Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Lược Sử Giáo Phận Vĩnh Long

LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN VĨNH LONG

Thời điểm nầy, năm 2009, chúng ta có Giáo phận Vĩnh Long trong danh sách 26 Giáo phận của Giáo Hội Việt Nam. Giáo phận Vĩnh Long chính thức được thành lập ngày 8 tháng 1 năm 1938, nhưng trước đó Giáo phận bắt đầu hình thành vào thế kỷ thứ 17. Trải qua khoảng thời gian khá dài với sự đóng góp rất nhiều công đức của tiền nhân, Giáo phận Vĩnh Long thành hình.

I. LƯỢC SỬ.

Về phương diện hành chính dân sự, Vĩnh Long ngày nay là một phần của Long Hồ dinh, được hình thành từ năm 1732, bao gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và một phần của Cần Thơ.

Năm 1732, Chúa Nguyễn thứ bảy là Ninh Vương Nguyễn Phúc Trú (1696-1738) đã lập ở phía nam dinh Phiên Trấn đơn vị hành chính mới là dinh Long Hồ, châu Định Viễn, tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Lỵ sở của dinh Long Hồ lúc mới thành lập đóng ở thôn An Bình Đông, huyện Kiến Đăng, được gọi là đình Cái Bè. Đến năm Đinh Sửu (1757) thì chuyển đến xứ Tầm Bào (thuộc địa phận thôn Long Hồ, nay là thành phố Vĩnh Long). Thành Long Hồ được xây dựng tại xứ Tầm Bào là thủ phủ của một vùng rộng lớn.

Nhờ đất đai màu mỡ, giao thông thuận lợi, dân cư đông đúc, việc buôn bán thông thương phát đạt, địa thế trung tâm, dinh Long Hồ trở thành một trung tâm quan trọng thời bấy giờ. Để bảo đảm an ninh quốc gia, Chúa Nguyễn đã thiết lập ở đây nhiều đồn binh như Vũng Liêm, Trà Ôn... Đến giữa thế kỷ 18, dinh Long Hồ là thủ phủ của vùng đất phía nam và là đại bản doanh của quân đội nhà Nguyễn có nhiệm vụ phòng thủ, ổn định và bảo vệ đất nước (Vĩnh Long, Tự Điển Wikipedia).

Về phương diện Tôn giáo Công giáo, Giáo phận Vĩnh Long được khai sinh với lý do Giáo Phận Sài Gòn quá rộng nên công việc Rao giảng Tin mừng khá phức tạp. Hơn nữa, Giáo Hội Rôma cũng muốn thúc đẩy việc địa phương hoá hàng Giáo Sĩ và để việc Rao giảng Tin mừng có hiệu quả hơn nên vùng Vĩnh Long được tách khỏi Giáo phận Sài Gòn và được lập thành Giáo phận ngày 8 tháng 1 năm 1938 (có Tông sắc). Giáo phận Vĩnh Long bao gồm các tỉnh một phần của Long Hồ dinh 1732, tức là Tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, nhưng thay vào một phần của Cần Thơ bằng một phần của Đồng Tháp ngày nay. Theo dòng giáo sử, vào khoảng thế kỷ XVII, có sự hiện diện của Kitô giáo ở Giáo phận Vĩnh Long và sau đó được phát triển theo thời gian : Nhiều Họ đạo và Nhà thờ được xây dựng, các Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum và Cái Mơn và Dòng Kitô Vua được thành lập, các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres và Dòng Xi-Tô Phước Vĩnh cũng đến sinh hoạt trong Giáo phận. Giáo phận Vĩnh Long trải qua các thế kỷ với những sinh hoạt mục vụ luôn nhắm đến việc hướng mọi người nhìn về Đức Kitô, dĩ nhiên cũng có những kết quả tốt đẹp còn tồn tại. Mời anh chị cùng chúng tôi theo dõi sự hình thành của Giáo phận Vĩnh Long. Trước hết, chúng ta lướt qua Giáo phận Vĩnh Long những thế kỷ trước lúc được thành lập và từ lúc khai sinh cho đến 2009 dưới trách nhiệm của nhiều vị Giám mục. Tiếp theo, chúng ta đề cập đến những tổ chức điều hành mọi sinh hoạt trong Giáo phận, ranh giới địa lý với các số liệu thống kê và những nét đặc biệt của Giáo phận trong đó có các Trung tâm Hành Hương và các Hội Dòng. Sau cùng nhìn lại sự phát triển của Giáo phận để đưa ra những nhận xét và định hướng cho tương lai trong bối cảnh một xã hội văn minh hiện đại đang trên đà tiến bộ và tiến bộ không ngừng.

