Bài 6: TRƯỞNG THÀNH NHÂN BẢN
Cùng với sự phát triển cơ thể, nhân bản con người cũng dần phát triển đạt tới độ trưởng thành. Cơ thể phát triển nhờ sự bảo dưỡng về thể dục (chế độ ăn uống, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, chế độ sinh hoạt, làm việc điều độ, cùng với những hoạt động giúp tăng cường sức khoẻ...). Nhân bản phát triển là nhờ sự giáo dục bảo dưỡng từ môi trường sống (gia đình, học đường, xã hội, tôn giáo). Như vậy thì nhân bản trưởng thành cũng đồng nghĩa với tinh thần làm chủ được bản thân (tính tự lập, tự chủ, tự chế, can đảm, kiên nhẫn, vượt thắng ...), đi đến làm chủ xã hội, làm chủ trần thế. Muốn đạt yêu cầu đó, tất yếu phải có sự giáo dục : Giáo dục nhân bản cho con người ngày một trưởng thành hơn.
I. TU THÂN
Để được giáo dục, con người không những cần được đón nhận sự giáo huấn từ bên ngoài, mà còn cần thiết phải có từ bên trong : tự giáo dục, tự huấn luyện ("Trong công trình đào tạo, một vài điều xác tín đặc biệt được xem là cần thiết và hữu ích. Trước hết cần xác tín rằng không thể có việc đào tạo thật sự và hữu hiệu nếu mỗi người không tự đảm trách và khai triển trách nhiệm đào tạo chính mình. Vì tất cả các công trình đào tạo thiết yếu phải là 'tự đào tạo lấy mình'. Sau đó, xác tín rằng mỗi người trong chúng ta là kết qủa và là nguyên tắc của việc đào tạo : Chúng ta càng được đào tạo hoàn hảo bao nhiêu, thì chúng ta lại càng có khả năng đào tạo kẻ khác bấy nhiêu" - TH/KTHGD V, 63). Phải chăng tự huấn luyện, tự giáo dục, tự đào tạo chính là những phương cách giúp con người tu thân ? Con người khi đã ý thức được giá trị đích thực của nhân bản, thì cũng là lúc nhận ra được hướng đi về mặt tinh thần cho cuộc đời mình được trưởng thành. Đó chính là con đường tu thân. Người Kitô hữu, hơn ai hết phải biết tu dưỡng bản thân theo 8 mối phúc. Thật ra, Tám Mối Phúc này là những điều hạnh phúc vượt qúa trí khôn và mọi sức lực của loài người bình thường. Nếu Thiên Chúa không nâng đỡ, không hướng dẫn, không ban ơn trợ lực, không thúc đẩy con người đi tới, thì con người mỏng giòn yếu đuối của chúng ta thật khó mà làm gì được. Do đó, sự trợ giúp của Thiên Chúa, qua những ơn phúc của Ngài - mà các nhà tu đức học phân chia thành nhiều loại như : Ân Sủng, Thánh Sủng, Đoàn Sủng, Hiện Sủng, Thường Sủng - là những ơn phúc đặc biệt, và là những tiếng gọi thường xuyên giúp ta đáp ứng với tiếng gọi thần linh của Thiên Chúa. Đã đành là phải có sự trợ giúp đắc lực của Thiên Chúa, nhưng nếu con người không quyết tâm thì sự tu thân cũng chẳng đi đến kết qủa. Vì thế, người Kitô hữu phải kiên tâm gắng sức tu tâm dưỡng tính theo theo 8 mối phúc trong "bài giảng trên núi" của Đức Giêsu (Mt 5, 1-12), người Thầy và cũng là Chúa chúng ta.
