Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Một Chút Công Bằng

Nếu theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có không dưới 500 triệu người trên toàn cầu là nạn nhân của bệnh viêm gan siêu vi, thì con số nạn nhân viêm gan do rượu cũng không thấp hơn, dù là bệnh không truyền nhiễm. Nói đúng hơn, bệnh cũng có yếu tố lây lan, vì bợm nhậu dễ gì không rủ rê cho thêm phần xôm tụ. Viêm không đã đủ khổ. Với viêm gan do rượu còn cực hơn nhiều vì khả năng chuyển biến trong chiều hướng ác tính như xơ gan, ung thư gan chiếm tỷ lệ rất cao, do sức đề kháng của người bệnh khó tránh cảnh phải suy kiệt vì độ cồn của bia, rượu.

Lá gan, bên cạnh vai trò quan trọng trong nhiều quy trình: biến dưỡng, tạo huyết, tổng hợp kháng thể..., còn có nhiệm vụ giải độc cho cơ thể. Gan vì thế phải tiếp cận thường xuyên với đủ loại độc chất. Muốn gan làm tròn chức năng này thì cũng phải bảo vệ lá gan trước độc chất của môi trường ô nhiễm, hóa chất, vi sinh, dược phẩm... và đặc biệt là độ cồn trong bia, rượu. Nhiều người vẫn còn hiểu lầm là gan dễ bị xơ hóa. Sai, gan có khả năng chịu đựng rất cao. Cho dù bị tấn công đủ kiểu, gan vẫn có thể duy trì chức năng rất lâu, rất giỏi, nếu lá gan có đủ điều kiện phục hồi. Viêm gan hay xơ gan do rượu đúng là đáng tiếc chỉ vì gia chủ đã vô tình bỏ rơi lá gan.

Sau vài lần cạn chén thì tùy theo độ cồn mà một lượng ethylic nào đó phải được hấp thu vào máu. Tùy theo tính cảm ứng cá biệt mà ẩm khách sẽ mau xỉn hay cứng cựa. Nói chung thì khách càng ít say nếu độ ethylic càng thấp. Nhưng tác hại của rượu không dừng lại ở đó. Nhằm mục tiêu giải độc, gan phải tìm cách phân tích ethylic thành acetaldehyde, trước khi chất này được tiếp tục phân giải thành nước và thán khí để theo đường đào thải. Muốn được vậy thì lá gan trước hết phải khỏe. Gan đã bệnh mà ngày nào cũng gánh thêm rượu thì khỏi nói cũng biết hậu quả. Chưa hết! Nhược điểm của toàn bộ quy trình giải độc rượu là do khả năng phân giải ethylic của gan có giới hạn. Càng "dzô" nhiều bia, rượu thì lượng acetaldehyde tích lũy do không kịp biến dưỡng càng cao. Đây mới là vấn đề vì acetaldehyde chính là chất cực độc. Chất này không những tác hại trực tiếp trên nhu mô gan mà còn ảnh hưởng trên hệ thần kinh trong chiều hướng làm trì trệ hoạt động tư duy, xáo trộn trung khu điều khiển giấc ngủ, phân liệt cá tính và gây nghiện! Nếu xét về mặt dược lý, khó tìm đâu cảnh nhiều người quây quần chia nhau thuốc độc mà vui đến thế.

Như vậy, nếu có cách nào điều chỉnh vận tốc của phản ứng oxy hóa để ethylic được biến đổi thành acetaldehyde với nhịp hòa hoãn hơn, nhưng đồng thời gia tốc tiến trình thoái hóa acetaldehyde để độc chất này đừng có mặt quá lâu trong cơ thể thì không những bảo vệ được mô gan mà còn giúp giảm thiểu nhiều triệu chứng "đi kèm" như nhức đầu, mệt mỏi, vọp bẻ... sau bữa tiệc rượu.

Không khó tìm giải pháp. Khó là ở điểm người đã nghiện rượu mấy ai còn nhớ đến lá gan. Nếu biết thì đã không nghiện! Nhưng với người chưa nghiện mà vì lý do nào đó không tránh được ly rượu thì vẫn có nhiều cách để tối ưu hóa chức năng giải độc của lá gan trên cơ chế sinh học. Thí dụ:

- Uống lượng nước, được nước khoáng càng tốt, nhiều gấp đôi, gấp ba lượng rượu đã dùng ngay sau bữa tiệc. Tất nhiên phải chuẩn bị đường rút lui vì nếu tăng đầu vào thì phải chấp nhận tăng đầu ra.

- Áp dụng các hoạt chất có công năng giải độc trên cơ chế kháng oxy-hóa như flavon trong vỏ đậu xanh. Ông bà đã chẳng dạy nấu cháo đậu xanh để nguyên vỏ cho người quá chén đó sao?

- Phối hợp trà dược thảo, hay ngay cả dược phẩm, dẫn xuất từ nguyên liệu thiên nhiên có tác dụng lợi mật, lợi tiểu như rau má, actisô... khi vừa tan tiệc.

- Kết hợp hoạt chất có khả năng gia tốc phản ứng phân hủy acetaldehyde như acid succinic, acid fumaric, acid ascorbic (sinh tố C), như trong hổ phách trước hay ngay trong lúc nhậu.

- Ứng dụng khoáng tố vi lượng có tác dụng bảo vệ nhu mô gan như vanadium, germanium trong linh chi nhiều ngày sau một lần "quắc cần câu".

Dù đã viết nhưng vẫn muốn lập lại. Viêm gan do rượu là bệnh nặng, rất nặng, nhưng là bệnh có thể phòng tránh không khó. Nhưng xin lưu ý. Nếu phải uống rượu, nếu cần uống rượu, hay thậm chí nếu muốn uống rượu thì cứ uống, nhưng đừng quên bảo vệ lá gan một đời tận tụy. Xin đừng đem "gan" bỏ chợ! Có thế mới công bằng.

1014    01-01-2011 07:52:19