A. GIÁO PHẬN VĨNH LONG TRƯỚC KHI ĐƯỢC THÀNH LẬP .

Theo bài viết của Linh mục Thừa sai Henri Hay thì Kitô giáo có thể có mặt tại Giáo phận Vĩnh Long vào tiền bán thế kỷ XVII. Lịch sử Họ Đạo Cái Nhum minh chứng điều đó. Thực vậy, vào năm 1614, vì bên Nhật Bản lệnh giết giáo sĩ rất gắt gao, nên có năm Linh mục Dòng Tên, hai Linh mục dòng Đa Minh và nhiều tu sĩ khác nữa được chuyển sang Macao và miền Nam Việt Nam, nhưng không ai nhớ rõ công việc truyền giáo như thế nào, nên không thể xác định rõ ràng vào thời điểm nào. Nên phải đợi đến sau thời kỳ bắt đạo khủng khiếp từ 1661 đến năm 1665 thì mới khẳng định được rằng : Họ Đạo Cái Nhum chính là Trung tâm truyền bá phúc âm ở miền Nam (Đàng Trong) ; và việc truyền bá phúc âm ở đây do các Linh mục dòng Phanxicô thuộc Manila đảm trách. Lúc đó Họ Đạo nầy thuộc Địa Phận Đàng Trong.

Năm 1699, đời Chúa Nguyễn Minh Vương, Triều đại Nhà Lê, Đức cha F. Perez viết thư xin các cha dòng Phanxicô ở Manila đến giúp, công việc truyền giáo phát triển mạnh, nhất là khi Đức Khâm sai Tòa Thánh phân chia lại các vùng truyền giáo. Từ khi dòng Phanxicô chịu trách nhiệm vùng Sàigòn Hạ và các tỉnh miền Tây, công việc truyền giáo tại đây rất khả quan, đặc biệt cha F. José García coi sóc vùng Chợ Quán năm 1723. Cha José García trong khi coi sóc vùng Chợ Quán (1723), ngài đã đến tận Cái Hô, Cái Nhum, Cái Mơn (Hai Họ đạo Cái Nhum và Cái Mơn thuộc Giáo phận Vĩnh Long), bởi vì ngài nghe biết ở những nơi đó có một số người Công giáo di trú tìm đất đai sinh sống. Tiếp sau Cha Garcia là Cha Emmanuel De Valdehermoso đang truyền đạo ở vùng sông Cửu Long giữa những năm 1742 đến 1747. Có thể Cha đã lần lượt ở tại Cái Nhum, Cái Mơn, Thủ Ngữ.

Ngày 2/7/1740, Đức cha Elzéar-François des Achards de la Baume, Khâm sai Tòa Thánh ra quyết định phân chia cho các cha dòng Phanxicô phục vụ từ Thủ Đức tới Hà Tiên với số giáo dân là 5.500. Năm 1749, cha Francisco Hermosa ở Thủ Ngữ. Cha François Hermosa ở thường trực tại Cái Nhum những tháng cuối năm 1749 cho đến tháng 6/1750, đúng vào thời kỳ bách hại Kitô hữu bùng lên, và Cha Hermosa bị câu lưu tại đây rồi được đưa về Sài Gòn, sau cùng Cha bị trục xuất. Ngày 12/7/1768, Thánh bộ Truyền giáo phân khu vực Cahon (Thủ Ngữ), Nan-khu, Tleng cho các thừa sai thuộc Thánh Bộ và Hội Thừa sai Paris coi sóc. Trong thế kỷ XVIII, Giáo phận Vĩnh Long có khoảng năm Họ đạo, nhưng số giáo dân không đáng kể : Cái Nhum, Cái Mơn, Cái Bông, Bãi Xan, Mặc Bắc. Đa số giáo dân trốn chạy ảnh hưởng cấm đạo ở miền Trung Việt Nam và đi tìm đất canh tác để sống.

Vào thế kỷ XIX, Kitô giáo phát triển khá mạnh trong Giáo phận Vĩnh Long với những kết quả như việc thành lập các Hội Dòng, trong đó có Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum, Cái Mơn, Hội Dòng Kitô Vua và các Họ Đạo. Sau cái chết của Đức Cha Bá Đa Lộc, Đức Cha Jean Labartette Gioang làm Đại diện Tông toà ở Đàng Trong (Cochinchine) ngày 9 tháng 10 năm 1799, ngài muốn hoàn thiện việc giáo dục tu sĩ cho những Kitô hữu, và đặc biệt ngài tỏ ra rất hăng hái trong việc tăng triển con số những nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá nên ngày 16 tháng 6 năm 1 800 ngài lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum.