I. 1. Đức khó nghèo :
Thiên Chúa chúc phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Tinh thần nghèo khó phải được hiểu như là dù thực sự có thiếu thốn vật chất hay dư thừa của cải, lúc nào tinh thần cũng vui tươi, bình thản (nghèo không oán thán, dư dật không nô lệ cho tiền của). Bất cứ trong hoàn cảnh nào, cũng phải coi của cải vật chất như là một phương tiện sinh nhai, không bao giờ là cứu cánh cho cuộc sống trần gian đầy cám dỗ vật chất mê muội ("Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." - Lc 12, 13). Tinh thần nghèo khó còn là đức tính thương cảm đùm bọc những anh em bất hạnh, khổ cực hơn mình. Phải chân nhận rằng, cuộc đời con người, xét về nhiều phương diện, là một chuỗi dài những thử thách cam go. Vì thế phải có tinh thần siêu nhiên và phải được ơn Chúa, người ta mới biết coi rẻ, coi nhẹ, coi thường những của cải vật chất nơi trần gian luôn bày biện ra trước mặt với những vẻ hào nhoáng, hấp dẫn. Để được như vậy, có một phương thế mà người tín hữu phải kiên trì rèn luyện, đó là cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ với Thần Khí Chúa xin ơn soi sáng, hướng dẫn, và thêm sức can đảm vượt khó trong mọi nghịch cảnh.
I.2. Đức khiêm nhường :
Đức khiêm hạ đứng hàng đầu trong 7 điều cải hối do 7 mối tội đầu. Khiêm nhường là tự coi mình là người dưới, là người phục vụ anh em ("Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em - Ga 13, 12-16). Người khiêm nhường sẽ không phải bận tâm vì sợ kẻ khác đang đánh giá mình ra sao, sẽ được tự do, thong dong, tránh được những xúc cảm bồn chồn, lo lắng khi nghĩ đến những dèm pha đố kỵ của tha nhân. Họ sẽ dễ cảm hóa được thái độ kiêu căng, thù địch, nóng nảy của người khác bằng chính tấm lòng khiêm nhu, đại lượng của mình. Họ cũng là người rất tế nhị, không tỏ ra tắc trách trong công việc. Người có lòng khiêm tốn không mang nặng mặc cảm tự cao tự đại, cũng không phải là mẫu người tự ti, nên không tự làm khổ mình khi thấy mình lầm lẫn, dễ biết bỏ qua những chuyện kèn cựa, tị hiềm của anh em, tự tin vững bước trên hành trình hướng tới chân lý. Muốn có được một cuộc sống an vui đích thực, ngoài những yếu tố căn bản khác ra, thì điều kiện không thể không có là đức nhu mì, tấm lòng từ tốn, khiêm cung.
I.3. Đức sầu khổ (biết khóc than) :
Than khóc vì những điều lầm lỗi của bản thân đã xúc phạm đến Chúa, đến anh em, chính là việc quay trở về của đứa con hoang đàng, là người thu thuế đứng dưới cuối nhà thờ đấm ngực cầu xin : "Lạy Chúa, xin xót thương con là kẻ tội lỗi" (Lc 18, 11-14). Việc trở về với Thiên Chúa được gọi là việc hoán cải và hòa giải, bao gồm việc đau buồn và gớm ghét các tội mình đã phạm, với quyết tâm hối cải sẽ không phạm tội nữa. Do đó, việc hòa giải liên hệ tới dĩ vãng và tương lai. Nền tảng của việc hòa giải là niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự trở về ấy là đích điểm đón nhận lòng thương xót của Chúa, vì Người chính là người cha nhân hậu sẵn lòng dang tay đón người con hoang đàng, sẵn sàng để 99 con chiên mà đi tìm một con chiên bị lạc, sẵn lòng tha thứ cho người thu thuế biết hối cải. Tuy vậy, cũng cần phải ý thức rằng sự khóc than cũng có hai chiều kích : một mặt tích cực là sự hối tiếc ăn năn về những sai phạm lầm lỗi của bản thân; nhưng mặt khác lại là tiêu cực khi khóc than hờn dỗi (than thân trách phận), thậm chí đi đến chỗ oán ghét Thiên Chúa. Chỉ thực sự được Thiên Chúa chúc phúc khi sự khóc than xuất phát tự tấm lòng ăn năn hối cải vì những lỗi lầm xúc phạm đến Chúa, đến anh em, đồng thời với tâm nguyện thiết tha cầu xin lòng thương xòt của Chúa.
