Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Lộ Tâm

Chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu (đưa hoa cười mĩm) của Phật giáo Thiền tông, thuật lại rằng:

"Vào lúc cuối đời mình, khi Đức Thế Tôn thuyết pháp cho đại chúng trên núi Linh Thướu; Ngài đưa cành hoa sen Kim-Bà-La ra trước mặt đại chúng. Đại chúng chẳng hiểu được ý nghĩa ấy, nên tất cả đều im lặng.

Ngay lúc ấy, chỉ có vị cao đệ tử Ma-Ha-Ca-Diếp lãnh hội được nên mĩm cười.

Đức Phật liền trao chánh pháp nhãn tạng, diệu tâm của Niết Bàn cho Ca Diếp, và từ đó ông được xem là vị tổ phú pháp thứ nhất của Tây Thiên, Ấn Độ".

Ma-Ha-Ca-Diếp đã hiểu được tự tánh của bông hoa, hiểu được bản thể thật sự của nó, sống tiếp xúc giữa bùn nhơ nhưng vẫn tinh trong vẹn tuyền, tỏa hương thơm ngát cho đời; để từ đó giúp bản thân hành giả tỉnh ngộ hiện tiền, và sống trọn vẹn với cái hiện tiền đó mà không còn ngăn cách nào giữa hành giả và phần còn lại của thực tại, hướng con người vào của sự tỉnh giác mở rộng mà thánh tiến, siêu thoát.

Cũng vậy, chuyện Lộ Tâm Hỉ Vĩ Tiếu (bày tỏ trái tim, vui cười vang) "độc nhất vô nhị" lịch sử nhân trần, chỉ có trong Kitô giáo, qua Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Một cách thế tuyệt vời, nhằm chuyển tải tự tánh của Thiên Chúa chính là TÌNH YÊU. Một TÌNH YÊU vĩnh cửu, luôn trao ban hạnh phúc miên viễn cho nhân loại!

Chữ "Tâm" viết theo tiếng Hán có dáng vấp hình một trái tim (心). Được biểu trưng qua hình ảnh một vành trăng khuyết, và ba ngôi sao trời. Chữ này có nghĩa khá rộng: Vừa là trái tim theo nghĩa đen; vừa là tinh thần, ý thức, tình cảm, lý trí theo nghĩa bóng; lại vừa là tên chung để chỉ những phẩm chất của trí óc, của tấm lòng. Ngoài ra, nó còn chỉ những cái ở giữa, quan trọng, chính yếu (trung tâm, trọng tâm).

Chính Đức Kitô đã dùng phương thế "lộ tâm" - Bày tỏ trái tim mình ra bên ngoài lồng ngực - để mạc khải cho nhân loại nhận biết tình yêu của Thiên Chúa đã có tự muôn ngàn đời đối với loài người, và vẫn luôn trường tồn bất tận! Và chính khi chiêm ngắm trái tim của Ngài - không chỉ riêng một mình ai đó - mà tất cả vạn vật chúng sinh đều "vang cười" lớn tiếng trong tâm tình tri ân và cảm mến; vì từ những vết thương của trái tim Chúa mà chúng ta được chữa lành mọi sự (x. 1Pr. 2,24). Đúng là một dấu chỉ nhiệm mầu không dễ để tin nhận!

Chính người đương thời với Chúa Giêsu - Tông đồ Tôma - cũng tỏ ra khó tin nơi dấu hiệu "lộ tâm": "Nếu tôi... không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, thì tôi không tin" (Ga. 20,25). Nhưng khi Chúa Kitô tỏ lộ các vết thương từ cạnh sườn của Ngài, để lộ một con tim nhợt máu vì đã bị ngọn giáo thâu qua, lúc chịu tử nạn vì yêu... thì câu trả lời của Tôma biến thành lời tuyên xưng đức tin thật cảm động: "Lạy Chúa, lạy Chúa tôi!" (Ga. 20,28). Điều mà trước kia là một chướng ngại không thể vượt qua nổi, vì đó là dấu hiệu có vẻ là một thất bại của Chúa Giêsu. Nay, trong cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh, đã trở thành bằng chứng tình thương chiến thắng của Ngài.

Chỉ vì yêu thương chúng ta quá bội, đến nỗi Thiên Chúa mang lấy những vết thương và đau khổ của chúng ta, để chúng ta trở nên anh em, bạn hữu của Ngài, và nhất là được nên công chính! Thánh Bonaventura khi suy tưởng đến vết thương nơi Trái Tim Chúa Giêsu, đã than thở rằng: "Lạy Chúa, Chúa chịu chết cho chúng con được sống, vết thương Trái Tim Chúa chữa lành những vết thương linh hồn chúng con, máu chảy ra đã giao hoà chúng con với Chúa Cha để cứu linh hồn chúng con". Ôi, thật là ân huệ tình yêu cao quý khôn lường!

Chúa Giêsu không tước bỏ đau khổ và tai ương khỏi thế giới, nhưng Ngài chiến thắng chúng tận gốc rễ. Ngài dùng sự toàn năng của Tình Thương để đối lại với quyền lực của Sự Ác.

Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và đang sống giữa chúng ta. Thiên Chúa - hiện thân của Chân Lý và Tình Thương - đã muốn chịu đau khổ với chúng ta, gánh lấy thân phận của chúng ta. Vì yêu chúng ta, Ngài đã làm người để có thể đồng cảm thương với kiếp phận con người. Từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu đã vọt lên một sự sống thần linh bất tử. Chỉ Ngài mới có thể giải thoát thế giới khỏi sự ác và làm triển nở Vương quốc Công lý, Bình an và Yêu thương của Ngài mà tất cả nhân loại hằng khao khát!

Khi chiêm ngắm các vết thương của Chúa Kitô, chúng ta nhìn Trái Tim cực thánh của Ngài, qua đó biểu lộ tột đỉnh tình yêu của Thiên Chúa. Thánh Tâm là Chúa Kitô chịu đóng đinh, với cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thâu qua, từ đó nước và máu chảy ra (x. Ga. 19,34), để mọi người vui mừng kín múc nơi Trái Tim Đấng Cứu Thế nguồn mạch trường cửu Tình Yêu Cứu Độ. Đặc biệt, chúng ta cảm thấy sự gần gũi của Trái Tim đầy tình thương của Chúa và với niềm tin yêu, chúng ta kín múc được muôn ơn lành nơi nguồn mạch ấy (x. Is. 12,3) và cùng lớn tiếng cầu khẩn như Thánh Ignatio de Loyola:

"Lạy Nước từ cạnh nương long Chúa Kitô, xin thanh tẩy con. Lạy cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, xin cho lòng con bền vững. Ôi! Lạy Chúa Giêsu nhân từ, xin nghe lời con cầu nguyện. Xin giấu con nơi các thương tích của Chúa. Xin Chúa chớ để con xa lìa khỏi Chúa... Xin Chúa dạy con biết chạy đến với Chúa".

Khi yêu thương đạt đến mức tuyệt đỉnh, người ta không còn dè giữ, tiếc nuối, nhưng sẵn sàng "rút lòng, bụng, dạ, ruột..." ra trao tặng những gì quí giá nhất của mình cho người mình yêu. Với Chúa Cha, tột đỉnh của tình thương nhân loại là trao tặng Con Một mình cho họ, cho dù nhân loại ấy chẳng tốt lành gì, thường hay trở mặt bội phản. Đến lượt mình, Chúa Con lại cũng yêu thương nhân loại đến nỗi trao ban cho họ mạng sống quý giá, chịu giương cao trên thập giá để nói cho nhân loại biết Thiên Chúa là Tình Yêu và "yêu cho đến cùng" (x. Ga. 13,1). Từ nay, Thánh Tâm Chúa được định nghĩa như là hiện tại hóa tình yêu cứu chuộc của hy tế thập giá!

Cái chết của Đức Kitô chính là dấu chứng cho tình yêu, cho một cuộc tình; cuộc tình giữa Ngài và hiền thê của mình là Hội Thánh. Khi người lính dùng lưỡi đòng đâm thâu trái tim của Ngài, thì nước và máu chảy ra. Máu khởi đầu cho một sự sống mới, một sự sống vĩnh hằng được khơi trào từ đây.

Chính cái chết của Đức Kitô đã minh chứng cho một tình yêu:

Một tình yêu nhưng không.

Một tình yêu hoàn toàn quên mình, sẵn sàng cho đi và không chờ mong sự đáp trả.

Một tình yêu hy hiến cả mạng sống mình.

Một tình yêu vĩnh cửu.

Một tình yêu thiêng liêng.

Đức Kitô đã yêu thương và yêu thương hôm qua, hôm nay, và mãi đến cùng. Chính cái chết của Ngài đã chứng minh được rằng "tình yêu mạnh hơn sự chết". Đó chính là sức mạnh vô biên của tình yêu.

Thế mà hôm nay, trong thế giới ngày càng duy vật chất, duy hưởng thụ, và siêu thực dụng; nhân loại đang đánh mất đi giá trị của tình yêu đích thực. Nói cách khác nhân loại đang tìm cách né tránh để chối từ một tình yêu chân chính, biến tình yêu thành một thứ tình cảm hời hợt thời cuộc; chỉ biết yêu khi đòi hỏi được đáp ứng; chỉ biết yêu khi nhu cầu được thỏa mãn; chỉ biết yêu khi bản thân đạt lợi ích. Một tình yêu vị kỷ chỉ biết có mình với ta. Nhân loại đang tầm thường hóa tình yêu; nhiều người chỉ biết nhận cho thật nhiều mà không hề cho đi, hoặc cho đi rất ít và luôn kèm điều kiện.

Vậy thì mỗi người tín hữu Kitô phải trở nên dấu chứng của TÌNH YÊU viết hoa - Tình yêu Thiên Chúa - Phải theo tiếng gọi của TÌNH YÊU để đáp trả lại TÌNH YÊU. Phải minh chứng cho một tình yêu đích thực, một tình yêu hoàn toàn cho đi không tính toán, một tình yêu hiến dâng cả mạng sống mình, để cho mọi người thật sự cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng và cao quý của TÌNH YÊU!

Cát Biển

1376    26-05-2012 20:53:43