Bốn mươi bốn năm sau, vì nhu cầu rao giảng Tin mừng và vì nhu cầu nhân sự có thể đi vào những vùng mà Linh mục không thể đến được vì lý do khác nhau, nên mới lập thêm một Hội Dòng Mến Thánh Giá nữa ở cách Cái Nhum sáu cây số do Đức Cha Dominique Lefèbvre Ngãi. Cha Dominique vào Việt Nam khoảng 1835 và bắt đầu coi sóc Tiểu Chủng Viện ở Tây Đàng Trong, ngài cư trú thường xuyên ở Cái Nhum và Cái Mơn, tỉnh Vĩnh Long, được Toà thánh chỉ định làm Đại diện Tông toà Tây Đàng Trong ngày 26 tháng 2 năm 1841 và được thụ phong Giám mục ngày 1 tháng 8 năm đó. Năm 1844 ngài thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn. Cả hai Hội Dòng sống tinh thần hiến chương, đường hướng linh đạo của Dòng Mến Thánh Giá mà Đức Giám Mục Phêrô Maria Lambert de la Motte là vị sáng lập đã đề ra (1670).

Trong thời gian nầy có khoảng trên 20 Họ đạo được thành lập. Các Cha dòng Phanxicô cùng với nam nữ tu sĩ và giáo dân đã phát triển thêm nhiều Họ đạo và giáo điểm cho đến năm 1813 và hầu hết các Cha trở về Manila. Từ năm 1822, Vĩnh Long còn một số Cha dòng Phanxicô ngành Capuxinô, đa số là người Ý, các thừa sai của Thánh Bộ hoạt động từ thời Đức Cha Bá Đa Lộc như Cha Francisco Disan Michele ở Cái Nhum. Tháng 6/1821, Cha Odorico Giomei di Collodi Phương cập bến cửa Hàn, Cha xuống vùng Chợ Quán học tiếng và phong tục với Cha Giuseppe Maria, sau ít tháng, Cha được cử đến miền Lục Tỉnh có trụ sở chính ở Cái Mơn, đến năm 1834, Cha lãnh triều thiên tử đạo. Cái Nhum là trung tâm truyền giáo của các Cha dòng Phanxicô trên một thế kỷ, Cha Phương là vị cuối cùng của dòng phục vụ tại đây.

Năm 1850, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi Xan trở thành Họ đạo lớn, có Linh mục phục vụ. Chính thời kỳ bách hại này, Giáo phận và các Họ đạo vẫn phát triển mạnh. Các linh mục, nam nữ tu sĩ thường xuyên đến phục vụ tại các họ đạo và gia đình.

Khoảng thời gian của thập niên 70-80 của thế kỷ XIX, Hội Dòng Thầy giảng Kitô Vua được thành lập do hai Cha thừa sai Gernot Quý và Ritter Giáo.

Trong thời các vua nhà Nguyễn cấm đạo (1833-1862), và nhóm sĩ phu tàn sát Công giáo của phong trào Văn Thân ở Nghệ An (1867-1874). Tháng giêng năm Giáp Tuất (1874), là năm Tự Đức thứ 27 có phong trào Văn Thân với bài hịch gọi là "Bình Tây sát tả" nổi lên đốt phát những làng có đạo Công giáo. Dầu vậy, các thừa sai, Linh mục, tu sĩ và giáo dân đã dùng mạng sống để minh chứng Tin Mừng Đức Kitô trước nhà cầm quyền, trong số này nổi bật là Cha Thánh Philiphê Phan Văn Minh và Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu (trùm họ) mà chúng ta sẽ đọc lịch sử ngắn gọn của các ngài ở phần sau.

B. GIÁO PHẬN VĨNH LONG TỪ KHI ĐƯỢC THÀNH LẬP ĐẾN 2009

Vượt qua thời kỳ bắt bớ cấm cách, vào thế Kỷ XX Kitô giáo phát triển rất mạnh và nhanh trong Giáo Phận Vĩnh Long với các Giám Mục và công trình của các ngài. Xin xem Sắc Dụ thiết lập địa phận Vĩnh Long ngày 08/01/1938 ở phần các Sắc chỉ thuộc Giáo phận Vĩnh Long. Sắc Dụ nầy công bố chính thức Giáo phận Vĩnh Long được thành lập.

Ngày 08/01/1938 , Tòa Thánh ban sắc chỉ tách các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và phần đất nằm ở tả ngạn sông Hậu, tức một phần của tỉnh Đồng Tháp sau này để lập thành giáo phận Vĩnh Long, và cử cha Phêrô Ngô Đình Thục (Huế) làm Giám mục Hiệu Toà Sæsina. Tân Giáo phận từ nay tách rời từ Giáo phận Sài Gòn và được trao cho Giám mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục. Khi thành lập, Giáo phận gồm 47 linh mục Việt, 3 thừa sai, 24 chủng sinh, 61 tiểu chủng sinh, 45.318 giáo hữu và 1.780 tân tòng. Giáo phận chia làm 7 hạt, 35 Họ chánh, 106 Họ nhánh.