I.4. Đức trọn lành (công chính) :
Lời Chúa thông qua mạc khải đã cho con người được biết một cách rất xác thực rằng, con người đầu tiên đã được Thiên Chúa thiết lập trong tình trạng công chính (trọn lành). Nhưng con người đã bị thần dữ xiểm nịnh, xúi giục, đã lạm dụng tự do của mình khi đi ngược lại giới răn, không vâng phục Thiên Chúa. Mà vì phạm tội, con người đã làm mất sự thánh thiện và công chính từ nguyên thủy do Thiên Chúa ban, không những chỉ cho hai vị nguyên tổ (Adam và Eva), mà còn cho tất cả nhân loại mãi mãi về sau ("Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" - Mt 5, 20). Bản tính con người bị tổn thương vì tội nguyên tổ, là đã mất sự thánh thiện và công chính nguyên thủy. Sự mất mát này được gọi là "tội tổ tông". Do hậu qủa của tội nguyên tổ, sự chết đã nhập vào thế gian, bản tính con người bị suy nhược, đau khổ, dễ xu hướng về sự tội. Sự "hướng chiều" này vẫn quen gọi là dục vọng (dục : ước muốn ; vọng : hướng về). Tuy nhiên, nếu biết kiềm chế những đam mê, dục vọng có chiều hướng đi xuống, hạ thấp phẩm giá, nhân cách con người ; từ đó hướng chiều lên đường ngay lẽ phải, kiên cường sống theo Lời Chúa dạy, ắt sẽ vượt thắng đạt tới sự công chính như lòng Chúa mong đợi.
Ơn Cứu Chuộc của Chúa Kitô hệ tại việc "Người đến để hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người" (Mt 20:28). Nhờ sự tuân phục đầy tình thương đối với Chúa Cha cho đến chết trên thập giá, thì Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng đền tội (cho nhân loại) của Người Tôi Tớ đau khổ như lời Tiên tri I-sa-i-a đã loan báo trước "làm cho nhiều người nên công chính khi mang lấy tội lỗi của họ" (Is 53:11). Cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển của Chúa Kitô không những phục hồi phẩm giá, phục hồi lương tâm cho nhân loại, mà còn kéo lôi con người trở về với con đường công chính : làm con cái Thiên Chúa. Ai tin vào Chúa Kitô thì người ấy trở nên con cái của Thiên Chúa. Ơn được "làm nghĩa tử " ấy giúp người tín hữu có khả năng ước vọng "điều công chính", "sự trọn lành", và thực hành những nhân đức cần thiết để nên người trọn hảo.
I.5. Đức thương người (bác ái) :
Bác ái là tình yêu rộng rãi (bác : rộng ; ái : yêu). Bác ái là tình yêu không chỉ giới hạn trong phạm vi tình yêu giới tính (nam nữ). Kitô giáo chủ ở đức bác ái : mến Chúa yêu người. Lòng thương người, hiểu một cách cụ thể, phải là đức bác ái. Riêng với người Kitô hữu, thì bác ái là sống đạo : thực hành Lời Chúa, sống Lời Chúa, sống Đức Tin, (" Ai nghe lời Thầy mà đem ra thực hành thì, Thày chỉ cho anh em hay, người đó giống như kẻ xây nhà, đã đào bới rất sâu, đã đặt nền móng trên đá...." ( Lc 6, 47-48), mà Lời dạy của Đức Kitô là : "anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15, 12). Bác ái là một bổn phận, là một nhiệm vụ, là một việc phải làm. Không phải chỉ là lời khuyên, như nhiều người quan niệm có làm hay không cũng được, vì Lời Chúa dậy rõ ràng : "Đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Gc 2, 14-15). Trong 10 Điều Răn Chúa truyền dạy, thì chỉ có 3 điều "mến Chúa", mà có tới 7 điều "yêu người", Hội Thánh cũng dậy "Thương người có 14 mối : Thương xác 7 mối và thương linh hồn 7 mối", trong đó thể hiện thật rõ nét những việc làm cụ thể để biểu hiện lòng thương người. Kinh Thánh xác định rõ ràng : lòng yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời khỏi tình yêu thương anh em ("Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta... nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau... Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo" - 1Ga 4, 10-12). Kitô giáo được gọi là "Đạo Yêu Thương", "Đạo Bác Ái" chính bởi vì chỉ có một tôn chỉ duy nhất "Mến Chúa yêu người".
