họ dựa vào niềm tin hảo huyền rằng nhiều lễ tế và lễ vật có thể thay thế lòng yêu mến và vâng phục mà Thiên Chúa đòi hỏi.

142. H. Giuđa có những bất công xã hội nào?
T. Họ lợi dụng đồng loại một cách bất nhân, bất công với kẻ nghèo, coi rẻ nhân phẩm con người.

143. H. Giuđa bỏ Chúa để thờ ngẫu thần ra sao?
T. Giuđa đã chạy theo tà thần ngại giáo. Vào lúc Israen bị lưu đày, thì vua Giuđa là Akhaz đã làm lễ thiêu con trai mình dâng cho tà thần.

144. H. Các ngôn sứ có lên tiếng cảnh báo Giuđa về những sự bất trung ấy không?
T. Nhiều ngôn sứ thời ấy đã đấu tranh giữ gìn Giuđa xứng đáng là người bạn trăm năm trinh trắng của Thiên Chúa như ngôn sứ Isaia, Mica, và Giêrêmia, một thế kỷ sau đó.


8232    18-03-2011 17:02:48