Đức Giám Mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục (23/6/1938-24/11/1960)

Ngày 08/01/1938, Toà Thánh Vatican thành lập Giáo phận Vĩnh Long và giao cho Giám mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục. Ngài là vị Giám mục người Việt Nam thứ ba, sau Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (được tấn phong ngày 11 tháng 6 năm 1933 tại Rôma) và Giám mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn (được tấn phong 1935 tại Huế). Ngày 23/06/1938 Đức Cha Phêrô chính thức nhận Giáo phận với khẩu hiệu Miles Christi (Chiến sĩ Chúa Kitô). Ngài là vị Giám mục tiên khởi của tân giáo phận Vĩnh Long. Từ 23/06/1938 đến 24/11/1960 suốt nhiệm kỳ 23 năm, Đức Cha Phêrô có những hoạt động điển hình để xây dựng giáo phận Vĩnh Long.

Hoạt động Tôn giáo

Giáo phận Vĩnh Long mới thành lập nên chưa có Toà Giám mục. Đức Cha Phêrô tạm tá túc ở nhà Cha sở Vĩnh Long. Tháng 10 năm 1938, Cha Jean Nguyễn Văn Huởn về coi họ đạo Vĩnh Long và mua lại nhà của ông Nguyễn Thành Điểm làm Toà Giám mục ở gần Cầu Lộ cho Đức Cha Phêrô.

Đức Cha Phêrô lập Tiểu Chủng Viện Á Thánh Minh Vĩnh Long năm 1944.

Ngày 15/08/1944 , Tiểu Chủng Viện khai giảng khoá đầu tiên gồm 3 lớp và có 75 chủng sinh. Cho đến giờ phút nầy, số Linh mục tăng từ 47 (1938) đến 80 vị (1944). Đức Cha Phêrô chú ý đến việc nâng cao trình độ tri thức của hàng giáo sĩ Vĩnh Long nên ngài có gởi một số Linh mục đi ngoại quốc du học.

Năm 1957 ngài cho xây cơ sở II Tiểu Chủng Viện, cơ sơ nầy cũng là Trung tâm Truyền giáo và về sau trở thành Đại Chủng Viện Vĩnh Long.

Vào thời của Đức Cha Phêrô, Hội Dòng Thầy giảng Cái Nhum được sửa đổi và mang tên mới : Dòng Sư Huynh Kitô Vua, Thầy Bề trên được Toà Thánh cho phép chịu chức Linh mục. Lúc đó Hội Dòng nầy có 38 sư huynh và 100 đệ tử. Ngài cải tiến Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn và Cái Nhum. Các nữ tu được gửi đi học ở các trường Trung học và Đại học.

Ngài đã tổ chức khoá huấn luyện thanh niên, hoạt động Công giáo Tiến hành...Ngài cũng đã đi thăm viếng và ban phép Thêm Sức cho nhiều Họ đạo trong Giáo phận.

Hoạt động Văn hoá và Xã hội.

Xây dựng 6 trường Trung học tư thục, thâu nhận học sinh Công giáo và không Công giáo. Xây cất dưỡng đường Á Thánh Minh ở Vĩnh Long và dưỡng đường thánh Phêrô ở Sài Gòn.

Xây nhà Xã hội tại thị xã Vĩnh Long làm nhà đọc sách, diễn thuyết, sinh hoạt.
Trùng tu nhiều cô nhi viện của Giáo phận.

23 năm làm Giám mục Giáo phận Vĩnh Long, Đức Cha Phêrô đã để lại dấu ấn tốt đẹp mà nhiều người ngày hôm nay còn nhắc đến ngài. Người kế nhiệm Đức Cha Phêrô coi sóc Giáo phận là Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện.

Đức Giám Mục Antôn Nguyễn Văn Thiện (24/11/1960-18/9/1968)

Ngày 24 tháng 11 năm 1960 , với Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII về việc thiết lập phẩm trật Giáo Hội tại Việt Nam, Giáo phận Tông tòa Vĩnh Long được nâng lên hàng Giáo phận Chính tòa, Đức cha Ngô Đình Thục ra Huế làm Tổng giám mục, Đức cha Antôn Nguyễn Văn Thiện được chỉ định làm Giám mục Chính tòa Vĩnh Long với Khẩu Hiệu Opere et Veritate (Thực Hành và Chân Lý). Đức Cha Antôn Thiện là Giám mục thứ 19 trong các vị Giám mục Việt Nam, chịu chức cùng ngày 22/01/1961 với các Đức Cha sau đây : - Micae Nguyễn Khắc Ngữ (1909-2009) - Giuse Trần Văn Thiện (1908-1989), - Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921-1988). Bốn vị nói trên đã chịu chức trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, khi Giáo Hội Việt Nam bước vào một giai đoạn lịch sử quan trọng. Đó là việc Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII thiết lập hàng Giáo phẩm tại Việt Nam.