I.6. Đức trong sạch (khiết tịnh) :
Một trong 3 lời khuyên của Phúc Âm là đức khiết tịnh - lòng trong sạch. Giữ cho tâm hồn trong sạch, giữ cho đời sống thanh khiết, không vướng vào những hệ luỵ tiền tài, danh vọng, và nhất là sắc dục, đó là sống khiết tịnh. Đã có những giải thích chưa đúng về nhân đức khiết tịnh, cho rằng lời khuyên này của Phúc Âm chỉ dành riêng cho những bậc tu hành, còn những người sống bậc hôn nhân thì làm sao mà khiết tịnh cho nổi ! Để tránh những hiểu lầm không đáng có, cần phải minh định ngay : Đức khiết tịnh nơi một bậc tu trì khác với nơi một người sống bậc hôn nhân. Ở bậc tu trì thì phải kiềm chế hoàn toàn vấn đề tình dục, còn ở bậc hôn nhân thì vấn đề tình dục chỉ là sống đúng với thiên chức vợ chồng, không lạm dụng, không mê đắm, sa đà quá độ và tuyệt đối không được thể hiện tình dục với người không phải là bạn đời của mình (ngoại tình, gian dâm, chơi bời trác táng...).
I.7. Đức hoà thuận :
Trong gia đình biết sống hoà hiếu với nhau, ngoài xóm làng biết sống tương thân tương ái, rộng ra xã hội biết sống chan hoà yêu thương, cho chí phạm vi thế giới luôn biết cổ võ cho một nền hoà bình chân chính, đó là nhân đức hoà hiếu thuận thảo. Những người như thế sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa là những ai biết hy sinh cho một nền hòa bình chân chính, trong đời sống riêng tư cũng như trong tập thể cộng đồng dân tộc, được thể hiện ngay trong cuộc sống thường ngày, được áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của từng cá nhân trong mỗi cảnh ngộ của riêng mình. Con Thiên Chúa là những phần tử đáng được những phần thưởng cao qúi nhất, danh dự nhất, là những ai đã hiến thân cả một đời cho nền hòa bình thực sự, vững bền và vĩnh cửu. Hội Thánh đã nhắn nhủ con cái mình : "Chúa Kitô đến để hiệp nhất những gì bị phân rẽ, để hủy diệt tội lỗi và hận thù, và để làm cho con người tái nhận thức được ơn gọi nên một và tình yêu huynh đệ. Thế nên, Ngài là nguồn mạch và là khuôn mẫu cho một nhân loại được đổi mới, thấm nhiễm tình huynh đệ, chân thành, và một tinh thần an bình mà mọi người khát vọng" (Sl TRUYỀN GIÁO, 8), bởi chính Chúa Giêsu đã dậy : "Thày để sự bình an lại cho anh em, Thày ban sự bình an của Thầy cho anh em, Thày ban cho anh em sự an bình hoàn toàn khác với thế gían" (Ga 14, 27). Muốn có hòa bình thì phải biết xây dựng, bồi đắp lòng thương yêu, sự hòa thuận ngay từ trong gia đình đến những cộng đồng, tập thể, và rộng ra là xã hội. Và trên tất cả là phải biết cậy trông, tín thác vào chính Đức Kitô vì "Chính Ngài là sự an bình của chúng ta." (Eph 2, 14), " Chớ gì Thiên Chúa của niềm hy vọng đổ đầy lòng anh chị em niềm vui và sự an bình như anh chị em đã tín thác nơi Ngài" (Rm 15, 13).
