Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Mối Lợi Nỗi Đau

Nhiều người cho rằng sự đau khổ hay nỗi đau đớn là món quà bất đắc dĩ mà cuộc sống con người đôi khi phải nhận lãnh, nhưng không ai muốn bao giờ. Có lẽ đây là một nhận xét khiếm diện thường tình của tất cả mọi người bình thường khi nói đến vấn đề này. Việc tránh né đau khổ là ước muốn của đa số mọi người sinh sống trên thế gian này.

Nếu chúng ta đặt câu hỏi này với những bác sĩ chuyên về thần kinh (neurologist), họ sẽ xác nhận rằng: Đau khổ hoặc sự đau đớn là một sự rất cần thiết cho đời sống, vì đôi khi đó là dấu hiệu hệ thống thần kinh tái hoạt động. Đó là dấu hiệu tốt về mặt thể chất của con người. Thật ra nếu một người không cảm biết đau đớn hay không nhận biết đau khổ thì rất tai hại. Trong lãnh vực y học, tình trạng không cảm biết đau đớn được gọi là "Congenital Insensitivity to Pain with Anhidrosis" (CIPA). Đây là tình trạng y học rất hiếm đối với một người tự bẩm sinh không cảm nhận được sự đau đớn hay không cảm nhận được nhiệt độ thật (nóng hay lạnh). Mới nghe qua, chúng ta tưởng rằng đó là một điều tuyệt hảo; một người sống phây phã không phải lo ngại về việc cảm nhận đau khổ, không phải lo ngại về việc đau đớn thể xác khi bị thương, bị tai nạn, bị rủi  ro hay khi trải qua cuộc giải phẩu mà không cần phải có thuốc mê.

Nhưng khi truy xét tường tận, thì chúng ta nhận ra có lắm sự phiền toái do hậu quả của việc không cảm biết đau đớn. Cứ thử tưởng tượng một đứa bé cắn đầu ngón tay của mình để máu chảy ra mà không biết đau đớn gì; rồi dùng máu để vẽ lên tường hay dưới sàn nhà. Hay em bé này cắn môi, cắn lưỡi để máu chảy ra mà không biết đau đớn là gì. Có người không biết về tình trạng này, và cho rằng em bé ấy "chì" hay "bản lĩnh" ! Thật ra em đang bị chứng bệnh vô mẫn cảm (Insensitivity Disease). Cho nên, việc cảm nhận và biết đau đớn là điều rất cần thiết cho việc tăng trưởng của cơ thể và là khóa an toàn cho đời sống.

Cũng vậy, trong đời sống thiêng liêng cũng có một sự nối liền chặt chẽ giữa đời sống tâm linh và sự đau khổ. Trong đời sống mỗi người không ai không tránh khỏi những đau đớn và đau khổ dưới hình thức này hay hình thức khác. Khi cầu nguyện, có biết bao nhiêu lời van nài, xin Thiên Chúa cất đi những đau đớn về thể xác, hay đau khổ về tâm hồn. Lời van nài xin Chúa cất khỏi những cơn đau đớn "tức thì" để cuộc sống hoàn trở lại niềm vui hạnh phúc, là điều con người thường khi mong mỏi. Có người khi cầu xin không được điều mình mong muốn thì oán hận, trách móc. Người ta thường trách móc tại sao "Ông Trời" bắt tôi phải chịu thế này, thế nọ. Thiên Chúa cho phép đau đớn và đau khổ xảy ra trong đời sống con dân của Người để làm cho chúng ta vững mạnh về đức tin, và là phương thế để chúng ta gần gũi với Ngài.  Khi biết chắc như vậy chúng ta không còn đặt câu hỏi "tại sao" sự việc này lại xảy ra cho tôi? Chúng ta cần phải có tư tưởng và thái độ khiêm nhường, tín thác để có thể học hỏi và tăng trưởng đời sống tâm linh qua những đau khổ, thử thách. Dầu sao đi nữa từ ông Nôê, Abraham, Môise, vua Đavít, ... cho tới thánh tông đồ Phêrô, Phaolô đều phải trải qua những cơn thử thách. Họ đã chấp nhận và vượt qua cơn thử thách để bước đi gần gũi bên Chúa. Thử thách, đau khổ làm cho chúng ta, những người Kitô hữu bình thường, cũng được gần gũi với Chúa như những anh hùng đức tin. Nó giúp chúng ta chợt tỉnh cơn mê để nhận thức ra con người yếu đuối, giới hạn của mình; nhận thức ra hoàn cảnh chung quanh mình, và nhận thức tường tận về Đấng Chủ tể thống trị mọi sự, kể cả Sự chết. Thánh Phêrô đã nói: "Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Ðược chia sẻ những đau khổ của Ðức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Ðức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em. Ðừng có ai trong anh em phải chịu khổ vì tội giết người, trộm cắp, làm điều gian ác hoặc dây mình vào việc người khác; mà nếu có ai phải chịu khổ vì danh hiệu Kitô hữu, thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa vì được mang danh hiệu đó" (1Pr. 4,12-16) Và thánh Giacôbê tông đồ trong thư của ngài cũng khuyên bảo chúng ta: "Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn" (Gc. 1,2-3) và: "Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người" (Gc. 1,12).

Xin Thiên Chúa cất khỏi mọi đau đớn trong đời sống, có thể là điều tệ hại nhất mà người Kitô hữu cầu xin Chúa mà mình không biết. Khi làm như vậy, chúng ta đang cầu xin Chúa ngăn cản mọi cơ hội để chúng ta tăng trưởng đời sống thiêng liêng qua kinh nghiệm đau đớn thể xác hay đau khổ tâm hồn. Từ chối nỗi đau - Có thể chúng ta đang cầu xin Chúa làm cho chúng ta trở nên "vô cảm tâm linh", vì những cơn thử-thách-thực-nghiệm không đem lại cho mình một bài học cuộc sống thiêng liêng nào cả. Trong Thư thứ 2 gửi cho tín hữu Cô-rinh-tô, thánh Phaolô không những chỉ viết riêng cho các Kitô hữu của Giáo đoàn ấy lúc bấy giờ, mà còn cho mọi tín hữu Kitô ngày hôm nay: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Ðức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu. Chúng tôi lấy làm an tâm về anh em, vì biết rằng anh em thông phần thống khổ với chúng tôi thế nào, thì cũng sẽ được thông phần an ủi như vậy" (2Cr. 1,3-7).


Vậy nên, việc Thiên Chúa để mỗi người chúng ta trải qua những cơn thử thách, đau khổ trong đời sống là nhằm giúp chúng ta tăng trưởng mối tương giao của chúng ta với Đức Kitô, để chúng ta được trở nên "gần gũi" và được nên "giống" Ngài hơn!

Vậy thì hiện giờ tôi và bạn có đang trải qua kinh nghiệm đau đớn thể xác hay đau khổ về tâm hồn hay không? Những cơn thử nghiệm đó có giúp ích gì cho đời sống thiêng liêng của chúng ta không? Nó có giúp chúng ta "gần gũi" và "giống" Chúa hơn không? Hay những cơn thử nghiệm tâm linh - nỗi đau - của đời Kitô hữu không có ảnh hưởng gì hết đối với cuộc sống của tôi và bạn?

Nếu quả như vậy, thì cả tôi và bạn - Chúng ta đang bị tê liệt đời sống tâm linh mà mình không biết!

CÁT BIỂN

1265    03-07-2012 22:15:29