Hoạt động Tông đồ

Tám năm đảm trách Giáo Phận, Đức Cha Antôn có những hoạt động đáng ghi nhớ. Ngài nhận thấy cánh đồng bao la, thợ gặt ít, nên ngài đã khởi xướng và thành lập trung tâm Tu Hội Truyền Giáo : một cho Nam Giới (giao cho Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp), một cho Nữ Giới (Cha Phaolô Ngợi đảm trách). Năm 1961, Đức Cha lập Trung tâm Truyền giáo tại Ngã Ba Cần Thơ (cơ sở II Tiểu Chủng Viện) để huấn luyện những người có năng lực đi giúp việc truyền giáo : dạy giáo lý, đi thăm viếng...

Với tâm hồn tông đồ nhiệt thành, Đức Cha Antôn đã tổ chức tại Trung Tâm truyền giáo hơn 30 khóa huấn luyện Quới Chức, và các Hội Đoàn, đào tạo nên những tông đồ giáo dân cho Họ Đạo và cho xã hội. Năm 1961 và 1962 mỗi tuần đều có mở khóa, đến 1963 ban huấn luyện đi mở khóa ngay trong các Họ Đạo.

Năm 1964 Trung tâm nầy được sửa chữa để làm Đại Chủng Viện cho 3 giáo phận trong vùng (Cần Thơ, Vĩnh Long và Mỹ Tho) và Trung tâm Truyền giáo được di dời về Cầu Vồng (nhà thờ Phường 3). Cũng năm 1964 Đại Chủng Viện Xuân Bích Vĩnh Long khai giảng khoá đầu tiên dưới sự hướng dẫn và đào tạo của các Linh mục Tu Hội Xuân Bích.

Từ cuối năm 1964 Đức Cha Antôn đã cho xây cất Nhà Thờ Chánh Tòa với một phần vật liệu Đức Cha Ngô để lại, ở Ngã Ba Cần Thơ, theo mô hình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ phỏng theo mẫu con tàu to lớn của ông Noe trong sách Cựu ước.

Năm 1965, do lòng yêu mến Đức Mẹ sâu xa nồng nhiệt, Đức Cha Antôn cho thành lập trung tâm hành hương Fatima, thu hút giáo hữu gần xa hành hương để thêm lòng yêu mến và tôn kính Đức Mẹ.

Ngài có ý định hợp nhất Hội Dòng Mến Thánh Giá thành một thay vì hai Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum và Cái Mơn, nên Ngài cho xây dựng một nhà đệ tử chung. Nhưng mãi cho đến năm 1970 nhà nầy mới thành hình và được giao cho Cha Giacôbê Trần Văn Quyển phụ trách. Ngài cũng liệu đưa Dòng kitô Vua về ngay tỉnh lỵ để phát triển dễ dàng hơn.

Năm 1965, Đức Cha Antôn quyết định sử dụng nhà thờ Chính toà mới, tuy chưa hoàn thành, tổ chức lễ tấn phong Giám mục cho Đức Cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Giám mục Cần Thơ.

Nếu không có trở ngại vì tình thế, nếu có đủ phương tiện vật chất, chắc chắn công trình của Đức Cha Antôn đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho Giáo Phận.

Mắt càng ngày càng mờ, hai năm sau cùng Đức Cha Antôn đi đó, đi đây để nhờ bác sĩ chuyên khoa chữa trị, bác sĩ địa phương không chữa được mà những chuyên gia Ngoại Quốc cũng đành thúc thủ.

Ngài đã đệ đơn từ chức khoảng 1966. Đầu 1968 Đức Cha Antôn sang Nhật mong nhờ một bác sĩ Dòng Tu săn sóc may ra được thuyên giảm. Nhưng chính ở Nhật ngài mang thêm bệnh sạn trong túi mật phải giải phẫu. Ở đó ngài được tin Tòa Thánh chấp nhận cho từ chức.

Ngài bay về Vĩnh Long để tham dự những lễ quan trọng sẽ xảy ra. Ngày 12/09/1968, Ngài làm phụ phong trong lễ tiến chức Tân Giám Mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu tại Vương Cung Thánh Đường Sàigòn. Ngài dự lễ tri ân do các Linh Mục trong Giáo Phận Vĩnh Long tổ chức ngày 18/09/1968, và hai ngày sau đó, ngài về hưu ở nhà hưu dưỡng Giáo Phận Cần Thơ.

Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện để lại Giáo Phận đầy đủ các cơ sở cần thiết, ngài để lại cho giáo dân Giáo phận Vĩnh Long một Giáo phận trên đà phát triển. Ngài để lại nhiều kỷ niệm tinh thần và vật chất cho thế hệ đã qua và để lại âm hưởng đức tin cho thế hệ sắp đến. Để nhớ đến vị cựu chủ chăn của Giáo phận, năm 2006, tại Vĩnh Long, Giáo phận đã tổ chức lễ Tạ ơn Sinh nhật thứ 100 của ngài và luôn luôn cầu nguyện cho ngài.