I.8. Đức hy sinh (bị bách hại) :
Ngay sau điều Phúc Thứ Tám của "Tám Mối Phúc Thật", Chúa Giêsu đã nhấn mạnh hơn về nhân đức "bị bách hại" : "Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế" (Mt 5, 11-12). Mầu nhiệm về công ơn cứu chuộc của Con Thiên Chúa xuống thế làm người được gắn liền với khổ giá của Chúa Kitô. Không qua con đường khổ giá và sự chết đau đớn của Chúa cứu thế, không thể mang lại hoa trái là đời sống vĩnh cửu của muôn người. Vì thế, qua các thời đại, người ta vẫn hiểu rằng, đây là trường hợp của những người bị xử tử, bị hành quyết, vì đức tin Công giáo, vì đạo thánh Chúa. Nhìn vào tấm gương 118 vị Thánh Tử đạo Việt Nam để thấy được rằng các ngài đã chấp nhận hy sinh cả mạng sống mình vì Đao Chúa, vì Đức Tin Kitô giáo. Các ngài bị bách hại hoàn toàn không phải vì đời sống riêng tư của các ngài về đường chính trị (danh vọng, quyền lực) hay kinh tế (tiền của, vật chất), mà vì lòng dũng cảm tuyên xưng đức tin Kitô giáo, sự can đảm làm chứng nhân cho Tin Mừng Cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Điều đó giúp cho các Kitô hữu - cách riêng, các Kitô hữu Việt Nam - hiểu sâu hơn về Đạo Chúa, về tinh thần sống Đạo, về cuộc sống chứng nhân Tin Mừng trước những thử thách nghiệt ngã, những bách hại tinh vi và khủng khiếp của ba thù trong thời đại văn minh hiện nay.
Các mối phúc là tiêu chuẩn để đánh giá và hướng dẫn đời sống, giúp ta thấy rõ được mục đích của cuộc đời và cùng đích tối hậu của mọi hành vi con người, đó là được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Thiên Chúa đặt con người trước các mối phúc để họ tự chọn lựa và quyết định đời sống luân lý của mình. Họ cần nhận biết ý muốn của Thiên Chúa để thanh tẩy mình khỏi những bản năng xấu, loại bỏ quan niệm sai lầm coi hạnh phúc chỉ cốt ở giàu sang, danh vọng, quyền lực, hoặc chỉ cốt tại những công trình loài người, dẫu rất hữu ích, như khoa học kỹ thuật. Các mối phúc là con đường dẫn tới Nước Trời. Muốn được trưởng thành về nhân bản, con người phải từng bước dấn thân vào con đường ấy, nhờ Lời Chúa Kitô và ân sủng Chúa Thánh Thần, mà thực hiện những hành vi trong đời thường để sinh hoa kết trái tốt đẹp cho đồng loại và làm vinh danh Thiên Chúa.
Ngoài 8 mối phúc ra, người Kitô hữu cũng rất cần thiết phải được giáo dục về 10 Điều Răn của Chúa, đồng thời cũng phải trau giồi thật kỹ lưỡng 14 mối thương người ("thương xác 7 mối" + "thương linh hồn 7 mối"). Đó phải là những điều kiện ắt có và đủ để con người có thể trưởng thành nhân bản.
II. GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
Con người không thể sống riêng lẻ. Ngay trong việc tu thân, con người cũng phải đặt mình vào một môi trường xã hội cụ thể, đó chính là gia đình. Gia đình là xã hội thu nhỏ đối với xã hội loài người. Cũng vậy, gia đình là Giáo hội thu nhỏ của Giáo hội toàn cầu. Vấn đề này sẽ được bàn kỹ hơn ở Bài 6 : "CON NGƯỜI - GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI".