Sau khi Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện từ giả Vĩnh Long về nhà hưu dưỡng Cần thơ rồi sang Pháp nghỉ hưu, Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu trở thành Giám mục Chính tòa Vĩnh Long.

Đức Giám Mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu ( 19/9/1968-03/07/2001 )

Ngày 19 tháng 09 năm 1968, Đức Giám Mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu nhận Giáo Phận Vĩnh Long. Nguyên Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long với Khẩu Hiệu Amor et Labor (yêu thương và lao khổ), Giám mục Giacôbê là vị Giám mục thứ ba của Giáo Phận Vĩnh Long. Lúc này Giáo Phận Vĩnh Long có khoảng 50.0000 giáo dân.

Hoạt Động Tông đồ

Đức Cha Giacôbê nhận Giáo phận Vĩnh Long vào thời điểm bị ảnh hưởng của biến cố Tết Mậu Thân, cho nên có nhiều cơ sở vật chất của Giáo phận hư hại nặng do bom đạn : Tiểu Chủng Viện, Toà Giám mục, Nhà thờ Chính toà.... Trong khoảng thời gian từ năm 1968 đến 1975, cho dù sống trong cảnh chiến tranh, nhưng Đức Cha vẫn có thể đi đến hầu hết các Họ Đạo trong Giáo phận. Cho đến năm 1975 những công việc của ngài thực hiện được:

Năm 1969 Tu hội Xuân Bích giao Đại Chủng Viện Xuân Bích lại cho Giáo phẩm địa phương lãnh trách nhiệm. Thiếu Giáo Sư, vì thế Giáo phận phải vất vả về vấn đề này, phải mời các Cha giáo từ các Giáo phận bạn.

Khánh thành Trung tâm Phaolô VI, do Tòa Thánh trợ cấp để đào luyện nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn. Thêm một trung tâm toàn quốc cho thiếu nhi Thánh Thể, do Cha Phaolô Nguyễn Văn Thãnh tổng tuyên úy xin tài trợ và thực hiện.

Cho phép mở một đệ tử viện Dòng Cứu Thế tại Vĩnh Long. Dòng Bác Ái Vinh Sơn cũng đến trú tại Vĩnh Long để thi hành công tác vãng gia và mở rộng địa bàn bác ái.

Ngài cũng cho dời nhà in của Giáo Phận ở SàiGòn về Vĩnh Long mong thiết lập một cơ sở phổ biến tư tưởng và tinh thần Phúc Âm.

Các Họ Đạo cách chung duy trì được lòng đạo đức, nhưng không tạo được những giáo điểm mới.

Năm 1975 ngày 30 tháng 4 thống nhất đất nước. Kể từ ngày đó đến năm 2001, dưới sự lãnh đạo của thể chế chính trị mới, Giáo phận Vĩnh Long cũng có những biến chuyển thăng trầm.

Rất nhiều cơ sở vật chất bị nhà nước hiện hành trưng thu hoặc trưng dụng, một số Linh mục và tu sĩ phải học tập cải tạo vì trước đó đã có tham gia ít nhiều với chính quyền VNCH. Sinh hoạt tôn giáo thường xuyên của các Họ Đạo, của các Hội Dòng hơi khó khăn. Dù vậy, niềm tin Kitô giáo của các tín hữu nói chung không những không bị lung lay, mà còn phát triển. Đặc biệt là sự hiện diện của mấy anh em Dòng Xi-Tô Phước Vĩnh.

Ngày 15 tháng 8 năm 1975 , Đức Cha Giacôbê tấn phong Giám mục phó Raphae Nguyễn Văn Diệp để cộng tác với ngài điều hành giáo phận trong hoàn cảnh sống mới.

Trong thời gian nầy, Đức Cha Giacôbê có thể đi đến các Họ đạo để ban Bí tích Thêm Sức (với giấy phép) và năm 1980 phong chức được một Linh mục.

Từ năm 1988 trở về sau hằng năm Giáo phận Vĩnh Long được phép phong chức Linh mục và gởi các chủng sinh sang Đại Chủng viện Cần Thơ vừa được nhà nước Việt Nam cho phép mở cửa.

Thập niên 1990-2000, sức sống các Hội Dòng dần dần hồi sinh. Dưới nhiều hình thức khác nhau, ơn gọi nam nữ tu sĩ có chiều hướng gia tăng. Các sinh hoạt Tôn giáo được coi như là dễ dàng hơn, việc xây dựng các nhà thờ bắt đầu chớm nở, mặc dù có những trở ngại.

Trong hoàn cảnh khó khăn của những năm sau 1975, Đức cha Giacôbê đã âm thầm nâng đỡ tinh thần của đoàn dân Chúa. Ngài đã tích cực đào tạo hàng giáo sĩ, tu sĩ và hoạt động Công giáo tiến hành của giáo dân. Ngài đã thành lập nhiều giáo xứ mới và số giáo dân trong giáo phận tăng cao. Từ khi nhậm chức đến ngày về hưu, Đức Cha Giacôbê đã vượt qua những khó khăn do chiến tranh, do tài chính, nhờ ơn Chúa giúp ngài đã lèo lái rất tốt con thuyền Giáo phận Vĩnh Long trên đà phát triển.

Ngày 03 tháng 07 năm 2001, Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu được toà Thánh chấp thuận cho nghỉ hưu vào tuổi 87, sau 33 năm làm Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long. Ngài trao Giáo Phận lại  cho người kế vị là Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân. Nhắc lại ngày 15 tháng 8 năm 1975, Đức Cha Giacôbê tấn phong Giám mục cho Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp.

Đức Giám Mục Raphae Nguyễn Văn Diệp (15/8/1975-10/5/2000).

Ngày 15 tháng 08 năm 1975 , Đức Giám Mục Raphae Nguyễn Văn Diệp được tấn phong Giám mục phó Giáo Phận Vĩnh Long với quyền kế vị Đức Giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu tại nhà thờ Chính Toà Vĩnh Long do chính Đức Giám mục Giacôbê chủ phong. Nguyên Giám Mục Phó Giáo Phận Vĩnh Long, Giám Mục Hiệu Toà Tubusuptu với Khẩu Hiệu Vigilate et Orate ( Hãy Tỉnh Thức và Cầu Nguyện). Sau 25 năm phục vụ Giáo phận Vĩnh Long trong cương vị Giám mục phó, ngày 10 tháng 05 năm 2000 Toà Thánh đã chấp nhận đơn xin nghỉ hưu của ngài với tuổi 75.

Hoạt động tông đồ.

Sau khi thụ phong Linh mục, ngài tích cực trong việc mục vụ giáo xứ : Quản xứ Cái Đôi và Bến Giá 1955. Phó và chánh xứ họ Bãi Xan 1956 đến 1960. Giám đốc Trung tâm Truyền giáo Giáo phận Vĩnh Long 1960 đến 1964. Chánh xứ họ đạo Cầu Vồng 1964 đến 1975. Giám mục Phó Giáo phận Vĩnh Long từ 15 tháng 08 năm 1975 đến 10 tháng 05 năm 2000. Trong cương vị Giám mục Phó ngài vẫn tiếp tục việc mục vụ họ đạo tại Cầu Vồng đến năm 2000. Ngài nghỉ hưu tại dòng Đồng Công Thủ Đức và đ ã được Chúa gọi về lúc 21 giờ 30 ngày thứ năm 20/12/2007 tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương Thành Phố Hồ Chí Minh. Ngày 24 tháng 12 năm 2007, thánh lễ An Táng của ngài được tổ chức tại nhà thờ Chính Toà Vĩnh Long và phần mộ của ngài nằm trong khu vực nhà thờ Chính Toà nầy.

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.

Đức Cha Raphae luôn luôn tỉnh thức theo tinh thần phúc âm Chúa Kitô. Ngài tỉnh thức để đáp lại tiếng Chúa mời gọi ngài thực hiện những gì có lợi ích cho phần rỗi linh hồn của đàn chiên mà ngài cùng với Giám mục Chính toà chăn dắt. Tỉnh thức để cầu nguyện, cầu nguyện cùng Chúa và với Chúa. 25 năm âm thầm cầu nguyện, 25 năm tìm hiểu thánh ý Chúa để thực hiện, 25 năm phục vụ cho đàn chiên Giáo phận Vĩnh Long, lo cho đàn chiên được những gì cần thiết cho đời sống, 25 năm kề vai sát cánh với Đức Cha Giacôbê để chia sẻ tình yêu và những lao nhọc với vị Giám Mục Chánh Toà.

Lời cầu nguyện không bao giờ thiếu nơi vị Mục Từ nhân lành. Ngài cầu nguyện không chỉ bằng lời mà bằng cả con người, cả cuộc sống của mình. Ngài cầu nguyện để nhận ra những gì cần thiết cho đàn chiên và sẵn sàng thực hiện tất cả những gì đem lại lợi ích cho đàn chiên mà Thiên Chúa trao phó cho Ngài. Những việc làm hết sức âm thầm, nhưng mang hiệu quả không âm thầm : lời cầu nguyện âm thầm với Chúa đã đem lại sức sống cho đàn chiên suốt 25 năm qua. 25 năm qua như một chặng đường dài, một chặng đường mà không phải lúc nào cũng được trải đầy hoa, nhưng dù vậy, cũng có những bông hoa được nở rộ lên trên từng bước chân Ngài đi qua.

Đức Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp được chính thức nghỉ hưu ngày 10 tháng 05 năm 2000, cùng ngày nầy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Cha Tôma Nguyễn Văn Tân làm Giám mục Phó Giáo phận Vĩnh Long.