III. ĐỜI TU
Từ Ơn gọi làm người, Thiên Chúa đã khắc ấn nhân bản vào con người. Vấn đề giáo dục nhân bản được đặt ra ngay từ thủa mới sinh ("dạy con từ thủa còn thơ"), thậm chí ngay từ khi con người còn là một bào thai trong bụng mẹ. Khoa học ngày nay đã chứng minh bào thai cũng biết nghe nhạc, điều này chứng tỏ bào thai ảnh hưởng cả môi trường bên ngoài. Nên chi trong thời gian mang thai, người mẹ (và kể cả người cha nữa, trong cách cư xử với người mẹ) về mặt thể chất nên có chế độ ăn uống điều độ, chừng mực (không bê tha rượu chè, hút xách...), về mặt tinh thần nên giữ cho thư thái ôn hoà, tránh nóng giận, buồn bực, không thô lỗ cục cằn... Con người đã được "tu thân" từ đó, nên khi đón nhận Ơn gọi tu trì, cũng là lúc con người cần được giáo dục nhân bản trưởng thành hướng về đời sống tu trì. Nói khác hơn, trong cuộc sống tu trì, vấn đề giáo dục nhân bản cũng đi từ khởi nguyên : Thiên Chúa Tình Yêu -> Phẩm giá và lương tâm con người -> tu đức.
Vì đây chỉ là một trong nhiều mặt giáo dục nhân bản Kitô giáo, nhưng lại là một chuyên khoa thần học tu đức rộng lớn, nên chỉ xin lướt qua vài nhận định. Mong có dịp sẽ được bàn kỹ hơn.
III.1. Kiên trì niềm tin :
Từ một niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa trở thành đức tin kiên vững, con người sẵn sàng đón nhận ơn gọi tu trì. Được gọi sống cuộc đời tu, chắc chắn phải cầu nguyện, học hỏi, sống cuộc sống đức tin theo thần học tu đức. Hướng nhắm tới là làm sao kiên trì được với đức tin luôn được trau giồi và củng cố, để đạt mục đích cuối cùng là được làm môn đệ đích thực của Đức Giêsu Kitô.
III.2. Khổ chế :
Bước vào cuộc sống tu trì là đã chấp nhận từ bỏ tất cả những gì thuộc về trần gian, từ bỏ chính con người của mình, như lời dậy của Đức Kitô "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mc 8, 34). Muốn từ bỏ, phải chấp nhận hy sinh, đó là con đường khổ chế mà các nhà tu hành chân chính tự nguyện chọn cho đời mình.
IV. KẾT LUẬN
Đức Khổng Tử đã dạy : Muốn nên người (quân tử) thì phải biết tu thân, thân đã tu được rồi thì mới mong tề gia, điều hành gia đình cho tốt rồi mới hy vọng trị quốc, cai trị trông coi được đất nước, sau đó mới mong bình thiên hạ (kiến tạo hoà bình cho 4 phương thiên hạ). Chữ tu (trong tu thân) bao hàm ý nghĩa 'sửa chữa' (sửa thân, răn mình) để nên tốt hơn. Vậy, để trường thành nhân bản, không gì tốt hơn là vạch ra một con đường tu tâm dưỡng tính (tu thân), sống sao cho phải đạo làm người, đạo làm con Thiên Chúa. Phải khẳng định ngay rằng "điều răn quan trọng nhất" (mến Chúa, yêu người) mà Đức Giêsu Kitô đã dạy chính là kim chỉ nam cho cuộc sống đúng với chân lý nhân bản Kitô giáo vậy.
CÂU HỎI GỢI Ý THẢO LUẬN
1/- Nhân bản con người từ lúc mới sinh có phát triển cùng với thể lý không ? Ta gọi sự phát triển đó là gì ?
2/- Tại sao lại nói muốn tu thân thì phải học theo "Tám Mối Phúc" ?
3/- Trong 8 mối phúc thì mối phúc nào có thể bao hàm tất cả? Lý do ?
4/- Anh (chị) thử gút lại 10 Điều Răn của Chúa như lời dạy của Đức Giêsu Kitô.
5/- Anh (chị) thử lý giải tại sao Thánh Cả Giuse là tấm gương vĩ đại cho mẫu người công chính.