Đức Giám Mục Tôma Nguyễn Văn Tân (03/7/2001-)

Ngày 3/7/2001 , Tòa Thánh chấp thuận cho Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu nghỉ hưu và trao quyền coi sóc giáo phận cho Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân với Khẩu Hiệu Ambulate In Dilectione (Hành Trình Trong Đức Ái). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục Phó Giáo Phận Vĩnh Long ngày 10/05/2000. Lễ tấn phong Giám Mục ngày 15/08/2000, do Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu chủ phong và hai Đức Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp và Phêrô Nguyễn Soạn phụ phong. Giám mục phó Giáo phận Vĩnh Long đến ngày 03/07/2001 làm Giám mục Chánh Toà Giáo phận Vĩnh Long.

Hoạt động tông đồ

Giáo sư Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long từ năm 1970 đến 1971. Đi du học từ 1971-1974. Trở về Việt Nam Ngài là giáo sư Ðại Chủng viện Vĩnh Long từ tháng 03 năm 1974. Phụ trách nhà thờ Chủng Viện từ năm 1980 đến năm 2000. Giáo sư ngoại trú môn Thần Học Luân Lý của Ðại Chủng viện Thánh Quí, Cái Răng, Cần Thơ từ cuối năm 1988 đến năm 2000. Đồng thời từ năm 1992 đến năm 2000 Ngài đảm nhận trách nhiệm các lớp Tiền Ðại Chủng Viện của giáo phận Vĩnh Long. Công việc đã và đang làm của ngài.

- Phát triển đức tin. Ngài bổ nhiệm các Linh mục đúng chỗ và đúng việc và ngài thúc đẩy làm việc các ban trực thuộc Uỷ ban Giám mục Hội đồng Giám Mục Việt Nam : Giáo lý, Phụng vụ, Giới trẻ, Thiếu nhi.....để củng cố và làm phát triển đức tin các thành phần Dân Chúa trong giáo phận. Ngài rất chú ý đến tình trạng đức tin của giáo dân khi họ đối diện với nếp sống mới của xã hội hôm nay trong đó có vấn đề di dân, nghèo khó, thất nghiệp, trẻ em bỏ học. Hằng năm tổ chức những ngày đại hội giới trẻ, thiếu nhi, gia đình..., đặc biệt tổ chức các khoá giáo lý nâng cao cho các anh chị em giáo dân để các anh chị em nầy về truyền đạt lại cho các người khác không có điều kiện theo học, hay để dạy giáo lý các cấp khác nhau.

- Phát triển và xây dựng mới các ngôi Thánh đường cũ kỷ. Tính đến hôm nay 2009, hầu hết các Nhà thờ Công giáo trong Giáo phận Vĩnh Long đã được xây dựng mới hay được sửa chữa đàng hoàng xứng đáng nơi thờ phượng Thiên Chúa. Ngài đã cho sửa chữa Toà Giám Mục, Tiểu Chủng Viện khang trang đẹp mắt.

- Phát triển Ơn gọi Nam và Nữ. Ngài rất quan tâm đến việc phát triển ơn gọi bằng cách nhắc nhở các Cha sở các Họ đạo thuộc Giáo phận Vĩnh Long chú ý đến ơn gọi tu sĩ nam cũng như nữ, bằng cách giúp đỡ các chủng sinh, các hội dòng nam nữ có mặt tại Giáo phận Vĩnh Long vật chất lẫn tinh thần. Ngài cộng tác rất nhiều trong công việc đào tạo Linh mục tu sĩ để phục vụ cộng đoàn Dân Chúa trong Giáo phận, cho tổ chức các khoá huấn luyện và bồi dưỡng thường xuyên cho các nữ tu hai Hội Dòng Mến Thánh Giá và các anh em Linh mục. Ngoài ra ngài cũng không quên các Cha dưỡng lão, ngài luôn quan tâm đến vấn đề nầy vì hiện nay chưa có chỗ ở đầy đủ và thích hợp cho các Cha dưỡng lão. Để khích lệ an ủi những gia đình tu sĩ có cha mẹ qua đời, chính ngài đến dâng thánh lễ An táng, dĩ nhiên ngài chủ sự lễ An táng cho các Linh mục trong Giáo phận qua đời.

- Phát triển xã hội. Ngài làm việc với các Cha và các Dì trong ban Bác ái xã hội và đã đưa chương trình hành động để giúp đỡ người nghèo, cộng tác cải thiện đời sống vật chất bằng việc khuyến khích xây dựng và sử dụng nước tinh khiết, cho vay vốn làm ăn để kiếm sống...vv....

Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân mang đến cho Giáo Phận Vĩnh Long sức sống mới đang dần được hình thành cách vững vàng hơn.

18302    08-01-2011 07:07:20